VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
——– Số: 209/TB-VPCP
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc —————- Hà Nội, ngày 23 tháng 05 năm 2014
|
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG HOÀNG TRUNG HẢI – TRƯỞNG BAN
CHỈ ĐẠO TẠI PHIÊN HỌP BAN CHỈ ĐẠO NHÀ NƯỚC CÁC CÔNG TRÌNH, DỰ ÁN
TRỌNG ĐIỂM NGÀNH GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Ngày 16 tháng 5 năm 2014, tại Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải – Trưởng Ban Chỉ đạo các công trình, dự án trọng điểm ngành Giao thông vận tải đã chủ trì phiên họp của Ban Chỉ đạo để kiểm điểm tình hình thực hiện các công trình, dự án trọng điểm ngành Giao thông vận tải. Tham dự cuộc họp có các thành viên Ban Chỉ đạo, một số Ban quản lý dự án, các chủ đầu tư công trình, dự án trọng điểm và một số cơ quan, đơn vị có liên quan. Sau khi nghe Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải báo cáo tình hình triển khai các công trình, dự án trọng điểm của ngành, ý kiến phát biểu của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải – Trưởng Ban Chỉ đạo đã kết luận như sau:
I. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN:
Ban Chỉ đạo đánh giá cao những kết quả đạt được đối với các công trình, dự án trọng điểm ngành Giao thông vận tải trong thời gian vừa qua; Sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên của các Thành viên Ban Chỉ đạo và giữa các Chủ đầu tư với các địa phương. Bộ Giao thông vận tải, các Bộ, ngành và địa phương đã có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện các nội dung kết luận tại cuộc họp trước của Ban Chỉ đạo, đã triển khai, tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án trọng điểm ngành Giao thông vận tải, trong đó nhiều công việc cụ thể đã thực hiện có hiệu quả như:
– Công tác rà soát chiến lược, quy hoạch, công tác chuẩn bị đầu tư; công tác đảm bảo tiến độ, kiểm soát chất lượng và giá thành công trình; hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách phục vụ công tác triển khai các công trình, dự án trọng điểm của Ngành.
– Các dự án ngành Giao thông vận tải theo hình thức đầu tư PPP (BOT, BT) đã triển khai mạnh mẽ nhằm giảm áp lực đầu tư từ ngân sách; đã khẩn trương hướng dẫn các vấn đề kỹ thuật liên quan đến chất lượng, êm thuận công trình.
– Các địa phương thực hiện phối hợp tốt với các Chủ đầu tư, kịp thời tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng, đặc biệt là giải quyết các vấn đề liên quan đến xây dựng các khu tái định cư để sớm bàn giao mặt bằng phục vụ thi công.
– Bộ Giao thông vận tải phối hợp với các Bộ, ngành liên quan đã chỉ đạo rất quyết liệt việc thực hiện các công trình, dự án trọng điểm của Ngành đặc biệt là tăng cường công tác chỉ đạo, tập trung thi công các dự án nâng cấp mở rộng quốc lộ 1 và quốc lộ 14 theo Nghị quyết của Đảng và Chính phủ.
Tuy nhiên, công tác triển khai một số công trình, dự án trọng điểm vẫn còn một số tồn tại, vướng mắc. Để khắc phục các tồn tại và thực hiện tốt nhiệm vụ trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo yêu cầu:
II. NHIỆM VỤ CHUNG:
1. Bộ Giao thông vận tải:
– Chỉ đạo các chủ đầu tư, các Ban Quản lý dự án thường xuyên phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong triển khai các dự án, nhất là công tác giải phóng mặt bằng;
– Tăng cường chỉ đạo các chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát nhằm triển khai các dự án đảm bảo chất lượng, tiến độ, nâng cao hiệu quả dự án.
– Tiếp tục kêu gọi, thu hút các nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách tham gia đầu tư các dự án công trình giao thông, xã hội hóa đầu tư các công trình giao thông.
– Từng bước nâng cao chất lượng Chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, Nhà thầu, Tư vấn. Có giải pháp nhằm loại trừ các đơn vị không đủ năng lực tham gia hoạt động xây dựng công trình của ngành Giao thông vận tải.
– Rà soát toàn bộ tiến độ thực hiện các công trình, dự án để có phương án chủ động khi các nhà thầu chậm tiến độ.
2. Bộ Xây dựng:
– Tiếp tục rà soát, cải cách các thủ tục đầu tư xây dựng nhằm tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình đầu tư, rút ngắn thời gian thực hiện dự án, nâng cao hiệu quả công trình.
– Sớm thống nhất các giải pháp tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình thực hiện các dự án ngành giao thông vận tải (về định mức chi phí tư vấn, chi phí quản lý dự án, các quy định khuyến khích áp dụng các giải pháp kỹ thuật tiên tiến, tiết kiệm kinh phí…); báo cáo Thủ tướng Chính phủ các vấn đề vượt thẩm quyền nhằm tháo gỡ kịp thời khó khăn trong quá trình thực hiện.
– Phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải trong quá trình thực hiện “Quy hoạch khu dân cư, đô thị” để đồng bộ trong công tác quản lý quy hoạch, phát huy hiệu quả tuyến đường Hồ Chí Minh, các tuyến đường cao tốc.
3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Tiếp tục chủ trì làm việc với Bộ Giao thông vận tải để giải quyết các thủ tục có liên quan nhằm sớm cấp Giấy chứng nhận đầu tư các dự án đầu tư theo hình thức PPP; Cân đối bố trí đủ vốn đáp ứng tiến độ triển khai các dự án, đặc biệt là vốn đối ứng của các dự án ODA; Phối hợp với các cơ quan liên quan, rà soát, làm rõ một số nội dung của Báo cáo thẩm định về dự án sân bay Long Thành để sớm báo cáo xin chủ trương của Quốc hội.
4. Bộ Tài chính: kịp thời giải quyết các vướng mắc về giải ngân dự án; về công tác tạm ứng hợp đồng theo quy định tại Chỉ thị số 1792/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là đối với các dự án ODA. Đảm bảo thủ tục kiểm soát vốn đúng quy định và chặt chẽ.
5. Bộ Công thương: phối hợp với Bộ Giao thông vận tải trong quá trình thực hiện “Quy hoạch hệ thống cửa hàng xăng dầu dọc tuyến đường Hồ Chí Minh giai đoạn 2 đến năm 2015, định hướng đến năm 2020” để đồng bộ trong công tác quản lý quy hoạch, phát huy hiệu quả tuyến đường Hồ Chí Minh.
6. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp Bộ Giao thông vận tải xem xét, rà soát thủ tục khai thác các mỏ vật liệu bảo đảm phục vụ các công trình, dự án trọng điểm ngành Giao thông vận tải, giải quyết theo thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.
7. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có liên quan, đặc biệt là thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh quan tâm chỉ đạo, hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng các dự án cụ thể đảm bảo đáp ứng tiến độ xây dựng công trình, dự án trọng điểm; Không để xảy ra tình trạng cố tình, không chấp hành chính sách, pháp luật của nhà nước.
– Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có liên quan thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại các văn bản số 115/TB-VPCP ngày 21 tháng 3 năm 2014 và số 168/TB-VPCP ngày 05 tháng 5 năm 2014 của Văn phòng Chính phủ về triển khai thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, đảm bảo an toàn giao thông dự án mở rộng quốc lộ 1 đoạn Hà Nội – Cần Thơ và đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực Tây Nguyên (quốc lộ 14 cũ).
8. Văn phòng Ban Chỉ đạo rà soát, kiện toàn tổ chức Ban Chỉ đạo.
III. NHIỆM VỤ CỤ THỂ:
1. Đối với dự án đường Hồ Chí Minh:
– Bộ Xây dựng và Bộ Công thương cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải trong quá trình thực hiện “Quy hoạch khu dân cư, đô thị” và “Quy hoạch hệ thống cửa hàng xăng dầu dọc tuyến đường Hồ Chí Minh giai đoạn 2 đến năm 2015, định hướng đến năm 2020” để đảm bảo đồng bộ, phát huy hiệu quả tuyến đường Hồ Chí Minh.
– Giao Bộ Giao thông vận tải rà soát kỹ, giải trình rõ ràng phương án sử dụng hiệu quả nguồn vốn dư đầu tư quốc lộ 14; Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính nghiên cứu đề nghị của Bộ Giao thông vận tải, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
2. Dự án đường Láng – Hòa Lạc:
Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội giải quyết dứt điểm các vị trí vướng mặt bằng còn tồn tại (ở Nút giao Hòa Lạc) và tiếp tục bố trí đủ vốn để thi công hoàn thành dự án (nút giao Hòa Lạc; Hệ thống cảnh quan, cây xanh…)
3. Dự án đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình:
– Bộ Giao thông vận tải sớm làm việc, thống nhất với Bộ Xây dựng để xem xét việc áp dụng định mức thi công giếng cát, công tác nghiệm thu và thanh toán.
– Bộ Giao thông vận tải thực hiện điều chỉnh dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 2072/QĐ-TTg ngày 08 tháng 11 năm 2013 về việc tái cơ cấu nguồn vốn đầu tư 05 dự án đường bộ cao tốc của VEC.
4. Dự án đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai:
– Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo VEC tập trung chỉ đạo hoàn thành 4 gói thầu còn lại (A3, A4, A5, A6) để thông xe kỹ thuật vào cuối tháng 6 năm 2014 và thông xe toàn bộ dự án vào tháng 7 năm 2014.
– Ủy ban nhân dân các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai tiếp tục hoàn thành dứt điểm các tồn tại trong công tác giải phóng mặt bằng và các phạm vi mặt bằng giải phóng bổ sung để kịp thời bàn giao cho đơn vị thi công.
5. Dự án đường cao tốc Tp Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây:
– Ủy ban nhân dân Tp. Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Công điện số 1100/CĐ-TTg ngày 31 tháng 7 năm 2013 và Thông báo số 445/TB-VPCP ngày 12 tháng 12 năm 2013.
– Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai hỗ trợ đẩy nhanh thủ tục cấp phép các mỏ vật liệu trên địa bàn phục vụ dự án và giải quyết dứt điểm các vướng mắc về giải phóng mặt bằng trong tháng 6 năm 2014.
6. Dự án đường cao tốc Bến Lức – Long Thành:
Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo VEC tiếp tục đàm phán với Nhà thầu về giá dự thầu gói thầu J2, trường hợp có vướng mắc, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
7. Dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi:
– Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng và các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi tiếp tục đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng còn lại.
– Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để cân đối vốn đối ứng đáp ứng nhu cầu giải phóng mặt bằng phù hợp tiến độ triển khai dự án; Phối hợp với Bộ Tài chính giải quyết các vấn đề liên quan đến tạm ứng vốn xây dựng các khu tái định cư dự án trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
8. Dự án xây dựng đường cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên:
– Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo làm việc với JICA thống nhất các nội dung liên quan đến phát sinh trong quá trình thi công; hoàn chỉnh các thủ tục điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án theo quy định.
– Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, tỉnh Thái Nguyên khẩn trương giải quyết tồn tại công tác giải phóng mặt bằng, tổ chức vận động nhân dân bàn giao mặt bằng và bảo vệ thi công để Nhà thầu hoàn thiện các công việc còn lại.
9. Dự án đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng:
– Yêu cầu Nhà đầu tư VIDIFI xây dựng phương án tài chính để đảm bảo nguồn vốn đáp ứng tiến độ dự án; Rà soát tiến độ của gói thầu, hạng mục công trình và tiến độ tổng thể của dự án, có phương án chủ động trong trường hợp các Nhà thầu chậm tiến độ; Khẩn trương chỉ đạo các đơn vị thi công hoàn thành dự án đáp ứng tiến độ thông xe toàn tuyến vào cuối năm 2015.
– Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, thành phố Hải Phòng đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng các hạng mục còn lại theo thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại thông báo số 425/TB-VPCP ngày 26 tháng 11 năm 2013 của Văn phòng Chính phủ.
10. Dự án đường cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết:
Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo làm việc với Bitexco và Nhà tài trợ WB để thống nhất tỷ lệ góp vốn của Bitexco và các nội dung điều chỉnh khác theo đề nghị của Nhà tài trợ WB đảm bảo tính khả thi, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
11. Dự án xây dựng cầu Nhật Tân:
– Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chức năng của Thành phố hoàn thành dứt điểm các vướng mắc giải phóng mặt bằng trên phạm vi gói thầu số 2 để dự án thực hiện theo đúng tiến độ.
– Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để cân đối vốn đối ứng đáp ứng tiến độ hoàn thành dự án vào tháng 10 năm 2014.
12. Dự án xây dựng đường nối từ sân bay Nội Bài đến cầu Nhật Tân:
Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chỉ đạo Ủy ban nhân dân huyện Sóc Sơn tiếp tục phối hợp và hỗ trợ hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng 05 hộ đất ở bị cắt xén còn lại, đảm bảo hoàn thành dự án vào tháng 10 năm 2014.
13. Dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1 từ Hà Nội – Cần Thơ và đường Hồ Chí Minh qua khu vực Tây Nguyên:
– Bộ Giao thông vận tải đẩy nhanh thủ tục phê duyệt đối với 02 dự án còn chưa khởi công.
– Ủy ban nhân dân các tỉnh có dự án đi qua có biện pháp bảo vệ thi công đối với những địa phương đã bàn giao mặt bằng nhưng dân cản trở thi công (như tại xã Phan Rí Thành, thị trấn Chợ Lầu, huyện Tuy Phong tỉnh Bình Thuận); Tổ chức họp với các địa phương (các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên) để hoàn thành bàn giao mặt bằng trong tháng 5 năm 2014.
– Ủy ban nhân dân các tỉnh có nhu cầu tạm ứng hỗ trợ kinh phí tái định cư triển khai lập dự toán phần chênh lệch kinh phí cần hỗ trợ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 523/TTg-KTTH ngày 21 tháng 4 năm 2014.
– Ủy ban nhân dân các tỉnh chỉ đạo các doanh nghiệp khai thác các mỏ vật liệu trên địa bàn tăng cường thiết bị, công nghệ đáp ứng đủ sản lượng cung cấp cho thi công quốc lộ 1, quốc lộ 14; Trường hợp các doanh nghiệp địa phương không đáp ứng đủ sản lượng thì xem xét cho phép các nhà thầu thi công quốc lộ 1 và quốc lộ 14 đưa thiết bị, công nghệ vào khai thác hoặc cấp tạm các mỏ mới để có đủ nguồn cung cấp vật liệu đảm bảo tiến độ dự án, đặc biệt là trên địa bàn các tỉnh Đắk Nông và Bình Phước.
14. Dự án đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, tuyến số 1, Bến Thành – Suối Tiên:
– Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ liên quan, xem xét quyết định đầu tư nhà ga trung tâm Bến Thành theo thẩm quyền, đúng quy định pháp luật.
– Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan giải quyết dứt điểm các vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng trên địa bàn quận Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh và huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương để sớm bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công, bảo đảm tiến độ thực hiện Dự án.
15. Dự án đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, tuyến số 2, Bến Thành – Tham Lương:
Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo chủ đầu tư tập trung hoàn thành các thủ tục liên quan để sớm khởi công Dự án theo đúng tiến độ; lưu ý làm việc với các nhà tài trợ để bổ sung nguồn vốn vay ODA cho phần vốn dự kiến tăng thêm của Dự án.
16. Dự án đường sắt Yên Viên – Phả Lại – Hạ Long – Cái Lân:
Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính bố trí nguồn vốn để tiếp tục thực hiện và hoàn thành Dự án theo Quyết định số 318/QĐ-TTg ngày 04 tháng 3 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ.
17. Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông:
– Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng đáp ứng tiến độ thực hiện Dự án.
– Đồng ý về nguyên tắc việc nghiên cứu rà soát điều chỉnh Dự án. Bộ Giao thông vận tải tổ chức thẩm định, quyết định và chịu trách nhiệm về việc điều chỉnh Dự án theo ý kiến đã chỉ đạo tại văn bản số 2650/VPCP-KTN ngày 17 tháng 4 năm 2014.
18. Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Nhổn – ga Hà Nội:
– Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng đáp ứng tiến độ thực hiện Dự án.
– Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội sớm phê duyệt tổng tiến độ thực hiện Dự án; chỉ đạo chủ đầu tư khẩn trương làm việc với nhà tài trợ để hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu, đồng thời đẩy nhanh tiến độ thi công các gói thầu đã được ký kết hợp đồng. Đối với các nhà thầu thi công yếu, cần thay thế ngay bởi nhà thầu khác có đầy đủ năng lực đáp ứng yêu cầu để bảo đảm chất lượng, tiến độ công trình.
19. Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 1, Yên Viên – Ngọc Hồi:
– Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cân đối vốn đối ứng phục vụ công tác giải phóng mặt bằng đáp ứng tiến độ Dự án.
– Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đẩy nhanh công tác phê duyệt quy hoạch chi tiết tổ hợp Ngọc Hồi, phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng ga Hà Nội và các ga đô thị trên tuyến để triển khai các bước tiếp theo của Dự án. Đồng thời khẩn trương phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải về vị trí cầu đường sắt vượt sông Hồng theo ý kiến đã chỉ đạo tại văn bản số 633/VPCP-KTN ngày 24 tháng 01 năm 2014.
20. Dự án luồng cho tàu biển có tải trọng lớn vào sông Hậu:
– Phối hợp với EVN đẩy nhanh việc thực hiện gói thầu 10B để hoàn thành đồng bộ Dự án.
– Ủy ban nhân dân Tỉnh Trà Vinh chỉ đạo chấm dứt việc khai thác cát để hoàn trả mặt bằng cho Dự án; đồng thời chỉ đạo các đơn vị liên quan của địa phương tập trung quyết liệt đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng để bàn giao cho Dự án với các mốc tiến độ như sau: Hoàn thành và bàn giao mặt bằng các gói thầu 6B, 10B, 9 trước ngày 15 tháng 6 năm 2014; Gói thầu 11 trước ngày 30 tháng 6 năm 2014; Mặt bằng còn lại trong năm 2014.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các thành viên Ban Chỉ đạo, các Bộ, địa phương và các cơ quan liên quan biết, triển khai thực hiện./.
Nơi nhận:
– Thủ tướng, các Phó Thủ tướng; – Các thành viên Ban Chỉ đạo; – Văn phòng Ban Chỉ đạo; – Các Bộ: GTVT, KH&ĐT, TC, XD, CT, TN&MT; – UBND các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc; Yên Bái, Phú Thọ, Lào Cai, Thanh Hóa, Nghệ An; Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, TT Huế, Đà Nẵng; Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên; Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai; Bình Dương, Long An, Cần Thơ, Hậu Giang, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước; – Ngân hàng Phát triển Việt Nam; – Các Tổng công ty: Hàng hải VN, Đường sắt VN, PT hạ tầng và ĐT tài chính VN, Cảng hàng không VN, ĐTPT đường cao tốc VN; – VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: KTTH, TH, V.III, QHQT, TKBT; – Lưu: VT, KTN (3). |
KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM Nguyễn Cao Lục |
Reviews
There are no reviews yet.