BỘ TƯ PHÁP
———–
Số: 869/QĐ-BTP
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
————————-
Hà Nội, ngày 07 tháng 5 năm 2015
|
QUYẾT ĐỊNH
Ban hành Kế hoạch kiểm tra tình hình tổ chức và hoạt động của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, ngành Tư pháp năm 2015
—————–
BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP
Căn cứ Nghị định số 22/2013/NĐ-CP ngày 13 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;
Căn cứ Quyết định số 1294/QĐ-BNV ngày 03 tháng 12 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc phê duyệt Đề án xác định Chỉ số cải cách hành chính của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
Căn cứ Quyết định số 3405/QĐ-BTP ngày 19 tháng 12 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch cải cách hành chính của Bộ Tư pháp năm 2015;
Căn cứ Quyết định số 341/QĐ-BTP ngày 06 tháng 3 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp phê duyệt Kế hoạch công tác năm 2015 của Vụ Tổ chức cán bộ;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch kiểm tra tình hình tổ chức và hoạt động của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, ngành Tư pháp năm 2015.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, Giám đốc Sở Tư pháp, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
– Như Điều 3;
– Các Thứ trưởng;
– Văn phòng Đảng – Đoàn thể của Bộ;
– Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp;
– Lưu: VT, TCCB.
|
BỘ TRƯỞNG
(Đã ký)
Hà Hùng Cường
|
BỘ TƯ PHÁP
————
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
——————————
|
KẾ HOẠCH
Kiểm tra tình hình tổ chức và hoạt động của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, ngành Tư pháp năm 2015
(Ban hành kèm theo Quyết định số 869 /QĐ-BTP ngày 07 tháng 5 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp)
———————————
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
a) Kiểm tra tình hình tổ chức cán bộ và hoạt động của một số đơn vị thuộc Bộ, Ngành; đánh giá về những kết quả đã đạt được, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện;
b) Kiểm tra tình hình thực hiện các quy định về phân cấp quản lý nhà nước các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ; đánh giá những kết quả đã đạt được, những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các nhiệm vụ thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ đã phân cấp cho địa phương;
c) Đánh giá những nội dung phù hợp, chưa phù hợp trong các quy định của Chính phủ, Bộ Tư pháp về tổ chức bộ máy của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, Ngành, trên cơ sở đó, đề xuất giải pháp, định hướng sửa đổi, điều chỉnh trong nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIV;
d) Ghi nhận những đề xuất, kiến nghị từ các đơn vị thuộc Bộ, các cơ quan tư pháp, cơ quan thi hành án dân sự địa phương làm cơ sở cho việc tiếp tục hoàn thiện, đề xuất hoàn thiện các chủ trương, giải pháp để kiện toàn, củng cố tổ chức và hoạt động của các cơ quan, đơn vị nhằm góp phần cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước.
2. Yêu cầu
a) Việc kiểm tra, đánh giá được thực hiện một cách thực chất, toàn diện, nghiêm túc; đảm bảo tính khả thi, tiết kiệm và hiệu quả;
b) Nội dung kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, bám sát các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức, quy chế làm việc của Bộ và của các đơn vị thuộc Bộ, Ngành; các quy định về phân cấp quản lý nhà nước thuộc phạm vi quản lý của Bộ; các chương trình, kế hoạch cải cách hành chính;
c) Bảm bảo sự phối hợp chặt chẽ và xác định rõ trách nhiệm giữa các cơ quan, đơn vị trong kiểm tra.
II. NỘI DUNG
1. Kiểm tra tình hình tổ chức và hoạt động của các đơn vị thuộc Bộ
1.1. Nội dung kiểm tra
Việc kiểm tra tình hình tổ chức và hoạt động của các đơn vị trong năm 2015 tập trung vào các nội dung sau:
a) Tình hình tổ chức cán bộ của đơn vị:
– Thực trạng cơ cấu tổ chức, biên chế của đơn vị; đánh giá sự phù hợp và chưa phù hợp về cơ cấu tổ chức, số lượng biên chế; tình hình bố trí, sắp xếp vị trí công việc;
– Tình hình ban hành và thực hiện quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các tổ chức trực thuộc đơn vị; đánh giá hoạt động cấp phòng, việc phân công nhiệm vụ giữa các tổ chức trực thuộc đơn vị; vai trò quản lý, điều hành và mối quan hệ công tác giữa Lãnh đạo đơn vị và các tổ chức trực thuộc đơn vị;
– Tình hình thực hiện công tác tổ chức cán bộ tại đơn vị trong giai đoạn từ 01/01/2014 đến ngày 31/3/2015 (tuyển dụng; đánh giá công chức, viên chức; phân bổ biên chế; quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo; luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác; tình hình thực hiện phân cấp quản lý cán bộ đối với đơn vị sự nghiệp), những vướng mắc, khó khăn trong triển khai thực hiện.
b) Tình hình hoạt động của đơn vị:
– Đánh giá những kết quả đạt được, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đơn vị;
– Tình hình ban hành và thực hiện Quy chế làm việc của đơn vị;
– Tình hình thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các đơn vị sự nghiệp.
c) Những đề xuất, kiến nghị của đơn vị trong việc kiện toàn, củng cố tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động; đề xuất cụ thể việc kiện toàn, điều chỉnh cơ cấu tổ chức của Bộ trong cơ cấu tổ chức Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021.
1.2. Đối tượng kiểm tra:
Thực hiện kiểm tra 30% tổng số đơn vị thuộc Bộ theo Quyết định số 1294/QĐ-BNV ngày 03/12/2012 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, cụ thể là:
– Vụ Pháp luật quốc tế;
– Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật;
– Vụ Kế hoạch – Tài chính;
– Cục Bổ trợ tư pháp;
– Cục Công nghệ thông tin;
– Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật;
– Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực;
– Viện Khoa học pháp lý;
– Báo Pháp luật Việt Nam;
– Học viện Tư pháp;
– Trường Đại học Luật Hà Nội.
1.3. Thành phần làm việc
a) Đoàn kiểm tra
Thành phần Đoàn kiểm tra bao gồm:
– Lãnh đạo Vụ Tổ chức cán bộ – Trưởng đoàn;
– Lãnh đạo Văn phòng Bộ;
– Lãnh đạo Vụ Kế hoạch – Tài chính;
– Chuyên viên Vụ Tổ chức cán bộ và các đơn vị có liên quan.
b) Thành phần làm việc với Đoàn kiểm tra
– Lãnh đạo đơn vị;
– Cấp uỷ và người đứng đầu các tổ chức chính trị – xã hội của đơn vị;
– Lãnh đạo các Phòng thuộc đơn vị;
– Đại diện Phòng hoặc chuyên viên phụ trách công tác tổ chức cán bộ.
1.4. Hình thức và thời gian kiểm tra
Đoàn kiểm tra làm việc trực tiếp với các đơn vị được kiểm tra hoặc phối hợp trong quá trình thực hiện thanh tra của Bộ Nội vụ theo quy định. Lịch kiểm tra cụ thể sẽ được thông báo đến từng đơn vị được kiểm tra (dự kiến trong thời gian: Từ tháng 5 đến tháng 6/2015 theo Phụ lục kèm theo Kế hoạch này).
2. Kiểm tra tình hình tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp và cơ quan thi hành án dân sự địa phương
2.1. Nội dung kiểm tra
– Tình hình triển khai, thực hiện chức năng, nhiệm vụ và kiện toàn cơ cấu tổ chức của các cơ quan tư pháp địa phương theo hướng dẫn của Thông tư liên tịch số 23/2014/TTLT-BTP-BNV;
– Tình hình thực hiện các quy định về phân cấp quản lý nhà nước các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ; đánh giá những kết quả, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân trong việc thực hiện các nhiệm vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ đã phân cấp cho cơ quan tư pháp địa phương;
– Kiểm tra việc bố trí Lãnh đạo Sở, cán bộ, công chức Phòng Tư pháp cấp huyện và công chức Tư pháp – Hộ tịch cấp xã tại địa phương; tình hình đội ngũ công chức Tư pháp – Hộ tịch cấp xã, bao gồm công chức Tư pháp – Hộ tịch và cán bộ hợp đồng hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ (tập trung kiểm tra, đánh giá về số lượng, tiêu chuẩn, trình độ, chất lượng, nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức Tư pháp – Hộ tịch cấp xã tại các địa phương);
– Kiểm tra tình hình tổ chức và hoạt động của các cơ quan thi hành án dân sự địa phương (đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ, số lượng, trình độ, chất lượng, nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ thi hành án dân sự);
– Những đề xuất, kiến nghị trong việc hoàn thiện các quy định về phân cấp quản lý nhà nước các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ, các điều kiện đảm bảo cho các cơ quan tư pháp và cơ quan thi hành án dân sự địa phương thực hiện nhiệm vụ có hiệu quả.
2.2. Đối tượng kiểm tra
– Sở Tư pháp và Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội;
– Sở Tư pháp và Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bắc Giang;
– Sở Tư pháp và Cục Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ninh;
– Sở Tư pháp và Cục Thi hành án dân sự tỉnh Nam Định;
– Sở Tư pháp và Cục Thi hành án dân sự tỉnh Ninh Bình;
– Sở Tư pháp và Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bình Định;
– Sở Tư pháp và Cục Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ngãi;
– Sở Tư pháp và Cục Thi hành án dân sự tỉnh Kiên Giang;
– Sở Tư pháp và Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bạc Liêu;
– Sở Tư pháp và Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bình Dương;
– Sở Tư pháp và Cục Thi hành án dân sự tỉnh Tây Ninh.
2.3. Thành phần làm việc
a) Đoàn kiểm tra
Thành phần Đoàn kiểm tra bao gồm:
– Lãnh đạo Bộ Tư pháp phụ trách chỉ đạo công tác tư pháp của các tỉnh, thành phố được kiểm tra – Trưởng đoàn;
– Đại diện Bộ Nội vụ;
– Lãnh đạo Vụ Tổ chức cán bộ;
– Lãnh đạo Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực;
– Lãnh đạo Cục Bổ trợ tư pháp;
– Đại diện Lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự;
– Đại diện Cục Công tác phía Nam (đối với đoàn kiểm tra các tỉnh miền Nam);
– Chuyên viên Vụ Tổ chức cán bộ.
b) Thành phần làm việc với Đoàn kiểm tra
* Đối với Sở Tư pháp:
– Lãnh đạo Sở;
– Lãnh đạo các đơn vị, tổ chức thuộc Sở;
– Lãnh đạo một số cơ quan tư pháp cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã;
– Sở Tư pháp mời đại diện Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, Lãnh đạo Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố và Sở Nội vụ tham gia.
* Đối với Cục Thi hành án dân sự:
– Lãnh đạo Cục;
– Lãnh đạo các đơn vị, tổ chức thuộc Cục;
– Lãnh đạo một số Chi cục Thi hành án dân sự.
2.4. Hình thức và thời gian kiểm tra
Đoàn kiểm tra làm việc trực tiếp tại các Sở Tư pháp và Cục Thi hành án dân sự được kiểm tra trong thời gian mỗi đơn vị 01 buổi. Lịch kiểm tra cụ thể được quyết định trên cơ sở thống nhất thời gian giữa Bộ Tư pháp và các tỉnh được kiểm tra (dự kiến từ tháng 6/2015 đến tháng 7/2015 theo Phụ lục kèm theo Kế hoạch này).
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Vụ Tổ chức cán bộ có trách nhiệm:
– Chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ triển khai thực hiện Kế hoạch này; kịp thời báo cáo Lãnh đạo Bộ về những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch.
– Chủ trì chuẩn bị nội dung, tổ chức Đoàn kiểm tra; tổng hợp kết quả kiểm tra báo cáo Lãnh đạo Bộ và thông báo cho các cơ quan, đơn vị được kiểm tra.
2. Các cơ quan, đơn vị được kiểm tra có trách nhiệm:
– Các đơn vị thuộc Bộ được kiểm tra phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ để chuẩn bị nội dung, chương trình làm việc, bố trí thành phần làm việc với Đoàn kiểm tra; chuẩn bị báo cáo đánh giá về tình hình tổ chức và hoạt động của đơn vị theo nội dung đã nêu tại mục 1.1 phần II trong Kế hoạch, gửi về Vụ Tổ chức cán bộ trước ít nhất 7 ngày làm việc kể từ ngày kiểm tra theo thông báo lịch kiểm tra đối với từng đơn vị.
– Sở Tư pháp, Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố được kiểm tra phối hợp với Sở Nội vụ, các cơ quan, đơn vị tại địa phương và Vụ Tổ chức cán bộ Bộ Tư pháp để chuẩn bị nội dung, chương trình làm việc, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố; mời các thành phần tham gia làm việc với Đoàn kiểm tra tại địa phương; chuẩn bị báo cáo đánh giá theo nội dung đã nêu tại mục 2.1 phần II và gửi về Bộ Tư pháp (qua Vụ Tổ chức cán bộ) trước ngày 30 tháng 5 năm 2015 để phục vụ việc kiểm tra.
3. Các đơn vị thuộc Bộ có liên quan có trách nhiệm:
– Các đơn vị thuộc thành phần đoàn kiểm tra bố trí công chức tham gia đoàn kiểm tra, phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ chuẩn bị nội dung, chương trình làm việc, tổng hợp kết quả kiểm tra báo cáo Lãnh đạo Bộ.
– Vụ Kế hoạch – Tài chính, Văn phòng Bộ phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ bảo đảm các điều kiện, cơ sở vật chất để thực hiện các nội dung công việc theo Kế hoạch đã đề ra./.
BỘ TRƯỞNG
(Đã ký)
Hà Hùng Cường
|
Reviews
There are no reviews yet.