BỘ Y TẾ _______ Số: 25/2020/TT-BYT
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc _________________________ Hà Nội, ngày 28 tháng 12 năm 2020 |
THÔNG TƯ
Quy định việc xét tặng Giải thưởng quốc gia về chất lượng bệnh viện
__________________
Căn cứ Luật thi đua, khen thưởng ngày 26 tháng 11 năm 2003; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng ngày 14 tháng 6 năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng ngày 16 tháng 11 năm 2013;
Căn cứ Nghị định số 91/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật thi đua, khen thưởng;
Căn cứ Nghị định số 75/2017/NĐ-CP ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh,
Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư Quy định việc xét tặng Giải thưởng quốc gia về chất lượng bệnh viện.
Chương I. QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Thông tư này quy định về tên giải thưởng, tiêu chuẩn xét tặng và tổ chức việc xét tặng Giải thưởng quốc gia về chất lượng bệnh viện (sau đây gọi tắt là Giải thưởng).
2. Thông tư này áp dụng đối với:
a) Bệnh viện đạt mức đánh giá chất lượng cao theo Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện và các Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng theo chuyên đề do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành;
b) Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc xét tặng Giải thưởng.
Điều 2. Thời gian xét tặng
1. Giải thưởng quốc gia về chất lượng bệnh viện được tổ chức xét tặng hai năm một lần và công bố vào dịp chào mừng Ngày Tiêu chuẩn thế giới (ngày 14 tháng 10).
2. Việc tổ chức xét tặng bắt đầu từ năm 2021.
Điều 3. Nguyên tắc xét tặng
1. Đúng đối tượng, tiêu chuẩn, trình tự quy định tại Thông tư này.
2. Chính xác, dân chủ, công khai, minh bạch.
3. Không hạn chế số lần và số danh hiệu xét tặng cho mỗi tập thể.
Chương II. TÊN GIẢI THƯỞNG VÀ TIÊU CHUẨN XÉT TẶNG
Điều 4. Tên giải thưởng
1. Giải thưởng chất lượng quốc gia:
a) Giải vàng quốc gia về chất lượng bệnh viện: 01 giải;
b) Giải bạc quốc gia về chất lượng bệnh viện: 02 giải.
2. Các giải thưởng chuyên đề bao gồm 01 giải vàng và 01 giải bạc cho mỗi chuyên đề sau đây:
a) Giải thưởng về an toàn người bệnh;
b) Giải thưởng về an toàn phẫu thuật;
c) Giải thưởng về chất lượng lâm sàng;
d) Giải thưởng về chất lượng xét nghiệm;
đ) Giải thưởng về công tác dược bệnh viện;
e) Giải thưởng về chăm sóc người bệnh;
g) Giải thưởng về dinh dưỡng lâm sàng;
h) Giải thưởng về kiểm soát nhiễm khuẩn;
i) Giải thưởng về phát triển nguồn nhân lực y tế;
k) Giải thưởng về cải tiến quy trình khám bệnh, chữa bệnh;
l) Giải thưởng về ứng dụng công nghệ thông tin trong bệnh viện;
m) Giải thưởng về đáp ứng sự hài lòng của người bệnh.
Điều 5. Hình thức Giải thưởng
1. Các giải thưởng quốc gia được trao bằng hình thức: giấy chứng nhận và cúp vàng hoặc cúp bạc.
2. Các giải thưởng chuyên đề được trao bằng hình thức: giấy chứng nhận và biểu trưng giải vàng hoặc biểu trưng giải bạc.
Điều 6. Tiêu chuẩn xét tặng đối với giải thưởng chất lượng quốc gia
1. Tiêu chuẩn tối thiểu để được xét tặng:
a) Bệnh viện đạt kết quả đánh giá chất lượng bệnh viện do cơ quan quản lý thực hiện theo Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện ban hành kèm theo Quyết định số 6858/QĐ-BYT ngày 18 tháng 11 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế (sau đây viết tắt là Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện) tối thiểu là 4,00 và không có tiêu chí nào ở dưới mức 3 trong ít nhất 2 năm liên tiếp tính đến thời điểm đề nghị xét tặng;
b) Bệnh viện có triển khai hệ thống báo cáo sự cố y khoa bắt buộc và tự nguyện tại bệnh viện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế về phòng ngừa sự cố y khoa trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ 2 năm trở lên. Bệnh viện không có sai sót chuyên môn dẫn đến tử vong theo kết luận của Hội đồng chuyên môn quy định tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh trong 2 năm liên tiếp tính đến thời điểm đề nghị xét tặng;
c) Bệnh viện có tổ chức thực hiện việc khảo sát hài lòng người bệnh và nhân viên y tế theo hướng dẫn của Bộ Y tế và đạt tỷ lệ hài lòng người bệnh, nhân viên y tế từ 85% trở lên;
d) Có ít nhất một giải thưởng chuyên đề trong cùng năm xét tặng (không áp dụng tiêu chuẩn này cho lần xét tặng đầu tiên của năm 2021).
2. Tiêu chuẩn cụ thể để xét tặng giải thưởng:
Sau khi có danh sách các bệnh viện đạt tiêu chuẩn tối thiểu quy định tại Khoản 1 Điều này, Đoàn đánh giá chất lượng của Hội đồng xét tặng Giải thưởng cấp Bộ thực hiện đánh giá lại theo Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện và khảo sát hài lòng người bệnh, nhân viên y tế để xét các giải thưởng sau đây:
a) 01 Giải vàng: là bệnh viện xếp thứ nhất về mức điểm chất lượng bệnh viện trong số các bệnh viện được đánh giá;
b) 02 Giải bạc: là bệnh viện xếp thứ hai và thứ ba về mức điểm chất lượng bệnh viện trong số các bệnh viện được đánh giá;
c) Nếu một giải thưởng có từ 2 bệnh viện trở lên có cùng mức điểm chất lượng hoặc chênh lệch từ 0,05 điểm trở xuống thì xét tiếp lần lượt các tiêu chuẩn phụ theo thứ tự sau đây:
– Bệnh viện có số lượng giải thưởng chuyên đề nhiều hơn;
– Bệnh viện đạt tiêu chuẩn chất lượng của các tổ chức quốc tế như JCI, HAS hoặc tương đương;
– Bệnh viện có giải thưởng quốc tế về chuyên khoa, chuyên đề;
– Bệnh viện có nhiều sáng kiến hơn về cải tiến chất lượng được hội đồng đánh giá, cấp có thẩm quyền công nhận. Sáng kiến có ảnh hưởng lớn hơn, được áp dụng trên phạm vi hoặc quy mô lớn hơn, có tác động tích cực nâng cao sự hài lòng của người bệnh, nhân viên y tế và hình ảnh người thầy thuốc, uy tín của bệnh viện;
– Bệnh viện có kết quả khảo sát hài lòng người bệnh và nhân viên y tế cao hơn do Đoàn đánh giá chất lượng của Hội đồng thực hiện.
Điều 7. Tiêu chuẩn xét tặng đối với các giải thưởng chuyên đề
1. Tiêu chuẩn tối thiểu để được xét tặng:
a) Bệnh viện đạt kết quả đánh giá chất lượng bệnh viện chung do cơ quan quản lý thực hiện theo Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện do Bộ Y tế ban hành tối thiểu là 3,75 và không có tiêu chí nào ở dưới mức 2 trong ít nhất 2 năm liên tiếp tính đến thời điểm đề nghị xét tặng;
b) Bệnh viện đạt điểm đánh giá chất lượng tối thiểu là 4,00 cho các tiêu chí thuộc chuyên đề được xét tặng quy định tại Khoản 2 Điều này;
c) Bệnh viện có triển khai hệ thống báo cáo sự cố y khoa bắt buộc và tự nguyện tại bệnh viện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế về phòng ngừa sự cố y khoa trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ 2 năm trở lên. Bệnh viện không có sai sót chuyên môn dẫn đến tử vong theo kết luận của Hội đồng chuyên môn quy định tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh trong 2 năm liên tiếp tính đến thời điểm đề nghị xét tặng;
d) Bệnh viện thực hiện khảo sát hài lòng người bệnh và nhân viên y tế theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế và đạt tỷ lệ hài lòng người bệnh, nhân viên y tế từ 85% trở lên.
2. Tiêu chuẩn cụ thể để xét tặng giải thưởng chuyên đề:
Sau khi có danh sách các bệnh viện đạt tiêu chuẩn tối thiểu quy định tại Khoản 1 Điều này, Đoàn đánh giá chất lượng của Hội đồng xét tặng Giải thưởng cấp Bộ sẽ thực hiện đánh giá lại chất lượng các chuyên đề theo tiêu chí cụ thể sau đây:
a) Giải thưởng về an toàn người bệnh: đánh giá theo các tiêu chí C1.1, C1.2 và toàn bộ Phần D của Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện;
b) Giải thưởng về an toàn phẫu thuật: đánh giá theo Bộ tiêu chí chất lượng đánh giá mức độ an toàn phẫu thuật theo Quyết định số 7482/QĐ-BYT ngày 18 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế;
c) Giải thưởng về chất lượng lâm sàng: đánh giá theo các tiêu chí từ C5.1 đến C5.5 và tiêu chí C10.1, C10.2 của Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện;
d) Giải thưởng về chất lượng xét nghiệm: đánh giá theo các tiêu chí C8.1, C8.2 của Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện và Bộ tiêu chí đánh giá mức chất lượng phòng xét nghiệm y học theo Quyết định số 2429/QĐ-BYT ngày 12 tháng 6 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế;
đ) Giải thưởng về công tác dược bệnh viện: đánh giá theo các tiêu chí từ C9.1 đến C9.6 của Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện;
e) Giải thưởng về chăm sóc người bệnh: đánh giá theo các tiêu chí từ A2.1 đến A2.5, tiêu chí A4.2 và các tiêu chí từ C6.1 đến C6.3 của Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện;
g) Giải thưởng về dinh dưỡng lâm sàng: đánh giá theo các tiêu chí từ C7.1 đến C7.5 của Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện;
h) Giải thưởng về kiểm soát nhiễm khuẩn: đánh giá theo các tiêu chí A3.1, A3.2 và các tiêu chí từ C4.1 đến C4.6 của Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện;
i) Giải thưởng về phát triển nguồn nhân lực y tế: đánh giá theo các tiêu chí thuộc Phần B của Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện;
k) Giải thưởng về cải tiến quy trình khám bệnh, chữa bệnh: đánh giá theo các tiêu chí từ A1.1 đến A1.6 và các tiêu chí A4.1, A4.3, A4.4 của Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện;
l) Giải thưởng về ứng dụng công nghệ thông tin trong bệnh viện: đánh giá theo các tiêu chí C2.1, C2.2 và tiêu chí C3.1, C3.2 của Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện;
m) Giải thưởng về đáp ứng sự hài lòng của người bệnh: đánh giá theo các tiêu chí A4.5, A4.6 của Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện và các quy định về khảo sát hài lòng người bệnh, nhân viên y tế theo Quyết định số 3869/QĐ-BYT ngày 28 tháng 8 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
3. Các giải thưởng và tiêu chuẩn xét giải thưởng chuyên đề:
a) 01 Giải vàng: là bệnh viện xếp thứ nhất về mức điểm chất lượng của các tiêu chí thuộc chuyên đề trong số các bệnh viện được đánh giá;
b) 01 Giải bạc: là bệnh viện xếp thứ hai về mức điểm chất lượng của các tiêu chí thuộc chuyên đề trong số các bệnh viện được đánh giá;
c) Nếu một giải thưởng chuyên đề có từ 2 bệnh viện trở lên có cùng mức điểm chất lượng thì xét tiếp lần lượt các tiêu chuẩn phụ sau đây:
– Bệnh viện có chứng nhận chất lượng liên quan đến chuyên đề, chuyên khoa được tổ chức quốc tế công nhận, thừa nhận;
– Bệnh viện có giải thưởng quốc tế liên quan đến chuyên đề, chuyên khoa được xét tặng;
– Bệnh viện có nhiều sáng kiến cải tiến chất lượng hơn về chuyên đề được xét tặng, được hội đồng đánh giá, cấp có thẩm quyền công nhận;
– Bệnh viện có kết quả khảo sát hài lòng người bệnh và nhân viên y tế cao hơn do đoàn đánh giá chất lượng của Hội đồng thực hiện.
Chương III. TỔ CHỨC VIỆC XÉT TẶNG VÀ TRAO GIẢI THƯỞNG
Điều 8. Thẩm quyền xét tặng
Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định việc xét tặng Giải thưởng theo tiêu chuẩn quy định tại Điều 6 và Điều 7 Thông tư này, trên cơ sở đề nghị của Hội đồng xét tặng Giải thưởng.
Điều 9. Hội đồng xét tặng Giải thưởng, Bộ phận thường trực của Hội đồng
1. Bộ trưởng Bộ Y tế thành lập Hội đồng xét tặng Giải thưởng, Bộ phận thường trực để giúp việc cho Hội đồng. Bộ phận thường trực đặt tại Cục Quản lý Khám, chữa bệnh – Bộ Y tế.
2. Thành phần Hội đồng:
Hội đồng có từ 09 đến 11 thành viên, bao gồm:
a) Chủ tịch Hội đồng: Lãnh đạo Bộ Y tế;
b) Phó Chủ tịch Hội đồng: Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh và Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua, khen thưởng;
c) Thành viên Hội đồng: Lãnh đạo các Vụ, Cục: Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Cục Quản lý Y Dược cổ truyền; Vụ Pháp chế; Vụ Tổ chức cán bộ; Thanh tra Bộ Y tế; Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị liên quan và các chuyên gia về lĩnh vực khám, chữa bệnh; đại diện Tổng hội Y học Việt Nam hoặc Hội Điều dưỡng Việt Nam hoặc các hội nghề nghiệp khác.
3. Nhiệm vụ của Hội đồng:
a) Tổ chức xét tặng Giải thưởng trên cơ sở đề nghị của Bộ phận thường trực;
b) Xem xét việc thu hồi Giải thưởng theo quy định tại Khoản 2 Điều 12 Thông tư này.
4. Nhiệm vụ của Bộ phận thường trực:
a) Thực hiện các nhiệm vụ theo phân công của Chủ tịch Hội đồng;
b) Lập Danh sách các bệnh viện và kiểm tra, rà soát, đối chiếu tiêu chuẩn tối thiểu xét tặng quy định tại Điều 6 và Điều 7 Thông tư này;
c) Trình Hội đồng kết quả đánh giá lại và tổng hợp, lập danh sách các bệnh viện xét chọn.
Điều 10. Thành lập Đoàn đánh giá chất lượng của Hội đồng
1. Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh thành lập Đoàn đánh giá chất lượng của Hội đồng để phục vụ cho việc đánh giá, xét tặng Giải thưởng.
2. Thành phần Đoàn đánh giá chất lượng gồm từ 05 đến 07 thành viên như sau:
a) Trưởng đoàn: Lãnh đạo Cục Quản lý Khám, chữa bệnh;
b) Thành viên Đoàn là các chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý chất lượng.
3. Nhiệm vụ của Đoàn đánh giá:
a) Thực hiện đánh giá lại các bệnh viện theo các tiêu chuẩn quy định tại Điều 6 và Điều 7 Thông tư này.
b) Báo cáo kết quả đánh giá về Bộ phận thường trực của Hội đồng.
Điều 11. Quy trình đánh giá, xét tặng và tổ chức trao tặng
1. Các giải thưởng chuyên đề được đánh giá và xét tặng trước, sau đó sử dụng kết quả đánh giá giải thưởng chuyên đề để tiếp tục xét tặng Giải thưởng quốc gia.
2. Quy trình đánh giá, xét tặng:
a) Bước 1: Bộ phận thường trực của Hội đồng lập Danh sách các bệnh viện đạt tiêu chuẩn tối thiểu theo quy định tại Điều 6 và Điều 7 Thông tư này;
b) Bước 2: Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh thành lập Đoàn đánh giá;
c) Bước 3: Đoàn đánh giá thực hiện đánh giá lại các bệnh viện trong Danh sách;
d) Bước 4: Đoàn đánh giá báo cáo kết quả cho Bộ phận thường trực;
đ) Bước 5: Bộ phận thường trực trình Hội đồng họp và xét chọn bệnh viện đạt giải thưởng;
e) Bước 6: Bộ phận thường trực của Hội đồng trình Bộ trưởng ký Quyết định trao giải thưởng.
3. Tổ chức Lễ công bố và trao tặng Giải thưởng:
Căn cứ vào Quyết định trao giải thưởng, Bộ Y tế tổ chức Lễ công bố và trao tặng Giải thưởng. Việc tổ chức Lễ công bố và trao tặng Giải thưởng theo thời gian quy định tại Khoản 1 Điều 2 Thông tư này.
Điều 12. Thu hồi Giải thưởng
1. Bệnh viện, Đoàn đánh giá, Bộ phận thường trực và Hội đồng chịu trách nhiệm về tính chính xác của kết quả đánh giá chất lượng bệnh viện làm căn cứ xét tặng Giải thưởng.
2. Nếu phát hiện có vi phạm trong quá trình đánh giá, xét tặng Giải thưởng, làm sai lệch kết quả Giải thưởng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, Hội đồng xem xét, trình Bộ trưởng Bộ Y tế thu hồi, hủy bỏ kết quả Giải thưởng.
Chương IV. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 13. Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2021.
Điều 14. Điều khoản tham chiếu
Trường hợp các văn bản được dẫn chiếu trong Thông tư này bị thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung thì áp dụng theo các văn bản đã được thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung.
Điều 15. Trách nhiệm thi hành
Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Y tế, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Thủ trưởng đơn vị y tế các Bộ, ngành và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.
Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân báo cáo về Bộ Y tế (Cục Quản lý Khám, chữa bệnh) để xem xét, giải quyết./.
Nơi nhận: – Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội (để g/sát); – Văn phòng Chính phủ (Công báo, Cổng TTĐT); – Bộ Tư pháp (Cục KTVBQPPL); – Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; – UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW; – Bộ trưởng (để b/cáo); – Các Thứ trưởng (để phối hợp thực hiện); – Các Vụ, Cục, Tổng cục, VPB, TTr thuộc Bộ Y tế; – Các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế; – Sở Y tế các tỉnh/TP, Y tế các Bộ, ngành; Cổng TTĐT Bộ Y tế; – Lưu : VT, KCB (03b), PC (02b). |
KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG Nguyễn Trường Sơn
|
Reviews
There are no reviews yet.