THÔNG TƯ
CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 111/2003/TT-BTC NGÀY 17 THÁNG 11 NĂM 2003 HƯỚNG DẪN CẤP BÙ CHÊNH LỆCH LàI SUẤT CHO VAY DỰ ÁN
ĐẦU TƯ PHƯƠNG TIỆN VẬN TẢI HÀNH KHÁCH CÔNG CỘNG
BẰNG XE BUÝT TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Công văn số 91/TB-VPCP ngày 24/5/2002 của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại buổi làm việc với Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh;
Căn cứ Công văn số 1124/CP-CN ngày 21/8/2003 của Chính phủ về dự án đầu tư phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt tại thành phố Hồ Chí Minh.
Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế cấp bù chênh lệch lãi suất cho dự án như sau:
I. QUY ĐỊNH CHUNG
1. Ngân sách nhà nước (ngân sách trung ương) cấp bù chênh lệch lãi suất cho vay dự án đầu tư vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt tại thành phố Hồ Chí Minh trên cơ sở lãi suất cho vay thực tế với lãi suất cho vay ưu đãi theo quy định của Thủ tướng Chính phủ là 3%/năm. Nguồn cấp bù chênh lệch lãi suất được bố trí trong dự toán ngân sách Nhà nước hàng năm.
2. Bộ Tài chính cấp bù chênh lệch lãi suất trực tiếp cho Quỹ đầu tư phát triển đô thị thành phố Hồ Chí Minh (đầu mối hợp vốn cho vay) theo phương thức tạm cấp 6 tháng; số cấp bù chính thức cả năm sẽ được xác định sau khi quyết toán của Quỹ đầu tư phát triển đô thị được phê duyệt.
3. Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh có trách nhiệm cân đối, bố trí nguồn ngân sách trợ giá để chủ đầu tư hoàn trả vốn vay theo đúng tiến độ; Chỉ đạo Quỹ đầu tư phát triển đô thị xây dựng kế hoạch và phê duyệt số cấp bù phát sinh trong năm, báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để làm căn cứ cấp bù chênh lệch lãi suất.
4. Quỹ Đầu tư phát triển đô thị thành phố Hồ Chí Minh trực tiếp tiếp nhận nguồn vốn cấp bù chênh lệch lãi suất từ ngân sách Nhà nước và thực hiện phân chia cho các tổ chức tham gia hợp vốn cho vay theo tỷ lệ hợp vốn của từng đơn vị.
II. QUY ĐỊNH CỤ THỂ
1. Xây dựng kế hoạch cấp bù chênh lệch lãi suất
1.1. Trình tự xây dựng, tổng hợp và thông báo kế hoạch
– Căn cứ tiến độ triển khai thực hiện dự án, kế hoạch cho vay, thu hồi nợ và dự kiến lãi suất cho vay của năm kế hoạch, Quỹ Đầu tư phát triển đô thị xây dựng kế hoạch cấp bù chênh lệch lãi suất cho năm kế hoạch trình Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính (kèm theo biểu số 01/CBCLLS) trước ngày 15 tháng 9 hàng năm.
– Trên cơ sở đề nghị của Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và khả năng cân đối của ngân sách Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính phối hợp cân đối chung trong dự toán ngân sách Nhà nước hàng năm báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn.
– Căn cứ dự toán ngân sách Nhà nước được duyệt, Bộ Tài chính thông báo kế hoạch cấp bù chênh lệch lãi suất cho Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, đồng gửi Quỹ Đầu tư phát triển đô thị.
1.2. Phương pháp tính kế hoạch cấp bù
Kế hoạch cấp bù chênh lệch lãi suất hàng năm được xác định theo công thức sau:
Số dự kiến cấp bù trong năm kế hoạch |
= |
Dư nợ cho vay bình quân năm kế hoạch (1) |
x |
Lãi suất cho vay năm kế hoạch (2) |
– |
Lãi suất cho vay ưu đãi cho dự án (3) |
Phương pháp xác định:
(1) Dư nợ cho vay bình quân năm kế hoạch = (dư nợ đầu năm + dư nợ cuối năm)/2.
(2) Lãi suất cho vay năm kế hoạch bằng lãi suất huy động vốn 12 tháng bình quân số học dự kiến của 4 ngân hàng thương mại quốc doanh trên địa bàn TP Hồ Chí Minh (Ngân hàng Ngoại thương TP Hồ Chí Minh, Sở Giao dịch II Ngân hàng Công thương, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển TP Hồ Chí Minh) cộng (+) phí quản lý là 1,2%/năm.
(3) Lãi suất cho vay ưu đãi theo quy định của Thủ tướng Chính phủ là 3%/năm.
2. Thực hiện cấp bù chênh lệch lãi suất
2.1. Nguyên tắc cấp bù
– Bộ Tài chính thực hiện cấp bù chênh lệch lãi suất trực triếp cho Quỹ Đầu tư phát triển đô thị thành phố Hồ Chí Minh. Số cấp bù được xác định trên cơ sở chênh lệch lãi suất cấp bù và dư nợ bình quân thực tế của dự án.
– Việc cấp bù được thực hiện theo phương thức tạm cấp 6 tháng, với mức bằng 75% số cấp bù chênh lệch phát sinh trong kỳ. Kết thúc năm, Bộ Tài chính xác định số cấp bù chính thức trong năm để điều chỉnh và cấp bổ sung.
– Tiến độ cấp bù chênh lệch lãi suất của ngân sách trung ương phù hợp với tiến độ trả nợ vốn vay theo cam kết của Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh.
– Thời hạn tính cấp bù chênh lệch lãi suất đối với từng khoản vay là thời hạ cho vay thực tế trong hạn của Quỹ Đầu tư phát triển đô thị và không quá 10 năm.
2.2. Phương pháp tính cấp bù
– Số cấp bù trong kỳ (6 tháng, năm) được xác định theo công thức:
Số cấp bù trong kỳ
|
= |
Dư nợ cho vay bình quân thực tế trong kỳ (1) |
x |
Lãi suất cho vay trong kỳ (2) |
– |
Lãi suất chovay ưu đãi trong kỳ (3) |
– Phương pháp xác định:
(1) Dư nợ cho vay bình quân thực tế trong kỳ:
+ Dư nợ bình quân thực tế trong kỳ = (tổng dư nợ bình quân các tháng)/số tháng có dư nợ trong kỳ.
+ Dư nợ bình quân tháng = (dư nợ trong hạn đầu tháng + dư nợ trong hạn cuối tháng)/2.
(2) Lãi suất cho vay được xác định hàng năm, bằng lãi suất huy động vốn 12 tháng bình quân số học của 4 ngân hàng thương mại Nhà nước trên địa bàn TP Hồ Chí Minh cộng (+) phí quản lý 1,2%/năm. Lãi suất cho vay 6 tháng được xác định trên cơ sở quy đổi lãi suất huy động vốn 12 tháng và mức phí quản lý trong năm.
Trường hợp, các ngân hàng thương mại Nhà nước huy động vốn với các mức lãi suất thay đổi thì lãi suất huy động vốn của từng ngân hàng được xác định bằng mức lãi suất bình quân số học huy động vốn 12 tháng trong kỳ của ngân hàng đó.
(3) Lãi suất cho vay ưu đãi cho dự án là 3%/năm. Lãi suất cho vay ưu đãi 6 tháng được xác định trên cơ sở quy đổi từ lãi suất cho vay ưu đãi năm.
2.3. Trình tự cấp bù
a) Tạm cấp 6 tháng
– Trước ngày 15 tháng 7, căn cứ số liệu về tình hình cho vay, thu nợ, dư nợ và số cấp bù chênh lệch lãi suất phát sinh trong 6 tháng đầu năm, Quỹ Đầu tư phát triển đô thị báo cáo Uỷ ban nhân dân thành phố có văn bản đề nghị Bộ Tài chính (kèm theo mẫu số 02/CBCLLS) cấp bù chênh lệch lãi suất.
– Căn cứ đề nghị của Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Tài chính xem xét, quyết định số cấp bù chênh lệch lãi suất trong 6 tháng theo nguyên tắc đã nêu tại điểm 2.1, mục 2, phần II Thông tư này.
b) Cấp bù cả năm
– Kết thúc năm tài chính, căn cứ số liệu quyết toán chính thức được Hội đồng quản lý phê duyệt, Quỹ Đầu tư phát triển đô thị thành phố Hồ Chí Minh xác định số cấp bù chính thức cho cả năm, báo cáo UBND thành phố Hồ Chí Minh có văn bản đề nghị gửi Bộ Tài chính (kèm theo biểu số 02/CBCLLS).
– Căn cứ kế hoạch cấp bù cả năm được bố trí trong dự toán chi ngân sách Nhà nước; căn cứ đề nghị của Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và các tài liệu có liên quan, Bộ Tài chính xem xét, quyết định số chính thức cấp bù trong năm; thực hiện bù trừ số đã tạm cấp 6 tháng đầu năm và cấp bổ sung phần còn lại.
c) Phân chia số cấp bù chênh lệch lãi suất
Căn cứ số được cấp bù trong kỳ (6 tháng, năm) và tỷ lệ hợp vốn cho vay của các tổ chức tín dụng, Quỹ Đầu tư phát triển đô thị thành phố Hồ Chí Minh tính toán, xác định mức cấp bù được hưởng của từng đơn vị và thanh toán cho các đơn vị tham gia hợp vốn.
3. Xử lý chênh lệch giữa số cấp bù chính thức và kế hoạch cấp bù
Chênh lệch giữa số cấp bù chính thức và kế hoạch cấp bù được xử lý như sau:
– Nếu số cấp bù chênh lệch chính thức cả năm cao hơn số cấp bù bố trí trong kế hoạch được thông báo, Bộ Tài chính sẽ bố trí nguồn để cấp bổ sung trong năm tiếp theo.
– Nếu số cấp bù chênh lệch chính thức cả năm thấp hơn số đã bố trí trong kế hoạch, phần chênh lệch vượt sẽ được giữ lại để cấp bù cho năm sau (trường hợp năm tiếp theo vẫn phát sinh chênh lệch cấp bù) hoặc nộp trả lại ngân sách Nhà nước (trường hợp năm tiếp theo không phát sinh chênh lệch cấp bù).
4. Báo cáo, quyết toán
4.1. Định kỳ hàng quý, Quỹ Đầu tư phát triển đô thị báo cáo Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và UBND thành phố Hồ Chí Minh về tình hình thực hiện cho vay, thu nợ, dư nợ và dự kiến mức cấp bù chênh lệch phát sinh trong quý (theo biểu số 03/CBCLLS).
4.2. Định kỳ hàng năm, Quỹ Đầu tư phát triển đô thị báo cáo quyết toán với UBND thành phố Hồ Chí Minh và Bộ Tài chính về tình hình tiếp nhận và sử dụng nguồn vốn cấp bù chênh lệch lãi suất cho dự án.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Thông tư này có hiệu lực thi thành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
2. Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh, Giám đốc Quỹ Đầu tư phát triển đô thị thành phố Hồ Chí Minh và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện Thông tư này.
Reviews
There are no reviews yet.