THÔNG TƯ
LIÊN TỊCH BỘ TÀI CHÍNH – BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PTNT
SỐ 101/2001/TTLT-BTC-BNN&PTNT NGÀY 20 THÁNG 12 NĂM 2001 HƯỚNG DẪN CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ TÀI CHÍNH ĐỐI VỚI KINH PHÍ
NGÂN SÁCHNHÀ NƯỚC ĐẦU TƯ CHO CHƯƠNG TRÌNH
GIỐNG CÂY TRỒNG, VẬT NUÔI VÀ GIỐNG CÂY LÂM NGHIỆP
Căn cứ Nghị định số 87/CP ngày 19 tháng 12/1996 của Chính phủ “Quy định chi tiết việc phân cấp quản lý, lập, chấp hành và quyết toán Ngân sách Nhà nước”, Nghị định số 51/1998/NĐ-CP ngày 18/7/1998 của Chính phủ “Sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 87/CP ngày 19/12/1996 của Chính phủ”
Căn cứ Quyết định số 225/1999/QĐ-TTg ngày 10/12/1999 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chương trình giống cây trồng, vật nuôi và giống cây lâm nghiệp thời kỳ 2000-2005.
Liên Bộ Tài chính – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn chế độ quản lý tài chính đối với kinh phí Ngân sách Nhà nước đầu tư cho chương trình giống cây trồng, vật nuôi và giống cây lâm nghiệp như sau:
1. Đối tượng và phạm vi áp dụng:
1.1. Kinh phí Ngân sách Nhà nước đầu tư cho chương trình giống cây trồng, vật nuôi và giống cây lâm nghiệp theo nội dung quy định tại Điểm 1, Điều 3 Quyết định số 225/1999/QĐ-TTg ngày 10/12/1999 của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở đề tài, dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
1.2. Kinh phí thực hiện các đề tài, dự án giống cây trồng, vật nuôi và giống cây lâm nghiệp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do ngân sách Trung ương bảo đảm. Kinh phí thực hiện các đề tài, dự án giống cây trồng, vật nuôi và giống cây lâm nghiệp của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do ngân sách địa phương bảo đảm.
1.3. Kinh phí thực hiện chương trình giống cây trồng, vật nuôi và giống cây lâm nghiệp hàng năm được lập, chấp hành và quyết toán theo đúng quy định hiện hành của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật.
2. Nội dung chi:
2.1. Đối với các đề tài, dự án do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thực hiện; bao gồm các khoản chi:
– Nghiên cứu khoa học về giống bao gồm: Nghiên cứu lai tạo, chọn lọc thử nghiệm, khảo nghiệm khu vực hoá các giống mới, công nhận giống mới, điều tra xác định giống và phục tráng lại những giống có đặc tính tốt…
– Lưu giữ nguồn gen cây trồng và vật nuôi tại các Viện, Trung tâm nghiên cứu nông lâm nghiệp.
– Sản xuất giống gốc, giống siêu nguyên chủng, giống nguyên chủng, cây đầu dòng (đối với giống cây trồng và giống cây lâm nghiệp); giống cụ ky, giống ông bà (đối với giống vật nuôi). Hoàn thiện công nghệ và quy trình sản xuất giống (nếu có).
– Nhập nguồn gen và những giống mới, nhập công nghệ sản xuất giống cần thiết để tiếp thu nhanh những thành tựu khoa học kỹ thuật của thế giới.
– Tập huấn kỹ thuật sản xuất giống mới trong và ngoài nước cho cán bộ sản xuất giống gắn với từng dự án của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
– Chuẩn bị đầu tư và đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm trang thiết bị hoặc nâng cấp để tăng cường năng lực nghiên cứu, ứng dụng về giống cho một số Viện, Trung tâm, Trạm, Trại theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
– Chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết thực hiện chương trình giống cây trồng, vật nuôi và giống cây lâm nghiệp.
– Các khoản chi liên quan khác trực tiếp đến giống.
2.2. Đối với các đề tài, dự án do địa phương tổ chức thực hiện: bao gồm các khoản chi:
– Nghiên cứu khoa học về giống, bao gồm: Nghiên cứu lai tạo, chọn lọc, thử ngiệm, khảo nghiệm khu vực hoá các giống mới, công nhận giống mới, điều tra xác định giống và phục tráng lại những giống có đặc tính tốt…
– Lưu giữ nguồn gen cây trồng và vật nuôi tại các Trung ương, Trạm, Trại sản xuất giống cây trồng, vật nuôi và giống cây lâm nghiệp.
– Sản xuất giống gốc, giống siêu nguyên chủng, giống nguyên chủng, cây đầu dòng (đối với cây trồng và giống cây lâm nghiệp); giống cụ kỵ, giống ông bà (đối với giống vật nuôi). Hoàn thiện công nghệ và quy trình sản xuất giống phù hợp với địa phương (nếu có).
– Tập huấn kỹ thuật sản xuất giống cho cán bộ làm công tác giống, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất giống của địa phương.
– Chuẩn bị đầu tư và chi đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm trang thiết bị, tài sản hoặc nâng cấp một số Trung tâm, Trạm, Trại giống để nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng về giống theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
– Hỗ trợ một phần cho việc sản xuất các loại giống đòi hỏi kỹ thuật cao hỗ trợ các hộ nông dân nghèo có điều kiện để có giống mới, giống tốt đưa vào sản xuất. Hỗ trợ tinh và dụng cụ để phối giống tốt về bò sữa, bò thịt và các loại gia súc khác. Mức hỗ trợ cụ thể do Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định.
Trường hợp địa phương có nhu cầu nhập nguồn gen và những giống mới cần thiết có khả năng thích nghi để sản xuất rộng rãi và có khả năng xuất khẩu mà trong nước chưa có, phải lập dự án được Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố phê duyệt, sau khi có ý kiến tham gia của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
3. Về nguồn kinh phí:
3.1. Chi nghiên cứu khoa học về giống, chi lưu giữ nguồn gen cây trồng, vật nuôi và cây lâm nghiệp tại các Viện. trung tâm nghiên cứu, các Trạm, Trại sản xuất nông lâm nghiệp, bố trí từ nguồn kinh phí nghiên cứu khoa học.
3.2. Chi chuẩn bị đầu tư, chi đầu tư xây dựng cho các dự án giống được cấp có thẩm quyền phê duyệt, bố trí từ nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản.
3.3. Các nội dung chi khác của công tác phát triển giống cây trồng, vật nuôi và giống lâm nghiệp, bố trí từ nguồn kinh phí sự nghiệp kinh tế.
4. Về lập dự toán, cấp phát và thanh toán kinh phí:
Việc lập, chấp hành và thanh quyết toán kinh phí sự nghiệp kinh tế, kinh phí nghiên cứu khoa học đầu tư cho chương trình giống cây trồng, vật nuôi và giống lâm nghiệp thực hiện theo quy định tại Thông tư số 103/1998/TT-BTC ngày 18/7/1998 của Bộ Tài chính “Hướng dẫn việc phân cấp, lập, chấp hành và quyết toán Ngân sách Nhà nước”
Đối với vốn đầu tư xây dựng cơ bản được quản lý, cấp phát thanh toán theo quy định tại Thông tư số 96/2000/TT-BTC ngày 28/9/2000 của Bộ Tài chính “Hướng dẫn việc quản lý, thanh toán vốn đầu tư và vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư và xây dựng thuộc nguồn vốn Ngân sách Nhà nước”.
5. Về thu hồi sản phẩm:
5.1. Các dự án giống thuộc chương trình giống thực hiện bằng nguồn ngân sách nhà nước (Trung ương và địa phương), toàn bộ giống sản xuất ra cung cấp cho các địa phương, các tổ chức, cơ sở và cá nhân phải thu hồi theo giá thị trường, trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (đối với dự án giống thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Sở Nông nghiệp và PTNT (đối với dự án giống thuộc địa phương). Trường hợp đặc biệt những giống chưa có bán trên thị trường, giá bán ra do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định (đối với dự án giống thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT), Sở Nông nghiệp và PTNT trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định giá bán (đối với dự án giống thuộc địa phương). Toàn bộ số tiền thu hồi nộp Ngân sách Nhà nước; Riêng đối với đơn vị sự nghiệp tiền thu hồi được để lại 30% bổ sung kinh phí hoạt động của đơn vị để tăng cường cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu khoa học, số còn lại 70% đơn vị nộp Ngân sách Nhà nước.
5.2. Trường hợp sản phẩm giống của đơn vị được giữ làm giống cho giai đoạn sau thì không tính kinh phí mua giống cho giai đoạn sau.
Đối với giống cụ kỵ, giống ông bà, sản xuất trong nước hoặc nhập về để nuôi giữ, chọn lọc, lai tạo giống, các đơn vị thực hiện theo dõi như tài sản cố định.
5.3. Đối với phần kinh phí do ngân sách địa phương hỗ trợ cho các hộ nông dân nghèo để có giống mới, giống tốt đưa vào sản xuất; Hỗ trợ tinh, dụng cụ để phối hợp giống tốt về bò sữa, bò thịt thì không phải hoàn trả kinh phí đã được ngân sách địa phương hỗ trợ.
5.4. Đối với thu hồi sản phẩm từ nguồn nghiên cứu khoa học thực hiện theo quy định tại Thông tư số 12/2001/TTLT/BTC-BKHCNMT ngày 13/2/2001 của Liên tịch Bộ Tài chính – Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường hướng dẫn quản lý tài chính đối với nguồn kinh phí thu hồi từ các nhiệm vụ khoa học, công nghệ.
6. Công tác báo cáo, kiểm tra:
– Định kỳ quý, năm, các chủ dự án giống phải gửi báo cáo tình hình thực hiện dự án cho Bộ Nông nghiệp và PTNT và Bộ Tài chính (đối với dự án thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT), báo cáo về Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Tài chính – Vật giá (đối với dự án giống thuộc địa phương). Sở Nông nghiệp và PTNT có trách nhiệm tổng hợp tình hình thực hiện các dự án giống thuộc chương trình giống của địa phương báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
– Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với cơ quan Tài chính cùng cấp tổ chức kiểm tra định kỳ, hoặc đột xuất về tình hình thực hiện và sử dụng kinh phí chương trình giống cây trồng, vật nuôi và giống cây lâm nghiệp đảm bảo sử dụng kinh phí đúng mục đích, có hiệu quả.
– Định kỳ cuối năm và khi kết thúc dự án, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức nghiệm thu theo giai đoạn, và kết thúc dự án làm cơ sở để quyết toán kinh phí.
7. Tổ chức thực hiện:
Thông tư này thực hiện đối với các đề tài, dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt thuộc chương trình giống cây trồng, vật nuôi và giống cây lâm nghiệp thời kỳ 2000-2005 theo Quyết định số 225/1999/QĐ-TTg ngày 10/12/1999 của Thủ tướng Chính phủ.
Đối với các đề tài dự án giống của các Bộ, cơ quan Trung ương thực hiện theo Quyết định số 225/1999/QĐ-TTg ngày 10/12/1999 của Thủ tướng Chính phủ được áp dụng chế độ tài chính quy định tại Thông tư này.
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các đơn vị, địa phương phản ánh kịp thời về Liên Bộ để nghiên cứu sửa đổi cho phù hợp.
Reviews
There are no reviews yet.