THÔNG TƯ
CỦA BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG SỐ 09/2009/TT-BTNMT
NGÀY 11 THÁNG 08 NĂM 2009
QUY ĐỊNH VỀ XÂY DỰNG VÀ QUẢN LÝ CÁC CHỈ THỊ MÔI TRƯỜNG QUỐC GIA
BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 25/2008/NĐ-CP ngày 04 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;
Xét đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường và Vụ trưởng Vụ Pháp chế,
QUY ĐỊNH:
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Thông tư này quy định việc xây dựng và quản lý các chỉ thị môi trường quốc gia.
2. Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường ở Trung ương và địa phương; các tổ chức, cá nhân có tham gia xây dựng chỉ thị môi trường, lập báo cáo hiện trạng môi trường.
Điều 2. Giải thích thuật ngữ
1. Chỉ thị môi trường: là thông số cơ bản phản ánh các yếu tố đặc trưng của môi trường phục vụ mục đích đánh giá, theo dõi diễn biến chất lượng môi trường, lập báo cáo hiện trạng môi trường.
2. Bộ chỉ thị môi trường: là tập hợp các chỉ thị môi trường.
3. Bộ chỉ thị môi trường đầy đủ: là toàn bộ các chỉ thị môi trường, được sử dụng khi có đầy đủ, toàn diện các cơ sở dữ liệu về môi trường để xây dựng bộ chỉ thị này.
4. Bộ chỉ thị môi trường cơ bản: là tập hợp các chỉ thị môi trường cơ bản được chọn lọc từ bộ chỉ thị môi trường đầy đủ.
5. Báo cáo hiện trạng môi trường: bao gồm Báo cáo môi trường quốc gia, Báo cáo hiện trạng môi trường cấp tỉnh và Báo cáo tình hình tác động môi trường của ngành, lĩnh vực.
6. Mô hình DPSIR: là mô hình mô tả mối quan hệ tương hỗ giữa Động lực – D (phát triển kinh tế – xã hội, nguyên nhân sâu xa của các biến đổi môi trường) – Áp lực – P (các nguồn thải trực tiếp gây ô nhiễm và suy thoái môi trường) – Hiện trạng – S (hiện trạng chất lượng môi trường) – Tác động – I (tác động của ô nhiễm môi trường đối với sức khỏe cộng đồng, hoạt động phát triển kinh tế – xã hội và môi trường sinh thái) – Đáp ứng – R (các giải pháp bảo vệ môi trường).
7. Phiếu chỉ thị môi trường: là công cụ quan trọng dùng trong quản lý môi trường và định hướng tổ chức thu thập thông tin, dữ liệu môi trường, được sử dụng để xây dựng, quản lý, cập nhật thông tin đầy đủ về một chỉ thị môi trường cụ thể.
8. Các loại chỉ thị môi trường theo mô hình DPSIR: Bộ chỉ thị môi trường theo mô hình DPSIR bao gồm 5 loại chỉ thị môi trường sau đây:
a) Các chỉ thị về động lực (D) phát triển kinh tế – xã hội, gây biến đổi áp lực đối với môi trường;
b) Các chỉ thị về áp lực (P) về chất thải ô nhiễm gây biến đổi hiện trạng môi trường;
c) Các chỉ thị về hiện trạng (S) môi trường (chất lượng/ô nhiễm môi trường);
d) Các chỉ thị về tác động (I) của ô nhiễm môi trường đối với sức khỏe, cuộc sống của con người, đối với các hệ sinh thái và đối với kinh tế – xã hội;
e) Các chỉ thị về đáp ứng (R) của Nhà nước, xã hội và con người (chính sách, biện pháp, hành động) nhằm giảm thiểu các động lực, áp lực gây biến đổi môi trường không mong muốn và cải thiện chất lượng môi trường.
Điều 3. Nguyên tắc xây dựng các chỉ thị môi trường
1. Bảo đảm tính phù hợp
2. Bảo đảm tính chính xác
3. Bảo đảm tính nhất quán.
4. Bảo đảm tính liên tục.
5. Bảo đảm tính sẵn có
6. Bảo đảm tính có thể so sánh.
Điều 4. Mục đích của việc sử dụng các chỉ thị môi trường
1. Cung cấp các thông số cho việc đánh giá, theo dõi diễn biến chất lượng môi trường, lập báo cáo hiện trạng môi trường.
2. Hoạch định chính sách, chiến lược môi trường.
3. Nâng cao nhận thức về môi trường.
Chương II
XÂY DỰNG CÁC CHỈ THỊ MÔI TRƯỜNG
Điều 5. Thiết lập, cập nhật thông tin, dữ liệu cho Phiếu chỉ thị môi trường
1. Căn cứ vào Bộ chỉ thị môi trường quốc gia do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành, các cơ quan đầu mối trong hệ thống quản lý chỉ thị môi trường xem xét tính khả thi của các chỉ thị (bao gồm kinh phí, năng lực cán bộ, tính sẵn có của dữ liệu và trang thiết bị) để xác định thứ tự ưu tiên trong việc thiết lập Phiếu chỉ thị môi trường.
2. Xác định những vấn đề cơ bản cần thu thập thông tin, dữ liệu cho Phiếu chỉ thị môi trường đối với mỗi chỉ thị môi trường theo các nội dung tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.
3. Thu thập các thông tin, dữ liệu cần thiết cho Phiếu chỉ thị môi trường.
Các cơ quan chịu trách nhiệm quản lý các chỉ thị môi trường quy định tại Điều 10 Thông tư này phân công, phối hợp với các bên cung cấp thông tin, dữ liệu để định kỳ thu thập các thông tin, dữ liệu cần thiết, tạo điều kiện cho các cơ quan phối hợp thực hiện việc cung cấp thông tin, dữ liệu.
4. Phân tích, đánh giá các thông tin, dữ liệu về chỉ thị (độ tin cậy, phạm vi không gian, thời gian, những hạn chế của thông tin), chỉnh sửa, bổ sung, thay thế Phiếu chỉ thị môi trường nếu cần thiết.
Tần suất cập nhật thông tin, dữ liệu cho các Phiếu chỉ thị môi trường là hàng năm hoặc 5 năm tùy theo từng loại chỉ thị quy định tại Bộ chỉ thị môi trường quốc gia.
Điều 6. Yêu cầu thiết lập Phiếu chỉ thị môi trường
Khi thiết lập Phiếu chỉ thị môi trường phải đáp ứng các yêu cầu sau:
1. Đảm bảo thống nhất về cấu trúc, định dạng biểu mẫu của Phiếu chỉ thị môi trường.
2. Đảm bảo đầy đủ các nội dung từ các thông tin hành chính, nội dung thông tin cơ bản, biểu đồ/đồ thị, miêu tả thông tin, cơ sở dữ liệu về nguồn cung cấp thông tin đến mức công việc cần làm để nâng cao chất lượng của chỉ thị.
3. Đảm bảo tính rõ ràng, rành mạch và khả thi của chỉ thị môi trường.
4. Đánh giá được mức độ chất lượng của chỉ thị môi trường và từng bước nâng cao chất lượng đó.
Điều 7. Các loại thông tin, dữ liệu để xây dựng chỉ thị môi trường
Thông tin, dữ liệu cần có cho chỉ thị môi trường gồm 4 loại:
1. Dữ liệu quan trắc.
2. Dữ liệu thống kê.
3. Thông tin, dữ liệu nghiên cứu
4. Thông tin, dữ liệu quản lý môi trường.
Điều 8. Nguyên tắc thu thập thông tin, dữ liệu để xây dựng chỉ thị môi trường
1. Dữ liệu về kinh tế xã hội được thu thập từ Niên giám thống kê và báo cáo chính thức của các cơ quan quản lý Nhà nước các cấp.
2. Dữ liệu về môi trường được thu thập từ các cơ quan quản lý môi trường các cấp.
3. Dữ liệu phải có được liên tục, thường xuyên để có thể phân tích xu thế, lập biểu đồ diễn biến.
4. Các loại dữ liệu cung cấp theo yêu cầu của mỗi chỉ thị môi trường do cơ quan quản lý chỉ thị môi trường xác định.
5. Dữ liệu cần cung cấp theo biểu mẫu thống nhất trong phạm vi toàn quốc để đảm bảo tính nhất quán.
Chương III
QUẢN LÝ CÁC CHỈ THỊ MÔI TRƯỜNG
Điều 9. Quản lý các chỉ thị môi trường
1. Quản lý các chỉ thị môi trường là quản lý các thông tin, dữ liệu về các thông số cơ bản phản ánh các yếu tố đặc trưng của môi trường được thể hiện trên các Phiếu chỉ thị môi trường.
2. Nội dung quản lý các chỉ thị môi trường:
a) Lưu trữ, cập nhật, chỉnh sửa, bổ sung, thay thế các Phiếu chỉ thị môi trường;
b) Phân tích, đánh giá, tổng hợp các thông tin, dữ liệu của chỉ thị môi trường;
c) Cung cấp, khai thác, sử dụng và chia sẻ các thông tin, dữ liệu về chỉ thị môi trường.
3. Phiếu chỉ thị môi trường được số hóa, được phát triển đồng bộ ở các cấp (Trung ương, bộ ngành, địa phương) và được cập nhật thường xuyên để làm cơ sở cho việc xây dựng báo cáo hiện trạng môi trường, ra các quyết định nhằm phòng ngừa, xử lý và phục hồi môi trường, đủ các thông tin để so sánh hiện trạng môi trường trong và ngoài nước.
Điều 10. Cơ quan quản lý các chỉ thị môi trường
Cơ quan quản lý các chỉ thị môi trường gồm:
1. Tổng cục Môi trường chịu trách nhiệm quản lý các chỉ thị môi trường trên phạm vi toàn quốc.
2. Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm quản lý các chỉ thị môi trường trên địa bàn tỉnh.
3. Các tổ chức, bộ phận chuyên môn về bảo vệ môi trường của các Bộ, ngành chịu trách nhiệm quản lý các chỉ thị môi trường ở Bộ, ngành.
Điều 11. Nhiệm vụ của Cơ quan quản lý các chỉ thị môi trường
1. Thu thập thông tin, số liệu, thiết lập các Phiếu chỉ thị môi trường.
2. Quản lý các Phiếu chỉ thị môi trường theo thẩm quyền.
3. Công bố các chỉ thị môi trường theo quy định của pháp luật.
4. Chia sẻ các thông tin về chỉ thị môi trường theo quy định của pháp luật.
5. Trao đổi kinh nghiệm, hợp tác quốc tế về các chỉ thị môi trường.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 12. Kinh phí cho xây dựng, quản lý các chỉ thị môi trường
Căn cứ các quy trình, quy phạm, định mức kinh tế – kỹ thuật và chế độ tài chính hiện hành, các cơ quan tham gia xây dựng chỉ thị môi trường lập kinh phí cho xây dựng, quản lý các chỉ thị môi trường, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Điều 13. Hiệu lực và trách nhiệm thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25 tháng 9 năm 2009.
2. Tổng cục Môi trường theo dõi, kiểm tra việc thực hiện Thông tư này; có trách nhiệm xây dựng và phát triển cơ sở dữ liệu thống kê, quản lý các chỉ thị môi trường; chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan hướng dẫn chi tiết việc xây dựng các chỉ thị môi trường.
3. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan kịp thời phản ánh về Bộ Tài nguyên và Môi trường để xem xét, giải quyết./.
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Xuân Cường
PHỤ LỤC
MẪU PHIẾU CHỈ THỊ MÔI TRƯỜNG
(Kèm theo Thông tư số 09/2009/TT-BTNMT ngày 11 tháng 8 năm 200
của Bộ Tài nguyên và Môi trường)
Tên chỉ thị
Mã chỉ thị: |
|
Ngày xây dựng/cập nhật thông tin cho chỉ thị: |
|
Cơ quan quản lý thông tin về chỉ thị môi trường: Người chịu trách nhiệm: Email: Điện thoại: |
Địa chỉ liên hệ người chịu trách nhiệm xây dựng bản thông tin về chỉ thị Tên: Email: |
Nội dung thông tin cơ bản của chỉ thị |
Biểu đồ/đồ thị |
Mô tả 1. Chính sách, pháp luật 2. Các điều kiện môi trường. 3. Đánh giá. |
Tên chỉ thị thứ cấp (phụ)
Mã chỉ thị thứ cấp: |
|
Ngày xây dựng/cập nhật thông tin cho chỉ thị: |
|
Nội dung thông tin cơ bản |
Biểu đồ/đồ thị |
Đánh giá: |
Thông tin tham khảo và tư liệu
Tài liệu tham khảo: |
Dữ liệu Các bảng biểu Các loại thông tin khác (các đoạn văn bản vv.): |
Cơ sở dữ liệu về nguồn cung cấp thông tin 1. Thông tin giới thiệu trên trang Web 1. Tóm tắt/mô tả/những khó khăn, bất cập. 2. Vấn đề có tính chiến lược/câu hỏi đặt ra về mặt chiến lược 3. Chủ đề phổ biến thông tin. 4. Là thành phần trong Mô hình DPSIR II. Thông tin kỹ thuật 5. Nguồn dữ liệu. 6. Mô tả dữ liệu. 7. Phạm vi địa lý 8. Phạm vi về thời gian 9. Phương pháp và tần suất thu thập dữ liệu. 10. Phương pháp xử lý số liệu III. Thông tin định tính 1. Điểm mạnh, điểm yếu (của các dữ liệu). 2. Độ tin cậy, tính chính xác, tính không chắc chắn (của các dữ liệu). 3. Đánh giá tổng thể theo thang điểm (thang từ 1 – 3 điểm: 1 = không có vấn đề gì lớn, 2 = có vấn đề cần chú ý theo dõi, 3 = có vấn đề nghiêm trọng). Mức độ phù hợp. Tính chính xác. Khả năng so sánh theo thời gian. Khả năng so sánh theo không gian. |
Những công việc cần làm tiếp: (Nhằm nâng cao chất lượng chỉ thị này) |
Giải thích một số nội dung trong Bảng phiếu chỉ thị môi trường
– Mảng thông tin hành chính: tên Chỉ thị môi trường (CTMT), mã số CTMT cần rõ ràng và chính xác để nhận dạng, thành phần môi trường, loại chỉ thị (Ví dụ: KK02/AL là chỉ thị áp lực môi trường không khí, số 2; KK02/AL/01 là chỉ thị thứ cấp áp lực môi trường không khí, số 1), ngày thực hiện và người của cơ quan quản lý thông tin chỉ thị cần liên hệ, người chịu trách nhiệm xây dựng chỉ thị;
– Mảng nội dung thông tin cơ bản: nói về thông tin chính (cả CTMT lẫn chỉ thị thứ cấp), ví dụ: sự gia tăng dân số và đô thị…;
– Mảng biểu đồ/đồ thị: cung cấp biểu đồ/đồ thị chính của CTMT dựa trên các bộ số liệu thu thập được qua các năm (ví dụ: đồ thị diễn biến dân số và tỷ lệ dân số đô thị qua các năm cho đến nay…);
– Mảng mô tả bao gồm: các mô tả ngắn gọn:
+ Chính sách, pháp luật: nêu rõ các quy định của pháp luật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến CTMT đó và dự kiến sự sửa đổi, bổ sung, thay thế trong thời trước mắt;
+ Điều kiện môi trường: chỉ rõ chỉ thị này có vai trò gì, liên quan đến vấn đề nào của môi trường;
+ Đánh giá chỉ thị: cần phân tích, giải thích và đánh giá hiện trạng mà CTMT phản ánh, chủ yếu dựa vào các đồ thị/hình về các bộ số liệu và các thông tin khác mà phân tích.
– Mảng CTMT thứ cấp: một CTMT có thể có một hay nhiều chỉ thị thứ cấp. Đó chủ yếu là các chỉ thị liên quan chặt chẽ và trực tiếp đến CTMT chính. Nó cũng gồm tên gọi, nội dung thông tin cơ bản, biểu đồ/đồ thị và đánh giá chỉ thị thứ cấp đó;
– Mảng tài liệu tham khảo và tư liệu: nêu các tài liệu khoa học chính về phương pháp, về nguồn số liệu, về phương pháp phân tích, tổng hợp từ số liệu thô sang số liệu trong CTMT;
– Mảng dữ liệu: lập thành các bảng, các bộ số liệu liên quan đến CTMT, CTMT thứ cấp, nguồn số liệu;
– Mảng cơ sở dữ liệu về nguồn cung cấp thông tin (Metadata): Mảng này chứa các thông tin khác nhau liên quan đến việc trình bày, mô tả, cách xử lý dữ liệu và chất lượng dữ liệu như:
+ Giới thiệu thông tin trên trang Web: phải gắn với nội dung của chỉ thị gồm tóm lược chỉ thị, vấn đề có tính chiến lược mà chỉ thị đề cập đến, thông điệp mà cơ quan quản lý thông tin môi trường cần đưa ra và cuối cùng là nó thuộc loại CTMT nào (động lực, áp lực, hiện trạng, tác động hay đáp ứng);
+ Phần thông tin kỹ thuật: bao gồm nguồn thông tin (lấy ở đâu), mô tả ngắn gọn thông tin, phạm vi địa lý (vùng nào hay cả nước), phạm vi thời gian (từ năm nào đến năm nào), cách thức và tần suất thu thập thông tin (số lần quan trắc trong 1 năm, cách thức quan trắc), phương pháp xử lý thông tin (sử dụng phương pháp, công thức nào,…);
+ Phần thông tin định tính bao gồm điểm mạnh và yếu ở mức thông tin (có liên tục không, có đại diện không), độ tin cậy, độ chính xác, độ minh bạch, độ tin tưởng của số liệu và cho điểm từ 1 đến 3; (1: không có vấn đề gì lớn, 3: có vấn đề nghiêm trọng). Độ tin cậy: độ chính xác; so sánh được theo thời gian; so sánh được theo không gian.
– Mảng những việc cần làm tiếp: cần nêu rõ việc cần làm, cách thức giải quyết các tồn tại. Ví dụ: cần hoàn thiện cách lấy mẫu, xử lý mẫu, ai thu thập và ai báo cáo .v.v…
Reviews
There are no reviews yet.