THÔNG TƯ
CỦA TỔNG CỤC THỐNG KÊ SỐ 264-TCTK/TT NGÀY 24-3-1984 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 295-CT NGÀY 14-11-1983 CỦA CHỦ TỊNH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG VỀ VIỆC TIẾP TỤC TĂNG CƯỜNG VÀ
HOÀN THIỆN CÔNG TÁP THỐNG KÊ
Điều lệ về tổ chức và hoạt động của Tổng cục Thống kê ban hành theo Nghị định số 72-CP ngày 5-4-1974 của Hội đồng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của Tổng cục Thống kê. Trước yêu cầu đổi mới cơ chế quản lý, đổi mới công tác kế hoạch hoá, nhằm khắc phục những mặt yếu kém của ngành Thống kê trong những năm qua, ngày 14-11-1983 Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã ra Chỉ thị số 295-CT “về việc tiếp tục tăng cường và hoàn thiện công tác thống kê”, Tổng cục Thống kê hướng dẫn thực hiện như sau.
I. VỊ TRÍ, CHỨC NĂNG CỦA CÔNG TÁC THỐNG KÊ VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC NGÀNH, CÁC CẤP ĐỐI VỚI
CÔNG TÁC THỐNG KÊ.
Sau khi nêu những thành tích đã đạt được trong thời gian qua của công tác thống kê và những mặt còn yếu kém cần khắc phục trong thời gian tới, Chỉ thị 295-CT nhận định:
“Các Bộ, các ngành, Uỷ ban nhân dân các cấp chưa coi trọng đúng mức vai trò và sử dụng tốt công tác hạch toán và thống kê. Việc chấp hành kỷ luật báo cáo thống kê của Nhà nước không được nghiêm chỉnh: nhiều đơn vị báo cáo chậm, báo cáo thiếu chính xác, có đơn vị cố tình báo cáo sai sự thật”.
Để cải thiện tình hình nói trên, bản Chỉ thị nêu rõ: “Tăng cường và hoàn thiện công tác thống kê, không chỉ là trách nhiệm của ngành thống kê, mà còn là nhiệm vụ của các Bộ, các ngành, Uỷ ban nhân dân các cấp và các đơn vị cơ sở” đồng thời giao cho các Bộ, các ngành, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc Trung ương trách nhiệm thực hiện nghiêm chỉnh Chỉ thị này.
Trên tinh thần đó, các Bộ, các ngành và Uỷ ban nhân dân các cấp cần quan tâm lãnh đạo công tác thống kê thuộc phạm vi mình, xây dựng và tạo điều kiện cho bộ máy thống kê của mình hoạt động tốt, phục vụ được cả những yêu cầu của Trung ương (thông qua hệ thống thống kê Nhà nước) và các yêu cầu về lãnh đạo, quản lý của Bộ, ngành và địa phương.
Ngành thống kê cần phải phấn đấu cải tiến tổ chức, đổi mới công tác để thực hiện tốt chức năng là cung cấp thông tin thống kê về kinh tế – xã hội cho các cơ quan lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, phục vụ đổi mới cơ chế quản lý, đổi mới công tác kế hoạch hoá.
II. TĂNG CƯỜNG VÀ HOÀN THIỆN CÔNG TÁC THỐNG KÊ
A. CÁC YÊU CẦU CỦA ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CÔNG TÁC
THỐNG KÊ TRONG TÌNH HÌNH MỚI
Bên cạnh chức năng, nhiệm vụ đã được quy định ở Nghị định số 72-CP ban hành Điều lệ về tổ chức và hoạt động của Tổng cục Thống kê. Chỉ thị 295-CT đã nêu lên 4 yêu cầu lớn về tiếp tục tăng cường và hoàn thiện công tác thống kê.
“Ngành thống kê có nhiệm vụ thu thập, tổng hợp, phân tích và báo cáo với các cấp lãnh đạo Đảng và Nhà nước tình hình và các số liệu cần thiết, phục vụ kịp thời hơn, tốt hơn việc xây dựng và điều hành thực hiện kế hoạch Nhà nước, kể cả việc quyết toán và công nhận hoàn thành kế hoạch cuối năm từ Trung ương đến cơ sở”.
“Phục vụ việc cụ thể hoá các nghị quyết của Đảng”;
“Phục vụ việc nghiên cứu các chủ trương, chính sách cần thiết về quản lý kinh tế – xã hội và đánh giá việc thực hiện các chủ trương, chính sách đó”.
“Phục vụ việc tổng kết kinh tế và xây dựng chiến lược kinh tế – xã hội”.
Để thực hiện được 4 yêu cầu lớn và cấp bách trên đây, ngành thống kê phải cùng với các Bộ, các ngành, các cấp từng bước nâng cao chất lượng thông tin thống kê trên cả 3 mặt: chính xác, đầy đủ, kịp thời.
Phải bảo đảm các tài liệu hạch toán, báo cáo thống kê phản ánh sát đúng các hiện tượng kinh tế xã hội, phản ánh trung thực hiện trạng của các đơn vị cơ sở các ngành, các cấp và toàn nền kinh tế quốc dân. Xây dựng một hệ thống số liệu cơ bản, hoàn chỉnh phản ánh đầy đủ các yếu tố và kết quả sản xuất kinh doanh, quản lý xã hội. Đặc biệt coi trọng các chỉ tiêu năng suất, chất lượng, hiệu quả và tiến bộ khoa học kỹ thuật… Thông tin thống kê phải phản ánh kịp thời sự phát sinh, phát triển của các hiện tượng kinh tế – xã hội, đặc biệt phải nhanh chóng đánh giá được việc thực hiện các chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước. Số liệu thống kê phải có hệ thống để từ đó đánh giá sự phát triển kinh tế xã hội gắn liền với hệ thống tổ chức và quản lý của nền kinh tế quốc dân.
B. NHỮNG CÔNG TÁC LỚN PHẢI LÀM TRONG THỜI GIAN TỚI ĐỂ
NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG THÔNG TIN THỐNG KÊ
1. Chấn chỉnh và tăng cường công tác hạch toán.
Tổ chức và tiến hành tốt công tác hạch toán ở cơ sở là căn cứ bảo đảm tính trung thực của thông tin thống kê. Các Bộ, các ngành, Uỷ ban nhân dân các cấp có nhiệm vụ tổ chức, chỉ đạo và bảo đảm các điều kiện tài chính, vật chất cho công tác hạch toán ở các đơn vị do mình quản lý. Giám đốc các đơn vị cơ sở có trách nhiệm trực tiếp tổ chức thực hiện tốt công tác hạch toán theo đúng những quy định hiện hành của Nhà nước.
Tổng cục Thống kê cùng Bộ Tài chính có trách nhiệm trình Hội đồng Bộ trưởng quyết định về hoàn thiện chế độ hạch toán, bảo đảm thống nhất chế độ hạch toán, nhằm lập lại trật tự xã hội chủ nghĩa trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, tăng cường tác dụng kiểm kê, kiểm soát của Nhà nước, tiến tới tổng hạch toán nền kinh tế quốc dân.
Ngay trong năm 1984, các Bộ, các ngành, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố cần sơ kết công tác hạch toán cơ sở, đánh giá việc thực hiện chế độ ghi chép ban đầu, lập sổ sách trung gian để tìm ra và khắc phục các mặt yếu kém, phát huy những kết quả đã đạt được và xây dựng kế hoạch tiến hành công tác hạch toán trong những năm tới ở ngành và địa phương mình.
2. Cải tiến hệ thống chỉ tiêu thống kê, các biểu mẫu báo cáo thống kê và các cuộc điều tra.
Hệ thống chỉ tiêu kinh tế – xã hội là cơ sở để xây dựng nội dung các chế độ báo cáo thống kê và các cuộc điều tra. Hệ thống chỉ tiêu này sẽ không chỉ gồm các chỉ tiêu kinh tế mà sẽ bổ sung thêm các chỉ tiêu về xã hội, về khoa học kỹ thuật, về môi trường…
Tiếp tục hoàn chỉnh các bảng danh mục phục vụ công tác kế hoạch hoá, công tác thống kê và cơ giới hoá tính toán.
Soát xét lại, bổ sung, sửa đổi hệ thống chỉ tiêu thống kê và phương pháp tính toán hiện có cho thích hợp với tình hình và nhiệm vụ mới. Bên cạnh các chỉ tiêu về kinh tế phải đặc biệt coi trọng các chỉ tiêu về xã hội, năng suất, chất lượng, hiệu quả và tiến bộ khoa học, kỹ thuật. Các biểu mẫu báo cáo thống kê, các cuộc điều tra thống kê cần được cải tiến theo hướng tinh giản thiết thực và khoa học, sao cho vừa đáp ứng được nhu cầu về thông tin của các ngành, các cấp, vừa thuận lợi cho việc tiến lên xử lý thông tin bằng máy tính điện tử. Tăng cường các cuộc điều tra nhỏ, điều tra điển hình để thu thập số liệu về các hiện tượng chưa phản ánh được trong chế độ báo cáo định kỳ để kiểm tra mức độ chính xác, đầy đủ của các báo cáo định kỳ và phục vụ công tác phân tích kinh tế.
Nghị định số 72-CP đã quy định và nay Chỉ thị 295-CT một lần nữa nhắc lại nhiệm vụ của Tổng cục Thống kê phải quản lý tốt hơn việc ban hành thống nhất biểu mẫu chứng từ, biểu mẫu báo cáo và hướng dẫn các Bộ, các ngành ban hành biểu mẫu báo cáo tác nghiệp.
Theo tinh thần đó, các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, do nhu cầu thông tin riêng, có thể xây dựng để đáp ứng trong phạm vi quản lý của mình các biểu mẫu cần thiết nhưng trước khi ban hành phải được Tổng cục Thống kê thoả thuận bằng văn bản.
Để tạo điều kiện cho Tổng cục Thống kê làm tốt nhiệm vụ quản lý thống nhất việc ban hành biểu mẫu, Chỉ thị của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng giao cho “ngành Thống kê tiến hành in sẵn các chứng từ, biểu mẫu báo cáo cho các đơn vị, nhằm bảo đảm tính thống nhất và chính xác của số liệu, tạo điều kiện cho việc kiểm soát của Nhà nước và xử lý bằng phương tiện hiện đại”.
3. Đề cao kỷ luật chấp hành chế độ báo cáo thống kê, chế độ hạch toán: Bộ trưởng các Bộ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp, Giám đốc các đơn vị cơ sở có trách nhiệm tổ chức và chỉ đạo thực hiện nghiêm chỉnh chế độ hạch toán, chế độ báo cáo thống kê; phải có các biện pháp thiết thực khắc phục tình trạng báo cáo thống kê không đúng sự thật, không đầy đủ và chậm chễ; giáo dục ý thức hạch toán trung thực.
Cơ quan Thống kê Nhà nước có quyền thanh tra kiểm tra các ngành, các đơn vị trong việc chấp hành chế độ hạch toán và báo cáo thống kê: Tổng cục thống kê có quyền thanh tra, kiểm tra các Bộ, các Cục thống kê tỉnh, thành phố và các đơn vị cơ sở. Cục thống kê có quyền thanh tra, kiểm tra các Sở, ngành, phòng thống kê huyện và các dơn vị cơ sở do tỉnh và Trung ương quản lý nằm trên lãnh thổ. Phòng thống kê huyện có quyền thanh tra, kiểm tra các phòng, các đơn vị do huyện quản lý và một số đơn vị trung ương và do Cục thống kê tỉnh, thành phố uỷ quyền tổ chức thống kế Bộ có quyền thanh tra, kiểm tra các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ quản lý.
Hàng năm các cấp thống kê trong hệ thống thống kê Nhà nước có nhiệm vụ báo cáo Hội đồng Bộ trưởng, Uỷ ban nhân dân các cấp tình hình thực hiện chế độ báo cáo thống kê và chế độ hạch toán kèm theo kiến nghị thưởng, phạt những đơn vị chấp hành tốt hoặc chưa tốt các chế độ báo cáo đó. Tổ chức thống kê các Bộ, phải báo cáo cho Bộ trưởng và Tổng cục Thống kê về tình hình thực hiện chế độ báo cáo thống kê, chế độ hạch toán, kèm theo kiến nghị thưởng, phạt những đơn vị chấp hành tốt hoặc chưa tốt các chế độ báo cáo đó.
Tổng cục Thống kê cùng với các ngành có liên quan nghiên cứu trình Hội đồng Bộ trưởng quyết định các hình thức xử phạt đối với những cá nhân và đơn vị cố tình báo cáo số liệu thống kê sai sự thật.
4. Giải quyết tốt công tác truyền đưa, xử lý và lưu trữ thông tin thống kê trong giai đoạn hiện nay, từng bước hiện đại hoá công tác này.
Để đáp ứng nhu cầu thông tin của Đảng và Nhà nước, của các ngành, các cấp ngày càng nhiều, chất lượng cao, phong phú và đa dạng, ngành thống kê cần kết hợp sử dụng tất cả các loại phương tiện tính toán hiện có, từng bước chuyển dần việc xử lý và lưu trữ thông tin bằng thủ công sang xử lý và lưu trữ bằng máy tính điện tử, trang bị cho ngành một hệ thống thiết bị xử lý thông tin từ trung ương đến cơ sở, từng bước tiến lên tự động hoá xử lý thông tin trong ngành Thống kê và trong nền kinh tế quốc dân.
Tổng cục Thống kê cùng với Uỷ ban Khoa học Kỹ thuật, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước xây dựng đề án về hệ thống xử lý, truyền đưa, lưu trữ thông tin hiện đại cho ngành Thống kê.
Tổng cục Thống kê, Tổng cục Bưu điện, Bộ Giao thông Vận tải có kế hoạch khai thác các phương thức, phương tiện truyền đưa thông tin chuyên dùng và công cộng để truyền đưa thông tin thống kê từ cấp dưới lên cấp trên nhanh chóng, an toàn, chính xác.
Căn cứ vào tình hình cụ thể của địa phương và trên cơ sở phương thức xử lý thông tin ở từng Cục thống kê tỉnh, thành phố, các Cục thống kê cùng với các ngành Bưu điện, Giao thông ở tỉnh, thực hiện các phương thức, sử dụng các phương tiện truyền đưa thông tin phù hợp với điều kiện của địa phương để đẩy nhanh hơn tốc độ truyền đưa thống kê ngay trong tình hình hiện nay.
5. Tăng cường thêm một bước hệ thống tổ chức thống kê:
Hệ thống tổ chức ngành thống kê bao gồm:
– Hệ thống thống kê Nhà nước (hệ thống tổ chức của Tổng cục Thống kê)
– Hệ thống thống kê các Bộ, các ngành. – Tổ chức thống kê ở các đơn vị cơ sở.
“Tổng cục Thống kê có trách nhiện hướng dẫn công tác thống kê ở các Bộ, các ngành về mặt nghiệp vụ, có phân công và hợp tác chặt chẽ, cụ thể, tránh trùng lặp”.
Tổng cục Thống kê cùng các Bộ, các ngành quy định cụ thể những chỉ tiêu và biểu mẫu báo cáo nào do hệ thống thống kê Nhà nước thu thập và xử lý, những chỉ tiêu và biểu mẫu báo cáo do cơ quan thống kê các Bộ, các ngành thu thập, xử lý và có nhiệm vụ gửi cho hệ thống thống kê Nhà nước.
Hệ thống thống kê Nhà nước được quản lý theo ngành dọc, hoạt động theo chương trình thống nhất, bao gồm 3 cấp: Tổng cục Thống kê, Cục thống kê tỉnh, thành phố và Phòng thống kê các huyện, quận, thị. Hệ thống thống kê Nhà nước phải phát huy vai trò chủ đạo trong toàn ngành thống kê. Để thực hiện chức năng, nhiệm vụ vị trí của hệ thống thống kê Nhà nước, kiện toàn cơ cấu cần tổ chức bộ máy thống kê của các cơ quan thống kê Nhà nước, đặc biệt cấp huyện. Tổ chức thống kê ở các Bộ, các ngành, là một bộ phận không thể thiếu trong hệ thống tổ chức ngành thống kê, do đó: “Tổ chức và công tác thống kế ở các Bộ, các ngành cần được chấn chỉnh và tăng cường đúng mức” (mục 7 của Chỉ thị). Trên tinh thần của Nghị định số 150-HĐBT ngày 13-12-1983 của Hội đồng Bộ trưởng: “Căn cứ vào đặc điểm, khối lượng công tác và khả năng cán bộ của từng Bộ mà Bộ trưởng có thể tổ chức các Vụ chuyên ngành hoặc các bộ phận chuyên trách, giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực công tác cần thiết như thống kê,…” (Điều 5 của Nghị định). Tổng cục Thống kê thấy cần thành lập Vụ thống kê (hoặc Phòng thống kê trực thuộc) ở các Bộ, các ngành. Tổ chức thống kê hiện nay ở các Bộ, ngành cần lập đề án cụ thể, về chức năng, nhiệm vụ tổ chức bộ máy của Vụ thống kê (hoặc Phòng thống kê trực thuộc) để Tổng cục Thống kê tham gia ý kiến sau đó trình Bộ trưởng quyết định.
Tổ chức thống kê cơ sở:
Thủ trưởng các Bộ các ngành, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp cần chấn chỉnh và tăng cường đúng mức tổ chức thống kê, bố trí đủ và ổn định đội ngũ cán bộ thống kê cơ sở. Cần có cán bộ thống kê chuyên trách ở cấp xã, phường. Cục thống kê tỉnh, thành phố căn cứ vào tình hình cụ thể của địa phương xây dựng đề án trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định việc lập và củng cố Ban thống kê xã, phường (bao gồm cả biên chế, quỹ lương…) với sự nhất trí của Tổng cục Thống kê.
Đào tạo đội ngũ cán bộ công tác trong ngành thống kê:
Tổng cục Thống kê cùng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp nghiên cứu xây dựng đề án đào tạo đội ngũ cán bộ thống kê phù hợp với hướng phát triển ngành Thống kê hiện đại.
Ngành thống kê có kế hoạch đào tạo và bồi dưỡng cán bộ thống kê đương chức để đáp ứng yêu cầu tăng cường và hoàn thiện công tác thống kê.
6. Bảo đảm điều kiện vật chất cho công tác thống kê.
Để thiết thực giúp ngành Thống kê thực hiện tốt các yêu cầu của Đảng và Nhà nước, Chỉ thị của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng giao cho Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Vật tư trách nhiệm giải quyết các điều kiện vật chất cho công tác hạch toán và thống kê như thiết bị tính toán, các phương tiện ấn loát, giấy, phương tiện đi lại, v.v… đồng thời giao cho Tổng cục Thống kê cùng với Uỷ ban Khoa học Nhà nước và Tổng cục Bưu điện nghiên cứu đề án trang bị cơ sở vật chất – kỹ thuật cần thiết cho ngành thống kê.
Các Bộ, các ngành, Uỷ ban nhân dân các cấp trong phạm vi khả năng của mình cũng có trách nhiệm giải quyết các điều kiện tài chính, vật chất cho hoạt động hạch toán và thống kê của ngành và cấp mình.
Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng trong Chỉ thị số 295-CT đã giao cho các Bộ, các ngành, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thực hiện nghiêm chỉnh Chỉ thị về việc tiếp tục tăng cường và hoàn thiện công tác thống kê. Bởi vậy, các ngành, các cấp cần quán triệt sâu sắc Chỉ thị số 295-CT, có kế hoạch và biện pháp thực hiện Chỉ thị của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và Thông tư này nhằm nâng cao chất lượng thông tin thống kê trong phạm vi từng ngành, từng địa phương và toàn nền kinh tế quốc dân.
Tổ chức thống kê các Bộ, ngành, Cục thống kê các địa phương có trách nhiệm giúp Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc Trung ương lập kế hoạch tiếp tục tăng cường và hoàn thiện công tác hạch toán, công tác thống kê trong ngành và trong địa phương mình và tổ chức thực hiện kế hoạch ấy. Định kỳ 6 tháng một lần tổ chức thống kê các Bộ, ngành, Cục thống kê các tỉnh, thành phố phải báo cáo cho Tổng cục Thống kê kết quả thực hiện Chỉ thị số 295-CT và Thông tư này.
Reviews
There are no reviews yet.