THÔNG TƯ
CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 97/1998/TT-BTC NGÀY 11 THÁNG 7 NĂM 1998
HƯỚNG DẪN CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ TÀI CHÍNH ĐỐI VỚI
QUỸ TÍN DỤNG ĐÀO TẠO
Thi hành Quyết định số 51/1998/QĐ-TTg ngày 02/3/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc lập Quỹ tín dụng đào tạo, sau khi đã có sự thoả thuận của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại Công văn số 502/CV-NHNN1 ngày 11/6/1998, Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý tài chính đối với Quỹ tín dụng đào tạo như sau:
I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
1. Quỹ tín dụng đào tạo được thành lập để cho vay với lãi suất ưu đãi đối với sinh viên, học sinh đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề trên phạm vi cả nước. Quỹ tín dụng đào tạo được giao cho 1 Ngân hàng thương mại quốc doanh quản lý (sau đây gọi tắt là Ngân hàng quản lý Quỹ) theo chỉ định của Ngân hàng Nhà nước. Ngân hàng quản lý Quỹ phải chịu trách nhiệm về hoạt động của Quỹ trước pháp luật.
2. Quỹ tín dụng đào tạo có vốn thành lập ban đầu là 100 tỷ đồng (một trăm tỷ đồng), Quỹ tín dụng đào tạo hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận. Được miễn nộp khoản thu về sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Trường hợp có lãi, được xét giảm thuế lợi tức để bổ sung vào vốn của Quỹ.
3. Năm tài chính của Quỹ bắt đầu tư ngày 01/01 và kết thúc vào ngày 31/12 của năm.
4. Quỹ tín dụng đào tạo chịu sự quản lý tài chính của Bộ Tài chính. Quỹ phải chấp hành các quy định về quản lý tài chính hiện hành, Pháp lệnh kế toán thống kê và các quy định tại Thông tư này.
II. QUY ĐỊNH CỤ THỂ
1. Về nguồn vốn hoạt động của Quỹ tín dụng đào tạo:
a. Vốn của Quỹ tín dụng đào tạo khi thành lập là 100 tỷ đồng được hình thành từ các nguồn sau:
– Ngân sách Nhà nước cấp 30 tỷ đồng.
– Phần còn lại do:
+ Ngân hàng Nhà nước cho vay theo mục tiêu chỉ định của Chính phủ.
+ Các Ngân hàng thương mại tự nguyện góp vốn.
+ Nguồn đóng góp, ủng hộ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
b. Nguồn vốn bổ sung hàng năm:
– Ngân hàng Nhà nước cấp bổ sung theo kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
– Ngân hàng Nhà nước cho vay theo mục tiêu chỉ định của Chính phủ.
– Các Ngân hàng thương mại cho vay với lãi suất ưu đãi hoặc tự nguyện đóng góp.
– Vốn tự nguyện đóng góp, tài trợ không hoàn lại hoặc hoàn lại với lãi suất ưu đãi hoặc không phải trả lãi của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cho sự nghiệp giáo dục đào tạo.
2. Quản lý, sử dụng vốn.
– Nguồn vốn của Quỹ tín dụng đào tạo được dùng để cho vay đối với sinh viên, học sinh đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề.
– Thời hạn cho vay, lãi suất cho vay, mức tiền cho vay tối đa đối với mỗi một học sinh, sinh viên của Quỹ phải thực hiện theo đúng Thể lệ tín dụng do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành áp dụng đối với Quỹ.
– Nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi của Quỹ chỉ được phép gửi tại Ngân hàng quản lý Quỹ. Ngân hàng quản lý Quỹ phải trả lãi cho khoản tiền gửi này theo lãi suất bằng lãi suất Quỹ tín dụng đào tạo cho vay ra.
– Ngân hàng quản lý Quỹ có trách nhiệm quản lý, sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, cho vay và thu hồi vốn theo đúng thể lệ tín dụng, đúng đối tượng và có hiệu quả.
3. Thu chi tài chính của Quỹ tín dụng đào tạo.
a. Thu nhập của Quỹ gồm các khoản sau:
– Thu lãi cho vay.
– Thu lãi tiền gửi tại Ngân hàng quản lý Quỹ.
– Thu khác (nếu có).
b. Chi phí hoạt động của Quỹ gồm:
– Chi trả lãi tiền vay.
– Chi trả lãi phần vốn do các Ngân hàng thương mại tự nguyện đóng góp theo lãi suất bằng lãi suất cho vay của Quỹ tín dụng đào tạo.
– Chi trả phí dịch vụ cho Ngân hàng quản lý Quỹ. Mức phí được áp dụng theo quy định của Chính phủ về phí dịch vụ cho vay từ nguồn vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước bằng đồng Việt Nam.
Hàng quý, Ngân hàng quản lý Quỹ được tạm trích 75% số phí dịch vụ được hưởng tính trên số dư nợ cho vay bình quân theo kế hoạch quý. Quý sau căn cứ số dư nợ cho vay thực tế bình quân quý trước, Ngân hàng quản lý Quỹ tính lại số phí được hưởng của quý trước để điều chỉnh kịp thời, nếu số tạm trích cao hơn số được hưởng thì số đã trích vượt phải khấu trừ vào số được tạm trích của kế hoạch quý sau.
Cuối năm, căn cứ vào số phí dịch vụ cho vay cả năm được hưởng theo số kiểm tra quyết toán của Bộ Tài chính, Ngân hàng quản lý Quỹ tính toán điều chỉnh số phí đã tạm trích trong năm. Nếu trích chưa đủ thì sẽ được trích bổ sung. Nếu trích quá số được hưởng thì phải hoàn trả số đã trích vượt hoặc trừ vào số phí được trích năm sau.
Phí dịch vụ được tính toán trên cơ sở dư nợ cho vay trong hạn, không được tính trên dư nợ quá hạn.
c. Xử lý chênh lệch thu chi.
Kết quả chênh lệch thu chi tài chính thực hiện hàng năm của Quỹ được xử lý như sau:
– Trường hợp thu lớn hơn chi: Phần chênh lệch thu lớn hơn chi của Quỹ được dùng để lập (bổ sung) Quỹ dự trữ. Quỹ dự trữ được dùng để bổ sung nguồn vốn hoạt động của Quỹ để bù đắp rủi ro trong hoạt động tín dụng.
– Trường hợp thu nhỏ hơn chi: Phần chênh lệch thu nhỏ hơn chi của Quỹ do nguyên nhân khách quan sẽ được Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét giải quyết cấp bù bằng nguồn vốn ngân sách trong phạm vi chỉ tiêu kế hoạch được duyệt.
4. Quản lý thu chi tài chính.
– Ngân hàng quản lý Quỹ có trách nhiệm thực hiện thu đúng, đủ và kịp thời các khoản thu phát sinh trong quá trình hoạt động để hạch toán vào thu nhập của Quỹ, không được để các nguồn thu ngoài sổ sách hoặc không hạch toán vào thu nhập.
– Ngân hàng quản lý Quỹ thực hiện theo dõi và hạch toán riêng các khoản thu nhập và chi phí phát sinh từ hoạt động của Quỹ.
– Việc sử dụng quỹ dự trữ để bổ sung nguồn vốn và bù đắp rủi ro của Quỹ theo quy định tại điểm 5 dưới đây phải có ý kiến chấp thuận của Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước.
5. Bù đắp rủi ro tín dụng trong hoạt động của Quỹ tín dụng đào tạo.
– Đối với những khoản rủi ro của Quỹ do nguyên nhân chủ quan do cá nhân hoặc tập thể thuộc Ngân hàng quản lý Quỹ gây ra thì Ngân hàng phải xem xét trách nhiệm của cá nhân hoặc tập thể có liên quan để đôn đốc thu đủ nợ hoặc xử lý bồi thường trách nhiệm để thu nợ.
– Đối với những rủi ro do nguyên nhân khách quan do học sinh, sinh viên vay vốn bị chết, mất tích, hoặc không có khả năng trả nợ do mất khả năng lao động, hoặc đang phải thi hành án hoặc đang bỏ trốn đồng thời có xác nhận cha mẹ hoặc người bảo hộ học sinh, sinh viên nhưng không có tài sản để trả nợ thay sẽ được sử dụng Quỹ dự trữ để bù đắp, nếu thiếu được Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ xem xét giải quyết.
Để xử lý các khoản rủi ro do nguyên nhân khách quan, Ngân hàng quản lý Quỹ phải có đủ hồ sơ pháp lý như sau:
+ Đối với trường hợp khách hàng là sinh viên chết, mất tích;
Hồ sơ pháp lý bao gồm:
Giấy chứng nhận chết, mất tích (theo Luật dân sự).
Giấy xác nhận của chính quyền địa phương là học sinh, sinh viên và cha mẹ hoặc người bảo hộ không có tài sản để trả nợ ngân hàng.
Khế ước cho vay nợ (bản sao có công chứng).
+ Đối với trường hợp khách hàng là học sinh, sinh viên còn sống nhưng mất khả năng lao động:
Hồ sơ pháp lý bao gồm:
Giấy xác nhận mất khả năng lao động của cơ quan y tế cấp tỉnh.
Giấy xác nhận của chính quyền địa phương là học sinh, sinh viên và cha mẹ hoặc người bảo hộ không có tài sản để trả nợ ngân hàng.
Khế ước cho vay nợ (bản sao có công chứng).
+ Đối với trường hợp khách hàng là học sinh, sinh viên đang phải thi hành án hoặc bỏ trốn:
Hồ sơ pháp lý bao gồm:
Lệnh truy nã hoặc xác nhận của cơ quan Công an đối với người vay bỏ trốn, xác nhận của cơ quan Toà án đối với người vay đang thi hành án.
Giấy xác nhận của chính quyền địa phương là học sinh, sinh viên và cha mẹ hoặc người bảo hộ không có tài sản để trả nợ ngân hàng.
Khế ước cho vay nợ (bản sao có công chứng).
Ngân hàng quản lý Quỹ phải có văn bản báo cáo và đề nghị được xử lý số tiền rủi ro do nguyên nhân khách quan gửi Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước. Sau khi nhận được báo cáo của Ngân hàng quản lý Quỹ, Bộ Tài chính phối hợp với Ngân hàng Nhà nước thẩm định để xác định và chấp thuận số rủi ro cho phép Ngân hàng quản lý sử dụng quỹ dự trữ để bù đắp hoặc trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, giải quyết.
6. Chế độ hạch toán kế toán và báo cáo.
– Ngân hàng quản lý Quỹ thực hiện mở sổ sách kế toán, ghi chép chứng từ, theo dõi và thực hiện việc hạch toán kế toán riêng các hoạt động phát sinh từ Quỹ theo chế độ kế toán hiện hành.
– Ngân hàng quản lý Quỹ có trách nhiệm thực hiện quyết toán tài chính và gửi cho Bộ Tài chính các báo cáo quý, năm sau đây:
+ Hàng năm, Ngân hàng quản lý Quỹ phải lập kế hoạch nguồn vốn cần thiết để xử lý chênh lệch lãi suất và rủi ro gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Giáo dục và Đào tạo để làm căn cứ tính toán nguồn vốn cần thiết phải bổ sung từ ngân sách nhà nước trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
+ Báo cáo quyết toán thu nhập, chi phí.
+ Báo cáo nguồn vốn và sử dụng vốn.
Thời hạn gửi báo cáo:
– Báo cáo quý chậm nhất 10 ngày sau khi kết thúc quý.
– Báo cáo quyết toán năm chậm nhất 30 ngày sau khi kết thúc năm.
7. Kiểm tra quyết toán tài chính.
Căn cứ báo cáo quyết toán tài chính do Ngân hàng quản lý Quỹ lập, Bộ Tài chính phối hợp với Ngân hàng Nhà nước kiểm tra quyết toán tài chính hàng năm của Quỹ, trong đó, xác định chính thức số phí dịch vụ Ngân hàng quản lý Quỹ được hưởng, xử lý bù đắp rủi ro.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Ngân hàng quản lý Quỹ chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc sử dụng, quản lý vốn, tài sản của Nhà nước và của xã hội phục vụ sự nghiệp giáo dục và đào tạo; chịu sự kiểm tra của cơ quan tài chính Nhà nước theo Pháp lệnh kế toán thống kê và chế độ tài chính quy định tại Thông tư này.
Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.
Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu có vướng mắc đề nghị phản ánh về Bộ Tài chính để xem xét, giải quyết.
Reviews
There are no reviews yet.