LIÊN BỘ VĂN HOÁ – TỔNG CỤC HẢI QUAN SỐ 45-TTLB/VH/HQ
NGÀY 12-1-1987 HƯỚNG DẪN THI HÀNH CHỈ THỊ SỐ 339-CT
NGÀY 22-10-1985 CỦA CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG VỀ VIỆC
QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG MÁY VÀ BĂNG GHI HÌNH
Trong những năm gần đây, việc xuất, nhập khẩu máy và băng ghi hình qua đường phi mậu dịch ngày càng nhiều. Nhiều trường hợp chưa tuân thủ đúng các quy tắc của Nhà nước. Một số ngành ở Trung ương và địa phương, cũng như một số cá nhân đã sử dụng tuỳ tiện hoặc mua bán lén lút để hưởng chênh lệch giá máy và băng ghi hình nhập trái phép từ nước ngoài. Tình hình trên đã gây nhiều hậu quả xấu về kinh tế, chính trị, tư tưởng.
Thi hành Chỉ thị số 339-CT ngày 22-10-1985 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về việc quản lý và sử dụng máy và băng ghi hình; Thông tư số 89-VH ngày 14-4-1986 của Bộ Văn hoá hướng dẫn thi hành Chỉ thị số 339-CT của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng; căn cứ Chỉ thị số 229-CT ngày 20-8-1984 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về thống nhất quản lý việc xuất, nhập khẩu nguyên chiếc các loại hàng điện tử dân dụng và Chỉ thị số 81-TCHQ/PC ngày 4-3-1985 của Tổng cục Hải quan quy định về điều kiện xuất khẩu các loại máy thu thanh và máy ghi âm, liên Bộ Văn hoá – Tổng cục Hải quan quy định dưới đây nguyên tắc và thủ tục xuất nhập khẩu máy và băng ghi hình qua đường phi mậu dịch để các cấp thuộc ngành Văn hoá và ngành Hải quan, các cơ quan, đoàn thể (kể các các cơ quan nước ngoài) ở Trung ương và địa phương, các cá nhân (kể cả người nước ngoài) có liên quan thực hiện.
I. MỘT SỐ QUY ĐỊNH CHUNG
Một bộ máy hoàn chỉnh gồm 1 máy ghi hình (camera), 1 đầu máy phát hình (video) và 1 máy thu hình (tivi). Từng máy riêng lẻ là 1 máy ghi hình, hoặc 1 đầu máy phát hình, hoặc 1 máy thu hình. Băng ghi hình gồm băng đã ghi hình hoặc băng chưa ghi hình. Tất cả đểu là loại hàng Nhà nước thống nhất quản lý việc xuất, nhập khẩu, do đó:
1. Chỉ có Uỷ ban Phát thanh và truyền hình và Bộ Văn hoá được nhập máy và băng ghi hình theo kế hoạch được Hội đồng Bộ trưởng duyệt hằng năm cho nhu cầu của các cơ quan thuộc hệ thống phát thanh và truyền hình, cũng như của các cơ quan thuộc ngành Văn hoá, các địa phương, các ngành và các cơ quan khác.
2. Các cơ quan Việt Nam, các đoàn thể và cá nhân người Việt Nam, các cơ quan nước ngoài và cá nhân người nước ngoài ở Việt Nam mang vào Việt Nam và mang ra nước ngoài máy và băng đã ghi hình phải làm đúng theo quy định cụ thể ghi tại các phần II và III của Thông tư liên bộ này.
3. Băng chưa ghi hình thuộc danh mục hàng hoá Nhà nước độc quyền kinh doanh, khi nhập khẩu đều phải bán cho cơ quan Văn hoá theo giá quy định trong Chỉ thị số 202-HĐBT ngày 10-7-1985 của Hội đồng Bộ trưởng. Và thuộc loại cấm xuất khẩu phi mậu dịch.
4. Mọi hành vi xuất khẩu trái phép máy và băng ghi hình, đều bị xử lý theo luật lệ Hải quan và pháp luật hiện hành của Nhà nước.
II. MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỤ THỂ VỀ VIỆC XUẤT NHẬP KHẨU QUA ĐƯỜNG
PHI MẬU DỊCH MÁY VÀ BĂNG GHI HÌNH
1. Các cơ quan Việt Nam, các đoàn thể và cá nhân người Việt Nam, các cơ quan người nước ngoài nhập khẩu máy và xuất nhập khẩu băng đã ghi hình qua đường phi mậu dịch, phải:
a) Làm đơn gửi Sở Văn hoá – thông tin tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương (dưới đây gọi tắt là cấp tỉnh), để xin phép nhập khẩu bộ máy hoàn chỉnh hoặc từng máy riêng lẻ.
Riêng đối với việc xuất nhập khẩu băng đã ghi hình thì phải mang băng đến Bộ Văn hoá hoặc cơ quan Văn hoá cấp tỉnh để kiểm tra nội dung.
b) Sau khi được cơ quan Văn hoá cấp giấy phép, phải xuất trình giấy phép đó với Hải quan cấp tỉnh để được cấp tiếp giấy phép nhập khẩu phi mậu dịch đối với bộ máy hoàn chỉnh hoặc từng máy riêng lẻ và băng đã ghi hình; hoặc giấy phép xuất khẩu phi mậu dịch đối với băng ghi hình.
Hải quan cấp tỉnh, khi cấp giấy phép, thì lưu giữ giấy phép của cơ quan Văn hoá và ghi rõ trên giấy phép của mình là “Cấp tiếp theo giấy phép số… ngày… tháng… năm 198… của Sở Văn hoá – thông tin tỉnh…”.
Hải quan cấp tỉnh không được cấp giấy phép xuất, nhập khẩu phi mậu dịch trước khi có giấy phép của cơ quan Văn hoá. Nếu giấy phép của cơ quan Văn hoá không bảo đảm đúng nguyên tắc hoặc có vấn đề gì không sáng tỏ, thì Hải quan cấp tỉnh không được cấp giấy phép tiếp mà phải lập biên bản tạm giữ máy và băng đã ghi hình đã kê khai trong giấy phép đó mà chủ hàng định xuất hay nhập khẩu, và báo cáo ngay Tổng cục Hải quan để xin chỉ thị.
2. Những người nước ngoài được phép nhập cảnh Việt Nam và những người Việt Nam định cư ở nước ngoài có mang theo máy và băng ghi hình để sử dụng trong thời gian lưu trú tại Việt Nam, thì trong trường hợp này các mặt hàng nói trên được coi là hàng tạm nhập, nên thuộc lại hàng phải tái xuất. Khi xuất cũng phải theo đúng số lượng, nhãn hiệu, ký hiệu và số máy đã kê khai lúc nhập khẩu. Việc tạm nhập và tái xuất máy và băng đã ghi hình được miễn giấy phép của cơ quan Hải quan, miễn thuế và miễn lệ phí hải quan.
Riêng về băng đã ghi hình phải qua cơ quan văn hoá kiểm tra nội dung; nếu là băng đã ghi hình có nội dung không vi phạm 5 điều kỷ luật tuyên truyền của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì được sử dụng. Nếu là băng đã ghi hình không phù hợp với tình hình Việt Nam, thì cơ quan Văn hoá tạm giữ lại ở cửa khẩu, khi nào khách rời Việt Nam sẽ được nhận lại.
Đối với các tổ chức quốc tế và cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài ở Việt Nam nếu được phép sử dụng loại băng đã ghi hình không phù hợp với Việt Nam, thì phải tuân theo quy chế sử dụng máy và băng đã ghi hình của Việt nam. Nếu là băng đã ghi hình có nội dung chính trị chống lại đường lối cách mạng của Việt Nam, thì bị tịch thu.
Ngoài ra, phải tuân theo các điều kiện dưới đây:
a) Khi nhập cảnh, phải khai báo rõ ràng cụ thể trên tờ khai hành lý nhập khẩu: nhãn hiệu, ký hiệu, số máy, nước sản xuất, số lượng và nội dung các băng đã ghi hình, có xác nhận của Hải quan cửa khẩu.
b) Khi xuất cảnh, phải tái xuất đúng và đủ máy và băng đã ghi hình được Hải quan cửa khẩu xác nhận trên tờ khai hành lý nhập khẩu khi nhập cảnh.
3. Những khách du lịch, chuyên gia, những người mang quốc tịch nước ngoài và những người Việt Nam định cư ỏ các nước về thăm quê hương mua máy và băng đã ghi hình tại các cửa hàng Nhà nước của Việt Nam bán thu ngoại tệ (trong đó ghi rõ họ, tên người mua, nhãn hiệu, ký hiệu, số máy v.v…) của máy, thì khi xuất cảnh được mang theo miễn thuế, không cần có giấy phép của cơ quan Văn hoá; mà được cơ quan Hải quan cấp ngay giấy phép xuất.
Riêng đối với băng đã ghi hình, phải đem đến cơ quan văn hoá kiểm tra nội dung và Hải quan tỉnh cấp tiếp giấy phép và niêm phong, thì Hải quan cửa khẩu mới cho xuất.
Ngoài hai trường hợp quy định ở điểm 2 và 3 trên đây, đều cấm xuất khẩu phi mậu dịch bộ máy hoàn chỉnh hoặc từng máy riêng lẻ.
4. Mọi trường hợp nhập khẩu phi mậu dịch các băng chưa ghi hình, tuy không phải xin phép trước cơ quan Văn hoá, nhưng phải làm đầy đủ thủ tục hải quan với Hải quan cửa khẩu, và phải thi hành theo điểm 3 phần I của Thông tư này.
5. Hải quan cửa khẩu chỉ:
a) Cho nhập khẩu phi mậu dịch bộ máy hoàn chỉnh hoặc từng máy riêng lẻ; và cho xuất nhập khẩu phi mậu dịch băng đã ghi hình theo đúng giấy phép xuất nhập khẩu phi mậu dịch của cơ quan Hải quan cấp tỉnh.
b) Cho nhập khẩu theo giấy phép xuất hàng, nhập hàng của Bộ Ngoại thương cấp: bộ máy hoàn chỉnh hoặc từng máy riêng lẻ hoặc các linh kiện của máy, các băng chưa ghi hình, hoặc xuất nhập khẩu các băng đã ghi hình của Uỷ ban phát thanh và truyền hình và Bộ Văn hoá ghi trong kế hoạch xuất nhập khẩu của Nhà nước đã được Hội đồng Bộ trưởng duyệt.
c) Trong trường hợp các loại hàng xuất nhập trên không phù hợp với giấy phép hợp lệ, hoặc giấy phép không bảo đảm đúng nguyên tắc, thì Hải quan cửa khẩu không cho xuất khẩu hay nhập khẩu, mà phải lập biên bản tạm giữ để chờ xin ý kiến cơ quan Hải quan cấp trên.
III. THỦ TỤC HẢI QUAN
Người có loại hàng nói trên khi xuất, nhập phải:
1. Chấp hành đầy đủ các thủ tục Hải quan quy định trong Thông tư số 3007-TTLB/VH/HQ ngày 26-10-1985 của liên Bộ Văn hoá – Tổng cục Hải quan.
2. Chấp hành đầy đủ mọi quyết định xử lý của Hải quan cửa khẩu như:
– Đủ điều kiện để nhập khẩu hoặc xuất khẩu;
– Phải bán cho Nhà nước trường hợp nhập vượt quá mức quy định (hoặc cơ quan Văn hoá không cho phép nhập);
– Phải bán cho Nhà nước các băng chưa ghi hình;
– Phải nộp thuế hàng hoá xuất, nhập khẩu phi mậu dịch nếu trị giá hàng vượt quá định mức miễn thuế.
– Tịch thu các loại hàng nói trong Thông tư này mà Nhà nước cấp xuất, cấm nhập, hoặc đã xuất nhập khẩu trái phép v.v…
Sau khi đã làm đủ thủ tục hải quan đối với việc nhập khẩu máy và băng ghi hình, sẽ được Hải quan cấp tỉnh cấp “Giấy chứng nhận hàng đã hoàn thành thủ tục hải quan” để đăng ký sử dụng với cơ quan Văn hoá.
3. Cơ quan Văn hoá tỉnh chỉ xét cho đăng ký sử dụng bộ máy hoàn chỉnh hoặc từng máy riêng lẻ và băng đã ghi hình được nhập khẩu trên cơ sở “Giấy chứng nhận hàng đã hoàn thành thủ tục hải quan ” do Hải quan cấp tỉnh cấp.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Các quy định trước đây về quản lý xuất nhập khẩu phi mậu dịch máy và băng đã ghi hình, băng chưa ghi hình trái với Thông tư này đều bãi bỏ.
Reviews
There are no reviews yet.