THÔNG TƯ
LIÊN TỊCH CỦA ỦY BAN DÂN TỘC – BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ –
BỘ TÀI CHÍNH – BỘ XÂY DỰNG – BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN
NÔNG THÔN SỐ 676/2006/TTLT-UBDT-KHĐT-TC-XD-NNPTNT
NGÀY 8 THÁNG 8 NĂM 2006 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH
PHÁT TRIỂN KINH TẾ – Xà HỘI CÁC Xà ĐẶC BIỆT KHÓ KHĂN VÙNG
ĐỒNG BÀO DÂN TỘC VÀ MIỀN NÚI GIAI ĐOẠN 2006 – 2010
Căn cứ Quyết định số 07/2006/QĐ-TTg ngày 10 tháng 01 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển kinh tế xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2006 – 2010 (sau đây gọi chung là Chương trình 135 giai đoạn II); liên Bộ: Uỷ ban Dân tộc, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện như sau:
PHẦNI. QUY ĐỊNH CHUNG
1.Thông tư này hướng dẫn thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình 135 giai đoạn II theo Quyết định số 07/2006/QĐ-TTg, ngày 10 tháng 01 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ (sau đây gọi chung là Quyết định 07/2006/QĐ-TTg) và được thực hiện trên địa bàn xã và thôn, bản, buôn, làng, xóm, ấp (sau đây gọi là thôn bản) theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
2. Chương trình 135 giai đoạn II được đầu tư bằng nhiều nguồn vốn: Ngân sách trung ương, ngân sách địa phư ơng, huy động đóng góp, trong đó Ngân sách Trung ương là hỗ trợ. Phát huy vai trò tự lực, tự cường của các hộ nghèo và toàn thể cộng đồng vươn lên thoát nghèo, gắn quyền lợi, trách nhiệm của đồng bào các dân tộc vào việc tham gia thực hiện chương trình. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là UBND tỉnh) có trách nhiệm huy động nguồn lực của địa phương, của các đơn vị, tổ chức, các tầng lớp dân cư trong và ngoài tỉnh và lồng ghép các chương trình, dự án khác trên địa bàn để thực hiện;
3. Các nguồn vốn phải đưa vào kế hoạch quản lý thống nhất. Việc phân bổ vốn Ngân sách Trung ương (NSTW) hỗ trợ cho địa phương hàng năm phải bảo đảm tất cả các xã, thôn, bản thuộc chương trình đều được thụ hưởng, thông báo đến từng xã, đầu tư đúng mục đích, đúng đối tượng, có hiệu quả, không để thất thoát. Trung ương phân bổ vốn hỗ trợ cho tỉnh bình quân theo xã, thôn bản của tỉnh; ở địa phương, việc phân bổ vốn phải thực hiện theo tiêu chí. UBND tỉnh xây dựng tiêu chí theo điều kiện về vị trí địa lý, diện tích, số dân, tỷ lệ hộ nghèo và điều kiện đặc thù của từng xã, thôn bản trình Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh quyết định làm cơ sở phân bổ vốn cụ thể cho xã, thôn bản, không bình quân chia đều;
4.Thực hiện chương trình phải công khai, dân chủ từ cơ sở, phát huy mạnh mẽ sự tham gia của người dân trong quá trình thực hiện. UBND tỉnh chỉ đạo tổ chức thực hiện công khai theo quy định hiện hành;
5. Tăng cường phân cấp cho cấp xã quản lý từng dự án của chương trình. UBND tỉnh và Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã (sau đây gọi là UBND huyện) có trách nhiệm hướng dẫn và tăng cường cán bộ giúp đỡ các xã để xã trực tiếp quản lý.
6. Thực hiện chương trình ở xã phải đạt được các lợi ích: Xã được hỗ trợ đầu tư để phát triển kinh tế – xã hội; đội ngũ cán bộ xã, thôn bản và cộng đồng được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực; người dân có việc làm, tăng thêm thu nhập từ việc tham gia thực hiện chương trình của xã.
7. Từ năm 2008 trở đi, hàng năm thực hiện rà soát các xã, thôn bản hoàn thành mục tiêu để đưa ra khỏi diện đầu tư chương trình.
PHẦN II. QUY ĐỊNH CỤ THỂ
I. THỰC HIỆN CÁC DỰ ÁN VÀ CHÍNH SÁCH
Chương trình 135 giai đoạn II có bốn nhiệm vụ, các nhiệm vụ của chương trình được thực hiện bằng các dự án và chính sách, cụ thể như sau:
1. Dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao trình độ sản xuất của đồng bào các dân tộc (gọi tắt là dự án hỗ trợ phát triển sản xuất).
2. Dự án Phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu.
3. Dự án Đào tạo,bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ xã, thôn bản và cộng đồng
4. Chính sách Hỗ trợ các dịch vụ, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, trợ giúp pháp lý để nâng cao nhận thức pháp luật
Sau đây là những quy định cụ thể về thực hiện các dự án, chính sách của Chương trình 135 giai đoạn II.
1. Dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất
1.1 Đối tượng
a) Hộ nghèo (theo chuẩn nghèo tại Quyết định số 170/2005/QĐ-TTg ngày 8/7/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo áp dụng cho giai đoạn 2006 – 2010) được ưu tiên hỗ trợ thêm các hoạt động mang tính dịch vụ của dự án;
b) Nhóm hộ đang sinh sống trên địa bàn các xã, thôn bản thuộc phạm vi chương trình được hỗ trợ một phần cho đầu tư phát triển của dự án.
Những hộ được thụ hưởng chính sách phải được bình chọn công khai, dân chủ từ cơ sở, UBND xã lập thành danh sách thông qua thường trực HĐND xã trình UBND huyện phê duyệt.
1.2. Nội dung đầu tư Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất gồm các nội dung hoạt động sau:
1.2.1. Hỗ trợ các hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, khuyến công;
1.2.2. Hỗ trợ xây dựng và phổ biến nhân rộng mô hình sản xuất;
1.2.3. Hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, vật tư sản xuất (áp dụng với hộ nghèo);
1.2.4. Hỗ trợ mua sắm trang thiết bị, máy móc, công cụ chế biến bảo quản sản phẩm sau thu hoạch. Khung mức hỗ trợ và các loại trang thiết bị, máy móc cụ thể do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn;
1.3. Quy trình lập, thẩm định, phê duyệt dự án và kế hoạch đầu tư
1.3.1 Quy trình lập, thẩm định, phê duyệt dự án do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn
1.3.2 Lập kế hoạch đầu tư: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan hướng dẫn các nội dung đầu tư phù hợp với điều kiện của điạ phương.Từng nội dung đầu tư phải được xây dựng từ thôn bản, do dân bàn bạc lựa chọn. Căn cứ vào nội dung đầu tư do dân lựa chọn và số hộ được thụ hưởng, UBND xã lập kế hoạch trình UBND huyện thẩm định, phê duyệt và tổng hợp báo cáo UBND tỉnh;
Trên cơ sở tổng hợp báo cáo của các huyện, UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch vốn từng năm, cả giai đoạn và kế hoạch huy động các nguồn vốn.
1.3.3 Căn cứ kế hoạch vốn cho dự án đã được HĐND tỉnh quyết định, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì xây dựng mức hỗ trợ cụ thể cho từng nội dung, đối tượng thụ hưởng trình UBND tỉnh quyết định để làm cơ sở phê duyệt dự toán và thanh quyết toán.
1.3.4.Trên cơ sở kế hoạch vốn thực hiện dự án của huyện được UBND tỉnh giao và định mức hỗ trợ, UBND huyện phê duyệt dự toán của từng xã, tổng hợp báo cáo Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư và Cơ quan thường trực chương trình biết theo dõi, giám sát thực hiện.
1.3.5. Nguồn vốn xây dựng mô hình, mua sắm trang thiết bị máy móc chế biến, bảo quản sau thu hoạch bố trí từ nguồn vốn đầu tư phát triển, các nội dung còn lại của dự án bố trí từ nguồn vốn sự nghiệp của dự toán ngân sách năm kế hoạch.
1.4. Tổ chức thực hiện
1.4.1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giúp UBND tỉnh làm nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với dự án trên địa bàn tỉnh, nhiệm vụ cụ thể theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
1.4.2. UBND huyện giao cho một đơn vị của huyện quản lý thực hiện dự án; căn cứ vào năng lực đội ngũ cán bộ xã và điều kiện cụ thể của dự án, UBND huyện có thể giao cho cấp xã quản lý thực hiện một số nội dung hoặc toàn bộ dự án.
UBND huyện có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra giám sát thực hiện dự án trên địa bàn.
1.4.3. Nội dung hoạt động cụ thể, quy trình thực hiện, nghiệm thu, bàn giao…theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn;
2. Dự án phát triển cơ sở hạ tầng
2.1.Đối tượng công trình đầu tư
2.1.1. Công trình đầu tư tại xã:
a) Công trình giao thông từ xã đến thôn bản, liên thôn bản. Không sử dụng nguồn vốn của Chương trình 135 để đầu tư đường ô tô đến trung tâm xã;
b) Công trình thuỷ lợi nhỏ phục vụ trong phạm vi xã hoặc liên thôn bản;
c) Công trình điện từ xã đến thôn bản. Không sử dụng vốn của Chương trình 135 để đầu tư xây dựng công trình điện đến trung tâm xã;
d) Xây dựng mới, nâng cấp trường, lớp học tại trung tâm xã, đồng bộ cả điện, nước sinh hoạt, trang bị bàn ghế học tập, công trình phục vụ cho học sinh bán trú, nhà ở giáo viên; xây dựng lớp tiểu học, lớp mẫu giáo, nhà trẻ, nhà ở giáo viên công trình phụ tại thôn bản nơi cần thiết;
e) Xây dựng mới, nâng cấp trạm y tế xã đồng bộ cả công trình phụ trợ điện, nước sinh hoạt, mua sắm trang thiết bị thiết yếu theo chuẩn hoá cơ sở y tế cấp xã;
f) Chợ: chỉ hỗ trợ đầu tư công trình nhà lồng chợ và san tạo mặt bằng ban đầu dưới 5000 m2;
g) Nhà sinh hoạt cộng đồng tại thôn bản có từ 50 hộ trở lên;
h) Công trình cấp nước sinh hoạt tập trung.
2.1.2. Công trình đầu tư tại thôn, bản thuộc xã khu vực II:
a) Công trình giao thông từ thôn, bản đến trung tâm xã;
b) Công trình thuỷ lợi nhỏ: xây dựng cống, đập, trạm bơm, kênh mương và công trình trên kênh mương trong phạm vi thôn bản…công trình thuỷ lợi khác có mức vốn dưới 500 triệu đồng;
c) Công trình điện từ xã đến thôn bản;
d) Xây dựng lớp tiểu học, mẫu giáo, nhà trẻ, nhà ở giáo viên, cả trang bị bàn ghế, điện, nước sinh hoạt;
e) Nhà sinh hoạt cộng đồng tại thôn bản có từ 50 hộ trở lên;
f) Công trình cấp nước sinh hoạt tập trung;
2.2. Chủ đầu tư
2.2.1.Công trình hạ tầng Chương trình 135 là công trình có quy mô nhỏ, xây dựng trong phạm vi xã, thôn bản; UBND tỉnh uỷ quyền cho UBND huyện quyết định đầu tư công trình hạ tầng thuộc chương trình trên địa bàn huyện.
2.2.2.Tuỳ theo quy mô, tính chất công trình, UBND tỉnh quyết định huyện hoặc xã làm chủ đầu tư. Công trình do huyện quản lý thì UBND huyện làm chủ đầu tư, do xã quản lý thì UBND xã làm chủ đầu tư:
a) Những công trình hạ tầng có quy mô nhỏ, kỹ thuật đơn giản giao cho xã làm chủ đầu tư như:
– Đường giao thông đến thôn bản thi công bằng phương pháp thủ công;
– Công trình thuỷ lợi: chủ yếu là đào, đắp kênh mương;
– Lớp tiểu học, lớp mẫu giáo, mầm non thôn bản;
– Nhà sinh hoạt cộng đồng;
– Công trình cấp nước sinh hoạt cho thôn bản;
– Công trình khác có mức vốn đầu tư dưới 300 triệu đồng;
– Công trình xây dựng tại thôn bản ĐBKK thuộc xã KV II.
b) Những công trình ngoài quy định trên do huyện làm chủ đầu tư. Trong quá trình điều hành, tuỳ theo quy mô và tính chất của từng công trình cụ thể và điều kiện năng lực của đội ngũ cán bộ xã, UBND huyện có thể phân cấp cho xã làm chủ đầu tư những công trình có tính chất, quy mô lớn hơn mức quy định trên.
2.3.Ban quản lý dự án
2.3.1. Cấp làm chủ đầu tư quyết định việc thành lập ban quản lý dự án.
Việc thành lập ban quản lý dự án thực hiện như sau:
a) Cấp huyện là chủ đầu tư: UBND huyện thành lập ban quản lý dự án hoặc giao cho ban quản lý dự án đã có thực hiện. Chủ tịch hoặc phó Chủ tịch UBND huyện không kiêm nhiệm trưởng ban quản lý dự án. Ban quản lý dự án huyện được mở tài khoản tại KBNN huyện và có con dấu riêng.
b) Xã là chủ đầu tư: sử dụng Ban quản lý dự án chung của xã để thực hiện, Ban quản lý dự án của xã có tư cách pháp nhân, được mở tài khoản tại KBNN huyện và sử dụng con dấu của xã để giao dịch.
2.3.2. Nhiệm vụ của Ban quản lý dự án:
a) Thực hiện các thủ tục về giao nhận đất, chuẩn bị mặt bằng xây dựng và các công việc khác phục vụ cho việc xây dựng công trình;
b) Chuẩn bị hồ sơ thiết kế, dự toán xây dựng công trình để chủ đầu tư tổ chức thẩm định, phê duyệt theo quy định;
c) Lập hồ sơ mời thầu (nếu có), tổ chức lựa chọn nhà thầu;
d) Đàm phán, ký hợp đồng với các nhà thầu theo uỷ quyền của chủ đầu tư;
đ) Thực hiện nhiệm vụ giám sát khi có đủ năng lực và phối hợp ban giám sát xã giám sát thi công xây dựng công trình; báo cáo tiến độ;
e) Nghiệm thu, thanh toán, quyết toán theo hợp đồng ký kết;
g) Quản lý chất lượng, khối lượng, tiến độ, chi phí xây dựng, an toàn và vệ sinh môi trường của công trình xây dựng;
h) Nghiệm thu, bàn giao công trình;
i) Lập báo cáo kết quả thực hiện, vốn đầu tư hàng năm, báo cáo quyết toán khi dự án hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng;
k) Thực hiện các nhiệm vụ khác do Chủ đầu tư uỷ quyền và chịu trách nhiệm trước Chủ đầu tư.
Trong các nhiệm vụ trên, nếu Ban quản lý dự án chưa có đủ năng lực thực hiện thì phải thuê tư vấn; trường hợp không có tư vấn theo yêu cầu, UBND huyện cử cán bộ có năng lực đáp ứng giúp ban quản lý dự án thực hiện.
2.4 Ban Giám sát xã
2.4.1. Ban giám sát của xã có nhiệm vụ giám sát xây dựng công trình thực hiện trên địa bàn xã từ giai đoạn lập khảo sát xây dựng đến thi công, nghiệm thu, bàn giao đưa công trình vào sử dụng và thanh quyết toán công trình.
2.4.2. Trong quá trình thi công công trình, Ban giám sát xã phối hợp với giám sát của chủ đầu tư (giám sát của ban quản lý dự án, tư vấn giám sát), giám sát tác giả có nhiệm vụ giám sát chất lượng, khối lượng, giá vật liệu, tiến độ thi công, là thành viên nghiệm thu công trình ở các giai đoạn.
2.5. Quy hoạch xây dựng công trình cơ sở hạ tầng
2.5.1. Các xã mới được bổ sung vào chương trình phải tổ chức lập quy hoạch xây dựng trước khi triển khai các hoạt động xây dựng. Các xã chuyển tiếp vào diện đầu tư chương trình phải tổ chức rà soát, điều chỉnh quy hoạch xây dựng phù hợp với quy hoạch sản xuất và bố trí dân cư ở xã, thôn bản. Các công trình hạ tầng phải tính toán đầu tư có hiệu quả, phục vụ cho nhiều hộ dân sống tập trung, không được đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng ở nơi dân cư sống quá phân tán, nhỏ lẻ.
2.5.2.UBND xã lựa chọn đơn vị tư vấn có đủ năng lực lập quy hoạch xây dựng, thông qua HĐND xã trình UBND huyện phê duyệt. Vốn để lập quy hoạch được bố trí trong kế hoạch từ nguồn vốn ngân sách đầu tư cho Chương trình 135.
2.6. Kế hoạch đầu tư
2.6.1.Trên cơ sở đối tượng được đầu tư quy định tại điểm 2.1 và danh mục công trình trong quy hoạch xây dựng của xã; từ quý 2 hàng năm, UBND xã thông báo và tổ chức lấy ý kiến tham gia của nhân dân có sự tham gia của các tổ chức đoàn thể xã hội để lựa chọn danh mục, quy mô công trình trong quy hoạch theo thứ tự ưu tiên đưa vào kế hoạch thực hiện năm sau, tổng hợp thông qua Hội đồng nhân dân xã để báo cáo UBND huyện tổng hợp trình UBND tỉnh.
2.6.2. Theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về xây dựng kế hoạch hàng năm và danh mục công trình đầu tư kế hoạch năm sau, UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch chuẩn bị đầu tư làm cơ sở các chủ đầu tư tổ chức lập báo cáo kinh tế kỹ thuật.
Vốn lập báo cáo kinh tế kỹ thuật được bố trí trong kế hoạch từ nguồn vốn Ngân sách đầu tư cho dự án thuộc Chương trình 135.
2.7 Lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật xây dựng công trình
2.7.1. Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng tại các xã, thôn bản bao gồm công trình quy mô nhỏ không phải lập dự án đầu tư, chỉ lập báo cáo kinh tế kỹ thuật xây dựng công trình và phải đầu tư hoàn thành dứt điểm không quá 2 năm. Những công trình có mức vốn dưới 500 triệu đồng đã nằm trong quy hoạch thì báo cáo kinh tế kỹ thuật chỉ phải nêu: tên công trình, tên chủ đầu tư, địa điểm xây dựng, quy mô công trình, nguồn vốn, thời gian thi công, thời gian hoàn thành và thiết kế bản vẽ thi công, dự toán.
2.7.2.Báo cáo kinh tế kỹ thuật xây dựng công trình do chủ đầu tư lựa chọn đơn vị có tư cách pháp nhân, đủ năng lực thực hiện và trình UBND huyện thẩm định theo quy định trước khi phê duyệt.
2.7.3 Quản lý chi phí đầu tư công trình hạ tầng thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 01/2006/TT-BXD ngày 17/5/2006 của Bộ Xây dựng hướng dẫn lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng Chương trình phát triển kinh tế- xã hội các xã ĐBKK vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2006 – 2010.
2.8. Thực hiện đầu tư xây dựng công trình
Việc thực hiện đầu tư xây dựng công trình tuân theo Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, các Nghị định số 209/2004/NĐ-CP (NĐ 209/2004/NĐ-CP), ngày 16/12/2004 của Chính phủ về Quản lý chất lượng công trình, Nghị định số 16/2005/NĐ-CP (NĐ 16/2005/NĐ-CP) ngày 7/02/2005 của Chính phủ về Quản lý dự án đầu tư xây dựng và các văn bản hướng dẫn thực hiện. Đối với các công trình hạ tầng thuộc Chương trình 135, do tính đặc thù, một số quy định cụ thể thực hiện như sau:
2.8.1. Lựa chọn nhà thầu xây dựng
a) Chỉ định thầu xây dựng:
Khuyến khích hình thức đấu thầu đối với tất cả các hoạt động xây dựng. Các trường hợp sau đây được áp dụng hình thức chỉ định thầu: Gói thầu về dịch vụ tư vấn xây dựng có giá dưới 500 triệu đồng; gói thầu mua sắm hàng hoá, xây lắp có giá dưới 1 tỷ đồng thuộc dự án đầu tư phát triển; gói thầu mua sắm hàng hoá có giá dưới 100 triệu đồng thuộc dự án hoặc dự toán mua sắm thường xuyên; các trường hợp trên nếu thấy cần thiết thì tổ chức đấu thầu.
b) Việc chọn nhà thầu xây lắp là các doanh nghiệp, Ban quản lý dự án phải thông báo công khai tại nơi công cộng, trên đài, báo và truyền hình địa phương, gửi thư cho các nhà thầu trước 10 ngày về các thông tin của công trình và điều kiện tuyển chọn. Mỗi công trình phải có ít nhất 3 nhà thầu tham gia tuyển chọn, Ban quản lý dự án lựa chọn nhà thầu phù hợp nhất để trình Chủ tịch UBND huyện quyết định.
UBND tỉnh quy định cụ thể về quy trình, hình thức chọn nhà thầu và hợp đồng xây dựng.
c) Đối với khối lượng công việc chủ yếu sử dụng lao động thủ công, xã có thể làm được thì Chủ đầu tư giao cho xã tự tổ chức thi công và tự chịu trách nhiệm. Chủ đầu tư trực tiếp ký hợp đồng với dân thông qua tổ, đội thi công của xã để tạo điều kiện nhân dân tham gia lao động, tăng thêm thu nhập, ưu tiên những hộ nghèo, phụ nữ tham gia, việc thực hiện hợp đồng và thanh toán cho dân có sự giám sát của Ban giám sát xã;
Chủ đầu tư tạo điều kiện để nhân dân trong xã và các lực lượng lao động khác như bộ đội biên phòng, bộ đội đóng quân tại địa bàn được tham gia xây dựng công trình hạ tầng và phát triển kinh tế ở các xã thuộc Chương trình 135.
d) Công trình do nhân dân trong xã tự làm được tạm ứng tối đa 50% kế hoạch vốn hàng năm của công trình; công trình do các doanh nghiệp thi công được tạm ứng tối đa 30% kế hoạch vốn hàng năm của công trình.
2.8.2. Giám sát hoạt động xây dựng.
a) Tổ chức giám sát thi công công trình xây dựng bao gồm: chủ đầu tư, tư vấn giám sát, giám sát tác giả và ban giám sát xã. Chủ đầu tư lựa chọn đơn vị tư vấn có đủ năng lực giám sát thi công. Trường hợp không có tổ chức tư vấn giám sát thi công theo quy định, tuỳ theo điều kiện cụ thể, Chủ đầu tư tổ chức thực hiện giám sát thi công và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
b) Giám sát của chủ đầu tư thực hiện theo điều 21 của Nghị định số 209/2004/NĐ-CP.
2.8.3. Nghiệm thu, bàn giao, quản lý khai thác công trình
a) Nghiệm thu công trình: Chủ đầu tư tổ chức nghiệm thu công trình hoàn thành; thành phần nghiệm thu gồm:
– Đại diện ban Quản lý dự án;
– Đại diện các đơn vị: Tư vấn thiết kế, tổ chức thi công xây dựng, tư vấn giám sát;
– Đại diện giám sát của chủ đầu tư, đại diện Ban giám sát của xã và đại diện tổ chức, cá nhân quản lý sử dụng công trình;
Tuỳ trường hợp cụ thể, chủ đầu tư mời thêm thành phần có liên quan tham gia nghiệm thu.
b) Bàn giao quản lý, khai thác công trình
– Sau khi nghiệm thu, chủ đầu tư phải bàn giao công trình cho UBND xã để giao cho thôn bản, đơn vị, cá nhân có trách nhiệm quản lý sử dụng, bảo trì và bàn giao toàn bộ hồ sơ, tài liệu có liên quan đến công trình cho UBND xã.
– Những công trình hạ tầng phục vụ lợi ích chung trong phạm vi xã, thôn được sử dụng vốn hỗ trợ từ NSĐP và các nguồn huy động khác để duy tu bảo dưỡng;
– Những công trình và hạng mục công trình phục vụ kinh doanh dịch vụ hoặc phục vụ lợi ích cho hộ và nhóm hộ do người sử dụng quản lý, tự duy tu bảo dưỡng;
– Trên cơ sở Nghị định số 209/2004/NĐ-CP và Thông tư này, UBND tỉnh cụ thể hoá hướng dẫn thực hiện công tác duy tu bảo dưỡng.
3. Dự án đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ xã, thôn và cộng đồng
3.1 Đối tượng được đào tạo, bồi dưỡng:
3.1.1. Công chức cấp xã, cán bộ chuyên trách và không chuyên trách cấp xã, cán bộ không chuyên trách cấp thôn, bản theo quy định tại Nghị định số 121/2003/NĐ-CP, ngày 21/10/2003 của Chính phủ về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn.
3.1.2. Cán bộ được cấp trên tăng cường về giúp xã.
3.1.3. Các thành viên trong Ban quản lý và ban giám sát xã;
3.1.4. Người có uy tín trong cộng đồng của thôn, bản;
3.1.5. Những người sản xuất giỏi có vai trò tích cực trong công tác xoá đói giảm nghèo, phát triển nông thôn của xã và thôn bản;
3.1.6 Cán bộ nguồn trong diện quy hoạch của xã;
3.1.7. Cộng tác viên trợ giúp pháp lý cấp xã, thành viên câu lạc bộ trợ giúp pháp lý ở xã.
3.1.8.Thanh niên người dân tộc thiểu số trong độ tuổi 16 – 25.
Trong các đối tượng trên ưu tiên cán bộ là người dân tộc thiểu số, cán bộ nữ.
3.2. Nội dung đào tạo, bồi dưỡng
a) Các chính sách phát triển kinh tế – xã hội vùng dân tộc và miền núi;
b) Cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện Chương trình 135: kiến thức về quản lý dự án đầu tư, giám sát đánh giá, báo cáo tổng hợp, thanh quyết toán vốn…của các dự án và chính sách thuộc Chương trình 135 giai đoạn II;
c) Kiến thức khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ng ư, khuyến công, tín dụng cho người nghèo, mô hình xoá đói giảm nghèo có hiệu quả để nâng cao kỹ năng phát triển sản xuất xoá đói, giảm nghèo;
d) Quy chế dân chủ ở cơ sở và sự tham gia của cộng đồng trong việc tham gia thực hiện chương trình: lập kế hoạch, giám sát đầu tư;
e) Hỗ trợ dạy nghề cho đồng bào người dân tộc thiểu số (thực hiện lồng ghép với thực hiện Quyết định số 81/2005/QĐ-TTg ngày 18/4/2005 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn, chỉ áp dụng đối với thanh niên trong độ tuổi 16 – 25);
g) Kiến thức pháp luật có liên quan.
3.3. Tài liệu đào tạo, bồi dưỡng
Tài liệu đào tạo, bồi dưỡng do Uỷ ban Dân tộc chủ trì phối hợp các bộ, ngành liên quan tổ chức biên soạn và xuất bản; tài liệu đặc thù của địa phương do UBND tỉnh chỉ đạo biên soạn, sử dụng thống nhất tại địa phương.
3.4. Hình thức đào tạo, bồi dưỡng.
3.4.1. Tập trung ngắn hạn tại các cơ sở đào tạo của huyện, tỉnh;
3.4.2. Bồi dưỡng tại chỗ: phổ biến tại cuộc họp, tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh thôn bản…Phát tài liệu, tập huấn tham quan học tập trong và ngoài tỉnh;
3.5. Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng
3.5.1.Căn cứ nội dung và đối tượng đào tạo, bồi dưỡng, UBND xã thống kê, phân loại trình độ, năng lực chuyên môn, lựa chọn những đối tượng và nguyện vọng đào tạo, bồi dưỡng tổng hợp báo cáo UBND huyện;
3.5.2. UBND huyện phân loại đối tượng, tổng hợp nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng nhu cầu vốn, lập kế hoạch đào tạo, báo cáo UBND tỉnh.
3.5.3. Cơ quan thường trực Chương trình 135 của tỉnh chủ trì tổ chức lập kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hàng năm và dài hạn trình UBND tỉnh phê duyệt.
3.5.4.Căn cứ kế hoạch vốn thực hiện dự án đã giao, Cơ quan thường trực Chương trình 135 của tỉnh chủ trì phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính xây dựng kế hoạch phân bổ vốn, báo cáo UBND tỉnh, trình Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định và ghi theo cột mục riêng.
3.5.5. Kinh phí thực hiện dự án bố trí từ nguồn kinh phí sự nghiệp của ngân sách nhà nước. Việc sử dụng kinh phí đào tạo, bồi dưỡng được vận dụng theo một số nội dung chi phù hợp với loại hình đào tạo, bồi dưỡng quy định tại Thông tư số 79/2005/TT-BTC ngày 15/9/2005 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức Nhà nước. Đối với công chức cấp xã và cán bộ không chuyên trách ở xã, ở thôn, bản được cấp toàn bộ chi phí học tập, ăn ở, đi lại từ nguồn kinh phí đào tạo, bồi dưỡng của chương trình; mức chi phí được vận dụng theo một số nội dung chi phù hợp theo quy định tại Thông tư số 118/2004/TT-BTC, ngày 8/12/2004 của Bộ Tài chính về quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị đối với các cơ quan hành chính sự nghiệp và đơn vị sự nghiệp công lập trong cả nước.
4. Chính sách hỗ trợ các dịch vụ, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, trợ giúp pháp lý để nâng cao nhận thức pháp luật.
Uỷ ban Dân tộc chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng chính sách hỗ trợ trình Chính phủ phê duyệt và hướng dẫn thực hiện sau.
II. SỬ DỤNG NGUỒN VỐN ĐẦU TƯ:
1.Vốn đầu tư :
Chương trình 135 giai đoạn II được đầu tư bằng nhiều nguồn vốn quy định tại Quyết định 07/2006/QĐ-TTg:
1.1. Ngân sách Trung ương (bao gồm cả vốn vay và vốn viện trợ ngoài nước) đầu tư trực tiếp cho Chương trình 135;
1.2. Ngân sách địa phương đầu tư trực tiếp cho Chương trình 135;
1.3. Nguồn vốn huy động hợp pháp tại địa phương; nguồn hỗ trợ của các ngành, đơn vị kinh tế, các tổ chức xã hội và các địa phương khác đóng góp bằng tiền, vật tư, lao động; nguồn lực huy động tại chỗ của dân, chủ yếu là vật tư, lao động, không huy động bằng tiền mặt đối với hộ nghèo.
2.Phân bổ nguồn vốn các dự án, chính sách
2.1. Việc lập dự toán, phân bổ, quản lý vốn ngân sách thực hiện theo luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn;
2.2 Đối với các xã ĐBKK, thôn bản thực hiện nhiệm vụ của chương trình từ NSĐP theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh bố trí vốn để thực hiện đảm bảo ít nhất mức tương đương với định mức vốn của NSTW.
3. Sử dụng nguồn vốn NSTW
3.1. Nguồn vốn NSTW chỉ được sử dụng chi hỗ trợ cho các dự án, chính sách theo các nội dung tại mục I, phần II của Thông tư này.
3.2. Kinh phí hoạt động của cơ quan chỉ đạo chương trình các cấp địa phương được đảm bảo từ ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện. Đối với các tỉnh được nhận bổ sung cân đối từ NSTW được sử dụng kinh phí của Chương trình để chi cho hoạt động ban chỉ đạo; mức hỗ trợ hàng năm không quá 0,5% tổng kinh phí NSTW hỗ trợ cho chương trình với mức tối thiểu mỗi tỉnh 50 triệu đồng/năm, tối đa 500 triệu đồng/năm và được thực hiện từ năm 2007. UBND tỉnh quy định mức cụ thể đối với từng cấp địa phương.
3.3.Nguồn vốn đầu tư thực hiện Chương trình 135 từ ngân sách đều phải quản lý và thanh toán tập trung, thống nhất qua KBNN. Đối với các nguồn đóng góp bằng vật tư, tài trợ bằng hiện vật, lao động hoặc bằng công trình hoàn thành; căn cứ đơn giá hiện vật và giá trị ngày công lao động, cơ quan tài chính quy đổi ra đồng Việt Nam để làm lệnh thu ngân sách, đồng thời làm lệnh chi ngân sách gửi KBNN nơi giao dịch để hạch toán vào giá trị công trình và tổng hợp vào thu, chi NSNN;
3.4. Căn cứ dự toán chi bổ sung có mục tiêu từ NSTW cho ngân sách địa phương được Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm, căn cứ quyết định bổ sung có mục tiêu từ NSTW cho NSĐP được cấp có thẩm quyền quyết định trong quá trình tổ chức thực hiện ngân sách (nếu có) và kết quả thực hiện định kỳ, Bộ Tài chính chuyển vốn cho địa phương theo tiến độ thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ được quy định.
III. QUY TRÌNH TỔNG HỢP, GIAO VÀ BÁO CÁO KẾ HOẠCH
1. Quy trình xây dựng, tổng hợp và giao kế hoạch hàng năm được tiến hành đồng thời với quy trình lập kế hoạch chung theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhưng được báo cáo và giao thành một mục riêng trong kế hoạch hàng năm;
2. Theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính; hàng năm UBND các cấp lập kế hoạch đầu tư và dự toán chi thực hiện chương trình cùng thời gian lập dự toán NSNN hàng năm gửi Uỷ ban Dân tộc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ.
3. Giao kế hoạch: Kế hoạch hàng năm được giao như sau:
3.1.Thực hiện uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo tổng mức vốn các dự án, chính sách của chương trình cho các tỉnh;
3.2. Căn cứ dự toán ngân sách được Thủ tướng Chính phủ giao và hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính; UBND tỉnh chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính thực hiện lồng ghép các nguồn vốn trên địa bàn, lập kế hoạch phân bổ vốn chi tiết cho các đơn vị và cấp dưới theo phân cấp quản lý ngân sách, báo cáo Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu của tỉnh trước khi trình UBND tỉnh.
3.3.UBND tỉnh trình HĐND tỉnh quyết định phân bổ vốn thực hiện chương trình và giao cho các đơn vị và cấp dưới thực hiện;
IV. QUY TRÌNH GIÁM SÁT ĐÁNH GIÁ VÀ BÁO CÁO TỔNG HỢP
1. Giám sát đánh giá
1.1.UBND tỉnh chịu trách nhiệm trực tiếp, toàn diện về chất lượng, tiến độ, hiệu quả chương trình trên địa bàn tỉnh. Căn cứ mục tiêu của Chương trình 135 và điều kiện thực tế của tỉnh, UBND tỉnh chỉ đạo các huyện xây dựng các chỉ tiêu đạt được theo tiến độ từng năm, từng giai đoạn và kết thúc chương trình để làm cơ sở giám sát đánh giá kết quả chương trình trên địa bàn toàn tỉnh.
1.2 UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị, các huyện thường xuyên tổ chức kiểm tra thực hiện chương trình. Cơ quan thường trực Chương trình 135 tỉnh chủ trì đề xuất kế hoạch, nội dung kiểm tra, giúp UBND tỉnh tổng hợp, báo cáo kết quả đánh giá về Cơ quan thường trực Chương trình 135 trung ương (Uỷ ban Dân tộc).
1.3. UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, các đơn vị liên quan tạo điều kiện để HĐND các cấp địa phương, Mặt trận Tổ quốc và cơ quan đoàn thể xã hội các cấp, cộng đồng tham gia giám sát và phối hợp giám sát thực hiện chương trình.
1.4.Uỷ ban Dân tộc:
– Chủ trì phối hợp các bộ, ngành liên quan đề xuất kế hoạch và tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện chương trình hàng năm, giữa kỳ và khi kết thúc chương trình;
– Đề xuất kế hoạch kiểm toán thực hiện chương trình hàng năm trình Chính phủ quyết định.
2. Báo cáo tổng hợp
2.1. UBND tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo tổ chức thực hiện thu thập báo cáo ở các cấp địa phương để tổng hợp báo cáo gửi Ban Chỉ đạo Chương trình Trung ương. Cơ quan quản lý chương trình ở mỗi cấp địa phương phải có cán bộ chuyên trách về công tác báo cáo tổng hợp. Trước khi gửi báo cáo, yêu cầu các Chủ đầu tư phải đối chiếu số liệu có xác nhận của KBNN tại nơi mở tài khoản.
2.2. UBND tỉnh báo cáo về Uỷ ban Dân tộc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Chính phủ theo chế độ định kỳ hàng quý. Nội dung, mẫu biểu, quy trình báo cáo và chỉ tiêu giám sát đánh giá theo hướng dẫn của Uỷ ban Dân tộc. Ngoài báo cáo chung, các cơ quan chuyên môn của tỉnh báo cáo cơ quan cấp trên theo quy định.
2.3. Cơ quan thường trực Chương trình 135 trung ương tổng hợp gửi báo cáo Ban Chỉ đạo TW theo kỳ 6 tháng và cả năm;
PHẦN III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Căn cứ Thông tư liên tịch này và theo chức năng nhiệm vụ; các Bộ, ngành trung ương hướng dẫn, cụ thể hoá những nội dung cần thiết.
2. UBND tỉnh cụ thể hoá, hướng dẫn cho phù hợp với điều kiện đặc điểm của địa phương.
3. UBND tỉnh giao cơ quan làm công tác dân tộc của tỉnh làm cơ quan thường trực chương trình. Cơ quan thường trực chương trình chủ trì phối hợp các Sở, ngành của tỉnh tham mưu giúp UBND tỉnh quản lý chương trình và có nhiệm vụ:
3.1. Thống nhất với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính tỉnh, hướng dẫn các huyện lập kế hoạch hàng năm, tổng hợp kế hoạch vốn thực hiện từng năm trên địa bàn báo cáo UBND tỉnh;
3.2. Chủ trì xây dựng kế hoạch vốn thực hiện các dự án, chính sách thuộc Chương trình 135 cho từng huyện gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính thực hiện lồng ghép các nguồn vốn trên địa bàn;
3.3. Trên cơ sở hướng dẫn của các Bộ, ngành trung ương; chủ trì phối hợp các đơn vị liên quan tham mưu đề xuất UBND tỉnh ban hành hướng dẫn phù hợp với điều kiện ở địa phương;
3.4. Thực hiện một số nội dung của dự án đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ cơ sở và cộng đồng khi được UBND tỉnh giao
3.5. Chủ trì giúp Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu của tỉnh tổ chức kiểm tra, theo dõi, đánh giá, tổng hợp báo cáo theo quy định của tỉnh và Cơ quan Thường trực Chương trình 135 trung ương
3.6. Thực hiện các nhiệm vụ khác do UBND tỉnh phân công
4. UBND tỉnh quyết định thành lập cơ quan thường trực Chương trình 135 cấp huyện. Cơ quan thường trực huyện tham mưu giúp UNBD huyện quản lý, chỉ đạo, kiểm tra và tổng hợp báo cáo thực hiện chương trình từ đơn vị quản lý thực hiện và các xã có dự án trên toàn địa bàn huyện.
Căn cứ vào sự phân cấp thực hiện các dự án và điều kiện cụ thể, UBND huyện có thể giao trách nhiệm cho một đơn vị quản lý chung các dự án, chính sách hoặc giao từng đơn vị quản lý theo chuyên ngành.
Cấp xã có một Ban quản lý dự án do UBND huyện quyết định thành lập theo đề nghị của UBND xã. Thành phần Ban Quản lý dự án cấp xã bao gồm thành viên cố định: Lãnh đạo UBND xã, kế toán, các cán bộ chuyên môn của xã phụ trách theo dõi từng dự án, thành viên khác theo nhiệm kỳ (trưởng hoặc phó thôn bản…) có công trình, dự án tại thôn và đại diện đơn vị, người hưởng lợi.
Ban quản lý dự án xã có tư cách pháp nhân, được mở tài khoản tại KBNN huyện và được sử dụng con dấu của xã để giao dịch. Ban quản lý dự án làm nhiệm vụ quản lý chung các dự án, chính sách trên địa bàn được UBND huyện giao.
UBND tỉnh hướng dẫn cụ thể tổ chức và hoạt động của Ban quản lý dự án cấp xã và Ban giám sát xã.
5. Các ngành, các cấp trên cơ sở chức năng nhiệm vụ có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra giám sát, đôn đốc thực hiện đúng thông tư liên tịch này.
6. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng công báo, các văn bản trước đây trái với Thông tư liên tịch này đều bãi bỏ. Trong quá trình thực hiện có những vấn đề chưa phù hợp, đề nghị phản ánh về cơ quan Thường trực Chương trình 135 TW để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện.
KT. BỘ TRƯỞNG Hứa Đức Nhị |
KT. BỘ TRƯỞNG Đinh Tiến Dũng |
KT. BỘ TRƯỞNG Đỗ Hoàng Anh Tuấn (đã ký) |
KT. BỘ TRƯỞNG Nguyễn Đức Hòa (đã ký) |
KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM ỦY BAN DÂN TỘC Hoàng Công Dung |
Reviews
There are no reviews yet.