QUYẾT ĐỊNH
SỐ 217-BYT/QĐ NGÀY 29-4-1989
BAN HÀNH QUY CHẾ VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC BỆNH VIỆN,
NHÀ HỘ SINH, PHÒNG KHÁM BỆNH, PHÒNG XÉT NGHIỆM,
PHÒNG THĂM DÒ CHỨC NĂNG VÀ DỊCH VỤ Y TẾ TƯ.
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ
Căn cứ Nghị định số 153-CP ngày 5-10-1961 của Hội đồng Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Y tế;
Để thể chế hoá bằng pháp luật hoạt động của các cơ sở hành nghề y tế tư nhân;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ quản lý sức khoẻ và Chánh Văn phòng,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.– Nay ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế về tổ chức và hoạt động của các bệnh viện, nhà hộ sinh, phòng khám bệnh, phòng xét nghiệm, phòng thăm dò chức năng và dịch vụ y tế tư gọi chung là Quy chế về hành nghề y tế tư nhân.
Điều 2. – Quy chế này có hiệu lực kể từ ngày ban hành Quyết định.
Điều 3. – Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Quản lý sức khoẻ Bộ Y tế, Giám đốc các Sở Y tế tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương và y tế các ngành chịu trách nhiệm hướng dẫn kiểm tra việc thực hiện Quy chế này.
QUY CHẾ
VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC BỆNH VIỆN, NHÀ HỘ SINH,
PHÒNG KHÁM BỆNH VÀ DỊCH VỤ Y TẾ TƯ
(ban hành theo Quyết định số 217-BYT/QĐ ngày 29-4-1989)
Để các dịch vụ y tế tư nhân hoạt động theo đúng chính sách pháp luật, bảo đảm an toàn, thuận tiện, có chất lượng, hiệu quả nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân theo sở thích và khả năng kinh tế của mỗi người, Bộ y tế ban hành Quy chế về tổ chức và hoạt động của các bệnh viện, nhà hộ sinh, phòng khám bệnh, phòng xét nghiệm và dịch vụ y tế tư được gọi chung là hành nghề y tế tư nhân.
CHƯƠNG I
ĐỐI TƯỢNG, TIÊU CHUẨN, ĐIỀU KIỆN VÀ HÌNH THỨC HÀNH NGHỀ Y TẾ TƯ NHÂN
Điều 1.– Đối tượng được hành nghề y tế tư nhân.
– Cán bộ y tế đã nghỉ hưu, nghỉ mất sức có đủ tiêu chuẩn, được cấp giấy phép hành nghề y tế tư nhân theo đúng văn bằng chuyên khoa của mình.
– Cán bộ y tế đương chức chỉ được phép hành nghề y tế tư nhân ngoài giờ làm việc.
Điều 2. – Tiêu chuẩn để được cấp giấy phép hành nghề y tế tư nhân.
– Đã trải qua thời kỳ tập sự và 5 năm công tác trong các cơ sở y tế Nhà nước hoặc có 1 văn bằng chuyên khoa cấp I.
– Được một hội đồng chuyên môn xét tiêu chuẩn hành nghề y tế tư nhân kiểm tra chất lượng chuyên môn theo đúng văn bằng, công việc đã và đang làm có đủ tư cách đạo đức y học, để cấp giấy chứng nhận đủ trình độ và phẩm chất để hành nghề y tế tư nhân.
– Y sỹ, kỹ thuật viên trung học chuyên khoa không được phép mở bệnh viện tư, phòng khám bệnh tư mà chỉ được phép giúp việc cho bác sỹ trong hoạt động khám chữa bệnh tư.
– Người đứng tên xin đăng ký mở bệnh viện tư, phòng khám bệnh tư phải là bác sỹ đa khoa hoặc chuyên khoa.
– Người đứng tên xin đăng ký mở nhà hộ sinh tư phải là bác sỹ khoa sản hoặc nữ hộ sinh trung học.
– Người đứng tên mở phòng xét nghiêm tư, phòng thăm dò chức năng phải là bác sỹ chuyên khoa.
– Người đứng tên xin đăng ký làm dịch vụ y tế không phải là khám chữa bệnh ra chỉ định điều trị, phải là y tá hoặc kỹ thuật viên trung học.
– Người nước ngoài (không mang quốc tịch Việt Nam) muốn được hành nghề y tế tư nhân trên lãnh thổ Việt Nam phải được Bộ Y tế Việt Nam xem xét quyết định.
Điều 3. – Điều kiện để hành nghề y tế tư nhân.
1. Bệnh viện tư phải có các điều kiện: Bản diễn giải về điều kiện cơ cơ sở, trang thiết bị kỹ thuật y tế và đề án hoạt động. Cần phải chú ý các vấn đề:
– Cơ sở nhà cửa bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh, hệ thống cấp thoát nước, xử lý chất thải và chống ô nhiễm môi trường.
– Bảo đảm đủ trang thiết bị, dụng cụ kỹ thuật y tế để khám chữa bệnh theo quy định của Bộ Y tế.
– Có điều kiện tổ chức các dịch vụ sinh hoạt phục vụ người bệnh.
– Có hợp đồng với các chuyên gia y tế, các viện, bệnh viện, để chi viện giúp đỡ về chuyên môn và kỹ thuật.
2. Nhà hộ sinh tư phải có các điều kiện:
– Có cơ sở đủ tiêu chuẩn vệ sinh và các điều kiện trang bị vô khuẩn.
– Bảo đảm đủ trang thiết bị kỹ thuật khám thai, đỡ đẻ và săn sóc sơ sinh, đủ trang bị phục vụ sinh hoạt cho sản phụ, sơ sinh.
– Có hợp đồng với bệnh viện phụ sản hoặc khoa sản bệnh viện đa khoa để chi viện kỹ thuật khi cần thiết.
3. Phòng khám bệnh tư phải có các điều kiện:
– Cơ sở nhà cửa đủ tiêu chuẩn vệ sinh và yêu cầu kỹ thuật.
– Có trang bị, dụng cụ kỹ thuật thích hợp.
4. Phòng xét nghiệm tư và phòng chẩn đoán chức năng phải đủ điều kiện kỹ thuật về xây dựng cơ bản, hoá chất, phương tiện tương ứng với nội dung đã đăng ký xin mở.
Điều 4.- Các hình thức hành nghề y tế tư nhân.
1. Một người đứng tên xin đăng ký, hành nghề y tế tư nhân độc lập.
Một nhóm người cùng đầu tư tổ chức hành nghề y tế tư nhân nhưng phải có một đại diện đứng tên xin đăng ký hành nghề y tế tư nhân.
2. Người đứng tên xin đăng ký hành nghề y tế tư nhân phải có đủ tiêu chuẩn quy định tại điều 2 của Quy chế này.
CHƯƠNG II
QUYỀN VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ SỞ HÀNH NGHỀ Y TẾ TƯ NHÂN
Điều 5.– Quyền của các cơ sở hành nghề y tế tư nhân.
1. Các cơ sở hành nghề y tế tư nhân có quyền:
– Được ngành y tế bảo đảm sự bình đẳng về chuyên môn kỹ thuật như các cơ sở y tế của Nhà nước kể cả việc ưu tiên bán các phương tiện vật tư kỹ thuật để hành nghề có chất lượng.
– Được ký kết các hợp đồng hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật với các cơ sở y tế của Nhà nước để bảo đảm chất lượng chẩn đoán, điều trị trên cơ sở hai bên thoả thuận và được cơ quan y tế có thẩm quyền cho phép.
– Được mở các la bô cận lâm sàng và thăm dò chức năng để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.
– Được có một cơ số thuốc cấp cứu để bán ngay cho bệnh nhân khi cần thiết. Số lượng thành phần của cơ số do các cơ quan y tế có thẩm quyền quy định.
– Được thiết lập sự tài trợ của người nước ngoài trong khuôn khổ của Luật Đầu tư nước ngoài của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
– Được thu các lệ phí y tế (Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương quy định biểu giá khám chữa bệnh sau khi tham khảo ý kiến Sở Y tế và Uỷ ban Vật giá cùng cấp).
2. Nghiêm cấm các cơ sở hành nghề y tế tư nhân:
– Vừa kê đơn, vừa bán thuốc. Việc cung ứng thuốc do các hiệu thuốc đảm nhiệm.
– Tuyên truyền, quảng cáo không đúng với khả năng chữa bệnh, khám bệnh, xét nghiệm, thăm dò chức năng của cơ sở và của bản thân. Nội dung quảng cáo phải được cơ quan y tế có thẩm quyền duyệt và theo đúng quy chế của Bộ Thông tin.
Điều 6. – Trách nhiệm của các cơ sở hành nghề y tế tư nhân:
Các cơ sở hành nghề y tế tư nhân có trách nhiệm:
– Tuân thủ các quy định pháp luật của Nhà nước, các quy định về chuyên môn, nghiệp vụ kỹ thuật y tế của Bộ Y tế và chịu sự chỉ đạo về chuyên môn, nghiệp vụ kỹ thuật y tế của các cơ quan y tế có thẩm quyền.
– Tham gia các hoạt động y tế theo hướng chăm sóc sức khoẻ ban đầu, tuyên truyền hướng dẫn nhân dân bảo vệ sức khoẻ, phòng và chữa bệnh.
– Chấp hành vô điều kiện lệnh huy động của Sở Y tế chủ quản khi có thiên tai, dịch bệnh xảy ra tại địa phương.
– Kịp thời báo cáo và phối hợp với các cơ sở y tế Nhà nước khi phát hiện các bệnh dịch, bệnh lạ, nhiễm độc hàng loạt để nhanh chóng giải quyết hậu quả.
– Đóng lệ phí hành nghề và đóng thuế theo quy định của Bộ Tài chính.
– Lập sổ sách ghi chép hoạt động chuyên môn và thống kê kế toán theo quy định của Nhà nước.
– Báo cáo định kỳ với Sở Y tế chủ quản về hoạt động chuyên môn, kỹ thuật của cơ sở.
Điều 7. – Nhiệm vụ của các cơ sở hành nghề y tế tư nhân:
1. Bệnh viện tư có nhiệm vụ:
– Khám bệnh, kê đơn, chữa bệnh và làm các thủ thuật theo quy định của các cơ quan y tế có thẩm quyền và Hội đồng chuyên môn xét duyệt tiêu chuẩn hành nghề y tế tư nhân cùng cấp tuỳ theo năng lực cán bộ và các điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật khác.
– Phải tiếp nhận và giải quyết mọi trường hợp cấp cứu hoặc sơ cứu rồi chuyển ngay bệnh nhân đến các cơ sở y tế Nhà nước gần nhất.
2. Nhà hộ sinh có nhiệm vụ:
– Hút điều hoà kinh nguyệt, đỡ đẻ thường ở sản phụ không có nguy cơ tai biến sản khoa.
– Nếu phát hiện sản phụ có nguy cơ tai biến sản khoa thì phải chuyển ngay đến các cơ sở sản khoa Nhà nước gần nhất.
– Quản lý thai sản theo quy định.
– Tham gia các hoạt động bảo vệ sức khoẻ bà mẹ trẻ em và kế hoạch hoá gia đình.
– Hoạt động liên tục 24/24 giờ.
3. Phòng khám bệnh tư có nhiệm vụ:
– Khám bệnh, kê đơn và chữa các bệnh thông thường.
– Tổ chức sơ cứu nạn nhân, bệnh nhân nặng rồi chuyển ngay đến cơ sở khám chữa bệnh Nhà nước gần nhất.
– Nội dung hoạt động theo quy định tại Thông tư số 31-BYT/TT ngày 23-12-1987 của Bộ Y tế.
4. Phòng xét nghiệm tư hoặc chẩn đoán chức năng:
Chỉ có nhiệm vụ thực hiện yêu cầu của các bác sỹ khám bệnh trừ các thăm dò chức năng thuộc chuyên khoa lâm sàng của mình.
5. Dịch vụ y tế tư có nhiệm vụ:
Thực hiện các dịch vụ thông thường như chăm sóc bệnh nhân, tiêm chích, thay băng, theo dõi huyết áp, thụt tháo, hướng dẫn tập luyện phục hồi chức năng… tại cơ sở cố định hoặc tại nhà bệnh nhân.
CHƯƠNG III
THẨM QUYỀN VÀ THỦ TỤC XÉT DUYỆT ĐĂNG KÝ HÀNH NGHỀ Y TẾ TƯ NHÂN
Điều 8. – Thẩm quyền xét duyệt hành nghề y tế tư nhân:
1. Giám đốc các Sở y tế tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương có thẩm quyền cấp quyết định cho phép hành nghề sau khi có Giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn hành nghề do Hội đồng chuyên môn xét duyệt tiêu chuẩn hành nghề y tế tư nhân cùng cấp cấp và có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại điều 2, điều 3 của Quy chế này.
2. Hội đồng chuyên môn xét duyệt tiêu chuẩn hành nghề y tế tư nhân do Giám đốc các Sở y tế tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương lập ra có thẩm quyền cấp “Giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn hành nghề” sau khi kiểm tra chất lượng chuyên môn theo bằng cấp được đào tạo.
Điều 9. – Thủ tục xét duyệt đăng ký hành nghề y tế tư nhân:
Người đứng tên xin đăng ký hành nghề y tế tư nhân phải làm các thủ tục sau đây:
– Đơn xin hành nghề.
– Giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn hành nghề.
– Sơ yếu lý lịch cá nhân có xác nhận của Uỷ ban Nhân dân xã, phường, thị xã nơi cư trú (Đối với cán bộ đã nghỉ hưu) hoặc cơ quan chủ quản (đối với cán bộ đương chức).
– Bản diễn giải về điều kiện cơ sở, trang thiết bị kỹ thuật y tế và đề án hoạt động.
CHƯƠNG IV
THANH TRA, KIỂM TRA VÀ XỬ LÝ CÁC VI PHẠM
Điều 10. – Thanh tra, kiểm tra các cơ sở hành nghề y tế tư nhân.
1. Thanh tra viên khám bệnh, chữa bệnh (Do các cơ quan y tế Nhà nước có thẩm quyền quyết định bổ nhiệm) kiểm tra xem xét việc chấp hành các quy định về chuyên môn, nghiệp vụ kỹ thuật y tế đối với tất cả các cơ sở hành nghề y tế tư nhân.
Các cơ sở hành nghề y tế tư nhân phải tạo mọi điều kiện thuận lợi để thanh tra viên khám bệnh, chữa bệnh làm tốt nhiệm vụ của mình.
2. Sở Y tế các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương có trách nhiệm kiểm tra định kỳ hay đột xuất các cơ sở hành nghề y tế tư nhân. Biên bản kiểm tra phải làm thành 2 bản và được lưu trữ riêng tại Sở Y tế và cơ sở hành nghề y tế tư nhân được kiểm tra.
Điều 11. – Xử lý các vi phạm.
Người nào hành nghề y tế tư nhân vi phạm các quy định của Quy chế này hoặc do thiếu sót về tinh thần trách nhiệm, về trình độ chuyên môn gây hậu quả xấu đến sức khoẻ và tính mạng người bệnh thì tuỳ theo mức độ nặng nhẹ và tính chất sai phạm sẽ bị xử lý cảnh cáo hành chính, bồi thường thiệt hại cho bệnh nhân, tước quyết định cho phép hành nghề, tước giấy phép đủ tiêu chuẩn hành nghề, đình chỉ tạm thời hoặc đình chỉ vĩnh viễn hoạt động của cơ sở hành nghề y tế tư nhân đó hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
CHƯƠNG V
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 12. –
1. Các cơ sở y tế và Hội đồng chuyên môn xét duyệt tiêu chuẩn hành nghề y tế tư nhân cùng cấp cần khuyến khích việc thực hiện bảo hiểm tiêm chủng, chăm sóc sức khoẻ toàn diện theo hợp đồng trên cơ sở thoả thuận, cần ưu tiên cho phép và hỗ trợ phương thức hoạt động quản lý sức khoẻ tại nhà hơn là mở phòng khám bệnh tư.
2. Tất cả các cơ sở hành nghề y tế tư nhân đã hoạt động trước khi Quy chế này có hiệu lực đều phải làm lại các thủ tục đăng ký xét duyệt và chỉ được phép hoạt động sau khi đã được cấp quyết định cho phép hành nghề mới.
Riêng các phòng chẩn trị y học dân tộc vẫn thực hiện theo Quy chế làm nghề chữa bệnh bằng phương pháp đông y ban hành theo Quyết định số 184-BYT/QĐ ngày 6-5-1975 và Điều lệ Phòng chẩn trị đông y ban hành theo Quyết định số 171-BYT/QĐ ngày 6-5-1974 của Bộ Y tế.
3. Bộ và các Sở Y tế phải có cán bộ chuyên trách theo dõi hoạt động hành nghề y tế tư nhân và có trách nhiệm thường xuyên hoặc định kỳ (6 tháng, 1 năm) báo cáo đầy đủ và chính xác danh sách và tình hình hoạt động của các cơ sở hành nghề y tế tư nhân thuộc địa phương quản lý về Bộ và Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố để theo dõi và nắm tình hình.
4. Quy chế này áp dụng trong phạm vi cả nước và có hiệu lực từ ngày ban hành.
Trong quá trình thực hiện, Bộ Y tế sẽ thu thập ý kiến đóng góp của nhân dân, của cơ sở, địa phương để sau năm năm tiến hành tổng kết kinh nghiệm và bổ sung Quy chế cho hoàn chỉnh.
Reviews
There are no reviews yet.