QUYẾT ĐỊNH
CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG MẠI SỐ 0321/1998/QĐ-BTM NGÀY 14 THÁNG 3 NĂM 1998 VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH CHI TIẾT THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 12/CP NGÀY 18/2/1997 VÀ SỐ 10/1998/NĐ-CP NGÀY 23/1/1998 CỦA CHÍNH PHỦ LIÊN QUAN ĐẾN XUẤT NHẬP KHẨU, TIÊU THỤ SẢN PHẨM TẠI VIỆT NAM VÀ GIA CÔNG CỦA CÁC DOANH NGHIỆP CÓ VỐN ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI VÀ CÁC BÊN HỢP DOANH TRÊN CƠ SỞ HỢP ĐỒNG HỢP TÁC KINH DOANH
BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG MẠI
– Căn cứ Nghị định số 95/CP ngày 04/12/1993 của Chính phủ quy định về chức năng nhiệm vụ quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Thương mại;
– Căn cứ Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam ngày 12/11/1996;
– Căn cứ Nghị định của Chính phủ số 12/CP ngày 18/2/1997 quy định chi tiết thi hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam;
– Căn cứ Nghị định của Chính phủ số 10/1998/NĐ-CP ngày 23/01/1998 về một số biện pháp khuyến khích và bảo đảm hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam;
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Nay ban hành kèm theo Quyết định này:
Quy định chi tiết về việc thực hiện Nghị định số 12/CP ngày 18/2/1997 và số 10/1998/NĐ-CP ngày 23/01/1998 của Chính phủ liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu, tiêu thụ sản phẩm tại Việt Nam và gia công của các Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các bên hợp doanh trên cơ sở hợp đồng hợp tác kinh doanh.
Điều 2: Các cơ quan chức năng của Bộ Thương mại, các cơ quan được Bộ Thương mại uỷ quyền, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các bên hợp doanh trong hợp đồng hợp tác kinh doanh chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Điều 3: Quy định ban hành kèm theo Quyết định này thay thế Thông tư số 03/TM-ĐT ngày 02/07/1993 của Bộ Thương mại.
Điều 4: Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.
QUY ĐỊNH
CHI TIẾT VỀ THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 12/CP NGÀY 18/2/1997 VÀ SỐ 10/1998/NĐ-CP NGÀY 23/01/1998 CỦA CHÍNH PHỦ LIÊN QUAN ĐẾN HOẠT ĐỘNG XUẤT NHẬP KHẨU, TIÊU THỤ SẢN PHẨM TẠI
VIỆT NAM VÀ GIA CÔNG CỦA CÁC DOANH NGHIỆP CÓ VỐN
ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI VÀ CÁC BÊN HỢP DOANH TRÊN
CƠ SỞ HỢP ĐỒNG HỢP TÁC KINH DOANH
(Ban hành theo Quyết định số 0321/1998/QĐ-BTM ngày 14/3/1998
của Bộ trưởng Bộ Thương mại)
Điều 1: Phạm vi và đối tượng áp dụng:
1.1- Bản quy chế này quy định cụ thể nội dung, thủ tục về việc nhập khẩu để xây dựng cơ bản tạo tài sản cố định, nhập khẩu nguyên liệu phục vụ sản xuất, xuất khẩu sản phẩm do doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu sản phẩm không do doanh nghiệp sản xuất, tiêu thụ sản phẩm tại Việt Nam và gia công của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các bên hợp doanh trên cơ sở hợp đồng hợp tác kinh doanh (sau đây gọi là doanh nghiệp).
1.2- Các doanh nghiệp căn cứ vào Bản quy định này lập kế hoạch nhập khẩu, xuất khẩu, tiêu thụ sản phẩm tại Việt Nam theo nhu cầu sản xuất kinh doanh gửi về Bộ Thương mại hoặc các cơ quan được Bộ Thương mại uỷ quyền để được xem xét phê duyệt kế hoạch xuất nhập khẩu tiêu thụ sản phẩm tại Việt Nam và đăng ký thực hiện hợp đồng gia công.
1.3- Các cơ quan chức năng của Bộ Thương mại và các cơ quan được Bộ Thương mại uỷ quyền căn cứ vào quy định của Bản Quy định này để duyệt kế hoạch xuất nhập khẩu, tiêu thụ sản phẩm tại Việt Nam và đăng ký hợp đồng gia công kịp thời cho các doanh nghiệp.
1.4- Kế hoạch xuất nhập khẩu đã được Bộ Thương mại hoặc các cơ quan được Bộ Thương mại uỷ quyền duyệt và hợp đồng gia công đã được Bộ Thương mại hoặc các cơ quan được Bộ Thương mại uỷ quyền đăng ký là cơ sở để doanh nghiệp làm thủ tục tại các cơ quan Hải quan.
Điều 2: Thời hạn xét duyệt kế hoạch xuất khẩu, nhập khẩu, tiêu thụ sản phẩm tại Việt Nam và gia công của các doanh nghiệp.
2.1- Đối với Bộ Thương mại: Chậm nhật là 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ theo quy định, Bộ Thương mại ra văn bản duyệt kế hoạch nhập khẩu, xuất khẩu, tiêu thụ sản phẩm tại Việt Nam của doanh nghiệp (ngày tiếp nhận hồ sơ là ngày ghi trên dấu văn thư của Bộ Thương mại).
2.2- Đối với các cơ quan được Bộ Thương mại uỷ quyền: các cơ quan được Bộ Thương mại uỷ quyền căn cứ vào Quy định này có trách nhiệm xem xét phê duyệt kịp thời kế hoạch nhập khẩu, xuất khẩu, tiêu thụ sản phẩm tại Việt Nam thuộc lĩnh vực được giao quản lý cho các doanh nghiệp nhưng không quá 15 ngày theo quy định của Nghị định 12/CP ngày 18/02/1997 (ngày tiếp nhận hồ sơ là ngày ghi trên dấu văn thư của cơ quan được Bộ Thương mại uỷ quyền).
2.3- Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ: Trong vòng 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Bộ Thương mại hoặc cơ quan được Bộ Thương mại uỷ quyền thông báo trực tiếp hoặc băng văn bản để doanh nghiệp bổ sung, điều chỉnh hồ sơ. Ngày chính thức tiếp nhận hồ sơ đầy đủ và hợp lệ là ngày ghi trên dấu văn thư công văn đến của Bộ Thương mại hoặc cơ quan được Bộ Thương mại uỷ quyền trên văn bản cuối cùng.
2.4- Thời hạn đăng ký hợp đồng gia công của các doanh nghiệp:
Trong vòng 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, Bộ Thương mại hoặc các cơ quan được Bộ Thương mại uỷ quyền đăng ký hợp đồng gia công cho doanh nghiệp.
2.5- Hồ sơ cần thiết gửi về Bộ Thương mại hoặc các cơ quan được Bộ Thương mại uỷ quyền được quy định tại các điều liên quan dưới đây.
Điều 3: Về kế hoạch nhập khẩu để xây dựng cơ bản tạo tài sản cố định
3.1- Căn cứ Giấy phép đầu tư, (dưới đây viết tắt là GPĐT), giải trình kinh tế – kỹ thuật, thiết kế kỹ thuật (với trường hợp khi có các thay đổi so với giải trình kinh tế kỹ thuật), doanh nghiệp lập kế hoạch nhập khẩu máy móc, thiết bị, vật tư, trang bị, vật liệu xây dựng, phương tiện vận chuyển để xây dựng công trình tạo tài sản cố định.
Kế hoạch nhập khẩu này có thể lập cho toàn bộ dự án, hoặc chia thành từng công đoạn phù hợp với tiến độ xây dựng của dự án.
Doanh nghiệp có thể đề nghị Bộ Thương mại hoặc các cơ quan được Bộ Thương mại uỷ quyền bổ sung điều chỉnh kế hoạch nhập khẩu nói trên. 3.2- Nếu kế hoạch nhập khẩu máy móc thiết bị, vật tư xây dựng, phương tiện vận chuyển chưa phù hợp với Giấy phép đầu tư và Giải trình kinh tế kỹ thuật thì phải được xác nhận của cơ quan cấp Giấy phép đầu tư trong những trường hợp sau đây:
3.2.1- Không phù hợp về trị giá nhập khẩu:
+ Trị giá nhập khẩu cho từng hạng mục vật tư xây dựng, máy móc, thiết bị vượt quá 10% đối với những hạng mục có vốn phân bổ nhập khẩu đến 5.000.000 USD.
+ Trị giá nhập khẩu cho từng hạng mục vật tư xây dựng, máy móc thiết bị vượt quá 500.000 USD đối với hạng mục có vốn phân bổ nhập khẩu trên 5.000.000 USD.
3.2.2- Giải trình kinh tế kỹ thuật không quy định về cơ cấu vốn phân bổ cho từng hạng mục máy móc, thiết bị, vật tư xây dựng, phương tiện vận chuyển, thiết bị văn phòng… cần nhập khẩu.
3.2.3- Giải trình kinh tế kỹ thuật không có danh mục cụ thể về máy móc thiết bị vật liệu xây dựng, vật tư trang bị, phương tiện vận chuyển hoặc danh mục máy móc thiết bị, vật liệu xây dựng, vật tư trang bị, phương tiện vận chuyển thay đổi dẫn đến thay đổi mục tiêu sản xuất, năng lực sản xuất kinh doanh, quy trình công nghệ, có ảnh hưởng đến môi trường.
3.2.4- Việc nhập khẩu máy móc thiết bị, vật tư trang bị… đã qua sử dụng không phù hợp với quy định của GPĐT.
(Thời hạn duyệt kế hoạch nhập khẩu máy móc thiết bị, vật tư xây dựng hình thành doanh nghiệp như đã ghi ở Điều 2)
3.3- Hồ sơ gửi đến Bộ Thương mại hoặc các cơ quan được Bộ Thương mại uỷ quyền gồm:
3.3.1- Công văn đề nghị nhập khẩu kèm theo:
+ Báo cáo tóm tắt các nét chính của doanh nghiệp (theo mẫu 1).
(Báo cáo này chỉ gửi một lần ban đầu sau khi thành lập doanh nghiệp).
+ Danh mục máy móc, thiết bị, vật tư trang bị, vật liệu xây dựng, phương tiện vận chuyển v.v… nhập khẩu để tạo tài sản cố định (theo mẫu 2).
Trong công văn cần nêu rõ thời gian dự kiến hoàn thành xây dựng cơ bản (thời gian theo giải trình kinh tế kỹ thuật và thời gian dự kiến của doanh nghiệp trên cơ sở thực tế).
3.3.2- Giấy phép đầu tư hoặc Giấy phép kinh doanh nếu là hợp tác kinh doanh trên cơ sở hợp đồng (bản sao).
3.3.3- Giải trình kinh tế kỹ thuật.
3.3.4- Thiết kế kỹ thuật (trường hợp có các thay đổi so với giải trình kinh tế kỹ thuật).
3.3.5- Hợp đồng hợp tác kinh doanh (nếu là hợp tác kinh doanh trên cơ sở hợp đồng).
Điều 4: Về nhập khẩu bổ sung thiết bị máy móc vật liệu xây dựng, vật tư trang bị, phương tiện vận chuyển v.v… để mở rộng sản xuất, đầu tư chiều sâu:
4.1- Việc nhập khẩu máy móc thiết bị, vật liệu xây dựng, vật tư trang bị, phương tiện vận chuyển v.v… để mở rộng sản xuất hoặc đầu tư chiều sâu thuộc vốn đầu tư được giải quyết trên cơ sở Giấy phép đầu tư điều chỉnh tăng vốn đầu tư.
4.2- Thời hạn duyệt kế hoạch nhập khẩu máy móc thiết bị, vật tư xây dựng bổ sung để mở rộng sản xuất như đã ghi ở Điều 2.
4.3- Hồ sơ gửi Bộ Thương mại hoặc các cơ quan được Bộ Thương mại uỷ quyền gồm:
– Công văn đề nghị nhập khẩu.
– Giải trình kinh tế kỹ thuật tăng vốn của Doanh nghiệp đã trình Cơ quan cấp Giấy phép đầu tư điều chỉnh và GPĐT điều chỉnh.
– Danh mục thiết bị máy móc vật liệu xây dựng, vật tư trang bị, phương tiện vận chuyển v.v… nhập khẩu (theo mẫu 2). Danh mục này phải phù hợp với vốn phân bổ nhập khẩu, danh mục quy định trong giải trình xin tăng vốn nói trên.
Điều 5: Về kế hoạch nhập khẩu nguyên phụ liệu, vật tư cho sản xuất
Căn cứ Giấy phép đầu tư, giải trình kinh tế kỹ thuật, tình hình thực hiện kế hoạch xuất nhập khẩu năm trước, doanh nghiệp lập kế hoạch nhập khẩu nguyên phụ liệu sản xuất, gửi Bộ Thương mại hoặc các cơ quan được Bộ Thương mại uỷ quyền để xem xét phê duyệt (theo mẫu 3).
Kế hoạch nhập khẩu nguyên phụ liệu có thể được điều chỉnh bổ sung.
Thời hạn duyệt kế hoạch nhập khẩu nguyên phụ liệu, vật tư sản xuất như đã ghi ở Điều 2.
Điều 6: Về kế hoạch xuất khẩu và tiêu thụ sản phẩm do doanh nghiệp sản xuất theo quy định tại GPĐT:
Doanh nghiệp căn cứ vào quy định của GPĐT và công suất sản xuất thực tế hàng năm lập kế hoạch xuất khẩu và tiêu thụ tại Việt Nam sản phẩm do doanh nghiệp sản xuất (theo mẫu 3).
Doanh nghiệp được trực tiếp xuất khẩu hoặc uỷ thác xuất khẩu sản phẩm do doanh nghiệp sản xuất.
Trường hợp thực tế do khó khăn thị trường xuất khẩu, Doanh nghiệp không đảm bảo được tỷ lệ quy định của GPĐT, phải báo cáo Bộ Thương mại để điều chỉnh kế hoạch xuất khẩu và tiêu thụ sản phẩm tại Việt Nam hàng năm.
Nếu 3 năm liên tục không thực hiện được tỷ lệ xuất khẩu quy định tại Giấy phép đầu tư doanh nghiệp phải đề nghị cơ quan cấp GPĐT để xem xét điều chỉnh tỷ lệ xuất khẩu và các ưu đãi quy định tại GPĐT hoặc thu hồi GPĐT.
Điều 7: Về việc xuất khẩu sản phẩm không do doanh nghiệp sản xuất theo quy định tại GPĐT:
7.1- Các doanh nghiệp được trực tiếp mua hoặc thông qua doanh nghiệp trong nước để mua những mặt hàng không do doanh nghiệp sản xuất theo quy định của GPĐT để chế biến xuất khẩu hoặc xuất khẩu, trừ những mặt hàng ghi trong phụ lục 1 kèm theo. Riêng hàng thủ công mỹ nghệ sản xuất từ gỗ phải có chứng nhận về nguồn gốc gỗ nguyên liệu theo quy định của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Danh mục này sẽ được điều chỉnh, công bố theo Quyết định hàng năm của Chính phủ về quản lý về hàng xuất nhập khẩu.
7.2- Kế hoạch xuất khẩu sản phẩm không do doanh nghiệp sản xuất phải được đăng ký tại Bộ Thương mại hoặc các cơ quan được Bộ Thương mại uỷ quyền.
Thời hạn duyệt kế hoạch xuất khẩu của doanh nghiệp như đã ghi ở Điều 2.
7.3- Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được phép uỷ thác xuất khẩu hoặc nhận xuất khẩu uỷ thác những mặt hàng do doanh nghiệp sản xuất và những mặt hàng không do doanh nghiệp sản xuất nêu ở Điều 7 này.
7.4- Việc xuất khẩu và xuất khẩu uỷ thác nói trên chỉ được thực hiện sau khi doanh nghiệp đã hoàn thành xây dựng cơ bản đi vào sản xuất.
Việc xuất khẩu và xuất khẩu uỷ thác thực hiện theo những quy định hiện hành về quản lý xuất nhập khẩu.
Điều 8: Chế độ thuế trong trường hợp doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất sản phẩm bán cho doanh nghiệp khác làm nguyên liệu để trực tiếp sản xuất ra thành phẩm xuất khẩu.
8.1- Doanh nghiệp được bán sản phẩm do doanh nghiệp sản xuất cho các doanh nghiệp khác dùng làm nguyên liệu để sản xuất hàng xuất khẩu và được miễn thuế nhập khẩu đối với số nguyên liệu tương ứng.
Việc mua bán thực hiện theo hợp đồng kinh tế phù hợp với các văn bản pháp quy hiện hành.
Việc miễn thuế nhập khẩu nguyên liệu chỉ được giải quyết sau khi sản phẩm cuối cùng đã được xuất khẩu.
Hồ sơ và việc xem xét miễn thuế nguyên liệu tương ứng do cơ quan Hải quan quy định và giải quyết.
8.2- Trường hợp doanh nghiệp bán sản phẩm cho một doanh nghiệp không trực tiếp sản xuất hàng xuất khẩu thì không được miễn thuế đối với số nguyên liệu tương ứng.
8.3- Trị giá sản phẩm doanh nghiệp bán cho doanh nghiệp khác làm nguyên liệu tiếp tục sản xuất hàng xuất khẩu không tính vào trị giá kim ngạch xuất khẩu hàng năm của doanh nghiệp.
8.4- Kế hoạch bán sản phẩm nói trên là một phần của kế hoạch tổng thể tiêu thụ sản phẩm tại Việt Nam của Doanh nghiệp do Bộ Thương mại hoặc cơ quan được Bộ Thương mại uỷ quyền phê duyệt hàng năm.
Điều 9: Quy định về hoạt động gia công
9.1- Doanh nghiệp được thực hiện hoạt động gia công hoặc gia công lại sản phẩm theo mục tiêu được quy định tại Giấy phép Đầu tư; cụ thể các hoạt động sau:
+ Nhận gia công với nước ngoài.
+ Nhận gia công trong nước.
+ Đưa đi gia công trong nước một phần sản phẩm hoặc một số công đoạn mà công suất máy móc thiết bị hoặc dây chuyền công nghệ chưa bảo đảm sản xuất được.
9.2- Hồ sơ gửi đến Bộ Thương mại hoặc các cơ quan được Bộ Thương mại uỷ quyền để đăng ký hợp đồng gia công gồm:
+ Văn bản đề nghị của doanh nghiệp.
+ Giấy phép đầu tư hoặc Giấy phép kinh doanh nếu là hợp tác kinh doanh trên cơ sở hợp đồng (bản sao).
+ Hợp đồng gia công và các phụ kiện kèm theo hợp đồng.
+ Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hoá, xuất xứ hàng hoá đang có hiệu lực.
+ Định mức tiêu hao nguyên liệu, vật tư cho một đơn vị sản phẩm và bản giải trình phương pháp tính định mức làm căn cứ cho cơ quan đăng ký kiểm tra trước, trong và sau khi đăng ký thực hiện hợp đồng gia công.
Thời hạn đăng ký hợp đồng gia công như đã nêu ở Điều 2.
9.3- Giám đốc doanh nghiệp chịu trách nhiệm trước pháp luật về định mức sử dụng nguyên liệu và tỷ lệ hao hụt trong gia công.
Điều 10: Chế độ báo cáo định kỳ:
Ba tháng một lần các Doanh nghiệp gửi về Bộ Thương mại và Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo thực hiện các kế hoạch Bộ Thương mại đã duyệt; Cụ thể:
+ Nhập khẩu máy móc thiết bị, vật tư xây dựng cơ bản,
+ Nhập khẩu nguyên phụ liệu, vật tư phục vụ sản xuất, kinh doanh,
+ Xuất khẩu trực tiếp, xuất khẩu uỷ thác, uỷ thác xuất khẩu,
+ Tiêu thụ sản phẩm tại Việt Nam (trong đó tách riêng phần bán cho các doanh nghiệp khác làm nguyên liệu để sản xuất hàng xuất khẩu).
Các báo cáo thực hiện nêu rõ tên hàng, số lượng, trị giá.
+ Các kiến nghị nếu có.
Trường hợp cần thiết đột xuất các Doanh nghiệp có báo cáo theo yêu cầu của Bộ Thương mại hoặc các cơ quan được Bộ Thương mại uỷ quyền.
Hai lần liên tiếp doanh nghiệp không gửi báo cáo định kỳ, Bộ Thương mại sẽ từ chối việc xét duyệt kế hoạch nhập khẩu và tiêu thụ sản phảm tiếp theo.
Điều 11: Điều khoản thi hành:
Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Ban Quản lý các Khu công nghiệp đã được Bộ Thương mại uỷ quyền thông báo nội dung Quy định này cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài biết và thực hiện, đồng thời phản ánh cho Bộ Thương mại những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện để kịp thời điều chỉnh phù hợp.
Các cán bộ viên chức của Bộ Thương mại và của các cơ quan được Bộ Thương mại uỷ quyền có trách nhiệm thực hiện đúng quy định của văn bản này. Trường hợp vi phạm, tuỳ theo mức độ sẽ bị truy cứu trách nhiệm theo pháp luật.
PHỤ LỤC 1
DANH MỤC CÁC MẶT HÀNG DOANH NGHIỆP KHÔNG SẢN XUẤT THEO GPĐT KHÔNG ĐƯỢC XUẤT KHẨU NĂM 1998
DANH MỤC 1
HÀNG HOÁ CẤM XUẤT KHẨU NĂM 1998
(Ban hành kèm theo Quyết định số 11/1998/QĐ-TTg ngày 23/01/1998
của Thủ tướng Chính phủ)
1- Vũ khí đạn dược, vật liệu nổ, trang thiết bị kỹ thuật quân sự
2- Đồ cổ.
3- Các loại ma tuý.
4- Hoá chất độc,
5- Gỗ tròn, gỗ xẻ, gỗ bóc, củi, than hầm từ gỗ hoặc củi, các sản phẩm gỗ lâm sản sản xuất từ nhóm IA và ván tinh chế sản xuất từ nhóm IIA trong danh mục ban hành kèm theo Nghị định 18/HĐBT ngày 17/1/1992, song mây nguyên liệu.
6- Các loại động vật hoang và động vật, thực vật quý hiếm tự nhiên.
DANH MỤC 2
MẶT HÀNG XUẤT KHẨU QUẢN LÝ BẰNG HẠN NGẠCH 1998
(Ban hành kèm theo Quyết định số 11/1998/QĐ-TTg ngày 23/01/1998
của Thủ tướng Chính phủ)
– Gạo
– Hàng dệt, may xuất khẩu vào EU, Canada, Nauy, Thổ Nhĩ Kỳ
DANH MỤC 3
HÀNG HOÁ XUẤT KHẨU THEO QUY ĐỊNH RIÊNG
1- Chất nổ, chất dễ cháy (trừ mặt hàng diêm).
2- Sách báo
3- Ngọc trai, đá quý, kim loại quý (trừ đồ kim hoàn giả)
4- Tác phẩm nghệ thuật, đồ sưu tầm, đồ cổ
5- Sản phẩm gỗ (trừ hàng thủ công mỹ nghệ đã được quy định tại Điều 7)
6- Cà phê
7- Động vật rừng
8- Thực vật rừng dùng làm giống
9- Thuỷ sản
10- Khoáng sản
Trường hợp các doanh nghiệp được cấp GPĐT hoặc Giấy phép kinh doanh để sản xuất những mặt hàng nói trên thì việc xuất khẩu thực hiện theo GPĐT và các văn bản pháp luật có liên quan.
MẪU 1
BÁO CÁO
TÓM TẮT CÁC NÉT CHÍNH CỦA DOANH NGHIỆP
1. Tên doanh nghiệp: (Ghi rõ tên bằng tiếng Việt Nam và tên ghi tắt bằng tiếng nước ngoài như giấy phép đầu tư)
2. Giấy phép đầu tư (hoặc giấy phép kinh doanh):
Số: ngày tháng năm 199
Cơ quan cấp Giấy phép đầu tư (hoặc giấy phép kinh doanh):
3. Địa chỉ theo Giấy phép đầu tư:
Tel: Fax
Địa chỉ liên lạc:
4. Họ và tên Ban lãnh đạo xí nghiệp
– Chủ tịch Hội đồng quản trị:
– Tổng giám đốc (Giám đốc):
– Phó Tổng giám đốc thứ nhất (Phó giám đốc thứ nhất):
5. Tổng vốn đầu tư của doanh nghiệp (USD)
– Vốn cố định: gồm
+ Vốn cho xây dựng
+ Vốn cho máy móc thiết bị
+ Vốn cho phương tiện vận tải
+ Vốn cho trang thiết bị văn phòng
+ Vốn dự phòng để mua sắm
– Vốn lưu động
6. Số tài khoản đã đăng ký tại ngân hàng
– Tiền Việt Nam
– Tiền nước ngoài
– Tài khoản ở nước ngoài (nếu có)
7. Đăng ký kinh doanh: (ghi rõ mục tiêu sản xuất kinh doanh ghi tại Điều 1 của giấy phép đầu tư, hoặc giấy phép kinh doanh)
– Hàng hoá nhập khẩu – Hàng hoá xuất khẩu
– Hàng hoá tiêu thụ tại thị trường Việt Nam
8. Tỷ lệ xuất khẩu sản phẩm ghi ở GPKD: (Nếu có)
9. Ghi chú: (nếu có)
… ngày….tháng….năm 199
Tổng giám đốc (Giám đốc)
(Ký tên đóng dầu)
Người có thẩm quyền ký văn bản đề nghị duyệt kế hoạch xuất nhập khẩu
(Chức vụ – ký tên)
MẪU 2
DANH MỤC
NHẬP KHẨU THIẾT BỊ MÁY MÓC VẬT TƯ, TRANG BỊ, PHƯƠNG TIỆN VẬN CHUYỂN HÌNH THÀNH DOANH NGHIỆP (HOẶC ĐỂ TẠO TÀI SẢN CỐ ĐỊNH THỰC HIỆN HỢP ĐỒNG HỢP TÁC KINH DOANH)
Tên máy móc |
Số lượng |
Đơn giá tạm tính |
Trị giá |
Ghi chú |
I- Máy móc, thiết bị, dụng cụ sản xuất…
(Công ty cần tách rõ theo từng công đoạn sản xuất chính và các hệ thống máy móc thiết bị phụ trợ)
1.
2.
3.
II- Vật tư nhập khẩu cho xây dựng công trình
1.
2.
3.
….
III- Phương tiện vận chuyển nhập khẩu:
(Ghi rõ chủng loại xe)
1.
2.
…
IV- Trang thiết bị văn phòng
1.
2.
…
MẪU 3
A. KẾ HOẠCH NHẬP KHẨU NGUYÊN LIỆU, VẬT TƯ
PHỤC VỤ SẢN XUẤT
NĂM…….. CỦA CÔNG TY……..
Tên hàng |
Đơn vị tính |
Số lượng |
Trị giá |
Ghi chú |
I- Nguyên liệu sản xuất
1.
2.
…
II- Phụ liệu
1.
2.
…
III- Vật tư tiêu hao cho hoạt động sản xuất, kinh doanh
(Phụ tùng thay thế, dụng cụ, vật tư…)
B. KẾ HOẠCH XUẤT KHẨU
I- MẶT HÀNG DO DOANH NGHIỆP SẢN XUẤT THEO QUY ĐỊNH CỦA GPĐT
(TỶ LỆ XUẤT KHẨU THEO GPĐT %)
Tên hàng |
Đơn vị tính |
Số lượng |
Trị giá |
Ghi chú |
II- MẶT HÀNG KHÔNG DO DOANH NGHIỆP SẢN XUẤT
Tên hàng |
Đơn vị tính |
Số lượng |
Trị giá |
Ghi chú |
C. KẾ HOẠCH TIÊU THỤ SẢN PHẨM TẠI VIỆT NAM
Tên hàng |
Đơn vị tính |
Số lượng |
Trị giá |
Ghi chú |
|
|
|
|
|
GIẢI TRÌNH KẾ HOẠCH NHẬP KHẨU NGUYÊN LIỆU VẬT TƯ
CHO SẢN XUẤT VÀ KẾ HOẠCH XUẤT KHẨU
TIÊU THỤ SẢN PHẨM TẠI VIỆT NAM
1. Vốn lưu động theo LCKTKT USD
2. Công suất thiết kế theo LCKTKT (theo năm sản xuất)
– Chi phí nguyên liệu sản xuất USD
– Công suất theo sản phẩm hàng năm
3. Năm doanh nghiệp bắt đầu đi vào sản xuất 199…
Năm kế hoạch doanh nghiệp lập là năm thứ mấy sản xuất
4. Việc đầu tư xây dựng cơ bản cho đến nay
– Công suất của phần thiết bị đã đầu tư:
5. Báo cáo tóm tắt hoạt động nhập khẩu năm trước và so sánh (chỉ tính theo trị giá)
Tên hàng nhập khẩu |
Bộ Thương mại duyệt |
Thực hiện nhập khẩu của doanh nghiệp |
I. Nguyên phụ liệu: |
|
|
II. Phụ tùng thay thế |
|
|
6. Báo cáo tình hình xuất khẩu và tiêu thụ tại Việt Nam (tỷ lệ xuất khẩu theo giấy phép đầu tư…..%)
Tên hàng |
Xuất khẩu |
Tiêu thụ tại Việt Nam |
||
|
Số lượng |
Trị giá |
Số lượng |
Trị giá |
I- Hàng do DN SX theo GPĐT |
|
|
|
|
II- Hàng không do DN SX |
|
|
Không đề cập |
Reviews
There are no reviews yet.