VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
Số: 169/TB-VPCP |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 07 tháng 9 năm 2007 |
THÔNG BÁO
Kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại buổi làm việc
với Học viện Chính trị – Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh
Ngày 24 tháng 8 năm 2007, tại Học viện Chính trị – Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã làm việc với lãnh đạo Học viện về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và phương hướng phát triển của Học viện sau khi hợp nhất Học viện Hành chính quốc gia, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh thành Học viện Chính trị – Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh. Tham dự buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ có: Giám đốc, các Phó Giám đốc Học viện Chính trị – Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh và đại diện lãnh đạo Bộ Nội vụ, Văn phòng Chính phủ. Sau khi nghe báo cáo của Giám đốc, các Phó Giám đốc Học viện Chính trị – Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, ý kiến phát biểu của đại diện lãnh đạo Bộ Nội vụ, Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã kết luận như sau:
1. Việc hợp nhất Học viện Hành chính quốc gia, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh thành Học viện Chính trị – Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh theo Quyết định số 60-QĐ/TW ngày 07 tháng 5 năm 2007 của Bộ Chính trị là để thực hiện chủ trương của Đảng về việc thống nhất gắn đào tạo lý luận chính trị với đào tạo kiến thức quản lý nhà nước cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị, nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả đào tạo; khắc phục sự trùng lắp về nội dung và chương trình đào tạo, gắn kết liên thông trong nội dung, chương trình đào tạo; phát huy sức mạnh của đội ngũ cán bộ khoa học của hai Học viện trước đây.
Hoan nghênh Học viện đã chấp hành nghiêm túc Quyết định của Bộ Chính trị về hợp nhất hai Học viện và khẩn trương xây dựng đề án về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Học viện Chính trị – Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh.
2. Với vị trí là cơ quan trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng, cơ quan sự nghiệp thuộc Chính phủ, Học viện Chính trị – Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh có hai chức năng chính: thứ nhất, tập trung trọng tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt trung cấp, cao cấp của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị – xã hội và các doanh nghiệp lớn; đào tạo, bồi dưỡng theo chức danh, theo đối tượng cán bộ lãnh đạo, quản lý là một nhiệm vụ quan trọng. Đào tạo cử nhân hạn chế ở mức độ cần thiết; thứ hai, nghiên cứu khoa học lý luận Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các khoa học chính trị và khoa học hành chính.
Học viện cần tập trung đào tạo, bồi dưỡng một đội ngũ cán bộ – giảng viên của Học viện có trình độ lý luận, khoa học cao, am hiểu thực tiễn, nắm chắc quan điểm, đường lối của Đảng, pháp luật và chính sách của Nhà nước, đổi mới phương pháp đào tạo để nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Cần có sự phân cấp đào tạo, bồi dưỡng hợp lý giữa trung tâm Học viện với các học viện khu vực, phù hợp với hệ thống đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức của cả nước.
3. Học viện Chính trị – Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương Đảng, Bộ Nội vụ, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đề án về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Học viện, trình Bộ Chính trị quyết định; trên cơ sở đó, soạn thảo dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Học viện để trình Chính phủ ban hành.
4. Về các kiến nghị của Học viện Chính trị – Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh:
a) Đồng ý về nguyên tắc với đề nghị của Học viện về việc học viện trực thuộc và những viện chuyên ngành của Học viện có đủ điều kiện được đào tạo sau đại học theo quy định chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Giám đốc Học viện Chính trị – Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh được cấp bằng tiến sĩ các chuyên ngành được Thủ tướng Chính phủ giao Học viện đào tạo; Học viện làm việc cụ thể vớiBộ Giáo dục và Đào tạo để thực hiện;
b) Đồng ý việc Học viện mời các cán bộ cao cấp, các chuyên gia có đủ điều kiện trong các cơ quan nhà nước, các cơ quan và đơn vị khác làm giảng viên kiêm chức tham gia giảng dạy các chương trình đào tạo, bồi dưỡng của Học viện;
c) Học viện làm việc với Hội đồng lý luận Trung ương và Bộ Khoa học và Công nghệ để đăng ký các chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học phù hợp với các nội dung chuyên sâu của Học viện;
d) Đồng ý với kiến nghị của Học viện về việc xây dựng đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác giảng dạy, nghiên cứu tại Học viện; đồng ý cho các giảng viên dạy hệ đào tạo cao cấp lý luận chính trị – hành chính được hưởng phụ cấp (45% lương chính) như giảng viên giảng dạy môn Mác – Lênin trong các trường đại học;
đ) Học viện Chính trị – Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh làm việc với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan về việc điều chỉnh kinh phí đào tạo đối với lưu học sinh của các nước bạn học tại Học viện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ;
e) Về đầu tư xây dựng cơ sở vật chất: Học viện Chính trị – Hành chính quốc gia Hồ chí Minh lập quy hoạch tổng thể và các dự án cụ thể về xây dựng các cơ sở của Học viện tại thành phố Hà Nội và tại các địa phương khác để trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật; làm việc với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc bố trí kinh phí cho Học viện để thực hiện các dự án nêu trên sau khi được phê duyệt.
Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương liên quan có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để sớm xây dựng các công trình của Học viện.
Văn phòng Chính phủ thông báo để Học viện Chính trị – Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh và các Bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: – Ban Bí thư Trung ương Đảng; – Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ; – Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; – Tỉnh ủy, Thành ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; – Văn phòng Quốc hội; – Văn phòng Chủ tịch nước; – Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng; – VPCP: BTCN, các PCN, Website Chính phủ, các Vụ: KG, VX, TH, CN, NN, ĐP, XDPL, V.IV, TTBC; – Lưu: Văn thư, TCCB (05). Hoà 280b. |
KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM PHÓ CHỦ NHIỆM
(Đã ký)
Trần Quốc Toản |
Reviews
There are no reviews yet.