THÔNG TƯ
CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 100/2005/TT-BTC NGÀY 17 THÁNG 11 NĂM 2005 HƯỚNG DẪN MỘT SỐ ĐIỂM VỀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN DỰ TOÁN
NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2006
Căn cứ Nghị quyết số 47/NQ/QHXI ngày 1/11/2005 của Quốc hội khoá XI, kỳ họp thứ 8 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2006;
Căn cứ Nghị quyết số 48/NQ/QHXI ngày 3/11/2005 của Quốc hội khoá XI, kỳ họp thứ 8 về phân bổ dự toán ngân sách trung ương năm 2006;
Căn cứ Quyết định số 1194/QĐ-TTg ngày 9/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ về giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2006;
Bộ Tài chính hướng dẫn một số điểm về tổ chức thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2006 như sau:
A. VỀ PHÂN BỔ VÀ GIAO DỰ TOÁN
NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2006:
I. VỀ PHÂN CẤP NGUỒN THU, NHIỆM VỤ CHI
ĐỐI VỚI NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG
1. Năm 2006 là năm cuối trong thời kỳ ổn định ngân sách giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương (2004 – 2006), thực hiện ổn định tỷ lệ phần trăm (%) phân chia nguồn thu giữa ngân sách trung ương và ngân sách từng địa phương theo Nghị quyết số 423/2003/NQ-UBTVQH ngày 12/11/2003 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; ổn định số bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương cho ngân sách từng địa phương theo mức Thủ tướng Chính phủ đã giao cho từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tại Quyết định số 194/2004/QĐ-TTg ngày 7/11/2004.
2. Việc phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa ngân sách các cấp chính quyền địa phương, tỷ lệ phân chia nguồn thu giữa các cấp ngân sách địa phương và số bổ sung cân đối từ ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp dưới thực hiện ổn định theo đúng Nghị quyết của Hội đồng nhân dân và quyết định của Uỷ ban nhân dân đối với năm ngân sách trong thời kỳ ổn định.
3. Tiếp tục thực hiện cơ chế cân đối nguồn thu tiền sử dụng đất trong cân đối ngân sách địa phương để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội do ngân sách nhà nước đảm bảo. Công tác quản lý, hạch toán các khoản thu, chi ngân sách từ nguồn thu tiền đấu giá sử dụng đất theo quy định tại Quyết định số 216/2005/QĐ-TTg ngày 31/8/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất được thực hiện theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn Luật từ khâu lập dự toán, tổ chức thực hiện và quyết toán vào ngân sách nhà nước, chú ý một số nội dung chủ yếu sau:
– Căn cứ quy hoạch sử dụng đất của địa phương, khả năng thu tiền sử dụng đất từ đấu giá và nhu cầu về chi đền bù, hỗ trợ người có đất bị thu hồi và nhu cầu chi đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng thuộc đối tượng đầu tư từ ngân sách theo quy định của pháp luật, Uỷ ban nhân dân chỉ đạo cơ quan tài chính tổng hợp các nhiệm vụ thu, chi này vào dự toán ngân sách hàng năm trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định.
– Căn cứ dự toán ngân sách năm được Hội đồng nhân dân quyết định, Uỷ ban nhân dân giao cơ quan tài chính phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện thu, chi từ nguồn thu tiền sử dụng đất và quyết toán vào ngân sách nhà nước theo đúng chế độ quy định.
Trường hợp tổ chức, cá nhân ứng trước kinh phí để thực hiện đền bù, hỗ trợ người có đất bị thu hồi để đầu tư các công trình cơ sở hạ tầng thuộc đối tượng đầu tư của ngân sách, sau đó mới thực hiện đấu giá thu tiền sử dụng đất thì khoản thu sử dụng đất để hoàn trả cho các tổ chức, cá nhân đã ứng trước phải thực hiện hạch toán thu, chi đầy đủ vào ngân sách nhà nước (ghi thu tiền sử dụng đất tương ứng số vốn đã ứng trước; ghi chi đầu tư xây dựng cơ bản).
4. Năm 2006, khi trình Hội đồng nhân dân quyết định và phân bổ dự toán chi ngân sách địa phương, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương lưu ý một số điểm sau:
4.1. Kinh phí thực hiện Pháp lệnh ưu đãi đối với người có công với cách mạng, bao gồm cả kinh phí thực hiện chế độ đối với người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hoá học, do ngân sách trung ương đảm bảo và cấp theo hình thức kinh phí uỷ quyền qua Sở Tài chính để thực hiện chi trả cho các đối tượng theo chế độ quy định.
Đối với số kinh phí thực hiện chế độ đối với người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ nhiễm chất độc hoá học đã giao trong dự toán chi cân đối cho ngân sách địa phương từ năm 2004 tiếp tục ổn định trong năm 2006, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp cho chuyển sang các nhiệm vụ chi khác thuộc lĩnh vực đảm bảo xã hội của địa phương (chi trợ cấp xã hội cho các đối tượng xã hội theo chế độ quy định, hỗ trợ người cao tuổi…).
4.2. Năm 2006 thực hiện Nghị quyết Quốc hội, ngân sách trung ương đã thực hiện tăng số bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương để tăng kinh phí đầu tư các cơ sở giáo dục, y tế tương ứng toàn bộ hoặc một phần số thu xổ số kiến thiết của địa phương theo cơ chế: địa phương có mức thu xổ số kiến thiết từ 50 tỷ đồng trở xuống được bổ sung có mục tiêu để tăng đầu tư tương ứng 100% số thu; địa phương có mức thu xổ số kiến thiết cao hơn 50 tỷ đồng được đầu tư tăng thêm 50% của số cao hơn này.
Căn cứ mức bổ sung từ ngân sách trung ương năm 2006 cho mục tiêu này, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp chỉ bố trí cho các dự án đầu tư hạ tầng cơ sở giáo dục – đào tạo – dạy nghề, cơ sở khám chữa bệnh của địa phương theo chế độ quy định, không bố trí cho những mục tiêu, nhiệm vụ khác.
4.3. Thực hiện văn bản số 1561/TTg-KTTH ngày 22/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho ngân sách các địa phương có khó khăn để thực hiện chế độ phụ cấp đối với cán bộ không chuyên trách cấp xã, thôn, tổ dân phố theo quy định tại Nghị định số 121/2003/NĐ-CP ngày 21/10/2003 của Chính phủ, như sau:
– Mức hỗ trợ thống nhất cho các chức danh quy định tại khoản 3 và 4 Điều 2 Nghị định số 121/2003/NĐ-CP là 120.000 đồng/người/tháng (không kể phó chỉ huy quân sự thực hiện theo Pháp lệnh dân quân tự vệ và phó công an, công an viên thực hiện theo Nghị định số 03/2003/NĐ-CP ngày 14/1/2003 của Chính phủ).
Riêng đối tượng là trưởng thôn, từ năm 2005 về trước ngân sách trung ương đã hỗ trợ 40.000 đồng/người/tháng, nay điều chỉnh mức hỗ trợ là 120.000 đồng/người/tháng.
– Căn cứ vào mức hỗ trợ trên, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xác định nhu cầu kinh phí hỗ trợ thực hiện chế độ phụ cấp đối với cán bộ không chuyên trách cấp xã, thôn để tổng hợp chung vào nhu cầu kinh phí thực hiện cải cách tiền lương năm 2006 của địa phương mình và cân đối với nguồn ngân sách địa phương đảm bảo theo chế độ quy định; đối với những địa phương chưa đảm bảo được nguồn thực hiện cải cách tiền lương, ngân sách trung ương sẽ bổ sung cho ngân sách địa phương để thực hiện.
II. PHÂN BỔ VÀ GIAO DỰ TOÁN NGÂN SÁCH:
1. Phân bổ, giao dự toán thu ngân sách:
1.1. Các Bộ, cơ quan Trung ương, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai giao nhiệm vụ thu ngân sách năm 2006 cho các đơn vị trực thuộc, chính quyền cấp dưới đảm bảo mức phấn đấu cao hơn tối thiểu 3-5% mức dự toán thu ngân sách Thủ tướng Chính phủ đã giao, Bộ Tài chính đã hướng dẫn.
1.2. Việc phân bổ và giao dự toán thu ngân sách phải trên cơ sở đánh giá đầy đủ kết quả thực hiện thu ngân sách năm 2005 và giai đoạn 2001-2005; căn cứ các Luật thuế, các chế độ chính sách thu; mức tăng trưởng kinh tế của từng ngành, từng lĩnh vực, khả năng phát triển sản xuất kinh doanh, dịch vụ cụ thể của các doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh; yêu cầu thực hiện các biện pháp chống thất thu, gian lận thương mại, chống nợ đọng thuế.
2. Phân bổ, giao dự toán chi ngân sách nhà nước:
2.1. Phân bổ, giao dự toán chi đầu tư phát triển:
2.1.1. Các Bộ, cơ quan Trung ương phân bổ, giao dự toán chi đầu tư phát triển phải thực hiện đúng những quy định về quản lý đầu tư và xây dựng; đồng thời lưu ý một số điểm sau:
(1) Bố trí dự toán chi đầu tư xây dựng cơ bản được giao để hoàn trả đủ các khoản ngân sách đã ứng trước phải thu hồi vào dự toán năm 2006, vốn đối ứng cho các công trình, dự án sử dụng vốn ODA; thanh toán dứt điểm nợ khối lượng xây dựng cơ bản của các công trình thuộc đối tượng đầu tư của ngân sách theo chế độ quy định.
(2) Bố trí vốn thực hiện những dự án quan trọng chuyển tiếp để tập trung hoàn thành theo tiến độ thực hiện dự án.
(3) Sau khi bố trí cho các nhiệm vụ nêu trên mới bố trí cho các dự án khởi công mới, có đủ điều kiện bố trí vốn theo chế độ quy định.
2.1.2. Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phân bổ, giao dự toán chi đầu tư phát triển phải thực hiện đúng những quy định về quản lý đầu tư và xây dựng, đồng thời phải đảm bảo yêu cầu chủ yếu sau:
(1) Bố trí dự toán chi đầu tư xây dựng cơ bản được giao để thanh toán dứt điểm nợ khối lượng xây dựng cơ bản của các công trình thuộc đối tượng đầu tư của ngân sách theo chế độ quy định; hoàn trả đủ (cả gốc và lãi) các khoản vay, tạm ứng đến hạn: các khoản huy động theo quy định tại khoản 3 Điều 8 Luật Ngân sách nhà nước; các khoản vay tín dụng ưu đãi thực hiện chương trình kiên cố hoá kênh mương, giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng làng nghề, hạ tầng thuỷ sản; các khoản ngân sách trung ương đã ứng trước phải thu hồi vào dự toán ngân sách năm 2006…
(2) Đảm bảo đủ vốn đối ứng cho các công trình, dự án sử dụng vốn ODA.
(3) Bố trí vốn thực hiện các dự án, chương trình khắc phục hậu quả thiên tai…
(4) Đối với các chương trình, dự án, nhiệm vụ quan trọng của địa phương cần chú ý một số điểm sau:
+ Bố trí đủ vốn phần ngân sách địa phương đảm bảo theo chế độ quy định đối với những chương trình, nhiệm vụ theo quyết định của Chính phủ như: Chương trình hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn theo Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg ngày 20/7/2004 của Thủ tướng Chính phủ; Đề án nâng cấp bệnh viện huyện và bệnh viện đa khoa khu vực giai đoạn 2005-2008 theo Quyết định số 225/2005/QĐ-TTg ngày 15/9/2005 của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn tại văn bản số 14049/BTC-NSNN ngày 7/11/2005 của Bộ Tài chính…
+ Đối với những chương trình, dự án, nhiệm vụ thực hiện từ nguồn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương, phải thực hiện bố trí theo đúng mục tiêu, dự toán được giao.
(5) Bố trí vốn thực hiện những dự án quan trọng chuyển tiếp để tập trung hoàn thành theo tiến độ thực hiện dự án;
(6) Phân bổ và giao dự toán chi đầu tư phát triển cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc và chính quyền cấp dưới đối với lĩnh vực giáo dục- đào tạo và dạy nghề; lĩnh vực khoa học công nghệ không được thấp hơn mức dự toán chi đầu tư phát triển của các lĩnh vực này Thủ tướng Chính phủ đã giao.
(7) Sau khi bố trí cho các nhiệm vụ nêu trên mới bố trí cho các dự án khởi công mới có đủ điều kiện bố trí vốn theo chế độ quy định.
2.2. Phân bổ, giao dự toán chi sự nghiệp kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước, Đảng, đoàn thể (kể cả chi cải cách tiền lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ):
2.2.1. Các Bộ, cơ quan Trung ương phân bổ, giao dự toán chi ngân sách sự nghiệp kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý hành chính nhà nước, Đảng, đoàn thể (kể cả chi cải cách tiền lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ) cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc phải khớp đúng dự toán chi được Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Tài chính hướng dẫn cả về tổng mức và chi tiết theo từng lĩnh vực chi; đảm bảo vốn thực hiện những nhiệm vụ quan trọng theo quy định của pháp luật; những nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ đã quyết định; phân bổ dự toán chi phải đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức theo quy định của pháp luật.
2.2.2. Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phân bổ, giao dự toán chi ngân sách sự nghiệp kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước, Đảng, đoàn thể (kể cả chi cải cách tiền lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ) năm 2006 cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc và chính quyền cấp dưới theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước; đồng thời lưu ý một số điểm sau:
– Phân bổ, dự toán chi ngân sách năm 2006 cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc, chính quyền cấp dưới đối với lĩnh vực giáo dục – đào tạo và dạy nghề, lĩnh vực khoa học công nghệ không được thấp hơn mức dự toán chi Thủ tướng Chính phủ đã giao; đảm bảo mức Bộ Tài chính đã hướng dẫn đối với các lĩnh vực: Quốc phòng, an ninh, sự nghiệp y tế, sự nghiệp văn hoá thông tin và sự nghiệp môi trường.
– Đơn vị dự toán cấp trên phân bổ, giao dự toán chi ngân sách cho các đơn vị cấp dưới phải khớp đúng dự toán chi được Uỷ ban nhân dân giao cả về tổng mức và chi tiết theo từng lĩnh vực chi.
– Bố trí đảm bảo kinh phí thực hiện các chế độ, chính sách, các nhiệm vụ đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định từ nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu cho địa phương và nguồn cân đối ngân sách địa phương theo quy định (Phụ lục đính kèm Thông tư này), trong đó lưu ý một số điểm sau:
+ Thực hiện văn bản số 5490/VPCP-KTTH ngày 26/9/2005 của Văn phòng Chính phủ về việc điều chỉnh mức chi ngân sách nhà nước khám chữa bệnh miễn phí, từ năm 2006 bố trí kinh phí thực hiện khám chữa bệnh cho người nghèo theo chuẩn nghèo mới quy định tại Quyết định số 170/2005/QĐ-TTg ngày 8/7/2005 của Thủ tướng Chính phủ với mức 60.000 đồng/người/năm; kinh phí khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi theo Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em với mức 90.000 đồng/em/năm.
+ Đảm bảo kinh phí thực hiện chế độ học bổng đối với học sinh dân tộc nội trú và bán trú theo chế độ quy định (kể cả học bổng đối với học sinh dân tộc thiểu số học nghề nội trú quy định tại Quyết định số 267/2005/QĐ-TTg ngày 31/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ).
2.3. Phân bổ, giao ngân sách thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án, các nhiệm vụ năm 2006:
Căn cứ dự toán chi thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án quan trọng và một số mục tiêu, nhiệm vụ khác Thủ tướng Chính phủ đã giao, các Bộ, cơ quan Trung ương, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện phân bổ, giao dự toán cho các đơn vị trực thuộc, chính quyền cấp dưới đảm bảo đúng mục tiêu đã được cấp có thẩm quyền giao. Đồng thời thực hiện lồng ghép các nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn theo chế độ quy định để thực hiện có hiệu quả các nguồn vốn; ngoài nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ động bố trí nguồn ngân sách địa phương và các nguồn tài chính hợp pháp để thực hiện.
2.4. Về bố trí ngân sách và thực hiện cơ chế tài chính tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương năm 2006 thực hiện theo Thông tư số 89/2005/TT-BTC ngày 13/10/2005của Bộ Tài chính, trong đó chú ý các nội dung chủ yếu sau:
(1) Về nguồn kinh phí thực hiện điều chỉnh mức lương tối thiểu chung và điều chỉnh phụ cấp:
– Các Bộ, cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, trong phân bổ, giao dự toán ngân sách cho các đơn vị trực thuộc và ngân sách cấp dưới phải xác định và giao nhiệm vụ thực hiện tiết kiệm 10% chi thường xuyên của dự toán năm 2006 tăng thêm so dự toán 2005 đã giao; không thấp hơn mức tiết kiệm để thực hiện cải cách tiền lương Bộ Tài chính đã thông báo. Ngân sách các cấp chính quyền địa phương quản lý tập trung nguồn 10% tiết kiệm của các cơ quan, đơn vị thuộc ngân sách cấp mình (không kể các đơn vị sự nghiệp có thu thực hiện cơ chế tài chính theo quy định của Chính phủ và cơ quan Nhà nước thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính theo Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17/10/2005 của Chính phủ) thực hiện điều hoà chung giữa các đơn vị khi xác định nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương của từng cơ quan, đơn vị thuộc ngân sách cấp mình.
– Các địa phương sử dụng 50% tăng thu ngân sách địa phương dự toán năm 2006 so dự toán năm 2005 được Thủ tướng Chính phủ giao (không kể số tăng thu từ nguồn thu tiền sử dụng đất) để thực hiện cải cách tiền lương và điều chỉnh trợ cấp đối với cán bộ xã đã nghỉ việc theo các Nghị định số 118/2005/NĐ-CP ngày 15/9/2005 và Nghị định số 119/2005/NĐ-CP ngày 13/10/2005 của Chính phủ.
– Số kinh phí còn dư sau khi đảm bảo nhu cầu kinh phí thực hiện Nghị định 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ trong năm 2006 (nếu có) từ các nguồn: 50% tăng thu ngân sách địa phương (không kể số tăng thu từ nguồn thu tiền sử dụng đất) dự toán năm 2005 so dự toán năm 2004 được Thủ tướng Chính phủ giao; 50% tăng thu ngân sách địa phương (không kể số tăng thu từ nguồn thu tiền sử dụng đất) thực hiện năm 2005 so với dự toán năm 2005 được Thủ tướng Chính phủ giao; 10% tiết kiệm chi thường xuyên (không kể tiền lương, có tính chất lương) dự toán chi năm 2005 tăng so dự toán năm 2003; 40% số thu sự nghiệp được để lại theo chế độ năm 2006 (riêng ngành y tế 35%, sau khi trừ chi phí thuốc, máu, dịch truyền, hoá chất) của các cơ quan, đơn vị sau khi trừ đi số đã sử dụng để thực hiện tiền lương tăng thêm theo mức lương tối thiểu quy định tại Nghị định số 03/2003/NĐ-CP ngày 15/01/2003 và hệ số lương quy định tại Nghị định 25/CP ngày 23/5/1993 của Chính phủ theo biên chế năm 2006; nguồn để thực hiện tiền lương tăng thêm năm 2005 chưa sử dụng hết chuyển sang; số dự kiến đã bố trí hỗ trợ từ ngân sách trung ương trong năm 2006 để thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ.
(2) Sau khi thực hiện các biện pháp nêu trên mà không đủ nguồn thì ngân sách trung ương hỗ trợ để bảo đảm nguồn thực hiện cải cách tiền lương năm 2006. Trường hợp nguồn thực hiện cải cách tiền lương xác định theo các quy định trên của đơn vị dự toán ngân sách các cấp và ngân sách các cấp chính quyền địa phương lớn hơn nhu cầu chi thực hiện cải cách tiền lương theo quy định, tiếp tục chuyển nguồn này sang năm sau để tạo nguồn cải cách tiền lương, không sử dụng cho các mục tiêu khác.
2.5. Về kinh phí trợ cước, trợ giá và cấp không thu tiền một số mặt hàng chính sách (phần kinh phí ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương). Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và của Chính phủ, căn cứ mức hỗ trợ từ ngân sách trung ương và kinh phí cân đối trong dự toán ngân sách địa phương, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định việc sử dụng nguồn kinh phí trợ giá, trợ cước và cấp không thu tiền một số mặt hàng chính sách năm 2006 phù hợp thực tế địa phương (mặt hàng, sản phẩm, định mức hỗ trợ, địa bàn, đối tượng được hưởng trợ cước, trợ giá và cấp không thu tiền một số mặt hàng chính sách); đồng thời, báo cáo Bộ Tài chính, Uỷ ban Dân tộc biết để theo dõi chỉ đạo quá trình tổ chức thực hiện.
2.6. Bố trí dự phòng ngân sách các cấp chính quyền địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, không thấp hơn mức dự phòng đã được Thủ tướng Chính phủ giao để chủ động thực hiện phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là phòng chống dịch cúm gia cầm; thực hiện kế hoạch hành động khẩn cấp phòng chống khi xảy ra dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm ở người theo Chỉ thị số 34/2005/CT-TTg ngày 15/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo cơ quan tài chính các cấp chủ động xây dựng phương án tài chính – ngân sách để phục vụ công tác phòng chống dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm ở người theo kế hoạch hành động khẩn cấp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và chương trình hành động của địa phương theo nội dung hướng dẫn tại văn bản số 13852/BTC-NSNN ngày 3/11/2005 của Bộ Tài chính.
2.7. Trong quá trình quyết định phân bổ dự toán thu, chi ngân sách, trường hợp Hội đồng nhân dân quyết định dự toán thu ngân sách cao hơn mức cấp trên giao, thì dự toán chi tăng thêm tương ứng (không kể tăng chi từ nguồn thu tiền sử dụng đất) dành tối thiểu 50% thực hiện cải cách tiền lương; phần còn lại bổ sung dự phòng ngân sách địa phương, tăng dự trữ để chủ động trong quá trình điều hành ngân sách, thực hiện những nhiệm vụ, chế độ, chính sách quan trọng được cấp có thẩm quyền quyết định và xử lý thanh toán nợ khối lượng xây dựng cơ bản theo chế độ quy định.
3. Về thời gian phân bổ, giao dự toán:
Căn cứ dự toán thu chi ngân sách được cấp có thẩm quyền giao, các Bộ, cơ quan Trung ương, Uỷ ban nhân dân các cấp trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, dự toán chi ngân sách địa phương, quyết định phân bổ dự toán ngân sách cấp mình đảm bảo giao dự toán thu, chi ngân sách năm 2006 đến từng đơn vị sử dụng ngân sách trước ngày 31/12/2005 và tổ chức việc công khai dự toán ngân sách đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước và Quyết định số 192/2004/QĐ-TTg ngày 16/11/2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế công khai tài chính đối với các cấp ngân sách nhà nước, các đơn vị dự toán ngân sách, các tổ chức được ngân sách nhà nước hỗ trợ, các dự án đầu tư xây dựng cơ bản có sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Trong đó, lưu ý một số điểm sau:
3.1. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ quyết định của Thủ tướng Chính phủ về giao nhiệm vụ thu, chi ngân sách, trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định dự toán thu, chi ngân sách địa phương, phương án phân bổ ngân sách cấp tỉnh và mức bổ sung từ ngân sách cấp tỉnh cho ngân sách cấp dưới trước ngày 10/12/2005; đồng thời căn cứ Nghị quyết Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, thực hiện giao nhiệm vụ thu, chi ngân sách cho từng cơ quan, đơn vị trực thuộc tỉnh; nhiệm vụ thu, chi, mức bổ sung từ ngân sách cấp tỉnh cho từng quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm báo cáo kết quả quyết định và phân bổ, giao ngân sách địa phương về Bộ Tài chính chậm nhất là 05 ngày sau khi Hội đồng nhân dân quyết định dự toán ngân sách theo đúng quy định tại Điều 40 Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 6/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước và điểm 5.3 mục 5 Phần III Thông tư số 59/2003/TT-BTC ngày 23/6/2003 của Bộ Tài chính.
– Uỷ ban nhân dân cấp huyện căn cứ quyết định của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh về giao nhiệm vụ thu, chi ngân sách, trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định dự toán thu, chi ngân sách và phương án phân bổ dự toán ngân sách cấp huyện trước ngày 20/12/2005; đồng thời căn cứ Nghị quyết Hội đồng nhân dân cấp huyện, giao nhiệm vụ thu, chi ngân sách cho từng cơ quan, đơn vị trực thuộc huyện, mức bổ sung từ ngân sách cấp huyện cho từng xã, phường, thị trấn.
– Uỷ ban nhân dân cấp xã căn cứ quyết định của Uỷ ban nhân dân cấp huyện về giao nhiệm vụ thu chi ngân sách, trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định dự toán thu, chi ngân sách và phương án phân bổ dự toán ngân sách cấp xã và thực hiện phân bổ dự toán chi thường xuyên theo từng loại của Mục lục ngân sách nhà nước theo 4 nhóm mục đã được Bộ Tài chính hướng dẫn tại công văn số 7541 TC/NSNN ngày 08/7/2004, gửi Kho bạc nhà nước nơi giao dịch (một bản) làm căn cứ thanh toán và kiểm soát chi trước ngày 31/12/2005.
3.2. Căn cứ dự toán thu, chi ngân sách năm 2006 được Thủ tướng Chính phủ, Uỷ ban nhân dân giao, các cơ quan Nhà nước ở trung ương và địa phương, đơn vị dự toán cấp I thực hiện phân bổ và giao dự toán chi ngân sách cho các đơn vị sử dụng ngân sách trực thuộc theo đúng các quy định tại Nghị định 60/2003/NĐ-CP ngày 06/06/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách Nhà nước và Thông tư số 59/2003/NĐ-BTC ngày 23/6/2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định nói trên, trong đó lưu ý một số điểm sau:
– Đơn vị dự toán cấp I lập phương án phân bổ chi thường xuyên giao cho đơn vị sử dụng ngân sách trực thuộc, chi tiết đến Loại, Khoản của Mục lục ngân sách nhà nước theo 4 nhóm mục chi gửi cơ quan tài chính đồng cấp để thẩm tra; trong đó, phải giao riêng nguồn tiết kiệm 10% để thực hiện cải cách tiền lương và được phân bổ vào nhóm mục “chi thanh toán cá nhân”. Đối với các khoản chi có tính chất thời vụ hoặc chỉ phát sinh vào một số thời điểm như đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm, sửa chữa lớn và các khoản chi có tính chất không thường xuyên khác phải dự kiến phân theo tiến độ thực hiện quý và giao cùng với giao dự toán năm.
Riêng đối với các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính theo Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17/10/2005 của Chính phủ và các đơn vị sự nghiệp có thu thực hiện chế độ tự chủ tài chính theo quy định của Chính phủ, khi phân bổ dự toán chi ngân sách phải tách riêng: phần dự toán kinh phí được giao tự chủ tài chính theo quy định, phân bổ chung vào nhóm mục chi khác; phần không giao tự chủ tài chính, phân bổ theo 4 nhóm mục chi quy định tại Thông tư số 59/2003/TT-BTC ngày 23/6/2003 của Bộ Tài chính; trong cả 2 phần nói trên đều phải giao riêng nguồn tiết kiệm 10% để thực hiện cải cách tiền lương.
– Trong phạm vi 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được phương án phân bổ dự toán ngân sách, cơ quan tài chính có văn bản thông báo kết quả thẩm tra. Trường hợp cơ quan tài chính nhất trí với phương án phân bổ thì thủ trưởng cơ quan, đơn vị phân bổ ngân sách giao ngay dự toán cho các đơn vị sử dụng ngân sách trực thuộc, đồng gửi cơ quan tài chính, Kho bạc nhà nước cùng cấp (bản tổng hợp các đơn vị) và Kho bạc nhà nước nơi giao dịch (gửi thông qua đơn vị sử dụng ngân sách bản chi tiết đối với đơn vị). Trường hợp cơ quan tài chính đề nghị điều chỉnh thì trong phạm vi 03 ngày làm việc kể từ khi nhận được văn bản của cơ quan tài chính, cơ quan, đơn vị phân bổ tiếp thu, điều chỉnh; trường hợp không thống nhất nội dung điều chỉnh, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo quy định tại điểm 1.5, mục 1, Phần IV, Thông tư 59/2003/TT-BTC ngày 23/06/2003 của Bộ Tài chính.
– Trường hợp sau ngày 31/12/2005 đơn vị dự toán cấp I chưa phân bổ, giao dự toán cho đơn vị sử dụng ngân sách, cơ quan tài chính, kho bạc nhà nước tạm cấp lương và các khoản có tính chất tiền lương, nghiệp vụ phí, công vụ phí và các khoản chi cần thiết khác để đảm bảo hoạt động của bộ máy, trừ các khoản mua sắm trang thiết bị, sửa chữa.
Trường hợp sau ngày 31/12/2005 đơn vị dự toán cấp I chưa phân bổ hoặc phân bổ chưa hết dự toán được giao, cơ quan tài chính tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh giảm dự toán chi của đơn vị để chuyển cho cơ quan, đơn vị khác hoặc bổ sung dự phòng theo quy định của Chính phủ, trừ các nhiệm vụ mà tại thời điểm phân bổ, giao dự toán chưa xác định rõ đơn vị thực hiện song đơn vị dự toán cấp I phải báo cáo và được cơ quan tài chính cùng cấp chấp nhận cho phân bổ chậm.
– Đối với các khoản đã tạm ứng, tạm cấp phải thu hồi nhưng khi phân bổ, giao dự toán cho các đơn vị sử dụng ngân sách, đơn vị dự toán cấp I không xác định rõ nguồn dự toán để thu hồi; để đảm bảo nguồn thu hồi các khoản tạm ứng, tạm cấp, trong khi chờ cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh lại phân bổ và giao dự toán, cơ quan tài chính, kho bạc nhà nước được phép giữ lại phần kinh phí tương ứng với số đã tạm ứng, tạm cấp và thông báo kịp thời cho đơn vị và cơ quan có thẩm quyền phân bổ dự toán.
B. CÔNG TÁC TỔ CHỨC QUẢN LÝ, ĐIỀU HÀNH
NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC:
I. TỔ CHỨC QUẢN LÝ THU, TĂNG CƯỜNG CHỐNG THẤT THU:
1. Uỷ ban nhân dân các cấp, cơ quan Thuế, Hải quan và các cơ quan có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện ngay từ đầu năm công tác thu ngân sách, đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời theo quy định của pháp luật. Thực hiện cải cách hành chính thuế, cải cách thủ tục hải quan đơn giản hoá và công khai minh bạch các thủ tục thu nộp ngân sách, mở rộng áp dụng hải quan điện tử tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh và thực hiện nghĩa vụ thu nộp ngân sách nhà nước; thực hiện đúng quy định về tổ chức đối thoại với doanh nghiệp để kịp thời giải đáp, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc thực hiện các chính sách thuế của Nhà nước; tổ chức thực hiện các giải pháp kiểm tra, kiểm soát, chống buôn lậu, gian lận thương mại, trốn lậu thuế; tổ chức kiểm tra và thu kịp thời, đầy đủ các khoản nợ đọng ngân sách.
Từ năm 2006 đến hết năm 2010, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố tổ chức thực hiện miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tài nguyên, thuế môn bài ở khâu đánh bắt hải sản, sản xuất muối chưa qua chế biến; giảm thuế thu nhập doanh nghiệp tương ứng với số tiền đào tạo đối với những cơ sở sản xuất kinh doanh tiếp nhận lao động là người dân tộc thiểu số để cơ sở sản xuất kinh doanh có nguồn kinh phí đào tạo, dạy nghề cho số lao động này theo quy định của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tài chính.
2. Các Bộ, cơ quan Trung ương, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật thuế giá trị gia tăngđược Quốc hội thông qua.
3. Cơ quan Thuế, Hải quan tăng cường công tác kiểm tra hoàn thuế giá trị gia tăng, đảm bảo quản lý chặt chẽ, đúng chế độ, đúng thời gian quy định, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp. Đồng thời, tổ chức thực hiện tốt công tác kiểm tra sau hoàn thuế, sau thông quan nhằm chống gian lận trong việc hoàn thuế, thu nộp ngân sách. Phối hợp với cơ quan có liên quan xử lý nghiêm đối với những trường hợp vi phạm pháp luật về thu nộp ngân sách nhà nước.
4. Tăng cường công tác quản lý sử dụng đất đai từ khâu quy hoạch sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận sử dụng đất, sử dụng, chuyển nhượng đất đai để quản lý và thu ngân sách đầy đủ, kịp thời theo đúng chế độ quy định.
II. VỀ QUẢN LÝ, ĐIỀU HÀNH NGÂN SÁCH:
1. Tổ chức điều hành dự toán ngân sách nhà nước:
1.1. Đối với ngân sách trung ương:
– Trường hợp thu vượt so với dự toán, số tăng thu sử dụng để thực hiện cải cách tiền lương (tối thiểu 50% số tăng thu); thanh toán nợ xây dựng cơ bản, bổ sung vốn đầu tư phát triển; tăng dự phòng ngân sách để phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, phòng chống dịch bệnh và nhiệm vụ quan trọng cấp bách, đột xuất phát sinh.
– Thực hiện chế độ thưởng vượt thu đối với ngân sách địa phương, mức thưởng 30% đối với số vượt thu phần ngân sách trung ương được hưởng từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách từng địa phương so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, nhưng không vượt quá số tăng thu phần ngân sách trung ương được hưởng năm 2006 so với mức thực hiện năm 2005 từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương.
Đối với thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh cơ chế thưởng vượt thu thực hiện theo quy định tại Nghị định số 123/2004/NĐ-CP ngày 18/5/2004, Nghị định số 124/2004/NĐ-CP ngày 18/5/2004 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thực hiện.
– Việc sử dụng tiền thưởng, quản lý, hạch toán và thời gian báo cáo thực hiện theo quy định tại Thông tư số 59/2003/TT-BTC ngày 23/6/2003 của Bộ Tài chính.
1.2. Đối với ngân sách địa phương:
– Trường hợp thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp thực hiện vượt so với dự toán Thủ tướng Chính phủ và Uỷ ban nhân dân cấp trên giao, sử dụng tối thiểu 50% (không bao gồm số thu tiền sử dụng đất) để tăng nguồn thực hiện cải cách tiền lương; 50% còn lại để tăng chi thanh toán nợ khối lượng xây dựng cơ bản, bổ sung chi để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành một số công trình quan trọng cấp thiết; tăng dự phòng ngân sách để phòng chống, khắc phục thiên tai, phòng chống dịch bệnh và thực hiện nhiệm vụ quan trọng cấp bách, đột xuất phát sinh.
Uỷ ban nhân dân xây dựng phương án sử dụng số tăng thu ngân sách địa phương, thống nhất ý kiến với Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp trước khi thực hiện; báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp kết quả thực hiện tại kỳ họp gần nhất.
– Trường hợp số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp không đạt dự toán, Uỷ ban nhân dân xây dựng phương án điều chỉnh giảm chi tương ứng, tập trung cắt giảm hoặc giãn, hoãn những nhiệm vụ chi chưa thực sự cấp thiết báo cáo Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét, quyết định.
1.3. Trong tổ chức thực hiện ngân sách nhà nước; các Bộ, cơ quan trung ương, các địa phương cần lưu ý một số vấn đề sau:
– Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan phối hợp với cơ quan tài chính để chủ động có kế hoạch ứng nguồn vốn ngay từ đầu năm cho các dự án công trình quan trọng theo chế độ quy định, nhất là xây dựng tu bổ các công trình đê điều, thuỷ lợi, phòng chống thiên tai, dịch bệnh, khắc phục hậu quả lũ lụt…
– Sử dụng dự toán ngân sách được giao đểthực hiện các nhiệm vụ được giao và các nhiệm vụ chi đột xuất phát sinh. Năm 2006, chỉ giải quyết các nhu cầu chi ngoài dự toán cho cơ quan, đơn vị và cấp dưới trong trường hợp thiên tai, dịch bệnh xảy ra trên phạm vi rộng, mức độ thiệt hại lớn vượt quá khả năng ngân sách của các Bộ, địa phương, những nhiệm vụ quan trọng, cấp bách mới phát sinh theo quy định của pháp luật.
– Trường hợp kinh phí thực hiện một số chế độ, chính sách như: chi khám chữa bệnh cho người nghèo, chi khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi trong năm 2006 không chi hết dự toán giao, được chuyển nguồn sang năm sau thực hiện, không bố trí chi cho các nhiệm vụ khác.
– Thường xuyên tổ chức, kiểm tra, đánh giá tiến độ thực hiện các dự án, công trình; đối với những dự án, công trình thực hiện không đúng tiến độ phải kịp thời quyết định hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền quyết định điều chỉnh chuyển vốn cho những dự án có tiến độ triển khai nhanh, có khả năng hoàn thành nhưng chưa được bố trí đủ vốn theo chế độ quy định.
– Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan phối với cơ quan tài chính thường xuyên kiểm tra việc tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách ở các đơn vị, cấp cơ sở. Đảm bảo chính sách, chế độ thực hiện đúng đối tượng và có hiệu quả, nhất là các chính sách liên quan đến thực hiện các chính sách xã hội, xoá đói giảm nghèo…
2. Về huy động vốn đầu tư xây dựng cơ bản:
Các Bộ, địa phương, đơn vị phải quản lý, sử dụng ngân sách đúng chế độ, tiêu chuẩn, trong phạm vi dự toán được giao; nghiêm cấm việc chiếm dụng, vay, cho vay trái quy định của pháp luật dưới bất kỳ hình thức nào. Đối với tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có nhu cầu huy động vốn để đầu tư xây dựng công trình kết cấu hạ tầng do ngân sách cấp tỉnh đảm bảo thuộc danh mục đầu tư trong kế hoạch đầu tư 5 năm đã được Hội đồng nhân cấp tỉnh quyết định, thì được phép huy động vốn trong nước, nhưng mức dư nợ huy động tối đa không vượt quá 30% vốn đầu tư xây dựng cơ bản trong nước hàng năm của ngân sách cấp tỉnh. Riêng đối với thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh việc huy động vốn thực hiện theo quy định tại Nghị định số 123/2004/NĐ-CP ngày 18/5/2004 và Nghị định số 124/2004/NĐ-CP ngày 18/5/2004 của Chính phủ.
3. Về thủ tục cấp phát, thanh toán ngân sách:
Để tăng cường chủ động cho các đơn vị sử dụng ngân sách, giảm thủ tục hành chính, từ năm 2006 thực hiện quản lý điều hành ngân sách theo dự toán năm được giao. Căn cứ vào dự toán năm được giao, đơn vị sử dụng ngân sách thực hiện rút dự toán chi theo chế độ, định mức chi tiêu ngân sách đã được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành và tiến độ, khối lượng thực hiện nhiệm vụ; đảm bảo nguyên tắc:
– Các khoản chi thanh toán cá nhân (lương, phụ cấp lương, trợ cấp xã hội…) đảm bảo thanh toán theo mức được hưởng hàng tháng của các đối tượng hưởng lương, trợ cấp từ ngân sách nhà nước.
– Những khoản chi có tính chất thời vụ hoặc chỉ phát sinh vào một số thời điểm như đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm, sửa chữa lớn và các khoản có tính chất không thường xuyên khác thực hiện thanh toán theo tiến độ, khối lượng thực hiện theo chế độ quy định. Trường hợp phát sinh các khoản chi cần thiết vượt mức dự kiến theo quý được giao từ đầu năm nhưng vẫn trong phạm vi dự toán ngân sách năm được giao thì Kho bạc nhà nước vẫn thực hiện chi cho đơn vị và định kỳ tổng hợp báo cáo cơ quan tài chính cùng cấp.
– Kho bạc nhà nước thực hiện hạch toán các khoản chi đã thực chi trả, rút dự toán chi tiêu theo đúng quy định của Mục lục ngân sách nhà nước (Chương, Loại, Khoản, Mục, Tiểu mục). Đối với các khoản tạm ứng, tuỳ theo nội dung chi có thể hạch toán đến Mục hoặc Tiểu mục nhưng khi thanh toán thì phải chi tiết đến Tiểu mục.
– Bỏ quy định về việc đơn vị dự toán ngân sách các cấp, đơn vị sử dụng ngân sách lập nhu cầu chi ngân sách quý quy định tại điểm 2.2, mục 2, Phần IV Thông tư số 59/2003/TT-BTC ngày 23/6/2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 6/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước.
4. Phương thức chuyển số bổ sung từ ngân sách trung ương cho ngân sách cho địa phương:
Căn cứ số bổ sung từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương năm 2006 được Thủ tướng Chính phủ giao. Bộ Tài chính thực hiện cấp bổ sung cân đối hàng tháng trước ngày 25 tháng trước; đối với những địa phương thu, chi ngân sách có tính chất thời vụ, không đều trong năm, Bộ Tài chính căn cứ tiến độ thực hiện nhiệm vụ thu, chi để xác định số bổ sung cân đối hàng tháng cho phù hợp thực tế địa phương. Đối với bổ sung có mục tiêu, việc chuyển vốn cho địa phương theo yêu cầu thực hiện của mục tiêu đã được quy định. Đối với vốn chuẩn bị động viên và vốn Chương trình biển Đông – hải đảo, thực hiện cấp tạm ứng theo chế độ quy định, sau khi địa phương báo cáo kết quả khối lượng thực hiện sẽ cấp thanh toán.
5. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và tổ chức thực hiện công tác công khai tài chính, ngân sách nhà nước:
– Các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương tổ chức chỉ đạo thực hiện đầy đủ các quy định tại Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Thực hành, tiết kiệm và chống lãng phí sau khi được Quốc hội thông qua. Đồng thời tổ chức xử lý kịp thời, đầy đủ những tồn tại, sai phạm được phát hiện qua công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán và đã có kết luận bằng văn bản; làm rõ trách nhiệm của từng tổ chức cá nhân và thực hiện chế độ trách nhiệm đối với thủ trưởng đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước, trong quản lý điều hành ngân sách khi để xảy ra thất thoát, lãng phí, sử dụng ngân sách sai chế độ, chính sách.
– Các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương tổ chức chỉ đạo các đơn vị sử dụng ngân sách thực hiện đầy đủ quy chế tự kiểm tra tài chính kế toán theo Quyết định số 67/2004/QĐ-BTC ngày 13/8/2004 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc ban hành “Quy chế tự kiểm tra tài chính, kế toán tại các cơ quan, đơn vị có sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước” để kịp thời phát hiện và chấn chỉnh các sai phạm trong quản lý tài chính ngân sách.
– Các Bộ, cơ quan Trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các đơn vị dự toán các cấp và tổ chức được ngân sách nhà nước hỗ trợ thực hiện đầy đủ quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm và sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với cơ quan nhà nước theo Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17/10/2005 của Chính phủ; chế độ tự chủ tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp theo Nghị định của Chính phủ.
C. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng công báo và thi hành trong năm ngân sách 2006. Các Bộ, cơ quan Trung ương, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ vào Thông tư này để chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc và chính quyền địa phương cấp dưới tổ chức thực hiện.
Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để phối hợp giải quyết.
KT.BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Trần Văn Tá
PHỤ LỤC
Về các chế độ, chính sách, các nhiệm vụ đã được Chính phủ, Thủ tướng
Chính phủ quyết định, ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu và địa phương bố trí ngân sách để thực hiện theo quy định tại tiết b, khoản 2.2, điểm 2 mục II, phần A Thông tư số 100/TT-BTC ngày 17/11/2005 của Bộ Tài chính
1. Thực hiện các chế độ, chính sách, nhiệm vụ phát triển đầu tư hạ tầng, kinh tế – xã hội theo Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 1/7/2004, Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 16/8/2004;thực hiện chế độ hỗ trợ sách giáo khoa và giấy vở học sinh; chế độ học bổng học sinh dân tộc nội trú và học sinh thuộc diện học nội trú nhưng không ở nội trú mà tham dự học ở các trường bán công; hỗ trợ nhà ở cho giáo viên, bác sỹ công tác tại xã có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn; tăng kinh phí để thực hiện tăng thời lượng phát sóng phát thanh, truyền hình bằng tiếng các dân tộc trong khu vực,….
2. Thực hiện chế độ khám chữa bệnh cho người nghèo theo chuẩn nghèo mới quy định tại Quyết định số 170/2005/QĐ-TTg ngày 8/7/2005 của Thủ tướng Chính phủ với mức 60.000 đồng/người/năm và chế độ khám chữa bệnh cho trẻ em dưới 6 tuổi theo Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em với mức chi là 90.000 đồng/em/năm.
3. Thực hiện Pháp lệnh dân quân tự vệ và Nghị định số 184/2004/NĐ-CP ngày 02 /11/2004 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh dân quân tự vệ.
4. Thực hiện chế độ đối với Đảng bộ cơ sở theo Quyết định số 84/QĐ -TW Ngày 01/10/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng.
5. Thực hiện chính sách hỗ trợ các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn theo Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg ngày 20/7/2004 của Thủ tướng Chính phủ.
6. Thực hiện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo theo Quyết định số 257/2003/QĐ-TTg ngày 03/12/2003 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 106/2004/QĐ-TTg ngày 11/6/2004 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo.
7. Thực hiện chương trình hành động phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em theo Quyết định số 130/2004/QĐ-TTg ngày 14/7/2004 của Thủ tướng Chính phủ.
8. Thực hiện chính sách trợ giúp kinh phí cho gia đình, cá nhân nhận nuôi dưỡng trẻ em mồ côi và trẻ em bị bỏ rơi theo Quyết định số 38/2004/QĐ-TTg ngày 17/3/2004 của Thủ tướng Chính phủ.
9. Thực hiện chính sách, chế độ cứu trợ xã hội theo Nghị định số 168/2004/NĐ-CP ngày 20/9/2004 của Chính phủ.
10. Thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn theo Nghị định số 121/2003/NĐ-CP ngày 21/10/2003 của Chính phủ.
11- Thực hiện các chính sách về phát triển kinh tế – xã hội vùng Tây Nguyên theo Quyết định số 168/2001/QĐ-TTg ngày 30/10/2001 của Thủ tướng Chính phủ.
12. Thực hiện các chính sách về phát triển kinh tế – xã hội ở 6 tỉnh đặc biệt khó khăn miền núi phía Bắc thời kỳ 2001 – 2005 theo Quyết định số 186/2001/QĐ-TTg ngày 07/12/2001 của Thủ tướng Chính phủ.
13. Thực hiện Quyết định số 173/2001/QĐ-TTg ngày 06/11/2001 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2001 – 2005.
14. Thực hiện Quyết định số 120/2003/QĐ-TTg ngày 11/6/2003 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chiến lược phát triển kinh tế – xã hội tuyến biên giới Việt – Trung đến năm 2010.
15. Các quyết định, văn bản của Thủ tướng Chính phủ có liên quan khác.
Bộ Tài chính
Reviews
There are no reviews yet.