THÔNG TƯ
CỦA TRỌNG TÀI KINH TẾ NHÀ NƯỚC SỐ 22-PC/TT
NGÀY 16 THÁNG 3 NĂM 1982 HƯỚNG DẪN THI HÀNH NGHỊ ĐỊNH
SỐ 22-HĐBT NGÀY 13-2-1982 CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG BỔ SUNG NHIỆM VỤ XÉT XỬ CỦA TRỌNG TÀI KINH TẾ VÀ SỬA ĐỔI
THỜI HẠN KHIẾU NẠI, XÉT XỬ
Ngày 13 tháng 2 năm 1982, Hội đồng Bộ trưởng đã ra Nghị định số 22-HĐBT bổ sung nhiệm vụ xét xử của Trọng tài kinh tế và sửa đổi thời hạn khiếu nại, thời hạn xét xử.
Căn cứ vào Điều 5 của nghị định, Chủ tịch Trọng tài kinh tế Nhà nước ra Thông tư giải thích và hướng dẫn thi hành Nghị định nói trên của Hội đồng Bộ trưởng.
1. Tranh chấp về bảo hiểm hàng hoá là các vụ tranh chấp về hợp đồng bảo hiểm hàng hoá giữa một bên là các xí nghiệp quốc doanh hoặc công tư hợp doanh, các cơ quan Nhà nước, các đơn vị bộ đội, các đoàn thể và tổ chức xã hội, các hợp tác xã được phép kinh doanh, có tài khoản ở ngân hàng, và một bên là các tổ chức bảo hiểm của Nhà nước.
Các cơ quan Trọng tài kinh tế chỉ nhận xét xử các vụ tranh chấp về hợp đồng bảo hiểm hàng hoá khi các bên kí kết thuộc các tổ chức nói trên; không nhận xét xử các vụ tranh chấp này nếu không có hợp đồng bảo hiểm hoặc các bên không thuộc các tổ chức nói trên, hoặc một bên hay cả hai bên là người nước ngoài hoặc tổ chức kinh doanh nước ngoài.
Bên nào vi phạm hợp đồng bảo hiểm hàng hoá gây thiệt hại cho bên cùng ký kết thì phải chịu trách nhiệm vật chất theo điều 17 của Điều lệ chế độ hợp đồng kinh tế (Nghị định số 54-CP ngày 10-3-1975 của Hội đồng Chính phủ).
2. Các cơ quan Trọng tài kinh tế chỉ nhận xét xử các vụ tranh chấp về nợ nần có liên quan đến hợp đồng kinh tế xảy ra giữa các xí nghiệp quốc doanh hoặc công tư hợp doanh, các cơ quan Nhà nước, các đơn vị bộ đội, các đoàn thể và tổ chức xã hội, các hợp tác xã được phép kinh doanh có tài khoản ở ngân hàng. Các vụ tranh chấp này phát sinh do không ký kết hợp đồng kinh tế, không thanh lý sau khi kết thúc hợp đồng kinh tế, không chấp hành đúng các chế độ, thể lệ thanh toán của Nhà nước gây tình trạng ứ đọng vốn, chiếm dụng vốn của nhau, ảnh hưởng đến quá trình sản xuất, lưu thông.
Các vụ tranh chấp về nợ nần trên đây xảy ra trước ngày 13-2-1982 (tức là ngày ban hành Nghị định số 22-HĐBT) cần phải được giải quyết nhanh gọn, chậm nhất là cuối tháng 12 năm 1982. Từ nay về sau, để hạn chế đến mức thấp nhất các tranh chấp về nợ nần có thể xảy ra, các bên đương sự phải làm tốt khâu ký kết, thực hiện, thanh lý hợp đồng và phải thanh toán đúng kỳ hạn.
Bên vi phạm hợp đồng (bên mắc nợ) phải buộc trả cho bên bị vi phạm hợp đồng (bên chủ nợ) tiền nợ và tiền lãi phát sinh do chiếm dụng vốn theo các chế độ, thể lệ về tài chính, Ngân hàng của Nhà nước, đồng thời còn bị phạt hợp đồng theo Điều 17 của Điều lệ về chế độ hợp đồng kinh tế (Nghị định số 54-CP ngày 10-3-1975 của Hội đồng Chính phủ ).
3. Điều 13 mới của Điều lệ tạm thời quy định những nguyên tắc xử lý trong việc chấp hành chế độ hợp đồng kinh tế ban hành theo Nghị định số 29-CP ngày 23-4-1962 của Hội đồng Chính phủ đã quy định thời hạn khiếu nại nói chung là sáu tháng kể từ ngày hết hạn thực hiện hợp đồng.
Khi xảy ra tranh chấp về hợp đồng kinh tế, các bên phải chủ động gặp nhau bàn bạc giải quyết. Nếu không tự giải quyết được thì phải nhanh chóng lập hồ sơ khiếu nại gửi trước thời hạn quy định càng sớm càng tốt đến cơ quan trọng tài kinh tế có thẩm quyền để xét xử, nhằm phục vụ kịp thời sản xuất, kinh doanh của đơn vị kinh tế cơ sở. Đây là trách nhiệm của các bên ký kết hợp đồng. Thời hạn 6 tháng chỉ áp dụng vào các vụ tranh chấp về hợp đồng kinh tế có tình tiết phức tạp; có sự thay đổi về tổ chức hay về người ký kết hợp đồng; hoàn cảnh địa lý xa xôi, đi lại khó khăn. Các cơ quan trọng tài kinh tế không nhận xét xử những vụ vi phạm hợp đồng kinh tế đã quá thời hạn khiếu nại sáu tháng, trừ những trường hợp tranh chấp nói ở điểm 1, điểm 2 của Thông tư này và những trường hợp có lý do chính đáng. Những trường hợp có lý do chính đáng là những trường hợp tranh chấp về hợp đồng kinh tế quá phức tạp hoặc là những trường hợp tranh chấp về hợp đồng xuất, nhập khẩu hàng hoá có liên quan đến sự bồi thường của nước ngoài.
4. Điều 22 mới của Điều lệ tạm thời quy định những nguyên tắc xử lý trong việc chấp hành chế độ hợp đồng kinh tế ban hành theo Nghị định số 29-CP ngày 23-2-1962 của Hội đồng Chính phủ đã quy định trong thời hạn một tháng kể từ ngày nhận đơn khiếu nại, cơ quan trọng tài kinh tế phải tiến hành xét xử (trước đây là 20 ngày).
Việc sửa đổi thời hạn xét xử nói trên tạo điều kiện cho cơ quan trọng tài kinh tế có thêm thời gian chuẩn bị để xét xử các vụ tranh chấp về hợp đồng kinh tế có tình tiết phức tạp hoặc gặp trở ngại, khó khăn về đi lại, còn đối với các vụ tranh chấp về hợp đồng kinh tế khác, thì phải tiến hành xét xử đúng đắn, khẩn trương, kịp thời, không được chậm trễ, thời hạn một tháng nói đây kể từ ngày nhận được hồ sơ khiếu nại ghi vào sổ công văn đến, đến ngày giải quyết xong vụ tranh chấp.
Trong trường hợp xét thấy có nhiều tình tiết phức tạp phải tiến hành thẩm tra, kiểm nghiệm, giám định v.v… thì Chủ tịch trọng tài kinh tế nơi xét xử có quyền gia hạn một tháng, nhưng cũng chỉ được phép gia hạn một lần. Khi gia hạn, Chủ tịch trọng tài kinh tế phải có văn bản và thông báo kịp thời cho các bên đương sự biết.
Các quy định trước đây trong Thông tư số 180-TTHĐ ngày 20-7-1979 của Chủ tịch Trọng tài kinh tế Nhà nước (như đoạn nói về nợ các cơ quan của mục c, toàn bộ mục g thuộc điểm 2, toàn bộ điểm 3 và phần 2 của điểm 5, chương A) trái với Nghị định số 22-HĐBT ngày 13-2-1982 của Hội đồng Bộ trưởng và Thông tư hướng dẫn này đều bị bãi bỏ.
Đề nghị Bộ trưởng các Bộ, Chủ nhiệm các Uỷ ban Nhà nước, thủ trưởng các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố đặc khu trực thuộc Trung ương phổ biến Nghị định số 22-HĐBT ngày 13-2-1982 của Hội đồng Bộ trưởng và thông tư hướng dẫn này, đến các cơ quan, đơn vị kinh tế cơ sở trực thuộc để nắm vững và thi hành đầy đủ.
Yêu cầu các Chủ tịch trọng tài kinh tế các Bộ, Tổng cục, các tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc trung ương tổ chức nghiên cứu kỹ Nghị định của Hội đồng Bộ trưởng và Thông tư hướng dẫn này để thi hành.
Reviews
There are no reviews yet.