Bạn đang tìm kiếm :
VĂN BẢN PHÁP LUẬT

" Tất cả từ khóa "

Hệ thống tìm kiếm được các Văn Bản liên quan sau :

107.900 CÔNG VĂN (Xem & Tra cứu Công văn)
15.640 TIÊU CHUẨN VIỆT NAM (Xem & Tra cứu)

Quyết định 42/2002/QĐ-BCN của Bộ Công nghiệp về việc ban hành Quy định kiểm tra cung ứng, sử dụng điện và xử lý vi phạm hợp đồng mua bán điện

QUYẾT ĐỊNH

CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG NGHIỆP SỐ 42/2002/QĐ-BCN
NGÀY 9 THÁNG 10 NĂM 2002 VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH
KIỂM TRA CUNG ỨNG, SỬ DỤNG ĐIỆN VÀ XỬ LÝ VI PHẠM
HỢP ĐỒNG MUA BÁN ĐIỆN

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG NGHIỆP

– Căn cứ Bộ luật Dân sự ngày 28 tháng 10 năm 1995;

– Căn cứ Nghị định số 74/CP ngày 01 tháng 11 năm 1995 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy Bộ Công nghiệp;

– Căn cứ Nghị định số 45/2001/CP ngày 02 tháng 8 năm 2001 của Chính phủ về hoạt động điện lực và sử dụng điện;

– Căn cứ Nghị định số 17/HĐBT ngày 16 tháng 1 năm 1993 của Hội đồng bộ trưởng quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh hợp đồng kinh tế.

Theo đề nghị của Cục trưởng cục kiểm tra, giám sát kỹ thuật an toàn công nghiệp.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: Ban hành kèm theo quyết định này “Quy định kiểm tra cung ứng, sử dụng điện và xử lý vi phạm hợp đồng mua bán điện”.

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định 96/NL-GSĐN ngày 26 tháng 01 năm 1988 của Bộ trưởng Bộ Năng lượng ban hành “Quy trình xử lý vi phạm sử dụng điện” và Quyết định số 06/NL-GSĐN ngày 08 tháng 01 năm 1990 của Bộ trưởng Bộ Năng lượng ban hành “Quy trình xử lý vi phạm cung ứng điện”.

Các quy định trước đây trái với quyết định này đều bãi bỏ.

Điều 3: Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Tổng Công ty Điện lực Việt Nam, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.


QUY ĐỊNH

KIỂM TRA CUNG ỨNG, SỬ DỤNG ĐIỆN VÀ XỬ LÝ VI PHẠM
HỢP ĐỒNG MUA BÁN ĐIỆN

(Ban hành kèm theo quyết định số 12/2002/QĐ-BCN
ngày 9-10-2002 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp).

CHƯƠNG I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1: Phạm vi, đối tượng điều chỉnh

Quy định này quy định trình tự, thủ tục kiểm tra cung ứng, sử dụng điện và xử lý vi phạm hợp đồng mua bán điện áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân tham gia cung ứng và sử dụng điện.

Điều 2: Quyền kiểm tra cung ứng, sử dụng điện

1- Thanh tra viên điện lực, kiểm tra viên điện lực của các cơ quan quản lý Nhà nước về điện có quyền kiểm tra cung ứng, sử dụng điện.

2- Kiểm tra viên điện lực của các doanh nghiệp kinh doanh bán điện có quyền kiểm tra sử dụng điện.

Điều 3: Hội đồng xử lý vi phạm cung ứng và sử dụng điện

1- Hội đồng xử lý vi phạm cung ứng và sử dụng điện (sau đây gọi là Hội đồng) do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là tỉnh) ra quyết định thành lập theo đề nghị của Giám đốc Sở Công nghiệp.

2- Hội đồng có trách nhiệm giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán điện khi hai bên ký kết hợp đồng không tự giải quyết được nhưng chưa cần đưa ra cơ quan tài phán và trong hợp đồng mua bán điện có thoả thuận yêu cầu Hội đồng giải quyết khi có tranh chấp. Hội đồng thực hiện các nhiệm vụ: thụ lý hồ sơ, tổ chức kiểm tra, yêu cầu thanh tra (nếu cần) và ra kết luận xử lý vi phạm hợp đồng mua bán điện; giải quyết khiếu nại; chuyển hồ sơ cho cơ quan chức năng giải quyết theo thẩm quyền nếu phát hiện hành vi vi phạm có dấu hiệu vi phạm hành chính hoặc dấu hiệu tội phạm.

3- Thành phần của Hội đồng bao gồm:

a) Chủ tịch Hội đồng lãnh đạo Sở công nghiệp.

b) Các uỷ viên Hội đồng gồm có:

– Trưởng phòng quản lý điện Sở công nghiệp hoặc cán bộ chuyên trách về điện thuộc Sở công nghiệp là uỷ viên thường trực.

– Chánh thanh tra hoặc Thanh tra viên điện lực Sở Công nghiệp là Uỷ viên.

– Các uỷ viên khác là đại diện cơ quan quản lý Nhà nước về giá, về đo lường, đại diện cơ quan tư pháp, đại diện Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng do Chủ tịch Hội đồng mời tham gia tuỳ theo tình hình thực tế của từng địa phương và từng vụ việc cụ thể.

4- Chủ tịch Hội đồng sử dụng bộ máy chuyên môn của Sở công nghiệp giúp việc cho Hội đồng và được phép sử dụng con dấu của Sở công nghiệp.

Điều 4: Giải thích từ ngữ

Trong quy định này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1- Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan mà bên vi phạm không thể kiểm soát được, không thể lường trước được và không thể tránh được, mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết trong khả năng cho phép. Sự kiện bất khả kháng bao gồm mưa, giông, bão, lốc, lụt, sấm sét, hạn hán, động đất, chiến tranh, phá hoại và cáctrường hợp khác theo quy định của pháp luật.

2- Trộm cắp điện quả tang là hành vi trộm cắp điện bị phát hiện khi đang thực hiện với chứng cứ rõ ràng (hiện trường, tang vật phạm pháp).

CHƯƠNG II
KIỂM TRA VIÊN ĐIỆN LỰC

Điều 5: Nhiệm vụ và quyền hạn của Kiểm tra viên điện lực Bộ Công nghiệp

Kiểm tra viên điện lực Bộ Công nghiệp thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn cho các cơ quan có thẩm quyền giao, bao gồm:

1- Kiểm tra việc thực hiện các quy định của Nhà nước về cung ứng và sử dụng điện trong phạm vi cả nước.

2- Kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của các Kiểm tra viên điện lực Sở công nghiệp và Kiểm tra viên điện lực của doanh nghiệp kinh doanh bán điện.

3- Kiểm tra bên cung ứng điện về việc thực hiện các quy định của Nhà nước về giá điện, cung ứng điện an toàn, ổn định, đảm bảo số lượng và chất lượng điện cho bên mua điện.

4- Kiểm tra vên sử dụng điện về việc thực hiện các quy định của Nhà nước về giá điện, sử dụng điện hợp pháp, an toàn, tiết kiệm, hiệu quả.

5- Yêu cầu bên cung ứng hoặc bên sử dụng điện cho ngừng vận hành các thiết bị không đảm bảo an toàn, không đảm bảo kỹ thuật và cho cắt ngay các thiết bị điện đang vận hành khi phát hiện có nguy cơ đe doạ gây sự cố, hoả hoạn hoặc nguy hiểm tính mạng con người.

6- Yêu cầu tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin cần thiết phục vụ cho công tác kiểm tra, xử lý.

7- Lập biên bản kiểm tra cung ứng điện hoặc biên bản kiểm tra sử dụng điện (sau đây gọi chung là biên bản kiểm tra) khi tiến hành kiểm tra tổ chức, cá nhân cung ứng hoặc sử dụng điện và chuyển tới cơ quan chức năng theo quy định tại Điều 31 của quy định này.

8- Phối hợp với cơ quan liên quan xác minh, lập biên bản, kiến nghị giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo về cung ứng, sử dụng điện.

Điều 6: Nhiệm vụ và quyền hạn của kiểm tra viên điện lực Sở công nghiệp.

Kiểm tra viên điện lực Sở công nghiệp thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn do các cơ quan có thẩm quyền giao, bao gồm:

1- Kiểm tra việc thực hiện các quy định của Nhà nước về cung ứng và sử dụng điện trên địa ban quản lý của mình.

2- Kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của các kiểm tra viên điện lực của doanh nghiệp kinh doanh bán điện hoạt động trên địa bàn tỉnh.

3- Kiểm tra bên cung ứng điện về việc thực hiện các quy định của Nhà nước về giá điện, về cung ứng điện an toàn, ổn định, đảm bảo số lượng và chất lượng điện cho bên mua điện.

4- Kiểm tra bên sử dụng điện về việc thực hiện các quy định của Nhà nước về giá điện, sử dụng điện hợp pháp, an toàn, tiết kiệm, hiệu quả.

5- Yêu cầu bên cung ứng hoặc bên sử dụng điện cho ngừng vận hành các thiết bị không đảm bảo an toàn, không đảm bảo kỹ thuật và cho cắt ngay các thiết bị điện đang vận hành khi phát hiện nguy cơ đe doạ gây sự cố, hoả hoạn hoặc nguy hiểm tính mạng con người.

6- Yêu cầu tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin cần thiết phục vụ cho công tác kiểm tra, xử lý.

7- Lập biên bản kiểm tra khi tiến hành kiểm tra tổ chức, cá nhân cung ứng, sử dụng điện và chuyển biên bản kiểm tra tới cơ quan chức năng theo quy định tại Điều 31 của Quy định này.

8- Phối hợp với cơ quan liên quan xác minh, lập biên bản, kiến nghị giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo về cung ứng, sử dụng điện.

Điều 7: Nhiệm vụ và quyền hạn của Kiểm tra viên điện lực của các doanh nghiệp kinh doanh bán điện.

Kiểm tra viên điện lực của các doanh nghiệp kinh doanh bán điện thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn do Giám đốc doanh nghiệp giao, bao gồm:

1- Kiểm tra việc thực hiện hợp đồng mua bán điện, kiểm tra việc sử dụng điện của tổ chức, cá nhân trong phạm vi quản lý kinh doanh của mình.

2- Kiểm tra bên mua điện thực hiện việc tiết giảm công suất điện đang sử dụng xuống công suất hạn chế theo thông báo của bên bán điện hoặc khi xảy ra sự kiện bất khả kháng trên hệ thống điện.

3- Yêu cầu bên mua điện chấp hành nghiêm chỉnh chế độ chính sách, quy định về sử dụng điện.

4- Yêu cầu bên mua điện cho ngừng vận hành các thiết bị không đảm bảo an toàn, không đảm bảo kỹ thuật và cho cắt ngay các thiết bị điện đang vận hành khi phát hiện nguy cơ đe doạ gây sự cố, hoả hạn hoặc nguy hiểm tính mạng con người.

5- Yêu cầu bên mua điện cung cấp thông tin cần thiết phục vụ cho công tác kiểm tra.

6- Lập biên bản kiểm tra khi tiến hành kiểm tra tổ chức, cá nhân sử dụng điện và chuyển biên bản kiểm tra tới cơ quan chức năng theo quy định tại Điều 31 của quy định này.

Điều 8: Tiêu chuẩn Kiểm tra viên điện lực

1- Tiêu chuẩn Kiểm tra viên điện lực của các cơ quan quản lý Nhà nước về điện:

a) Có trình độ đại học về điện trở lên;

b) Có thời gian công tác trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về điện hoặc làm công tác quản lý kỹ thuật, kinh doanh điện từ năm năm trở lên;

c) Đã được bồi dưỡng kiến thức quản lý Nhà nước, kiến thức pháp luật về cung ứng và sử dụng điện;

d) Nắm vững các quy trình, quy phạm kỹ thuật về điện, an toàn điện, các quy định về công tác kiểm tra cung ứng, sử dụng điện. Có khả năng nghiên cứu, phát hiện, phân tích, tổng hợp và đề xuát biện pháp giải quyết theo chức năng của công tác kiểm tra.

đ) Có sức khoẻ, có phẩm chất đạo đức tốt, có ý thức trách nhiệm, trung thực, công minh và khách quan.

2- Tiêu chuẩn Kiểm tra viên điện lực của các doanh nghiệp kinh doanh bán điện:

a) Có trình độ trung cấp về điện trở lên;

b) Có thời gian công tác trong lĩnh vực quản lý lưới điện, phân phối và kinh doanh điện từ ba năm trở lên;

c) Nắm vững các tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm kỹ thuật điện, an toàn điện, các quy định hiện hành về cung ứng và sử dụng điện. Có khả năng nghiên cứu, phát hiện, phân tích, tổng hợp và đề xuất biện pháp giải quyết theo chức năng của công tác kiểm tra.

d) Có sức khoẻ, có phẩm chất đạo đức tốt, có ý thức trách nhiệm, trung thực, công minh và khách quan.

Điều 9: Bồi dưỡng, kiểm tra, sát hạch Kiểm tra viên điện lực

1- Cục kiểm tra, giám sát kỹ thuật an toàn công nghiệp tổ chức bồi dưỡng, kiểm tra, sát hạch kiểm tra viên điện lực của Bộ Công nghiệp, các Sở công nghiệp, Tổng Công ty điện lực Việt Nam, các doanh nghiệp kinh doanh bán điện theo vùng, miền trình Bộ trưởng Bộ Công nghiệp quyết định công nhận để thực hiện việc cấp thẻ Kiểm tra viên điện lực theo quy định tại Điều 11 của quy định này.

2- Sở công nghiệp tổ chức bồi dưỡng, kiểm tra, sát hạch Kiểm tra viên điện lực của các doanh nghiệp kinh doanh bán điện thuộc địa bàn tỉnh và trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định công nhận để các doanh nghiệp kinh doanh bán điện cấp thẻ Kiểm tra viên điện lực theo quy định tại Điều 11 của quy định này.

Tuỳ theo điều kiện của từng địa phương, Giám đốc Sở công nghiệp sử dụng bộ máy chuyên môn của mình hoặc mời các chuyên gia có đủ năng lực, trình độ để bồi dưỡng và kiểm tra sát hạch các Kiểm tra viên điện lực.

3- Việc kiểm tra, sát hạch định kỳ được tiến hành 3 năm một lần; Kiểm tra viên điện lực chỉ được cấp thẻ khi đạt yêu cầu trong các kỳ kiểm tra sát hạch.

Điều 10: Thẩm quyền cấp thẻ Kiểm tra viên điện lực

1- Thẻ Kiểm tra viên điện lực của các kiểm tra viên thuộc Bộ Công nghiệp và Sở công nghiệp do Bộ trưởng Bộ Công nghiệp cấp theo đề nghị của Cục trưởng Cục kiểm tra, giám sát kỹ thuật an toàn, công nghiệp.

2- Để thống nhất và tăng cường hiệu lực quản lý đội ngũ kiểm tra viên điện lực thuộc các doanh nghiệp kinh doanh bán điện, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, trật tự an toàn xã hội.

a) Bộ trưởng Bộ Công nghiệp quyết định công nhận Kiểm tra viên điện lực của Tổng Công ty điện lực Việt Nam và các doanh nghiệp kinh doanh bán điện theo vùng, miền trên cơ sở đề nghị của Cục trưởng Cục kiểm tra, giám sát kỹ thuật an toàn công nghiệp. Căn cứ Quyết định của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp, Tổng giám đốc Tổng Công ty điện lực Việt Nam cấp thẻ cho các Kiểm tra viên điện lực của Tổng Công ty và các doanh nghiệp kinh doanh bán điện theo vùng, miền do Tổng Công ty quản lý; Giám đốc các doanh nghiệp kinh doanh bán điện theo vùng, miền ngoài Tổng Công ty điện lực Việt Nam cấp thẻ cho các Kiểm tra viên điện lực thuộc quyền quản lý của mình.

b) Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định công nhận Kiểm tra viên điện lực của các doanh nghiệp kinh doanh bán điện trong phạm vi một tỉnh theo đề nghị của Giám đốc Sở công nghiệp. Căn cứ quyết định của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các doanh nghiệp kinh doanh bán điện cấp thẻ cho các Kiểm tra viên điện lực của mình.

Điều 11: Trình tự, thủ tục cấp thẻ và thu hồi thẻ Kiểm tra viên điện lực

1- Trình tự, thủ tục cấp thẻ Kiểm tra viên điện lực

a) Thủ trưởng đơn vịcó chức năng kiểm tra cung ứng, sử dụng điện tuyển chọn Kiểm tra viên điện lực của đơn vị theo các tiêu chuẩn quy định tại Điều 8 và chịu trách nhiệm quản lý người được tuyển chọn;

b) Đơn vị có chức năng kiểm tra cung ứng, sử dụng điện tổng hợp danh sách và hồ sơ đề nghị xét chọn Kiểm tra viên điện lực để gửi các cơ quan, cụ thể như sau:

– Hồ sơ kiểm tra viên điện lực của các Sở công nghiệp, Tổng Công ty điện lực Việt Nam và các doanh nghiệp kinh doanh bán điện theo vùng, miền gửi về Cục kiểm tra, giám sát kỹ thuật an toàn công nghiệp.

– Hồ sơ Kiểm tra viên điện lực của các doanh nghiệp kinh doanh bán điện trong phạm vi một tỉnh gửi về Sở công nghiệp.

c) Hồ sơ của Kiểm tra viên điện lực bao gồm:

– Văn bản đề nghị cấp thẻ Kiểm tra viên điện lực của Thủ trưởng đơn vị có chức năng kiểm tra cung ứng, sử dụng điện.

– Bản sao hợp lệ bằng tốt nghiệp;

– Giấy chứng nhận đạt yêu cầu sát hạch kiểm tra viên điện lực;

– Sơ yếu lý lịch có nhận xét đánh giá của Thủ trưởng đơn vị.

2- Thủ tục thu hồi thẻ Kiểm tra viên điện lực

a) Thẻ Kiểm tra viên điện lực bị thu hồi trong các trường hợp sau:

– Thẻ Kiểm tra viên điện lực đã hết hạn sử dụng.

– Kiểm tra viên điện lực chuyển làm công tác khác hoặc chuyển công tác sang địa bàn khác.

– Kiểm tra viên điện lực mắc sai phạm nghiêm trọng trong công tác kiểm tra cung ứng, sử dụng điện.

b) Những người bị thu hồi thẻ Kiểm tra viên điện lực có nghĩa vụ nộp lại thẻ cho Thủ trưởng đơn vị quản lý trực tiếp để chuyển về cơ quan cấp thẻ. Trường hợp Kiểm tra viên điện lực mắc sai phạm nghiêm trọng trong công tác kiểm tra cung ứng, sử dụng điện, Thủ trưởng đơn vị quản lý trực tiếp có quyền tạm đình chỉ công tác và tạm giữ thẻ của Kiểm tra viên điện lực đó đồng thời làm văn bản đề nghị cơ quan, doanh nghiệp đã cấp thẻ xem xét thu hồi thẻ.

c) Cơ quan, doanh nghiệp cấp thẻ Kiểm tra viên điện lực có quyền thu hồi thẻ đã cấp và thông báo đến cơ quan có liên quan danh sách thẻ Kiểm tra viên điện lực bị thu hồi hoặc không còn giá trị sử dụng. Trường hợp doanh nghiệp thu hồi thẻ phải báo cáo cơ quan đã ra quyết định công nhận Kiểm tra viên điện lực.

Điều 12: Mẫu thẻ và thời hạn sử dụng thẻ Kiểm tra viên điện lực

1- Thẻ Kiểm tra viên điện lực có kích thước 75 mm x 100 mm được quy định tại Phụ lục 1 của Quy định này và có giá trị sử dụng trong 3 năm.

2- Kiểm tra viên điện lực thuộc cơ quan quản lý Nhà nước sử dụng thẻ Kiểm tra viên điện lực mầu hồng.

3- Kiểm tra viên điện lực thuộc các doanh nghiệp kinh doanh bán điện sử dụng thẻ Kiểm tra viên điện lực mầu vàng.

Điều 13: Trách nhiệm pháp lý của Kiểm tra viên điện lực

Kiểm tra viên điện lực chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hành vi của mình trong khi thực hiện nhiệm vụ kiểm tra. Nếu Kiểm tra viên điện lực vi phạm quy định của pháp luật thì tuỳ theo mức độ có thể bị thu hồi thẻ Kiểm tra viên điện lực theo quy định tại Điều 11 của quy định này, xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, trường hợp gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Điều 14: Trách nhiệm của Cục kiểm tra, giám sát kỹ thuật an toàn công nghiệp và Sở công nghiệp

1- Cục kiểm tra, giám sát kỹ thuật an toàn công nghiệp là cơ quan tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Công nghiệp chỉ đạo thống nhất về chuyên môn, nghiệp vụ đối với lực lượng Kiểm tra viên điện lực, bao gồm:

a) Tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về công tác kiểm tra cung ứng, sử dụng điện và xử lý vi phạm hợp đồng mua bán điện của các cơ quan quản lý Nhà nước về điện ở địa phương và các doanh nghiệp kinh doanh bán điện.

b) Tổ chức bồi dưỡng, kiểm tra, sát hạch về chuyên môn, nghiệp vụ cho lực lượng Kiểm tra viên điện lực do Bộ Công nghiệp cấp thẻ;

c) Tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp thẻ và thu hồi thẻ Kiểm tra viên điện lực theo quy định tại Điều 11 của quy định này; kiểm tra, giám sát việc cấp thẻ và thu hồi thẻ Kiểm tra viên điện lực của các địa phương và doanh nghiệp.

2- Sở công nghiệp là cơ quan tham mưu giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ đạo về chuyên môn nghiệp vụ đối với công tác kiểm tra cung ứng, sử dụng điện tại địa phương, bao gồm:

a) Tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về công tác kiểm tra cung ứng, sử dụng điện và xử lý vi phạm hợp đồng mua bán điện của các doanh nghiệp kinh doanh bán điện trong địa bàn tỉnh;

b) Tổ chức bồi dưỡng, kiểm tra, sát hạch về chuyên môn, nghiệp vụ cho lực lượng Kiểm tra viên điện lực để các doanh nghiệp cấp thẻ theo quy định;

c) Tiếp nhận hồ sơ Kiểm tra viên điện lực của các doanh nghiệp kinh doanh bán điện trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định công nhận để doanh nghiệp cấp thẻ Kiểm tra viên điện lực theo quy định tại Điều 11 của quy định này. Kiểm tra, giám sát việc cấp thẻ và thu hồi thẻ Kiểm tra viên điện lực của các doanh nghiệp kinh doanh bán điện tại địa phương.

CHƯƠNG III
CÁC HÀNH VI VI PHẠM TRONG CUNG ỨNG VÀ
SỬ DỤNG ĐIỆN

Điều 15: Hành vi vi phạm hợp đồng mua bán điện

1- Các hành vi vi phạm hợp đồng của bên bán điện bao gồm:

a) Trì hoãn việc cấp điện theo thời hạn đã thoả thuận trong hợp đồng mua bán điện đã ký;

b) Không đảm bảo chất lượng điện, tính ổn định trong cấp điện theo hợp đồng đã ký trừ trường hợp bất khả kháng;

c) Gây sự cố chủ quan trên lưới điện trực tiếp dẫn đến làm hư hỏng thiết bị của bên mua điện;

d) Ghi chỉ số điện năng sai, tính toán hoá đơn sai, bán sai giá quy định;

đ) Trì hoãn không bồi thường thiệt hại do lỗi của mình gây ra cho bên mua điện theo thoả thuận trong hợp đồng.

e) Vi phạm các thoả thuận khác trong hợp đồng mua bán điện.

2- Các hành vi vi phạm hợp đồng của bên mua điện bao gồm:

a) Trì hoãn việc thực hiện hợp đồng đã ký trong trường hợp mua buôn điện để bán lại cho tổ chức, cá nhân sử dụng điện khác;

b) Sử dụng điện sai mục đích có mức giá cao hơn mức giá đã thoả thuận trong hợp đồng;

c) Gây sự cố lưới điện hoặc làm hư hỏng thiết bị của bên bán điện;

d) Không thực hiện cắt giảm công suất khi có yêu cầu của bên bán điện do sự cố bất khả kháng;

đ) Sử dụng quá công suất đã đăng ký trong biểu đồ phụ tải được ghi trong hợp đồng mua bán điện vào giờ cao điểm;

e) Chậm trả tiền điện theo quy định tại khoản 5, khoản 6 Điều 39 Nghị định 45/2001/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2001 của Chính phủ về hoạt động điện lực và sử dụng điện mà không có lý do chính đáng;

g) Trì hoãn không bồi thường thiệt hại do lỗi của mình gây ra cho bên bán điện theo thoả thuận trong hợp đồng;

h) Không thông báo ngay cho bên bán điện khi phát hiện thiết bị đo đếm điện bị hư hỏng hoặc nghi ngờ hoạt động không chính xác dẫn đến việc tính toán hoá đơn sai gây thiệt hại cho bên bán điện;

i) Trộm cắp điện dưới mọi hình thức;

k) Vi phạm các thoả thuận khác trong hợp đồng mua bán điện.

Điều 16: Các hành vi vi phạm hành chính và hình sự trong cung ứng và sử dụng điện được xử lý theo các quy định của pháp luật.

CHƯƠNG IV
KIỂM TRA VÀ LẬP BIÊN BẢN KIỂM TRA CUNG ỨNG,
SỬ DỤNG ĐIỆN

Điều 17: Hình thức kiểm tra cung ứng, sử dụng điện

1- Việc kiểm tra cung ứng, sử dụng điện đối với tổ chức, cá nhân được tiến hành theo hình thức kiểm tra định kỳ và kiểm tra đột xuất.

2- Kiểm tra định kỳ là hình thức kiểm tra được thông báo trước cho tổ chức, cá nhân cung ứng, sử dụng điện biết. Kiểm tra định kỳ không quá một lần về cùng một nội dung trong một năm đối với một tổ chức, cá nhân cung ứng, sử dụng điện.

3- Kiểm tra đột xuất là hình thức kiểm tra không thông báo trước được thực hiện khi có yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền hoặc của doanh nghiệp.

Khi kiểm tra sử dụng điện đột xuất, bên kiểm tra chỉ được phép vào nhà dân kiểm tra những việc liên quan đến sử dụng điện như: an toàn điện, mục đích sử dụng điện, trộm cắp điện và các điều khoản đã thoả thuận trong hợp đồng mua bán điện. Nếu kiểm tra trong khoảng từ 22 giờ điêm hôm trước đến 06 giờ sáng hôm sau, bên kiểm tra phải phối hợp với cảnh sát khu vực hoặc chính quyền địa phương và phải thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật.

Điều 18: Thủ tục kiểm tra cung ứng, sử dụng điện

1- Chỉ người có quyền quy định tại Điều 2 của quy định này mới được tiến hành kiểm tra và lập biên bản kiểm tra thuộc phạm vi do mình quản lý.

2- Bên kiểm tra phải có từ hai người trở lên. Người phụ trách phải xuất trình thẻ Kiểm tra viên điện lực hoặc thẻ thanh tra viên điện lực và thông báo nội dung kiểm tra cho bên được kiểm tra biết. Việc kiểm tra cung ứng, sử dụng điện phải tuân thủ các quy định của pháp luật và các thoả thuận trong hợp đồng mua bán điện.

3- Việc kiểm tra phải được tiến hành với sự có mặt của bên được kiểm tra. Trường hợp bên được kiểm tra vắng mặt thì kiểm tra viên điện lực hoặc thanh tra viên điện lực phải mời hai người làm chứng có đầy đủ năng lực hành vi dân sự để chứng kiến việc kiểm tra.

4- Khi phát hiện hành vi trộm cắp điện quả tang, kiểm tra viên điện lực được phép thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ hiện trường trước khi xuất trình thẻ kiểm tra viên và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc làm của mình.

5- Kiểm tra viên điện lực phải lập biên bản kiểm tra và ghi đầy đủ các nội dung đã kiểm tra theo mẫu tại Phụ lục 2 hoặc Phụ lục 3 của quy định này. Trong thời gian tối đa là hai ngày làm việc, biên bản phải được chuyển cho bên bán điện hoặc cơ quan quản lý Nhà nước về điện để giải quyết theo thẩm quyền.

Điều 19: Biên bản kiểm tra

1- Biên bản kiểm tra được lập thành ba bản theo mẫu quy định và được ghi số thứ tự để quản lý, bên kiểm tra giữ hai bản, bên được kiểm tra giữ một bản. Tất cả các biên bản đã sử dụng kể cả biên bản ghi sai, huỷ bỏ không sử dụng nữa đều phải được quản lý và lưu giữ đầy đủ theo quy định.

2- Trường hợp phát hiện có hành vi vi phạm cung ứng hoặc sử dụng điện, trong biên bản phải mô tả rõ, đẩy đủ, chính xác từng hành vi vi phạm.

3- Biên bản kiểm tra phải ghi rõ họ và tên người tham gia kiểm tra, người của bên được kiểm tra. Nếu bên được kiểm tra không thống nhất với nội dung ghi trong biên bản kiểm tra thì được quyền ghi vào phần cuối biên bản ý kiến của mình.

4- Biên bản kiểm tra phải có đầy đủ chữ ký của Kiểm tra viên điện lực, người của bên được kiểm tra và của những người làm chứng (nếu có). Trường hợp bên được kiểm tra không chịu ký biên bản thì người lập biên bản ghi vào biên bản lý do bên được kiểm tra không ký, biên bản này vẫn có giá trị pháp lý để xử lý.

Điều 20: Nội dung biên bản kiểm tra cung ứng điện

Biên bản kiểm tra cung ứng điện phải ghi đầy đủ các nội dung chính đã kiểm tra, bao gồm:

1- Chất lượng điện:

a) Điện áp;

Điện áp được xác định bằng thiết bị đo điện áp trực tiếp hoặc gián tiếp do tổ chức có chức năng kiểm định và kẹp chì niêm phong hoặc dán tem kiểm định. Điện áp được xác định tại phía thứ cấp của máy biến áp cấp điện cho bên mua điện hoặc tại vị trí do hai bên thoả thuận trong hợp đồng.

b) Tần số:

Tần số được xác định bằng thiết bị đo tần số đạt tiêu chuẩn do tổ chức có chức năng kiểm định và kẹp chì niêm phong hoặc dán tem kiểm định.

2- Hệ thống đo đếm điện năng: công tơ, máy biến điện áp đo lường, máy biến dòng điện đo lường, sơ đồ đấu dây, tính nguyên vẹn chì niêm phong của hệ thống đo đếm điện năng; biên bản tháo lắp công tơ và thiết bị đo đếm điện năng và các tài liệu có liên quan khác.

3- Tình trạng kỹ thuật của lưới điện bao gồm các thiết bị điện, dây dẫn, xà sứ, máy biến áp và các thiết bị liên quan khác.

4- Trách nhiệmtrong công tác quản lý an toàn hành lang lưới điện.

5- Hợp đồng mua bán điện: việc thực hiện các điều khoản ghi trong hợp đồng như giá điện, mua bán công suất phản kháng, thời gian cấp điện, nghĩa vụ của bên bán điện.

6- Thực hiện các quy định về trình tự và thủ tục ngừng cấp điện.

Điều 21: Nội dung biên bản kiểm tra sử dụng điện

Biên bản kiểm tra sử dụng điện phải ghi đầy đủ các nội dung chính đã kiểm tra, bao gồm:

1- Điện áp;

Điện áp được xác định bằng thiết bị đo điện áp trực tiếp hoặc gián tiếp do tổ chức có chức năng kiểm định và kẹp chì niêm phong hoặc dán tem kiểm định. Điện áp được xác định tại phía thứ cấp của máy biến áp cấp điện cho bên mua hoặc tại vị trí do hai bên thoả thuận trong hợp đồng mua bán điện.

2- Công suất:

Công suất được xác định bằng cách đo trực tiếp các trị số công suất tức thời. Các thiết bị dùng để đo công suất phải được tổ chức có chức năng kiểm định và kẹp chì niêm phong hoặc dán tem kiểm định.

Đối với công suất cao điểm tối thì đo ba lần tại thời điểm kiểm tra, sau đó lấy trị số công suất lớn nhất của một trong ba lần đo.

3- Hệ thống đo đếm điện năng: Công tơ, máy biến điện áp đo lường, máy biến dòng điện đo lường, sơ đồ đấu dây, tính nguyên vẹn chì niêm phong của hệ thống đo đếm điện năng; biên bản tháo lắp công tơ và thiết bị đo đếm điện năng và các tài liệu có liên quan khác.

4- Tình trạng kỹ thuật của lưới điện bao gồm tình trạng các thiết bị sử dụng điện, dây dẫn, xà sứ, trạm điện và các hồ sơ kỹ thuật kèm theo.

5- Tình trạng vi phạm các quy định về an toàn hành lang lưới điện.

6- Việc thực hiện các thoả thuận trong hợp đồng mua bán điện về mục đích sử dụng điện, mua bán công suất phản kháng, thanh toán tiền điện, biểu đồ phụ tải, số hộ dùng chung công tơ và nghĩa vụ thực hiện các quy định của pháp luật về cung ứng và sử dụng điện của bên mua điện.

7- Đối với trường hợp trộm cắp điện, biên bản được lập theo các nội dung sau:

a) Ghi rõ hành vi trộm cắp;

b) Vẽ sơ đồ trộm cắp điện (câu móc, vô hiệu hoá thiết bị đo đếm điện năng…) cùng với các chứng cứ khác như ảnh chụp, băng ghi hình (nếu có) kèm theo biên bản.

c) Các thông số liên quan tới việc tính toán xử lý vi phạm sử dụng điện;

d) Nếu bên kiểm tra phải tạm giữ các phương tiện dùng để trộm cắp điện thì bên kiểm tra phải thực hiện niêm phong các phương tiện đó (giấy niêm phong phải có chữ ký bên kiểm tra và bên được kiểm tra);

đ) Tuỳ theo tính chất và mức độ của hành vi vi phạm sử dụng điện cụ thể mà bên kiểm tra phải thực hiện các biện pháp để giữ nguyên hiện trường, yêu cầu bên sử dụng điện khắc phục vi phạm hoặc yêu cầu bên bán điện cắt điện để tháo gỡ các phương tiện dùng để câu móc trộm, đấu lại đường dây cấp điện như cũ.

Điều 22: Kiểm tra hệ thống đo đếm điện năng

Kiểm tra hệ thống đo đếm điện năng (công tơ, máy biến dòng điện đo lường, máy biến điện áp đo lường, sơ đồ đấu dây) được thực hiện theo quy định sau:

1- Trường hợp phát hiện bên mua hoặc bên bán điện có hành vi làm hư hỏng hoặc sai lệch hệ thống đo đếm điện năng, bên kiểm tra phải ghi rõ hành vi vi phạm và kết luận trong biên bản kiểm tra.

2- Nếu hệ thống đo đếm điện năng bị hư hỏng hoặc có nghi ngờ hoạt động khác thường, bên kiểm tra thấy cần tháo thiết bị đo đếm điện năng về để kiểm tra thì việc tháo gỡ thiết bị đo đếm điện năng phải thực hiện đúng quy định dưới đây:

a) Thông báo cho bên bán điện yêu cầu của bên kiểm tra cần tháo gỡ hệ thống đo đếm điện năng để bên bán điện biết và cử người thực hiện;

b) Biên bản kiểm tra phải mô tả chi tiết hiện trạng, biểu hiện khác thường của hệ thống đo đếm điện năng và lý do tháo hệ thống đo đếm điện năng;

c) Thiết bị đo đếm điện năng, chì niêm phong thu được phải giữ nguyên, bao gói và niêm phong (giấy niêm phong có chữ ký của bên kiểm tra và các bên mua, bán điện). Bên kiểm tra phải giao biên bản tháo lắp công tơ và thiết bị đo đếm điện năng cho đại diện của bên được kiểm tra, trong biên bản kiểm tra phải hẹn ngày giờ, địa điểm để các bên cùng đến chứng kiến việc kiểm tra xác minh.

3- Khi kiểm định xác minh thiết bị đo đếm điện năng phải có sự chứng kiến của bên được kiểm tra và phải lập biên bản kiểm định hệ thống đo đếm điện năng.

4- Trường hợp phải cắt chì niêm phong, nhất thiết phải lập biên bản có chứng kiến của bên mua, bán điện. Nếu bên được kiểm tra chưa đồng ý với kết luận kiểm định thì phải niêm phong thiết bị đo đếm (giấy niêm phong có chữ ký của bên kiểm tra và bên mua, bán điện) trước khi chuyển tới cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để giải quyết theo quy định.

5- Cách xác định sản lượng điện năng trong trường hợp công tơ bị mất, hoạt động không chính xác hoặc ngừng hoạt động được thực hiện theo quy định tại Điều 40 Nghị định 45/2001/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2001 của Chính phủ về hoạt động điện lực và sử dụng điện.

CHƯƠNG V
XỬ LÝ VI PHẠM HỢP ĐỒNG MUA BÁN ĐIỆN

Điều 23: Trình tự xử lý vi phạm hợp đồng mua bán điện

1- Sau khi nhận được biên bản kiểm tra, bên mua điện và bên bán điện tự thoả thuận việc thanh toán các khoản tiền bồi thường, tiền phạt vi phạm đã cam kết trong hợp đồng.

2- Trong thời gian bảy ngày kể từ khi nhận được biên bản kiểm tra, nếu hai bên không tự thoả thuận được các khoản tiền phạt, tiền bồi thường và trong hợp đồng có thoả thuận yêu cầu Hội đồng giải quyết thì mỗi bên có quyền gửi hồ sơ tới Hội đồng.

Chậm nhất mười ngày kể từ khi nhận được đủ hồ sơ, Chủ tịch Hội đồng tổ chức hoà giải giữa hai bên hoặc ra kết luận yêu cầu xử lý.

3- Nếu một trong hai bên không nhất trí với kết luận của Hội đồng thì mỗi bên có quyền khởi kiện tại Toà án hoặc cơ quan Trọng tài.

4- Trong quá trình xử lý vi phạm hợp đồng, nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm hành chính thì bên bị vi phạm hoặc Hội đồng chuyền hồ sơ đến thanh tra điện lực thuộc Sở công nghiệp để giải quyết; nếu phát hiện có dấu hiệu cấu thành tội phạm thì chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để giải quyết theo quy định của pháp luật.

Điều 24: Nguyên tắc xử lý vi phạm hợp đồng mua bán điện

1- Mức bồi thường thiệt hại và phạt vi phạm hợp đồng phải được thoả thuận trong hợp đồng mua bán điện.

2- Bên vi phạm hợp đồng phải thanh toán cho bên bị vi phạm tiền phạt vi phạm hợp đồng và trong trường hợp có thiệt hại thì phải bồi thường những thiệt hại trực tiếp do hành vi vi phạm gây ra.

3- Trong một hợp đồng mua bán điện, mỗi loại hành vi vi phạm hợp đồng chỉ phải chịu một loại phạt do bên bị vi phạm hợp đồng bắt phạt. Nếu xảy ra đồng thời nhiều loại vi phạm, thì bên vi phạm chỉ phải chịu một loại phạt có số tiền phạt ở mức cao nhất theo mức phạt các bên đã thoả thuận trong hợp đồng. Trường hợp trong hợp đồng không ghi mức phạt thì áp dụng theo khung phạt tại Quy định này. Trường hợp chưa quy định trong văn bản này thì thực hiện theo quy định của pháp luật về hợp đồng.

4- Cách xác định giá trị phần hợp đồng bị vi phạm, mức bồi thường thiệt hại, mức phạt đối với từng hành vi vi phạm được quy định tại Điều 25, Điều 26, Điều 27 và Điều 28 của Quy định này, nếu phát sinh thiệt hại khác thì hai bên tự thoả thuận.

5- Trường hợp hành vi vi phạm hợp đồng mua bán điện chưa được quy định cụ thể tại Quy định này thì xử lý theo các quy định của pháp luật.

6- Thời hạn trả tiền bồi thường thiệt hại chậm nhất là ba mươi ngày, kể từ ngày chấp nhận yêu cầu bồi thường thiệt hại, ngày có kết luận của Hội đồng hoặc ngày có quyết định của Toà án hoặc của cơ quan trọng tài, nếu quá thời hạn quy định trên, bên vi phạm phải chịu lãi suất chậm trả trên số tiền bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Trong thời hạn mười lăm ngày kể từ ngày nhận được giấy đòi tiền phạt, bên vi phạm phải thanh toán tiền phạt vi phạm hợp đồng cho bên bị vi phạm; nếu quá hạn, bên vi phạm phải chịu lãi suất chậm trả trên số tiền phạt theo quy định của pháp luật.

7- Việc quản lý và sử dụng tiền phạt do vi phạm hợp đồng mua bán điện được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Công nghiệp – Bộ Tài chính về quản lý và sử dụng tiền phạt trong hoạt động điện lực và sử dụng điện.

Điều 25: Xử lý hành vi vi phạm hợp đồng mua bán điện sinh hoạt

Việc xử lý hành vi vi phạm hợp đồng mua bán điện sinh hoạt được căn cứ vào các thoả thuận tại hợp đồng mua bán điện sinh hoạt đã ký giữa hai bên mua và bán điện.

1- Trường hợp bên mua điện có hành vi trộm cắp điện dưới mọi hình thức thì xử lý như sau:

a) Bên mua điện phải bồi thường thiệt hại cho bên bán điện bằng giá trị sản lượng điện bị mất do hành vi trộm cắp điện gây ra. Cách tính tiền bồi thường được quy định tại Điều 28 của Quy định này.

b) Bên mua điện phải thanh toán cho bên bán điện khoản tiền phạt vi phạm hợp đồng bằng 5% số tiền bồi thường thiệt hại do hành vi trộm cắp điện gây ra.

2- Trì hoãn hoặc không bồi thường thiệt hại cho bên bị vi phạm.

Trong thời gian mười lăm ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu bồi thường thiệt hại, nếu bên vi phạm không trả lời hoặc không chấp nhận yêu cầu đó thì bên bị vi phạm có quyền chuyển hồ sơ đến Hội đồng hoặc Toà án để giải quyết.

Điều 26: Xử lý các hành vi vi phạm hợp đồng kinh tế của bên bán điện

1- Trì hoãn việc cấp điện theo thời hạn thoả thuận trong hợp đồng mua bán điện đã ký:

a) Bồi thường thiệt hại trực tiếp cho bên mua điện bằng khoản chi phí cần thiết mà bên mua điện phải chi trả do hành vi vi phạm gây ra;

b) Mức phạt vi phạm hợp đồng:

Phạt 2% giá trị phần hợp đồng kinh tế bị vi phạm, thời hạn thực hiện cho 10 ngày lịch đầu tiên; phạt thêm 1% cho mỗi đợt 10 ngày tiếp theo cho đến mức tổng số các lần phạt không quá 8% giá trị phần hợp đồng kinh tế bị vi phạm ở thời điểm 10 ngày lịch đầu tiên; nếu hoàn toàn không thực hiện hợp đồng kinh tế đã ký thì bị phạt đến mức 12% giá trị hợp đồng .

Giá trị phần hợp đồng bị vi phạm được xác định bằng giá trị sản lượng điện đã thoả thuận trong hợp đồng tính từ thời điểm cam kết cấp điện cho đến khi được cấp điện. Giá trị phần hợp đồng bị vi phạm được tính toán căn cứ vào công suất đăng ký, thời gian sử dụng điện trong ngày, giá điện ghi trong hợp đồng mua bán điện và số ngày trì hoãn được xác định từ thời điểm cam kết cấp điện cho đến thời điểm được cấp điện, theo công thức sau:

T = A x g x n

Trong đó:

– T: Giá trị phần hợp đồng bị vi phạm (d)

– A: Điện năng ngày xác định căn cứ vào các thông số đăng ký trong hợp đồng mua bán điện (công suất đăng ký nhân với thời gian sử dụng trong ngày).

– g: Giá điện ghi trong hợp đồng mua bán điện (đ/kwh).

– n: Số ngày trì hoãn.

2- Hành vi không đảm bảo chất lượng điện năng đã ghi trong hợp đồng gây thiệt hại cho bên mua điện (trừ sự kiện bất khả kháng);

a) Bồi thường thiệt hại trực tiếp cho bên mua điện bằng giá trị bù đắp lại phần hư hỏng của thiết bị do hành vi vi phạm gây ra;

b) Phạt vi phạm hợp đồng bằng 10% số tiền bồi thường thiệt hại.

3- Gây sự cố chủ quan trên lưới điện trực tiếp dẫn đến làm hư hỏng thiết bị của bên mua điện:

a) Bồi thường thiệt hại trực tiếp bằng giá trị bù đắp lại phần hư hỏng của thiết bị trên cơ sở thoả thuận với bên mua điện;

b) Phạt vi phạm hợp đồng từ 10% đến 12% số tiền bồi thường thiệt hại.

4- Ghi chỉ số điện năng sai, tính toán hoá đơn sai.

a) Trường hợp gây thiệt hại cho bên mua điện: bên bán điện phải hoàn trả cho bên mua điện giá trị sản lượng điện ghi thừa hoặc số tiền điện tính thừa.

b) Trường hợp gây thiệt hại cho bên bán điện: Bên bán điện phải thoả thuận với bên mua điện về giá trị và phương thức thanh toán tiền hoàn trả đối với sản lượng điện ghi thiếu hoặc số tiền điện tính thiếu cho bên bán điện.

c) Phạt vi phạm hợp đồng bằng 5% số tiền hoàn trả.

5- Bán sai giá quy định:

a) Trường hợp gây thiệt hại cho bên mua điện: Bên bán điện phải hoàn trả cho bên mua điện số tiền điện tính thừa;

Trường hợp gây thiệt hại cho bên bán điện: Bên mua điện hoàn trả cho bên bán điện số tiền điện tính thiếu.

Trường hợp không xác định rõ thời điểm áp dụng sai giá sẽ tính với thời gian là một năm.

b) Phạt vi phạm hợp đồng bằng 5% số tiền điện hoàn trả.

6- Trì hoãn hoặc không bồi thường cho bên mua điện do lỗi của mình gây ra:

Trong thời gian mười lăm ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu bồi thường thiệt hại, nếu bên bán điện không trả lời hoặc không chấp nhận yêu cầu đó thì bên mua điện có quyền chuyển hồ sơ vi phạm đến Hội đồng hoặc Toà án hoặc cơ quan trọng tài để giải quyết.

7- Vi phạm các thoả thuận khác trong hợp đồng mua bán điện được xử lý theo các quy định của pháp luật về hợp đồng kinh tế.

Điều 27: Xử lý hành vi vi phạm hợp đồng kinh tế của bên mua điện

1- Trì hoãn việc thực hiện hợp đồng đã ký với bên bán điện trong trường hợp mua buôn điện để bán lại cho tổ chức cá nhân sử dụng điện:

a) Bồi thường thiệt hại trực tiếp cho bên bán điện bằng chi phí cần thiết mà bên bán điện phải chi trả do hành vi vi phạm gây ra;

b) Mức phạt vi phạm hợp đồng

Phạt vi phạm hợp đồng bằng 2% giá trị phần hợp đồng kinh tế bị vi phạm, thời hạn thực hiện cho 10 ngày lịch đầu tiên; phạt thêm 1% cho mỗi đợt 10 ngày tiếp theo cho đến mức tổng số các lần phạt không quá 8% giá trị phần hợp đồng kinh tế bị vi phạm ở thời điểm 10 ngày lịch đầu tiên; nếu hoàn toàn không thực hiện hợp đồng kinh tế đã ký thì bị phạt đến mức 12% giá trị hợp đồng.

Giá trị phần hợp đồng bị vi phạm được xác định bằng giá trị sản lượng điện theo thoả thuận trong hợp đồng tính từ thời điểm cam kết thực hiện hợp đồng cho đến khi hợp đồng được thực hiện. Giá trị phần hợp đồng bị vi phạm được tính toán căn cứ vào công suất đăng ký, thời gian sử dụng điện trong ngày, giá điện ghi trong hợp đồng mua bán điện và số ngày trì hoãn được xác định từ thời điểm cam kết thực hiện hợp đồng cho đến thời điểm hợp đồng được thực hiện theo công thức sau:

T = A x g x n

Trong đó:

– T: Giá trị phần hợp đồng bị vi phạm (đ)

– A: Điện năng ngày xác định căn cứ vào các thông số đăng ký trong hợp đồng mua bán điện (công suất đăng ký nhân với thời gian sử dụng trong ngày).

– g: Giá điện ghi trong hợp đồng mua bán điện (đ/kwh)

– n: Số ngày trì hoãn.

2- Sử dụng điện sai mục đích có mức giá cao hơn mức giá đã thoả thuận trong hợp đồng.

a) Bồi thường thiệt hại cho bên bán điện bằng khoản tiền chênh lệch giá trong thời gian vi phạm mục đích sử dụng điện. Trường hợp không xác định rõ thời điểm áp dụng sai giá sẽ tính với thời gian là một năm.

b) Phạt vi phạm hợp đồng bằng 5% số tiền bồi thường thiệt hại đối với trường hợp vi phạm lần đầu tiên;

c) Phạt vi phạm hợp đồng bằng 10% số tiền bồi thường thiệt hại trong trường hợp vi phạm lần thứ hai trở đi.

3- Gây sự cố cho lưới điện hoặc làm hư hỏng thiết bị của bên bán điện:

a) Bồi thường thiệt hại trực tiếp bằng giá trị bù đắp lại phần hư hỏng của thiết bị trên cơ sở thoả thuận với bên bán điện;

b) Phạt vi phạm hợp đồng từ 10% đến 12% số tiền bồi thường thiệt hại.

4- Đối với hành vi sử dụng quá công suất đã đăng ký trong biểu đồ phụ tải được ghi trong hợp đồng mua bán điện vào giờ cao điểm:

a) Bên mua điện phải bồi thường thiệt hại cho bên bán điện 10% giá trị phần hợp đồng bị vi phạm;

b) Bên mua điện phải trả cho bên bán điện khoản tiền phạt vi phạm hợp đồng bằng 12% giá trị phần hợp đồng bị vi phạm;

Giá trị phần hợp đồng bị vi phạm được xác định theo công thức sau:

T = A x g (đồng)

Trong đó:

– T là giá trị phần hợp đồng bị vi phạm (đồng)

– g là giá bán điện trong giờ cao điểm tối (đ/kwh)

– A là sản lượng điện vi phạm trong giờ cao điểm (kwh) được tính như sau: A được xác định bằng phần công suất vi phạm trong giờ cao điểm (AP) nhân với số giờ cao điểm tối (4 giờ) của các ngày vi phạm trong tháng.

c) Nếu bên mua điện cố tình vi phạm thì bên bán điện được quyền ngừng cấp điện cho đến hết giờ cao điểm.

5- Không thực hiện cắt giảm công suất khi có yêu cầu của bên bán điện do sự cố bất khả kháng;

a) Phạt bằng tiền, mức phạt do hai bên thoả thuận trong hợp đồng mua bán điện;

b) Nếu bên mua điện cố tình vi phạm thì bên bán điện được quyền ngừng cấp điện cho đến khi chấp hành việc cắt giảm công suất.

6- Chậm trả tiền điện:

Thực hiện theo quy định tại Điều 39 của Nghị định 45/2001/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2001 của Chính phủ về hoạt động điện lực và sử dụng điện.

7- Trì hoãn không bồi thường cho bên bán điện do lỗi của mình gây ra:

Trong thời gian mười lăm ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu bồi thường thiệt hại, nếu bên mua điện không trả lời hoặc không chấp nhận yêu cầu đó thì bên bán điện có quyền chuyển hồ sơ vi phạm đến Hội đồng hoặc Toà kinh tế hoặc cơ quan trọng tài để giải quyết.

8- Trộm cắp điện dưới mọi hình thức

a) Bên mua điện phải bồi thường thiệt hại cho bên bán điện bằng giá trị sản lượng điện bị mất do hành vi trộm cắp điện gây ra. Cách tính điện năng bồi thường được quy định tại Điều 28 của Quy định này;

b) Bên mua điện phải thanh toán cho bên bán điện khoản tiền phạt vi phạm hợp đồng bằng 12% số tiền bồi thường thiệt hại.

9- Không thông báo ngay cho bên bán điện khi phát hiện hệ thống đo đếm điện bị hư hỏng hoặc nghi ngờ hoạt động không chính xác dẫn đến tính hoá đơn sai gây thiệt hại cho bên bán điện.

Bên mua điện có trách nhiệm hoàn trả số tiền điện còn thiếu cho bên bán điện.

10- Vi phạm các thoả thuận khác trong hợp đồng mua bán điện được xử lý theo các quy định của pháp luật về hợp đồng kinh tế.

Điều 28: Phương pháp xác định điện năng bồi thường và tiền bồi thường đối với các hành vi trộm cắp điện.

1- Điện năng bồi thường được xác định theo công thức sau:

ABT = ASD – AHD (kwh)

ABT: Tổng điện năng bồi thường (KWh)

ASD: Tổng điện năng sử dụng của các thiết bị tiêu thụ điện trong thời gian vi phạm (KWh).

AHD: Tổng điện năng được thể hiện trên hoá đơn thanh toán tiền điện trong thời gian vi phạm (KWh).

2- Tiền bồi thường được xác định theo công thức sau:

T = ABT x g (đồng)

T: Tiền bồi thường (đồng)

ABT: điện năng bồi thường (KWh).

g: Giá điện: (Giá điện giờ bình thường) tại thời điểm tương ứng trong thời gian tính bồi thường kể cả thuế VAT. Đối với vi phạm hợp đồng mua bán điện sinh hoạt, giá điện để tính là giá sinh hoạt bậc thang ở mức cao nhất (đ/KWh) .

3- Tổng điện năng sử dụng của thiết bị tiêu thụ điện được xác định theo công thức sau:

ASD = (P1 x t1 + P2 x T2 +….+ Pn x tn) x n (KWh)

ASD = Tổng điện năng sử dụng của các thiết bị tiêu thụ điện (KWh)

P1 P2 …. Pn : Công suất sử dụng của từng thiết bị tiêu thụ điện (KW)

t1 t2… tn: Thời gian sử dụng trong ngày của từng thiết bị (h/ngày)

n: Số ngày tính bồi thường (ngày).

a) Công suất sử dụng của các thiết bị tiêu thụ điện là trị số công suất cao nhất được tính theo một trong các phương pháp sau:

– Công suất tổng đo được tại thời điểm kiểm tra;

– Công suất cao nhất trong biểu đồ phụ tải đăng ký trong hợp đồng mua bán điện;

– Công suất của các thiết bị tại bảng kê công suất thiết bị đã đăng ký trong hợp đồng mua bán điện (đối với hợp đồng kinh tế).

– Tổng công suất của các thiết bị tiêu thụ điện ghi trong biên bản kiểm tra (có thể lấy công suất ghi trên nhãn mác thiết bị của nhà chế tạo).

b) Thời gian sử dụng trong ngày của từng thiết bị (t) được xác định căn cứ vào biên bản kiểm tra; nếu trong biên bản kiểm tra không xác định được thì áp dụng Phụ lục 5 của Quy định này;

c) Số ngày tính bồi thường (n) được xác định như sau:

– Được tính từ ngày thực hiện hành vi vi phạm sử dụng điện đến khi phát hiện (có trừ số giờ cắt điện, ngày nghỉ, số giờ mất điện do sự cố và ngừng sản xuất toàn bộ để sửa chữa);

– Trường hợp số ngày tính bồi thường không xác định được cụ thể thì tính từ ngày kiểm tra sử dụng điện gần nhất hoặc từ lần thay thế, sửa chữa hay kiểm tra định kỳ hệ thống đo đếm điện năng kỳ gần nhất đến khi phát hiện, nhưng không quá mười hai tháng (có trừ đi số giờ cắt điện, ngày nghỉ phiên, số giờ mất điện do sự cố và ngừng sản xuất toàn bộ để sửa chữa).

– Đối với tổ chức, cá nhân sử dụng điện sinh hoạt có thể tính sản lượng điện năng ngày bằng điện năng sử dụng trung bình của ba kỳ hoá đơn cao nhất trong năm.

Điều 29: Ngừng cấp điện do vi phạm sử dụng điện

Việc ngừng cấp điện do vi phạm sử dụng điện được bên bán điện thực hiện theo Quy định trình tự và thủ tục ngừng cấp điện ban hành kèm theo Quyết định số 52/2001/QĐ-BCN ngày 12 tháng 11 năm 2001 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp.

CHƯƠNG VI
QUẢN LÝ HỒ SƠ VÀ CHỨNG CỨ VI PHẠM
CUNG ỨNG, SỬ DỤNG ĐIỆN, CHẾ ĐỘ BÁO CÁO

Điều 30: Hồ sơ và chứng cứ vi phạm cung ứng, sử dụng điện

1- Hồ sơ và các chứng cứ vi phạm cung ứng điện bao gồm:

a) Biên bản kiểm tra cung ứng điện:

b) Các phương tiện được dùng khi vi phạm và các chứng cứ (nếu có);

c) Bản tính toán tiền bồi thường, tiền phạt đối với hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về cung ứng điện;

d) Các giấy tờ, tài liệu và hiện vật khác có liên quan.

2- Hồ sơ và các chứng cứ vi phạm sử dụng điện:

a) Biên bản kiểm tra sử dụng điện;

b) Các phương tiện được dùng khi vi phạm và các chứng cứ (nếu có).

c) Biên bản kiểm tra thiết bị đo đếm điện năng (nếu có), biên bản kiểm định thiết bị đo đếm điện năng;

d) Sơ đồ lấy cắp điện (câu móc, vô hiệu hoá thiết bị đo đếm điện năng…) ảnh, băng ghi hình mô tả hành vi vi phạm sử dụng điện (nếu có).

đ) Bản tính tiền bồi thường, tiền phạt đối với hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về sử dụng điện;

e) Thiết bị đo đếm điện năng tháo về (nếu có);

g) Các giấy tờ, tài liệu và hiện vật khác có liên quan.

Điều 31: Trình tự tiếp nhận, lưu giữ hồ sơ xử lý vi phạm cung ứng, sử dụng điện

1- Biên bản kiểm tra và các chứng cứ vi phạm do kiểm tra viên điện lực của bên bán điện kiểm tra sử dụng điện lập;

a) Trường hợp bên mua điện không vi phạm hợp đồng mua bán điện thì biên bản kiểm tra được lưu giữ tại bên bán điện;

b) Trường hợp bên mua điện vi phạm hợp đồng mua bán điện thì biên bản kiểm tra và các chứng cứ vi phạm được lưu giữ tại bên bán điện để xử lý;

c) Trường hợp bên sử dụng điện có hành vi vi phạm hành chính thì chuyển một bản biên bản kiểm tra và các chứng cứ vi phạm đến các cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính để xử lý và lưu giữ.

2- Biên bản kiểm tra và các chứng cứ vi phạm do Kiểm tra viên điện lực của cơ quan quản lý Nhà nước về điện kiểm tra cung ứng hoặc sử dụng điện lập:

a) Trường hợp bên mua điện hoặc bên bán điện không vi phạm hợp đồng mua bán điện thì biên bản kiểm tra được lưu giữ tại cơ quan quản lý Nhà nước về điện;

b) Trường hợp bên mua điện hoặc bên bán điện vi phạm hợp đồng mua bán điện thì chuyển một bản biên bản kiểm tra và các chứng cứ vi phạm đến bên bị vi phạm để xử lý và lưu giữ. Nếu hai bên không tự giải quyết được và trong hợp đồng có thoả thuận yêu cầu Hội đồng giải quyết thì một trong hai bên chuyển hồ sơ đến Hội đồng để xử lý và lưu giữ.

c) Trường hợp bên cung ứng hoặc sử dụng điện có hành vi vi phạm hành chính thì chuyển một bản biên bản kiểm tra và các chứng cứ vi phạm đến các cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính để xử lý và lưu giữ.

3- Biên bản kiểm tra viết sai hoặc bị huỷ bỏ phải trả về cho nơi cấp biên bản kiểm tra.

4- Hành vi vi phạm cung ứng hoặc sử dụng điện nếu có dấu hiệu cấu thành tội phạm thì bên bị hại hoặc Hội đồng làm thủ tục chuyển vụ việc tới cơ quan điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 32: Quản lý hồ sơ vi phạm cung ứng, sử dụng điện

1- Cơ quan, tổ chức có quyền kiểm tra cung ứng, sử dụng điện chịu trách nhiệm cấp phát và quản lý hồ sơ, quản lý các sổ giao nhận biên bản kiểm tra, sổ thống kê biên bản kiểm tra, sổ theo dõi hồ sơ chuyển Hội đồng, cơ quan điều tra, Toà án, cơ quan trọng tài. Sổ quản lý hồ sơ vi phạm cung ứng, sử dụng điện phải được đánh số trang và đóng dấu giáp lai.

2- Việc giao, nhận hồ sơ vi phạm phải có ký nhận, nơi giao và nơi nhận. Sổ giao nhận phải đánh số thứ tự, số trang, ngày, tháng, năm và đóng dấu giáp lai.

3- Cơ quan, tổ chức xử lý cuối cùng có trách nhiệm lưu giữ hồ sơ vi phạm cung ứng, sử dụng điện. Thời hạn quản lý hồ sơ vi phạm cung ứng, sử dụng điện thực hiện theo quy định của pháp luật.

Điều 33: Chế độ báo cáo

1- Cục kiểm tra, giám sát kỹ thuật an toàn công nghiệp tiếp nhận và tổng hợp các báo cáo đột xuất, định kỳ hàng quý, năm về công tác kiểm tra, xử lý vi phạm cung ứng, sử dụng điện của các Sở công nghiệp, Tổng Công ty điện lực Việt Nam và các doanh nghiệp kinh doanh bán điện theo vùng, miền để báo cáo Bộ trưởng Công nghiệp.

2- Sở công nghiệp có trách nhiệm báo cáo đột xuất, định kỳ hàng quý, năm về công tác kiểm tra, xử lý vi phạm cung ứng, sử dụng điện về Bộ Công nghiệp (Cục kiểm tra, giám sát kỹ thuật an toàn công nghiệp).

3- Tổng Công ty điện lực Việt Nam, các doanh nghiệp kinh doanh bán điện theo vùng, miền có trách nhiệm báo cáo đột xuất, định kỳ hàng quý, năm về công tác kiểm tra sử dụng điện về Bộ Công nghiệp.

4- Các doanh nghiệp kinh doanh bán điện trong phạm vi địa bàn tỉnh có trách nhiệm báo cáo đột xuất, định kỳ hàng quý, năm về công tác kiểm tra sử dụng điện về Sở công nghiệp, trường hợp cần thiết có thể báo cáo trực tiếp về Cục kiểm tra, giám sát kỹ thuật an toàn công nghiệp.

CHƯƠNG VII
KHEN THƯỞNG KỶ LUẬT

Điều 34: Tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc kiểm tra và xử lý vi phạm cung ứng, sử dụng điện được khen thưởng. Người có quyền kiểm tra và xử lý vi phạm cung ứng, sử dụng điện mà có hành vi sách nhiễu, dung túng, thông đồng, bao che hành vi vi phạm, trì hoãn việc xử lý, xử lý không chính xác, không đúng thẩm quyền thì tuỳ thuộc vào tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây ra thiệt hại vật chất thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

CHƯƠNG VIII
TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 35: Cục kiểm tra, giám sát kỹ thuật an toàn công nghiệp và các Sở công nghiệp có trách nhiệm phổ biến, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Quy định này.

Điều 36: Các tổ chức, cá nhân tham gia cung ứng, sử dụng điện phải nghiêm chỉnh thực hiện Quy định này. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc kịp thời báo cáo cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền để giải quyết.


PHỤ LỤC 1
MẪU THẺ KIỂM TRA VIÊN ĐIỆN LỰC

MẪU SỐ 1


MẪU SỐ 2:


MẪU SỐ 3


PHỤ LỤC SỐ 2

TÊN ĐƠN VỊ KIỂM TRA

……………………….

Địa chỉ………………

Điện thoại……………

CỘNG HOÀ Xà HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

BIÊN BẢN KIỂM TRA CUNG ỨNG ĐIỆN

Số…../BB-CƯĐ

Vào hồi…. giờ, ngày….. tháng…… năm………

I- Đoàn kiểm tra gồm có:

1-……………………………….Kiểm tra viên điện lực. Số thẻ kiểm tra ………………

2- ………………………………chức vụ……………………………………………………………..

3- ………………………………chức vụ……………………………………………………………..

II- Bên cung ứng điện

1- ………………………………chức vụ……………………………………………………………..

2- ………………………………chức vụ……………………………………………………………..

III- Người làm chứng (nếu có)

1- ………………………………chức vụ……………………………………………………………..

2- ………………………………chức vụ……………………………………………………………..

IV- Đã tiến hành kiểm tra cung ứng điện tại:…………………………………………….

Địa chỉ………………………………………………………………………………………………….

Điện thoại…………………………………………………………………………………………….

V- Hiện trạng cung ứng điện:

…………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………….

Kết luận:

…………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………….

Đề nghị bên cung ứng điện:

Có mặt tại:……………………………………………………………………………………………

Vào hồi……… giờ…………..ngày……….tháng…………..năm………để…………………

Khi đi mang theo các giấy tờ liên quan gồm có:

……………………………………………………………………………………………………………

…………………………………………………………………………………………………………..

Quá hẹn mà bên cung ứng điện không có mặt, cơ quan có quyền sẽ giải quyết theo quy định của pháp luật.

Xác nhận của bên cung ứng điện:

Trong quá trình kiểm tra, những người tham gia kiểm tra không một ai xâm phạm hoặc làm hư hại đến tài sản của bên cung ứng điện.

Biên bản kết thúc vào …………giờ………….ngày……………tháng……….năm………

Biên bản được đọc cho mọi người cùng nghe, nhất trí ký tên. Biên bản này lập thành 3 bản; bên cung ứng điện giữ 1 bản để thực hiện theo nội dung biên bản, người lập biên bản giữ 2 bản.

Bên cung ứng điện

(Ký, ghi rõ họ tên, chức vụ)

Người làm chứng

(Ký, ghi rõ họ tên, chức vụ)

Kiểm tra viên điện lực

(Ký, ghi rõ họ tên, chức vụ)

Ý kiến bên cung ứng điện:

…………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………….


PHỤ LỤC SỐ 3

TÊN ĐƠN VỊ KIỂM TRA

……………………….

Địa chỉ………………

Điện thoại……………

CỘNG HOÀ Xà HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

BIÊN BẢN KIỂM TRA SỬ DỤNGĐIỆN

Số…../BB-SDĐ

Vào hồi…. giờ, ngày….. tháng…… năm………

I- Đoàn kiểm tra gồm có:

1-……………………………….Kiểm tra viên điện lực. Số thẻ kiểm tra ………………

2- ………………………………chức vụ…………………………………………………………..

3- ………………………………chức vụ…………………………………………………………..

II- Bên sử dụng điện

1- ………………………………chức vụ……………………………………………………………..

2- ………………………………chức vụ……………………………………………………………..

III- Người làm chứng (nếu có)

1- ………………………………chức vụ……………………………………………………………..

2- ………………………………chức vụ……………………………………………………………..

IV- Đã tiến hành kiểm tra sử dụng điện tại:…………………………………………….

Mã khách hàng……………………………………………………………………………………..

Địa chỉ………………………………………………………………………………………………….

Điện thoại…………………………………………………………………………………………….

V- Hiện trạng sử dụng điện:

Công tơ loại…………….. nước sản xuất ………………………..No……………………….

Dòng điện………….điện áp………….. TU………………….T1 ……….Hệ số nhân…..

Chỉ số công tơ tại lúc kiểm tra ……………………………………………………………….

VI- Hiện trạng lúc kiểm tra:

…………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………….

VII- Phụ lục kèm theo biên bản kiểm tra (gồm sơ đồ đấu dây, sơ đồ vi phạm…)

nếu có………………………………………………………………………………………………….

……………………………………………………………………………………………………………

Kết luận kiểm tra:

…………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………….

Đoàn kiểm tra đã yêu cầu:

– Cắt điện, thu hồi công tơ:

– Cắt điện, không thu hồi công tơ:

– Tạm để điện vì lý do:

Lập biên bản tạm giữ của bên sử dụng điện (do sử dụng điện trái phép) có chứng kiến của đại diện cơ quan pháp luật là ông (bà)……………………………………………

………………………………………………………………………………………………………………..

Khắc phục tình trạng ban đầu:

………………………………………………………………………………………………………………

…………………………………………………………………………………………………………….

Đề nghị bên sử dụng điện:

Có mặt tại:……………………………………………………………………………………………

Vào hồi……… giờ…………..ngày……….tháng…………..năm………để…………………

Khi đi cần mang theo các giấy tờ liên quan gồm có:

……………………………………………………………………………………………………………

…………………………………………………………………………………………………………..

Quá hẹn mà ông (bà) không đến, cơ quan có quyền sẽ giải quyết theo quy định của pháp luật.

Xác nhận của bên sử dụng điện:

Trong quá trình kiểm tra, hộ sử dụng điện hoặc người làm chứng luôn có mặt tại hiện trường và chứng kiến toàn bộ quá trình kiểm tra. Những người tham gia kiểm tra không một ai xâm phạm hoặc làm hư hại đến tài sản của bên sử dụng điện.

Biên bản kết thúc vào …………giờ………….ngày……………tháng……….năm………

Biên bản được đọc cho mọi người cùng nghe, nhất trí ký tên. Biên bản này lập thành 3 bản; bên sử dụng điện giữ 1 bản để thực hiện theo nội dung biên bản, người lập biên bản giữ 2 bản.

Bên sử dụng điện
(Ký, ghi rõ họ tên, chức vụ)

Người làm chứng
(Ký, ghi rõ họ tên,
chức vụ)

Kiểm tra viên điện lực
(Ký, ghi rõ họ tên,
chức vụ)

Ý kiến bên sử dụng điện:

…………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………….

Thuộc tính văn bản
Quyết định 42/2002/QĐ-BCN của Bộ Công nghiệp về việc ban hành Quy định kiểm tra cung ứng, sử dụng điện và xử lý vi phạm hợp đồng mua bán điện
Cơ quan ban hành: Bộ Công nghiệp Số công báo: Đã biết
Số hiệu: 42/2002/QĐ-BCN Ngày đăng công báo: Đang cập nhật
Loại văn bản: Quyết định Người ký: Bùi Xuân Khu
Ngày ban hành: 09/10/2002 Ngày hết hiệu lực: Đã biết
Áp dụng: Đã biết Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Lĩnh vực: Công nghiệp
Tóm tắt văn bản
Nội dung tóm tắt đang được cập nhật, Quý khách vui lòng quay lại sau!

QUYẾT ĐỊNH

CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG NGHIỆP SỐ 42/2002/QĐ-BCN
NGÀY 9 THÁNG 10 NĂM 2002 VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH
KIỂM TRA CUNG ỨNG, SỬ DỤNG ĐIỆN VÀ XỬ LÝ VI PHẠM
HỢP ĐỒNG MUA BÁN ĐIỆN

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG NGHIỆP

– Căn cứ Bộ luật Dân sự ngày 28 tháng 10 năm 1995;

– Căn cứ Nghị định số 74/CP ngày 01 tháng 11 năm 1995 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy Bộ Công nghiệp;

– Căn cứ Nghị định số 45/2001/CP ngày 02 tháng 8 năm 2001 của Chính phủ về hoạt động điện lực và sử dụng điện;

– Căn cứ Nghị định số 17/HĐBT ngày 16 tháng 1 năm 1993 của Hội đồng bộ trưởng quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh hợp đồng kinh tế.

Theo đề nghị của Cục trưởng cục kiểm tra, giám sát kỹ thuật an toàn công nghiệp.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: Ban hành kèm theo quyết định này “Quy định kiểm tra cung ứng, sử dụng điện và xử lý vi phạm hợp đồng mua bán điện”.

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định 96/NL-GSĐN ngày 26 tháng 01 năm 1988 của Bộ trưởng Bộ Năng lượng ban hành “Quy trình xử lý vi phạm sử dụng điện” và Quyết định số 06/NL-GSĐN ngày 08 tháng 01 năm 1990 của Bộ trưởng Bộ Năng lượng ban hành “Quy trình xử lý vi phạm cung ứng điện”.

Các quy định trước đây trái với quyết định này đều bãi bỏ.

Điều 3: Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Tổng Công ty Điện lực Việt Nam, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.


QUY ĐỊNH

KIỂM TRA CUNG ỨNG, SỬ DỤNG ĐIỆN VÀ XỬ LÝ VI PHẠM
HỢP ĐỒNG MUA BÁN ĐIỆN

(Ban hành kèm theo quyết định số 12/2002/QĐ-BCN
ngày 9-10-2002 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp).

CHƯƠNG I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1: Phạm vi, đối tượng điều chỉnh

Quy định này quy định trình tự, thủ tục kiểm tra cung ứng, sử dụng điện và xử lý vi phạm hợp đồng mua bán điện áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân tham gia cung ứng và sử dụng điện.

Điều 2: Quyền kiểm tra cung ứng, sử dụng điện

1- Thanh tra viên điện lực, kiểm tra viên điện lực của các cơ quan quản lý Nhà nước về điện có quyền kiểm tra cung ứng, sử dụng điện.

2- Kiểm tra viên điện lực của các doanh nghiệp kinh doanh bán điện có quyền kiểm tra sử dụng điện.

Điều 3: Hội đồng xử lý vi phạm cung ứng và sử dụng điện

1- Hội đồng xử lý vi phạm cung ứng và sử dụng điện (sau đây gọi là Hội đồng) do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là tỉnh) ra quyết định thành lập theo đề nghị của Giám đốc Sở Công nghiệp.

2- Hội đồng có trách nhiệm giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán điện khi hai bên ký kết hợp đồng không tự giải quyết được nhưng chưa cần đưa ra cơ quan tài phán và trong hợp đồng mua bán điện có thoả thuận yêu cầu Hội đồng giải quyết khi có tranh chấp. Hội đồng thực hiện các nhiệm vụ: thụ lý hồ sơ, tổ chức kiểm tra, yêu cầu thanh tra (nếu cần) và ra kết luận xử lý vi phạm hợp đồng mua bán điện; giải quyết khiếu nại; chuyển hồ sơ cho cơ quan chức năng giải quyết theo thẩm quyền nếu phát hiện hành vi vi phạm có dấu hiệu vi phạm hành chính hoặc dấu hiệu tội phạm.

3- Thành phần của Hội đồng bao gồm:

a) Chủ tịch Hội đồng lãnh đạo Sở công nghiệp.

b) Các uỷ viên Hội đồng gồm có:

– Trưởng phòng quản lý điện Sở công nghiệp hoặc cán bộ chuyên trách về điện thuộc Sở công nghiệp là uỷ viên thường trực.

– Chánh thanh tra hoặc Thanh tra viên điện lực Sở Công nghiệp là Uỷ viên.

– Các uỷ viên khác là đại diện cơ quan quản lý Nhà nước về giá, về đo lường, đại diện cơ quan tư pháp, đại diện Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng do Chủ tịch Hội đồng mời tham gia tuỳ theo tình hình thực tế của từng địa phương và từng vụ việc cụ thể.

4- Chủ tịch Hội đồng sử dụng bộ máy chuyên môn của Sở công nghiệp giúp việc cho Hội đồng và được phép sử dụng con dấu của Sở công nghiệp.

Điều 4: Giải thích từ ngữ

Trong quy định này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1- Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan mà bên vi phạm không thể kiểm soát được, không thể lường trước được và không thể tránh được, mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết trong khả năng cho phép. Sự kiện bất khả kháng bao gồm mưa, giông, bão, lốc, lụt, sấm sét, hạn hán, động đất, chiến tranh, phá hoại và cáctrường hợp khác theo quy định của pháp luật.

2- Trộm cắp điện quả tang là hành vi trộm cắp điện bị phát hiện khi đang thực hiện với chứng cứ rõ ràng (hiện trường, tang vật phạm pháp).

CHƯƠNG II
KIỂM TRA VIÊN ĐIỆN LỰC

Điều 5: Nhiệm vụ và quyền hạn của Kiểm tra viên điện lực Bộ Công nghiệp

Kiểm tra viên điện lực Bộ Công nghiệp thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn cho các cơ quan có thẩm quyền giao, bao gồm:

1- Kiểm tra việc thực hiện các quy định của Nhà nước về cung ứng và sử dụng điện trong phạm vi cả nước.

2- Kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của các Kiểm tra viên điện lực Sở công nghiệp và Kiểm tra viên điện lực của doanh nghiệp kinh doanh bán điện.

3- Kiểm tra bên cung ứng điện về việc thực hiện các quy định của Nhà nước về giá điện, cung ứng điện an toàn, ổn định, đảm bảo số lượng và chất lượng điện cho bên mua điện.

4- Kiểm tra vên sử dụng điện về việc thực hiện các quy định của Nhà nước về giá điện, sử dụng điện hợp pháp, an toàn, tiết kiệm, hiệu quả.

5- Yêu cầu bên cung ứng hoặc bên sử dụng điện cho ngừng vận hành các thiết bị không đảm bảo an toàn, không đảm bảo kỹ thuật và cho cắt ngay các thiết bị điện đang vận hành khi phát hiện có nguy cơ đe doạ gây sự cố, hoả hoạn hoặc nguy hiểm tính mạng con người.

6- Yêu cầu tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin cần thiết phục vụ cho công tác kiểm tra, xử lý.

7- Lập biên bản kiểm tra cung ứng điện hoặc biên bản kiểm tra sử dụng điện (sau đây gọi chung là biên bản kiểm tra) khi tiến hành kiểm tra tổ chức, cá nhân cung ứng hoặc sử dụng điện và chuyển tới cơ quan chức năng theo quy định tại Điều 31 của quy định này.

8- Phối hợp với cơ quan liên quan xác minh, lập biên bản, kiến nghị giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo về cung ứng, sử dụng điện.

Điều 6: Nhiệm vụ và quyền hạn của kiểm tra viên điện lực Sở công nghiệp.

Kiểm tra viên điện lực Sở công nghiệp thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn do các cơ quan có thẩm quyền giao, bao gồm:

1- Kiểm tra việc thực hiện các quy định của Nhà nước về cung ứng và sử dụng điện trên địa ban quản lý của mình.

2- Kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của các kiểm tra viên điện lực của doanh nghiệp kinh doanh bán điện hoạt động trên địa bàn tỉnh.

3- Kiểm tra bên cung ứng điện về việc thực hiện các quy định của Nhà nước về giá điện, về cung ứng điện an toàn, ổn định, đảm bảo số lượng và chất lượng điện cho bên mua điện.

4- Kiểm tra bên sử dụng điện về việc thực hiện các quy định của Nhà nước về giá điện, sử dụng điện hợp pháp, an toàn, tiết kiệm, hiệu quả.

5- Yêu cầu bên cung ứng hoặc bên sử dụng điện cho ngừng vận hành các thiết bị không đảm bảo an toàn, không đảm bảo kỹ thuật và cho cắt ngay các thiết bị điện đang vận hành khi phát hiện nguy cơ đe doạ gây sự cố, hoả hoạn hoặc nguy hiểm tính mạng con người.

6- Yêu cầu tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin cần thiết phục vụ cho công tác kiểm tra, xử lý.

7- Lập biên bản kiểm tra khi tiến hành kiểm tra tổ chức, cá nhân cung ứng, sử dụng điện và chuyển biên bản kiểm tra tới cơ quan chức năng theo quy định tại Điều 31 của Quy định này.

8- Phối hợp với cơ quan liên quan xác minh, lập biên bản, kiến nghị giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo về cung ứng, sử dụng điện.

Điều 7: Nhiệm vụ và quyền hạn của Kiểm tra viên điện lực của các doanh nghiệp kinh doanh bán điện.

Kiểm tra viên điện lực của các doanh nghiệp kinh doanh bán điện thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn do Giám đốc doanh nghiệp giao, bao gồm:

1- Kiểm tra việc thực hiện hợp đồng mua bán điện, kiểm tra việc sử dụng điện của tổ chức, cá nhân trong phạm vi quản lý kinh doanh của mình.

2- Kiểm tra bên mua điện thực hiện việc tiết giảm công suất điện đang sử dụng xuống công suất hạn chế theo thông báo của bên bán điện hoặc khi xảy ra sự kiện bất khả kháng trên hệ thống điện.

3- Yêu cầu bên mua điện chấp hành nghiêm chỉnh chế độ chính sách, quy định về sử dụng điện.

4- Yêu cầu bên mua điện cho ngừng vận hành các thiết bị không đảm bảo an toàn, không đảm bảo kỹ thuật và cho cắt ngay các thiết bị điện đang vận hành khi phát hiện nguy cơ đe doạ gây sự cố, hoả hạn hoặc nguy hiểm tính mạng con người.

5- Yêu cầu bên mua điện cung cấp thông tin cần thiết phục vụ cho công tác kiểm tra.

6- Lập biên bản kiểm tra khi tiến hành kiểm tra tổ chức, cá nhân sử dụng điện và chuyển biên bản kiểm tra tới cơ quan chức năng theo quy định tại Điều 31 của quy định này.

Điều 8: Tiêu chuẩn Kiểm tra viên điện lực

1- Tiêu chuẩn Kiểm tra viên điện lực của các cơ quan quản lý Nhà nước về điện:

a) Có trình độ đại học về điện trở lên;

b) Có thời gian công tác trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về điện hoặc làm công tác quản lý kỹ thuật, kinh doanh điện từ năm năm trở lên;

c) Đã được bồi dưỡng kiến thức quản lý Nhà nước, kiến thức pháp luật về cung ứng và sử dụng điện;

d) Nắm vững các quy trình, quy phạm kỹ thuật về điện, an toàn điện, các quy định về công tác kiểm tra cung ứng, sử dụng điện. Có khả năng nghiên cứu, phát hiện, phân tích, tổng hợp và đề xuát biện pháp giải quyết theo chức năng của công tác kiểm tra.

đ) Có sức khoẻ, có phẩm chất đạo đức tốt, có ý thức trách nhiệm, trung thực, công minh và khách quan.

2- Tiêu chuẩn Kiểm tra viên điện lực của các doanh nghiệp kinh doanh bán điện:

a) Có trình độ trung cấp về điện trở lên;

b) Có thời gian công tác trong lĩnh vực quản lý lưới điện, phân phối và kinh doanh điện từ ba năm trở lên;

c) Nắm vững các tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm kỹ thuật điện, an toàn điện, các quy định hiện hành về cung ứng và sử dụng điện. Có khả năng nghiên cứu, phát hiện, phân tích, tổng hợp và đề xuất biện pháp giải quyết theo chức năng của công tác kiểm tra.

d) Có sức khoẻ, có phẩm chất đạo đức tốt, có ý thức trách nhiệm, trung thực, công minh và khách quan.

Điều 9: Bồi dưỡng, kiểm tra, sát hạch Kiểm tra viên điện lực

1- Cục kiểm tra, giám sát kỹ thuật an toàn công nghiệp tổ chức bồi dưỡng, kiểm tra, sát hạch kiểm tra viên điện lực của Bộ Công nghiệp, các Sở công nghiệp, Tổng Công ty điện lực Việt Nam, các doanh nghiệp kinh doanh bán điện theo vùng, miền trình Bộ trưởng Bộ Công nghiệp quyết định công nhận để thực hiện việc cấp thẻ Kiểm tra viên điện lực theo quy định tại Điều 11 của quy định này.

2- Sở công nghiệp tổ chức bồi dưỡng, kiểm tra, sát hạch Kiểm tra viên điện lực của các doanh nghiệp kinh doanh bán điện thuộc địa bàn tỉnh và trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định công nhận để các doanh nghiệp kinh doanh bán điện cấp thẻ Kiểm tra viên điện lực theo quy định tại Điều 11 của quy định này.

Tuỳ theo điều kiện của từng địa phương, Giám đốc Sở công nghiệp sử dụng bộ máy chuyên môn của mình hoặc mời các chuyên gia có đủ năng lực, trình độ để bồi dưỡng và kiểm tra sát hạch các Kiểm tra viên điện lực.

3- Việc kiểm tra, sát hạch định kỳ được tiến hành 3 năm một lần; Kiểm tra viên điện lực chỉ được cấp thẻ khi đạt yêu cầu trong các kỳ kiểm tra sát hạch.

Điều 10: Thẩm quyền cấp thẻ Kiểm tra viên điện lực

1- Thẻ Kiểm tra viên điện lực của các kiểm tra viên thuộc Bộ Công nghiệp và Sở công nghiệp do Bộ trưởng Bộ Công nghiệp cấp theo đề nghị của Cục trưởng Cục kiểm tra, giám sát kỹ thuật an toàn, công nghiệp.

2- Để thống nhất và tăng cường hiệu lực quản lý đội ngũ kiểm tra viên điện lực thuộc các doanh nghiệp kinh doanh bán điện, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, trật tự an toàn xã hội.

a) Bộ trưởng Bộ Công nghiệp quyết định công nhận Kiểm tra viên điện lực của Tổng Công ty điện lực Việt Nam và các doanh nghiệp kinh doanh bán điện theo vùng, miền trên cơ sở đề nghị của Cục trưởng Cục kiểm tra, giám sát kỹ thuật an toàn công nghiệp. Căn cứ Quyết định của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp, Tổng giám đốc Tổng Công ty điện lực Việt Nam cấp thẻ cho các Kiểm tra viên điện lực của Tổng Công ty và các doanh nghiệp kinh doanh bán điện theo vùng, miền do Tổng Công ty quản lý; Giám đốc các doanh nghiệp kinh doanh bán điện theo vùng, miền ngoài Tổng Công ty điện lực Việt Nam cấp thẻ cho các Kiểm tra viên điện lực thuộc quyền quản lý của mình.

b) Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định công nhận Kiểm tra viên điện lực của các doanh nghiệp kinh doanh bán điện trong phạm vi một tỉnh theo đề nghị của Giám đốc Sở công nghiệp. Căn cứ quyết định của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các doanh nghiệp kinh doanh bán điện cấp thẻ cho các Kiểm tra viên điện lực của mình.

Điều 11: Trình tự, thủ tục cấp thẻ và thu hồi thẻ Kiểm tra viên điện lực

1- Trình tự, thủ tục cấp thẻ Kiểm tra viên điện lực

a) Thủ trưởng đơn vịcó chức năng kiểm tra cung ứng, sử dụng điện tuyển chọn Kiểm tra viên điện lực của đơn vị theo các tiêu chuẩn quy định tại Điều 8 và chịu trách nhiệm quản lý người được tuyển chọn;

b) Đơn vị có chức năng kiểm tra cung ứng, sử dụng điện tổng hợp danh sách và hồ sơ đề nghị xét chọn Kiểm tra viên điện lực để gửi các cơ quan, cụ thể như sau:

– Hồ sơ kiểm tra viên điện lực của các Sở công nghiệp, Tổng Công ty điện lực Việt Nam và các doanh nghiệp kinh doanh bán điện theo vùng, miền gửi về Cục kiểm tra, giám sát kỹ thuật an toàn công nghiệp.

– Hồ sơ Kiểm tra viên điện lực của các doanh nghiệp kinh doanh bán điện trong phạm vi một tỉnh gửi về Sở công nghiệp.

c) Hồ sơ của Kiểm tra viên điện lực bao gồm:

– Văn bản đề nghị cấp thẻ Kiểm tra viên điện lực của Thủ trưởng đơn vị có chức năng kiểm tra cung ứng, sử dụng điện.

– Bản sao hợp lệ bằng tốt nghiệp;

– Giấy chứng nhận đạt yêu cầu sát hạch kiểm tra viên điện lực;

– Sơ yếu lý lịch có nhận xét đánh giá của Thủ trưởng đơn vị.

2- Thủ tục thu hồi thẻ Kiểm tra viên điện lực

a) Thẻ Kiểm tra viên điện lực bị thu hồi trong các trường hợp sau:

– Thẻ Kiểm tra viên điện lực đã hết hạn sử dụng.

– Kiểm tra viên điện lực chuyển làm công tác khác hoặc chuyển công tác sang địa bàn khác.

– Kiểm tra viên điện lực mắc sai phạm nghiêm trọng trong công tác kiểm tra cung ứng, sử dụng điện.

b) Những người bị thu hồi thẻ Kiểm tra viên điện lực có nghĩa vụ nộp lại thẻ cho Thủ trưởng đơn vị quản lý trực tiếp để chuyển về cơ quan cấp thẻ. Trường hợp Kiểm tra viên điện lực mắc sai phạm nghiêm trọng trong công tác kiểm tra cung ứng, sử dụng điện, Thủ trưởng đơn vị quản lý trực tiếp có quyền tạm đình chỉ công tác và tạm giữ thẻ của Kiểm tra viên điện lực đó đồng thời làm văn bản đề nghị cơ quan, doanh nghiệp đã cấp thẻ xem xét thu hồi thẻ.

c) Cơ quan, doanh nghiệp cấp thẻ Kiểm tra viên điện lực có quyền thu hồi thẻ đã cấp và thông báo đến cơ quan có liên quan danh sách thẻ Kiểm tra viên điện lực bị thu hồi hoặc không còn giá trị sử dụng. Trường hợp doanh nghiệp thu hồi thẻ phải báo cáo cơ quan đã ra quyết định công nhận Kiểm tra viên điện lực.

Điều 12: Mẫu thẻ và thời hạn sử dụng thẻ Kiểm tra viên điện lực

1- Thẻ Kiểm tra viên điện lực có kích thước 75 mm x 100 mm được quy định tại Phụ lục 1 của Quy định này và có giá trị sử dụng trong 3 năm.

2- Kiểm tra viên điện lực thuộc cơ quan quản lý Nhà nước sử dụng thẻ Kiểm tra viên điện lực mầu hồng.

3- Kiểm tra viên điện lực thuộc các doanh nghiệp kinh doanh bán điện sử dụng thẻ Kiểm tra viên điện lực mầu vàng.

Điều 13: Trách nhiệm pháp lý của Kiểm tra viên điện lực

Kiểm tra viên điện lực chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hành vi của mình trong khi thực hiện nhiệm vụ kiểm tra. Nếu Kiểm tra viên điện lực vi phạm quy định của pháp luật thì tuỳ theo mức độ có thể bị thu hồi thẻ Kiểm tra viên điện lực theo quy định tại Điều 11 của quy định này, xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, trường hợp gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Điều 14: Trách nhiệm của Cục kiểm tra, giám sát kỹ thuật an toàn công nghiệp và Sở công nghiệp

1- Cục kiểm tra, giám sát kỹ thuật an toàn công nghiệp là cơ quan tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Công nghiệp chỉ đạo thống nhất về chuyên môn, nghiệp vụ đối với lực lượng Kiểm tra viên điện lực, bao gồm:

a) Tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về công tác kiểm tra cung ứng, sử dụng điện và xử lý vi phạm hợp đồng mua bán điện của các cơ quan quản lý Nhà nước về điện ở địa phương và các doanh nghiệp kinh doanh bán điện.

b) Tổ chức bồi dưỡng, kiểm tra, sát hạch về chuyên môn, nghiệp vụ cho lực lượng Kiểm tra viên điện lực do Bộ Công nghiệp cấp thẻ;

c) Tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp thẻ và thu hồi thẻ Kiểm tra viên điện lực theo quy định tại Điều 11 của quy định này; kiểm tra, giám sát việc cấp thẻ và thu hồi thẻ Kiểm tra viên điện lực của các địa phương và doanh nghiệp.

2- Sở công nghiệp là cơ quan tham mưu giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ đạo về chuyên môn nghiệp vụ đối với công tác kiểm tra cung ứng, sử dụng điện tại địa phương, bao gồm:

a) Tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về công tác kiểm tra cung ứng, sử dụng điện và xử lý vi phạm hợp đồng mua bán điện của các doanh nghiệp kinh doanh bán điện trong địa bàn tỉnh;

b) Tổ chức bồi dưỡng, kiểm tra, sát hạch về chuyên môn, nghiệp vụ cho lực lượng Kiểm tra viên điện lực để các doanh nghiệp cấp thẻ theo quy định;

c) Tiếp nhận hồ sơ Kiểm tra viên điện lực của các doanh nghiệp kinh doanh bán điện trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định công nhận để doanh nghiệp cấp thẻ Kiểm tra viên điện lực theo quy định tại Điều 11 của quy định này. Kiểm tra, giám sát việc cấp thẻ và thu hồi thẻ Kiểm tra viên điện lực của các doanh nghiệp kinh doanh bán điện tại địa phương.

CHƯƠNG III
CÁC HÀNH VI VI PHẠM TRONG CUNG ỨNG VÀ
SỬ DỤNG ĐIỆN

Điều 15: Hành vi vi phạm hợp đồng mua bán điện

1- Các hành vi vi phạm hợp đồng của bên bán điện bao gồm:

a) Trì hoãn việc cấp điện theo thời hạn đã thoả thuận trong hợp đồng mua bán điện đã ký;

b) Không đảm bảo chất lượng điện, tính ổn định trong cấp điện theo hợp đồng đã ký trừ trường hợp bất khả kháng;

c) Gây sự cố chủ quan trên lưới điện trực tiếp dẫn đến làm hư hỏng thiết bị của bên mua điện;

d) Ghi chỉ số điện năng sai, tính toán hoá đơn sai, bán sai giá quy định;

đ) Trì hoãn không bồi thường thiệt hại do lỗi của mình gây ra cho bên mua điện theo thoả thuận trong hợp đồng.

e) Vi phạm các thoả thuận khác trong hợp đồng mua bán điện.

2- Các hành vi vi phạm hợp đồng của bên mua điện bao gồm:

a) Trì hoãn việc thực hiện hợp đồng đã ký trong trường hợp mua buôn điện để bán lại cho tổ chức, cá nhân sử dụng điện khác;

b) Sử dụng điện sai mục đích có mức giá cao hơn mức giá đã thoả thuận trong hợp đồng;

c) Gây sự cố lưới điện hoặc làm hư hỏng thiết bị của bên bán điện;

d) Không thực hiện cắt giảm công suất khi có yêu cầu của bên bán điện do sự cố bất khả kháng;

đ) Sử dụng quá công suất đã đăng ký trong biểu đồ phụ tải được ghi trong hợp đồng mua bán điện vào giờ cao điểm;

e) Chậm trả tiền điện theo quy định tại khoản 5, khoản 6 Điều 39 Nghị định 45/2001/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2001 của Chính phủ về hoạt động điện lực và sử dụng điện mà không có lý do chính đáng;

g) Trì hoãn không bồi thường thiệt hại do lỗi của mình gây ra cho bên bán điện theo thoả thuận trong hợp đồng;

h) Không thông báo ngay cho bên bán điện khi phát hiện thiết bị đo đếm điện bị hư hỏng hoặc nghi ngờ hoạt động không chính xác dẫn đến việc tính toán hoá đơn sai gây thiệt hại cho bên bán điện;

i) Trộm cắp điện dưới mọi hình thức;

k) Vi phạm các thoả thuận khác trong hợp đồng mua bán điện.

Điều 16: Các hành vi vi phạm hành chính và hình sự trong cung ứng và sử dụng điện được xử lý theo các quy định của pháp luật.

CHƯƠNG IV
KIỂM TRA VÀ LẬP BIÊN BẢN KIỂM TRA CUNG ỨNG,
SỬ DỤNG ĐIỆN

Điều 17: Hình thức kiểm tra cung ứng, sử dụng điện

1- Việc kiểm tra cung ứng, sử dụng điện đối với tổ chức, cá nhân được tiến hành theo hình thức kiểm tra định kỳ và kiểm tra đột xuất.

2- Kiểm tra định kỳ là hình thức kiểm tra được thông báo trước cho tổ chức, cá nhân cung ứng, sử dụng điện biết. Kiểm tra định kỳ không quá một lần về cùng một nội dung trong một năm đối với một tổ chức, cá nhân cung ứng, sử dụng điện.

3- Kiểm tra đột xuất là hình thức kiểm tra không thông báo trước được thực hiện khi có yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền hoặc của doanh nghiệp.

Khi kiểm tra sử dụng điện đột xuất, bên kiểm tra chỉ được phép vào nhà dân kiểm tra những việc liên quan đến sử dụng điện như: an toàn điện, mục đích sử dụng điện, trộm cắp điện và các điều khoản đã thoả thuận trong hợp đồng mua bán điện. Nếu kiểm tra trong khoảng từ 22 giờ điêm hôm trước đến 06 giờ sáng hôm sau, bên kiểm tra phải phối hợp với cảnh sát khu vực hoặc chính quyền địa phương và phải thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật.

Điều 18: Thủ tục kiểm tra cung ứng, sử dụng điện

1- Chỉ người có quyền quy định tại Điều 2 của quy định này mới được tiến hành kiểm tra và lập biên bản kiểm tra thuộc phạm vi do mình quản lý.

2- Bên kiểm tra phải có từ hai người trở lên. Người phụ trách phải xuất trình thẻ Kiểm tra viên điện lực hoặc thẻ thanh tra viên điện lực và thông báo nội dung kiểm tra cho bên được kiểm tra biết. Việc kiểm tra cung ứng, sử dụng điện phải tuân thủ các quy định của pháp luật và các thoả thuận trong hợp đồng mua bán điện.

3- Việc kiểm tra phải được tiến hành với sự có mặt của bên được kiểm tra. Trường hợp bên được kiểm tra vắng mặt thì kiểm tra viên điện lực hoặc thanh tra viên điện lực phải mời hai người làm chứng có đầy đủ năng lực hành vi dân sự để chứng kiến việc kiểm tra.

4- Khi phát hiện hành vi trộm cắp điện quả tang, kiểm tra viên điện lực được phép thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ hiện trường trước khi xuất trình thẻ kiểm tra viên và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc làm của mình.

5- Kiểm tra viên điện lực phải lập biên bản kiểm tra và ghi đầy đủ các nội dung đã kiểm tra theo mẫu tại Phụ lục 2 hoặc Phụ lục 3 của quy định này. Trong thời gian tối đa là hai ngày làm việc, biên bản phải được chuyển cho bên bán điện hoặc cơ quan quản lý Nhà nước về điện để giải quyết theo thẩm quyền.

Điều 19: Biên bản kiểm tra

1- Biên bản kiểm tra được lập thành ba bản theo mẫu quy định và được ghi số thứ tự để quản lý, bên kiểm tra giữ hai bản, bên được kiểm tra giữ một bản. Tất cả các biên bản đã sử dụng kể cả biên bản ghi sai, huỷ bỏ không sử dụng nữa đều phải được quản lý và lưu giữ đầy đủ theo quy định.

2- Trường hợp phát hiện có hành vi vi phạm cung ứng hoặc sử dụng điện, trong biên bản phải mô tả rõ, đẩy đủ, chính xác từng hành vi vi phạm.

3- Biên bản kiểm tra phải ghi rõ họ và tên người tham gia kiểm tra, người của bên được kiểm tra. Nếu bên được kiểm tra không thống nhất với nội dung ghi trong biên bản kiểm tra thì được quyền ghi vào phần cuối biên bản ý kiến của mình.

4- Biên bản kiểm tra phải có đầy đủ chữ ký của Kiểm tra viên điện lực, người của bên được kiểm tra và của những người làm chứng (nếu có). Trường hợp bên được kiểm tra không chịu ký biên bản thì người lập biên bản ghi vào biên bản lý do bên được kiểm tra không ký, biên bản này vẫn có giá trị pháp lý để xử lý.

Điều 20: Nội dung biên bản kiểm tra cung ứng điện

Biên bản kiểm tra cung ứng điện phải ghi đầy đủ các nội dung chính đã kiểm tra, bao gồm:

1- Chất lượng điện:

a) Điện áp;

Điện áp được xác định bằng thiết bị đo điện áp trực tiếp hoặc gián tiếp do tổ chức có chức năng kiểm định và kẹp chì niêm phong hoặc dán tem kiểm định. Điện áp được xác định tại phía thứ cấp của máy biến áp cấp điện cho bên mua điện hoặc tại vị trí do hai bên thoả thuận trong hợp đồng.

b) Tần số:

Tần số được xác định bằng thiết bị đo tần số đạt tiêu chuẩn do tổ chức có chức năng kiểm định và kẹp chì niêm phong hoặc dán tem kiểm định.

2- Hệ thống đo đếm điện năng: công tơ, máy biến điện áp đo lường, máy biến dòng điện đo lường, sơ đồ đấu dây, tính nguyên vẹn chì niêm phong của hệ thống đo đếm điện năng; biên bản tháo lắp công tơ và thiết bị đo đếm điện năng và các tài liệu có liên quan khác.

3- Tình trạng kỹ thuật của lưới điện bao gồm các thiết bị điện, dây dẫn, xà sứ, máy biến áp và các thiết bị liên quan khác.

4- Trách nhiệmtrong công tác quản lý an toàn hành lang lưới điện.

5- Hợp đồng mua bán điện: việc thực hiện các điều khoản ghi trong hợp đồng như giá điện, mua bán công suất phản kháng, thời gian cấp điện, nghĩa vụ của bên bán điện.

6- Thực hiện các quy định về trình tự và thủ tục ngừng cấp điện.

Điều 21: Nội dung biên bản kiểm tra sử dụng điện

Biên bản kiểm tra sử dụng điện phải ghi đầy đủ các nội dung chính đã kiểm tra, bao gồm:

1- Điện áp;

Điện áp được xác định bằng thiết bị đo điện áp trực tiếp hoặc gián tiếp do tổ chức có chức năng kiểm định và kẹp chì niêm phong hoặc dán tem kiểm định. Điện áp được xác định tại phía thứ cấp của máy biến áp cấp điện cho bên mua hoặc tại vị trí do hai bên thoả thuận trong hợp đồng mua bán điện.

2- Công suất:

Công suất được xác định bằng cách đo trực tiếp các trị số công suất tức thời. Các thiết bị dùng để đo công suất phải được tổ chức có chức năng kiểm định và kẹp chì niêm phong hoặc dán tem kiểm định.

Đối với công suất cao điểm tối thì đo ba lần tại thời điểm kiểm tra, sau đó lấy trị số công suất lớn nhất của một trong ba lần đo.

3- Hệ thống đo đếm điện năng: Công tơ, máy biến điện áp đo lường, máy biến dòng điện đo lường, sơ đồ đấu dây, tính nguyên vẹn chì niêm phong của hệ thống đo đếm điện năng; biên bản tháo lắp công tơ và thiết bị đo đếm điện năng và các tài liệu có liên quan khác.

4- Tình trạng kỹ thuật của lưới điện bao gồm tình trạng các thiết bị sử dụng điện, dây dẫn, xà sứ, trạm điện và các hồ sơ kỹ thuật kèm theo.

5- Tình trạng vi phạm các quy định về an toàn hành lang lưới điện.

6- Việc thực hiện các thoả thuận trong hợp đồng mua bán điện về mục đích sử dụng điện, mua bán công suất phản kháng, thanh toán tiền điện, biểu đồ phụ tải, số hộ dùng chung công tơ và nghĩa vụ thực hiện các quy định của pháp luật về cung ứng và sử dụng điện của bên mua điện.

7- Đối với trường hợp trộm cắp điện, biên bản được lập theo các nội dung sau:

a) Ghi rõ hành vi trộm cắp;

b) Vẽ sơ đồ trộm cắp điện (câu móc, vô hiệu hoá thiết bị đo đếm điện năng…) cùng với các chứng cứ khác như ảnh chụp, băng ghi hình (nếu có) kèm theo biên bản.

c) Các thông số liên quan tới việc tính toán xử lý vi phạm sử dụng điện;

d) Nếu bên kiểm tra phải tạm giữ các phương tiện dùng để trộm cắp điện thì bên kiểm tra phải thực hiện niêm phong các phương tiện đó (giấy niêm phong phải có chữ ký bên kiểm tra và bên được kiểm tra);

đ) Tuỳ theo tính chất và mức độ của hành vi vi phạm sử dụng điện cụ thể mà bên kiểm tra phải thực hiện các biện pháp để giữ nguyên hiện trường, yêu cầu bên sử dụng điện khắc phục vi phạm hoặc yêu cầu bên bán điện cắt điện để tháo gỡ các phương tiện dùng để câu móc trộm, đấu lại đường dây cấp điện như cũ.

Điều 22: Kiểm tra hệ thống đo đếm điện năng

Kiểm tra hệ thống đo đếm điện năng (công tơ, máy biến dòng điện đo lường, máy biến điện áp đo lường, sơ đồ đấu dây) được thực hiện theo quy định sau:

1- Trường hợp phát hiện bên mua hoặc bên bán điện có hành vi làm hư hỏng hoặc sai lệch hệ thống đo đếm điện năng, bên kiểm tra phải ghi rõ hành vi vi phạm và kết luận trong biên bản kiểm tra.

2- Nếu hệ thống đo đếm điện năng bị hư hỏng hoặc có nghi ngờ hoạt động khác thường, bên kiểm tra thấy cần tháo thiết bị đo đếm điện năng về để kiểm tra thì việc tháo gỡ thiết bị đo đếm điện năng phải thực hiện đúng quy định dưới đây:

a) Thông báo cho bên bán điện yêu cầu của bên kiểm tra cần tháo gỡ hệ thống đo đếm điện năng để bên bán điện biết và cử người thực hiện;

b) Biên bản kiểm tra phải mô tả chi tiết hiện trạng, biểu hiện khác thường của hệ thống đo đếm điện năng và lý do tháo hệ thống đo đếm điện năng;

c) Thiết bị đo đếm điện năng, chì niêm phong thu được phải giữ nguyên, bao gói và niêm phong (giấy niêm phong có chữ ký của bên kiểm tra và các bên mua, bán điện). Bên kiểm tra phải giao biên bản tháo lắp công tơ và thiết bị đo đếm điện năng cho đại diện của bên được kiểm tra, trong biên bản kiểm tra phải hẹn ngày giờ, địa điểm để các bên cùng đến chứng kiến việc kiểm tra xác minh.

3- Khi kiểm định xác minh thiết bị đo đếm điện năng phải có sự chứng kiến của bên được kiểm tra và phải lập biên bản kiểm định hệ thống đo đếm điện năng.

4- Trường hợp phải cắt chì niêm phong, nhất thiết phải lập biên bản có chứng kiến của bên mua, bán điện. Nếu bên được kiểm tra chưa đồng ý với kết luận kiểm định thì phải niêm phong thiết bị đo đếm (giấy niêm phong có chữ ký của bên kiểm tra và bên mua, bán điện) trước khi chuyển tới cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để giải quyết theo quy định.

5- Cách xác định sản lượng điện năng trong trường hợp công tơ bị mất, hoạt động không chính xác hoặc ngừng hoạt động được thực hiện theo quy định tại Điều 40 Nghị định 45/2001/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2001 của Chính phủ về hoạt động điện lực và sử dụng điện.

CHƯƠNG V
XỬ LÝ VI PHẠM HỢP ĐỒNG MUA BÁN ĐIỆN

Điều 23: Trình tự xử lý vi phạm hợp đồng mua bán điện

1- Sau khi nhận được biên bản kiểm tra, bên mua điện và bên bán điện tự thoả thuận việc thanh toán các khoản tiền bồi thường, tiền phạt vi phạm đã cam kết trong hợp đồng.

2- Trong thời gian bảy ngày kể từ khi nhận được biên bản kiểm tra, nếu hai bên không tự thoả thuận được các khoản tiền phạt, tiền bồi thường và trong hợp đồng có thoả thuận yêu cầu Hội đồng giải quyết thì mỗi bên có quyền gửi hồ sơ tới Hội đồng.

Chậm nhất mười ngày kể từ khi nhận được đủ hồ sơ, Chủ tịch Hội đồng tổ chức hoà giải giữa hai bên hoặc ra kết luận yêu cầu xử lý.

3- Nếu một trong hai bên không nhất trí với kết luận của Hội đồng thì mỗi bên có quyền khởi kiện tại Toà án hoặc cơ quan Trọng tài.

4- Trong quá trình xử lý vi phạm hợp đồng, nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm hành chính thì bên bị vi phạm hoặc Hội đồng chuyền hồ sơ đến thanh tra điện lực thuộc Sở công nghiệp để giải quyết; nếu phát hiện có dấu hiệu cấu thành tội phạm thì chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để giải quyết theo quy định của pháp luật.

Điều 24: Nguyên tắc xử lý vi phạm hợp đồng mua bán điện

1- Mức bồi thường thiệt hại và phạt vi phạm hợp đồng phải được thoả thuận trong hợp đồng mua bán điện.

2- Bên vi phạm hợp đồng phải thanh toán cho bên bị vi phạm tiền phạt vi phạm hợp đồng và trong trường hợp có thiệt hại thì phải bồi thường những thiệt hại trực tiếp do hành vi vi phạm gây ra.

3- Trong một hợp đồng mua bán điện, mỗi loại hành vi vi phạm hợp đồng chỉ phải chịu một loại phạt do bên bị vi phạm hợp đồng bắt phạt. Nếu xảy ra đồng thời nhiều loại vi phạm, thì bên vi phạm chỉ phải chịu một loại phạt có số tiền phạt ở mức cao nhất theo mức phạt các bên đã thoả thuận trong hợp đồng. Trường hợp trong hợp đồng không ghi mức phạt thì áp dụng theo khung phạt tại Quy định này. Trường hợp chưa quy định trong văn bản này thì thực hiện theo quy định của pháp luật về hợp đồng.

4- Cách xác định giá trị phần hợp đồng bị vi phạm, mức bồi thường thiệt hại, mức phạt đối với từng hành vi vi phạm được quy định tại Điều 25, Điều 26, Điều 27 và Điều 28 của Quy định này, nếu phát sinh thiệt hại khác thì hai bên tự thoả thuận.

5- Trường hợp hành vi vi phạm hợp đồng mua bán điện chưa được quy định cụ thể tại Quy định này thì xử lý theo các quy định của pháp luật.

6- Thời hạn trả tiền bồi thường thiệt hại chậm nhất là ba mươi ngày, kể từ ngày chấp nhận yêu cầu bồi thường thiệt hại, ngày có kết luận của Hội đồng hoặc ngày có quyết định của Toà án hoặc của cơ quan trọng tài, nếu quá thời hạn quy định trên, bên vi phạm phải chịu lãi suất chậm trả trên số tiền bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Trong thời hạn mười lăm ngày kể từ ngày nhận được giấy đòi tiền phạt, bên vi phạm phải thanh toán tiền phạt vi phạm hợp đồng cho bên bị vi phạm; nếu quá hạn, bên vi phạm phải chịu lãi suất chậm trả trên số tiền phạt theo quy định của pháp luật.

7- Việc quản lý và sử dụng tiền phạt do vi phạm hợp đồng mua bán điện được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Công nghiệp – Bộ Tài chính về quản lý và sử dụng tiền phạt trong hoạt động điện lực và sử dụng điện.

Điều 25: Xử lý hành vi vi phạm hợp đồng mua bán điện sinh hoạt

Việc xử lý hành vi vi phạm hợp đồng mua bán điện sinh hoạt được căn cứ vào các thoả thuận tại hợp đồng mua bán điện sinh hoạt đã ký giữa hai bên mua và bán điện.

1- Trường hợp bên mua điện có hành vi trộm cắp điện dưới mọi hình thức thì xử lý như sau:

a) Bên mua điện phải bồi thường thiệt hại cho bên bán điện bằng giá trị sản lượng điện bị mất do hành vi trộm cắp điện gây ra. Cách tính tiền bồi thường được quy định tại Điều 28 của Quy định này.

b) Bên mua điện phải thanh toán cho bên bán điện khoản tiền phạt vi phạm hợp đồng bằng 5% số tiền bồi thường thiệt hại do hành vi trộm cắp điện gây ra.

2- Trì hoãn hoặc không bồi thường thiệt hại cho bên bị vi phạm.

Trong thời gian mười lăm ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu bồi thường thiệt hại, nếu bên vi phạm không trả lời hoặc không chấp nhận yêu cầu đó thì bên bị vi phạm có quyền chuyển hồ sơ đến Hội đồng hoặc Toà án để giải quyết.

Điều 26: Xử lý các hành vi vi phạm hợp đồng kinh tế của bên bán điện

1- Trì hoãn việc cấp điện theo thời hạn thoả thuận trong hợp đồng mua bán điện đã ký:

a) Bồi thường thiệt hại trực tiếp cho bên mua điện bằng khoản chi phí cần thiết mà bên mua điện phải chi trả do hành vi vi phạm gây ra;

b) Mức phạt vi phạm hợp đồng:

Phạt 2% giá trị phần hợp đồng kinh tế bị vi phạm, thời hạn thực hiện cho 10 ngày lịch đầu tiên; phạt thêm 1% cho mỗi đợt 10 ngày tiếp theo cho đến mức tổng số các lần phạt không quá 8% giá trị phần hợp đồng kinh tế bị vi phạm ở thời điểm 10 ngày lịch đầu tiên; nếu hoàn toàn không thực hiện hợp đồng kinh tế đã ký thì bị phạt đến mức 12% giá trị hợp đồng .

Giá trị phần hợp đồng bị vi phạm được xác định bằng giá trị sản lượng điện đã thoả thuận trong hợp đồng tính từ thời điểm cam kết cấp điện cho đến khi được cấp điện. Giá trị phần hợp đồng bị vi phạm được tính toán căn cứ vào công suất đăng ký, thời gian sử dụng điện trong ngày, giá điện ghi trong hợp đồng mua bán điện và số ngày trì hoãn được xác định từ thời điểm cam kết cấp điện cho đến thời điểm được cấp điện, theo công thức sau:

T = A x g x n

Trong đó:

– T: Giá trị phần hợp đồng bị vi phạm (d)

– A: Điện năng ngày xác định căn cứ vào các thông số đăng ký trong hợp đồng mua bán điện (công suất đăng ký nhân với thời gian sử dụng trong ngày).

– g: Giá điện ghi trong hợp đồng mua bán điện (đ/kwh).

– n: Số ngày trì hoãn.

2- Hành vi không đảm bảo chất lượng điện năng đã ghi trong hợp đồng gây thiệt hại cho bên mua điện (trừ sự kiện bất khả kháng);

a) Bồi thường thiệt hại trực tiếp cho bên mua điện bằng giá trị bù đắp lại phần hư hỏng của thiết bị do hành vi vi phạm gây ra;

b) Phạt vi phạm hợp đồng bằng 10% số tiền bồi thường thiệt hại.

3- Gây sự cố chủ quan trên lưới điện trực tiếp dẫn đến làm hư hỏng thiết bị của bên mua điện:

a) Bồi thường thiệt hại trực tiếp bằng giá trị bù đắp lại phần hư hỏng của thiết bị trên cơ sở thoả thuận với bên mua điện;

b) Phạt vi phạm hợp đồng từ 10% đến 12% số tiền bồi thường thiệt hại.

4- Ghi chỉ số điện năng sai, tính toán hoá đơn sai.

a) Trường hợp gây thiệt hại cho bên mua điện: bên bán điện phải hoàn trả cho bên mua điện giá trị sản lượng điện ghi thừa hoặc số tiền điện tính thừa.

b) Trường hợp gây thiệt hại cho bên bán điện: Bên bán điện phải thoả thuận với bên mua điện về giá trị và phương thức thanh toán tiền hoàn trả đối với sản lượng điện ghi thiếu hoặc số tiền điện tính thiếu cho bên bán điện.

c) Phạt vi phạm hợp đồng bằng 5% số tiền hoàn trả.

5- Bán sai giá quy định:

a) Trường hợp gây thiệt hại cho bên mua điện: Bên bán điện phải hoàn trả cho bên mua điện số tiền điện tính thừa;

Trường hợp gây thiệt hại cho bên bán điện: Bên mua điện hoàn trả cho bên bán điện số tiền điện tính thiếu.

Trường hợp không xác định rõ thời điểm áp dụng sai giá sẽ tính với thời gian là một năm.

b) Phạt vi phạm hợp đồng bằng 5% số tiền điện hoàn trả.

6- Trì hoãn hoặc không bồi thường cho bên mua điện do lỗi của mình gây ra:

Trong thời gian mười lăm ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu bồi thường thiệt hại, nếu bên bán điện không trả lời hoặc không chấp nhận yêu cầu đó thì bên mua điện có quyền chuyển hồ sơ vi phạm đến Hội đồng hoặc Toà án hoặc cơ quan trọng tài để giải quyết.

7- Vi phạm các thoả thuận khác trong hợp đồng mua bán điện được xử lý theo các quy định của pháp luật về hợp đồng kinh tế.

Điều 27: Xử lý hành vi vi phạm hợp đồng kinh tế của bên mua điện

1- Trì hoãn việc thực hiện hợp đồng đã ký với bên bán điện trong trường hợp mua buôn điện để bán lại cho tổ chức cá nhân sử dụng điện:

a) Bồi thường thiệt hại trực tiếp cho bên bán điện bằng chi phí cần thiết mà bên bán điện phải chi trả do hành vi vi phạm gây ra;

b) Mức phạt vi phạm hợp đồng

Phạt vi phạm hợp đồng bằng 2% giá trị phần hợp đồng kinh tế bị vi phạm, thời hạn thực hiện cho 10 ngày lịch đầu tiên; phạt thêm 1% cho mỗi đợt 10 ngày tiếp theo cho đến mức tổng số các lần phạt không quá 8% giá trị phần hợp đồng kinh tế bị vi phạm ở thời điểm 10 ngày lịch đầu tiên; nếu hoàn toàn không thực hiện hợp đồng kinh tế đã ký thì bị phạt đến mức 12% giá trị hợp đồng.

Giá trị phần hợp đồng bị vi phạm được xác định bằng giá trị sản lượng điện theo thoả thuận trong hợp đồng tính từ thời điểm cam kết thực hiện hợp đồng cho đến khi hợp đồng được thực hiện. Giá trị phần hợp đồng bị vi phạm được tính toán căn cứ vào công suất đăng ký, thời gian sử dụng điện trong ngày, giá điện ghi trong hợp đồng mua bán điện và số ngày trì hoãn được xác định từ thời điểm cam kết thực hiện hợp đồng cho đến thời điểm hợp đồng được thực hiện theo công thức sau:

T = A x g x n

Trong đó:

– T: Giá trị phần hợp đồng bị vi phạm (đ)

– A: Điện năng ngày xác định căn cứ vào các thông số đăng ký trong hợp đồng mua bán điện (công suất đăng ký nhân với thời gian sử dụng trong ngày).

– g: Giá điện ghi trong hợp đồng mua bán điện (đ/kwh)

– n: Số ngày trì hoãn.

2- Sử dụng điện sai mục đích có mức giá cao hơn mức giá đã thoả thuận trong hợp đồng.

a) Bồi thường thiệt hại cho bên bán điện bằng khoản tiền chênh lệch giá trong thời gian vi phạm mục đích sử dụng điện. Trường hợp không xác định rõ thời điểm áp dụng sai giá sẽ tính với thời gian là một năm.

b) Phạt vi phạm hợp đồng bằng 5% số tiền bồi thường thiệt hại đối với trường hợp vi phạm lần đầu tiên;

c) Phạt vi phạm hợp đồng bằng 10% số tiền bồi thường thiệt hại trong trường hợp vi phạm lần thứ hai trở đi.

3- Gây sự cố cho lưới điện hoặc làm hư hỏng thiết bị của bên bán điện:

a) Bồi thường thiệt hại trực tiếp bằng giá trị bù đắp lại phần hư hỏng của thiết bị trên cơ sở thoả thuận với bên bán điện;

b) Phạt vi phạm hợp đồng từ 10% đến 12% số tiền bồi thường thiệt hại.

4- Đối với hành vi sử dụng quá công suất đã đăng ký trong biểu đồ phụ tải được ghi trong hợp đồng mua bán điện vào giờ cao điểm:

a) Bên mua điện phải bồi thường thiệt hại cho bên bán điện 10% giá trị phần hợp đồng bị vi phạm;

b) Bên mua điện phải trả cho bên bán điện khoản tiền phạt vi phạm hợp đồng bằng 12% giá trị phần hợp đồng bị vi phạm;

Giá trị phần hợp đồng bị vi phạm được xác định theo công thức sau:

T = A x g (đồng)

Trong đó:

– T là giá trị phần hợp đồng bị vi phạm (đồng)

– g là giá bán điện trong giờ cao điểm tối (đ/kwh)

– A là sản lượng điện vi phạm trong giờ cao điểm (kwh) được tính như sau: A được xác định bằng phần công suất vi phạm trong giờ cao điểm (AP) nhân với số giờ cao điểm tối (4 giờ) của các ngày vi phạm trong tháng.

c) Nếu bên mua điện cố tình vi phạm thì bên bán điện được quyền ngừng cấp điện cho đến hết giờ cao điểm.

5- Không thực hiện cắt giảm công suất khi có yêu cầu của bên bán điện do sự cố bất khả kháng;

a) Phạt bằng tiền, mức phạt do hai bên thoả thuận trong hợp đồng mua bán điện;

b) Nếu bên mua điện cố tình vi phạm thì bên bán điện được quyền ngừng cấp điện cho đến khi chấp hành việc cắt giảm công suất.

6- Chậm trả tiền điện:

Thực hiện theo quy định tại Điều 39 của Nghị định 45/2001/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2001 của Chính phủ về hoạt động điện lực và sử dụng điện.

7- Trì hoãn không bồi thường cho bên bán điện do lỗi của mình gây ra:

Trong thời gian mười lăm ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu bồi thường thiệt hại, nếu bên mua điện không trả lời hoặc không chấp nhận yêu cầu đó thì bên bán điện có quyền chuyển hồ sơ vi phạm đến Hội đồng hoặc Toà kinh tế hoặc cơ quan trọng tài để giải quyết.

8- Trộm cắp điện dưới mọi hình thức

a) Bên mua điện phải bồi thường thiệt hại cho bên bán điện bằng giá trị sản lượng điện bị mất do hành vi trộm cắp điện gây ra. Cách tính điện năng bồi thường được quy định tại Điều 28 của Quy định này;

b) Bên mua điện phải thanh toán cho bên bán điện khoản tiền phạt vi phạm hợp đồng bằng 12% số tiền bồi thường thiệt hại.

9- Không thông báo ngay cho bên bán điện khi phát hiện hệ thống đo đếm điện bị hư hỏng hoặc nghi ngờ hoạt động không chính xác dẫn đến tính hoá đơn sai gây thiệt hại cho bên bán điện.

Bên mua điện có trách nhiệm hoàn trả số tiền điện còn thiếu cho bên bán điện.

10- Vi phạm các thoả thuận khác trong hợp đồng mua bán điện được xử lý theo các quy định của pháp luật về hợp đồng kinh tế.

Điều 28: Phương pháp xác định điện năng bồi thường và tiền bồi thường đối với các hành vi trộm cắp điện.

1- Điện năng bồi thường được xác định theo công thức sau:

ABT = ASD – AHD (kwh)

ABT: Tổng điện năng bồi thường (KWh)

ASD: Tổng điện năng sử dụng của các thiết bị tiêu thụ điện trong thời gian vi phạm (KWh).

AHD: Tổng điện năng được thể hiện trên hoá đơn thanh toán tiền điện trong thời gian vi phạm (KWh).

2- Tiền bồi thường được xác định theo công thức sau:

T = ABT x g (đồng)

T: Tiền bồi thường (đồng)

ABT: điện năng bồi thường (KWh).

g: Giá điện: (Giá điện giờ bình thường) tại thời điểm tương ứng trong thời gian tính bồi thường kể cả thuế VAT. Đối với vi phạm hợp đồng mua bán điện sinh hoạt, giá điện để tính là giá sinh hoạt bậc thang ở mức cao nhất (đ/KWh) .

3- Tổng điện năng sử dụng của thiết bị tiêu thụ điện được xác định theo công thức sau:

ASD = (P1 x t1 + P2 x T2 +….+ Pn x tn) x n (KWh)

ASD = Tổng điện năng sử dụng của các thiết bị tiêu thụ điện (KWh)

P1 P2 …. Pn : Công suất sử dụng của từng thiết bị tiêu thụ điện (KW)

t1 t2… tn: Thời gian sử dụng trong ngày của từng thiết bị (h/ngày)

n: Số ngày tính bồi thường (ngày).

a) Công suất sử dụng của các thiết bị tiêu thụ điện là trị số công suất cao nhất được tính theo một trong các phương pháp sau:

– Công suất tổng đo được tại thời điểm kiểm tra;

– Công suất cao nhất trong biểu đồ phụ tải đăng ký trong hợp đồng mua bán điện;

– Công suất của các thiết bị tại bảng kê công suất thiết bị đã đăng ký trong hợp đồng mua bán điện (đối với hợp đồng kinh tế).

– Tổng công suất của các thiết bị tiêu thụ điện ghi trong biên bản kiểm tra (có thể lấy công suất ghi trên nhãn mác thiết bị của nhà chế tạo).

b) Thời gian sử dụng trong ngày của từng thiết bị (t) được xác định căn cứ vào biên bản kiểm tra; nếu trong biên bản kiểm tra không xác định được thì áp dụng Phụ lục 5 của Quy định này;

c) Số ngày tính bồi thường (n) được xác định như sau:

– Được tính từ ngày thực hiện hành vi vi phạm sử dụng điện đến khi phát hiện (có trừ số giờ cắt điện, ngày nghỉ, số giờ mất điện do sự cố và ngừng sản xuất toàn bộ để sửa chữa);

– Trường hợp số ngày tính bồi thường không xác định được cụ thể thì tính từ ngày kiểm tra sử dụng điện gần nhất hoặc từ lần thay thế, sửa chữa hay kiểm tra định kỳ hệ thống đo đếm điện năng kỳ gần nhất đến khi phát hiện, nhưng không quá mười hai tháng (có trừ đi số giờ cắt điện, ngày nghỉ phiên, số giờ mất điện do sự cố và ngừng sản xuất toàn bộ để sửa chữa).

– Đối với tổ chức, cá nhân sử dụng điện sinh hoạt có thể tính sản lượng điện năng ngày bằng điện năng sử dụng trung bình của ba kỳ hoá đơn cao nhất trong năm.

Điều 29: Ngừng cấp điện do vi phạm sử dụng điện

Việc ngừng cấp điện do vi phạm sử dụng điện được bên bán điện thực hiện theo Quy định trình tự và thủ tục ngừng cấp điện ban hành kèm theo Quyết định số 52/2001/QĐ-BCN ngày 12 tháng 11 năm 2001 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp.

CHƯƠNG VI
QUẢN LÝ HỒ SƠ VÀ CHỨNG CỨ VI PHẠM
CUNG ỨNG, SỬ DỤNG ĐIỆN, CHẾ ĐỘ BÁO CÁO

Điều 30: Hồ sơ và chứng cứ vi phạm cung ứng, sử dụng điện

1- Hồ sơ và các chứng cứ vi phạm cung ứng điện bao gồm:

a) Biên bản kiểm tra cung ứng điện:

b) Các phương tiện được dùng khi vi phạm và các chứng cứ (nếu có);

c) Bản tính toán tiền bồi thường, tiền phạt đối với hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về cung ứng điện;

d) Các giấy tờ, tài liệu và hiện vật khác có liên quan.

2- Hồ sơ và các chứng cứ vi phạm sử dụng điện:

a) Biên bản kiểm tra sử dụng điện;

b) Các phương tiện được dùng khi vi phạm và các chứng cứ (nếu có).

c) Biên bản kiểm tra thiết bị đo đếm điện năng (nếu có), biên bản kiểm định thiết bị đo đếm điện năng;

d) Sơ đồ lấy cắp điện (câu móc, vô hiệu hoá thiết bị đo đếm điện năng…) ảnh, băng ghi hình mô tả hành vi vi phạm sử dụng điện (nếu có).

đ) Bản tính tiền bồi thường, tiền phạt đối với hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về sử dụng điện;

e) Thiết bị đo đếm điện năng tháo về (nếu có);

g) Các giấy tờ, tài liệu và hiện vật khác có liên quan.

Điều 31: Trình tự tiếp nhận, lưu giữ hồ sơ xử lý vi phạm cung ứng, sử dụng điện

1- Biên bản kiểm tra và các chứng cứ vi phạm do kiểm tra viên điện lực của bên bán điện kiểm tra sử dụng điện lập;

a) Trường hợp bên mua điện không vi phạm hợp đồng mua bán điện thì biên bản kiểm tra được lưu giữ tại bên bán điện;

b) Trường hợp bên mua điện vi phạm hợp đồng mua bán điện thì biên bản kiểm tra và các chứng cứ vi phạm được lưu giữ tại bên bán điện để xử lý;

c) Trường hợp bên sử dụng điện có hành vi vi phạm hành chính thì chuyển một bản biên bản kiểm tra và các chứng cứ vi phạm đến các cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính để xử lý và lưu giữ.

2- Biên bản kiểm tra và các chứng cứ vi phạm do Kiểm tra viên điện lực của cơ quan quản lý Nhà nước về điện kiểm tra cung ứng hoặc sử dụng điện lập:

a) Trường hợp bên mua điện hoặc bên bán điện không vi phạm hợp đồng mua bán điện thì biên bản kiểm tra được lưu giữ tại cơ quan quản lý Nhà nước về điện;

b) Trường hợp bên mua điện hoặc bên bán điện vi phạm hợp đồng mua bán điện thì chuyển một bản biên bản kiểm tra và các chứng cứ vi phạm đến bên bị vi phạm để xử lý và lưu giữ. Nếu hai bên không tự giải quyết được và trong hợp đồng có thoả thuận yêu cầu Hội đồng giải quyết thì một trong hai bên chuyển hồ sơ đến Hội đồng để xử lý và lưu giữ.

c) Trường hợp bên cung ứng hoặc sử dụng điện có hành vi vi phạm hành chính thì chuyển một bản biên bản kiểm tra và các chứng cứ vi phạm đến các cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính để xử lý và lưu giữ.

3- Biên bản kiểm tra viết sai hoặc bị huỷ bỏ phải trả về cho nơi cấp biên bản kiểm tra.

4- Hành vi vi phạm cung ứng hoặc sử dụng điện nếu có dấu hiệu cấu thành tội phạm thì bên bị hại hoặc Hội đồng làm thủ tục chuyển vụ việc tới cơ quan điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 32: Quản lý hồ sơ vi phạm cung ứng, sử dụng điện

1- Cơ quan, tổ chức có quyền kiểm tra cung ứng, sử dụng điện chịu trách nhiệm cấp phát và quản lý hồ sơ, quản lý các sổ giao nhận biên bản kiểm tra, sổ thống kê biên bản kiểm tra, sổ theo dõi hồ sơ chuyển Hội đồng, cơ quan điều tra, Toà án, cơ quan trọng tài. Sổ quản lý hồ sơ vi phạm cung ứng, sử dụng điện phải được đánh số trang và đóng dấu giáp lai.

2- Việc giao, nhận hồ sơ vi phạm phải có ký nhận, nơi giao và nơi nhận. Sổ giao nhận phải đánh số thứ tự, số trang, ngày, tháng, năm và đóng dấu giáp lai.

3- Cơ quan, tổ chức xử lý cuối cùng có trách nhiệm lưu giữ hồ sơ vi phạm cung ứng, sử dụng điện. Thời hạn quản lý hồ sơ vi phạm cung ứng, sử dụng điện thực hiện theo quy định của pháp luật.

Điều 33: Chế độ báo cáo

1- Cục kiểm tra, giám sát kỹ thuật an toàn công nghiệp tiếp nhận và tổng hợp các báo cáo đột xuất, định kỳ hàng quý, năm về công tác kiểm tra, xử lý vi phạm cung ứng, sử dụng điện của các Sở công nghiệp, Tổng Công ty điện lực Việt Nam và các doanh nghiệp kinh doanh bán điện theo vùng, miền để báo cáo Bộ trưởng Công nghiệp.

2- Sở công nghiệp có trách nhiệm báo cáo đột xuất, định kỳ hàng quý, năm về công tác kiểm tra, xử lý vi phạm cung ứng, sử dụng điện về Bộ Công nghiệp (Cục kiểm tra, giám sát kỹ thuật an toàn công nghiệp).

3- Tổng Công ty điện lực Việt Nam, các doanh nghiệp kinh doanh bán điện theo vùng, miền có trách nhiệm báo cáo đột xuất, định kỳ hàng quý, năm về công tác kiểm tra sử dụng điện về Bộ Công nghiệp.

4- Các doanh nghiệp kinh doanh bán điện trong phạm vi địa bàn tỉnh có trách nhiệm báo cáo đột xuất, định kỳ hàng quý, năm về công tác kiểm tra sử dụng điện về Sở công nghiệp, trường hợp cần thiết có thể báo cáo trực tiếp về Cục kiểm tra, giám sát kỹ thuật an toàn công nghiệp.

CHƯƠNG VII
KHEN THƯỞNG KỶ LUẬT

Điều 34: Tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc kiểm tra và xử lý vi phạm cung ứng, sử dụng điện được khen thưởng. Người có quyền kiểm tra và xử lý vi phạm cung ứng, sử dụng điện mà có hành vi sách nhiễu, dung túng, thông đồng, bao che hành vi vi phạm, trì hoãn việc xử lý, xử lý không chính xác, không đúng thẩm quyền thì tuỳ thuộc vào tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây ra thiệt hại vật chất thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

CHƯƠNG VIII
TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 35: Cục kiểm tra, giám sát kỹ thuật an toàn công nghiệp và các Sở công nghiệp có trách nhiệm phổ biến, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Quy định này.

Điều 36: Các tổ chức, cá nhân tham gia cung ứng, sử dụng điện phải nghiêm chỉnh thực hiện Quy định này. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc kịp thời báo cáo cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền để giải quyết.


PHỤ LỤC 1
MẪU THẺ KIỂM TRA VIÊN ĐIỆN LỰC

MẪU SỐ 1





MẪU SỐ 2:



MẪU SỐ 3



PHỤ LỤC SỐ 2

TÊN ĐƠN VỊ KIỂM TRA

……………………….

Địa chỉ………………

Điện thoại……………

CỘNG HOÀ Xà HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

BIÊN BẢN KIỂM TRA CUNG ỨNG ĐIỆN

Số…../BB-CƯĐ

Vào hồi…. giờ, ngày….. tháng…… năm………

I- Đoàn kiểm tra gồm có:

1-……………………………….Kiểm tra viên điện lực. Số thẻ kiểm tra ………………

2- ………………………………chức vụ……………………………………………………………..

3- ………………………………chức vụ……………………………………………………………..

II- Bên cung ứng điện

1- ………………………………chức vụ……………………………………………………………..

2- ………………………………chức vụ……………………………………………………………..

III- Người làm chứng (nếu có)

1- ………………………………chức vụ……………………………………………………………..

2- ………………………………chức vụ……………………………………………………………..

IV- Đã tiến hành kiểm tra cung ứng điện tại:…………………………………………….

Địa chỉ………………………………………………………………………………………………….

Điện thoại…………………………………………………………………………………………….

V- Hiện trạng cung ứng điện:

…………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………….

Kết luận:

…………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………….

Đề nghị bên cung ứng điện:

Có mặt tại:……………………………………………………………………………………………

Vào hồi……… giờ…………..ngày……….tháng…………..năm………để…………………

Khi đi mang theo các giấy tờ liên quan gồm có:

……………………………………………………………………………………………………………

…………………………………………………………………………………………………………..

Quá hẹn mà bên cung ứng điện không có mặt, cơ quan có quyền sẽ giải quyết theo quy định của pháp luật.

Xác nhận của bên cung ứng điện:

Trong quá trình kiểm tra, những người tham gia kiểm tra không một ai xâm phạm hoặc làm hư hại đến tài sản của bên cung ứng điện.

Biên bản kết thúc vào …………giờ………….ngày……………tháng……….năm………

Biên bản được đọc cho mọi người cùng nghe, nhất trí ký tên. Biên bản này lập thành 3 bản; bên cung ứng điện giữ 1 bản để thực hiện theo nội dung biên bản, người lập biên bản giữ 2 bản.

Bên cung ứng điện

(Ký, ghi rõ họ tên, chức vụ)

Người làm chứng

(Ký, ghi rõ họ tên, chức vụ)

Kiểm tra viên điện lực

(Ký, ghi rõ họ tên, chức vụ)

Ý kiến bên cung ứng điện:

…………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………….


PHỤ LỤC SỐ 3

TÊN ĐƠN VỊ KIỂM TRA

……………………….

Địa chỉ………………

Điện thoại……………

CỘNG HOÀ Xà HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

BIÊN BẢN KIỂM TRA SỬ DỤNGĐIỆN

Số…../BB-SDĐ

Vào hồi…. giờ, ngày….. tháng…… năm………

I- Đoàn kiểm tra gồm có:

1-……………………………….Kiểm tra viên điện lực. Số thẻ kiểm tra ………………

2- ………………………………chức vụ…………………………………………………………..

3- ………………………………chức vụ…………………………………………………………..

II- Bên sử dụng điện

1- ………………………………chức vụ……………………………………………………………..

2- ………………………………chức vụ……………………………………………………………..

III- Người làm chứng (nếu có)

1- ………………………………chức vụ……………………………………………………………..

2- ………………………………chức vụ……………………………………………………………..

IV- Đã tiến hành kiểm tra sử dụng điện tại:…………………………………………….

Mã khách hàng……………………………………………………………………………………..

Địa chỉ………………………………………………………………………………………………….

Điện thoại…………………………………………………………………………………………….

V- Hiện trạng sử dụng điện:

Công tơ loại…………….. nước sản xuất ………………………..No……………………….

Dòng điện………….điện áp………….. TU………………….T1 ……….Hệ số nhân…..

Chỉ số công tơ tại lúc kiểm tra ……………………………………………………………….

VI- Hiện trạng lúc kiểm tra:

…………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………….

VII- Phụ lục kèm theo biên bản kiểm tra (gồm sơ đồ đấu dây, sơ đồ vi phạm…)

nếu có………………………………………………………………………………………………….

……………………………………………………………………………………………………………

Kết luận kiểm tra:

…………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………….

Đoàn kiểm tra đã yêu cầu:

– Cắt điện, thu hồi công tơ:

– Cắt điện, không thu hồi công tơ:

– Tạm để điện vì lý do:

Lập biên bản tạm giữ của bên sử dụng điện (do sử dụng điện trái phép) có chứng kiến của đại diện cơ quan pháp luật là ông (bà)……………………………………………

………………………………………………………………………………………………………………..

Khắc phục tình trạng ban đầu:

………………………………………………………………………………………………………………

…………………………………………………………………………………………………………….

Đề nghị bên sử dụng điện:

Có mặt tại:……………………………………………………………………………………………

Vào hồi……… giờ…………..ngày……….tháng…………..năm………để…………………

Khi đi cần mang theo các giấy tờ liên quan gồm có:

……………………………………………………………………………………………………………

…………………………………………………………………………………………………………..

Quá hẹn mà ông (bà) không đến, cơ quan có quyền sẽ giải quyết theo quy định của pháp luật.

Xác nhận của bên sử dụng điện:

Trong quá trình kiểm tra, hộ sử dụng điện hoặc người làm chứng luôn có mặt tại hiện trường và chứng kiến toàn bộ quá trình kiểm tra. Những người tham gia kiểm tra không một ai xâm phạm hoặc làm hư hại đến tài sản của bên sử dụng điện.

Biên bản kết thúc vào …………giờ………….ngày……………tháng……….năm………

Biên bản được đọc cho mọi người cùng nghe, nhất trí ký tên. Biên bản này lập thành 3 bản; bên sử dụng điện giữ 1 bản để thực hiện theo nội dung biên bản, người lập biên bản giữ 2 bản.

Bên sử dụng điện
(Ký, ghi rõ họ tên, chức vụ)

Người làm chứng
(Ký, ghi rõ họ tên,
chức vụ)

Kiểm tra viên điện lực
(Ký, ghi rõ họ tên,
chức vụ)

Ý kiến bên sử dụng điện:

…………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………………….

Đang cập nhật

Đang cập nhật

Đang cập nhật

Đang cập nhật

Đồng ý nhận thông tin từ BePro.vn qua Email và Số điện thoại bạn đã cung cấp

Nếu bạn không tải về được vui lòng bấm vào đây để tải về.
BePro.vn sẽ thường xuyên cập nhật các văn bản pháp luật mới nhất, hãy luôn theo dõi thuvienluat.bepro.vn nhé!
Xin cảm ơn.

Reviews

There are no reviews yet.

Be the first to review “Quyết định 42/2002/QĐ-BCN của Bộ Công nghiệp về việc ban hành Quy định kiểm tra cung ứng, sử dụng điện và xử lý vi phạm hợp đồng mua bán điện”