QUYẾT ĐỊNH
CỦA BỘ NỘI VỤ SỐ 5-QĐ/BNV NGÀY 12-2-1980 BAN HÀNH
ĐIỀU LỆ QUẢN LÝ NGHỀ CHỨA TRỌ
BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ
Căn cứ Pháp lệnh của Uỷ ban thường vụ Quốc hội ngày 20 tháng 7 năm 1962 quy định nhiệm vụ, quyền hạn của cảnh sát nhân dân;
Căn cứ thông tư số 348-TTg ngày 27/6/1978 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục xây dựng và cải tạo ngành kinh doanh khách sạn ở miền Nam theo hướng kinh doanh xã hội chủ nghĩa;
Để bảo đảm an toàn và phục vụ nhu cầu nghỉ trọ của cán bộ và nhân dân ; phục vụ việc tiếp đón khách của các cơ quan Nhà nước và các đoàn thể quần chúng, phục vụ nhu cầu tham quan du lịch cuả khách trong nước và nước ngoài v.v… để nâng cao trách nhiệm phục vụ của người làm nghề chứa trọ; đồng thời ngăn ngừa, phát hiện phần tử xấu lợi dụng cơ sở chứa trọ để hoạt động phi pháp góp phần giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Nay ban hành Điều lệ quản lý nghề chứa trọ kèm theo quyết định này.
Điều 2: Điều lệ này thay thế nghị định số 35-NĐCA ngày 14/2/1959 của Bộ Công an về đăng ký, quản lý nghề chứa trọ.
Điều 3: Điều lệ có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 4: Các đồng chí chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các đồng chí chánh văn phòng, cục trưởng, vụ trưởng… thuộc Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm thi hành điều lệ này.
ĐIỀU LỆ
QUẢN LÝ NGHỀ CHỨA TRỌ
(Ban hành kèm theo quyết định số 5-QĐ/BNV ngày 12/2/1980 của Bộ Nội vụ)
CHƯƠNG I
NGUYÊN TẮC CHUNG
Điều 1: Mọi tổ chức và cá nhân kinh doanh khách sạn chứa trọ hoặc dưới hình thức cho nghỉ trọ không thu tiền nhưng để làm nghề khác như cửa hàng ăn, giải khát, tràn ngựa… thuộc các khu vực quốc doanh, công tư hợp doanh, tập thể và cá thể đều chịu sự quản lý của cơ quan công an theo quy định của điều lệ này.
Điều 2: Người không có quốc tịch Việt Nam không được làm nghề chứa trọ tại nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
CHƯƠNG II
ĐIỀU KIỆN VÀ THỦ TỤC XIN PHÉP LÀM NGHỀ CHỨA TRỌ
Điều 3: Các tổ chức và cá nhân muốn làm nghề chứa trọ phải có đủ điều kiện sau:
1. Được cơ quan có thẩm quyền cho phép:
a. Đối với các cơ sở quốc doanh và công tư hợp doanh do trung ương trực tiếp quản lý thì phải có quyết định thành lập của Bộ chủ quản hoặc cơ quan ngang Bộ; nếu do địa phương trực tiếp quản lý thì phải có quyết định thành lập của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
b. Đối với các cơ sở tập thể và tư nhân phải có giấy của Uỷ ban nhân dân huyện hoặc cấp tương đương nơi đặt cơ sở chứa trọ cho phép.
2. Phải có những thiết bị, tiện nghi để phục vụ, bảo đảm an toàn, vệ sinh cho khác trọ như giường, chiếu, chăn, màn, ánh sáng, nơi vệ sinh, nơi cất giữ hành lý cho khách, dụng cụ phòng cháy, chữa cháy, v.v… theo quy định của cơ quan chủ quản và cơ quan y tế, công an, v.v…
3. Những người làm trong các cơ sở chứa trọ phải bảo đảm các tiêu chuẩn sau đây:
a. Là công dân lương thiện; có lịch sử rõ ràng; không có tiền án hoặc tiền sự về tội phản cách mạng; không có tiền án hoặc tiền sự về một số tội phạm khác như cướp của, giết người, trộm cắp, chủ chứa, buôn lậu, lừa đảo, oa trữ, tiêu thụ của gian v.v…
b. Nghiêm chỉnh chấp hành mọi chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước;
c. Không có bệnh truyền nhiễm;
d. Những người kinh doanh nghề chứa trọ tập thể và tư nhân phải là nhân khẩu thường trú trong phạm vi thị trấn, thị xã, huyện, khu phố, quận, thành phố thuộc tỉnh, nơi đặt cơ sở kinh doanh.
Điều 4: Thủ tục xin phép làm nghề chứa trọ.
1. Đối với các cơ sở tập thể và tư nhân:
a. Đơn xin phép làm nghề ghi rõ địa điểm và nội dung kinh doanh, họ và tên người phụ trách hoặc chủ cơ sở, số người phục vụ, tổ chức bộ máy, dự kiến ngày khai trương;
b. Bản thống kê phương tiện thiết bị của cơ sở;
c. Sơ đồ khu vực cơ sở chứa trọ, trình bày thấy được sự bố trí bên trong, kèm theo thuyết minh về phân loại phòng, mức chứa khách trọ…;
d. Danh sách những người làm trong cơ sở, mỗi người có bản lý lịch tự khai có xác nhận của Uỷ ban nhân dân cơ sở nơi thường trú và 2 ảnh cỡ 3 x 4 cm, mặt nhìn thẳng, không đội nón, mũ.
Mỗi loại giấy tờ kể trên lập thành hai bản, nộp cho Uỷ ban nhân dân huyện hoặc cấp tương đương nơi đặt cơ sở chứa trọ xét, khi được Uỷ ban nhân dân huyện hoặc cấp tương đương cấp giấy phép mới được hoạt động.
2. Cơ sở quốc doanh và công tư hợp doanh:
Sau khi được cơ quan có thẩm quyền ra quyết định thành lập và trước khi khai trương, cơ quan chủ quản trực tiếp quản lý cơ sở chứa trọ phải có văn bản trao đổi trước với cơ quan công an cùng cấp về địa điểm và nội dung kinh doanh, về tổ chức bộ máy, người phụ trách, số người phục vụ, về dự kiến ngày khai trương. Kèm theo sơ đồ khu vực cơ sở trình bày thấy được sự bố trí bên trong, có thuyết minh về quy mô, mức chứa khách trọ, phân loại phòng; thống kê thiết bị, tiện nghi và danh sách cán bộ, nhân viên phục vụ trong cơ sở.
CHƯƠNG III
NHỮNG QUY ĐỊNH KHI LÀM NGHỀ
Điều 5: Các cơ sở chứa trọ khi hoạt động phải:
1. Có biển hiện treo trước cửa, các tầng, lầu, phòng, giường đều phải đánh số theo đúng sơ đồ;
2. Có niêm yết bảng giá thuê trọ, nội quy của cơ sở chứa trọ. Những niên yết này phải được cơ quan cấp giấy phép hoặc cơ quan chủ quản duyệt và để ở nơi dễ thấy;
3. Nơi thường trực, buồng ngủ tập thể, hành lang, lối đi lại, nơi vệ sinh… phải có ánh sáng suốt đêm. Nếu là buồng ngủ tập thể, phải phân biệt buồng của nam riêng, nữ riêng;
4. Phải có người thường trực tiếp khách và trực suốt thời gian có khách trọ. Phải có sổ đăng ký khách trọ (mẫu do cơ quan công an hướng dẫn và làm thủ tục đăng ký tạm trú cho khách trọ hàng ngày. Sổ đăng ký khách trọ phải đăng ký tại cơ quan công an quản lý trước khi sử dụng, khi sử dụng hết phải đem nộp cho cơ quan công an quản lý và đăng ký dùng sổ mới.
Điều 6: Thủ tục trình báo tạm trú cho khách trọ như sau:
1. Mỗi khi có khách đến trọ, người thường trực của cơ sở chứa trọ xem xét giấy tờ tuỳ thân của khác, ghi vào sổ đăng ký khách trọ, viết phiếu báo nhân khẩu tạm trú từng khách trọ và làm thủ tục trình báo như sau:
a. Trước 23 giờ trong ngày, nếu có khách đến trọ, sau khi làm thủ tục kê khai, cơ sở chứa trọ phải cử người mang sổ đăng ký trọ, phiếu báo nhân khẩu tạm trú và giấy tờ tuỳ thân của khách đến đăng ký tạm trú tại các đồn công an sở tại. Nơi không có đồn công an thì trình báo với Uỷ ban nhân dân cơ sở.
b. Sau 23 giờ, nếu có khách đến thêm, cơ sở chứa trọ phải trình báo bổ sung kịp thời trước lúc khách đi.
c. Nếu có khách chỉ thuê buồng ban ngày, không kể thời gian dài, ngắn cơ sở chứa trọ phải làm đầy đủ thủ tục kê khai và tình báo tạm trú.
2. Ở các khách sạn, quán trọ có khách là người nước ngoài đến tạm trú thì việc kê khai và trình báo tạm trú như sau:
a. Đối với khách tham quan du lịch, kiều dân, lưu học sinh, chuyên gia là người nước ngoài thì người thường trực khách sạn, quán trọ phải yêu cầu khách (hoặc cán bộ Việt Nam, đối với khách có cán bộ Việt Nam đi hướng dẫn) xuất trình hộ chiếu hoặc giấy tờ thay hộ chiếu và giấy phép đi lại của khách, làm thủ tục kê khai tạm trú. Sau đó, người thường trực của khách sạn, quán trọ phải trình báo cho đồn, phường công an địa phương; nơi không có đồn, phường công an thì trình báo cho công an cấp quận, huyện.
b. Đối với khách của Đảng, Chính phủ, Quốc hội, các đoàn khách đặc biệt và những khách là người có thân phận ngoại giao, có quy định riêng.
Điều 7: Cơ sở chứa trọ khi cất giữ hành lý của khách phải có sổ ghi chép và có biên lai giao nhận cụ thể, nếu để mất mát, hư hỏng thì người chủ hoặc người phụ trách cơ sở chứa trọ phải có trách nhiệm bồi thường.
Nếu khác mang theo vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc… thì cơ sở chứa trọ yêu cầu khách xuất trình giấy phép sử dụng, vận chuyển, và gửi cơ sở chứa trọ coi giữ, không để khách đem theo vào buồng ngủ. Nếu khách không chấp hành, cơ sở chứa trọ có quyền từ chối không cho trọ.
Điều 8: Người phụ trách hoặc chủ cơ sở chứa trọ có trách nhiệm:
1. Bảo đảm an toàn cho khách trọ, giúp đỡ khi khách gặp tai nạn, săn sóc khi khách ốm đau, đề phòng dịch bệnh. Nếu khách để quên hành lý … cơ sở chứa trọ phải ghi vào sổ, bảo quản chu đáo và kịp thời báo cho cơ quan công an để tìm các trả lại cho khách.
2. Khi phát hiện có hành vi phạm pháp, có người hoặc hiện tượng nghi vấn thì người làm nghề trong cơ sở chứa trọ phải kịp thời báo cho cơ quan công an gần nhất biết và có trách nhiệm tham gia giải quyết.
3. Khi có cán bộ công an đến kiểm tra, người phụ trách hoặc chủ cơ sở chứa trọ có trách nhiệm hướng dẫn, tạo điều kiện giúp đỡ theo yêu cầu của cán bộ kiểm tra, không được gây cản trở khi cán bộ kiểm tra thi hành nhiệm vụ.
Điều 9: Cơ sở chứa trọ không được chứa quá số lượng người đã quy định. Trong những dịp lễ, tết, hội hè… nếu vì nhu cầu về khách trọ tăng lên, cơ sở chứa trọ phải được sự đồng ý của cơ quan công an và cơ quan quản lý kinh doanh mới được giải quyết cho khách trọ thêm.
Điều 10: Cơ sở chứa trọ của tập thể và tư nhân có những thay đổi như người phụ trách hoặc chủ cơ sở, thay đổi người phục vụ, cần báo cáo cho cơ quan công an xét duyệt lý lịch. Trường hợp đổi tên hiệu, làm thêm nghề khác, mở rộng hoặc thu hẹp phạm vi chứa trọ, thay đổi địa điểm… thì người phụ trách hoặc chủ cơ sở phải làm đơn xin phép cơ quan cấp giấy phép, sau khi được phép mới được thay đổi.
Cơ sở quốc doanh, công tư hợp doanh có những thay đổi như trên thì cơ quan chủ quản trực tiếp quản lý cơ sở đó phải có văn bản trao đổi trước với cơ quan công an cùng cấp.
CHƯƠNG IV
BIỆN PHÁP THỰC HIỆN
Điều 11: Trong thời hạn 30 ngày kể từ khi địa phương công bố điều lệ này,tất cả các tổ chức và cá nhân đang làm nghề chứa trọ phải làm đầy đủ các thủ tục quy định ở điều lệ này, trong khi chờ đợi cơ quan có thẩm quyền cho phép vẫn được tiếp tục hoạt động, nhưng phải nghiêm chỉnh tuân theo các quy định trong điều lệ này.
Điều 12: Những tổ chức, cá nhân nào thi hành nghiêm chỉnh những điều quy định trong điều lệ và có thành tích xuất sắc sẽ được khen thưởng.
Điều 13: Những tổ chức, cá nhân nào làm trái những điều quy định trong điều lệ này hoặc lợi dụng cơ sở chứa trọ để hoạt động phi pháp sẽ tuỳ theo lỗi nặng, nhẹ mà xử phạt như sau:
a. Cảnh cáo;
b. Phạt vi cảnh;
c. Phạt tiền theo thể lệ kinh doanh;
d. Đình chỉ kinh doanh, thu hồi giấy phép;
e. Truy tố trước toà án.
Điều 14: Việc sửa đổi điều lệ này do Bộ trưởng Bộ Nội vụ quyết định.
Reviews
There are no reviews yet.