ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI ——–———- Số: 710/QĐ-UBND
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc —————- Hà Nội, ngày 01 tháng 02 năm 2013
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT “QUY HOẠCH BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN RỪNG
THÀNH PHỐ HÀ NỘI, GIAI ĐOẠN 2012-2020”
———————
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004; Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03/3/2006 của Chính phủ về thi hành Luật bảo vệ và phát triển rừng;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ sửa đổi một số điều của Nghị định 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006;
Căn cứ Quyết định số 222/QĐ-TTg ngày 22/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 1081/QĐ-TTg ngày 06/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung Xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 17/2012/QĐ-UBND ngày 09/7/2012 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội về việc phê duyệt quy hoạch phát triển Nông nghiệp thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng 2030;
Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 252/TTr-SNN ngày 11/12/2012 về việc phê duyệt Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng Thành phố Hà Nội giai đoạn 2012-2020; Văn bản số 1214/BC-KHĐT ngày 26 tháng 12 năm 2012 của Sở Kế hoạch và Đầu tư về việc phê duyệt Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng Thành phố Hà Nội giai đoạn 2012-2020,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1.Phê duyệt “Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng Thành phố Hà Nội, giai đoạn 2012-2020”, với các nội dung cơ bản sau đây:
1. Quan điểm phát triển:
Bảo vệ và phát triển rừng Hà Nội phải gắn với phát triển toàn diện và bền vững của các ngành kinh tế và phát triển tổng thể kinh tế xã hội của Thủ đô.
Bảo vệ rừng tự nhiên hiện có; làm giàu rừng đối với đối tượng rừng nghèo; khoanh nuôi tái sinh phục hồi rừng đối với đối tượng cây gỗ rải rác còn tính chất đất rừng để bảo tồn các nguồn gen động thực vật rừng quý hiếm, bảo tồn đa dạng sinh học và phát huy chức năng phòng hộ của rừng.
Cải tạo, nâng cao chất lượng rừng trồng (đặc biệt là rừng phòng hộ), từ rừng thuần loại nghèo, đơn tầng thành rừng hỗn giao nhiều loài cây đa mục đích có giá trị kinh tế, phòng hộ môi trường cảnh quan cao, phát triển bền vững;
Phát triển rừng kinh tế sinh thái gắn liền với rừng đa mục đích, để rừng vừa cho nhiều sản phẩm kinh tế, làm đẹp cảnh quan góp phần phát triển du lịch…
Thực hiện xã hội hóa bảo vệ và phát triển rừng; giao đất, giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp lâu dài; khoán và cho thuê rừng cho các tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân…để thu hút các nguồn đầu tư cho bảo vệ và phát triển rừng theo quy hoạch;
Đẩy nhanh chuyển giao kỹ thuật và ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến cho các chủ rừng trong chọn, tạo giống cây trồng có chất lượng cao; phát triển trang trại rừng kết hợp phát triển du lịch sinh thái; dịch vụ môi trường rừng.
1. Mục tiêu đến năm 2020
1.1. Mục tiêu chung
Thiết lập, quản lý, bảo vệ phát triển bền vững 26.621 ha đất và rừng được quy hoạch cho 03 loại rừng. Điều chỉnh kịp thời những bất hợp lý quy hoạch cho 3 loại rừng; đẩy mạnh việc giao rừng, giao đất lâm nghiệp ổn định, lâu dài cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, đảm bảo tất cả diện tích rừng đều có chủ thể quản lý cụ thể.
Bảo vệ nguồn nước và môi trường sinh thái, góp phần tạo ra môi trường sinh thái bền vững, là “lá phổi xanh” cho Thành phố; phát huy tốt chức năng phòng hộ bảo vệ môi trường, chống xói mòn, cung cấp, điều tiết nguồn nước; tạo cảnh quan môi trường phát triển du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, nghỉ ngơi cuối tuần…
Tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng cao, có giá trị kinh tế đặc biệt từ kinh tế đồi rừng, cung cấp nguyên liệu phục vụ các ngành nghề truyền thống và các lâm đặc sản; góp phần nâng cao đời sống của nhân dân vùng đồi núi, phát triển kinh tế xã hội.
Đẩy mạnh xã hội hóa và đa dạng hóa công tác bảo vệ và phát triển rừng; thu hút lao động, tạo công ăn việc làm, góp phần nâng cao đời sống của nhân dân vùng đồi núi, góp phần giữ vững an ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội vùng đồi núi và thành phố.
1.2. Mục tiêu cụ thể
Nâng tỷ lệ che phủ của rừng lên 7,5 %. Thu nhập 1 ha đất lâm nghiệp đạt 40-60 triệu đồng/ha/năm.
Tạo công ăn việc làm hàng năm từ 10.000 – 15.000 lao động.
Khoanh nuôi tái sinh có trồng bổ sung: 406 ha. Nâng cấp rừng trồng trong rừng phòng hộ: 1.561 ha. Làm giầu rừng tự nhiên nghèo kiệt: 315 ha
Trồng rừng: 6.453 ha, trong đó: Trồng trên đất trống: 1.57 ha, trên rừng cải tạo: 270 ha; trồng lại rừng sau khai thác: 4.671 ha. Trồng cây phân tán trên 10 triệu cây
Hoàn thành giao đất lâm nghiệp, gắn với giao rừng, cho thuê rừng 20.383 ha. Hoàn thành việc cắm mốc ranh giới 3 loại rừng.
3. Nội dung quy hoạch
3.1. Quy hoạch rừng và đất lâm nghiệp
Tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp đến năm 2020 là 26.621 ha, trong đó: Diện tích đất có rừng 25.217 ha, diện tích đất chưa có rừng 1.404 ha.
Diện tích phân theo 3 loại rừng: Rừng đặc dụng: 11.143 ha, rừng Phòng hộ 8.970 ha, rừng sản xuất: 6.508 ha.
3.2. Bảo vệ rừng:
Bảo vệ 24.564 ha, bao gồm diện tích rừng hiện có, diện tích núi đá có cây và diện tích phát triển mới hết thời kỳ xây dựng cơ bản.
3.3. Phát triển rừng:
Khoanh nuôi 406 ha, trong đó rừng phòng hộ 252 ha, rừng sản xuất 154 ha.
Làm giàu rừng: 315 ha trong đó rừng phòng hộ 308 ha, rừng sản xuất 7 ha.
Nâng cấp rừng: 1.561 ha rừng phòng hộ, đối tượng rừng trồng Bạch đàn, Keo đã đến tuổi khai thác hoặc mật độ không đảm bảo.
Trồng rừng: 6.453 ha, bao gồm trên đất trống 1.512 ha; trên đất cải tạo rừng 270 ha và trồng lại sau khai thác 4,671 ha (chủ yếu là rừng sản xuất).
Khai thác rừng: 4.671 ha rừng sản xuất và 27 ha rừng tre nứa trong rừng phòng hộ.
Các hoạt động khác:
Xây dựng vườn, trại rừng và trồng cây phân tán: 500 ha.
Trồng cây phân tán: 1 triệu cây/năm, tương đương 1.000 ha.
Xây dựng vườn ươm: 4 vườn, quy mô mỗi vườn từ 300–500 ngàn cây/năm.
Xây dựng rừng giống: Diện tích 16 ha gồm 4 khu, mỗi khu diện tích từ 3–5 ha.
3.4. Xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng
Tổ chức thực hiện đóng mốc 3 loại rừng. Xây dựng trạm bảo vệ rừng, chòi canh rừng, hệ thống đường băng cản lửa, hồ, bể chứa nước phục vụ chữa cháy rừng.
Xây dựng đường lâm nghiệp phục vụ chữa cháy rừng, bảo vệ rừng kết hợp tham quan du lịch.
5. Giải pháp thực hiện:
1. Giải pháp về tổ chức quản lý và tổ chức sản xuất
Xây dựng hệ thống văn bản về quản lý bảo vệ và phát triển rừng đặc thù của Thành phố. Hoàn thành công tác giao đất, giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp lâu dài cho các chủ quản lý.
Kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về lâm nghiệp trên địa bàn thành phố; củng cố và tăng cường hệ thống quản lý nhà nước về lâm nghiệp đến cấp thị xã, huyện, phường, xã theo hướng nâng cao hiệu lực, hiệu quả, phát huy vai trò của chính quyền cơ sở.
Đổi mới cơ chế quản lý rừng theo hướng cho phép tổ chức các hoạt động dịch vụ như: dịch vụ cho thuê môi trường rừng; dịch vụ khoa học kỹ thuật…
2. Về khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo và khuyến lâm
Ứng dụng công nghệ tin học, GIS, viễn thám vào công tác quản lý bảo vệ rừng, theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp, cảnh báo và theo dõi phòng cháy, chữa cháy rừng
Xây dựng và tổ chức thực hiện quy trình giám sát và điều tra đa dạng sinh học tại Vườn quốc gia Ba Vì và khu di tích lịch sử văn hóa Hương Sơn.
Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ phòng cháy, chữa cháy rừng; xây dựng và tổ chức thực hiện các quy trình, quy phạm kỹ thuật phòng cháy, chữa cháy rừng.
Ứng dụng khoa học công nghệ mô, hom trong tạo giống cây trồng lâm nghiệp, đặc sản…
Nghiên cứu phát triển rừng của Hà Nội theo 2 hướng chính là cải tạo giống cây rừng (mô hình rừng) và các biện pháp lâm sinh phù hợp để không chỉ nhằm tăng năng suất, chất lượng, mà còn gia tăng các giá trị bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học của rừng và phục vụ phát triển du lịch.
Nghiên cứu, khảo nghiệm, chọn lọc và bổ sung tập đoàn cây trồng phù hợp với điều kiện sinh thái của Thành phố. Xây dựng các mô hình khoanh nuôi tái sinh có trồng bổ sung; làm giầu rừng, nâng cấp rừng cho rừng đặc dụng và rừng phòng hộ; xây dựng mô hình trồng rừng phòng hộ, trồng rừng sản xuất, các mô hình nông, lâm, thủy sản trong các trang trại rừng; nghiên cứu tuyển chọn các loài loại cây trồng, vật nuôi đa mục đích.
3. Giải pháp về đất đai
Rà soát lại quỹ đất lâm nghiệp, thu hồi diện tích đất đã được giao nhưng chưa sử dụng đúng đối tượng và sử dụng không đúng mục đích, tiến hành giao lại cho các thành phần kinh tế khác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng theo Luật định.
Tăng cường phân cấp quản lý Nhà nước về rừng cho chính quyền cấp huyện và xã. Công khai quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng
4. Giải pháp về vốn
Tổng nhu cầu vốn thực hiện quy hoạch khoảng là: 1.500 tỷ đồng, nguồn vốn khai thác từ nguồn ngân sách, vốn xã hội hóa.
Nguồn ngân sách Nhà nước chủ yếu dùng các hoạt động bảo vệ, phát triển rừng đặc dụng và rừng phòng hộ, bảo tồn động thực vật quý hiếm. Hỗ trợ trực tiếp cho phát triển rừng sản xuất, trồng cây gỗ quý, hiếm; các cơ sở chế biến lâm sản từ rừng.
Đối với nguồn xã hội hóa cần tạo mọi điều kiện thông thoáng để thu hút, kêu gọi các nguồn vốn từ các cá nhân trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế đầu tư kinh doanh rừng, đặc biệt từ nguồn vốn ODA, FDI…
Huy động mọi nguồn lực trong dân, các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư trực tiếp bảo vệ và phát triển rừng… và lồng ghép các nguồn vốn của các Chương trình khác trên địa bàn.
5. Về phát triển nguồn nhân lực
Đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật, quản lý rừng cho các địa phương, đảm bảo cán bộ lâm nghiệp phải được đào tạo, tập huấn về khuyến lâm, ưu tiên đào tạo người dân địa phương.
Phối hợp với các trường học, thông qua các buổi ngoại khóa, giáo dục ý thức bảo vệ rừng, đưa nội dung khuyến lâm, khuyến nông đến tất cả các cấp học phổ thông.
Thành lập các hội làm vườn, làm rừng, từ đó chuyển giao tiến bộ kỹ thuật tới các hộ gia đình.
6. Hợp tác quốc tế
Thực hiện thông tin, quảng bá về giá trị vai trò của rừng Hà Nội đối với các khu di tích lịch sử văn hoá, danh lam thắng cảnh.., giới thiệu về đa dạng sinh học, các nguồn gen động, thực vật rừng quý hiếm của rừng Hà Nội…với các nước trong khu vực và thế giới.
Tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế để tìm kiếm các hỗ trợ về khoa học công nghệ, về tài chính… trong bảo tồn, bảo vệ và phát triển rừng.
Thực hiện các chương trình thích ứng và giảm nhẹ sự tác động của biến đổi khí hậu.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Sở Nông nghiệp và PTNT
– Hoàn thiện hồ sơ, nghiệm thu sản phẩm dự án theo đúng đề cương đã được UBND Thành phố phê duyệt. Tổ chức công bố quy hoạch.
– Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện quy hoạch
2. Các Sở, ngành liên quan: Căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch
3. UBND các huyện, thị xã có rừng:
– Chủ động, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT và các Sở, ngành xây dựng, thực hiện kế hoạch, dự án bảo vệ và phát triển rừng và phòng cháy chữa cháy cho từng giai đoạn và hàng năm của địa phương.
– Chỉ đạo, hướng dẫn UBND các xã, phường có rừng thực hiện Kế hoạch, dự án bảo vệ và phát triển rừng và phòng cháy chữa cháy cho từng giai đoạn và hàng năm.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng UBND Thành phố, Giám đốc các Sở, ban, ngành của Thành phố; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã; Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
– Như điều 3; – Các Bộ: NN&PTNT; – Thường trực Thành ủy; – Thường trực HĐND Thành phố; – Đồng chí Chủ tịch UBND TP (để báo cáo); – Các PCT UBND Thành phố; – CVP, các PVP UBND TP; – Các phòng chuyên viên NCTH VP UBNDTP; – Lưu VT, NNNT. |
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH PHÓ CHỦ TỊCH Trần Xuân Việt |
PHỤ LỤC
DANH MỤC CÁC DỰ ÁN ƯU TIÊN ĐẦU TƯ
(Kèm theo Quyết định số 710/QĐ-UBND ngày 01 tháng 02 năm 2013 của UBND thành phố Hà Nội về việc phê duyệt “Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng Thành phố Hà Nội, giai đoạn 2012-2020”)
(Kèm theo Quyết định số 710/QĐ-UBND ngày 01 tháng 02 năm 2013 của UBND thành phố Hà Nội về việc phê duyệt “Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng Thành phố Hà Nội, giai đoạn 2012-2020”)
1. Dự án rà soát lại giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn thành phố.
2. Dự án nâng cao năng lực PCCCR trên địa bàn 3 huyện, thị trọng điểm: Ba Vì, Mỹ Đức và Thị xã Sơn Tây.
3. Dự án đóng mốc giới 3 loại rừng của thành phố.
4. Dự án phát triển giống cây lâm nghiệp
5. Dự án nâng cấp rừng PHBVMT thành phố.
6. Dự án xây dựng trạm bảo vệ rừng
7. Dự án xây dựng trang trại rừng và trồng cây phân tán
8. Dự án làm giầu rừng tự nhiên nghèo kiệt
9. Dự án trồng rừng trên đất trống đồi trọc chưa có rừng và diện tích trồng lại rừng sau khai thác
10. Đề án xây dựng chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng thành phố Hà Nội.
Reviews
There are no reviews yet.