THÔNG TƯ
CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 94-TC/CN NGÀY 11-11-1993 HƯỚNG DẪN
CHẾ ĐỘ TRÍCH LẬP VÀ SỬ DỤNG VỐN KHCB TẠI CÁC
DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC
Bộ Tài chính đã ban hành các chế độ hướng dẫn và sử dụng vốn KHCB tại các Doanh nghiệp Nhà nướ:
– Quyết định số 507- TC/ĐTXD ngày 27-7-1986 của Bộ Tài chính quy định chế độ quản lý khấu hao tài sản cố định và tập định mức tỷ lệ khấu hao tài sản cố định (sắp tới có bổ sung và sửa đổi tỉ lệ khấu hao TSCĐ).
– Thông tư số 33 TC/CN ngày 1-9-1989 hướng dẫn sửa đổi chế độ nộp KHCB của các tổ chức kinh tế và xí nghiệp quốc doanh vào Ngân sách Nhà nước theo Quyết định số 93/HĐBT ngày 24 – 7 – 1989 của Hội đồng Bộ trưởng.
– Thông tư số 33 TC/CN ngày 31-7-1990 quy định chế độ khấu hao tài sản cố định.
– Thông tư số 34 TC/CN ngày 31-7-1990 hướng dẫn việc chuyển giao, cho thuê, nhượng bán, thanh lý tài sản cố định.
– Thông tư số 31 TC/CN ngày 27/5/1991 và Thông tư số 82 TC/CN ngày 31-12-1991 hướng dẫn chế độ bảo toàn và phát triển vốn.
Nay, để đảm bảo áp dụng chế độ thống nhất và đáp ứng những yêu cầu mới về mở rộng và phát triển sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, Bộ Tài chính hướng dẫn một số điểm sửa đổi và bổ sung chế độ trích lập và sử dụng vốn KHCB như sau:
I. TRÍCH LẬP VỐN KHCB
1. Căn cứ để tính mức trích KHCB của các doanh nghiệp là:
– Nguyên giá TSCĐ phải được tính đúng, tính đủ theo mức bảo toàn vốn hàng năm đã được duyệt.
– Tỷ lệ KHCB tính theo quy định củaNhà nước (theo Quyết định 507 TC/ĐTXD 22-7-1986 của Bộ Tài chính) và các văn bản, hướng dẫn sửa đổi bổ sung tỉ lệ KHCB của Bộ Tài chính.
2. Các doanh nghiệp Nhà nước do có khó khăn trong kinh doanh nên kết quả sản xuất kinh doanh còn bị lỗ nhưng không thuộc diện phải giải thể thì lập báo cáo giải trình với cơ quan quản lý cấp trên và cơ quan tài chính cùng cấp (Bộ Tài chính đối với XNQD TW và Sở Tài chính đối với XNQD địa phương) về các nguyên nhân bị lỗ, các biện pháp khắc phục.
Cơ quan tài chính quản lý doanh nghiệp Nhà nước xem xét và quyết định việc giảm mức KHCB theo công suất huy động để giảm lỗ trên cơ sở đề nghị của doanh nghiệp và ý kiến của cơ quan chủ quản cấp trên.
Nguyên tắc xét giảm mức KHCB là:
– Không được xét giảm mức KHCB trong trường hợp doanh nghiệp chi tiền lương bình quân cho công nhân viên cao hơn định mức đơn giá được duyệt.
– KHCB chỉ được giảm khi có lỗ phát sinh trong năm (do các nguyên nhân khách quan được Nhà nước chấp nhận).
– Mức tối đa được giảm KHCB là 50% so với mức trích bình thường theo chế độ.
3.Trường hợp ngược lại, các doanh nghiệp có vay vốn ngân hàng hoặc vay từ các nguồn khác để đầu tư mua sắm TSCĐ bao gồm cả trường hợp vay mua và thuê mua TSCĐ mà thời gian khấu hao TSCĐ dài hơn thời gian trả nợ thì doanh nghiệp được phép tăng mức KHCB để tạo nguồn trả nợ. Trên cơ sở đề nghị của doanh nghiệp, cơ quan quản lý tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính đối với xí nghiệp Trung ương và Sở Tài chính đối với xí nghiệp địa phương) sẽ xem xét và quyết định cụ thể về mức tăng KHCB. Sau khi có ý kiến, của cơ quan chủ quản cấp trên.
Nguyên tắc xét tăng mức khấu hao là:
– Thời gian trả nợ vay phải nhanh hơn thời gian khấu hao TSCĐ theo qui định.
– Khấu hao chỉ được phép tăng với mức đủ để đảm bảo sản xuất không bị lỗ và không vượt quá thời gian trả nợ vay.
– Chi khấu hao nhanh đối với những TSCĐ đi vay. TSCĐ thuộc diện được khấu hao nhanh nếu đã khấu hao hết nhưng vẫn còn tiếp tục sử dụng thì phải xác định lại giá trị còn lại và tiếp tục khấu hao bình thường trong giá thành sản phẩm.
Phần giá trị còn lại được đánh giá lại đó phải được chia thành nguồn vốn NSNN và vốn tự bổ sung tương ứng với tỷ lệ phân phối lợi nhuận (tỉ lệ nộp thuế lợi tức) của doanh nghiệp và thực hiện quản lý như các quy định hiện hành.
Trường hợp doanh nghiệp tận dụng công suất máy móc thiết bị, tăng ca máy, giờ máy để tăng năng suất lao động, đẩy nhanh quá trình đổi mới thiết bị, khắc phục tình trạng hao mòn vô hình của TSCĐ, doanh nghiệp báo cáo với cơ quan quản lý cấp trên và cơ quan quản lý tài chính cùng cấp. Cơ quan quản lý tài chính (sau khi có ý kiến đề nghị của cơ quan quản lý cấp trên) sẽ quyết định cụ thể việc cho phép doanh nghiệp được tăng mức khấu hao, tương ứng với mức tăng ca máy, giờ máy của TSCĐ. Nguyên tắc cơ bản của việc xử lý tăng mức khấu hao trong trường hợp này là không làm giảm mức doanh lợi trên đơn vị sản phẩm và không giảm mức thuế lợi tức nộp vào NSNN so với trường hợp không tăng năng suất lao động và vẫn giữ mức KHCB bình thường theo chế độ qui định.
Mức tăng giảm khấu hao trong các trường hợp trên được xác định và quyết toán chính thức cùng với việc duyệt quyết toán hàng năm của doanh nghiệp.
4. Trường hợp TSCĐ đã được bảo toàn và đã hết thời hạn sử dụng theo thiết kế và đã khấu hao hết, nhưng thực tế vẫn còn tiếp tục sử dụng được do XN đã sử dụng và bảo dưỡng tốt máy móc thiết bị thì doanh nghiệp phải thành lập hội đồng xác định lại giá trị còn lại của tài sản để tiếp tục trích khấu hao vào giá thành sản phẩm (kể cả khấu hao SCL nếu còn nhu cầu SCL). Phần giá trị còn lại và nguồn vốn KHCB này được coi như nguồn vốn tự bổ sung để dùng vào việc taí đầu tư TSCĐ của doanh nghiệp, kể cả trường hợp TSCĐ trước đây được đầu tư bằng nguồn NSNN (trừ trường hợp TSCĐ khấu hao hết do giá TSCĐ tính thấp hoặc do trước đây Nhà nước quy định tỷ giá ngoại tệ thấp).
Nếu doanh nghiệp nhượng bán và thanh lý những tài sản này thì toàn bộ số tiền thu được đưa vào quỹ khuyến khích phát triển sản xuất để tái đầu tư TSCĐ.
II. SỬ DỤNG VỐN KHCB
Nhà nước sử dụng một phần nguồn vốn KHCB để trả nợ nước ngoài theo các Hiệp định Chính phủ, đồng thời giành một phần để tái đầu tư TSCĐ, duy trì và phát triển năng lực sản xuất của doanh nghiệp. Trên nguyên tắc đó, việc sử dụng vốn KHCB được quy định như sau :
1. Việc sử dụng vốn KHCB được thực hiện trên cơ sở phân loại các doanh nghiệp Nhà nước.
a. Do đặc điểm công nghệ sản xuất, những doanh nghiệp Nhà nước thuộc các ngành (như các nhà máy thủy điện lớn) không có nhu cầu thường xuyên hàng năm về đầu tư duy trì năng lực sản xuất, đổi mới giây chuyền công nghệ ở tại doanh nghiệp (mà thường phải tích tụ vốn sau một thời gian dài để đầu tư cho những công trình mới thay thế) thì phải nộp 100% KHCB vào NSNN (trừ phần KHCB của những TSCĐ do doanh nghiệp tự mua sắm bằng nguồn quỹ khuyến khích phát triển sản xuất của doanh nghiệp hoặc tự vay tự trả) để tạo nguồn vốn đầu tư tập trung của Nhà nước cho các ngành đó.
Đối với những thiết bị lẻ hoặc thiết bị phụ trợ ngoài dây chuyền công nghệ sản xuất chính, các doanh nghiệp này phải tự duy trì và phát triển năng lực sản xuất của mình chủ yếu bằng nguồn vốn tín dụng Ngân hàng hoặc vay khác và nguồn lợi nhuận để lại doanh nghiệp (quỹ khuyến khích phát triển sản xuất…).
b. Những doanh nghiệp được NSNN đầu tư vốn xây dựng ban đầu (bao gồm cả nguồn vốn vay và viện trợ Chính phủ) đã hoàn thành và đi vào sản xuất từ dưới 15 năm trở xuống được để lại 50% vốn KHCB của những TSCĐ hình thành từ nguồn vốn ngân sách cấp để tái đầu tư TSCĐ. Phần KHCB còn lại của TSCĐ thuộc nguồn ngân sách (50%) phải nộp vào 1 tài khoản riêng tại kho bạc Nhà nước và chỉ được dùng để tái đầu tư TSCĐ theo kế hoạch đầu tư XDCB được duyệt hàng năm của Nhà nước.
c. Những doanh nghiệp Nhà nước thuộc các ngành khai thác than, sản xuất phân bón, sành sứ thuỷ tinh, chế biến sợi đay, trồng trọt, chăn nuôi và những doanh nghiệp không thuộc loại 1 và 2 nêu trên bao gồm: các doanh nghiệp được NSNN đầu tư vốn xây dựng ban đầu đã hình thành và đi vào sản xuất từ trên 15 năm trở lên; những doanh nghiệp Nhà nước mới thành lập (dưới 15 năm) nhưng trên cơ sở tách ra hoặc nhập vào từ các doanh nghiệp cũ hoặc trên cơ sở điều chuyển các TSCĐ cũ kể cả trường hợp sau này doanh nghiệp có mua sắm TSCĐ để bổ sung, thay thế đều thuộc loại thứ 3 và được để lại 100% vốn KHCB của TSCĐ thuộc nguồn ngân sách cấp để sử dụng cho việc tái đầu tư duy trì và phát triển năng lực sản xuất của doanh nghiệp.
Số tiền khấu hao cơ bản được để lại tại doanh nghiệp vẫn phải được quản lý chặt chẽ: có sổ sách theo dõi số trích, khi sử dụng phải lập kế hoạch và cấp có thẩm quyền duyệt, chi tiêu theo đúng chế độ hiện hành, có báo cáo quyết toán và ghi tăng giá trị TSCĐ khi hoàn thành công trình. Nghiêm cấm các doanh nghiệp dùng tiền khấu hao cơ bản trái mục đích sử dụng.
2. Cơ quan quản lý tài chính doanh nghiệp Nhà nước (Bộ Tài chính đối với các doanh nghiệp Nhà nước Trung ương và Sở Tài chính đối với các doanh nghiệp Nhà nước địa phương) chủ trì cùng với các Bộ, ngành chủ quản phân loại doanh nghiệp theo 3 loại nói trên và hàng năm có thông báo về sự điều chỉnh giữa các loại của các doanh nghiệp cho cơ quan thuế biết để thực hiện và giám sát tình hình thu nộp NSNN.
Sau khi được xếp loại, doanh nghiệp có nghĩa vụ thực hiện thu nộp ngân sách theo các quy định trên.
Trường hợp doanh nghiệp vừa phải nộp KHCB vào NSNN theo các quy định trên, vừa có kế hoạch được duyệt về đầu tư XDCB bằng nguồn ngân sách cấp thì được để lại phần KHCB phải nộp tương ứng và cơ quan tài chính làm thủ tục ghi thu ghi chi kịp thời theo đúng trình tự qui định hiện hành về cấp vốn đầu tư XDCB. Phần chênh lệch còn lại doanh nghiệp phải nộp kịp thời vào NSNN hoặc được ngân sách cấp tiếp vốn đầu tư theo đúng trình tự qui định.
III. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
1. Từ nay đến hết năm 1993 các doanh nghiệp phải lập xong bản kê khai phân loại doanh nghiệp Nhà nước theo mẫu kèm theo Thông tư này và trong tháng 01/1994 Bộ Tài chính và Sở Tài chính phải hoàn thành việc thông báo quy định phân loại cho các doanh nghiệp.
2. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và được áp dụng để tính mức KHCB nộp ngân sách từ 01-1-1994 cho tất cả các doanh nghiệp Nhà nước Trung ương và địa phương.
3. Những quy định trong các thông tư trước đây của Bộ Tài chính hoặc của các ngành các cấp trái với Thông tư này đều bãi bỏ.
Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn vướng mắc thì báo cáo về Bộ Tài chính để xử lý kịp thời.
PHỤ LỤC
TÊN ĐƠN VỊ THUỘC BỘ (SỞ) |
CỘNG HOÀ Xà HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc |
BẢN KÊ KHAI VÀ QUYẾT ĐỊNH PHÂN LOẠI DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC THEOCÁC TIÊU CHUẨN TRÍCH LẬP VÀ SỬ DỤNG VỐN KHCB
1. Tên doanh nghiệp:
(địa chỉ, tel, telex, fax):
2. Cơ quan quản lý cấp trên:
(LH, TCT, Bộ, Sở,UBND tỉnh trực thuộc Chính phủ)
3. Tóm tắt lịch sử hình thành doanh nghiệp:
(Tên công trình đầu tư XDCB, thời gian khởi công và hình thành đi vào sản xuất, nguồn vốn đầu tư, tách hay nhập DN).
4. Quyết định thành lập DN theo 388 (số, ngày, tháng, năm)…
5. Cơ cấu TSCĐ tính đến đầu 1993:
Tổng số nguyên giá TSCĐ:
Trong đó :- Đang dùng trong SXKD
– Không cần dùng, cần điều đi.
– Chờ thanh lý.
Trong tổng số TSCĐ:
– Nhà cửa, vật kiến trúc.
– Máy móc và thiết bị công nghệ.
– Phương tiện vận tải.
– TSCĐ khác.
6. Giá trị TSCĐ và khấu hao TSCĐ:
Tính đến đầu 1993
Trong đó
Tổng số
Vốn NS–Vốn tự bổ sung–Vốn vay
– Nguyên giá TSCĐ
– Hao mòn TSCĐ
– Vốn cố định
Tỷ lệ KHCB bình quân chung TSCĐ
Mức KHCB (số tuyệt đối) 1993
KẾ TOÁN TRƯỞNG (Ký tên) |
GIÁM ĐỐC XÍ NGHIỆP (Ký tên, đóng dấu) |
7. Quyết định phân loại doanh nghiệp về sử dụng vốn KHCB của cơ quan quản lý tài chính (Bộ, Sở Tài chính) sau khi có ý kiến của cơ quan chủ quản cấp trên (Bộ, Sở chủ quản).
Bộ (Sở) Tài chính
(Ký tên, đóng dấu)
Reviews
There are no reviews yet.