THÔNG TƯ
CỦA BỘ THUỶ SẢN SỐ 05/2000/TT-BTS NGÀY 03 THÁNG 11 NĂM 2000 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 09/2000/NQ-CP
NGÀY 15/6/2000 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ MỘT SỐ CHỦ TRƯƠNG VÀ
CHÍNH SÁCH VỀ CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU KINH TẾ
VÀ TIÊU THỤ SẢN PHẨM NÔNG NGHIỆP
Ngày 15/6/2000 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 09/2000/NQ-CP về một số chủ trương và chính sách về chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Về lĩnh vực thuỷ sản, Bộ Thuỷ sản hướng dẫn thực hiện như sau:
I. CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU KINH TẾ THUỶ SẢN THEO
NGÀNH HÀNG VÀ THEO VÙNG SINH THÁI:
1. Trong 10 năm tới kinh tế thuỷ sản cần phát triển theo định hướng sau:
Đầu tư phát triển mạnh mẽ Ngành Thuỷ sản trong các lĩnh vực: khai thác, nuôi trồng, chế biến, dịch vụ đặc biệt là nuôi trồng thuỷ sản theo hướng phát triển bền vững, chú trọng tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu để tiến đến một nghề cá hiện đại có sức cạnh tranh và hiệu quả cao trong kinh tế thị trường, kết hợp giữa sự phát triển phù hợp với đặc thù sinh thái và kinh tế xã hộicủa các vùng, các địa phương trên cơ sở lợi ích toàn cục trong các chương trình thống nhất nhằm đạt mục tiêu tổng quát kinh tế – xã hội ngành như sau:
– Tổng sản lượng thuỷ sản năm 2005 đạt 2.450.000 tấn, năm 2010 đạt 3.400.000 tấn.
Trong đó:
+ Khai thác hải sản năm 2005 đạt 1.300.000 tấn, năm 2010 đạt 1.400.000 tấn.
+ Nuôi trồng thuỷ sản năm 2005 đạt 1.150.000 tấn, năm 2010 đạt 2.000.000 tấn.
– Giá trị kim ngạch xuất khẩu năm 2005 đạt 2,5 tỷ USD, năm 2010 đạt 3,5 tỷ USD.
– Thu hút lao động năm 2005 là 4 triệu người, năm 2010 là 4,4 triệu người.
a) Để phát triển mạnh mẽ nuôi trồng thuỷ sản trước hết phải qui hoạch lại cơ cấu sử dụng đất đai. Những vùng đất có điều kiện đưa nước mặn vào và đủ điều kiện nuôi thuỷ sản thì khuyến khích nhân dân chuyển đổi sang nuôi tôm và các loại hải sản. Tuy nhiên tuỳ theo điều kiện sinh thái, môi trường, thổ nhưỡng và khả năng thuỷ lợi của từng vùng và địa phương mà có phương thức tổ chức nuôi trồng cho phù hợp như: nuôi thâm canh, nuôi bán thâm canh, nuôi luân canh một vụ lúa một vụ tôm hoặc cá, nuôi thuỷ sản kết hợp với trồng rừng, nuôi sinh thái hoặc làm vườn.
– Vùng nuôi tôm phải được qui hoạch sao cho:
+ Có thể hình thành các cụm dân cư để dễ dàng cho việc xây dựng các công trình giao thông, cung cấp nước sinh hoạt, cung cấp điện và các cơ sở hạ tầng văn hoá, giáo dục, y tế khác. Những vùng này nên được khoanh bao chống lũ lụt và xây dựng cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh bảo đảm ổn định đời sống nhân dân, yên tâm sản xuất.
+ Các vùng nuôi luân canh và nuôi ghép phải được xác định hệ thống tưới tiêu hợp lý sao cho sản xuất bền vững trên cơ sở ngư – nông – lâm kết hợp.
+Những vùng chuyên canh tôm phải được qui hoạch bố trí theo hướng thâm canh và phải có hệ thống thuỷ lợi, cống, kênh, mương hợp lý đảm bảo cung cấp nguồn nước tốt, được xử lý trước khi đưa vào ao nuôi và xử lý nước thải, chất thải sau khi nuôi.
+ Các vùng đất ướt, đất hay bị úng lụt trong mùa mưa không cấy trồng được nên tổ chức nuôi thuỷ sản. Cũng giống như nuôi tôm tuỳ theo những địa thế và khả năng cung cấp nước có thể nuôi thâm canh, bán thâm canh hoặc nuôi kết hợp với trồng lúa, trồng cây ăn quả và rau màu. Việc quy hoạch các trang trại nuôi lớn trên 100 ha sẽ được Nhà nước hỗ trợ từ vốn ngân sách để xây dựng cơ sở hạ tầng, hệ thống đê bao, đường giao thông và đường điện.
– Nhà nước TW và địa phương hỗ trợ xây dựng qui hoạch tổng thể, qui hoạch chi tiết các khu vực nuôi trồng thuỷ sản lớn trên 100 ha.
b) Phát triển vững chắc và nâng cao hiệu quả đánh bắt hải sản xa bờ, chuyển đổi cơ cấu nghề nghiệp và bảo vệ nguồn lợi hải sản vùng gần bờ. Trên cơ sở xác định lại nghề nghiệp và lực lượng đánh bắt gần bờ các địa phương lập dự án chuyển đổi lực lượng lao động đánh cá dư thừa sang nuôi trồng thuỷ sản. Nhà nước hỗ trợ bằng tín dụng ưu đãi cho việc phát triển nuôi biển, nuôi trên các vùng cồn cát cho những ngư dân chuyển nghề khai thác gần bờ sang nuôi thuỷ sản.
c) Tập trung hoàn thiện hệ thống cơ sở hậu cần và dịch vụ cho nghề khơi tập trung ở các trung tâm nghề cá như: Cát Bà (Hải Phòng), Thuận Phước (Đà Nẵng), Phước Tỉnh (Bà Rịa – Vũng Tàu), Sông Đốc (Cà Mau), Tắc Cậu (Kiên Giang), Phan Thiết (Bình Thuận).
2. Định hướng phát triển theo các vùng sinh thái:
a) Vùng đồng bằng sông Hồng và Quảng Ninh:
– Phát triển nhanh nuôi trồng thuỷ sản ở nước ngọt, nước lợ và nuôi biển.
+ Vùng nước ngọt: phát triển nuôi cá ao hồ nhỏ theo hệ VAC. Phát triển nuôi cá ruộng trũng theo 2 cách: luân canh 1 vụ lúa, 1 vụ cá. Chuyển ruộng úng trũng thành ao, vườn để nuôi cá trồng cây và chăn nuôi gia súc gia cầm. Trọng tâm là các tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, thành phố Hà Nội… đối tượng nuôi là cá quả, cá chép, cá trôi, cá chim trắng, cá trắm, cá rô phi đơn tính, tôm càng xanh…
+ Nuôi nước lợ: nuôi bán thâm canh tôm he, tôm rảo, nuôi quảng canh cải tiến cua bể và một số loài cá, rong câu, nhuyễn thể ở Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình. Triển khai các dự án nuôi tôm công nghiệp ở các địa phương như Yên Hưng (Quảng Ninh), Đồ Sơn (Hải Phòng), Giao Thuỷ, Nghĩa Hưng (Nam Định), Thái Thuỵ (Thái Bình), Kim Sơn (Ninh Bình).
+ Nuôi biển: nuôi kết hợp với bảo vệ nguồn lợi và nuôi sinh thái biển. Đối tượng nuôi là cá song, cá giò, trai ngọc, bào ngư, nuôi nhuyễn thể 2 mảnh vỏ ở các cửa sông, hình thức nuôi lồng bè trọng tâm là ở Bái Tử Long và vùng đệm của Hạ Long (Quảng Ninh), Cát Bà (Hải Phòng).
– Tiếp tục đầu tư đồng bộ cho khai thác hải sản xa bờ. Hạn chế việc đóng mới tàu lưới kéo xa bờ. Giảm khai thác hải sản gần bờ, phát triển khai thác xa bờ tại các ngư trường ở Vịnh Bắc Bộ. Chuyển đổi cơ cấu nghề lưới kéo ở số tàu có công suất dưới 200 cv sang nghề vây có kiêm nghề như câu, chụp mực cho phù hợp để khai thác tại ngư trường này. Cải tiến các mẫu lưới kéo cho phù hợp để tăng tốc độ kéo lưới.
– Giảm dần và tiến tới cấm hẳn các tàu lưới kéo có công suất nhỏ khai thác vùng ven bờ. Tăng kích thước mắt lưới kéo tôm, lưới vây để bảo vệ các loài thuỷ sản chưa trưởng thành.
– Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho nghề cá ở vùng này theo định hướng: Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng ở các địa phương ven biển, nhất là trung tâm nghề cá Cát Bà (Hải Phòng). Sử dụng có hiệu quả các cảng cá, cảng đảo tiền tiêu đã xây dựng tại Bạch Long Vĩ, Cát Bà để có khả năng đáp ứng cho những nhu cầu khai thác khơi, củng cố các cảng cá của Tổng công ty thuỷ sản Hạ Long, Hòn Gai, Cẩm Phả, Ninh Cơ, để tăng khả năng dịch vụ khai thác hải sản vịnh Bắc Bộ. Đầu tư khu neo đậu phòng tránh trú bão ở Đồ Sơn (Hải Phòng).
+ Đẩy nhanh tiến độ chuyển giao công nghệ sản xuất giống tôm sú, tôm rảo cho các thành phần kinh tế.
+ Quy hoạch nâng cấp 9 xí nghiệp đông lạnh hiện có, để tăng nhanh giá trị kim ngạch xuất khẩu vào năm 2005.
+ Nâng cấp các trung tâm giống nước ngọt, lợ, mặn của Viện Nghiên cứu nuôi trồng Thuỷ sản I; Trung tâm giống Phú Tảo (Hải Dương); Quí Kim, Cát Bà (Hải Phòng) thành những trung tâm giống quốc gia. Xây dựng hệ thống trại giống cấp I trong hệ thống trại giống quốc gia của các tỉnh, thành phố để chủ động cung cấp đủ giống có chất lượng phục vụ cho nuôi nước ngọt, lợ, biển.
+ Xây dựng trạm quan trắc và cảnh báo môi trường tại Hải Phòng.
+ Tăng cường năng lực nghiên cứu khoa học cho Viện Nghiên cứu Hải sản, xây dựng Trạm nghiên cứu sinh vật biển ở vịnh Bắc Bộ tại Quảng Ninh.
– Trung tâm dịch vụ hậu cần chế biến và thương mại thuỷ sản vùng này là Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội.
+ Xây dựngchợ cá ở Hà Nội, chợ cá sống ở Bắc Giang, Phủ Lý để cung cấp cá sống cho Hà Nội.
+ Xây dựng chợ cá trên biển ở Thanh Lân (Quảng Ninh).
b. Vùng Bắc Trung Bộ:
– Phát triển mạnh nuôi trồng thuỷ sản mặn, lợ theo mô hình bán thâm canh đạt năng suất1 – 1,5 tấn/ha, và nuôi tôm công nghiệp ở Hoàng Hoá (Thanh Hoá), Quỳnh Lưu (Nghệ An), Kỳ Anh (Hà Tĩnh), Quảng Trạch (Quảng Bình), Vĩnh Linh (Quảng Trị). Cải tạo, nâng cấp và xây dựng các trại giống hải sản cấp I trong hệ thống trại giống quốc gia của các tỉnh để đảm bảo đủ giống có chất lượng cho nuôi. Qui hoạch chuyển đổi đất ven biển sang phát triển nuôi trồng thuỷ sản. Đầu tư hệ thống thuỷ lợi đặc biệt cho vùng nuôi phù hợp với vùng đất cát của các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị.
Phát triển nuôi thuỷ sản ở các huyện miền núi. Chú ý cung cấp đủ giống cho các huyện miền núi.
– Tiếp tục đầu tư đồng bộ cho chương trình khai thác hải sản xa bờ. Hạn chế việc đóng mới tàu khai thác hải sản xa bờ. Chuyển đổi một số tàu dưới 200 cv đang làm nghề lưới kéo hoạt động kém hiệu quả sang các nghề vây, câu. Chú ý đầu tư cho dịch vụ hậu cần nghề cá. Đưa vào sử dụng các cảng đã xây dựng như Cửa Hội (Nghệ An) Xuân Phổ (Hà Tĩnh), sông Gianh (Quảng Bình). Khẩn trương xây dựng để đưa vào sử dụng các cảng cá, bến cá Lạch Hới, Lạch Bạng (Thanh Hóa), Nhật Lệ (Quảng Bình), Cồn Cỏ (Quảng Trị). Đầu tư khu vực phòng tránh trú bão Lạch Trường (Thanh Hoá), Cửa Tùng (Quảng Trị), Cửa Sót (Hà Tĩnh). Nâng cấp các cảng và các bến cá hiện có. Củng cố, nâng cấp các xí nghiệp chế biến hải sản hiện có theo hệ thống quản lý chất lượng ngành, đổi mới công nghệ chế biến để có sảnphẩm chất lượng cao phục vụ cho yêu cầu xuất khẩu và tiêu dùng nội địa.
c. Vùng duyên hải Nam Trung Bộ:
– Về nuôi trồng thuỷ sản.
Với ưu thế của điều kiện tự nhiên, và số lượng các trại tôm giống chiếm khoảng 70% số trại giống tôm toàn quốc và có ưu thế nuôi tôm sú, nuôi thuỷ sản lồng bè trên biển, phát triển mạnh nghề nuôi nước lợ, nuôi biển theo hướng:
+ Quy hoạch nuôi trồng thuỷ sản vùng Phá Tam Giang, Cầu Hai và hình thành các dự án nuôi trồng thuỷ sản ở Phú Duyên, Quảng Công, Vinh Hưng, Phú Xuân, Lộc Vinh, Phú Vang (Thừa Thiên Huế); Hoà Vang (Đà Nẵng); Núi Thành, Tam Kỳ, Duy Vinh, Duy Xuyên thị xã Hội An (Quảng Nam).
+ Xây dựng khu nuôi tôm công nghiệp Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn, Hoà Vang (Đà Nẵng); Núi Thành, Duy Xuyên, thị xã Hội An, Tam Kỳ (Quảng Nam); Tư Nghĩa (Quảng Ngãi); Châu Me, Tịnh Hoà, Cà Ninh, Bình Sơn, Phù Cát, Phù Mỹ, Qui Nhơn (Bình Định); Tuy Hoà, Sông Cầu (Phú Yên); Nha Trang, Ninh Thuận, Cam Ranh (Khánh Hoà); Ninh Hải, Ninh Phước, Phan Rang (Ninh Thuận); Hàm Tân, Tuy Phong, Phan Thiết (Bình Thuận).
+ Đầu tư xây dựng Trung tâm giống hải sản Quốc gia ở Khánh Hoà. Xây dựng Trung tâm kiểm dịch thuỷ sản miền Trung (Nha Trang). Cải tạo, nâng cấp các trại giống hải sản cấp I trong hệ thống trại giống Quốc gia của các tỉnh.
+ Phát triển nuôi thuỷ sản lồng bè trên biển ở Huế, Đà Nẵng, Phú Yên, Khánh Hoà, Bình Thuận. Phát triển hệ thống nuôi tôm trên các cồn cát.
+ Xây dựng Nhà máy sản xuất thức ăn nuôi tôm ở Huế và một số cơ sở khác ở Khánh Hoà, Bình Thuận.
– Về khai thác:
+ Tiếp tục đầu tư đồng bộ cho Chương trình khai thác hải sản xa bờ, lựa chọn chủ đầu tư có kinh nghiệm, có kỹ thuật và có vốn để phát triển đội tàu câu để khai thác ở khu vực Trường Sa và DK1. Đầu tư các công trình cảng và bến cá, dịch vụ hậu cần, đào tạo lao động, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền.
+ Nâng cấp các cảng và bến cá hiện có: Cảng cá Thuận An, cảng cá Quận 3 – Đà Nẵng, cảng cá Qui Nhơn. Đưa vào sử dụng cảng cá Thuận Phước. Tiếp tục khởi công xây dựng cảng cá và bến cá Kỳ Hà, Cửa Đại, Tam Kỳ (Quảng Nam); bến cá Sa Kỳ (Quảng Ngãi), Cù Lao Xanh (Bình Định), Hòn Rớ (Khánh Hoà), Vũng Rô (Phú Yên), Ninh Chữ (Ninh Thuận); Phan Rí, Cửa Hàm Tân (Bình Thuận), Cù Lao Chàm (Quảng Nam). Xây dựng khu neo đậu trú bão cho tàu thuyền hoạt động nghề cá: Hoà Duân (Thừa Thiên Huế), Thọ Quang (Đà Nẵng); Lý Sơn, Sa Huỳnh (Quảng Ngãi).
– Về chế biến.
Đầu tư nâng cấp Nhà máy chế biến thuỷ sản Quảng Ngãi. Xây mới Nhà máy đông lạnh Phú Lộc. Nâng cấp cơ sở chế biến Thủy sản Thuận An, Sông Hương (Huế), Khánh Hoà, Bình Thuận để tăng lượng sản phẩm chế biến xuất khẩu. Đầu tư mở rộng Nhà máy đông lạnh 32 của công ty Thuận Phước và Nhà máy đông lạnh 131 của công ty liên doanh chế biến hàng xuất khẩu Đà Nẵng, Nhà máy chế biến thuỷ sản Minh Quang, Xí nghiệp chế biến Thọ Quang thuộc công ty Phước Tiến (Đà Nẵng), Công ty Thuỷ sản Quảng Ngãi, Công ty TNHH Quảng Nam, Công ty XNK Bình Thuận.
Trung tâm nghề cá ở khu vực này là Đà Nẵng và Bình Thuận.
d. Vùng Đông Nam Bộ:
Đây là vùng kinh tế có khả năng tăng trưởng nhanh, là trung tâm lớn về chế biến xuất khẩu, dịch vụ thương mại thuỷ sản, trọng điểm là thành phố Hồ Chí Minh và Bà Rịa – Vũng Tàu. Vì vậy hướng phát triển của vùng này cần tập trung vào dịch vụ hậu cần như xây dựng cảng cá, chợ cá, trong đó, xây dựng chợ cá quốc tế ở thành phố Hồ Chí Minh thành trung tâm dịch vụ thương mại lớn nhất khu vực phía Nam.
– Về nuôi trồng thuỷ sản: chủ yếu là phát triển nuôi cá trên biển bằng lồng bè, nuôi nhuyễn thể, nuôi tôm sú ở Bà Rịa – Vũng Tàu, nuôi cá nước ngọt trong lồng trên các hồ chứa và nuôi tôm càng xanh ở thành phố Hồ Chí Minh, Bình Phước, Đồng Nai. Sắp xếp, lựa chọn các trại giống thuỷ sản hiện có để nâng cấp cải tạo thành trại giống thuỷ sản nước ngọt, giống hải sản cấp I trong hệ thống trại giống Quốc gia của các tỉnh để có đủ giống cung cấp cho phong trào nuôi. Tiếp tục đầu tư nâng cấp Viện nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản II, đầu tư xây dựng Trung tâm giống hải sản Quốc gia, Trạm quan trắc và cảnh báo môi trường ở Vũng Tàu.
– Về khai thác hải sản: phát huy thế mạnh của đội tàu khai thác hải sản xa bờ hiện có để khai thác ở vùng biển Trường Sa và DK1. Phát triển công nghiệp đóng tàu tại Bà Rịa – Vũng Tàu, quản lý sử dụng có hiệu quả cảng cá Cát Lở, Bến Đầm Côn Đảo và các cảng cá khác làm dịch vụ hậu cần cho khai thác hải sản xa bờ. Đầu tư cho khu phòng tránh trú bão Côn Đảo.
Xây dựng các đội tầu công ích của Tổng công ty Hải sản Biển Đông, của quân chủng hải quân để phục vụ hậu cần cho khu vực Trường Sa và DK1.
– Về chế biến: Đây là trung tâm chế biến lớn trong thời gian tới cần nâng cấp một số xí nghiệp chế biến, chú trọng tập trung sản xuất loại sản phẩm có chất lượng cao cung ứng cho siêu thị và xuất khẩu, gia tăng sản lượng xuất khẩu tươi sống ra tất cả các thị trường ở Bà Rịa – Vũng Tàu và Thành phố Hồ Chí Minh.
Xây dựng chợ cá, siêu thị hải sản và cơ sở kiểm nghiệm vệ sinh thuỷ sản ở thành phố Hồ Chí Minh.
e. Vùng đồng bằng sông Cửu Long:
Đây là vùng quan trọng nhất đối với sự phát triển của ngành thuỷ sản, có sản lượng và kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản lớn nhất cả nước, có khả năng phát triển thuỷ sản toàn diện về khai thác, nuôi trồng, chế biến, thương mại và dịch vụ.
Qui hoạch chuyển đổi khoảng 500.000 ha diện tích đất trũng, đất nhiễm mặn của các tỉnh ở khu vực này sang nuôi tôm sú, song ở đây cần nhanh chóng đầu tư đồng bộ phù hợp với bước chuyển đổi nhất là xây dựng các cơ sở sản xuất giống phòng trừ dịch bệnh về sản xuất thức ăn…
– Về nuôi trồng thuỷ sản: xây dựng hệ thống thuỷ lợi kênh máng để phát triển nuôi tôm công nghiệp, nuôi tôm với các hình thức phù hợp với điều kiện sinh thái ở các tỉnh Long An, Bến Tre, Trà Vinh, Tiền Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng, Kiên Giang. Phát triển nuôi nhuyễn thể ở Tiền Giang, Kiên Giang, Bến Tre, phát triển nuôi thuỷ sản ruộng trũng ở Cà Mau, Bạc Liêu, Long An. Phát triển nuôi tôm càng xanh ở Vĩnh Long, Mỹ Tho, Bến Tre, Tiền Giang; nuôi cá bè ở An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ.
Cải tạo, nâng cấp hoặc xây dựng các trại giống cấp I về hải sản và giống thuỷ sản nước ngọt (trong hệ thống trại giống Quốc gia), khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển giống theo qui hoạch để đảm bảo đủ giống nuôi trồng thuỷ sản.
– Về khai thác: Hạn chế việc gia tăng các tàu khai thác hải sản xa bờ, chỉ đóng mới để thay thế tàu hỏng, cũ; đầu tư tiếp và có các giải pháp hữu hiệu để các tàu đóng bằng nguồn vốn khắc phục hậu quả cơn bão số 5 (1997) hoạt động có hiệu quả.
Củng cố các cơ sở đóng sửa tàu thuyền, xây mới và nâng cấp các bến cá, cảng cá: Trong đó có cảng cá Hòn Khoai, Sông Đốc (Cà Mau), Trần Đề, Gành Hào (Bạc Liêu), Ba Tri (Bến Tre), Láng Chim, Định An (Trà Vinh); Vàm Láng, Mỹ Tho (Tiền Giang), Nhà Mát (Bạc Liêu); Dương Đông, Xẻo Nhào, Ba Ròn, An Thới, Phú Quốc, Thổ Chu, Tắc Cậu (Kiên Giang) để phục vụ cho khai thác xa bờ. Đầu tư khu vực phòng tránh trú bão: Hòn Chuối (Cà Mau), Hòn Ngang (Kiên Giang).
– Tổ chức để hình thành chợ cá trên biển Kiên Hải – Kiên Giang.
– Về chế biến: Đổi mới thiết bị, mở rộng, nâng cấp các Nhà máy chế biến trong vùng đảm bảo cho chế biến nhiều loại sản phẩm phục vụ cho xuất khẩu và nội địa.
g) Vùng Tây Nguyên:
Phát triển nuôi cá ao theo mô hình VACR, nuôi cá nước chảy, nuôi cá lồng trên các hồ chứa, sông và nuôi cá xen canh trên ruộng cấy lúa nước nhằm đáp ứng tiêu dùng tại chỗ đảm bảo nhu cầu thực phẩm. Đối tượng nuôi chủ yếu là cá truyền thống và cá có giá trị kinh tế cao như: cá chép lai, cá rô phi,… Chú trọng qui hoạch nuôi hồ chứa, chuyển dần sang nuôi công nghiệp các đối tượng xuất khẩu.
Cải tạo, nâng cấp các trại cá giống của các tỉnh trong vùng, hình thành trại giống cấp I trong hệ thống trại giống quốc gia nhằm cung cấp đủ giống có chất lượng cho dân nuôi, nhất là dân ở vùng sâu, vùng xa. Chú ý đầu tư dịch vụ hậu cần cho nuôi trồng thuỷ sản và công nghệ bảo quản và vận chuyển phân phối sản phẩm cho toàn khu vực.
h) Vùng trung du và vùng miền núi phía Bắc:
Phát triển nuôi cá theo mô hình VAC, nuôi cá nước chảy, nuôi cá lồng trên các hồ chứa trên sông với các đối tượng cá nuôi truyền thống: mè, trôi, trắm, chép, rô phi. Từng bước bổ sung các đối tượng có giá trị kinh tế cao để nuôi trong ao, hồ tạo ra sản phẩm hàng hoá xuất khẩu.
Cải tạo nâng cấp các trại cá giống ở các tỉnh có nghề cá phát triển thành các trại giống thuỷ sản cấp I trong hệ thống trại giống quốc gia, hình thành các trại sản xuất, trại ương nuôi cá giống nhằmcung cấp đủ giống tại chỗ cho vùng nuôi. Chú ý đầu tư cho dịch vụ hậu cần, cho nuôi trồng và công nghệ bảo quản vận chuyển phục vụ cho phân phối sản phẩm.
II. MỘT SỐ CHỦ TRƯƠNG, CHÍNH SÁCH ĐỂ TĂNG
KHẢ NĂNG TIÊU THỤ SẢN PHẨM THUỶ SẢN,
THÚC ĐẨY SẢN XUẤT PHÁT TRIỂN:
1. Ứng dụng rộng rãi thành tựu khoa học – công nghệ mới vào sản xuất thuỷ sản:
a. Về nuôi trồng thuỷ sản:
– Giao cho Viện Kinh tế và Quy hoạch Thuỷ sản kết hợp với các Sở Thuỷ sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (có quản lý thuỷ sản) điều tra nghiên cứu, lập quy hoạch phát triển nuôi trồng thuỷ sản trên các loại hình mặt nước thuộc các vùng nước mặn, lợ và nước ngọt. Các Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thuỷ sản I, II, Trung tâm Nghiên cứu thuỷ sản III, Trung tâm Khuyến ngư Trung ương, và Trung tâm Khuyến ngư, Khuyến nông các tỉnh phối hợp với các cơ quan nghiên cứu và đào tạo ngoài ngành liên quan tổ chức để chuyển giao các công nghệ sinh học cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất thuỷ sản nhằm khai thác sử dụng có hiệu quả các loại đất mặt nước (đặc biệt là các eo vịnh, đầm phá ven biển, ruộng trũng và hồ chứa), thông qua các mô hình nuôi (nuôi ghép, nuôi đơn, nuôi xen canh) với các hình thức nuôi thích hợp (nuôi cá ao hồ nhỏ, nuôi cá nước chảy, nuôi cá ruộng, nuôi cá ở lồng bè đăng chắn và nuôi công nghiệp).
– Các Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thuỷ sản I, II, Trung tâm Nghiên cứu thuỷ sản III, Trung tâm Khuyến ngư Trung ương và các tỉnh phối hợp với các cơ quan nghiên cứu và đào tạo ngoài ngành liên quan sử dụng kinh phí nghiên cứu khoa học và kinh phí khuyến ngư hàng năm để đầu tư nghiên cứu hoàn thiện công nghệ nuôi thuỷ sản thương phẩm (nước lợ, nuôi biển, nuôi nước ngọt) với các mô hình năng suất khác nhau, đối tượng là các loài có giá trị kinh tế như (tôm sú, tôm rảo, cá bớp, cua biển, cá ba sa, cá tra, rô phi đơn tính, tôm càng xanh, lươn, ba ba, tôm hùm, trai ngọc, bào ngư, cá song, cá vược, cá hồng…). Ứng dụng công nghệ của nước ngoài vào nuôi bán thâm canh, thâm canh, nuôi công nghiệp các đối tượng có giá trị cao và xuất khẩu, tiến tới trang bị tự động hoá trong công nghệ nuôi để nâng cao năng suất, hạ giá thành, đảm bảo vệ sinh an toàn môi trường nuôi và vệ sinh an toàn thực phẩm.
– Nghiên cứu, quy hoạch xây dựng hoàn chỉnh hệ thống trại giống quốc gia, hệ thống các trại giống quốc gia cấp I, tạo ra mạng lưới trại giống rộng khắp trong toàn quốc. Áp dụng công nghệ sinh học (di truyền, lai tạo, chọn giống) để tạo ra giống mới năng suất cao, kháng bệnh, chất lượng sản phẩm tốt. Khuyến khích tạo điều kiện để mọi thành phần kinh tế tham gia sản xuất giống thuỷ sản nhân tạo chất lượng cao, sạch bệnh, phục vụ thoả mãn cho nuôi trồng thuỷ sản trong nước, tái tạo nguồn lợi và xuất khẩu. Đối với một số loài có giá trị kinh tế cao chưa sản xuất được giống thì nhập khẩu công nghệ hoặc thuê chuyên gia nước ngoài sản xuất giống để đáp ứng yêu cầu sản xuất.
– Các Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thuỷ sản I, II, Trung tâm Nghiên cứu thuỷ sản III phối hợp với các trường đại học trong và ngoài ngành, Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Thú y Trung ương nghiên cứu và sản xuất các loại thuốc, vacxin và phương pháp phòng trị bệnh tôm, cá và cácloài thuỷ đặc sản để đảm bảo an toàn dịch bệnh cho nuôi trồng thuỷ sản.
– Viện nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản I, II, Trung tâm nghiên cứu thuỷ sản III kết hợp với các cơ sở sản xuất thức ăn thuỷ sản, cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi phối hợp với các cơ quan nghiên cứu và đào tạo ngoài ngành liên quan để nghiên cứu hoàn thiện công nghệ sản xuất thức ăn cho các loài nuôi ngọt, lợ, biển, nhất là thức ăn phù hợp với giai đoạn phát triển của ấu trùng nhuyễn thể, giáp xác và giai đoạn phát triển của cá bột thuộc các loài cá biển có giá trị kinh tế cao, để nâng cao tỷ lệ sống của giống sinh sản nhân tạo.
b. Về khai thác thuỷ sản:
– Nghiên cứu điều tra xác định nguồn lợi hải sản vùng xa bờ, các vùng hải sản trọng điểm, phân bố tập trung; tập tính sinh học, quy luật di cư và biến động của các đối tượng khai thác; xây dựng một số khu vực bảo tồnsinh vật biển; các vùng cấm và hạn chế khai thác hải sản (nhất là các loài quý hiếm, đối tượng hải sản quan trọng phục vụ phát triển nghề nuôi biển); thực nghiệm các công nghệ khai thác phù hợp để có cơ sở khoa học cho việc phát triển đội tàu khai thác hải sản xa bờ.
– Nghiên cứu, cải tiến một số nghề khai thác hải sản ven bờ quan trọng hiện có (như: lưới kéo tôm, cá, lưới đáy, lưới vây, lưới vó, lưới mành) để giảm khai thác tôm, cá chưa trưởng thành và một số đối tượng cấm khai thác để bảo vệ nguồn lợi. Tiến hành trang bị máy định vị, máy dò cá, máy thông tin liên lạc cho tàu thuyền một số nghề cá. Trang bị tời thuỷ lực thu dây, kéo lưới cho một số nghề (lưới kéo cá, tôm, lưới vây rút chì, lưới rê) để giảm cường độ lao động và tăng thời gian sản xuất.
– Đối với công nghệ khai thác hải sản xa bờ: Tăng cường nghiên cứu cải tiến kết cấu ngư cụ, phương pháp đánh bắt, trang bị máy tời truyền động thuỷ lực, sử dụng máy điện tử hàng hải, dò cá, thông tin liên lạc hiện đại, nghiên cứu công nghệ bảo quản sản phẩm thuỷ sản dài ngày trên biển. Kiêm nghề để mở rộng phạm vi đánh bắt, nâng cao năng suất đánh bắt, tăng thời gian sản xuất trên biển, tập trung vào một số nghề (lưới kéo cá đáy, lưới vây rút chì, lưới rê, câu ngừ, lưới chụp mực).
– Nhập một số công nghệ của nước ngoài để khai thác cá ngừ, cá nổi khác, sử dụng chà rạo di động dụ cá tập trung, phát triển lưới kéo cá hoạt động ở độ sâu trên 100 m để nâng cao năng suất khai thác, chất lượng và đa dạng hoá sản phẩm.
Các nội dung khoa học về khai thác hải sản nêu trên giao cho Viện nghiên cứu hải sản Hải Phòng và phối hợp với trường Đại học Thuỷ sản Nha Trang thực hiện bằng nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học hàng năm và nguồn kinh phí Nhà nước cấp để phục vụ cho chương trình khai thác hải sản xa bờ.
c. Về chế biến thuỷ sản:
– Giao cho Viện nghiên cứu hải sản Hải Phòng kết hợp với cơ quan khác và các cơ sở chế biến thuỷ sản bằng vốn sự nghiệp nghiên cứu áp dụng công nghệ bảo quản sau thu hoạch như: các công ten nơ lạnh trong các quá trình thu gom, bảo quản vận chuyển nguyên liệu đến khi chế biến; trang bị hầm tàu cách nhiệt và hầm tàu lạnh trên các tàu đánh cá xa bờ, sản xuất đá vẩy bằng nước biển trên tàu. Tổ chức hệ thống chợ cá công nghiệp có nhà che và hệ thống bảo quản nguyên liệu, xây dựng các cảng cá, phát triển loại tàu dịch vụ thu gom,sơ chế sản phẩm trên tàu để hạn chế hao hụt và tăng giá trị sản phẩm sau thu hoạch.
– Các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thuỷ sản bằng kinh phí của mình đổi mới công nghệ, thiết bị. Nâng cấp 80 cơ sở chế biến thuỷ hải sản xuất khẩu hiện có và xây mới 20 nhà máy chế biến thuỷ hải sản, áp dụng những tiêu chuẩn quốc tế. Đào tạo và nâng cao tay nghề cho công nhân, nhập khẩu công nghệ đông rời (IQF) có công suất thích hợp với từng vùng nguyên liệu, áp dụng công nghệ chế biến Surimi từ các loài cá tạp có giá trị kinh tế thấp sản xuất ra các mặt hàng thuỷ sản đạt chất lượng cao. Đưa hệ thống quản lý chất lượng theo GMP, SSOP và HACCP áp dụng đối với các cơ sở chế biến hải sản, áp dụng công nghệ lưu giữ và vận chuyển thuỷ sản sống (như ngủ đông).
– Nhập khẩu công nghệ chế biến, đa dạng hoá mặt hàng để nâng cao giá trị của sản phẩm đông lạnh, sản xuất mặt hàng giá trị gia tăng (thiết bị cấp đông IQF, thiết bị sản xuất đá vảy) có hệ thống vi tính xửlý để nâng cao mức độ tự động hoá tăng năng suất, hạ giá thành sản phẩm.
d. Cơ khí và dịch vụ hậu cần nghề cá:
– Tổ chức hậu cần dịch vụ trên biển để góp phần nâng cao hiệu quả các nghề khai thác hải sản xa bờ. Nghiên cứu đóng được tàu vỏ thép có công suất 600 cv trở lên, tiếp tục nghiên cứu thiết kế đóng thử để đánh giá chất lượng, độ bền các vỏ tàu bằng vật liệu composit hoặc vỏ gỗ phun phủ composit để thay thế gỗ đóng tàu cá cỡ nhỏ và vừa.
– Chế tạo thiết bị chuyển động thuỷ lực để cơ khí hoá thao tác một số nghề khai thác hải sản, nhập một số thiết bị tiên tiến để các năm sau sản xuất được lưới sợi với chất lượng cao, không phải nhập thành phẩm của nước ngoài, sản xuất các thiết bị lạnh cho ngành chế biến thuỷ sản, các trang thiết bị dùng cho bảo quản và vận chuyển thuỷ sản.
– Chế tạo và sản xuất các trang thiết bị bảo hộ lao động, cứu sinh, đáp ứng yêu cầu vật tư phục vụ khai thác, nuôi trồng và bảo quản sản phẩm thuỷ sản.
2. Tạo thêm các nguồn lực phát triển kinh tế thuỷ sản:
– Tổ chức thực hiện tốt những chính sách về đất đai theo qui định của Luật đất đai, giao quyền sử dụng đất mặt nước bãi bồi, bãi cát ven biển, hải đảo, đầm phá, các eo vịnh, hồ chứa, sông lớn vẫn còn bỏ hoang ít sử dụng cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân để sử dụng vào việc sử dụng vào việc phát triển nuôi trồng thuỷ sản. Trên cơ sở kinh tế hộ, tiếp tục phát triển loại hình kinh tế trang trại ở các hồ chứa, bãi bồi đầm phá ven biển để gắn sản xuất – chế biến – tiêu thụ sản phẩm phù hợp với từng vùng, từng địa phương trong phạm vi toàn quốc.
– Tăng cường hợp tác, liên doanh liên kết, thành lập các hội nghề nghiệp giữa các hộ sản xuất, các chủ trang trại, các thành phần kinh tế để mở rộng quy mô, tăng khả năng đầu tư vốn, thu hút lao động sản xuất ra hàng hoá thuỷ sản có giá trị kinh tế, gắn kết sản xuất – xây dựng cơ sởsơ chế chế biến thuỷ sản với việc giao lưu mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước.
– Tổ chức đào tạo phát triển nguồn nhân lực thuỷ sản cho các địa phương, các vùng sản xuất, đối tượng là những người tham gia sản xuất thuỷ sản trên phạm vi toàn quốc. Phát triển các loại hình đào tạo, mở các lớp dạy nghề, tập huấn chuyển giao công nghệ theo chương trình khuyến ngư, hướng dẫn kỹ thuật từ xa trên phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức tham quan để nâng cao tay nghề và trình độ chuyên môn, quản lý, tiếp thị cho những người tham gia khai thác, nuôi trồng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm thuỷ sản.
3. Mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm thuỷ sản:
– Phải tăng cường công tác thông tin thị trường, nâng cao khả năng tiếp thị; gắn thị trường với sản phẩm, thị trường nước ngoài với thị trường trong nước; gắn hợp tác với thương mại, quan hệ đối ngoại với trao đổi buôn bán xuất khẩu hàng hoá thuỷ sản; gắn chất lượng hàng hoá, mẫu mã và đa dạng hoá sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm thuỷ sản với yêu cầu thị hiếu của khách hàng nhập khẩu (nhất là thị trường Mỹ, EU, Đông Âu, Nhật Bản, Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan…) để ổn định và mở rộng thị trường xuất khẩu tiêu thụ sản phẩm.
– Công tác nghiên cứu cũng phải giới thiệu thông tin thị trường.
– Tạo điều kiện để các cơ quan đại diện của nước ngoài tiếp xúc với các nhà doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp thuỷ sản trong nước; đại diện ngoại giao và tham tán thương mại Việt Nam ở nước ngoài nắm bắt được những thông tin, giới thiệu và nâng cao vị thế các mặt hàng thuỷ sản Việt Nam với bạn bè Quốc tế.
– Nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước trong sự phân công trách nhiệm giữa Bộ Thương Mại, Bộ Thuỷ sản và Uỷ ban nhân dân các tỉnh trong việc tiêu thụ sản phẩm thuỷ sản. Khuyến khích tạo mọi điều kiện để các nhà doanh nghiệp thuỷ sản tham gia các hội chợ trong nước và Quốc tế, tiếp thị giới thiệu các mặt hàng truyền thống, các ngành hàng, mặt hàng chất lượng cao mà bạn hàng ưa thích. Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ kinh doanh xuất nhập khẩu thuỷ sản.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:
1. Bộ thuỷ sản giao cho Vụ kế hoạch và đầu tư – Viện kinh tế và Quy hoạch thuỷ sản phối hợp với Sở Thuỷ sản, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (có quản lý thuỷ sản) làm việc với Sở Địa chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát lại tiềm năng các loại mặt nước hiện nay đang còn bị hoang hoá, ruộng trũng cấy lúa năng suất thấp, bãi cát các vùng bãi ngang, đất làm muối kém hiệu quả để điều chỉnh lại qui hoạch, xây dựng các dự án phát triển sản xuất thuỷ sản theo hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp với từng địa phương, từng vùng sinh thái nhằm khai thác hết tiềm năng sẵn có phát triển nuôi trồng thuỷ sản, có phương án đầu tư hợp lý.
2. Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần phải có quy hoạch (theo Chỉ thị 32/1998/CT-TTg ngày 23/9/1998 của Chính phủ, Thông tư 05/1999/TT-BKH ngày 11/11/1999 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn quản lý các dự án qui hoạch và văn bản 1050/TS-KHĐT và 1534/TS-KHĐT của Bộ Thuỷ sản hướng dẫn quản lý các dự án quy hoạch) và phương án đầu tư phát triển nghề khai thác hải sản ven bờ, xa bờ, cải hoán các tàu đánh cá ven bờ, đóng mới các tàu đánh cá xa bờ, tổ chức sản xuấttrên biển, tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ hậu cần; cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới các cơ sở chế biến.
3.Vụ Khoa học Công nghệ, Vụ Nghề cá kết hợp với các Viện, Trung tâm nghiên cứu, các Trường Đại học trong và ngoài ngành cùng với Trung tâm khuyến ngư Trung ương; Trung tâm Khuyến ngư, Khuyến nông các tỉnh đào tạo bồi dưỡng chuyên môn và nghiệp vụ quản lý; tiến hành nghiên cứu, tổng kết kinh nghiệm sản xuất về những lĩnh vực sản xuất giống, nuôi và khai thác hải sản, sản xuất thức ăn và thuốc thú y thuỷ sản, phòng và chữa cho nuôi thuỷ sản. Chuyển giao công nghệ cho mọi thành phần kinh tế tham gia phát triển thuỷ sản.
Trên đây là nội dung hướng dẫn của Bộ thuỷ sản thực hiện Nghị quyết 09/2000/NQ-CP ngày 15/6/2000 của Chính phủ. Trong quá trình thực hiện có gì vướng mắc đề nghị các địa phương, các đơn vị trực thuộc Bộ, các nhà doanh nghiệp quan tâm đến thuỷ sản phản ánh kịp thời về Bộ Thuỷ sản để Bộ Thuỷ sản nghiên cứu sửa đổi và bổ sung.
Reviews
There are no reviews yet.