THÔNG BÁO
CỦA VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ SỐ 158/TB NGÀY 29 THÁNG 12 NĂM 1997
VỀ KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG VỀ
CÁC GIẢI PHÁP CHỐNG BUÔN LẬU Ở BIÊN GIỚI TÂY NAM
Ngày 23 tháng 12 năm 1997, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì cuộc hợp với Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại Trung ương (Ban 853) và đại diện lãnh đạo Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, Uỷ ban nhân dân các tỉnh biên giới Tây Nam để bàn về các giải pháp đấu tranh với tình hình buôn lậu hiện nay tại các địa phương nói trên. Sau khi nghe báo cáo của Trưởng Ban Chỉ đạo 853, ý kiến phát biểu của các đồng chí dự họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kết luận như sau:
1. Qua hai tháng triển khai thực hiện Chỉ thị 853/1997/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tình hình buôn lậu qua biên giới nói chung cũng như ở biên giới Tây Nam và thành phố Hồ Chí Minh có chững lại, cuộc đấu tranh chống buôn lậu bước đầu có kết quả. Tuy nhiên, thời gian gần đây, trên tuyến biên giới Tây Nam tình trạng buôn lậu vẫn diễn biến phức tạp với các phương thức và thủ đoạn tinh vi hơn. Lực lượng chức năng và chính quyền các địa phương cần tiếp tục tập trung chỉ đạo một cách kiên quyết, kiên trì không để buôn lậu gia tăng trở lại.
2. Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về chống buôn lậu và gian lận thương mại, yêu cầu các Bộ, ngành chức năng và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố thực hiện ngay những việc sau:
– Tiếp tục quán triệt trong Đảng bộ và nhân dân về tác hại nghiêm trọng của nạn buôn lậu đối với nền kinh tế, đặc biệt là trong bối cảnh có cuộc khủng hoảng tài chính – tiền tệ ở các nước trong khu vực đang tác động mạnh vào nước ta. Để chống buôn lậu phải sử dụng nhiều biện pháp đồng bộ, trong đó phát triển sản xuất trong nước là biện pháp cơ bản, lâu dài mang tính quyết định. Trong đấu trang chống buôn lậu, phải làm kiên quyết, triệt để, nhưng không được gây phiền hà, sách nhiễu làm cản trở việc lưu thông hàng hoá trên thị trường, ảnh hưởng đến sinh hoạt, đời sống và sản xuất kinh doanh hợp pháp của nhân dân.
– Về địa bàn, đối tượng: Tập trung vào tuyến biên giới, cửa khẩu, cảng biển; đối tượng chính cần phải điều tra, phát hiện để xử lý là bọn đầu nậu, chủ chứa, các đường dây buôn lậu lớn.
– Các doanh nghiệp nhà nước phải tự giác, gương mẫu và cơ quan chủ quản phải giám sát kiểm tra không để xảy ra buôn lậu, gian lận thương mại dưới mọi hình thức ở cơ quan, đơn vị mình.
– Các lực lượng chức năng phải thường xuyên phối hợp chặt chẽ với nhau và có sự phân công trách nhiệm cụ thể trên từng tuyến: Hải quan, Bộ đội biên phòng cùng chính quyền địa phương giữ vai trò chính ở tuyến biên giới và trên biển; Quản lý thị trường chịu trách nhiệm chủ yếu trong nội địa; lực lượng Công an tập trung điều tra, phát hiện, đấu tranh với các ổ nhóm, đầu nậu và đường dây buôn lậu lớn.
Ban Chỉ đạo chống buôn lậu các tỉnh, thành phố cần tăng cường hoạt động, có biện pháp chỉ đạo kịp thời, sát hợp với diễn biến tình hình trên địa bàn.
3. Các giải pháp cụ thể:
– Tiếp tục cuộc đấu tranh chống buôn lậu một cách kiên quyết và thường xuyên, nhưng không triển khai kiểm tra, kiểm soát hàng hoá trong dân một cách ồ ạt, tràn lan và phải tập trung vào những cơ sở kinh doanh hàng ngoại với số lượng lớn.
– Đối với các loại rượu, xe đạp và quạt điện ngoại nhập lậu, không có tem thì kiên quyết tịch thu.
– Việc bán hàng nhập lậu tịch thu phải thực hiện theo đúng nguyên tắc về bán đấu giá tại Quyết định số 100/TC/QLCS ngày 23/1/1997 của Bộ Tài chính. Hàng nhập lậu do các xã tịch thu được phải đưa về huyện bán, trường hợp các xã xa trung tâm huyện, hoặc là hàng nông sản, hàng hoá khác có giá trị nhỏ thì Uỷ ban nhân dân tỉnh hướng dẫn cụ thể cho xã bán nhưng phải đảm bảo các nguyên tắc bán đấu giá và quản lý sử dụng số tiền bán hàng này theo quy định hiện hành.
– Số tiền thu được từ chống buôn lậu do các lực lượng chống buôn lậu các cấp phát hiện, bắt giữ, sau khi trừ chi phí, số còn lại được dùng 30% để cấp cho đơn vị bắt giữ và do thủ trưởng đơn vị đó quyết định chi thưởng cho các tổ chức, cá nhân có thành tích chống buôn lậu và chi bổ sung kinh phí phục vụ công tác chống buôn lậu…; 70% để lại cho địa phương, được nộp vào ngân sách tỉnh (nếu do lực lượng chống buôn lậu của tỉnh, thành phố, Trung ương phát hiện, bắt giữ, xử lý). Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định sử dụng số tiền này. Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể việc chi tiêu trên. Riêng số tiền do bán hàng lậu thu được do các lực lượng chống buôn lậu của huyện, xã phát hiện bắt giữ thì 70% này hoàn toàn để lại cho huyện và xã sử dụng vào các mục đích phúc lợi xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng của địa phương.
– Trước mắt không chủ trương tiến hành kiểm tra đồng loạt xe máy đang lưu hành trong dân. Uỷ ban nhân dân các tỉnh chỉ đạo kiểm tra tại các cửa hàng, các kho chứa, nếu phát hiện xe máy nhập lậu thì phải xử lý tịch thu. Số xe máy nhập lậu bị bắt quả tang và số xem máy có nguồn gốc nhập lậu do chủ phương tiện đang sử dụng có vi phạm hành chính cũng cương quyết tịch thu. Không cho đăng ký sử dụng số xe máy chưa đóng đủ các loại thuế.
4. Về các đề nghị của địa phương:
– Sau khi sơ kết rút kinh nghiệm việc dán tem 3 mặt hàng, sẽ triển khai tiếp đối với một số mặt hàng trọng điểm (hàng điện tử, điện lạnh, vật liệu xây dựng…).
– Các mặt hàng ngoại nhập khác chưa có chủ trương dán tem thì cần tập trung kiểm tra xử lý đối với các chủ chứa, đầu nậu, phát hiện là hàng lậu phải tịch thu, nếu nghiêm trọng thì chuyển cho cơ quan pháp luật xử lý.
– Đối với các trạm kiểm soát liên ngành, Thủ tướng đã có quyết định bãi bỏ, nay không lập lại nữa.
– Các loại hàng hoá nhập lậu, kể cả ô tô, xe máy đã có quyết định tịch thu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, sau khi bán đấu giá thì thuộc loại hàng hoá nhập khẩu hợp pháp, được dán tem, người mua được quyền đăng ký để sử dụng lưu hành.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ, ngành và địa phương biết, thực hiện.
Reviews
There are no reviews yet.