VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
——- Số: 63/TB-VPCP
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc ————— Hà Nội, ngày 05 tháng 04 năm 2016
|
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN XUÂN PHÚC
TẠI CUỘC HỌP VỀ KHẮC PHỤC HẬU QUẢ VỤ TAI NẠN LÀM SẬP CẦU ĐỒNG NAI LỚN
(CẦU GHỀNH)
Ngày 03 tháng 4 năm 2016, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì đoàn công tác kiểm tra hiện trường và họp giao ban về khắc phục hậu quả vụ tai nạn giao thông đường thủy làm sập cầu Đồng Nai lớn (cầu Ghềnh). Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo các cơ quan: Bộ Giao thông vận tải, Văn phòng Chính phủ, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.
Sau khi kiểm tra hiện trường và nghe báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã kết luận như sau:
Vụ tai nạn làm sập cầu Đồng Nai lớn ngày 20 tháng 3 năm 2016 là vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn, làm ách tắc hoàn toàn tuyến vận tải đường sắt đoạn từ ga Biên Hòa đến ga Sóng Thần và tuyến đường thủy nội địa trên sông Đồng Nai. Ngay sau khi tai nạn xảy ra, Bộ Giao thông vận tải, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và các cơ quan, đơn vị liên quan đã phối hợp chặt chẽ, kịp thời chỉ đạo triển khai quyết liệt và tích cực công tác khắc phục hậu quả; tổ chức điều hành vận tải đường sắt không bị gián đoạn, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến chủ hàng và hành khách đi tàu; bảo đảm vận tải và an toàn giao thông đường thủy.
Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đề xuất phương án khôi phục cầu Đồng Nai lớn và đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương đầu tư theo lệnh khẩn cấp, bố trí kinh phí từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2016. Hiện nay công tác khôi phục cầu Đồng Nai lớn đang được thực hiện với quyết tâm và trách nhiệm cao của các cơ quan, đơn vị liên quan. Bộ Giao thông vận tải, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã huy động các đơn vị chủ lực của ngành thường trực tại hiện trường, thực hiện cơ chế phối hợp tại chỗ, liên tục, vừa thiết kế, vừa thi công, giám sát…, cùng với sự phối hợp chặt chẽ của tỉnh Đồng Nai, đến nay, đã hoàn thành một số công việc như: trục vớt các nhịp cầu bị sập, đầu kéo và sà lan; di dời các công trình hạ tầng, rà phá bom mìn; bố trí nhân lực, máy móc, thiết bị, vật tư, vật liệu… sẵn sàng cho công tác khôi phục cầu. Đây là bài học kinh nghiệm tốt về phương thức phối hợp và sự quyết tâm trong chỉ đạo khắc phục khẩn cấp một sự cố lớn về hạ tầng giao thông. Thay mặt Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng biểu dương những nỗ lực của Bộ Giao thông vận tải, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và các cơ quan, đơn vị liên quan trong quá trình khắc phục sự cố thời gian qua; đánh giá cao ý thức trách nhiệm của người dân đã phát hiện, nhanh chóng thông báo và nhân viên đường sắt đã kịp thời dừng tàu, tránh thiệt hại lớn về người và tài sản của Nhà nước và nhân dân.
Để sớm thông tuyến đường sắt Hà Nội – Thành phố Hồ Chí Minh, bảo đảm an toàn giao thông đường sắt, đường thủy, đường bộ, yêu cầu các cơ quan, đơn vị khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ sau đây:
1. Về công tác tổ chức vận tải: Tổng công ty Đường sắt Việt Nam bố trí phương án tổ chức chạy tàu, phối hợp điều chỉnh các phương thức vận tải đồng bộ, hợp lý, bảo đảm thuận lợi nhất cho hành khách và chủ hàng, Ủy ban nhân dân các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp, hỗ trợ Bộ Giao thông vận tải và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam trong công tác tổ chức vận tải, trung chuyển hành khách và hàng hóa.
2. Về công tác khôi phục cầu Đồng Nai lớn:
– Bộ Giao thông vận tải, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tiến hành giao ban, kiểm tra thường xuyên, kịp thời đánh giá để đề ra và thực hiện các biện pháp tối ưu nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án; tiếp tục chỉ đạo quyết liệt các đơn vị tư vấn, các nhà thầu thi công tích cực hơn nữa, phấn đấu hoàn thành khôi phục khẩn cấp cầu Đồng Nai lớn vượt tiến độ, bảo đảm chất lượng công trình, tuyệt đối an toàn về giao thông và an toàn lao động, vệ sinh môi trường trong quá trình thi công.
– Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai khẩn trương chỉ đạo thực hiện và hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, đáp ứng kịp thời tiến độ dự án; chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với Bộ Giao thông vận tải có phương án bảo đảm tuyệt đối an toàn giao thông đường thủy trong quá trình thi công.
3. Về bảo đảm an toàn giao thông đường sắt; rà soát các cầu trên các tuyến đường sắt:
– Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam khẩn trương rà soát các cầu trên các tuyến đường sắt, đặc biệt là tuyến đường sắt Hà Nội – Thành phố Hồ Chí Minh để có phương án phân kỳ đầu tư cải tạo, nâng cấp nhằm xóa bỏ các cầu yếu; trước mắt, rút kinh nghiệm từ công tác khắc phục sự cố nêu trên, ưu tiên triển khai ngay việc cải tạo, nâng cấp một số cầu yếu có nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả. Phấn đấu trước năm 2020, xóa bỏ hoàn toàn cầu yếu trên tuyến đường sắt Hà Nội – Thành phố Hồ Chí Minh.
– Bộ Giao thông vận tải, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam phối hợp với các địa phương và các cơ quan liên quan khẩn trương triển khai thực hiện kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường sắt, tập trung xóa bỏ đường ngang dân sinh qua đường sắt và các vị trí thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông đường sắt để bảo đảm an toàn giao thông đường sắt.
– Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có đường sắt đi qua phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam có phương án bảo đảm tuyệt đối an toàn cho các tuyến đường sắt trên địa bàn.
4. Về điều tra xử lý vụ tai nạn giao thông đường thủy: Bộ Công an chỉ đạo cơ quan điều tra các cấp chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng của tỉnh Đồng Nai khẩn trương điều tra, sớm hoàn tất hồ sơ, đưa vụ việc ra xét xử nghiêm theo đúng quy định của pháp luật, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ công trình giao thông, bảo đảm an toàn giao thông đường thủy, đường sắt.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các cơ quan, đơn vị liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận:
– Thủ tướng, các Phó Thủ tướng CP; – Các Bộ: GTVT, KHĐT, TC, XD, CA; – UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ có đường sắt đi qua; – VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTgCP, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: KTTH, NC, V.III, TH; – Lưu: VT, KTN(3). yên |
KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM Nguyễn Cao Lục |
Reviews
There are no reviews yet.