THÔNG TƯ
CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 14/2009/TT-BTC NGÀY 22 THÁNG 01 NĂM 2009
HƯỚNG DẪN LẬP, QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VÀ QUYẾT TOÁN KINH PHÍ
NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC THỰC HIỆN CÁC NHIỆM VỤ, DỰ ÁN THUỘC
ĐỀ ÁN BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG LƯU VỰC SÔNG THEO QUYẾT ĐỊNH
CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 6 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách Nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27 tháng11 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Căn cứ Quyết định số 256/2003/QĐ-TTg ngày 2 tháng 12 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020;
Căn cứ các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: Số 174/2006/QĐ-TTg ngày 28 tháng 7 năm 2006 phê duyệt Đề án tổng thể bảo vệ và phát triển bền vững môi trường sinh thái, cảnh quan lưu vực sông Cầu; số 187/2007/QĐ-TTg ngày 3 tháng 12 năm 2007 phê duyệt Đề án bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đến năm 2020; số 57/2008/QĐ-TTg ngày 29 tháng 4 năm 2008 phê duyệt Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ- sông Đáy đến năm 2020;
Bộ Tài chính hướng dẫn lập, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện nhiệm vụ, dự án thuộc Đề án bảo vệ môi trường lưu vực sông theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ như sau:
I. QUY ĐỊNH CHUNG
1. Thông tư này hướng dẫn việc lập, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện các nhiệm vụ, dự án thuộc các Đề án bảo vệ môi trường lưu vực sông theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
2. Kinh phí thực hiện các nhiệm vụ, dự án do các Bộ, cơ quan trung ương chủ trì thực hiện do ngân sách trung ương bảo đảm; kinh phí thực hiện các nhiệm vụ, dự án do các địa phương chủ trì thực hiện do ngân sách địa phương bảo đảm.
3. Các cơ quan, đơn vị, cá nhân sử dụng kinh phí thực hiện nhiệm vụ, dự án phải theo đúng nội dung dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đúng chế độ, tiết kiệm và có hiệu quả; chịu sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chức năng có thẩm quyền; thực hiện thanh toán, quyết toán kinh phí hàng năm và tổng kết, nghiệm thu, đánh giá nhiệm vụ, dự án theo quy định hiện hành.
II. NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
1. Nội dung chi và nguồn kinh phí ngân sách nhà nước đầu tư cho các nhiệm vụ, dự án bảo vệ môi trường thuộc khu vực công ích (bao gồm cả nguồn vốn ODA, vốn viện trợ).
1.1. Nội dung chi do ngân sách trung ương bảo đảm:
a) Chi từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường:
– Hoạt động quan trắc môi trường nước quốc gia trên lưu vực sông;
– Xây dựng cơ sở dữ liệu về chất lượng môi trường toàn bộ lưu vực sông;
– Quy hoạch môi trường lưu vực sông;
– Xử lý triệt để các cơ sở công ích gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc khu vực công ích do trung ương quản lý đối với dự án bố trí từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường;
– Bảo tồn đa dạng sinh học, môi trường sinh thái lưu vực sông;
– Đánh giá tác động môi trường chiến lược đối với các quy hoạch tổng thể lưu vực sông;
– Tổng hợp kết quả điều tra, phân tích và đánh giá hiện trạng các nguồn gây ô nhiễm môi trường trên toàn bộ lưu vực sông;
– Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường lưu vực sông; tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ về bảo vệ môi trường lưu vực sông đến cấp tỉnh;
– Hoạt động nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động bảo vệ môi trường trên toàn bộ lưu vực sông;
– Hoạt động của Văn phòng Uỷ ban lưu vực sông.
b) Chi từ nguồn kinh phí sự nghiệp kinh tế:
– Tổng hợp kết quả điều tra, thống kê các nguồn thải trên toàn bộ lưu vực sông;
– Lập quy hoạch quản lý sử dụng tài nguyên nước trên toàn bộ lưu vực sông.
c) Chi từ nguồn vốn đầu tư phát triển theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt:
– Xử lý triệt để các cơ sở công ích gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc khu vực công ích do trung ương quản lý đối với dự án bố trí từ nguồn vốn đầu tư phát triển;
– Xây dựng Trạm quan trắc môi trường quốc gia lưu vực sông do trung ương quản lý thuộc danh mục tại Quyết định số 16/2007/QĐ-TTg ngày 29/01/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Quy hoạch tổng thể mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia đến năm 2020”.
1.2. Nội dung chi do ngân sách địa phương bảo đảm:
a) Chi từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường:
– Hoạt động quan trắc môi trường nước trên lưu vực sông thuộc phạm vi quản lý của địa phương;
– Xây dựng cơ sở dữ liệu về chất lượng môi trường lưu vực sông thuộc phạm vi quản lý của địa phương;
– Bảo tồn đa dạng sinh học, môi trường sinh thái lưu vực sông;
– Điều tra, phân tích và đánh giá hiện trạng các nguồn gây ô nhiễm môi trường trên lưu vực sông thuộc phạm vi quản lý của địa phương;
– Điều tra bổ sung thực trạng ô nhiễm các thành phần môi trường do sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp và hoạt động sinh hoạt của dân cư gây ra;
– Giám sát, kiểm tra các nguồn thải gây ô nhiễm môi trường thuộc địa bàn do địa phương quản lý;
– Xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc khu vực công ích do địa phương quản lý đối với dự án bố trí từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường;
– Đánh giá tác động môi trường tổng hợp đối với quy hoạch lưu vực sông thuộc phạm vi quản lý của địa phương;
– Tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về môi trường; nâng cao nhận thức, ý thức và trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường lưu vực sông; tập huấn chuyên môn nghiệp vụ về bảo vệ môi trường;
– Hoạt động nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động bảo vệ môi trường trên lưu vực sông nằm trên địa bàn do địa phương quản lý.
b) Chi từ nguồn kinh phí sự nghiệp kinh tế:
– Điều tra, thống kê và phân loại các nguồn thải trên lưu vực sông thuộc địa bàn do địa phương quản lý;
– Lập quy hoạch quản lý sử dụng tài nguyên nước trên lưu vực sông do địa phương quản lý;
c) Chi từ nguồn vốn đầu tư phát triển theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt:
– Xây dựng mạng lưới quan trắc môi trường lưu vực sông thuộc phạm vi địa phương quản lý theo quy hoạch được phê duyệt;
– Xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc khu vực công ích do địa phương quản lý đối với dự án bố trí từ nguồn vốn đầu tư phát triển;
– Xử lý cải tạo những đoạn sông bị ô nhiễm nặng, nạo vét, khơi dòng những đoạn sông quan trọng, kè bờ những đoạn sông xung yếu cần thiết, thuộc phạm vi quản lý của địa phương;
– Xây dựng các công trình giữ nước chống cạn kiệt;
– Xây dựng các công trình, trạm xử lý nước thải tập trung tại các đô thị, khu dân cư tại các tỉnh, thành phố trên lưu vực sông theo quy hoạch được duyệt;
– Đầu tư các công trình xử lý chất thải rắn tại các tỉnh, thành phố trên lưu vực sông thuộc địa bàn địa phương quản lý theo quy hoạch được phê duyệt;
– Xây dựng các công trình cấp nước sạch tại một số khu vực đô thị và nông thôn trên lưu vực.
d) Chi từ nguồn kinh phí Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng:
– Khôi phục rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn đã bị suy thoái;
– Bảo vệ và phát triển rừng, tăng độ che phủ rừng trên lưu vực sông.
Trường hợp các nhiệm vụ, dự án (quy định tại khoản 1 mục II) tuỳ theo tính chất, nội dung công việc được xây dựng thành một dự án tổng hợp bố trí từ nhiều nguồn vốn khác nhau: vốn đầu tư phát triển, chi thường xuyên: các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương căn cứ vào tính chất của từng nguồn vốn để phê duyệt dự án theo các quy định hiện hành.
2. Ngoài nguồn vốn ngân sách nhà nước, các nhiệm vụ, dự án bảo vệ môi trường thuộc Đề án Bảo vệ môi trường lưu vực sông còn được huy động từ các nguồn khác: vay với lãi suất ưu đãi và hỗ trợ từ Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam; vốn đầu tư của doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật.
3. Mức chi:
Mức chi thực hiện các nhiệm vụ, dự án thuộc Đề án Bảo vệ môi trường lưu vực sông thực hiện theo định mức, chế độ chi tiêu tài chính hiện hành.
Việc xác định từng loại nguồn kinh phí được quy định tại các văn bản sau đây:
– Kinh phí sự nghiệp môi trường theo quy định tại Thông tư liên tịch số 114/2006/TTLT-BTC-BTNMT ngày 29/12/2006 của Bộ Tài chính-Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn việc quản lý kinh phí sự nghiệp môi trường; Thông tư liên tịch số 01/2008/TTLT-BTNMT-BTC ngày 29/4/2008 của Bộ Tài nguyên và Môi trường-Bộ Tài chính hướng dẫn lập dự toán công tác bảo vệ môi trường thuộc nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường.
– Kinh phí xử lý triệt để các cơ sở công ích gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 58/2008/QĐ-TTg ngày 29/4/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ có mục tiêu kinh phí từ ngân sách nhà nước nhằm xử lý triệt để, khắc phục ô nhiễm và giảm thiểu suy thoái môi trường cho một số đối tượng thuộc khu vực công ích.
– Kinh phí sự nghiệp kinh tế theo quy định tại Thông tư số 120/2007/TT-BTC ngày 15/10/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện các cuộc điều tra từ nguồn vốn sự nghiệp của ngân sách nhà nước và các văn bản khác có liên quan; Thông tư số 24/2008/TT-BTC ngày 14/3/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí sự nghiệp kinh tế thực hiện các nhiệm vụ, dự án quy hoạch.
– Các dự án sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức theo quy định tại Quyết định số 61/2006/QĐ-BTC ngày 2/11/2006 của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành một số định mức chi tiêu áp dụng cho các dự án/chương trình có sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA).
– Kinh phí Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng theo quy định tại Thông tư liên tịch số 58/2008/TTLT-BNN-KHĐT-TC ngày 2/5/2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Bộ Kế hoạch và Đầu tư – Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về mục tiêu, nhiệm vụ, chính sách và tổ chức thực hiện Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng giai đoạn 2007-2010.
– Đối với nguồn vốn đầu tư phát triển thực hiện theo quy định hiện hành về chi đầu tư xây dựng cơ bản.
4. Lập, chấp hành và quyết toán ngân sách nhà nước
Việc lập, chấp hành và quyết toán kinh phí chi thường xuyên, vốn đầu tư phát triển để thực hiện các nhiệm vụ, dự án của Đề án Bảo vệ môi trường lưu vực sông thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn hiện hành. Thông tư này hướng dẫn cụ thể một số nội dung như sau:
a) Căn cứ lập nhiệm vụ, dự toán (đối với dự án bố trí bằng nguồn kinh phí sự nghiệp): Đối với dự án có định mức kinh tế kỹ thuật thì dự toán được xây dựng trên cơ sở khối lượng công việc nhân (x) đơn giá dự toán. Đối với nhiệm vụ, dự án chưa có định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá dự toán, việc lập dự toán căn cứ vào khối lượng công việc cụ thể, chế độ tài chính hiện hành và được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
b) Trình tự lập dự toán:
Hàng năm, căn cứ vào Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư hướng dẫn lập dự toán ngân sách của Bộ Tài chính; nhiệm vụ, dự án được giao theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ (đối với từng lưu vực sông Cầu, sông Đồng Nai, sông Nhuệ-sông Đáy); tiến độ thực hiện các nhiệm vụ, dự án, nội dung và khối lượng công việc cần thực hiện trong năm kế hoạch; định mức kinh tế kỹ thuật; chế độ chi tiêu tài chính hiện hành và quy định tại Thông tư này; các cơ quan, đơn vị lập dự toán chi cho hoạt động bảo vệ môi trường lưu vực sông theo từng nhiệm vụ, dự án kèm theo bản thuyết minh chi tiết căn cứ tính toán, báo cáo đơn vị dự toán cấp trên tổng hợp vào dự toán ngân sách thuộc phạm vi quản lý gửi cơ quan Tài chính, cơ quan Kế hoạch và Đầu tư cùng cấp xem xét, tổng hợp trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, đồng gửi Uỷ ban bảo vệ môi trường lưu vực sông để tổng hợp, theo dõi.
Riêng đối với nhiệm vụ, dự án bố trí từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường, quy trình lập, phân bổ dự toán thực hiện theo quy định tại điểm b khoản 3 mục II Thông tư liên tịch số 114/2006/TTLT-BTC-BTNMT ngày 29/12/2006 của Bộ Tài chính – Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn việc quản lý kinh phí sự nghiệp môi trường.
c) Công tác quyết toán: Các đơn vị được giao dự toán thực hiện nhiệm vụ, dự án bảo vệ môi trường lưu vực sông phải lập báo cáo quyết toán và tổng hợp chung vào quyết toán ngân sách hàng năm của đơn vị theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn Luật.
5. Công tác báo cáo, thanh tra và kiểm tra.
a) Định kỳ 6 tháng và kết thúc năm ngân sách, các đơn vị thực hiện nhiệm vụ, dự án có trách nhiệm báo cáo Bộ, cơ quan trung ương (đối với nhiệm vụ, dự án do Bộ, cơ quan trung ương chủ trì) và Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (đối với nhiệm vụ, dự án do địa phương chủ trì). Các Bộ, cơ quan trung ương và các địa phương tổng hợp tình hình thực hiện các nhiệm vụ, dự án được giao chủ trì theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, gửi Uỷ ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông (qua Văn phòng Uỷ ban lưu vực sông), đồng gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
b) Các Bộ, cơ quan trung ương và các địa phương được giao thực hiện nhiệm vụ, dự án có trách nhiệm phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất về tình hình thực hiện nhiệm vụ, dự án và kinh phí bảo đảm sử dụng kinh phí đúng mục đích và có hiệu quả.
Đối với kinh phí Dự án Trồng mới 5 triệu ha rừng thực hiện theo quy định tại Thông tư số 89/2008/TT-BTC ngày 15/10/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý, cấp phát, thanh toán vốn ngân sách nhà nước cho Dự án Trồng mới 5 triệu ha rừng.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký ban hành.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các Bộ, cơ quan trung ương và các địa phương phản ánh về Bộ Tài chính để nghiên cứu, giải quyết./.
KT.BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Phạm Sỹ Danh
Reviews
There are no reviews yet.