LIÊN BỘ Y TẾ – TÀI CHÍNH SỐ 24-TT/LB NGÀY 12-12-1986 QUY ĐỊNH
MỘT SỐ CHẾ ĐỘ ĐàI NGỘ ĐỐI VỚI CÁC LƯƠNG Y ĐƯỢC MỜI ĐỂ
THỪA KẾ GIẢNG DẬY TRÌNH BÀY TÂM ĐẮC KINH NGHIỆM
Để tiếp tục thực hiện tốt nghị quyết số 266-CP ngày 19-10-1978 của Hội đồng Chính phủ về việc tiếp tục phát triển y học cổ truyền dân tộc kết hợp chặt chẽ với y học hiện đại nhằm xây dựng nền y học Việt Nam và để phù hợp với giá cả hiện nay, liên Bộ Y tế-Tài chính quy định bổ xung chế độ đãi ngộ với các lương y được mời đến để thừa kế giảng dậy, trình bày tâm đắc kinh nghiệm tại các cơ sở y tế của Nhà nước như sau:
I. Chế độ đãi ngộ đối với lương y danh tiếng có nhiều kinh nghiệm được mời tới các cơ sở y tế của Nhà nước (bệnh viện, bệnh xá, phòng khám bệnh, trường trung học, đại học Y dược để tham gia điều trị, giảng dậy và phổ biến kinh nghiệm).
a) Lương y được hưởng tiền thù lao (chủ yếu để chi cho việc ăn uống) mỗi ngày theo các mức:
– Từ 70-80đ/ngày/người đối với tuyến huyện , quận, thị xã và thành phố trực thuộc tỉnh.
– Từ 80-100đ/ngày/người đối với tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ sở y tế Trung ương.
Trường hợp cá biệt, đối với lương y có tài năng đặc biệt có thể được hưởng mức đãi ngộ cao hơn do Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương quyết định (đối với địa phương) hoặc do Bộ Y tế quyết định (đối với các cơ sở y tế ở Trung ương).
Ngoài mức cơ bản quy định trên, tiền thù lao cho mỗi người/ngày còn được cộng thêm khoản phụ cấp chênh lệch giá sinh hoạt theo vùng quy định tại quyết định số 86-CT ngày 4-4-1986 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và quyết định số 117-HĐBT ngày 4-10-1986 của Hội đồng Bộ trưởng.
b) Lương y được thanh toán tiền tàu xe đi đường theo chế độ hiện hành.
c) Trường hợp đơn vị mời lương y không thu xếp được chỗ ăn, ở tại cơ quan thì được thuê khách sạn nội địa để phục vụ lương y và nếu có điều kiện thì bố trí ô tô của cơ quan đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại.
Mức ăn của lương y áp dụng như mức ăn của hội nghị chuyên đề theo quy định của Nhà nước cho từng cấp (thanh toán bằng tiền thù lao quy định tại điểm a nói trên).
d) Khi xong việc trở về gia đình, tuỳ theo thời gian phục vụ và kết quả công tác, lương y được hưởng một khoản thù lao bằng tiền mặt từ 200 đến 300 đồng.
e) Trong thời gian được mời làm việc, nếu ốm đau phải nằm điều trị tại bệnh viện thì từ tháng thứ hai trở đi được hưởng chế độ tiền ăn như đối tượng 1 được quy định tại mục 1, phần II thông tư số 13-TT/LB ngày 15-9-1986 của liên bộ Y tế – Tài chính hướng dẫn thi hành Quyết định số 72-CT ngày 25-3-1986 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về chế độ trợ cấp tiền thuốc, tiền ăn cho người bệnh tại các cơ sở y tế Nhà nước. Đối với các lương y có tài năng đặc biệt được đãi ngộ mức cao hơn, tuỳ từng trường hợp cụ thể do Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương hoặc Bộ Y tế quyết định.
– Trường hợp lương y đang nằm bệnh viện mà muốn về gia đình tự điều trị thì được cấp tiền tàu xe đi về đến gia đình.
– Trường hợp bị chết, nếu chết tại bệnh viện thì được mai táng theo chế độ hiện hành như đối với công nhân viên chức Nhà nước.
II. Chế độ đãi ngộ đối với lương y có danh tiếng nhưng do tuổi già, sức yếu không mời đến cơ sở y tế để thừa kế được mà phải cử cán bộ (y, bác sĩ, dược sĩ) đến thừa kế tại nhà riêng lương y theo các hình thức:
– Phỏng vấn hoặc toạ đàm để ghi lại kinh nghiệm tâm đắc của lương y.
– Gửi bệnh nhân đến lương y khám, điều trị bệnh tại chỗ để theo dõi, học tập.
Lương y được bồi dưỡng theo chế độ hiện hành áp dụng cho các giáo sư giảng dậy trong các trường đại học.
III. Chế độ đãi ngộ đối với lương y được mời dự hội nghị tâm đắc:
a) Lương y được mời đến dự hội nghị tâm đắc để báo cáo và trình bày kinh nghiệm tâm đắc của mình được đài thọ tiền ăn và các chi phí khác (tiền tàu xe, tiền ngủ khách sạn nếu có) như đối với lương y được mời đến giảng dậy được quy định tại mục I trên đây.
b) Lương y có những kinh nghiệm tâm đắc được chọn lọc trình bày trước hội nghị và được coi như báo cáo khoa học thì được hưởng bồi dưỡng theo chế độ hiện hành áp dụng cho các báo cáo viên khoa học hoặc các cán bộ giảng dậy tại các trường đại học.
c) Những kinh nghiệm tâm đắc được vận dụng vào thực tiễn phòng, chữa bệnh, được hội đồng khoa học kỹ thuật y dược của bệnh viện hoặc chuyên khoa kết luận là hiệu nghiệm 70% số người bệnh trở lên khỏi hoặc giảm bệnh thì được xét khen thưởng. Mức độ khen thưởng do đơn vị mời đề nghị và phải được Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố hoặc đặc khu (đối với các đơn vị thuộc địa phương) và Bộ Y tế (đối với các đơn vị thuộc Bộ) quyết định.
d) Trường hợp lương y tự nguyện cống hiến những môn thuốc gia truyền đặc hiệu (độc đáo) cho Nhà nước sản xuất kinh doanh thì được hưởng một khoản tiền từ 5% đến 10% số tiền lãi bán ra của môn thuốc đó theo quy định tại điểm 2 trong Quyết định số 319-CT ngày 15-9-1984 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về chế độ thưởng tiền và hiện vật đối với những người cống hiến môn thuốc gia truyền cho cơ quan y tế.
IV. Kinh phí cấp cho chế độ đãi ngộ đối với lương y:
Mọi khoản chi phí về chế độ đãi ngộ đối với lương y theo các quy định trong thông tư này đều do đơn vị mời lương y chi trả.
Đối với các đơn vị y tế ở địa phương, Sở Y tế tổng hợp lập dự trù kinh phí cho việc mời lương y thừa kế, dự hội nghị tâm đắc và khen thưởng trình Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu xem xét quyết định để Sở Tài chính kiểm tra và cấp phát.
Đối với các cơ sở y tế Trung ương, Bộ Y tế tổng hợp lập dự trù và gửi Bộ Tài chính để xét duyệt và cấp phát.
V. Điều khoản thi hành
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày thi hành, những quy định trước đây trái với thông tư này đều bãi bỏ.
Trong quá trình thực hiện, nếu còn gì vướng mắc, khó khăn đề nghị các địa phương, các đơn vị cơ sở phản ánh về liên bộ Y tế – Tài chính để nghiên cứu có hướng dẫn bổ sung cần thiết.
Reviews
There are no reviews yet.