VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
Số: 229/TB-VPCP |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 28 tháng 8 năm 2008 |
THÔNG BÁO
Ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân tại Hội nghị tổng kết
một năm thực hiện Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg về tín dụng đối với học sinh, sinh viên
Ngày 15 tháng 8 năm 2008, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì Hội nghị tổng kết 01 năm thực hiện Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27 tháng 9 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên. Hội nghị được thực hiện trực tuyến thông qua bốn điểm cầu truyền hình đặt tại các thành phố: Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ và thành phố Hồ Chí Minh. Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các cơ quan liên quan của Đảng, Nhà nước và Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại diện: Bộ Tài chính, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng Chính sách xã hội; đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành phố; Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; lãnh đạo một số trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề, lãnh đạo chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội các tỉnh, thành phố, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, đại diện một số hộ gia đình và học sinh, sinh viên.
Sau khi nghe báo cáo của các Bộ, ngành liên quan và ý kiến của các đại biểu tham dự Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã có ý kiến kết luận như sau:
Qua một năm thực hiện Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Chương trình Tín dụng ưu đãi đối với học sinh, sinh viên đã đạt kết quả tốt. Đó là do quyết tâm, sự chỉ đạo kiên quyết, kịp thời của Chính phủ và tổ chức triển khai nghiêm túc của các Bộ, ngành, của Ngân hàng Chính sách xã hội, của các địa phương và các nhà trường.
Chương trình đã huy động được sự tham gia của các đoàn thể, tổ chức chính trị-xã hội cả trong công tác tuyên truyền, tổ chức thực hiện và kiểm tra, góp phần chuyển tải nhanh chóng nguồn vốn cho vay đến đúng đối tượng thụ hưởng, đồng thời hạn chế những tiêu cực phát sinh trong quá trình thực hiện chương trình này.
Tuy nhiên, trong năm học 2007-2008, quá trình tổ chức thực hiện còn có một số hạn chế, đó là: tại một số địa phương, Ủy ban nhân dân cấp xã đã xác nhận sai đối tượng được vay vốn; một số gia đình và học sinh, sinh viên sử dụng vốn vay sai mục đích; quá trình tổ chức cho vay còn lúng túng, chưa có cơ chế trao đổi thông tin giữa các đơn vị thực hiện chương trình tín dụng học sinh, sinh viên…
Để tiếp tục thực hiện tốt chính sách tín dụng ưu đãi đối với học sinh, sinh viên, yêu cầu các Bộ, ngành, chính quyền địa phương, các trường và Ngân hàng Chính sách xã hội cần tổ chức triển khai tốt một số công việc cụ thể sau:
1. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư cân đối các nguồn vốn để bảo đảm đủ vốn thực hiện chương trình cho vay đối với học sinh, sinh viên theo Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg. Trên cơ sở nguồn vốn đã được cân đối, Ngân hàng Chính sách xã hội phân giao chỉ tiêu nguồn vốn cho vay đến các tỉnh, thành phố và thực hiện giải ngân hợp lý, đảm bảo không có học sinh, sinh viên nào có hoàn cảnh khó khăn, thuộc đối tượng được vay phải bỏ học vì lý do tài chính.
2. Trước ngày 30 tháng 8 năm 2008, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cùng Ngân hàng Chính sách xã hội rà soát kỹ hơn, thống nhất các quy định về đối tượng, tiêu chí cho vay, về mẫu biểu áp dụng, bổ sung hướng dẫn, để thực hiện tốt chương trình tín dụng học sinh, sinh viên trong năm học 2008-2009.
3. Để tiếp tục thực hiện tốt Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg, trong thời gian tới, Ủy ban nhân dân tỉnh cần phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội nắm chắc tình hình thực hiện chính sách này tại địa phương và chỉ đạo 100% các xã đã triển khai thực hiện chương trình cho vay đối với học sinh, sinh viên tổ chức tổng kết 01 năm thực hiện chương trình này, qua tổng kết cần đánh giá những kết quả đã đạt được; đồng thời, nghiêm túc kiểm điểm những mặt còn tồn tại; nhất là đối với các xã cho vay sai đối tượng cần phải kiểm điểm rõ trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân liên quan, đề xuất hình thức xử lý và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30 tháng 9 năm 2008.
4. Tiếp tục đẩy mạnh công tác truyên truyền về Chương trình này, nhất là tại các địa phương; đến trước ngày 31 tháng 8 năm 2008, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam đưa tin ít nhất hai lần trong một ngày, đảm bảo mọi người dân đều có thông tin về Chương trình tín dụng đối với học sinh, sinh viên.
5. Bộ Giáo dục và Đào tạo và Ngân hàng Chính sách xã hội sớm hoàn thành phần mềm quản lý tình hình nợ vay của học sinh, sinh viên đưa vào áp dụng cho năm học mới, tạo điều kiện cho các Bộ, ngành, nhà trường, địa phương có được thông tin về tình hình thực hiện chính sách tín dụng của đơn vị mình.
6. Giao Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Chính sách xã hội nghiên cứu hướng dẫn về việc trả nợ, thời gian trả nợ; đề xuất cơ chế trả nợ đối với các học sinh, sinh viên đã được vay vốn để học nhưng sau khi ra trường đi thực hiện nghĩa vụ quân sự và với những học sinh, sinh viên ra trường đã tìm được việc làm nhưng có thu nhập thấp chưa có điều kiện để trả nợ, đề xuất chế tài xử lý đối với các đơn vị, cá nhân đã thực hiện không đúng chính sách tín dụng đối với học sinh sinh viên.
7. Đồng ý việc chuyển nợ vay theo Quyết định số 107/2006/QĐ-TTg ngày 18 tháng 5 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ để thực hiện thống nhất theo các điều kiện như Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27 tháng 9 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ. Ngân hàng Chính sách xã hội làm việc cụ thể với Bộ Tài chính để thống nhất từ tháng 9 năm 2008 việc chuyển nợ vay nêu trên.
8. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Ngân hàng Chính sách xã hội chỉ đạo các trường hướng dẫn học sinh, sinh viên ký cam kết trả nợ sau khi tốt nghiệp ra trường và xác nhận theo mẫu giấy xác nhận mới đã thống nhất; đồng thời, chỉ đạo cho các trường tổ chức tổng kết 01 năm thực hiện Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ để đánh giá những kết quả đã đạt được, nêu ra những mặt còn hạn chế, bất cập cần khắc phục để thực hiện tốt hơn chính sách tín dụng đối với học sinh, sinh viên.
9. Về nâng mức cho vay đối với học sinh, sinh viên: giao Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Chính sách xã hội nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trước ngày 30 tháng 8 năm 2008.
10. Để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những tồn tại, sai sót trong quá trình tổ chức thực hiện chương trình này trong thời gian tới, các Bộ, ngành liên quan cần tổ chức họp giao ban định kỳ hai tháng một lần, kể từ tháng 10 năm 2008. Các Bộ, ngành, Ngân hàng Chính sách xã hội và các địa phương cần tiếp tục tổ chức kiểm tra đối với các khoản nợ đã giải ngân. Việc kiểm tra cần tiến hành vào tháng 11/2008 (kiểm tra việc giải ngân cho học kỳ I) và tháng 3/2009 (kiểm tra việc giải ngân cho học kỳ II).
11. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phổ biến chính sách tín dụng đối với học sinh, sinh viên theo Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ tới các trường trung học phổ thông và phổ thông cơ sở để các em biết về cơ hội có thể vay vốn ưu đãi để tiếp tục học đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và học nghề khi mình có hoàn cảnh khó khăn.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: – Thủ tướng, các Phó TTg CP; – VPTW, VPQH, VPCTN (để biết); – Các Bộ: TC, LĐ-TB&XH, GD&ĐT, KH&ĐT; – Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; – Ngân hàng Chính sách xã hội; – Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc TW; – UBTW Mặt Trận TQVN (để biết); – Hội Cựu chiến binh VN, Hội NDVN; – TW Hội LH Phụ nữ VN; – TW Đoàn TNCSHCM; – Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam; – VPCP: BTCN, các PCN, các Vụ: TH, QHQT, KGVX, KTN, TTĐT; – Lưu: VT, KTTH (4) M. Cường 105 |
KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆMPHÓ CHỦ NHIỆM
(Đã ký)
Trần Quốc Toản |
Reviews
There are no reviews yet.