QUYẾT ĐỊNH
CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 211/1998/QĐ-TTG
NGÀY 31 THÁNG 10 NĂM 1998 VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ
CHUYÊN GIA NƯỚC NGOÀI THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH,
DỰ ÁN ODA Ở VIỆT NAM
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Luật Thuế và Pháp lệnh Thuế hiện hành;
Căn cứ Pháp lệnh về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày 17 tháng 10 năm 1989;
Căn cứ Pháp lệnh về quyền ưu đãi miễn trừ dành cho cơ quan Đại diện ngoại giao, cơ quan Lãnh sự nước ngoài và cơ quan Đại diện của Tổ chức quốc tế tại Việt Nam ngày 23 tháng 8 năm 1993;
Căn cứ Nghị định số 87/CP ngày 05 tháng 8 năm 1997 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý và sử dụng nguồn Hỗ trợ phát triển chính thức;
Để thống nhất chế độ quản lý và đãi ngộ, bảo đảm đầy đủ các quyền và trách nhiệm đối với chuyên gia nước ngoài thực hiện các chương trình, dự án ODA ở Việt Nam;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Việt Nam;
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế chuyên gia nước ngoài thực hiện các chương trình, dự án ODA ở Việt Nam (gọi tắt là Quy chế chuyên gia nước ngoài).
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký. Bãi bỏ những quy định trước đây trái với quy định trong Quy chế ban hành kèm theo Quyết định này.
Điều 3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm chủ trì và phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện Quy chế chuyên gia nước ngoài ban hành kèm theo Quyết định này.
Điều 4. Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, các cơ quan trực thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các đối tượng có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
QUY CHẾ
CHUYÊN GIA NƯỚC NGOÀI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 211/1998/QĐ-TTg
ngày 31 tháng 10 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ)
CHƯƠNG I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Đối tượng và phạm vi áp dụng
1. Quy chế này áp dụng cho các chuyên gia nước ngoài được phép vào thực hiện các chương trình, dự án ODA ở Việt Nam và người thân của chuyên gia nước ngoài nói trên.
2. Phạm vi áp dụng Quy chế chuyên gia nước ngoài là các chương trình, dự án có sử dụng ODA, bao gồm:
a. Các chương trình, dự án ODA do Chính phủ nước ngoài tài trợ;
b. Các chương trình, dự án ODA do các tổ chức quốc tế và khu vực không thuộc hệ thống Liên hợp quốc tài trợ;
c. Các chương trình, dự án ODA do các tổ chức liên Chính phủ nước ngoài tài trợ
d. Các chương trình, dự án ODA do các tổ chức thuộc hệ thống Liên hợp quốc tài trợ;
đ. Các chương trình, dự án ODA do Bên nước ngoài đồng tài trợ.
3. Các đối tượng khác kể cả nhân viên ngoại giao đều không thuộc phạm vi áp dụng Quy chế này.
Điều 2. Tất cả các chuyên gia và người thân không phân biệt quốc tịch khi vào Việt Nam thực hiện chương trình, dự án ODA điều được Nhà nước Việt Nam:
1. Đối xử bình đẳng với chuyên gia thuộc mọi quốc tịch.
2. Bảo hộ tài sản hợp pháp của chuyên gia khi làm việc tại Việt Nam.
Điều 3. Ngoài những quyền lợi được hưởng như quy định trong Quy chế này và các quyền lợi hợp pháp theo quy định của Pháp luật Việt Nam, chuyên gia và người thân phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của mình nêu trong Quy chế này và trong các văn bản Pháp luật Việt Nam.
Điều 4. Các cơ quan có thẩm quyền Bên Việt Nam và Bên nước ngoài phải có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ trong việc quản lý, sử dụng chuyên gia và bảo đảm thực hiện mọi quyền lợi và nghĩa vụ hợp pháp của chuyên gia và người thân trong quá trình chuyên gia thực thi nhiệm vụ ở Việt Nam.
Điều 5. Giải thích từ ngữ
Một số từ ngữ sử dụng trong Quy chế này được hiểu như sau:
1. Chương trình, dự án ODA là các hoạt động được phối hợp tổ chức và thực hiện giữa Bên nước ngoài và Bên Việt Nam sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA).
2. Bên nước ngoài bao gồm Chính phủ nước ngoài, tổ chức quốc tế, tổ chức liên Chính phủ có hoạt động tài trợ cho chương trình, dự án ODA ở Việt Nam.
3. Bên Việt Nam bao gồm các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam thực hiện chức năng Nhà nước về quản lý, điều hành và thực hiện các chương trình, dự án ODA ở Việt Nam.
4. Các bên bao gồm Bên Việt Nam, Bên nước ngoài và chuyên gia.
5. Nhà tài trợ là Bên nước ngoài có hoạt động tài trợ cho các chương trình, dự án ODA ở Việt Nam.
6. Chuyên gia nước ngoài thực hiện các chương trình, dự án ODA (sau đây gọi tắt là chuyên gia) là người có quốc tịch nước ngoài được Bên nước ngoài cử vào Việt Nam để nghiên cứu xây dựng, thẩm định hay thực hiện chương trình, dự án ODA theo quy định hay thoả thuận trong các Điều ước quốc tế về ODA đã ký kết giữa Bên Việt Nam với Bên nước ngoài hoặc được Bên Việt Nam chỉ định mời hoặc thuê vào Việt Nam để thực hiện chương trình, dự án ODA.
7. Người thân là vợ/chồng, con chưa thành niên của chuyên gia hoặc người mà chuyên gia phải nuôi dưỡng theo Pháp luật Việt Nam sống chung thành một hộ.
8. Cơ quan chủ quản chương trình, dự án ODA (sau đây gọi tắt là Cơ quan chủ quản dự án) là các Bộ, các cơ quan ngang Bộ, các cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam giao trực tiếp quản lý các chương trình, dự án ODA.
9. Cơ quan thực hiện chương trình, dự án ODA (sau đây gọi tắt là Cơ quan thực hiện dự án) là đơn vị chịu trách nhiệm thực hiện chương trình, dự án theo quyết định của Cơ quan chủ quản.
10. Trường hợp khẩn cấp là những tình huống cấp bách như thiên tai, chiến tranh, bạo loạn có thể đe doạ đến sự an toàn về tính mạng và tài sản của chuyên gia và người thân.
CHƯƠNG II
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 6.Ưu đãi dành cho chuyên gia
1. Ưu đãi về cấp thị thực xuất nhập cảnh: Chuyên gia và người thân được ưu tiên cấp thị thực xuất nhập cảnh Việt Nam một hoặc nhiều lần theo đề nghị của Cơ quan thực hiện dự án. Thủ tục cấp thị thực xuất nhập cảnh theo quy định hiện hành.
Những chuyên gia có thời gian lưu trú ở Việt Nam từ 06 tháng trở lên được xét cấp thị xuất nhập cảnh nhiều lần cho cả thời hạn làm việc tối đa là 03 năm (nếu có yêu cầu).
Trong trường hợp khẩn cấp, nếu Bên Việt Nam xét thấy cần thiết phải bảo đảm an ninh, an toàn tính mạng và tài sản cho chuyên gia và người thân thì chuyên gia và người thân được hưởng chế độ xuất cảnh áp dụng như đối với nhân viên ngoại giao công tác tại Việt Nam và phù hợp với Pháp lệnh về xuất nhập cảnh, cư trú và đi lại của người nước ngoài tại Việt Nam do Hội đồng Nhà nước Việt Nam thông qua ngày 21 tháng 12 năm 1992.
2. Ưu đãi về ngoại hối: Chuyên gia và người thân được mang ngoại tệ vào Việt Nam, được chuyển đổi ra ngoại tệ và mang ra khỏi Việt Nam các khoản thu nhập từ tiền lương, từ hợp đồng thực hiện chương trình, dự án hoặc các nguồn thu khác như quy định ở Điều 7 dưới đây. Thủ tục mang ngoại tệ thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
3. Đăng ký lưu trú, đi lại: Chuyên gia và người thân được tự do đi lại và đăng ký lưu trú trên lãnh thổ Việt Nam, trừ khu vực cấm.
4. Ưu đãi khác:
a. Cấp, đổi bằng lái xe, đăng ký biển số xe: Chuyên gia và người thân không phải vị thành niên theo quy định của Pháp luật Việt Nam khi vào Việt Nam được đăng ký dự học, thi tuyển và xét cấp bằng lái xe tại các trường lái xe dân sự, được tạo điều kiện thuận lợi trong việc chuyển đổi bằng lái xe và đăng ký biển số xe hợp lệ.
b. Trong thời gian lưu trú ở Việt Nam, người thân của chuyên gia có quyền đăng ký dự học tại các trường dành riêng cho con em người nước ngoài ở Việt Nam (nếu có yêu cầu). Thủ tục đăng ký nhập học theo quy định hiện hành.
c. Trường hợp chuyên gia hoặc người thân vi phạm Pháp luật Việt Nam bị khởi tố, bắt giữ, xét xử, cầm tù, trục xuất hoặc bị liên đới trong các thủ tục tố tụng thì đại diện Bên nước ngoài cử hoặc thuê chuyên gia đó và Cơ quan đại diện Ngoại giao của nước mà chuyên gia, hoặc người thân mang quốc tịch sẽ được Bên Việt Nam thông báo kịp thời và có quyền thăm viếng. Chuyên gia hoặc người thân bị liên quan nói trên có quyền mời hoặc sử dụng luật sư do Bên nước ngoài chỉ định, thủ tục mời, sử dụng luật sư phải phù hợp với thông lệ quốc tế và luật pháp của Việt Nam.
Điều 7. Miễn trừ dành cho chuyên gia:
1. Miễn trừ thuế xuất nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có) và lệ phí trước bạ:
a. Chuyên gia và người thân được phép nhập khẩu miễn thuế đối với các đồ dùng và tư trang cá nhân như quy định trong Nghị định số 17/CP ngày 6 tháng 2 năm 1995 của Chính phủ ban hành tiêu chuẩn hành lý miễn thuế của khách xuất nhập cảnh tại các cửa khẩu của Việt Nam (Phụ lục I).
Chuyên gia được phép lưu trú ở Việt Nam từ 183 ngày trở lên có quyền nhập khẩu 01 lần miễn thuế đồ gia dụng với số lượng và chủng loại phù hợp ghi trong danh mục nêu tại Phụ lục II (không phụ thuộc vào số lần xuất nhập cảnh thực tế).
b. Chuyên gia được phép lưu trú tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên nếu có quyền tạm nhập khẩu miễn thuế và miễn phí trước bạ 01 xe ô tô dưới 12 chỗ ngồi và 01 xe gắn máy dưới 175 cm3 để sử dụng cho cá nhân chuyên gia và người thân của chuyên gia đó.
c. Xe ô tô, xe gắn máy nêu tại mục 7.1.b phải được tái xuất khi chuyên gia hoàn thành công việc và cùng người thân rời khỏi Việt Nam hoặc phải chịu thuế theo quy định hiện hành khi bán các vật dụng đó ở Việt Nam.
d. Trong trường hợp ô tô, xe máy nêu tại mục 7.1.b bị tai nạn, hư hỏng không thể sửa chữa được hoặc bị mất không do lỗi của chuyên gia và người thân và có xác nhận của cơ quan Công an, Bảo hiểm nơi xảy ra tai nạn và của cơ quan đăng kiểm Bên Việt Nam thì chuyên gia đó được phép nhập khẩu miễn thuế và miễn phí trước bạ 01 xe ôtô hoặc 01 xe máy khác. Ô tô hoặc xe máy bị hỏng có thể được tái xuất hoặc phải chịu thuế theo quy định hiện hành khi được bán lại ở Việt Nam.
đ. Nếu chuyên gia được phép lưu trú ở Việt Nam trong thời han từ 03 năm trở lên thì đến năm thứ 4, chuyên gia và người thân có quyền tạm nhập miễn thuế và miễn phí trước bạ 01 ô tô và 01 xe gắn máy khác (nếu có nhu cầu). Ô tô và xe gắn máy tạm nhập ưu đãi lần trước phải được tái xuất hoặc phải chịu thuế theo quy định hiện hành khi được bán lại ở Việt Nam.
e. Ô tô, xe máy nêu tại mục 7.1.c, 7.1.d, 7.1.đ nếu được bán lại cho chuyên gia hoặc người thân khác là đối tượng điều chỉnh của Quy chế này hoặc cho các đối tượng được hưởng ưu đãi miễn trừ khác theo quy định hiện hành thì vẫn được hưởng chế độ miễn trừ như đã quy định ở trên.
2. Miễn trừ thuế thu nhập: Trong thời gian công tác tại Việt Nam, chuyên gia và người thân được miễn thuế thu nhập đối với tiền lương và thu nhập khác của họ từ việc thực hiện chương trình, dự án ODA ở Việt Nam.
3. Tài sản thuộc sở hữu hợp pháp của chuyên gia và người thân tại Việt Nam được miễn trưng thu, trưng dụng, tịch thu. Việc chuyển về nước các tài sản này cũng như việc nhượng bán chúng trên lãnh thổ Việt Nam phải được thực hiện theo đúng quy định của luật pháp Việt Nam.
4. Miễn trừ khác:
Trong thời gian lưu trú tại Việt Nam, chuyên gia và người thân được:
a. Miễn đóng góp cá nhân vì lợi ích công cộng, an ninh, quốc phòng của Nhà nước Việt Nam.
b. Miễn đăng ký chuyên môn và giấy phép hành nghề.
Điều 8. Trách nhiệm của các Bên:
1. Trách nhiệm của Bên Việt Nam
a. Cơ quan thực hiện dự án:
– Lập danh mục những công việc của dự án cần chuyên gia; xác định chức danh, nhiệm vụ của chuyên gia đối với từng dự án và yêu cầu Bên nước ngoài cung cấp.
– Thực hiện những nghĩa vụ của phía Việt Nam quy định trong Điều ước quốc tế Bên Việt Nam tham gia hoặc ký kết.
– Hỗ trợ bảo đảm thực hiện những quyền lợi và nghĩa vụ hợp pháp của chuyên gia và người thân trong thời hạn họ lưu trú ở Việt Nam.
– Phối hợp với Cơ quan chủ quản dự án và Bên nước ngoài quản lý và đánh giá chuyên gia trong quá trình thực hiện dự án, bảo đảm thực hiện đúng các nghĩa vụ, trách nhiệm đã nêu trong hợp đồng thuê sử dụng chuyên gia.
– Kiến nghị biện pháp xử lý với Cơ quan chủ quản dự án và Bên nước ngoài trong trường hợp công việc hoặc tư cách của chuyên gia và người thân không phù hợp với thoả thuận hoặc cam kết trong hợp đồng sử dụng chuyên gia hoặc Điều ước quốc tế Bên Việt Nam tham gia hoặc ký kết.
– Hỗ trợ chuyên gia và phối hợp với Cơ quan chủ quản dự án và Bên nước ngoài giải quyết những vụ việc liên quan đến chuyên gia và người thân trong thời gian họ lưu trú ở Việt Nam hoặc các trường hợp nêu tại mục c khoản 4 Điều 6 trên đây (nếu có).
b. Cơ quan chủ quản dự án:
– Chỉ đạo các cơ quan thực hiện dự án trong việc quản lý và sử dụng chuyên gia có hiệu quả.
– Xác nhận trường hợp chuyên gia nhượng bán lại các tài sản đã di động tạm nhập ưu đãi nhưng không tái xuất nêu tại khoản 1 Điều 7 và đã hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của pháp luật Việt Nam.
– Xác nhận những tài sản và thu nhập hợp pháp của chuyên gia và người thân khi chuyển về nước hoặc nhượng bán tại Việt Nam và đã hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế (nếu có) theo quy định của pháp luật Việt Nam.
– Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan có thẩm quyền Bên Việt Nam và Bên nước ngoài bảo đảm thực hiện những quyền lợi và nghĩa vụ hợp pháp khác của chuyên gia và người thân trong thời gian họ lưu trú ở Việt Nam.
– Nghiên cứu kiến nghị của Cơ quan thực hiện dự án quy định tại mục 8.1.b và phối hợp với Bên nước ngoài có quyết định xử lý.
– Cùng với Bộ Công an và Bộ Ngoại giao hoặc các cơ quan chức năng khác Bên Việt Nam và Bên Việt Nam giải quyết các công việc liên quan đến chuyên gia và người thân trong trường hợp khẩn cấp và các trường hợp khác nêu tại khoản 1 và khoản 4 Điều 6 trên đây (nếu có).
c. Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
– Xác nhận chương trình, dự án ODA và các hoạt động có sử dụng chuyên gia theo yêu cầu của các Bên hữu quan.
– Phối hợp với các Cơ quan Bên Việt Nam và Bên nước ngoài thực hiện chế độ quản lý và đánh giá chuyên gia trong quá trình thực hiện chương trình, dự án.
2. Trách nhiệm của Bên nước ngoài
a. Tuyển chọn, để cử hoặc thuê chuyên gia theo yêu cầu của Bên Việt Nam.
b. Cung cấp những thông tin cần thiết cho Bên Việt Nam thẩm định các chuyên gia ứng cử viên được chọn.
c. Cung cấp hợp đồng sử dụng chuyên gia cho Bên Việt Nam để theo dõi và quản lý.
d. Phối hợp với Bên Việt Nam giải quyết những vụ việc liên quan đến chuyên gia và người thân trong thời gian lưu trú ở Việt Nam hoặc các trường hợp nêu tại khoản 1 và 4 Điều 6 trên đây (nếu có).
3. Trách nhiệm của chuyên gia và người thân
a. Trong thời gian lưu trú hoặc công tác ở Việt Nam, chuyên gia và người thân phải tuân theo sự hướng dẫn và quản lý của các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam, phải tôn trọng và tuân thủ luật pháp của Việt Nam.
b. Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trong hợp đồng đã ký giữa các bên.
c. Ngoài những công việc hoặc hoạt động đã được thoả thuận hay quy định trong các văn bản ký kết giữa các Bên, chuyên gia không được phép hành nghề vì bất kỳ mục đích thu lợi nào trên lãnh thổ Việt Nam, trừ trường hợp có quy định khác trong các Điều ước quốc tế mà Chính phủ Việt Nam tham gia hoặc ký kết.
CHƯƠNG III
XỬ LÝ VI PHẠM
Điều 9. Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định trong Quy chế này và các vi phạm khác của pháp luật, thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật Việt Nam.
PHỤ LỤC I
TIÊU CHUẨN HÀNH LÝ MIỄN THUẾ CỦA KHÁCH XUẤT NHẬP CẢNH TẠI CÁC CỬA KHẨU VIỆT NAM
(Ban hành kèm theo Nghị định số 17-CP ngày 6 tháng 2 năm 1995 của Chính phủ)
Số TT |
Mặt hàng |
Số lượng |
Ghi chú |
1 |
Rượu, đồ uống có cồn – Rượu trên 22 độ – Rượu dưới 22 độ – Đồ uống có cồn, bia |
1,5 lít 2,0 lít 3,0 lít |
Trẻ em dưới 15 tuổi không được hưởng tiêu chuẩn này |
2 |
Thuốc lá – Thuốc lá điếu – Xì gà – Thuốc lá sợi |
400 điếu 100 điếu 500 gam |
Trẻ em dưới 15 tuổi không được hưởng tiêu chuẩn này |
3 |
Chè, cà phê – Chè – Cà phê |
5 kg 3 kg |
Trẻ em dưới 15 tuổi không được hưởng tiêu chuẩn này |
4 |
Quần áo đồ dùng mang tính chất hành lý phục vụ cho chuyến đi |
|
|
5 |
Các vật phẩm khác ngoài tiêu chuẩn hành lý đã ghi ở các hàng 1, 2, 3, 4 nêu trên (không phải là hàng cấm) khi xuất nhập cảnh được mang theo với tổng trị giá miễn thuế không quá 500 USD, áp dụng đối với công dân Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài và người nước ngoài. |
|
|
PHỤ LỤC II
DANH MỤC ĐỒ DÙNG VÀ TƯ TRANG CÁ NHÂN, ĐỒ GIA DỤNG
ĐƯỢC NHẬP KHẨU MIỄN THUẾ ÁP DỤNG CHO CHUYÊN GIA
Số TT |
Mặt hàng |
Số lượng |
Ghi chú |
1 a |
Rượu, đồ uống có cồn – Rượu trên 22 độ – Rượu dưới 22 độ – Đồ uống có cồn, bia |
1,5 lít 2,0 lít 3,0 lít |
Trẻ em dưới 15 tuổi không được hưởng tiêu chuẩn này |
b |
Thuốc lá – Thuốc lá điếu – Xì gà – Thuốc lá sợi |
400 điếu 100 điếu 500 gam |
Trẻ em dưới 15 tuổi không được hưởng tiêu chuẩn này |
c |
Chè, cà phê – Chè – Cà phê |
5 kg 3 kg |
Trẻ em dưới 15 tuổi không được hưởng tiêu chuẩn này |
d |
Quần áo đồ dùng mang tính chất hành lý phục vụ cho chuyến đi |
|
|
2 |
Rađiô |
01 |
|
3 |
Máy ghi âm |
01 |
|
4 |
Đầu máy quay đĩa CD |
01 |
|
5 |
Máy cassette |
01 |
|
6 |
Ti vi |
01 |
|
7 |
Đầu viđêô |
01 |
|
8 |
Máy tính cá nhân |
01 |
|
9 |
Máy giặt |
01 |
|
10 |
Lò nướng điện |
01 |
|
11 |
Lò vi sóng |
01 |
|
12 |
Điều hoà nhiệt độ (không quá 18.000 PTU) |
01 |
|
13 |
Tủ lạnh |
01 |
|
14 |
Máy ảnh |
01 |
|
15 |
Máy quay phim (ca mê ra) |
01 |
|
16 |
Các vật dụng điện cá nhân khác (máy cạo râu, máy sấy tóc… v.v.) |
Mỗi loại 01 cái |
|
Reviews
There are no reviews yet.