QUYẾT ĐỊNH
CỦA CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 14-CT NGÀY 9-1-1988
VỀ MỘT SỐ CHÍNH SÁCH VÀ BIỆN PHÁP ĐỂ PHÁT TRIỂN
SẢN XUẤT THAN
Trong mấy năm gần đây, ngành than đã có một số cố gắng về tổ chức, sắp xếp lại sản xuất, đổi mới quản lý, tăng cường đầu tư chiều sâu và đồng bộ hoá dây chuyền sản xuất, chăm lo đời sống công nhân do đó tình hình sản xuất và cung ứng than có khá hơn những năm trước, ngành than đã hoàn thành kế hoạch năm 1986 và có khả năng hoàn thành kế hoạch năm 1987.
Tuy nhiên về chủ quan trong sản xuất than còn tồn tại một số khuyết điểm như chất lượng than chưa tốt, thiếu than cục và than cám tốt cho các nhu cầu xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, năng suất lao động thấp, công tác chuẩn bị tài nguyên và những điều kiện về kỹ thuật khai thác chưa bảo đảm v.v… Bên cạnh đó, những vướng mắc, tồn tại trong cơ chế quản lý cũ không phù hợp với đặc điểm của ngành than và chưa tạo điều kiện thuận lợi để sản xuất than phát triển ổn định.
Trước mắt và lâu dài than vẫn là nguồn năng lượng thiết yếu không thể thiếu được đối với các ngành kinh tế quốc dân và có giá trị xuất khẩu cao, vì vậy việc phát triển sản xuất than là một trong những nhiệm vụ chiến lược quan trọng của Nhà nước.
Căn cứ vào Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI, Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 2, thứ 3, khoá VI, Quyết định số 217-HĐBT ngày 14-11-1987 của Hội đồng Bộ trưởng về các chính sách đổi mới kế hoạch hoá và hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa, để tạo điều kiện đẩy mạnh sản xuất than với nguyên tắc cơ bản là chuyển hẳn hoạt động của các đơn vị sản xuất-kinh doanh trong ngành than sang hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa, nâng cao quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm toàn bộ quá trình sản xuất-kinh doanh của các đơn vị cơ sở, bảo đảm cho sản xuất than từ 1988 trở đi bù đắp đủ chi phí sản xuất và có lãi, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng quyết định một số chính sách và biện pháp để phát triển sản xuất than như sau:
1. Bộ Năng lượng phải xây dựng chiến lược phát triển lâu dài về sản xuất than của nước ta, chỉ đạo việc lập tổng sơ đồ phát triển ngành than đến năm 2005 để trình Hội đồng Bộ trưởng duyệt trong năm 1988, đồng thời dựa vào những khả năng có thể bảo đảm được để xác định mục tiêu sản lượng than những năm 1990 và 1995. Trong quá trình lập tổng sơ đồ, Tổng cục Mỏ – Địa chất có trách nhiệm chuyển giao cho Bộ Năng lượng các báo cáo thăm dò địa chất và các thông tin cần thiết khác về các khoáng sản than của ta trong giai đoạn tìm kiếm, tham dò sơ bộ và tỷ mỷ. Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, các Bộ, Tổng cục và Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố có liên quan có trách nhiệm tham gia trong quá trình lập tổng sơ đồ đồng thời dựa vào mục tiêu sản lượng than các năm 1990 và 1995 để cân đối những nội dung kế hoạch của đơn vị mình có liên quan đến sản xuất than.
2. Căn cứ vào kế hoạch sản xuất than Nhà nước duyệt trong các năm 1988-1989 và mục tiêu sản lượng than đến năm 1990 và 1995, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước cân đối đủ vốn đầu tư thuộc ngân sách Nhà nước cấp cho các công trình mới, cải tạo và mở rộng của ngành than, trong đó bảo đảm các công trình hợp tác với Liên Xô đã được ghi trong Hiệp định liên Chính phủ ký ngày 29-10-1987.
Bộ Năng lượng được phép và cần mở rộng liên doanh với nước ngoài trong khai thác, chế biến than trên cơ sở Luật Đầu tư của Nhà nước để tạo thêm vốn đầu tư, trang bị lại cơ sở vật chất kỹ thuật, đồng bộ và phát huy năng lực sản xuất hiện có.
Để có đủ vốn đầu tư cho duy trì sản xuất, Bộ Năng lượng chủ trì, chủ đạo các đơn vị trong ngành than đánh giá lại giá trị tài sản cố định, bảo đảm yêu cầu tính đúng giá trị tài sản cố định, quyết định lại tỷ lệ khấu hao tài sản cố định bao gồm cả khấu hao cơ bản và khấu hao sửa chữa lớn cho phù hợp. Cùng Bộ Tài chính hướng dẫn nghiệp vụ và kiểm tra kết quả việc đánh giá lại giá trị tài sản cố định và tỷ lệ khấu hao đó.
Bộ Năng lượng có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị cơ sở đẩy mạnh sản xuất, tăng tích luỹ, huy động các nguồn vốn tự có để đầu tư thêm vào việc duy trì và mở rộng sản xuất.
3. Bộ Năng lượng chỉ đạo các đơn vị cơ sở nâng cao chất lượng than, tăng số lượng than tốt, tranh thủ, mở rộng thị trường và tăng sản lượng than tăng sản lượng than xuất khẩu. Trong 3 năm 1988-1990 các đơn vị sản xuất than được giữ lại 90% ngoại tệ thu được do xuất khẩu than để cân đối những nhu cầu của sản xuất và nộp 10% vào ngân sách Nhà nước. Các đơn vị sản xuất phải xây dựng kế hoạch sử dụng ngoại tệ hàng năm để cơ quan quản lý cấp trên duyệt, Uỷ ban kế hoạch Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải bảo đảm quyền sử dụng ngoại tệ của các đơn vị sản xuất than theo kế hoạch đã duyệt. Trong những trường hợp xuất khẩu than để trả nợ, Nhà nước hoàn trả kịp thời số ngoại tệ phải trả nợ từ quỹ ngoại tệ của Nhà nước mà không trừ vào số ngoại tệ của các đơn vị sản xuất than được sử dụng. Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước cân đối và bố trí kế hoạch sử dụng ngoại tệ cho ngành than đáp ứng các yêu cầu trên.
Bộ trưởng Bộ Năng lượng quyết định và tự chịu trách nhiệm về giá bán than xuất khẩu trên cơ sở tham khảo những thông tin hướng dẫn về giá cả của Bộ Ngoại thương. Bộ Năng lượng xây dựng và trình Hội đồng Bộ trưởng ban hành chính sách khuyến khích và đẩy mạnh xuất khẩu than.
4. Các đơn vị sản xuất than phải tiếp tục sắp xếp, tổ chức lại sản xuất, áp dụng cơ chế quản lý kinh tế mới, tính lại giá thành sản xuất than hợp lý trên cơ sở tính đúng, tính đủ chi phí sản xuất đồng thời sử dụng có hiệu quả thiết bị, lao động và vật tư.
Trong năm 1988 áp dụng hai giá bán than:
– Bán theo giá chỉ đạo của Nhà nước đối với một số hộ tiêu dùng trọng điểm và các đối tượng được hưởng chính sách xã hội theo nguyên tắc rất hạn chế (khoảng 30-40% sản lượng than sạch tiêu thụ theo kế hoạch) và thu hẹp dần đối tượng sử dụng. Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước cùng Bộ Năng lượng xác định những đối tượng được mua theo giá chỉ đạo. Mức giá này bảo đảm bù đắp đủ chi phí sản xuất đối với các đơn vị sản xuất và không bị lỗ. Bộ Năng lượng chỉ đạo các đơn vị sản xuất tính toán lại giá bán than chỉ đạo, cùng với Uỷ ban Vật giá Nhà nước và các cơ quan có liên quan kiểm tra và trình Hội đồng Bộ trưởng duyệt vào đầu quý I năm 1988.
– Bán than theo giá kinh doanh thương nghiệp cho tất cả các đối tượng khác ngoài diện được mua theo giá chỉ đạo. Mức giá này do các đơn vị sản xuất-kinh doanh than xác định trong từng quý hoặc 6 tháng theo nguyên tắc bù đắp đủ chi phí sản xuất, có lãi, không vượt giá thị trường vào thời điểm bán và được khách hàng thoả thuận. Bộ Năng lượng và Uỷ ban Vật giá Nhà nước có trách nhiệm hướng dẫn và kiểm tra các quyết định về giá than kinh doang thương nghiệp do các đơn vị cơ sở xác định.
5. Để bảo đảm đời sống của công nhân ngành than, Bộ Năng lượng chỉ đạo các đơn vị sản xuất than tính toán đơn giá tiền lương trong sản xuất sao cho mức thu nhập của công nhân ít nhất cũng bằng 100% mức thu nhập thực tế vào thời điểm tháng 9 năm 1985 kể cả các chi phí cho bữa ăn giữa ca và chế độ bảo hộ lao động khác. Nhà nước không hạn chế mức thu nhập tối đa, tiền lương của công nhân phụ thuộc vào kết quả sản xuất kinh doanh của xí nghiệp.
6. Bộ trưởng Bộ Năng lượng thay mặt Hội đồng Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý thống nhất việc khai thác, tiêu thụ và sử dụng than trong cả nước, có trách nhiệm quản lý và chỉ đạo việc sử dụng tiết kiệm và giảm tổn thất tài nguyên trong khai thác trên cơ sở áp dụng kỹ thuật tiến bộ đồng thời bảo vệ được nguồn tài nguyên, trước mắt cần xây dựng chính sách, sử dụng than và xây dựng lại các tiêu chuẩn chất lượng than. Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước kiểm tra và ra quyết định ban hành lại tiêu chuẩn than trong năm 1988.
Hội đồng Bộ trưởng yêu cầu các đồng chí Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước, thủ trưởng các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Bộ trưởng Bộ Năng lượng để tổ chức thực hiện tốt Quyết định này.
Reviews
There are no reviews yet.