BỘ Y TẾ
——- Số: 2177/QĐ-BYT
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc ————— Hà Nội, ngày 27 tháng 06 năm 2011
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT “CHƯƠNG TRÌNH TỔNG THỂ
BAO CAO SU TẠI VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 2011-2020”
—————-
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ
Căn cứ Nghị định số 188/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;
Căn cứ Quyết định số 18/2008/QĐ-TTg ngày 29/01/2008 của Thủ tướng Chính phủ về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình thuộc Bộ Y tế;
Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Chương trình tổng thể bao cao su tại Việt Nam giai đoạn 2011- 2020”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký, ban hành.
Điều 3. Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình, Chánh Văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS, Vụ trưởng Vụ Bảo vệ Sức khỏe bà mẹ trẻ em và Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
Nơi nhận:
– Như điều 3; – Bộ trưởng (để báo cáo); – Các Thứ trưởng (để biết); – Sở Y tế các tỉnh, thành phố; – Chi cục DS-KHHGĐ các tỉnh, thành phố; – Lưu: VT, TCDS (10b) |
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG Nguyễn Bá Thủy |
CHƯƠNG TRÌNH TỔNG THỂ
VỀ BAO CAO SU TẠI VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 2011-2020
(Kèm theo Quyết định số 2177/QĐ-BYT ngày 27 tháng 6 năm 2011)
(Kèm theo Quyết định số 2177/QĐ-BYT ngày 27 tháng 6 năm 2011)
Phần thứ nhất.
CƠ SỞ XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH
Công tác dân số – kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) và phòng chống HIV/AIDS ở nước ta thời gian vừa qua đã đạt được những kết quả quan trọng.
Về DS-KHHGĐ và chăm sóc SKSS: đã kiềm chế được tốc độ gia tăng dân số, tổng tỷ suất sinh (số con trung bình của một phụ nữ trong tuổi sinh đẻ) đạt mức sinh thay thế vào năm 2005, đến năm 2010 đạt 2,00 con; tỷ lệ gia tăng dân số năm 2010 là 1,05%, thấp nhất trong vòng 50 năm qua; tỷ lệ sử dụng các BPTT đã đạt mức cao vào năm 2010 là 78%, trong đó tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai (BPTT) hiện đại là 67,5%. Các BPTT ngày càng đa dạng, đặc biệt là tỷ lệ sử dụng bao cao su (BCS) tăng gấp đôi sau 10 năm kể từ năm 1998 góp phần thực hiện các mục tiêu của chương trình Dân số – Sức khỏe sinh sản và chương trình phòng chống HIV/AIDS.
Về phòng, chống HIV/AIDS: Kể từ trường hợp nhiễm HIV đầu tiên phát hiện ở Việt Nam năm 1990, tính đến ngày 31/12/2010, số ca nhiễm HIV tích lũy được báo cáo trong cả nước là 183.938 trường hợp, trong đó 44.938 trường hợp chuyển sang giai đoạn AIDS và 49.477 trường hợp đã tử vong. Đại dịch HIV ở Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn tập trung.
Đối với đại dịch HIV đang ở giai đoạn tập trung, biện pháp thích hợp là thực hiện các can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV, trong đó có việc cung cấp BCS, hạn chế việc lây nhiễm HIV qua đường tình dục.
Trong thời gian tới, nhu cầu BCS tránh thai, phòng chống các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục và HIV là rất lớn và ngày càng tăng, trong 10 năm tới đòi hỏi nhu cầu hàng tỷ chiếc BCS, trị giá hàng nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, nguồn BCS để đáp ứng nhu cầu trước năm 2009 chủ yếu phụ thuộc viện trợ, thì sau năm 2010 chưa có nhà tài trợ nào cam kết viện trợ BCS cho chương trình DS-SKSS và chỉ có 62 triệu chiếc BCS do PEPFAR hỗ trợ cho phòng chống HIV/AIDS.
Việc phân phối BCS chưa có sự liên kết thống nhất giữa các chương trình có liên quan như chương trình DS-KHHGĐ, phòng chống các bệnh lây truyền qua đường tình dục, phòng chống HIV/AIDS thuộc Bộ Y tế và chương trình phòng chống tệ nạn xã hội thuộc Bộ LĐTBXH dẫn đến giảm hiệu quả đầu tư do chồng chéo, phân tán nguồn lực.
Vì vậy, cần thiết phải xây dựng một chương trình điều phối tổng thể về BCS trong thời gian tới nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư, thực hiện công tác xã hội hóa và phát triển bền vững của từng chương trình. Chương trình này là phần không tách rời trong các chương trình, dự án bảo đảm an ninh hàng hóa SKSS/KHHGĐ để thực hiện Chiến lược Dân số – SKSS và Chiến lược phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2011-2020 và chương trình hành động phòng, chống mại dâm giai đoạn 2011-2015.
I. CƠ SỞ PHÁP LÝ
– Luật phòng, chống HIV/AIDS
– Pháp lệnh Dân số
– Nghị định số 178/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các Bộ, cơ quan ngang Bộ.
– Quyết định số 188/2007/QĐ-TTg ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của Bộ Y tế.
– Quyết định số 679/QĐ-TTg ngày 10 tháng 5 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động phòng, chống mại dâm giai đoạn 2011-2015.
II. CƠ SỞ THỰC TIỄN
1. Kết quả đạt được:
1.1. Chương trình dân số và chăm sóc sức khỏe sinh sản
Chương trình Dân số và Chăm sóc SKSS đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần vào thực hiện các mục tiêu của sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tỷ lệ sử dụng các BPTT đã đạt và luôn duy trì ở mức cao, cơ cấu sử dụng BPTT ngày càng đa dạng. Nếu như trước đây, cơ cấu sử dụng BPTT chủ yếu là dụng cụ tử cung thì nay đã được đa dạng hóa, các BPTT mới được mở rộng triển khai như thuốc tiêm, que cấy, tỷ lệ sử dụng các BPTT phi lâm sàng như viên uống tránh thai và BCS đã tăng hơn gấp đôi so với thời điểm 1998. Đạt được kết quả trên, công tác cung cấp dịch vụ KHHGĐ, trong đó có cung cấp BCS đã góp phần đáng kể vào việc chăm sóc SKSS/KHHGĐ và phòng chống HIV/AIDS.
Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển kinh tế, xã hội (KT-XH) của đất nước, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, khả năng tự chi trả các dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ của nhân dân ngày càng được nâng cao, có thể cùng chia sẻ gánh nặng ngân sách nhà nước vì lợi ích của mỗi cá nhân, gia đình và toàn xã hội.
1.1.1. Tỷ lệ sử dụng BCS ngày càng tăng đã góp phần thay đổi cơ cấu các BPTT theo hướng đa dạng hóa:
Tỷ lệ sử dụng BCS năm 2008 là 10,9% tăng gần gấp đôi so với 10 năm trước đó là 1998 với 5,6%. Trong khi đó, tỷ lệ sử dụng dụng cụ tử cung giảm tương ứng từ 61,6% xuống 55,8%, triệt sản và biện pháp truyền thống giảm đã đưa cơ cấu sử dụng các BPTT thay đổi mạnh và đa dạng hơn, giúp khách hàng có nhiều lựa chọn phù hợp hơn.
1.1.2. Công tác truyền thông thay đổi hành vi của khách hàng sử dụng BCS ngày càng hiệu quả
– BCS cấp miễn phí ngày càng giảm, đồng thời BCS được cung cấp bởi TTXH và thị trường tự do ngày càng tăng.
Tỷ lệ sử dụng BCS TTXH so với tổng số BCS được cung cấp trong chương trình DS-KHHGĐ đã tăng từ 45,8% năm 1997 lên 77,2% năm 2008. Trong năm 2009, số lượng BCS TTXH do DKT thực hiện đã giảm từ trên 60 triệu chiếc/năm trong thời gian trước xuống dưới 30 triệu chiếc/năm do phần lớn BCS TTXH đã được thị trường hóa.
– Giá mua BCS TTXH của khách hàng ngày càng tăng, từng bước tiệm cận giá thị trường:
Sau 17 năm triển khai TTXH, giá BCS “OK” TTXH tiến tới sát giá thị trường tự do, giá bán lẻ cho người tiêu dùng tăng từ 200đ/chiếc lên 1000đ/chiếc và tiệm cận sát giá thị trường. Từ năm 2009, tiếp tục triển khai nhãn hiệu Hello và Yes do Hội KHHGĐ thực hiện và tăng tương ứng từ 150-200đ/chiếc lên 333-500đ/chiếc.
Hiện nay, BCS nhãn hiệu OK có thể chuyển hoàn toàn sang thị trường cung cấp (không phải trợ giá) và BCS TTXH do các tổ chức trong nước thực hiện chỉ tập trung vào vùng đồng bằng, vùng đô thị loại 2 trở xuống và các vùng phụ cận của đô thị loại 1.
– Thay đổi hành vi theo trình độ học vấn ảnh hưởng đến việc sử dụng BCS:
Theo kết quả của Điều tra biến động DS-KHHGĐ 1/4/2008 của Tổng cục Thống kê cho thấy: Tỷ lệ sử dụng BCS nhóm chưa đi học và chưa tốt nghiệp tiểu học chỉ chiếm 8,5%, trình độ tiểu học là 25,1% tăng lên 30,1% ở nhóm phổ thông cơ sở và đạt mức cao nhất là 36,2% ở nhóm có trình độ phổ thông trung học trở lên. Đối với khu vực thành thị, tỷ lệ sử dụng BCS ở nhóm có trình độ phổ thông trung học trở lên là 56,4%.
Như vậy, có thể thấy rằng trình độ học vấn và chương trình giáo dục truyền thông thay đổi hành vi DS/SKSS có ảnh hưởng đáng kể đến thay đổi hành vi sử dụng BCS trong chương trình DS-KHHGĐ…
1.1.3. Kênh cung cấp BCS ngày càng đa dạng
– Kênh phân phối dựa vào cộng đồng:
Hệ thống cung cấp BCS tại cộng đồng qua mạng lưới cộng tác viên dân số. Hiện nay toàn quốc có 167.185 cộng tác viên ở thôn/bản của 11.112 xã/phường thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, vận động khách hàng thực hiện các BPTT và cung cấp BCS miễn phí cho các đối tượng nghèo và cận nghèo.
Ước tính, bình quân mỗi cộng tác viên tại cộng đồng, phụ trách tuyên truyền vận động khoảng 77 cặp đang thực hiện các BPTT, trong đó có 8 cặp vợ chồng thực hiện BPTT bằng BCS. Tuy nhiên, bình quân mỗi cộng tác viên chỉ cung cấp cho 1-2 cặp vợ chồng được nhận BCS miễn phí.
– Kênh phân phối qua các điểm dịch vụ của ngành y tế:
Toàn quốc có 11.112 trạm y tế xã/phường, hàng ngàn điểm dịch vụ của ngành y tế tham gia cung cấp BCS cho các đối tượng có nhu cầu chăm sóc SKSS/KHHGĐ và phòng chống HIV/AIDS phủ kín trên phạm vi cả nước.
Bên cạnh đó, việc các điểm dịch vụ của ngành y tế cung cấp thường xuyên BCS cho các đối tượng có nhu cầu chăm sóc SKSS/KHHGĐ, hàng năm có từ 1-2 đợt thực hiện chiến dịch lồng ghép cung cấp dịch vụ SKSS/KHHGĐ tới vùng khó khăn, kết hợp cung cấp BCS và tuyên truyền vận động thực hiện công tác chăm sóc SKSS/KHHGĐ và phòng chống HIV/AIDS.
– Kênh TTXH và thị trường tự do:
Hiện nay, có khoảng 85% khách hàng sử dụng BCS tránh thai ngoài ý muốn được cung cấp qua hàng chục ngàn điểm bán hàng của kênh TTXH và thị trường tự do. Trong đó, các hiệu thuốc tư nhân đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp BCS thực hiện phòng tránh thai ngoài ý muốn, phòng chống các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục và HIV.
Ước tính trong năm 2010 có khoảng 113 triệu chiếc BCS tránh thai được cung cấp từ thị trường tự do và khoảng 33 triệu chiếc BCS được bán thông qua chương trình TTXH các PTTT.
1.1.4. Sản xuất trong nước đáp ứng nhu cầu của chương trình và chất lượng BCS ngày càng được nâng cao.
– Sản xuất trong nước:
Hầu hết BCS phục vụ chương trình DS-KHHGĐ đều được cung cấp từ các nhà máy sản xuất BCS trong nước. Hiện nay, Việt Nam có 03 nhà máy sản xuất, ở phía Nam gồm nhà máy là Medivice 3S (Bình Phước); Merufa (thành phố Hồ Chí Minh); ở phía bắc là Dongkuk (Phú Thọ) phục vụ đủ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
– Chất lượng BCS:
Trong thời gian qua, tiêu chuẩn chất lượng BCS cung cấp cho chương trình DS-KHHGĐ đều đáp ứng tiêu chuẩn ISO hoặc tiêu chuẩn của WHO và yêu cầu ngày càng tăng dần: ISO 4074-1990 đến ISO 4074-1996 và hiện nay yêu cầu đạt tiêu chuẩn ISO 4074-2002 và WHO 2003 (thay thế WHO 1998).
Các labo kiểm tra chất lượng BCS trong nước đã đáp ứng yêu cầu kiểm tra chất lượng BCS theo yêu cầu của nhà tài trợ và Bộ Y tế.
1.1.5. Nguồn vốn đầu tư của Nhà nước (bao gồm viện trợ) dần dần được thay thế bằng đóng góp của cá nhân và cộng đồng
Tổng nhu cầu năm 2010 cần 168 triệu chiếc BCS tránh thai, tương đương trị giá 101 tỷ đồng (giả định chung một mặt bằng giá 603 đồng/chiếc BCS). Trong đó: 22 triệu chiếc BCS miễn phí, chiếm 13% tổng nhu cầu (13,3 tỷ); 33,2 triệu chiếc BCS TTXH (20 tỷ), trong đó ngân sách trong nước đầu tư cho VINAFPA triển khai 16 triệu chiếc trị giá 9,6 tỷ đồng nhà nước và DKT 17,2 triệu chiếc trị giá 10,4 tỷ đồng và 113 triệu chiếc BCS sẽ được cung cấp trên thị trường tự do (ước tính ít nhất là 68 tỷ đồng), chiếm 67% tổng nhu cầu.
Như vậy, sau 17 năm triển khai TTXH BCS, ngân sách nhà nước năm 2010 đã không phải chi 68 tỷ đồng mua BCS và số kinh phí này sẽ tăng dần vào những năm tiếp theo vì BCS TTXH sẽ từng bước được thị trường hóa. Hiện chỉ còn dưới 20% khách hàng sử dụng BCS đã chi trả một phần chi phí BCS thông qua kênh TTXH và 14% được bao cấp, nhận miễn phí là những nhóm người nghèo, cận nghèo vùng khó khăn, vùng hải đảo.
Từ năm 2011, ngân sách nhà nước dự kiến chi mua BCS tránh thai chỉ còn dưới 30%, bao gồm mua BCS để cấp miễn phí và BCS TTXH do các tổ chức trong nước thực hiện. Tỷ lệ cấp BCS miễn phí sau năm 2010 là dưới 13% và tiếp tục giảm dần do tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm.
1.1.6. Hệ thống thông tin quản lý hậu cần ngày càng hoàn thiện
Bộ Y tế ban hành Quyết định số 199/QĐ-BYT, yêu cầu về chế độ báo cáo tình hình phân phối, sử dụng BCS, cụ thể là: Kho Trung ương báo cáo hàng tháng; Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, thành phố báo cáo hàng quý; Trung tâm DS-KHHGĐ huyện, thị và trạm y tế báo cáo hàng tháng; Các đơn vị thực hiện TTXH báo cáo hàng quý.
Trong thời gian qua, các đơn vị đã báo cáo đầy đủ kịp thời các thông tin về phân phối, sử dụng BCS giúp cho việc quản lý và điều phối của các cấp ngày được tăng cường và hiệu quả. Hệ thống thông tin điện tử quản lý PTTT (LMIS) ngày càng được hoàn thiện.
1.2. Chương trình phòng chống HIV/AIDS
1.2.1. Công tác thông tin, giáo dục, truyền thông thay đổi hành vi được tăng cường: với sự tham gia của các bộ, ngành, đoàn thể và các địa phương bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp đặc điểm văn hóa của địa phương và đặc thù các nhóm đối tượng như phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư”, mô hình câu lạc bộ B93, mô hình các nhóm tự lực… Kết quả đã góp phần nâng cao nhận thức phòng, chống HIV/AIDS trong cộng đồng, có tác động không nhỏ đến sự thay đổi kiến thức và hành vi trong các nhóm nguy cơ cao. Nhiều nghiên cứu, đánh giá cho thấy kiến thức, thái độ và thực hành của người dân về phòng, chống HIV/AIDS đã được tăng lên một cách đáng kể trong những năm qua.
1.2.2. Can thiệp giảm tác hại, dự phòng lây nhiễm HIV đã được đẩy mạnh: Nếu trong giai đoạn 2000-2004, các hoạt động can thiệp giảm hại chưa được chú trọng đầu tư đúng mức, chương trình phân phát BCS và trao đổi bơm kim tiêm chỉ được triển khai ở một vài tỉnh thì đến nay chương trình đã được triển khai ở hầu hết các tỉnh/thành phố. Chương trình phân phát BCS cũng được tăng cường, mở rộng nhanh. Số BCS được phân phát tăng nhanh từ 9 triệu chiếc năm 2006 lên trên 25 triệu chiếc năm 2010. Chương trình phân phát BCS đã góp phần làm giảm đáng kể tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm phụ nữ bán dâm từ 5,9% năm 2002 xuống còn 4,5% năm 2010.
1.2.3. Giám sát, theo dõi và đánh giá luôn được quan tâm cải tiến: các số liệu chương trình đảm bảo tin cậy và kịp thời, giúp cho việc lập kế hoạch chính xác, khuyến cáo những chính sách phù hợp với thực tiễn. Công tác giám sát dịch và tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện ngày càng được mở rộng và đẩy mạnh, số mẫu xét nghiệm HIV tăng liên tục qua các năm và đạt gần 1 triệu lượt xét nghiệm HIV mỗi năm. Chương trình cũng triển khai nhiều nghiên cứu giá trị giúp cho lập kế hoạch, đánh giá chương trình.
2. Khó khăn và thách thức:
(1) BCS có tác dụng “kép” sử dụng chung các nhu cầu tránh thai, phòng, chống nhiễm khuẩn qua đường tình dục và phòng, chống HIV/AIDS, nhưng thiếu một kế hoạch tổng thể về điều phối BCS.
(2) Hệ thống chính sách có liên quan đến BCS còn thiếu, chưa đồng bộ và bộc lộ một số hạn chế, nên trong quá trình quản lý và tổ chức thực hiện gặp nhiều vướng mắc.
(3) Tổng nhu cầu BCS đang gia tăng nhanh chóng, ngân sách đầu tư đòi hỏi ngày càng lớn. Trong khi đó, ngân sách trong nước đầu tư cho chương trình còn hạn chế, nguồn viện trợ giảm mạnh, dẫn đến nguy cơ thiếu hụt trầm trọng BCS trong thời gian tới.
(4) Sự chấp thuận của khách hàng và cộng đồng về sử dụng BCS còn hạn chế: Tỷ lệ sử dụng BCS tránh thai còn thấp so với các nước trong khu vực; hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV trong một số nhóm người như tiêm chích ma túy, phụ nữ bán dâm vẫn còn ở mức độ cao, nhưng tỷ lệ sử dụng BCS còn thấp; sử dụng BCS phòng chống nhiễm khuẩn qua đường tình dục còn chưa được quan tâm đúng mức.
(5) Tình hình dịch HIV tuy đã được kiềm chế, song vẫn diễn biến phức tạp, khó lường và tiềm ẩn các yếu tố có thể gây bùng nổ dịch trên diện rộng nếu không có những biện pháp ứng phó toàn diện và quyết liệt hơn, trong đó có vai trò quan trọng của BCS.
(6) Nhiều can thiệp tăng cường sử dụng BCS của hệ thống cung cấp BCS mới chỉ quan tâm tới địa bàn và đối tượng đích riêng rẽ dẫn đến nhiều hoạt động còn chồng chéo trên cùng một địa bàn, thậm chí trên cùng một nhóm đối tượng.
(7) Quản lý và điều tiết TTXH và thị trường BCS của cơ quan quản lý nhà nước trong thời gian qua bộc lộ nhiều hạn chế; nhiều tỉnh, thành phố chỉ quan tâm tới cấp PTTT miễn phí, không quản lý được số người sử dụng BCS từ nguồn TTXH và thị trường tự do.
Phần thứ hai.
NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH TỔNG THỂ BAO CAO SU
I. MỤC TIÊU:
1. Mục tiêu chung:
Đáp ứng đúng, đủ và kịp thời BCS có chất lượng ngày càng cao cho mọi khách hàng có nhu cầu sử dụng.
2. Mục tiêu cụ thể:
2.1. Tăng nhu cầu sử dụng BCS cho các mục đích tránh thai ngoài ý muốn, phòng các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục và HIV/AIDS.
Chỉ tiêu:
– 15% số cặp vợ chồng sử dụng BCS trong cơ cấu BPTT.
– 80% nhóm nữ bán dâm sử dụng BCS thường xuyên, đúng cách.
– 97% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ được cung cấp các thông tin có liên quan về BCS và sử dụng BCS đúng cách.
– 95% nhóm khách hàng dễ bị tổn thương được cung cấp đầy đủ các thông tin về BCS và sử dụng BCS đúng cách.
– 95% vị thành niên, thanh niên được cung cấp các thông tin có liên quan về BCS.
2.2. Tăng tính sẵn có và khả năng tiếp cận BCS có chất lượng và chi phí phù hợp cho khách hàng có nhu cầu sử dụng BCS, chú trọng các nhóm khách hàng đặc thù, dễ bị tổn thương, khó tiếp cận.
Chỉ tiêu:
– 100% đối tượng nghèo, vùng khó khăn có nhu cầu sử dụng được cung cấp BCS miễn phí, đầy đủ, kịp thời để phòng tránh thai ngoài ý muốn, phòng nhiễm khuẩn qua đường tình dục, HIV/AIDS.
– 100% thôn bản có mạng lưới phân phối BCS tại cộng đồng.
– 95% các trạm y tế xã, phường, thị trấn cung cấp BCS có chất lượng cho khách hàng có nhu cầu.
– 95% các địa bàn có nguy cơ cao về lây nhiễm HIV (nơi có nhiều người bán dâm, tiêm chích ma túy, di biến động, quan hệ tình dục đồng giới nam…) được triển khai “chương trình 100% BCS”.
– 90% nhu cầu sử dụng BCS được đáp ứng qua TTXH và thị trường tự do.
2.3. Nâng cao năng lực điều phối và quản lý chương trình tổng thể BCS của ngành y tế.
Chỉ tiêu:
– 100% các cơ sở sản xuất BCS trong nước áp dụng tiêu chuẩn theo ISO 4074 và WHO cập nhật nhất.
– 100% các cơ sở kinh doanh, phân phối BCS được kiểm soát chất lượng trước và trong khi lưu hành.
– 100% kho bảo quản BCS đạt tiêu chuẩn theo quy định Bộ Y tế.
– 100% cơ sở tham gia chương trình tổng thể BCS ở các cấp sử dụng hệ thống thông tin quản lý hậu cần (LMIS).
– 90% cán bộ tuyến tỉnh, huyện làm công tác có liên quan đến BCS được đào tạo và đào tạo lại về điều phối và quản lý chương trình tổng thể BCS.
II. CÁC NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
1. Tăng cường lãnh đạo, quản lý và tổ chức:
Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền và sự tham gia phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể với ngành y tế trong việc thực hiện triển khai có hiệu quả chương trình tổng thể BCS.
Thống nhất quản lý, điều phối BCS thông qua ban chỉ đạo và ban điều phối cấp trung ương và cấp tỉnh với sự tham gia của các cơ quan liên quan.
Tăng cường lồng ghép có hiệu quả các hoạt động có liên quan đến BCS giữa các chương trình, dự án về DS-KHHGĐ, phòng chống HIV/AIDS, phòng nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục và phòng chống mại dâm.
2. Đẩy mạnh hoạt động thông tin, truyền thông và giáo dục:
Vận động tạo sự cam kết, ủng hộ mạnh mẽ từ các cấp lãnh đạo và các nhà tài trợ trong việc đảm bảo nguồn lực và môi trường chính sách và xã hội thuận lợi cho việc thực hiện chương trình tổng thể BCS.
Đẩy mạnh hoạt động truyền thông, tư vấn nhằm nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi về chấp nhận sử dụng BCS và tự chi trả của khách hàng thông qua việc phối hợp, lồng ghép các hoạt động truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng và truyền thông, tư vấn trực tiếp của mạng lưới tuyên truyền viên, cộng tác viên của các tổ chức, cơ quan và lĩnh vực có liên quan. Chú trọng đến nhóm có hành vi nguy cơ cao, nhóm dễ bị tổn thương và nhóm vị thành niên, thanh niên.
Tăng cường phối hợp nội dung, hình thức, kênh truyền thông đảm bảo chuyển tải có hiệu quả các thông tin đầy đủ về BCS trong phòng lây nhiễm HIV, tránh thai, phòng, chống mại dâm và phòng các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục.
3. Cải thiện năng lực hệ thống cung ứng BCS:
– Xây dựng kế hoạch tổng thể BCS trên cơ sở đáp ứng các mục tiêu của từng lĩnh vực, cơ quan tham gia chương trình.
– Kế hoạch cung cấp BCS của từng cơ quan, lĩnh vực phải tuân thủ và phù hợp với kế hoạch tổng thể theo hướng dẫn của Ban chỉ đạo chương trình.
– Nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu, đánh giá về các yếu tố liên quan đến dự báo nhu cầu và lập kế hoạch tổng thể BCS.
– Các cơ quan, đơn vị tham gia chương trình thực hiện mua sắm và dịch vụ hậu cần BCS bao gồm các hoạt động tiếp nhận, bảo quản, vận chuyển theo kế hoạch.
– Thống nhất đầu mối kho bảo quản BCS đến cấp tỉnh; thực hiện phân phối BCS cho các mục đích sử dụng theo kế hoạch chung. Cải thiện, nâng cấp kho bảo quản BCS đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Y tế.
– Mở rộng và đa dạng hóa các kênh phân phối để phát huy năng lực của từng hệ thống, lồng ghép có hiệu quả các hoạt động, nhiệm vụ trên cơ sở thống nhất một chính sách khuyến khích chung cho mỗi loại sản phẩm.
– Duy trì và nâng cao hiệu quả phân phối BCS qua kênh truyền thống (nhà thuốc, cơ sở y tế…) và kênh phân phối dựa vào cộng đồng (cộng tác viên, tuyên truyền viên…). Thúc đẩy phân phối BCS thông qua kênh phi truyền thống (nhà hàng, khách sạn, quán bar…)
– Tăng cường hệ thống thông tin quản lý thông qua việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống biểu mẫu và chế độ báo cáo thống nhất; bổ sung hệ dữ liệu về BCS của chương trình tổng thể vào một cơ sở dữ liệu hậu cần hiện có; tổ chức lưu trữ, truyền và chia sẻ thông tin về BCS trong các cơ quan; tổ chức tham gia chương trình. Tiêu chuẩn hóa về điều kiện trang thiết bị và vận hành hệ thống thông tin quản lý trong tất cả các cơ quan, đơn vị tham gia chương trình.
4. Đẩy mạnh TTXH và từng bước thị trường hóa cung cấp BCS
– Thống nhất các hoạt động TTXH trong các cơ quan tham gia chương trình tổng thể trong một kế hoạch chung.
– Thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ bản về TTXH BCS, bao gồm giải pháp về sản phẩm, giá, xúc tiến sản phẩm và địa bàn triển khai:
+ Phát triển nhãn hiệu BCS TTXH thành thương hiệu mạnh để thị trường hóa. Tăng số lượng và chủng loại BCS TTXH, chú trọng mở rộng TTXH BCS phục vụ nhu cầu cho đối tượng vị thành niên, thanh niên và đối tượng quan hệ tình dục ngoài hôn nhân.
+ Chất lượng BCS TTXH lưu hành phải đạt tiêu chuẩn do Bộ Y tế quy định. Hình thức trình bày, đóng gói sản phẩm phải ấn tượng và phù hợp với người tiêu dùng cũng như dễ dàng trong quá trình bảo quản, lưu thông và phân phối.
+ Từng bước cải tiến phương thức định giá bán lẻ phù hợp với sự phát triển linh hoạt của thị trường, khả năng chi trả của từng nhóm khách hàng. Ban hành các quy định, định mức về TTXH.
+ Đa dạng hóa các loại hình quảng cáo, tạo ấn tượng và có tác động mạnh đến nhận thức của các tầng lớp xã hội, tạo dư luận ủng hộ và thay đổi nhận thức và hành vi sử dụng BCS. Thiết kế và sản xuất các vật phẩm xúc tiến phù hợp với từng nhóm khách hàng. Tổ chức các sự kiện truyền thông cho từng nhóm đặc thù thu hút sự quan tâm và chuyển biến mạnh về thái độ, nhận thức và chuyển đổi hành vi sử dụng BCS.
5. Hoàn thiện hệ thống chính sách về chương trình tổng thể BCS
– Rà soát, bổ sung và hoàn thiện các chính sách có liên quan đến sản xuất, phân phối, kinh doanh BCS. Xây dựng hệ thống tiêu chuẩn chất lượng BCS; quy chế kiểm soát chất lượng BCS.
– Xây dựng và thực hiện chính sách hỗ trợ các đối tượng nghèo; đối tượng bị thiệt thòi trong cộng đồng; đối tượng có nguy cơ cao. Rà soát các chính sách, sửa đổi hoặc đề nghị sửa đổi đối với những nội dung cản trở việc tiếp cận và sử dụng BCS.
6. Đào tạo và nghiên cứu khoa học:
– Tập huấn, đào tạo cho cán bộ, nhân viên các cấp tham gia chương trình tổng thể BCS về các vấn đề liên quan. Trao đổi, học tập kinh nghiệm trong và ngoài nước về quản lý và triển khai chương trình tổng thể BCS.
– Nghiên cứu, đánh giá phân đoạn thị trường và các nghiên cứu, đánh giá tác nghiệp về BCS phục vụ cho việc xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện các chương trình, dự án, kế hoạch.
– Hỗ trợ ứng dụng công nghệ mới đối với các cơ sở sản xuất BCS trong nước.
7. Huy động kinh phí trong nước và quốc tế:
Dự kiến huy động ngân sách trong nước bảo đảm tối thiểu 80% chi phí, 20% huy động từ nguồn viện trợ.
– Huy động nguồn lực trong nước từ ngân sách trung ương và địa phương bảo đảm cung cấp BCS miễn phí cho các đối tượng thuộc hộ nghèo, vùng khó khăn; đối tượng đặc thù, đối tượng có hành vi nguy cơ cao.
– Đẩy mạnh huy động viện trợ của các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước cho chương trình, ưu tiên viện trợ về TTXH BCS cho các mục đích tránh thai ngoài ý muốn, phòng chống nhiễm khuẩn qua đường sinh sản, phòng chống HIV/AIDS và phòng chống mại dâm.
– Huy động từ cá nhân và cộng đồng thông qua việc thực hiện lộ trình giảm cấp miễn phí, đẩy mạnh TTXH BCS và từng bước thị trường hóa.
IV. NHU CẦU NGÂN SÁCH
1. Tổng nhu cầu ngân sách: 1.890 tỷ đồng
Trong đó:
– Ngân sách trong nước: 1.500 tỷ đồng
– Viện trợ: 390 tỷ đồng
2. Ngân sách thu nộp từ TTXH: 580 tỷ đồng
3. Mức đầu tư ngân sách trong nước: 92 tỷ đồng/năm
Ngân sách trong nước đầu tư giai đoạn 2011-2020 là 1.500 tỷ, sau khi trừ phần ngân sách thu nộp từ TTXH 580 tỷ. Như vậy, thực chất ngân sách trong nước phải đầu tư là 920 tỷ.
V. ĐỐI TƯỢNG, THỜI GIAN VÀ ĐỊA BÀN TRIỂN KHAI
1. Đối tượng tác động:
Đối tượng tác động là tất cả mọi người, bao gồm lãnh đạo các cấp, các ngành, các vị chức sắc ở cộng đồng, các nhà tài trợ chương trình… trong đó ưu tiên các nhóm đối tượng sau:
– Các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ.
– Vị thanh niên, thành niên.
– Người nhiễm HIV và các thành viên gia đình họ.
– Người sử dụng ma túy, bán dâm, mua dâm và bạn tình của họ.
– Người mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục và bạn tình của họ.
– Người có quan hệ tình dục đồng giới.
– Người di biến động.
– Các khách hàng có hành vi tình dục không an toàn khác.
2. Thời gian thực hiện: từ năm 2011 đến 2020
3. Địa bàn: trên phạm vi toàn quốc.
Phần thứ ba.
THEO DÕI, GIÁM SÁT VÀ ĐÁNH GIÁ CHƯƠNG TRÌNH
I. THEO DÕI VÀ BÁO CÁO
1. Xây dựng hệ thống chỉ số, chỉ báo dùng chung trong theo dõi, giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ của các cơ quan tham gia vào chương trình tổng thể BCS.
2. Áp dụng các chỉ số, chỉ báo theo dõi, giám sát vào thực tế hoạt động của các cơ quan tham gia chương trình tổng thể BCS.
3. Xây dựng cơ chế trao đổi thông tin nhằm cung cấp, cập nhật và trao đổi thông tin về các hoạt động cung cấp BCS trong phạm vi tỉnh cũng như cả nước.
4. Tập huấn cho cán bộ làm công tác theo dõi, giám sát chương trình về sử dụng các chỉ số, chỉ báo trong thu thập, tổng hợp và phân tích số liệu.
II. TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC KIỂM TRA, GIÁM SÁT
1. Tổ chức họp, giao ban định kỳ để đánh giá kết quả thực hiện chương trình tổng thể BCS, giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
2. Xây dựng kế hoạch và tổ chức các đợt kiểm tra, giám sát định kỳ, đột xuất các hoạt động của các cơ quan tham gia chương trình tổng thể BCS.
3. Tổ chức thực hiện các nghiên cứu, đánh giá hiệu quả, đánh giá giữa kỳ và cuối kỳ nhằm có những điều chỉnh cần thiết trong việc điều phối chương trình tổng thể BCS.
Phần thứ tư.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Bộ Y tế
Thành lập và ban hành quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo chương trình tổng thể BCS do Lãnh đạo Bộ Y tế làm trưởng ban và Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ làm phó ban thường trực, Cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS là phó ban. Các thành viên gồm: lãnh đạo Vụ Lao động Văn hóa Xã hội, Bộ Kế hoạch – Đầu tư; Cục phòng, chống tệ nạn xã hội; Bộ Lao động Thương binh và Xã hội; Cục cảnh sát hình sự, Bộ Công an; Cục quản lý thị trường, Bộ Công thương; Ban chỉ đạo Dân số, AIDS và các vấn đề xã hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và những cơ quan liên quan khác.
Ban chỉ đạo giúp Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo toàn diện chương trình tổng thể BCS giai đoạn 2011-2020.
Thành lập và ban hành quy chế hoạt động của Ban điều phối giúp việc Ban chỉ đạo do Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ làm Trưởng ban, Lãnh đạo Cục phòng chống HIV/AIDS và Vụ trưởng Vụ DS-KHHGĐ thuộc Tổng cục DS-KHHGĐ là phó trưởng ban. Các thành viên tham gia ban điều phối gồm: lãnh đạo các vụ, đơn vị thuộc Tổng cục DS-KHHGĐ và Bộ Y tế; đại diện các cơ quan có liên quan.
Ban điều phối có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình; kế hoạch phối hợp kiểm tra, giám sát và hướng dẫn các cơ quan, đơn vị và địa phương tham gia thực hiện chương trình và thực hiện các nhiệm vụ do Ban chỉ đạo giao. Ban điều phối giúp Ban chỉ đạo tổ chức thực hiện các nội dung sau:
– Chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch dài hạn, hàng năm về thực hiện Chương trình tổng thể BCS.
– Xây dựng để trình cấp có thẩm quyền ban hành các hướng dẫn thực hiện Chương trình tổng thể BCS, đặc biệt chú trọng các văn bản quy phạm pháp luật về phương thức phối hợp và chế độ, chính sách liên quan đến việc thực hiện Chương trình.
– Phối hợp với các cơ quan có liên quan rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến Chương trình để đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật cho phù hợp với thực tế.
– Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tiến hành việc kiểm tra, giám sát và tổng hợp tình hình thực hiện chương trình.
– Tổ chức sơ kết hàng năm, tổng kết sau mỗi giai đoạn, báo cáo Bộ trưởng Bộ Y tế; đánh giá hiệu quả của chương trình vào năm 2020.
– Bố trí và hoạt động nguồn lực để thực hiện các mục tiêu của chương trình.
2. Sở Y tế
– Sở Y tế chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các hoạt động của chương trình tổng thể BCS trong phạm vi tỉnh, thành phố theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
– Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc xây dựng kế hoạch hành động dài hạn và hàng năm về chương trình tổng thể BCS.
– Phối hợp với các Sở, ban, ngành có liên quan hướng dẫn các đơn vị triển khai hoạt động Chương trình cũng như giám sát, kiểm tra và đánh giá việc triển khai chương trình tại địa phương.
– Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thuộc quyền quản lý tổ chức triển khai thực hiện Chương trình.
3. Các cơ quan tham gia chương trình tổng thể BCS
– Xây dựng và thực hiện kế hoạch dài hạn và ngắn hạn về BCS phù hợp với Chương trình tổng thể BCS.
– Tổ chức thực hiện các hoạt động được phân công trong chương trình tổng thể BCS.
– Phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra, đánh giá việc thực hiện chương trình tổng thể BCS trong phạm vi nhiệm vụ được phân công./.
Reviews
There are no reviews yet.