THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
CỦA BỘ Y TẾ – BỘ TÀI CHÍNH SỐ 14/2007/TTLT-BYT-BTC
NGÀY 10 THÁNG 12 NĂM 2007
HƯỚNG DẪN SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỂM CỦA THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
SỐ 06/2007/TTLT-BYT-BTC NGÀY 30/3/2007 CỦA LIÊN BỘ Y TẾ –
BỘ TÀI CHÍNH HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN BẢO HIỂM Y TẾ TỰ NGUYỆN
Căn cứ Nghị định số 63/2005/NĐ- CP ngày 16/5/2005 của Chính phủ ban hành Điều lệ Bảo hiểm y tế;
Liên Bộ Y tế – Bộ Tài chính hướng dẫn sửa đổi, bổ sung một số điểm của Thông tư liên tịch số 06/2007/TTLT – BYT- BTC ngày 30/3/2007 của liên Bộ Y tế – Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện bảo hiểm y tế tự nguyện như sau:
I. NỘI DUNG SỬA ĐỔI, BỔ SUNG
1/ Sửa đổi khoản 2, mục I – Đối tượng áp dụng như sau:
“2. Đối tượng áp dụng: Bảo hiểm y tế tự nguyện được áp dụng với mọi công dân Việt Nam (trừ những người đã có thẻ BHYT bắt buộc được quy định tại Điều lệ BHYT ban hành kèm theo Nghị định số 63/2005/NĐ-CP ngày 16/5/2005 của Chính phủ và trẻ em dưới 6 tuổi)”.
2/ Bãi bỏ khoản 3, mục I – Điều kiện triển khai: Bỏ điều kiện 100% thành viên trong hộ gia đình, 10% số hộ gia đình trong phạm vi địa bàn xã và 10% số học sinh, sinh viên trong danh sách học sinh, sinh viên của nhà trường tham gia.
3/ Sửa đổi, bổ sung điểm a, khoản 1, mục II – Khung mức đóng và phương thức đóng BHYT tự nguyện:
“1. Mức đóng
a) Trên cơ sở khung mức đóng đã được quy định tại Thông tư liên tịch số 06/2007/TTLT- BYT- BTC ngày 30/3/2007, liên Bộ Y tế – Bộ Tài chính quy định mức đóng và phương thức đóng BHYT tự nguyện như sau:
– Mức đóng đối với cá nhân tham gia BHYT tự nguyện: khu vực thành thị là 320.000 đồng/ người/ năm; khu vực nông thôn là 240.000 đồng/ người/ năm;
– Mức đóng đối với học sinh, sinh viên đang theo học tại các trườngtham gia BHYT tự nguyện: khu vực thành thị là 120.000 đồng/người/năm; khu vực nông thôn là 100.000 đồng/người/năm”.
4/ Bãi bỏ điểm b và d, khoản 1, mục II – Khung mức đóng và phương thức đóng BHYT tự nguyện.
5/ Sửa đổi, bổ sung điểm a và b, khoản 2, mục II – Khung mức đóng và phương thức đóng BHYT tự nguyện:
“a) Việc thu đóng BHYT tự nguyện được thực hiện như sau:
– Cá nhân đóng BHYT tự nguyện một năm một lần;
– Học sinh, sinh viên đóng BHYT tự nguyện một lần hoặc hai lần trong một năm; hoặc đóng cho cả khóa học.
b) Cơ quan BHXH có trách nhiệm tổ chức hệ thống thu tiền đóng BHYT và phát thẻ BHYT cho người tham gia BHYT tự nguyện bảo đảm thuận tiện, kịp thời, an toàn và đúng quy định của pháp luật”.
6/ Sửa đổi, bổ sung điểm a, khoản 3, mục IV – Quản lý và sử dụng Quỹ BHYT tự nguyện như sau:
“ a) Số thu BHYT tự nguyện (quy định tại điểm a và b, khoản 1, mục này) trong năm kế hoạch được phân bổ và sử dụng như sau:
– 90% lập Quỹ KCB BHYT tự nguyện;
– 2% lập Quỹ dự phòng KCB BHYT tự nguyện;
– 5% dành chi cho các hoạt động phối hợp, tổ chức thực hiện việc thu đóng BHYT tự nguyện, phát hành thẻ BHYT tự nguyện và hỗ trợ cho các cơ sở khám, chữa bệnh để tổ chức thu viện phí và thanh quyết toán chi phí KCB của người bệnh BHYT tự nguyện;
– 3% dành chi cho đào tạo người tham gia đại lý và bổ sung cho công tác tuyên truyền, vận động, khen thưởng và nâng cao năng lực cán bộ”.
7/ Sửa đổi điểm c, khoản 5, mục IV – Quản lý và sử dụng Quỹ BHYT tự nguyện như sau:
“c)Nếu số chi KCB BHYT tự nguyện vượt quá Quỹ KCB BHYT tự nguyện được sử dụng trong năm, Bảo hiểm xã hội Việt Nam được sử dụng kinh phí của Quỹ dự phòng KCB BHYT tự nguyện hoặc Quỹ dự phòng KCB BHYT bắt buộc theo quy định để bảo đảm chi trả đầy đủ, kịp thời cho các đối tượng tham gia BHYT tự nguyện.
Bộ Y tế chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng các giải pháp bảo đảm cân đối quỹ BHYT; chỉ đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm loại bỏ chi phí bất hợp lý trong việc sử dụng dịch vụ, kỹ thuật y tế, thuốc, vật tư, hoá chất,… tại các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT theo các quy định của pháp luật”.
8/ Sửa đổi, bổ sung điểm b, khoản 2, mục V – Tổ chức KCB và thanh toán chi phí KCB BHYT tự nguyệnnhư sau:
“b) Quỹ KCB BHYT tự nguyện được tính trên số thẻ đăng ký KCB ban đầu tại cơ sở KCB đó và theo mức đóng phí bình quân của người tham gia BHYT tự nguyện.
Riêng đối với đối tượng là học sinh, sinh viên, quỹ KCB BHYT tự nguyện được tính trên số thẻ đăng ký theo mức phí bình quân của học sinh, sinh viên tham gia BHYT tự nguyện tại địa phương. Quỹ KCB BHYT tự nguyện của đối tượng học sinh, sinh viên được dành 20% để chăm sóc sức khoẻ ban đầu tại nhà trường; 80% quỹ KCB BHYT tự nguyện còn lại được làm căn cứ để xác định quỹ KCB tạm thời khi ký hợp đồng với cơ sở KCB và trợ cấp tử vong”.
II. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về liên Bộ Y tế – Bộ Tài chính để nghiên cứu, hướng dẫn bổ sung./.
KT. BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH THỨ TRƯỞNG Đỗ Hoàng Anh Tuấn |
KT. BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ THỨ TRƯỞNG Nguyễn Thị Xuyên |
Reviews
There are no reviews yet.