CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC SỐ 112-NH/QĐ NGÀY 19-11-1987
VỀ VIỆC BAN HÀNH THỂ LỆ THANH TOÁN BẰNG SÉC NGOẠI TỆ
TỔNG GIÁM ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng Bộ trưởng ngày 4 tháng 7 năm 1981;
Căn cứ Chỉ thị số 291-CT ngày 10-10-1987 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về việc tăng cường và thực hiện những biện pháp quản lý đồng bộ đối với việc sử dụng, chi tiêu ngoại tệ của các cơ quan và người nước ngoài tại nước ta.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này Thể lệ thanh toán bằng Séc ngoại tệ.
Điều 2. Thể lệ thanh toán bằng Séc ngoại tệ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1 tháng 12 năm 1987. Các văn bản quy định về Séc thanh toán bằng ngoại tệ ban hành trước đây đều hết hiệu lực.
Điều 3. Chánh văn phòng Ngân hàng Nhà nước, Vụ trưởng Vụ Kinh tế ngoại tệ, Vụ trưởng Vụ Kế toán tài vụ, Giám đốc Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước và Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Ngoại thương tại các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
THỂ LỆ
THANH TOÁN BẰNG SÉC NGOẠI TỆ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 112-NH/QĐ ngày 19-11-1987
của Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam)
I. QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Các loại Séc ngoại tệ quy định trong Thể lệ này do Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam ấn hành, dùng làm phương tiện chi trả thay thế tiền mặt đồng Việt Nam và ngoại tệ, do các đối tượng sau đây sử dụng để thanh toán tiền hàng hoá và dịch vụ cho các tổ chức, đơn vị kinh doanh Việt Nam trong phạm vi lãnh thổ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam:
– Tất cả các tổ chức, cơ quan nước ngoài thường trú tại Việt Nam và những người nước ngoài làm việc tại các tổ chức, cơ quan đó, có mở tài khoản tiền gửi ngoại tệ thuộc loại Tài khoản không cư trú tại các cơ sở Ngân hàng Ngoại thương Việt nam;
– Những người nước ngoài là chuyên gia hay công nhân kỹ thuật đến làm việc dài hạn hay ngắn hạn tại Việt Nam, thu nhập của họ do tổ chức kinh tế Việt Nam, hay nước ngoài đài thọ, bao gồm những người làm việc tại các xí nghiệp liên doanh Việt Nam với nước ngoài hoặc các xí nghiệp của nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.
– Những người nước ngoài khác đến Việt Nam với nhiều mục đích khác nhau, với thời hạn lưu trú ngắn hay dài hạn tại Việt Nam;
– Việt kiều ở nước ngoài về thăm đất nước hay công tác;
– Những công dân Việt Nam có nguồn ngoại tệ hợp pháp ký gửi tại các cơ sở Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam.
Điều 2. Các loại Séc ấn hành theo Thể lệ này bao gồm:
a) Séc phát hành trong phạm vi số dư tài khoản tiền gửi ngoại tệ Ngân hàng được ghi bằng đôla Mỹ hoặc được ghi bằng Đồng Việt Nam có nguồn gốc từ ngoại tệ tự do chuyển đổi gọi tắt là Đồng A;
b) Séc phát hành trong phạm vi số dư tài khoản tiền gửi bằng đồng Việt Nam gốc ngoại tệ thanh toán phi mậu dịch giữa Việt Nam với các nước xã hội chủ nghĩa, gọi tắt là Đồng B.
c) Séc định mức phát hành trong phạm vi số tiền định mức được ấn định sẵn trên từng quyển séc, ghi bằng đôla Mỹ hoặc bằng Đồng A và Séc định mức ghi bằng Đồng B.
Điều 3. Những người được sử dụng các loại Séc nói ở điều 2, ngoài việc dùng Séc làm phương tiện chi trả tiền hàng hoá hay dịch vụ, có thể ký phát séc để lĩnh ra bằng tiền mặt đồng Việt Nam tại tất cả các cơ sở Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam hay các phòng ngoại hối thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ở các tỉnh, để chi tiêu trên thị trường nội địa Việt Nam theo nhu cầu.
Điều 4. Các loại Séc cần được bảo quản như tiền. Người sử dụng Séc tự chịu mọi thiệt hại do việc làm mất Séc gây nên.
Điều 5. Mọi tổ chức và đơn vị kinh doanh Việt Nam trong cả nước khi tiến hành cung ứng hàng hoá và dịch vụ cho các tổ chức, cơ quan nước ngoài và người nước ngoài, đều phải thu nhận các loại Séc nói ở điều 2 trên đây do khách hàng trả.
– Nếu giá cả hàng hoá hay dịch vụ định bằng đôla Mỹ, thì yêu cầu người mua phát hành Séc ghi bằng đôla Mỹ để thanh toán.
– Nếu giá cả hàng hoá hay dịch vụ bằng đồng Việt Nam thì yêu cầu người mua phát hành Séc ghi bằng đồng Việt Nam, tức bằng Đồng A hay Đồng B để thanh toán.
II. NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 6. Séc phát hành trên cơ sở số dư tài khoản tiền gửi ngoại tệ mở tại các cơ sở Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Séc không định mức), được Ngân hàng nơi mở tài khoản nhượng bán cho chủ tài khoản để sử dụng theo giá bán “ấn chỉ đặc biệt” do Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam ấn định.
Chủ tài khoản tiền gửi ngoại tệ tự do chuyển đổi và tài khoản tiền gửi bằng đồng Việt Nam loại A, được sử dụng loại Séc “Đồng A hoặc ngoại tệ”.
Chủ tài khoản tiền gửi ngoại tệ bằng Đồng Việt Nam loại B, được sử dụng loại Séc “Đồng B”.
Chủ tài khoản chỉ được phép phát hành Séc trong phạm vi số dư tài khoản tiền gửi. Trường hợp phát hành Séc vượt quá số dư, thì chủ tài khoản trả lãi phạt trên số tiền vượt quá số dư, theo mức “lãi suất vượt số dư” (Overdraft) do Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam quy định. Tuy nhiên, nếu trong thời gian 3 tháng liên tục, việc phát hành Séc vượt số dư tài khoản từ 3 lần trở lên, thì Ngân hàng nơi mở tài khoản thu lại sổ Séc đã nhượng bán chưa sử dụng và sẽ chuyển sang áp dụng loại Séc định mức nói ở điều 7 dưới đây đối với chủ tài khoản đó.
Điều 7. Loại Séc định mức được áp dụng đối với những người nước ngoài có nguồn thu ngoại tệ chuyển từ nước ngoài đến hoặc các nguồn thu nhập hợp pháp có nguồn gốc ngoại tệ tại Việt Nam, nhưng không mở tài khoản tiền gửi ngoại tệ, và không được Ngân hàng cho sử dụng loại Séc không định mức nói ở điều 6 trên đây.
Loại Séc định mức cũng áp dụng đối với Việt kiều về nước và các công dân Việt Nam có nguồn thu nhập ngoại tệ hợp pháp.
Để được nhận Séc định mức (quyển Séc gồm nhiều tờ) các đối tượng khách hàng nói trên phải ký gửi vào cơ sở Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam hay Phòng Ngoại hối số ngoại tệ tương đương với số tiền định mức ghi trên tờ đầu của quyền Séc, trong đó:
– Séc định mức ghi bằng đôla Mỹ, khách hàng phải ký gửi bằng đôla Mỹ hoặc bằng các loại ngoại tệ tự do chuyển đổi khác, tính theo tỷ giá chuyển đổi giữa ngoại tệ ấy với đôla Mỹ do Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam công bố.
– Séc định mức ghi bằng Đồng A, khách hàng phải ký gửi bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi tính theo tỷ giá chính thức hiện hành của đồng Việt Nam so với ngoại tệ ấy do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố.
– Séc định mức ghi bằng Đồng B, khách hàng phải ký gửi bằng đồng Việt Nam loại B được áp dụng trong thanh toán về phi mậu dịch giữa Việt Nam với các nước xã hội chủ nghĩa.
Người có Séc định mức chỉ được phát hành Séc trong phạm vi số tiền định mức của quyển Séc.
Điều 8. Số tiền định mức còn lại chưa sử dụng cùng với cuốn Séc và các tờ Séc chưa phát hành, có thể nộp lại Ngân hàng để thoái hối. Ngân hàng thoái hối là cơ sở Ngân hàng nơi cấp cuốn Séc định mức. Trường hợp khách hàng có tiền Séc định mức chưa sử dụng hết, mà phải xuất cảnh khỏi Việt Nam, thì việc thoái hối số tiền còn lại trên quyển séc định mức được giải quyết ngay tại các “Bàn đổi tiền” của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam đặt ở các cửa khẩu liên quan.
Điều 9. Người nhận Séc phải kiểm tra tính hợp lệ của tờ Séc do người phát hành Séc lập. Đối với Séc định mức, trước khi cung ứng hàng hoá và dịch vụ theo nhu cầu của khách hàng, phải yêu cầu họ xuất trình quyển Séc để bảo đảm tiền hàng hoá hay dịch vụ cung ứng, không vượt quá số tiền định mức còn lại của quyển Séc.
Séc hợp lệ là tờ Séc do Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam ấn hành; các yếu tố trên Séc phải ghi đầy đủ, rõ ràng, không sửa chữa, tẩy xoá; số tiền ghi bằng số và bằng chữ phải khớp nhau.
Điều 10. Các đơn vị hưởng séc sau khi thu nhận Séc cần nộp Séc kịp thời vào cơ sở Ngân hàng nơi phục vụ mình để thanh toán.
Cơ sở Ngân hàng phục vụ đơn vị hưởng Séc, sau khi kiểm tra mọi yếu tố trên tờ Séc xem là hợp lệ, thì thanh toán ngay cho đơn vị hưởng Séc:
– Nếu Séc phát hành ghi bằng Đồng A hoặc Đồng B, thì thanh toán cho đơn vị hưởng số tiền Việt Nam ghi trên tờ Séc.
– Nếu Séc phát hành ghi bằng đôla Mỹ thì thanh toán cho đơn vị hưởng số đổi giá tiền Việt Nam của số tiền đôla mỹ ghi trên tờ Séc, theo tỷ giá kết toán nội bộ hiện hành.
Trường hợp đơn vị hưởng Séc có tài khoản ngoại tệ mở tại cơ sở Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam hay phòng ngoại hối thuộc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước các tỉnh, và việc thanh toán Séc cần được xử lý hạch toán vào tài khoản ngoại tệ để được cấp quyền sử dụng ngoại tệ theo chế độ quy định, thì đơn vị hưởng Séc không nộp Séc vào cơ sở Ngân hàng Nhà nước phục vụ mình để thanh toán, mà phải chuyển nộp Séc vào cơ sở Ngân hàng ngoại thương Việt Nam hay phòng ngoại hối nơi phục vụ mở tài khoản ngoại tệ của đơn vị mình để thanh toán Séc.
Điều 11. Tờ Séc được thanh toán cho đơn vị hưởng được dùng làm chứng từ gốc để ghi Nợ tài khoản tiền gửi ngoại tệ hoặc tiền gửi ký quỹ Séc định mức của người phát hành Séc. Nếu Ngân hàng xử lý thanh toán Séc cho đơn vị hưởng không đồng thời là Ngân hàng giữ tài khoản của người phát hành Séc, thì tờ Séc đã được thanh toán cần kèm theo giấy báo nợ vãng lai liên hàng chuyển về Ngân hàng giữ tài khoản.
Điều 12. Giám đốc Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam chịu trách nhiệm hướng dẫn thi hành Thể lệ này.
Reviews
There are no reviews yet.