QUYẾT ĐỊNH
CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 93/1998/QĐ-TTG NGÀY 14 THÁNG 5 NĂM 1998 VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY CHẾ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA UỶ BAN QUỐC GIA VỀ THANH NIÊN VIỆT NAM
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Quyết định số 36/1998/QĐ-TTg ngày 13 tháng 2 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Uỷ ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam;
Xét đề nghị của Bộ trưởng, Trưởng ban Tổ chức – Cán bộ Chính phủ và Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.- Phê duyệt Quy chế hoạt động của Uỷ ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam (kèm theo Quyết định này).
Điều 2.- Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.
Điều 3.- Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam, Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
CHÍNH PHỦ |
CỘNG HOÀ Xà HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
|
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc |
QUY CHẾ
TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA UỶ BAN QUỐC GIA VỀ
THANH NIÊN VIỆT NAM
(Kèm theo Quyết định số 93/1998/QĐ-TTg ngày 14 tháng 5 năm 1998
của Thủ tướng Chính phủ)
Điều 1.- Uỷ ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam (sau đây gọi tắt là Uỷ ban Thanh niên) là cơ quan giúp Thủ tướng Chính phủ trong việc xây dựng và tổ chức phối hợp thực hiện những chính sách, những vấn đề quan trọng liên ngành về thanh niên.
Các thành viên của Uỷ ban Thanh niên là đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan, đoàn thể được cử theo cơ cấu quy định tại Điều 3, Quyết định số 36/1998/QĐ-TTg ngày 13 tháng 02 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ và hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm.
Điều 2.- Uỷ ban Thanh niên có nhiệm vụ:
1. Đề xuất và kiến nghị với các cơ quan nhà nước trong việc soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật và các chính sách về thanh niên.
– Phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng chiến lược quốc gia về phát triển thanh niên đến năm 2020 và chủ trì việc tổ chức, kiểm tra quá trình thực hiện chiến lược quốc gia sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
– Xây dựng chương trình kế hoạch công tác hàng năm gắn với nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của nhà nước.
– Tổng hợp tình hình về thanh niên, dự báo xu hướng phát triển và đề xuất những giải pháp có tính khả thi trong việc bồi dưỡng đào tạo và sử dụng thanh niên.
2. Tổ chức việc phối hợp với các cơ quan liên quan để hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế trong việc thực hiện các quy định của pháp luật và chính sách đối với thanh niên.
– Định kỳ báo cáo tình hình và đề xuất với Thủ tướng Chính phủ các biện pháp để phát triển và hướng các phong trào thanh niên tham gia có hiệu quả vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
– Phối hợp với các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, lực lượng vũ trang, đơn vị kinh tế tổ chức các hoạt động nhằm tạo điều kiện và môi trường để thanh niên cống hiến và trưởng thành.
3. Thực hiện các hoạt động đối ngoại về mặt Nhà nước trong lĩnh vực thanh niên theo quy định.
– Xây dựng kế hoạch chung về hoạt động quốc tế của các tổ chức thanh niên trong nước nhằm mở rộng quan hệ với các tổ chức quốc tế về thanh niên theo đúng đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Đề xuất các hình thức hợp tác của Nhà nước về lĩnh vực công tác thanh niên.
Điều 3.- Uỷ ban Thanh niên tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, quyết định theo đa số. Các ý kiến khác với quyết định của tập thể Uỷ ban được báo cáo để Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Hiệu quả hoạt động của Uỷ ban Thanh niên được bảo đảm thông qua kết quả hoạt động của tập thể Uỷ ban và của từng thành viên trong Uỷ ban.
Điều 4.- Chủ nhiệm Uỷ ban là người đứng đầu Uỷ ban Thanh niên có nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
– Chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về toàn bộ hoạt động của Uỷ ban Thanh niên.
– Chỉ đạo, điều hành các mặt công tác, công việc thường xuyên của Uỷ ban Thanh niên; quyết định các chương trình công tác của Uỷ ban Thanh niên.
– Phân công nhiệm vụ, kiểm tra, đôn đốc các thành viên Uỷ ban Thanh niên thực hiện nhiệm vụ; điều hành công việc hàng ngày của bộ phận giúp việc để điều hoà, phối hợp hoạt động giữa các thành viên Uỷ ban Thanh niên.
– Triệu tập và chủ trì các phiên họp của Uỷ ban Thanh niên và của Thường trực Uỷ ban Thanh niên.
– Tham gia các cuộc họp của Chính phủ bàn về các vấn đề liên quan đến thanh niên. Đại diện cho Uỷ ban Thanh niên trong quan hệ đối ngoại, quan hệ với cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang.
– Quyết định việc sử dụng kinh phí hoạt động của Uỷ ban Thanh niên.
– Báo cáo hoạt động của Uỷ ban Thanh niên với Thủ tướng Chính phủ.
Điều 5.- Phó chủ nhiệm Uỷ ban Thanh niên:
– Các Phó chủ nhiệm Uỷ ban chịu trách nhiệm về các nội dung, lĩnh vực công việc được phân công phụ trách.
– Thay mặt Chủ nhiệm Uỷ ban chủ trì các phiên họp của Uỷ ban khi được uỷ quyền.
Điều 6.- Uỷ viên Uỷ ban Thanh niên có trách nhiệm và quyền hạn:
– Thực hiện nhiệm vụ do Chủ nhiệm Uỷ ban phân công.
– Tham gia xây dựng các chương trình, kế hoạch công tác của Uỷ ban Thanh niên, đề xuất, kiến nghị các chủ trương, chính sách đối với công tác thanh niên.
– Căn cứ vào chương trình công tác của Uỷ ban Thanh niên, các Uỷ viên Uỷ ban có trách nhiệm tham gia xây dựng kế hoạch triển khai và tổ chức thực hiện gắn với chương trình công tác của Bộ, ban ngành, đoàn thể mình và thường xuyên báo cáo kết quả hoạt động với Thường trực Uỷ ban.
– Triển khai chương trình công tác của Uỷ ban Thanh niên, tham gia đầy đủ các kỳ họp và các hoạt động của Uỷ ban Thanh niên, duy trì mối liên hệ thường xuyên với Thường trực Uỷ ban.
Điều 7.- Thường trực Uỷ ban Thanh niên:
– Thường trực Uỷ ban Thanh niên gồm Chủ nhiệm, các Phó chủ nhiệm Uỷ ban.
– Thường trực Uỷ ban Thanh niên có nhiệm vụ: dự kiến chương trình công tác hàng năm của Uỷ ban; tổ chức, chỉ đạo việc thực hiện các nội dung công tác của Uỷ ban; điều hành và giải quyết công việc hàng ngày của Uỷ ban; giữ mối liên hệ giữa các thành viên của Uỷ ban.
Điều 8.- Bộ phận giúp việc cho Thường trực Uỷ ban Thanh niên:
– Đồng chí Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh kiêm Chủ nhiệm Uỷ ban Thanh niên có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị của cơ quan Trung ương Đoàn bảo đảm các điều kiện hoạt động của Uỷ ban Thanh niên; phân công một số cán bộ của Văn phòng cơ quan Trung ương Đoàn giúp việc cho Thường trực Uỷ ban theo chế độ kiêm nhiệm.
Điều 9.- Chế độ hội nghị, họp:
– Hội nghị thường kỳ của Uỷ ban Thanh niên được tổ chức hai lần vào giữa năm và cuối năm.
– Họp Thường trực Uỷ ban Thanh niên theo định kỳ hàng tháng.
– Khi cần thiết, Chủ nhiệm Uỷ ban có thể triệu tập các cuộc họp đột xuất của Uỷ ban Thanh niên.
Điều 10.- Chế độ báo cáo, thông tin:
– Các thành viên Uỷ ban Thanh niên có trách nhiệm báo cáo với Uỷ ban Thanh niên bằng văn bản về kết quả công tác được phân công theo định kỳ 6 tháng một lần.
– Các thành viên của Uỷ ban Thanh niên được cung cấp thông tin về các hoạt động của Uỷ ban Thanh niên và các thông tin có liên quan đến công tác của Uỷ ban Thanh niên, các kết quả nghiên cứu và thông tin tham khảo cần thiết trong nước và ngoài nước.
Điều 11.- Kinh phí hoạt động của Uỷ ban Thanh niên do Bộ Tài chính cấp từ ngân sách Nhà nước qua cơ quan Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Chủ nhiệm Uỷ ban Thanh niên chỉ đạo, tổ chức thực hiện kinh phí hoạt động của Uỷ ban Thanh niên theo chế độ quản lý tài chính của Nhà nước.
Điều 12.- Quan hệ với các cơ quan của Chính phủ.
Uỷ ban Thanh niên thường xuyên thông báo kế hoạch hoạt động và có chương trình phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong việc xây dựng và thực hiện các chủ trương, chính sách đào tạo, sử dụng, và đãi ngộ đối với thanh niên gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và chiến lược phát triển của các cơ quan đó.
Điều 13.- Quan hệ với Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh:
Uỷ ban Thanh niên phối hợp chặt chẽ với Ban Thường vụ Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trong việc huy động hệ thống tổ chức của Đoàn thanh niên vào công tác nghiên cứu, đề xuất và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách liên quan đến thanh niên do Chính phủ ban hành; tổng kết các loại hình hoạt động của thanh niên, qua đó đề xuất với Chính phủ những biện pháp hỗ trợ thiết thực để duy trì và phát triển các loại hình hoạt động có ích cho sự phát triển của thanh niên.
Điều 14.- Quan hệ với các tổ chức xã hội:
Uỷ ban Thanh niên phối hợp và cộng tác với các tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế và cá nhân để huy động sự tham gia, đóng góp của toàn xã hội đối với sự nghiệp phát triển thanh niên.
Điều 15.- Quan hệ đối ngoại:
Uỷ ban Thanh niên thực hiện các hoạt động đối ngoại với các tổ chức quốc tế, các tổ chức thuộc Chính phủ, các tổ chức phi Chính phủ nước ngoài, nhằm trao đổi, nghiên cứu, học tập kinh nghiệm về công tác thanh niên, góp phần vào việc mở rộng và tăng cường quan hệ hợp tác theo chính sách đối ngoại của Nhà nước.
Điều 16.- Sửa đổi, bổ sung Quy chế:
Trong quá trình thực hiện, nếu cần sửa đổi, bổ sung Quy chế cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn, Chủ nhiệm Uỷ ban Thanh niên nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Reviews
There are no reviews yet.