THÔNG TƯ
CỦA UỶ BAN KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC – TÀI CHÍNH – NGÂN HÀNG
NHÀ NƯỚC LIÊN BỘ SỐ 1 TT/LB NGÀY 4 THÁNG 2 NĂM 1991 VỀ
TÍN DỤNG ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CƠ BẢN TRONG KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC
Căn cứ Điều lệ quản lý xây dựng cơ bản ban hành kèm theo Nghị định số 385-HĐBT ngày 7-11-1990 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và quy định về giao kế hoạch 1991 của Nhà nước, Liên bộ Uỷ ban kế hoạch Nhà nước – Tài chính – Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn về tín dụng đầu tư xây dựng cơ bản trong kế hoạch Nhà nước như sau:
1. Nguồn vốn tín dụng đầu tư xây dựng cơ bản trong kế hoạch Nhà nước giao cho Ngân hàng đầu tư và phát triển gồm:
– Vốn Nhà nước cấp cho Ngân hàng đầu tư và phát triển hàng năm để hình thành vốn tín dụng đầu tư xây dựng cơ bản của Nhà nước.
– Vốn Ngân hàng đầu tư và phát triển huy động từ vốn khấu hao cơ bản được để lại (phần chưa sử dụng để đầu tư trong năm kế hoạch).
– Vốn Nhà nước vay nợ, nhận viện trợ qua Bộ Tài chính để giao lại cho Ngân hàng đầu tư và phát triển để đầu tư cho các công trình trong kế hoạch Nhà nước.
– Vốn huy động khác gồm: Vốn Ngân hàng đầu tư và phát triển vay nước ngoài để cho vay lại trong nước theo kế hoạch: Số thu nợ của các công trình đã cho vay đầu tư đến thời hạn trả nợ và các nguồn huy động khác (nếu có).
– Ngân hàng đầu tư và phát triển có trách nhiệm tập trung huy động các nguồn vốn nói trên để cho vay.
2. Đối tượng đầu tư tín dụng là: Các dự án đầu tư công trình, hạng mục công trình (gọi tắt là công trình ); xây dựng mới, cải tạo, mở rộng, đổi mới kỹ thuật và công nghệ, thuộc lĩnh vực sản xuất, kinh doanh dịch vụ có hiệu quả kinh tế, trả được nợ và lãi vay có trong danh mục kế hoạch Nhà nước hàng năm, chấp hành đúng các quy định trong điều lệ quản lý xây dựng cơ bản.
Công trình được đầu tư tín dụng theo kế hoạch Nhà nước phải:
a) Được bố trí đúng mục tiêu, phương hướng, cơ cấu của kế hoạch Nhà nước; có danh mục trong kế hoạch xây dựng cơ bản hàng năm. Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng chỉ định đối với công trình quan trọng trong danh mục hướng dẫn của Chủ nhiệm Uỷ ban kế hoạch Nhà nước. Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu bố trí, sắp xếp các công trình trong tổng mức còn lại theo thứ tự ưu tiên và đăng ký với Uỷ ban kế hoạch Nhà nước, Bộ Tài chính, Ngân hàng Đầu tư và phát triển.
b) Có luận chứng kinh tế – kỹ thuật hoặc báo cáo kinh tế – kỹ thuật, dự toán được duyệt đúng quy định trong Điều lệ quản lý xây dựng cơ bản.
c) Tính toán được hiệu quả kinh tế trực tiếp, bảo đảm nguồn vốn trả nợ, lãi vay trong thời hạn đã cam kết với Ngân hàng đầu tư và phát triển.
3. Các đơn vị được vay vốn đầu tư xây dựng cơ bản trong kế hoạch Nhà nước là các tổ chức kinh tế quốc doanh, hạch toán kinh tế độc lập, có tư cách pháp nhân đầy đủ, kinh doanh có lãi, bảo đảm hoàn trả vốn, lãi vay đúng hạn; có đủ điều kiện và tuân thủ thể lệ tín dụng.
Đối với công trình của các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh có giấy phép kinh doanh được cấp có thẩm quyền cấp, có tài sản thế chấp; hoàn trả được nợ và lãi vay Ngân hàng được Nhà nước xác định nguồn vốn đầu tư trong kế hoạch, Nhà nước hàng năm, cũng được Ngân hàng đầu tư và phát triển cho vay đầu tư theo quy định này.
Đơn vị kinh tế vay vốn đầu tư xây dựng cơ bản trước hết phải tận dụng nguồn vốn khấu hao cơ bản được để lại, quỹ phát triển sản xuất và nguồn vốn khác (nếu có) để đầu tư; Ngân hàng cho vay phần vốn cần thiết còn thiếu để bổ sung.
Đơn vị kinh tế muốn được vay vốn đầu tư phải có tài sản thế chấp hoặc phải có bảo lãnh của tổ chức kinh tế cấp trên cam kết trả thay đơn vị vay vốn nếu đến thời hạn trả nợ đơn vị trực tiếp vay không trả được nợ.
Trong trường hợp thế chấp, Ngân hàng được quyền phát mãi tài sản thế chấp để thu nợ.
4. Thời điểm trả nợ vốn tính từ khi công trình (bắt đầu sản xuất bộ phận hoặc toàn bộ). Lãi vay trả hàng tháng.
4.1. Tín dụng đầu tư từ nguồn vốn trong nước phân theo các loại sau:
– Công trình có hiệu quả kinh tế, thời hạn thu hồi vốn ở mức trung bình, thời hạn thu hồi vốn theo luận chứng kinh tế kỹ thuật được duyệt từ 5 năm trở lên.
Riêng các công trình thuộc các mục tiêu quan trọng then chốt của nền kinh tế quốc dân, thời gian thu hồi vốn dài, theo các quyết định riêng của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.
4.2. Tín dụng đầu tư từ nguồn vốn vay nợ nước ngoài:
– Các nguồn vốn vay nước ngoài như vay nợ Chính phủ, vay các tổ chức kinh tế, vay các Ngân hàng (trừ các trường hợp đơn vị kinh tế tự vay, tự trả) khi về trong nước, thuộc đối tượng đầu tư tín dụng trong kế hoạch Nhà nước, được chuyển qua Ngân hàng đầu tư và phát triển theo quy định của Bộ Tài chính để Ngân hàng đầu tư và phát triển cho vay các đơn vị kinh tế trong nước vay theo một lãi suất và thời hạn trả nợ trên nguyên tắc phải đảm bảo trả đủ nợ gốc và lãi vay nước ngoài bằng ngoại tệ hoặc bằng Đồng Việt Nam được tính theo tỷ giá ở từng thời điểm trả nợ; Ngân sách Nhà nước, Ngân hàng đầu tư và phát triển không bù chênh lệch về tỷ giá.
+ Đối với công trình nước ngoài cho vay thời hạn dài, lãi suất ưu đãi. Khi cho vay lại các đơn vị kinh tế trong nước phải có thời gian trả nợ gốc và lãi vay phù hợp với quy định ở điểm 4.1 và bảo đảm nguyên tắc trên.
+ Đối với công trình nước ngoài cho vay có thời hạn ngắn, lãi suất cao hơn lãi suất trong nước, phải bảo đảm đủ nợ gốc và lãi vay nước ngoài theo thời hạn và hợp đồng vay vốn nước ngoài.
– Vốn viện trợ để đầu tư các đối tượng sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có hiệu quả kinh tế và đảm bảo có khả năng thu hồi vốn Ngân hàng đầu tư và phát triển cho các tổ chức kinh tế trong nước vay, các tổ chức kinh tế trong nước sử dụng nguồn vốn này phải hoàn trả lại nợ gốc và lãi vay Ngân hàng theo quy định như tín dụng đầu tư từ nguồn vốn trong nước (nêu ở điểm 4.1). Nguồn viện trợ để cho vay được tính đổi sang “Đồng” (Việt Nam) theo tỷ giá từng thời điểm nhận viện trợ bằng ngoại tệ và được tính theo đơn giá, giá cả trong nước nếu nhận viện trợ bằng vật tư – thiết bị ngoài nước nhập về tại thời điểm nhận viện trợ.
5. Ngân hàng đầu tư và phát triển thực hiện việc cho vay trong phạm vi khả năng nguồn vốn, theo đúng mục đích và cơ cấu danh mục đầu tư trong kế hoạch Nhà nước, ưu tiên các công trình quan trọng của nền kinh tế quốc dân, các công trình đầu tư đạt hiệu quả kinh tế cao, có thời hạn thu hồi vốn ngắn, sớm trả nợ, Ngân hàng đầu tư và phát triển không cho vay các công trình ngoài kế hoạch, được quyền không cho vay đối với các công trình có danh mục trong kế hoạch nhưng không đủ điều kiện thực hiện, đồng thời báo cáo với Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Uỷ ban kế hoạch Nhà nước, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước.
6. Nguồn vốn để trả nợ vay:
– Các đơn vị kinh tế vay vốn có trách nhiệm huy động tối đa khấu hao cơ bản để lại quỹ phát triển sản xuất, một phần lợi nhuận để lại và các nguồn vốn khác (nếu có) để trả nợ và lãi vay Ngân hàng. Đồng thời phải làm đầy đủ nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của Nhà nước.
– Các đơn vị kinh tế vay vốn phải có trách nhiệm mở tài khoản và trích gửi đầy đủ, kịp thời vốn khấu hao cơ bản, quỹ phát triển sản xuất dành đầu tư vào Ngân hàng đầu tư và phát triển nơi đơn vị kinh tế đóng trụ sở. Đơn vị kinh tế được hưởng lãi suất tiền gửi theo quy định.
7. Xử lý các công trình chuyển tiếp đã được cấp phát và cho vay bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước trước đây như sau:
7.1. Đối với công trình sản xuất kinh doanh, dịch vụ đã được cấp phát từ vốn ngân sách Nhà nước trước đây nay có nhu cầu đầu tư tiếp và được ghi trong kế hoạch Nhà nước, phải được tính toán lại phần đầu tư tiếp, nếu có đủ điều kiện tín dụng mới được vay vốn để đầu tư phần tiếp theo.
7.2. Đối với công trình tín dụng đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước (theo Thông tư liên bộ 06) trước đây.
– Công trình đã hoàn thành xây dựng còn dư nợ vay, Ngân hàng tiếp tục thu nợ gốc và thu lãi theo mức lãi suất quy định mới (kể từ ngày ban hành Thông tư này) phù hợp với thời hạn vay ở điểm 4.1.
– Công trình chuyển tiếp: Nếu được ghi trong kế hoạch Nhà nước. Sau khi kiểm tra lại nếu có khả năng hoàn vốn và lãi vay Ngân hàng quy định ở điểm 4.1 thì được vay vốn để đầu tư tiếp và được áp dụng các điều kiện tín dụng đối với số vốn đã vay theo quy định tại Thông tư này.
– Công trình sẽ không có khả năng trả nợ và lãi, nếu xin cho vay tiếp thì ngưng cho vay, số vốn đã nhận vay trước đây được quyết toán báo cáo Nhà nước để xử lý. Nếu là công trình thuộc mục tiêu quan trọng của nền kinh tế báo cáo xin ý kiến Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.
8. Hàng năm, Uỷ ban kế hoạch Nhà nước, Bộ Tài chính, Ngân hàng đầu tư và phát triển và các ngành theo chức năng của mình, thực hiện các quy định trong Điều lệ quản lý xây dựng cơ bản có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ trong việc lập các danh mục công trình tín dụng đầu tư dài hạn và tổng mức vốn tín dụng đầu tư dài hạn cho từng Bộ, từng tỉnh, thành phố, Đặc khu trong kế hoạch xây dựng cơ bản hàng năm để trình Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.
Reviews
There are no reviews yet.