THÔNG TƯ
CỦA BỘ CÔNG NGHIỆP SỐ 07/2000/TT-BCN
NGÀY 19 THÁNG 12 NĂM 2000 HƯỚNG DẪN THỦ TỤC
CẤP GIẤY PHÉP KINH DOANH VẬT LIỆU NỔ CÔNG NGHIỆP
Căn cứ Nghị định số 27/CP ngày 20 tháng 4 năm 1995 của Chính phủ về quản lý sản xuất, cung ứng và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp.
Căn cứ Nghị định số 47/CP ngày 12 tháng 8 năm 1996 của Chính phủ về quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ;
Căn cứ Nghị định số 11/1999/NĐ-CP ngày 03 tháng 3 năm 1999 của Chính phủ về hàng hoá cấm lưu thông, dịch vụ thương mại cấm thực hiện: hàng hoá, dịch vụ thương mại hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện;
Sau khi trao đổi thống nhất với Bộ Công an, Bộ Thương mại và Bộ Quốc phòng, Bộ Công nghiệp hướng dẫn thủ tục cấp Giấy phép kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp như sau:
I. QUY ĐỊNH CHUNG
1. Vật liệu nổ công nghiệp (VLNCN) là hàng hoá thuộc Danh mục 2 – Hàng hoá, Dịch vụ thương mại hạn chế kinh doanh tại Nghị định số 11/1999/NĐ-CP ngày 03 tháng 3 năm 1999 của Chính phủ, Thông tư này hướng dẫn thủ tục xin cấp Giấy phép kinh doanh VLNCN và thay thế cho Mục V – Thủ tục xin cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh cung ứng VLNCN và điều kiện kinh doanh nghề đặc biệt tại Thông tư liên tịch số 01/1998/TTLT-CN-NV ngày 13 tháng 01 năm 1998 của Bộ Công nghiệp và Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an).
2. Quản lý kinh doanh VLNCN được thực hiện theo Quy chế quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ ban hành theo Nghị định 47/CP ngày 12 tháng 8 năm 1996, Thông tư liên tịch số 01/TTLT-CN-NV ngày 13 tháng 01 năm 1999 của Bộ Công nghiệp và Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an), Nghị định số 11/1999/NĐ-CP ngày 03/3/1999 và Thông tư này.
3. Chỉ các doanh nghiệp nhà nước đảm bảo các điều kiện kinh doanh VLNCN, có Giấy phép kinh doanh VLNCN do Bộ Công nghiệp cấp và các giấy phép khác theo quy định của pháp luật mới được phép kinh doanh VLNCN. Các cơ sở nghiên cứu thử nghiệm khoa học kỹ thuật về VLNCN chỉ được sản xuất thử sản phẩm theo kết quả nghiên cứu khi được cơ quan có thẩm quyền cho phép.
4. Quản lý nhà nước về VLNCN được thực hiện theo các Nghị định số 27/CP ngày 20 tháng 4 năm 1995 của Chính phủ về quản lý, sản xuất, cung ứng và sử dụng VLNCN, Nghị định số 47/CP ngày 12 tháng 8 năm 1996 của Chính phủ về quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ và Thông tư hướng dẫn số 11/TT-CNCL ngày 13 tháng 3 năm 1996 của Bộ Công nghiệp
5. Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
a) Kinh doanh VLNCN là quá trình sản xuất, mua bán, vận chuyển, lưu giữ bảo quản, xuất nhập khẩu và tiêu thụ VLNCN trên thị trường.
b) Vật liệu nổ dùng trong công nghiệp và mục đích dân dụng khác, bao gồm: Thuốc nổ và phụ kiện nổ (được gọi tắt là VLNCN).
– Thuốc nổ là hoá chất đặc biệt hoặc hỗn hợp các hoá chất đặc biệt mà khi có tác động cơ học, hoá học hoặc nhiệt năng đủ liều lượng sẽ gây ra phản ứng hoá học biến hoá chất hoặc hỗn hợp hoá chất đặc biệt đó thành năng lượng nổ và phá huỷ môi trường xung quanh.
– Phụ kiện nổ là thành phẩm, gồm: dây cháy chậm, dây nổ, dây dẫn nổ, các loại kíp nổ, mồi nổ, hạt nổ, rơle nổ và các phụ kiện khác.
Thuốc nổ tự chế tạo hoặc chế tạo từ bom, đạn, mìn chưa qua chế biến và kiểm tra chất lượng sản phẩm, chưa được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép sử dụng; các hoá chất, bán thành phẩm để chế biến thành thuốc nổ bản thân không tự gây ra cháy nổ trong quá trình sản xuất, vận chuyển và bảo quản riêng rẽ không được coi là VLNCN.
II. THỦ TỤC CẤP GIẤY PHÉP KINH DOANH
VẬT LIỆU NỔ CÔNG NGHIỆP
1. Trước khi trình Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh VLNCN, doanh nghiệp phải được cơ quan Công an cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh nghề đặc biệt theo quy định tại Nghị định số 17/CP ngày 23 tháng 12 năm 1992 của Chính phủ và Thông tư số 03/TT ngày 27 tháng 3 năm 1993 của Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) về quản lý các nghề kinh doanh đặc biệt.
2. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh VLNCN gửi về Bộ Công nghiệp bao gồm:
a) Đơn đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh VLNCN theo mẫu quy định kèm theo Thông tư này;
b) Bản sao hợp lệ Quyết định hoặc Giấy phép thành lập doanh nghiệp do cơ quan có thẩm quyền cấp: Danh sách, địa chỉ các cơ sở kinh doanh của doanh nghiệp (Công ty, Xí nghiệp, Chi nhánh, Văn phòng đại diện…);
c) Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
d) Tài liệu chứng minh việc đảm bảo các điều kiện kinh doanh đối với hàng hoá, dịch vụ thương mại hạn chế kinh doanh của doanh nghiệp gồm có:
– Bảng kê khai hệ thống kho tàng, bến cảng, nhà xưởng của từng cơ sở kinh doanh, Quyết định cho phép công trình vào sử dụng;
– Danh sách các phương tiện vận tải chuyên dùng và Bản sao hợp lệ Giấy phép lưu hành;
– Danh sách trích ngang toàn bộ cán bộ lãnh đạo, quản lý, công nhân có liên quan trực tiếp đến công tác sản xuất, bảo quản, vận chuyển và kinh doanh VLNCN;
– Phương án xử lý về môi trường và phòng chống cháy nổ được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hoặc thoả thuận;
– Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự để kinh doanh nghề đặc biệt do Bộ Công an cấp;
– Bản sao hợp lệGiấy chứng nhận của cơ quan Tiêu chuẩn chất lượng đo lường Nhà nước cấp phép hoạt động cho các cơ sở thí nghiệm VLNCN;
– Hồ sơ của Giám đốc, Phó giám đốc, Trưởng phó phòng, ban, thanh tra kỹ thuật – an toàn của doanh nghiệp và các đơn vị trực thuộc gồm có:
+ Bản khai lý lịch cá nhân;
+ Bản sao hợp lệ Bằng tốt nghiệp;
+ Giấy chứng nhận đã học tập, kiểm tra kiến thức về quản lý kinh doanh VLNCN và Quy phạm an toàn về bảo quản, vận chuyển và sử dụng VLNCN.
3. Trong thời gian 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Công nghiệp chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra, xét duyệt và cấp Giấy phép kinh doanh cho các doanh nghiệp kinh doanh VLNCN (kể cả các doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng). Trường hợp không cấp giấy phép kinh doanh, Bộ Công nghiệp trả lời doanh nghiệp bằng văn bản trong đó nêu rõ lý do chưa cấp Giấy phép.
III. MỘT SỐ QUY ĐỊNH TRONG KINH DOANH
VẬT LIỆU NỔ CÔNG NGHIỆP
Ngoài việc chấp hành các quy định khác của pháp luật có liên quan, doanh nghiệp kinh doanh VLNCN còn phải thực hiện các quy định sau:
1. Thường xuyên đảm bảo các điều kiện để kinh doanh VLNCN quy định tại Thông tư liên tịch số 01/1998/TTLT-CN-NV ngày 13 tháng 01 năm 1998;
2. Kiểm tra chính xác số lượng, chủng loại VLNCN và kiểm tra chất lượng VLNCN bằng các phương tiện đo lường hợp chuẩn;
3. Điểm bốc xếp VLNCN và kho tàng bảo quản, phương tiện vận chuyển khi hoạt động phải được phép của các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền; chấp hành Quy phạm an toàn về bảo quản, vận chuyển và sử dụng VLNCN;
4. Thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo, kế hoạch, thống kê, chế độ tài chính theo quy định hiện hành của các cơ quan quản lý Nhà nước;
5. Trước khi công bố giá bán và phí lưu thông, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cung ứng phải gửi hồ sơ đăng ký giá, phí VLNCN đến Ban Vật giá Chính phủ và Bộ Công nghiệp để kiểm tra và theo dõi thực hiện;
6. Nghiêm cấm việc mua bán VLNCN từ các nguồn lưu thông trái phép. Xuất khẩu, nhập khẩu VLNCN được thực hiện theo các quy định pháp luật hiện hành.
7. Đối với các doanh nghiệp kinh doanh VLNCN bị giải thể và phải thu hồi Giấy phép kinh doanh VLNCN, doanh nghiệp có trách nhiệm nộp lại Giấy phép kinh doanh VLNCN cho Bộ Công nghiệp (Vụ Kế hoạch và Đầu tư).
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực, căn cứ hướng dẫn tại Mục II Thông tư này, các doanh nghiệp đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh VLNCN phải tiến hành bổ sung Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh thay thế Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh đã được cấp. Các doanh nghiệp kinh doanh VLNCN có sự thay đổi về tổ chức, nhân sự và chức năng nhiệm vụ phải làm hồ sơ bổ sung báo cáo Bộ Công nghiệp xem xét.
2. Đối với doanh nghiệp mới được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ kinh doanh cung ứng VLNCN áp dụng theo đúng Thông tư này.
3. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị các Bộ, ngành, địa phương, đơn vị phản ánh kịp thời về Bộ Công nghiệp để xem xét, giải quyết.
CỘNG HOÀ Xà HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do –Hạnh phúc
ĐƠN ĐỀ NGHỊ CẤP GIẤY PHÉP KINH DOANH,
GIẤY CHỨNG NHẬN ĐỦ ĐIỀU KIỆN KINH DOANH
(Dùng cho doanh nghiệp)
Kính gửi: ……………………………………………………
Họ và tên người làm đơn: …………………………………………………………………………
Ngày tháng năm sinh: ……………………………… Nam (Nữ)………………………………
Chức danh (Giám đốc/Chủ doanh nghiệp): …………………………………………………
Địa chỉ thường trú (hoặc tạm trú): ……………………………………………………………..
Tên doanh nghiệp: …………………………………………………………………………………..
Quyết định hoặc Giấy phép thành lập số: ……………………………………………………
do ………………………………………………. cấp ngày……………………………………………
Nơi đặt trụ sở chính: ………………………………………………………………………………..
Mặt hàng, ngành nghề kinh doanh: ……………………………………………………………
……………………………………………………………………………………………………………..
…………………………………………………………………………………………………………….
Đề nghị ………………………………………….. xem xét và cấp Giấy phép kinh doanh, Giấy chứng nhận đủ điều kiện đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định của Chính phủ số: ……../1999/NĐ-CP ngày……….. tháng……. năm 199.
Ngàythángnăm
Người làm đơn
Hồ sơ kèm theo
1. Danh sách, địa chỉ các cơ sở kinh doanh
của doanh nghiệp
2. Bảng kê việc thực hiện các điều kiện
kinh doanh theo quy định
3. Các giấy tờ liên quan:
………………………………………………..
XÁC NHẬN CỦA UBND Xà, PHƯỜNG
Về địa chỉ thường trú (hoặc tạm trú) của người làm đơn
Reviews
There are no reviews yet.