VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
——-————— Số: 53/TB-VPCP
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc ———————– Hà Nội, ngày 27 tháng 01 năm 2014
|
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG TẠI HỘI NGHỊ TỔNG KẾT CÔNG TÁC
DÂN TỘC NĂM 2013 VÀ PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ NĂM 2014
Ngày 15 tháng 01 năm 2014, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác dân tộc năm 2013 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2014. Cùng dự có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử và đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, Công an, Công thương, Y tế, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ban Dân vận Trung ương; lãnh đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh vùng đồng bào dân tộc và miền núi.
Sau khi nghe Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc báo cáo kết quả thực hiện công tác dân tộc năm 2013 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác dân tộc năm 2014, ý kiến phát biểu của lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã kết luận như sau:
I. ĐÁNH GIÁ CHUNG
Vấn đề dân tộc và đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược lâu dài trong sự nghiệp cách mạng nước ta. Trong nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm phát triển vùng dân tộc và miền núi. Ủy ban Dân tộc với chức năng là cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc, đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; cùng các Bộ, ngành tham mưu cho Đảng và Nhà nước xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện nhiều chương trình, chính sách quan trọng. Các chính sách đã phát huy tác dụng và hiệu quả; cùng với đó, một số chính sách được sửa đổi, bổ sung theo hướng thiết thực, phù hợp với đời sống của đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Việc thực hiện tốt các chính sách này đã góp phần làm thay đổi đáng kể bộ mặt vùng dân tộc và miền núi, đời sống vật chất và tinh thần đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng đánh giá cao và biểu dương sự nỗ lực cố gắng và những kết quả đạt được trong lĩnh vực công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc của các cấp, các ngành và các địa phương trong năm 2013 và những năm qua.
Tuy nhiên, vùng dân tộc, miền núi và công tác dân tộc vẫn còn tồn tại một số hạn chế, yếu kém: kinh tế – xã hội vùng dân tộc và miền núi phát triển còn chậm, khoảng cách chênh lệch còn lớn so với các vùng miền khác trong cả nước; kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội còn nhiều bất cập, nhất là hạ tầng giao thông, điện, nước, cơ sở y tế, trường học; đời sống đồng bào dân tộc và miền núi còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn cao; chất lượng giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực đạt thấp; năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ cơ sở, cán bộ người dân tộc thiểu số ở một số địa phương chưa đáp ứng yêu cầu; an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội ở một số nơi còn tiềm ẩn nhân tố mất ổn định.
Những hạn chế, yếu kém nêu trên là do kinh tế vùng dân tộc và miền núi có điểm xuất phát thấp, điều kiện tự nhiên khó khăn, thiên tai xảy ra thường xuyên, nguồn lực đầu tư còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu. Mặt khác, nhận thức về vai trò, vị trí công tác dân tộc, tầm quan trọng của chính sách dân tộc tuy có được nâng lên nhưng chưa tương xứng với yêu cầu; quản lý nhà nước về công tác dân tộc có nơi, có lúc chưa được quan tâm đúng mức; chính sách dân tộc ngoài tính tích cực là cơ bản, còn có mặt hạn chế là tạo ra sự ỷ lại, không khuyến khích được ý chí vươn lên của người dân; một số chính sách thiếu nhất quán, chồng chéo và chậm được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp thực tế; việc tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách về dân tộc và miền núi chưa quyết liệt, hiệu quả chưa cao.
II. NHIỆM VỤ TRONG THỜI GIAN TỚI
Về cơ bản đồng ý với phương hướng, nhiệm vụ của công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc và miền núi mà Ủy ban Dân tộc đã đề ra trong năm 2014. Ủy ban Dân tộc, các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục hạn chế, yếu kém để thực hiện có hiệu quả chính sách dân tộc và miền núi; trong thời gian tới cần tập trung làm tốt các nhiệm vụ sau:
1. Các ngành, các cấp cần tiếp tục quán triệt sâu sắc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc; thực hiện đoàn kết, bình đẳng, tương trợ giúp đỡ nhau của các dân tộc anh em để cùng phát triển; củng cố và tăng cường niềm tin của đồng bào dân tộc với Đảng, nhà nước và tạo sự ổn định chính trị, xã hội. Phải xác định công tác dân tộc là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị; trong đó, các Bộ, ngành và chính quyền địa phương các cấp phải nâng cao trách nhiệm và tăng cường quản lý nhà nước đối với công tác dân tộc; kịp thời rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách dân tộc; thường xuyên kiểm tra, thanh tra việc thực hiện chính sách; nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với công tác dân tộc. Ưu tiên tìm nguồn lực nhằm thực hiện tốt hơn các chính sách đã ban hành; giúp giảm nghèo nhanh và cải thiện đời sống đồng bào dân tộc.
2. Để giải quyết đất sản xuất cho đồng bào, Ủy ban nhân dân các tỉnh phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo các công ty nông, lâm nghiệp hoàn thành việc rà soát hiện trạng và lập quy hoạch sử dụng đất phù hợp phương hướng, nhiệm vụ sản xuất kinh doanh và đảm bảo hiệu quả; phần diện tích đất không có nhu cầu sử dụng hoặc sử dụng không có hiệu quả, được giao lại cho các địa phương sử dụng theo quy hoạch và kế hoạch của địa phương, trong đó ưu tiên giải quyết đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số. Giúp đồng bào tiếp cận vốn và xây dựng các mô hình chăn nuôi đại gia súc. Tiếp tục ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông tại các vùng dân tộc và miền núi, vùng sâu, vùng xa.
3. Các Bộ, ngành phối hợp với các địa phương rà soát lại các chính sách hỗ trợ về nhà ở, điện, nước sinh hoạt, bảo hiểm xã hội, hỗ trợ cho học sinh các trường nội trú, bán trú và các chính sách khác về giáo dục, đào tạo, dạy nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số; kiến nghị sửa đổi, bổ sung phù hợp với tình hình thực tế vùng dân tộc và miền núi. Ngành giáo dục cần nghiên cứu mô hình các trường phổ thông học chung giữa con em các dân tộc trên địa bàn để tạo môi trường giao lưu, đoàn kết, giúp đỡ nhau của các em; đồng thời quan tâm đầu tư ký túc xá cho học sinh dân tộc thiểu số nội trú.
4. Cần nhận thức đúng đắn về khía cạnh xã hội của vấn đề di dân tự do để có giải pháp xử lý tổng thể; trong đó cần làm tốt công tác quy hoạch dân cư, rà soát, sửa đổi các chính sách hỗ trợ, tính toán, phân bổ nguồn lực hỗ trợ đồng bào phát triển sản xuất, cải thiện đời sống, ổn định dân cư. Việc này cần có quy hoạch, kế hoạch cụ thể, triển khai thực hiện theo từng bước vững chắc.
5. Tiếp tục thực hiện có kết quả và hiệu quả cao Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội 4 dân tộc Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao. Đối với một số dân tộc rất ít người khác có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, cần rà soát để lập đề án riêng, có cơ chế, chính sách hỗ trợ đặc thù, giúp đồng bào sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.
6. Quan tâm xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh ở vùng dân tộc, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; tăng cường đoàn kết dân tộc, đảm bảo an ninh, quốc phòng; ngăn chặn âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch.
III. VỀ PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Ủy ban Dân tộc: Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương có vùng đồng bào dân tộc thiểu số rà soát toàn diện các cơ chế, chính sách dân tộc hiện có; đề xuất điều chỉnh, thay thế những chính sách không còn phù hợp, xây dựng cơ chế, chính sách mới nhằm làm tốt hơn công tác dân tộc; xác định rõ đầu mối chủ trì việc tham mưu cho Chính phủ trong xây dựng, sửa đổi và thực hiện chính sách dân tộc; báo cáo để Thủ tướng Chính phủ làm việc với Ủy ban Dân tộc và các Bộ, ngành, địa phương về những nội dung trên và giải quyết các kiến nghị, đề xuất tại Hội nghị này trong quý I năm 2014.
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ trì, phối hợp với Ủy ban Dân tộc tổng hợp nhu cầu và khả năng huy động các nguồn vốn thực hiện chính sách dân tộc, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm bố trí vốn cho các chính sách dân tộc theo kế hoạch được duyệt; ưu tiên bố trí vốn ODA cho vùng dân tộc và miền núi.
3. Các Bộ, ngành liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, phối hợp với Ủy ban Dân tộc rà soát toàn diện các cơ chế, chính sách dân tộc hiện có để đề xuất điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách mới, bảo đảm thiết thực, hiệu quả.
4. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục quan tâm, chỉ đạo, huy động và tăng cường bố trí các nguồn lực, lồng ghép các nguồn vốn của các chương trình, dự án trên địa bàn với chính sách dân tộc, khắc phục việc đầu tư dàn trải. Quan tâm kiện toàn tổ chức bộ máy, bố trí cán bộ hợp lý, nâng cao năng lực cơ quan làm công tác dân tộc. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền để đồng bào có ý thức vươn lên, không ỷ lại, không bị kẻ xấu lôi kéo; nắm chắc tình hình và kịp thời xử lý những vấn đề bức xúc, giải quyết quyền lợi chính đáng của đồng bào.
Văn phòng Chính phủ thông báo để Ủy ban Dân tộc và các Bộ, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương biết, thực hiện./.
Nơi nhận:
– Thủ tướng, các Phó Thủ tướng CP; – Các Bộ, cơ quan: Ủy ban Dân tộc, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động – Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Tài nguyên và Môi trường, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Công nghệ, Công an, Quốc phòng, Nội vụ, Tư pháp, Công Thương, Giao thông vận tải, Xây dựng; – Văn phòng TW Đảng; – Văn phòng Quốc hội; – Văn phòng Chủ tịch nước; – Các Ban: Kinh tế TW, Dân vận TW; – Các Ban CĐ: Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ; – Hội đồng Dân tộc QH, Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính, Ngân sách của QH; – Tỉnh ủy, HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW; – VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, cổng TTĐT, các Vụ: TH, KTTH, TKBT, KTN, KGVX, NC; – Lưu: Văn thư, V.III (3b). |
KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM Nguyễn Văn Tùng |
Reviews
There are no reviews yet.