BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ – BỘ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH
VÀ XÃ HỘI ——- Số: 19/2015/TTLT-BKHCN-BLĐTBXH
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc ————— Hà Nội, ngày 30 tháng 10 năm 2015
|
THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
QUY ĐỊNH VỀ KHUYẾN KHÍCH NGHIÊN CỨU KHOA HỌC, CHUYỂN GIAO VÀ ỨNG DỤNG
CÔNG NGHỆ SẢN XUẤT SẢN PHẨM HỖ TRỢ NGƯỜI KHUYẾT TẬT
Căn cứ Luật người khuyết tật ngày 17 tháng 6 năm 2010;
Căn cứ Luật khoa học và công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
Căn cứ Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật người khuyết tật;
Căn cứ Nghị định số 08/2014/NĐ-CP ngày 27 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật khoa học và công nghệ;
Căn cứ Nghị định số 20/2013/NĐ-CP ngày 26 tháng 02 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ;
Căn cứ Nghị định số 106/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội;
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư liên tịch quy định về khuyến khích nghiên cứu khoa học, chuyển giao và ứng dụng công nghệ sản xuất sản phẩm hỗ trợ người khuyết tật.
ạĐiều 1. Phm vi điều chỉnh
Thông tư liên tịch này quy định về khuyến khích nghiên cứu khoa học hướng đến người khuyết tật, sản phẩm hỗ trợ người khuyết tật; chuyển giao và ứng dụng công nghệ sản xuất sản phẩm hỗ trợ người khuyết tật.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư liên tịch này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ hướng đến người khuyết tật, sản phẩm hỗ trợ người khuyết tật; tổ chức, cá nhân thực hiện chuyển giao và ứng dụng công nghệ sản xuất sản phẩm hỗ trợ người khuyết tật; cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ; tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư liên tịch này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Nghiên cứu khoa học hướng đến người khuyết tật là các nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên, khoa học công nghệ có mục tiêu xác định, tạo ra các sản phẩm khoa học và công nghệ hỗ trợ người khuyết tật.
2. Nhiệm vụ khoa học và công nghệ hướng đến người khuyết tật là những vấn đề khoa học và công nghệ hướng đến người khuyết tật, sản phẩm hỗ trợ người khuyết tật cần được giải quyết để đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế – xã hội.
3. Sản phẩm khoa học và công nghệ hướng đến người khuyết tật là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ có ý nghĩa khoa học, thực tiễn hỗ trợ người khuyết tật.
4. Sản phẩm hỗ trợ người khuyết tật là dụng cụ chỉnh hình, phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng cho người khuyết tật; phương tiện, thiết bị, sản phẩm hỗ trợ người khuyết tật trong sinh hoạt, học tập và lao động.
Điều 4. Nguồn kinh phí thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ hướng đến người khuyết tật, sản phẩm hỗ trợ người khuyết tật
1. Ngân sách nhà nước cho khoa học và công nghệ của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan nhà nước khác ở Trung ương và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
2. Các quỹ khoa học và công nghệ của nhà nước.
3. Nguồn kinh phí đầu tư phát triển khoa học và công nghệ của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp.
4. Các nguồn kinh phí hợp pháp khác.
Điều 5. Nguyên tắc xây dựng dự toán ngân sách nhà nước cho nhiệm vụ khoa học và công nghệ hướng đến người khuyết tật, sản phẩm hỗ trợ người khuyết tật
1. Căn cứ Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ; Phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ khoa học và công nghệ; Nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm năm và hằng năm, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan nhà nước khác ở trung ương và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ưu tiên lựa chọn nhiệm vụ khoa học và công nghệ hướng đến người khuyết tật, sản phẩm hỗ trợ người khuyết tật trong công tác xây dựng và lập kế hoạch khoa học và công nghệ hằng năm.
2. Căn cứ ngân sách nhà nước chi sự nghiệp khoa học và công nghệ, trên cơ sở nhu cầu triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ hướng đến người khuyết tật, sản phẩm hỗ trợ người khuyết tật, hằng năm các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan nhà nước khác ở trung ương và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ưu tiên bố trí kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ này.
Điều 6. Đề xuất, phê duyệt nhiệm vụ khoa học và công nghệ hướng đến người khuyết tật, sản phẩm hỗ trợ người khuyết tật
1. Nhiệm vụ khoa học và công nghệ hướng đến người khuyết tật, sản phẩm hỗ trợ người khuyết tật do tổ chức, cá nhân đề xuất được gửi đến cơ quan quản lý về khoa học và công nghệ theo thẩm quyền quy định tại Điều 26 và Điều 27 Luật khoa học và công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013 (sau đây viết tắt là Luật khoa học và công nghệ), cụ thể như sau:
a) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tiếp nhận đề xuất nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh hướng đến người khuyết tật, sản phẩm hỗ trợ người khuyết tật để tổng hợp và xử lý theo thẩm quyền;
b) Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan nhà nước khác ở trung ương tiếp nhận đề xuất nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp bộ hướng đến người khuyết tật, sản phẩm hỗ trợ người khuyết tật để tổng hợp và xử lý theo thẩm quyền;
c) Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tiếp nhận đề xuất nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia hướng đến người khuyết tật, sản phẩm hỗ trợ người khuyết tật để tổng hợp và xử lý theo thẩm quyền; đề xuất đặt hàng Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia hướng đến người khuyết tật, sản phẩm hỗ trợ người khuyết tật.
d) Tổ chức khoa học và công nghệ cấp cơ sở, cơ quan có thẩm quyền không thuộc quy định tại điểm a, b và điểm c Khoản này tiếp nhận đề xuất, phê duyệt và ký hợp đồng thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở hướng đến người khuyết tật, sản phẩm hỗ trợ người khuyết tật theo quy định tại Điều 28 Nghị định số 08/2014/NĐ-CP ngày 27 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật khoa học và công nghệ.
2. Cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ các cấp theo thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước hướng đến người khuyết tật, sản phẩm hỗ trợ người khuyết tật; công nhận kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ hướng đến người khuyết tật, sản phẩm hỗ trợ người khuyết tật.
Điều 7. Ưu đãi thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ hướng đến người khuyết tật, sản phẩm hỗ trợ người khuyết tật
1. Nhà nước xem xét hỗ trợ mức tối đa 50% tổng mức kinh phí đầu tư (không bao gồm giá trị còn lại hoặc chi phí khấu hao trang thiết bị, nhà xưởng đã có vào tổng mức kinh phí đầu tư) để thực hiện dự án sản xuất thử nghiệm hướng đến người khuyết tật, sản phẩm hỗ trợ người khuyết tật.
Nội dung hỗ trợ thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 22/2011/TTLT-BTC-BKHCN ngày 21 tháng 02 năm 2011 của liên Bộ Tài chính – Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn quản lý tài chính đối với các dự án sản xuất thử nghiệm được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí.
2. Ưu đãi thực hiện dự án khoa học và công nghệ hỗ trợ đầu tư sản xuất sản phẩm hỗ trợ người khuyết tật:
a) Nhà nước xem xét hỗ trợ mức tối đa 50% kinh phí trả công lao động cho cán bộ khoa học, nhân viên kỹ thuật trực tiếp thực hiện nội dung nghiên cứu hoàn thiện các quy trình công nghệ, giải pháp khoa học và công nghệ, xây dựng các phần mềm máy tính; thử nghiệm, phân tích, kiểm tra, đánh giá chất lượng sản phẩm đến khi hoàn thành sản phẩm lô số không;
b) Nhà nước xem xét hỗ trợ mức tối đa 30% kinh phí mua vật tư, nguyên liệu, nhiên liệu, thiết bị đo kiểm, phân tích trong quá trình thử nghiệm và sản xuất sản phẩm lô số không của dây chuyền công nghệ;
c) Nhà nước xem xét hỗ trợ mức tối đa 50% kinh phí thực hiện hoạt động chuyển giao công nghệ, bao gồm: bí quyết kỹ thuật; kiến thức kỹ thuật về công nghệ được chuyển giao dưới dạng phương án công nghệ, quy trình công nghệ, giải pháp kỹ thuật, công thức, thông số kỹ thuật, bản vẽ, sơ đồ kỹ thuật, chương trình máy tính, thông tin dữ liệu; giải pháp hợp lý hóa sản xuất, đổi mới công nghệ; mua sắm, nhập khẩu máy móc thiết bị công nghệ trong nước chưa tạo ra được.
Hình thức và phương thức hoạt động chuyển giao công nghệ quy định tại Điều 12 và Điều 18 Luật chuyển giao công nghệ ngày 29 tháng 11 năm 2006. Mức hỗ trợ được thực hiện theo văn bản hướng dẫn chế độ quản lý tài chính của Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia.
3. Kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ hướng đến người khuyết tật, sản phẩm hỗ trợ người khuyết tật được Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia xem xét hỗ trợ kinh phí để đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở trong nước và nước ngoài đối với sáng chế theo quy định của Quỹ.
4. Cá nhân tham gia thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ hướng đến người khuyết tật, sản phẩm hỗ trợ người khuyết tật được ưu tiên tiếp cận, khai thác, tra cứu và sử dụng các nguồn tin khoa học và công nghệ tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
5. Tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ hướng đến người khuyết tật, sản phẩm hỗ trợ người khuyết tật được nhà nước giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng kết quả nghiên cứu quy định tại Khoản 3 Điều 41 Luật khoa học và công nghệ.
Điều 8. Ưu đãi doanh nghiệp có hoạt động chuyển giao, ứng dụng công nghệ sản xuất sản phẩm hỗ trợ người khuyết tật
1. Doanh nghiệp có hoạt động liên quan đến chuyển giao, ứng dụng công nghệ từ kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước quy định tại Khoản 2 Điều 6 của Thông tư liên tịch này được hưởng các ưu đãi sau:
a) Được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế đối với hoạt động chuyển giao công nghệ theo quy định pháp luật hiện hành về thuế, đồng thời được hưởng các chính sách ưu đãi khác của nhà nước về thuế đối với lĩnh vực khoa học và công nghệ theo các quy định pháp luật hiện hành về thuế;
b) Được ưu tiên cho thuê mặt bằng đất, mặt bằng nước, cơ sở hạ tầng để sản xuất, kinh doanh trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao theo quy định của pháp luật.
2. Doanh nghiệp có hoạt động liên quan đến chuyển giao, ứng dụng công nghệ sản xuất sản phẩm hỗ trợ người khuyết tật từ kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ không sử dụng ngân sách nhà nước do cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ xác nhận được xem xét, hưởng các ưu đãi như đối với các doanh nghiệp quy định tại Khoản 1 Điều 8 Thông tư liên tịch này.
Nội dung xác nhận kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ không sử dụng ngân sách nhà nước thực hiện theo quy định tại Thông tư số 02/2015/TT-BKHCN ngày 06 tháng 3 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định việc đánh giá và thẩm định kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ không sử dụng ngân sách.
Điều 9. Điều khoản thi hành
1. Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2016.
2. Trường hợp các văn bản được dẫn chiếu tại Thông tư liên tịch này được sửa đổi, bổ sung, thay thế thì thực hiện theo văn bản mới ban hành.
Điều 10. Trách nhiệm thi hành
Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn và tổ chức thực hiện Thông tư liên tịch này.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các tổ chức, cá nhân phản ánh về Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội để xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.
KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI THỨ TRƯỞNG Nguyễn Trọng Đàm |
KT. BỘ T RƯỞNG
BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THỨ TRƯỞNG Phạm Công Tạc |
Nơi nhận:
– Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ; – Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP; – Văn phòng Trung ương Đảng; – Văn phòng Tổng Bí thư; – Văn phòng Chủ tịch nước; – Văn phòng Quốc hội; – UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW; – Tòa án nhân dân tối cao; – Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; – Kiểm toán Nhà nước; – UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; – Cơ quan Trung ương của các Hội, đoàn thể; – Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp); – Công báo; – Cổng TTĐT: Chính phủ, Bộ KH&CN, Bộ LĐTBXH; – Các đơn vị thuộc Bộ KH&CN, Bộ LĐTBXH; – Lưu VT: Bộ KH&CN, Bộ LĐTBXH. |
|
Reviews
There are no reviews yet.