VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
——————–
Số: 378/TB-VPCP
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
——————
Hà Nội, ngày 12 tháng 11 năm 2012
|
THÔNG BÁO
Kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân
tại Hội nghị giao ban trực tuyến Tăng cường công tác phòng, chống bệnh dịch
năm 2012 và Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh năm 2013
——————
Ngày 20 tháng 10 năm 2012, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì Hội nghị giao ban trực tuyến với các điểm cầu của 63 Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về Tăng cường công tác phòng, chống bệnh dịch năm 2012 và Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh năm 2013 với Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Cùng dự có lãnh đạo các Bộ: Giáo dục và Đào tạo, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế; đại diện các cơ quan trung ương: Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội; đại diện các Bộ: Tài chính, Quốc phòng, Công an, Kế hoạch và Đầu tư, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Khoa học và Công nghệ; đại diện các Đoàn thể: Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Cựu chiến binh, Hội Thầy thuốc trẻ, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân 63 tỉnh, thành phố, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan.
Sau khi nghe báo cáo của Bộ Y tế về công tác phòng, chống dịch bệnh năm 2012 và Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh năm 2013, các ý kiến tham luận của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, đại diện Ủy ban nhân dân các tỉnh: An Giang, Khánh Hòa, Sơn La, Lai Châu và ý kiến của các đại biểu tham dự, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân có kết luận như sau:
Bộ Y tế thời gian qua đã tích cực chỉ đạo thực hiện tốt công tác phòng chống dịch, hạn chế ở mức thấp các trường hợp tử vong. Chính phủ đánh giá cao cố gắng nỗ lực của toàn thể cán bộ, viên chức ngành y tế, nhất là ngành y tế dự phòng.
Trong thời gian tới, Bộ Y tế, các Bộ, ngành và địa phương cần tiếp tục tập trung thực hiện tốt các nội dung sau:
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
a) Chỉ đạo rà soát, đánh giá tình hình dịch bệnh năm 2012, xây dựng và phê duyệt kế hoạch phòng chống dịch bệnh năm 2013, triển khai sớm, tích cực ngay từ đầu năm; trong đó sắp xếp, phân cấp, xác định nhiệm vụ trọng tâm, các khu vực nguy cơ; tập trung cao độ vào các hoạt động phòng chống bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết, cúm và bệnh dại.
b) Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh đánh giá nghiêm túc tình trạng gia cầm nhập khẩu không rõ nguồn gốc, có nguy cơ gây bệnh cúm và mất an toàn thực phẩm được đưa vào 2 thành phố năm 2012, phối hợp với các địa phương liên quan, Bộ Công Thương, Bộ Công an, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Y tế xây dựng Đề án ngăn chặn quyết liệt, hiệu quả việc tiêu thụ gia cầm nhập lậu tại 2 thành phố.
Chỉ đạo các sở, ban, ngành vận dụng và thực hiện các quy định của Chính phủ về chế độ tài chính, chế độ phụ cấp chống dịch được quy định tại Nghị định số 85/2012/NĐ-CP ngày 15 tháng 10 năm 2012, Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg ngày 28 tháng 12 năm 2011 và các quy định khác hiện hành để tạo điều kiện thuận lợi cho các cán bộ y tế thực hiện công tác phòng, chống dịch.
c) Tổ chức các đợt sinh hoạt sâu rộng trong các địa phương, xác định các mặt mạnh, yếu, các hoạt động ưu tiên, các địa bàn trọng điểm để tập trung chỉ đạo, triển khai các hoạt động phòng, chống dịch.
d) Tổ chức tổng kết 25 năm thực hiện chương trình tiêm chủng mở rộng theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
2. Bộ Y tế:
a) Tập trung chỉ đạo quyết liệt các hoạt động phòng, chống dịch bệnh từ trung ương đến địa phương, trong đó tập trung vào 4 bệnh dịch: Tay chân miệng, sốt xuất huyết, cúm và bệnh dại. Tổ chức kiểm tra việc xây dựng và thực hiện kế hoạch phòng, chống dịch năm 2013 của tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong cả nước.
b) Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức đợt tổng kiểm tra trên toàn quốc, phân mức độ nguy cơ của các địa phương trong phòng, chống dịch bệnh; nội dung kiểm tra, đánh giá tập trung vào các hoạt động sau:
– 5 việc cần làm đối với người dân: Rửa tay bằng xà phòng, ăn chín, uống sôi, ngủ màn, diệt loăng quăng;
– 3 công trình vệ sinh tại các hộ gia đình: Nhà tắm, giếng nước, bể nước, nhà vệ sinh;
– 3 sạch đối với trẻ em: Ăn sạch, ở sạch, vui chơi sạch;
Xã nào, huyện nào, tỉnh nào có nguy cơ cao cần được xác định tên rõ ràng và triển khai quyết liệt các giải pháp để giảm nhanh các nguy cơ trong năm 2013.
c) Rà soát thực trạng nhân lực, cơ sở vật chất toàn ngành y tế và đánh giá tình hình dịch bệnh, xem xét trình Chính phủ:
– Đề án tăng cường năng lực hệ thống y tế dự phòng trong đó có nâng cấp Trung tâm Y tế huyện;
Về việc có cần thành lập Ủy ban quốc gia phòng, chống dịch, bệnh hay không, Bộ Y tế cần cân nhắc với Ủy ban quốc gia, Ban Chỉ đạo liên ngành quốc gia phục vụ cho ngành y tế đã được thành lập để đảm bảo hiệu quả thực tế các Ủy ban này.
– Chiến lược quốc gia y tế dự phòng đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
d) Phối hợp với Bộ Tài chính quy định danh mục cụ thể các nội dung hoạt động đặc thù của y tế dự phòng, từ đó rà soát lại các quy định, hướng dẫn chung cho hoạt động y tế dự phòng, xác định cụ thể các nguồn kinh phí, các đơn vị được nhận ngân sách chi cho công tác y tế dự phòng thực hiện Nghị quyết số 18/2008/QH12 của Quốc hội quy định chi ngân sách cho y tế dự phòng.
đ) Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng kế hoạch, các nội dung trọng tâm truyền thông phòng, chống dịch bệnh.
e) Hướng dẫn các địa phương tổ chức tổng kết 25 năm thực hiện chương trình tiêm chủng mở rộng.
3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
a) Phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Công an chỉ đạo và hỗ trợ các địa phương kiểm soát chặt chẽ gia cầm nhập lậu. Đặc biệt, trong tháng 12 năm 2012 chấm dứt tình trạng tiêu thụ gia cầm nhập lậu tại chợ đầu mối Hà Vĩ (Hà Nội).
b) Tổ chức giám sát chặt chẽ tình hình dịch trên đàn gia cầm, thủy cầm, đàn chó để phát hiện sớm, xử lý triệt để ổ dịch cúm gia cầm, dại đồng thời phối hợp với ngành y tế triển khai các biện pháp phòng chống lây truyền sang người.
4. Bộ Giáo dục và Đào tạo:
a) Đầu mối đánh giá thực trạng hoạt động y tế học đường tại các trường học; tổ chức xếp hạng công tác y tế học đường tại các đơn vị giáo dục.
b) Phối hợp với Bộ Y tế xây dựng đề án bố trí cán bộ y tế chuyên trách, bán chuyên trách tại các cơ sở giáo dục.
5. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính:
Phối hợp với Bộ Y tế rà soát lại các định mức chi cho các hoạt động phòng, chống dịch; bổ sung các định mức chi còn chưa được nêu trong các quy định hiện hành; hướng dẫn các địa phương thực hiện chế độ phụ cấp đặc thù trong phòng, chống dịch.
6. Bộ Thông tin và Truyền thông:
Phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền về phòng chống dịch bệnh.
Văn phòng Chính phủ thông báo để Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Bộ Công Thương cùng các Bộ, ngành, cơ quan, địa phương liên quan thực hiện./.
Nơi nhận:
– Thủ tướng, các PTT Chính phủ;
– Ban Tuyên giáo Trung ương;
– Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
– HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
– Văn phòng Trung ương Đảng;
– Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội;
– Các Hội: Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam,
Chữ thập đỏ Việt Nam, Nông dân Việt Nam,
Cựu chiến binh, Thầy thuốc trẻ;
– Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh;
– VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP,
Cổng TTĐT, các Vụ: TH, KTN, KTTH;
– Lưu: Văn thư, KGVX (3b).XH 190
|
KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM
(Đã ký)
Nguyễn Hữu Vũ
|
Reviews
There are no reviews yet.