THÔNG TƯ
CỦA TRỌNG TÀI KINH TẾ NHÀ NƯỚC SỐ 109/TT-PC NGÀY 24-5-1990 HƯỚNG DẪN THI HÀNH QUYẾT ĐỊNH SỐ 18-HĐBT NGÀY 16-1-1990
CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG VỀ VIỆC KÝ KẾT VÀ THỰC HIỆN
HỢP ĐỒNG KINH TẾ THEO CHỈ TIÊU PHÁP LỆNH
Căn cứ Điều 19 Quyết định số 18-HĐBT ngày 16-1-1990 của Hội đồng Bộ trưởng về việc ký kết và thực hiện hợp đồng kinh tế theo chỉ tiêu pháp lệnh, Trọng tài kinh tế Nhà nước ban hành Thông tư này hướng dẫn thi hành Quyết định nói trên.
I- PHẠM VI HIỆU LỰC CỦA QUYẾT ĐỊNH 18-HĐBT NGÀY 16-1-1990
Quyết định số 18-HĐBT ngày 16-1-1990 của Hội đồng Bộ trưởng chỉ áp dụng cho việc ký kết và thực hiện hợp đồng kinh tế theo chỉ tiêu pháp lệnh tại các đơn vị kinh tế quốc doanh được giao chỉ tiêu pháp lệnh. Chỉ tiêu pháp lệnh nói trong quyết định này là các chỉ tiêu cụ thể về nhiệm vụ sản xuất kinh doanh một số sản phẩm chủ yếu do cấp có thẩm quyền giao theo quy định về việc giao kế hoạch Nhà nước hàng năm của Hội đồng Bộ trưởng (đối với kế hoạch Nhà nước năm 1990 thì theo Quyết định số 197-HĐBT ngày 11-12-1989 về việc sửa đổi phương pháp giao kế hoạch Nhà nước năm 1990).
II- NGHĨA VỤ TRONG VIỆC KÝ KẾT VÀ THỰC HIỆN HỢP ĐỒNG
KINH TẾ THEO CHỈ TIÊU PHÁP LỆNH
1- Ký kết hợp đồng kinh tế theo chỉ tiêu pháp lệnh là nghĩa vụ của các đơn vị kinh tế được giao thực hiện chỉ tiêu pháp lệnh.
Bảo đảm đủ các điều kiện cần thiết để cho các đơn vị kinh tế được giao chỉ tiêu pháp lệnh ký được hợp đồng kinh tế đúng theo chỉ tiêu pháp lệnh là nghĩa vụ của cơ quan trực tiếp giao chỉ tiêu pháp lệnh. Khi không đủ các điều kiện đồng bộ, cân đối để ký kết hợp đồng kinh tế đúng theo chỉ tiêu pháp lệnh thì các đơn vị kinh tế chỉ phải ký hợp đồng tương ứng với mức độ đã được cân đối, đồng bộ.
2- Thực hiện đầy đủ hợp đồng kinh tế theo chỉ tiêu pháp lệnh là nghĩa vụ của các bên ký kết đối với nhau và đồng thời là nghĩa vụ của các bên đối với Nhà nước trong việc thực hiện kế hoạch Nhà nước.
3- Giải quyết kịp thời, có hiệu quả các khó khăn vướng mắc về những vấn đề thuộc ngành mình quản lý cho các đơn vị kinh tế trong quá trình ký kết và thực hiện hợp đồng kinh tế theo chỉ tiêu pháp lệnh là nghĩa vụ của các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan.
III- TRÌNH TỰ KÝ KẾT HỢP ĐỒNG KINH TẾ THEO CHỈ TIÊU PHÁP LUẬT
1- Làm dự thảo hợp đồng kinh tế.
Bên sản xuất, nhận thầu, chủ phương tiện vận tải và bên bán (đối với xí nghiệp thương nghiệp và xí nghiệp vật tư) là bên phải làm dự thảo hợp đồng kinh tế theo chỉ tiêu pháp lệnh. Chậm nhất không quá 15 ngày (nếu là sản phẩm mới thì không quá 30 ngày) kể từ ngày nhận được chỉ tiêu pháp lệnh, phải gửi dự thảo hợp đồng kinh tế đến bên cùng ký kết (thực hiện chỉ tiêu pháp lệnh đó). Trường hợp nhận được chỉ tiêu pháp lệnh nhưng chưa có địa chỉ của bên cùng thực hiện chỉ tiêu đó, thì phải bảo cáo với cơ quan trực tiếp giao chỉ tiêu pháp lệnh để giải quyết. Trong trường hợp này thời hạn quy định trên được tính từ ngày có địa chỉ của bên cùng ký kết. Sau ba tháng kể từ ngày có chỉ tiêu pháp lệnh, nếu vẫn chưa có địa chỉ của bên cùng ký kết, thì đơn vị nhận được chỉ tiêu pháp lệnh đó làm văn bản đề nghị điều chỉnh lại kế hoạch.
2- Trả lời dự thảo hợp đồng kinh tế.
Bên nhận được dự thảo hợp đồng kinh tế phải trả lời, bàn bạc với bên dự thảo để đi đến việc ký kết hợp đồng kinh tế. Thời hạn quy định việc trả lời dự thảo hợp đồng kinh tế không được chậm quá 30 ngày kể từ ngày nhận được dự thảo.
Trường hợp đã bàn bạc, thảo luận nhưng không đi đến sự hình thành hợp đồng kinh tế theo chỉ tiêu pháp lệnh thì các bên đều phải báo cáo lên cơ quan trực tiếp giao chỉ tiêu pháp lệnh và trọng tài kinh tế cùng cấp với cơ quan đó. Khi những vướng mắc đã được giải quyết thì các bên phải cùng nhau ký hợp đồng kinh tế tương ứng với mức độ đã được giải quyết các điều kiện đồng bộ, cân đối để thực hiện chỉ tiêu pháp lệnh đó.
Chậm nhất là hai tháng, kể từ ngày nhận được dự thảo hợp đồng kinh tế, nếu bên nhận dự thảo hợp đồng kinh tế không trả lời, hoặc không ký vào bản dự thảo hợp đồng kinh tế đó thì bên dự thảo báo cáo lên cơ quan trực tiếp giao chỉ tiêu pháp lệnh đề nghị điều chỉnh lại kế hoạch.
IV- ĐẠI DIỆN KÝ HỢP ĐỒNG KINH TẾ
1- Thủ trưởng của đơn vị kinh tế được giao chỉ tiêu pháp lệnh là đại diện để ký kết hợp đồng kinh tế theo chỉ tiêu pháp lệnh. Trường hợp cần thiết thủ trưởng được uỷ quyền bằng văn bản cho người phó của mình ký hợp đồng kinh tế. Người phó không được uỷ quyền lại cho người khác. Không bắt buộc kế toán trưởng cùng ký với đại diện vào bản hợp đồng kinh tế.
2- Đơn vị kinh tế được giao chỉ tiêu pháp lệnh không được uỷ quyền, cho đơn vị khác thay mình để ký kết hợp đồng kinh tế theo chỉ tiêu pháp lệnh.
V- CĂN CỨ KÝ KẾT HỢP ĐỒNG KINH TẾ
Khi ký kết hợp đồng kinh tế theo chỉ tiêu pháp lệnh, phải theo các căn cứ sau đây:
1- Về số lượng, chủng loại, quy cách, tính đồng bộ, chất lượng, yêu cầu kỹ thuật, giá cả, thời gian thực hiện phải căn cứ vào các số liệu cụ thể của chỉ tiêu pháp lệnh được giao. Nếu trong chỉ tiêu pháp lệnh không ghi cụ thể về chất lượng thì phải áp dụng các quy định về chất lượng của Nhà nước đã ban hành, không quy định giá thì áp dụng theo chính sách giá cả hiện hành, không ghi rõ thời gian thực hiện thì thời gian thực hiện là kỳ kế hoạch được giao chỉ tiêu đó.
2- Các chuẩn mức kinh tế – kỹ thuật hiện hành.
3- Về bảo hành điều kiện nghiệm thu, giao nhận, phương thức thanh toán, trách nhiệm do vi phạm hợp đồng kinh tế áp dụng theo các quy định tại Pháp lệnh hợp đồng kinh tế và Nghị định 17-HĐBT ngày 16-1-1990 quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh hợp đồng kinh tế.
VI- QUÁ TRÌNH THỰC HIỆN HỢP ĐỒNG KINH TẾ
1- Đơn vị kinh tế đã ký kết hợp đồng kinh tế theo chỉ tiêu pháp lệnh có thể uỷ quyền cho đơn vị kinh tế khác thay mình thực hiện các công việc đã ghi trong hợp đồng kinh tế, nhưng phải chịu trách nhiệm hoàn toàn như chính mình thực hiện hợp đồng kinh tế đó.
2- Trong quá trình thực hiện hợp đồng kinh tế theo chỉ tiêu pháp lệnh nếu một bên gặp khó khăn khách quan có khả năng dẫn đến vi phạm hợp đồng thì phải thông báo ngay cho các bên có liên quan biết, phải báo cáo với cơ quan trực tiếp giao chỉ tiêu pháp lệnh, đồng thời phải tìm mọi biện pháp để khắc phục khó khăn đó. Bên nhận được thông báo có nghĩa vụ góp sức ngăn chặn vi phạm và thiệt hại có thể xảy ra.
3- Khi có sự thay đổi về tổ chức của một bên, thì bên đó phải có thông báo cho bên cùng ký kết biết sự thay đổi đó cùng với sự chuyển giao thực hiện hợp đồng kinh tế theo chỉ tiêu pháp lệnh. Đơn vị tiếp nhận nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của bên đó có nghĩa vụ tiếp nhận việc thực hiện hợp đồng kinh tế theo chỉ tiêu pháp lệnh có liên quan đến nhiệm vụ sản xuất kinh doanh đã tiếp nhận.
4- Khi có sự thay đổi chỉ tiêu pháp lệnh dẫn đến việc phải thay đổi, đình chỉ thực hiện hoặc huỷ bỏ hợp đồng kinh tế đã ký kết, bên nhận được sự thay đổi chỉ tiêu pháp lệnh phải thông báo kịp thời với bên cùng ký kết hợp đồng kinh tế biết để cùng nhau điều chỉnh lại hoặc thanh lý hợp đồng kinh tế đã ký kết.
5- Hết kỳ kế hoạch hoặc khi hợp đồng kinh tế đã được thực hiện xong, khi có sự huỷ bỏ, đình chỉ thực hiện hợp đồng kinh tế đã ký kết các bên phải cùng nhau thanh lý hợp đồng kinh tế. Nội dung thanh lý hợp đồng kinh tế áp dụng theo điều 20 Nghị định số 17-HĐBT ngày 16-1-1990 quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh hợp đồng kinh tế.
VII- TRÁCH NHIỆM SAU KHI BỊ XỬ LÝ VI PHẠM
1- Sau khi đã bị phạt tiền vì từ chối, trì hoãn ký kết hợp đồng kinh tế hoặc ký hợp đồng kinh tế không đúng chỉ tiêu pháp lệnh mà không có lý do chính đáng, các đơn vị kinh tế được giao chỉ tiêu pháp lệnh vẫn phải ký hợp đồng kinh tế hoặc ký lại theo đúng chỉ tiêu pháp lệnh, theo quyết định của Trọng tài kinh tế.
2- Bên vi phạm hợp đồng kinh tế theo chỉ tiêu pháp lệnh, sau khi đã chịu trách nhiệm tài sản (phạt hợp đồng, bồi thường thiệt hại) cho bên bị vi phạm, vẫn phải tiếp tục thực hiện hợp đồng theo đúng nội dung hợp đồng, nếu không có sự thay đổi, đình chỉ thực hiện hoặc huỷ bỏ hợp đồng kinh tế đó: Trong trường hợp này, nếu xảy ra vi phạm tiếp theo, bên vi phạm bị phạt hợp đồng như có sự vi phạm mới.
VIII- TRÁCH NHIỆM, QUYỀN HẠN CỦA TRỌNG TÀI KINH TẾ
1- Kiểm tra việc ký kết và thực hiện, giải quyết tranh chấp về ký kết và thực hiện hợp đồng kinh tế theo chỉ tiêu pháp lệnh là nhiệm vụ và quyền hạn của Trọng tài kinh tế. Thẩm quyền trong công việc này phân định như sau:
a) Đối với những hợp đồng kinh tế theo chỉ tiêu pháp lệnh do Bộ trưởng các Bộ giao cho các bên hoặc một bên do Bộ trưởng giao, một bên do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh giao, thuộc thẩm quyền của Trọng tài kinh tế Nhà nước. Khi cần thiết, Trọng tài kinh tế Nhà nước uỷ quyền cho Trọng tài kinh tế cấp tỉnh thực hiện việc kiểm tra.
b) Đối với những hợp đồng kinh tế theo chỉ tiêu pháp lệnh do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh giao cho các bên, thuộc thẩm quyền của Trọng tài kinh tế tỉnh đó.
2- Khi kiểm tra việc ký kết và thực hiện hợp đồng kinh tế cũng như khi nhận được báo cáo của đơn vị kinh tế về những khó khăn vướng mắc trong ký kết và thực hiện hợp đồng kinh tế, Trọng tài kinh tế có nhiệm vụ tác động đến các cơ quan có liên quan, giải quyết kịp thời, có hiệu quả các khó khăn vướng mắc đó, giúp đơn vị kinh tế có đủ điều kiện để ký kết và thực hiện hợp đồng kinh tế theo chỉ tiêu pháp lệnh.
3- Trọng tài kinh tế phạt tiền đối với đơn vị kinh tế có những vi phạm về từ chối, trì hoãn ký kết hợp đồng kinh tế theo chỉ tiêu pháp lệnh mà không có lý do chính đáng hoặc ký hợp đồng kinh tế không đúng theo chỉ tiêu pháp lệnh mà không có lý do chính đáng theo quy định tại Điều 15 Quyết định số 18-HĐBT ngày 16-1-1990.
Kiến nghị đến cơ quan có thẩm quyền xem xét trách nhiệm kỷ luật đối với thủ trưởng các đơn vị kinh tế vi phạm nghĩa vụ thực hiện hợp đồng kinh tế đã ký kết.
IX- ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
1- Thông tư này có hiệu lực từ ngày ký.
2- Bãi bỏ Thông tư số 525-HĐ ngày 23-6-1975 của Trọng tài kinh tế Nhà nước hướng dẫn việc ký kết và thực hiện hợp đồng kinh tế theo Nghị định 54-CP ngày 10-3-1975.
Reviews
There are no reviews yet.