BỘ TƯ PHÁP
——–———— Số:1985/QĐ-BTP
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc —————- Hà Nội, ngày 13 tháng 07 năm 2012
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI ĐĂNG KÝ NUÔI CON NUÔI THỰC
TẾ THEO QUY ĐỊNH CỦA LUẬT NUÔI CON NUÔI
———————
BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP
Căn cứ Luật Nuôi con nuôi;
Căn cứ Nghị định số 19/2011/NĐ-CP ngày 21 tháng 3 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Nuôi con nuôi;
Căn cứ Nghị định số 93/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 8 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;
Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Con nuôi,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch triển khai đăng ký nuôi con nuôi thực tế theo quy định của Luật Nuôi con nuôi.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Cục trưởng Cục Con nuôi, Chánh Văn phòng, Thủ trưởng các đơn vị liên quan thuộc Bộ Tư pháp, Giám đốc Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
– Như Điều 3 (để thực hiện); – Bộ trưởng (để báo cáo); – Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc TW (để chỉ đạo thực hiện); – Lưu: VT, Cục CN (CSVB). |
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG Đinh Trung Tụng |
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI ĐĂNG KÝ NUÔI CON NUÔI THỰC TẾ THEO
QUY ĐỊNH CỦA LUẬT NUÔI CON NUÔI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1985/QĐ-BTP ngày 13 tháng 7 năm 2012
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1985/QĐ-BTP ngày 13 tháng 7 năm 2012
của Bộ trưởng Bộ Tư pháp)
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
Vấn đề nuôi con nuôi thực tế (nuôi con nuôi chưa đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền) đã tồn tại từ lâu như một hiện tượng khách quan ở nước ta. Qua các thời kỳ, tuy pháp luật đã quy định đầy đủ về thủ tục đăng ký nuôi con nuôi, nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau, đến nay còn nhiều trường hợp nuôi con nuôi thực tế chưa đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Do đó, việc ban hành Kế hoạch triển khai đăng ký nuôi con nuôi thực tế theo quy định tại Điều 50 của Luật Nuôi con nuôi là rất cần thiết, nhằm mục đích góp phần bảo vệ quyền, lợi ích của các bên trong quan hệ cha mẹ và con, quan hệ gia đình; ngăn ngừa, hạn chế những tác động, tranh chấp phát sinh từ việc nuôi con nuôi thực tế, ổn định đời sống của người dân; đồng thời tạo thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước về nuôi con nuôi theo quy định của Luật Nuôi con nuôi, góp phần tăng cường công tác quản lý về hộ tịch trong phạm vi cả nước.
Việc triển khai thực hiện đăng ký nuôi con nuôi thực tế trên toàn quốc là cơ sở để tăng cường việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về nuôi con nuôi nói chung và nuôi con nuôi thực tế nói riêng để người dân hiểu mục đích, ý nghĩa cơ bản của việc đăng ký nuôi con nuôi, tự nguyện đăng ký việc nuôi con nuôi; đồng thời thu hút sự tham gia của các đoàn thể có liên quan của địa phương vào công tác động viên, khuyến khích người dân đi đăng ký việc nuôi con nuôi.
2. Yêu cầu
Việc thực hiện Kế hoạch triển khai đăng ký nuôi con nuôi thực tế theo quy định của Luật Nuôi con nuôi (sau đây gọi là Kế hoạch) cần đáp ứng những yêu cầu cơ bản sau đây:
a) Thực hiện nghiêm túc, bảo đảm đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật; hàng năm có báo cáo sơ kết và đến quý I năm 2016 có tổng kết toàn quốc về công tác này.
b) Bảo đảm bí mật các thông tin về cá nhân; tôn trọng ý chí, nguyện vọng và quyền lợi của người dân trong việc đăng ký nuôi con nuôi thực tế; tăng cường tuyên truyền, vận động để người dân tự nguyện đăng ký, không cưỡng ép, bắt buộc.
c) Kết hợp việc rà soát, thống kê tình hình nuôi con nuôi thực tế với việc đăng ký nuôi con nuôi, không chờ rà soát xong mới đăng ký; việc rà soát, thống kê, đăng ký nuôi con nuôi thực tế phải bảo đảm đúng tiến độ thời gian theo từng giai đoạn của Kế hoạch này.
d) Phấn đấu hoàn thành cơ bản công tác đăng ký nuôi con nuôi thực tế trước tháng 6 năm 2015.
II. NỘI DUNG CÔNG VIỆC
1. Tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về nuôi con nuôi trong nước, nuôi con nuôi thực tế
a) Đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến cho người dân kiến thức pháp luật về nuôi con nuôi trong nước và nuôi con nuôi thực tế; đặc biệt chú trọng việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho nhân dân ở khu vực miền núi, vùng dân tộc thiểu số.
b) Tiến hành tuyên truyền, phổ biến pháp luật về nuôi con nuôi thực tế bằng nhều hình thức phong phú, nội dung phù hợp; huy động sự tham gia của các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức đoàn thể địa phương vào công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về nuôi con nuôi.
Trường hợp cần thiết, có thể xây dựng tài liệu tuyên truyền, phổ biến pháp luật về nuôi con nuôi thực tế bằng tiếng dân tộc để giúp người dân hiểu rõ về nội dung tuyên truyền, phổ biến.
c) Trong khi tuyên truyền, phổ biến pháp luật về nuôi con nuôi và nuôi con nuôi thực tế, cần chú trọng mục đích, ý nghĩa cơ bản của việc đăng ký nuôi con nuôi là nhằm bảo vệ quyền, lợi ích của các bên, ngăn ngừa tranh chấp, mâu thuẫn phát sinh trong quan hệ gia đình.
d) Cần tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về việc đăng ký nuôi con nuôi thực tế chỉ được tiến hành trong thời hạn 05 năm, từ ngày 01 tháng 01 năm 2011 đến ngày 31 tháng 12 năm 2015; hết thời hạn này mà không đăng ký thì việc nuôi con nuôi thực tế sẽ không được pháp luật công nhận, các tranh chấp phát sinh liên quan đến cha mẹ nuôi và con nuôi, giữa con nuôi với thành viên gia đình của cha mẹ nuôi (như nghĩa vụ cấp dưỡng, quyền thừa kế…) sẽ không được pháp luật bảo hộ.
a) Việc rà soát, thống kê, đánh giá tình hình nuôi con nuôi thực tế phải được tiến hành ở cấp cơ sở, bắt đầu từ Ủy ban nhân dân cấp xã. Căn cứ kế hoạch của cơ quan cấp trên, Ủy ban nhân dân cấp xã phải có kế hoạch chi tiết, triển khai thực hiện việc rà soát, thống kê tình hình con nuôi thực tế đến từng thôn, xóm, bản, làng trên địa bàn xã.
Đối tượng rà soát chủ yếu đối với việc nuôi con nuôi thực tế giữa công dân Việt Nam với nhau hiện đang cư trú tại địa phương.
Thông qua kết quả rà soát, thống kê tình hình nuôi con nuôi thực tế, cán bộ Tư pháp – Hộ tịch của Ủy ban nhân dân cấp xã phải nắm được chính xác số liệu các trường hợp nuôi con nuôi thực tế đã phát sinh trên địa bàn xã qua các thời kỳ mà chưa đăng ký; nguyên nhân, lý do chưa đăng ký, từ đó chủ động giúp Ủy ban nhân dân cấp xã xây dựng kế hoạch đăng ký việc nuôi con nuôi thực tế cho người dân.
b) Kết quả rà soát, thống kê tình hình nuôi con nuôi thực tế tại địa bàn xã phải được cán bộ Tư pháp – Hộ tịch lập danh sách đầy đủ, chính xác theo Mẫu số 01 kèm theo bản Kế hoạch này.
c) Sau khi thực hiện rà soát, thống kê tình hình nuôi con nuôi thực tế trên toàn xã, cán bộ Tư pháp – Hộ tịch lập bản Tổng hợp tình hình nuôi con nuôi thực tế tại địa bàn cấp xã theo Mẫu số 02, đồng thời làm Báo cáo đánh giá tình hình nuôi con nuôi thực tế tại địa bàn xã theo Mẫu số 05 kèm theo bản Kế hoạch này. Báo cáo đánh giá cần chú ý một số nội dung cơ bản sau:
– Nguyên nhân, lý do phát sinh hiện tượng nuôi con nuôi thực tế tại địa phương (ví dụ: do cha mẹ nuôi không sinh đẻ được, do phong tục tập quán, do tác động của xã hội, do nhu cầu muốn có/có thêm con trai/con gái (“có nếp có tẻ” v.v…).
– Những khó khăn, trở ngại đối với người dân trong việc đăng ký nuôi con nuôi (ví dụ: do nhận thức đơn giản, do đi lại khó khăn, do pháp luật đòi hỏi nhiều loại giấy tờ mà không đáp ứng được v.v…).
a) Trong quá trình rà soát, thống kê về tình hình nuôi con nuôi thực tế tại địa phương, nếu cha mẹ nuôi/con nuôi có nguyện vọng đăng ký nuôi con nuôi, thì cán bộ Tư pháp – Hộ tịch hướng dẫn cha mẹ nuôi/con nuôi lập hồ sơ đăng ký việc nuôi con nuôi theo quy định tại Điều 24 của Nghị định số 19/2011/NĐ-CP để nộp cho Ủy ban nhân dân cấp xã.
Hồ sơ đăng ký việc nuôi con nuôi thực tế gồm các giấy tờ sau:
– Tờ khai đăng ký nuôi con nuôi thực tế (theo mẫu TP/CN-2011/CN.03 ban hành kèm theo Thông tư số 12/2011/TT-BTP ngày 27 tháng 6 năm 2011 của Bộ Tư pháp về việc ban hành và hướng dẫn việc ghi chép, lưu trữ, sử dụng biểu mẫu nuôi con nuôi). Trong Tờ khai cần ghi rõ ngày, tháng, năm phát sinh quan hệ nuôi con nuôi trên thực tế, có chữ ký của ít nhất hai người làm chứng;
– Bản sao Giấy chứng minh nhân dân và sổ hộ khẩu của cha mẹ nuôi;
– Bản sao Giấy chứng minh nhân dân hoặc Giấy khai sinh của con nuôi;
– Bản sao Giấy chứng nhận kết hôn của cha mẹ nuôi, nếu có;
– Giấy tờ, tài liệu khác để chứng minh về việc nuôi con nuôi, nếu có.
b) Trong trường hợp cha mẹ nuôi, con nuôi chưa có/không có nguyện vọng đăng ký, thì phải tôn trọng nguyện vọng của người dân mà không được ép buộc họ đi đăng ký. Ủy ban nhân dân cấp xã cần cử cán bộ gặp gỡ, tiếp xúc, tư vấn, tuyên truyền, giải thích cho cha mẹ nuôi, con nuôi nắm rõ về mục đích, ý nghĩa của việc đăng ký nuôi con nuôi, đồng thời vận động người dân tự nguyện đăng ký nuôi con nuôi; không được công bố hoặc công khai thông tin về nuôi con nuôi thực tế của người dân, gây ảnh hưởng đến tâm lý và cuộc sống bình thường cùa người dân.
4. Tiến hành đăng ký việc nuôi con nuôi thực tế
a) Ủy ban nhân dân cấp xã chỉ tiến hành đăng ký việc nuôi con nuôi thực tế giữa công dân Việt Nam với nhau phát sinh trước ngày 01/01/2011, nếu đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định tại Điều 50 của Luật Nuôi con nuôi như sau:
– Các bên có đủ điều kiện về nuôi con nuôi theo quy định của pháp luật tại thời điểm phát sinh quan hệ nuôi con nuôi.
Ví dụ, việc nuôi con nuôi thực tế phát sinh ở miền Bắc từ những năm 60 đến những năm 90 của thế kỷ trước, thì phải áp dụng Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959 hoặc 1986 để xác định điều kiện nuôi con nuôi, trong đó đặc biệt chú ý điều kiện về khoảng cách tuổi giữa người nhận con nuôi và người được nhận làm con nuôi.
– Đến ngày 01 tháng 01 năm 2011 (ngày Luật Nuôi con nuôi có hiệu lực), quan hệ cha, mẹ và con vẫn đang tồn tại và cả hai bên (cha mẹ nuôi và con nuôi) đều phải còn sống.
– Giữa cha mẹ nuôi và con nuôi có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục nhau như cha mẹ và con.
b) Đối với trường hợp nuôi con nuôi thực tế tuy đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định tại Điều 50 của Luật Nuôi con nuôi, nhưng người dân chưa có/không có nguyện vọng đăng ký, thì Ủy ban nhân dân cấp xã cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật để người dân hiểu được mục đích, ý nghĩa của việc đăng ký nuôi con nuôi, đồng thời vận động họ đi đăng ký; không được ép buộc người dân đi đăng ký nếu họ thực sự không có nhu cầu hoặc muốn giữ bí mật về đời tư.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Cách thức và thời gian thực hiện
1.1. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào Kế hoạch này và tình hình thực tế của địa phương, trước mắt có thể lựa chọn một số huyện/quận, xã/phường để tiến hành rà soát và đăng ký thí điểm, rút kinh nghiệm về cách làm trước khi triển khai Kế hoạch trên diện rộng.
1.2. Kế hoạch triển khai đăng ký nuôi con nuôi thực tế được tiến hành theo 05 giai đoạn như sau:
a) Giai đoạn 1: từ tháng 7 năm 2012 đến tháng 12 năm 2012
– Bộ Tư pháp phổ biến, triển khai Kế hoạch đến Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (tháng 7 năm 2012).
– Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, căn cứ Kế hoạch này và tình hình thực tiễn của địa phương, chỉ đạo việc tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về nuôi con nuôi và đăng ký nuôi con nuôi thực tế; giao Sở Tư pháp chủ trì xây dựng, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt kế hoạch triển khai đăng ký nuôi con nuôi thực tế trên địa bàn tỉnh; triển khai kế hoạch đến các Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã (đến tháng 12 năm 2012).
b) Giai đoạn 2: từ tháng 1 năm 2013 đến tháng 6 năm 2013
– Ủy ban nhân đân cấp xã tiến hành rà soát, thống kê về tình hình nuôi con nuôi thực tế và đồng thời tổ chức đăng ký nuôi con nuôi thực tế cho người dân có nhu cầu; lập và gửi Ủy ban nhân dân cấp huyện bản Tổng hợp kết quả rà soát, thống kê tình hình nuôi con nuôi phát sinh trên địa bàn xã (Mẫu số 02) và Báo cáo đánh giá tình hình nuôi con nuôi thực tế tại địa bàn xã theo Mẫu số 05.
– Ủy ban nhân dân cấp huyện tổng hợp báo cáo về tình hình nuôi con nuôi thực tế của các Ủy ban nhân dân cấp xã (Mẫu số 03)và Báo cáo đánh giá tình hình nuôi con nuôi thực tế trên địa bàn huyện theo Mẫu số 05A để gửi Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
– Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổng hợp báo cáo về tình hình nuôi con nuôi thực tế của các Ủy ban nhân dân cấp huyện (Mẫu số 04) và Báo cáo đánh giá tình hình nuôi con nuôi thực tế trên địa bàn tỉnh theo Mẫu số 05B để gửi cho Bộ Tư pháp.
c) Giai đoạn 3: từ tháng 7 năm 2013 đến tháng 12 năm 2013
Ủy ban nhân dân các cấp tập trung chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các nhiệm vụ theo quy định tại điểm 3 mục II của Kế hoạch này, đồng thời tiếp tục tiến hành các hoạt động sau đây:
– Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về nuôi con nuôi, mục đích ý nghĩa của việc đăng ký nuôi con nuôi và vận động người dân tự nguyện đi đăng ký việc nuôi con nuôi thực tế.
– Ủy ban nhân dân cấp xã tiếp tục tiến hành đăng ký việc nuôi con nuôi thực tế khi người dân có yêu cầu; đăng ký xong thì lập bản Tổng hợp (Mẫu số 02) để gửi cho Ủy ban nhân dân cấp huyện.
d) Giai đoạn 4: từ tháng 1 năm 2014 đến tháng 6 năm 2015
Ủy ban nhân dân các cấp tập trung chỉ đạo thực hiện đăng ký việc nuôi con nuôi thực tế cho người dân theo quy định tại điểm 4 mục II của Kế hoạch này, trong đó cần chú ý một số điểm như sau:
– Đối với địa phương phát sinh nhiều trường hợp nuôi con nuôi thực tế có nhu cầu đăng ký, thì tùy điều kiện từngnơi, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thể chỉ đạo việc tăng cường cán bộ giúp Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện đăng ký; trường hợp cần thiết có thể tổ chức đăng ký lưu động tại các bản, làng, thôn, xóm đểbảo đảm thuận lợi cho nhân dân.
– Sau khi đăng ký xong, Ủy ban nhân dân cấp xã lập bản Tổng hợp tình hình đăng ký nuôi con nuôi thực tế (Mẫu số 02) gửi Ủy ban nhân dân cấp huyện.
– Việc gửi báo cáo cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Bộ Tư pháp được thực hiện tương tự như giai đoạn 2 trên đây.
đ) Giai đoạn 5: từ tháng 7 đến tháng 12 năm 2015
– Ủy ban nhân dân cấp xã tiếp tục tiến hành đăng ký việc nuôi con nuôi cho người dân có nhu cầu.
– Việc lập bản Tổng hợp tình hình đăng ký nuôi con nuôi thực tế, trách nhiệm gửi báo cáo của Ủy ban nhân dân các cấp cho Bộ Tư pháp được thực hiện tương tự như giai đoạn 2 trên đây.
2.1. Trách nhiệm của Bộ Tư pháp
Cục Con nuôi giúp Bộ Tư pháp tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch này, là đơn vị đầu mối chịu trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc đăng ký nuôi con nuôi thực tế theo quy định của Luật Nuôi con nuôi, phối hợp với các địa phương, cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện các nhiệm vụ sau đây:
a) Tổ chức triển khai và kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch này. Trường hợp cần thiết có thể cử cán bộ phối hợp với địa phương tiến hành làm điểm tại một số khu vực, nơi phát sinh nhiều trường hợp nuôi con nuôi có nhu cầu đăng ký hoặc nơi có nhiều khó khăn, phức tạp cần tháo gỡ;
b) Tổng hợp và xây dựng báo cáo về tình hình nuôi con nuôi thực tế trên toàn quốc;
c) Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hoặc trường hợp cần thiết, báo cáo Lãnh đạo Bộ trình Chính phủ/Thủ tướng Chính phủ xin ý kiến chỉ đạo để kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện đăng ký nuôi con nuôi thực tế theo quy định của pháp luật;
d) Tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác đăng ký nuôi con nuôi thực tế theo Kế hoạch này trong Quý I/2016.
2.2. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan tại địa phương tổ chức thực hiện Kế hoạch này theo các nhiệm vụ sau đây:
a) Căn cứ Kế hoạch này và tình hình thực tế của địa phương, xây dựng, ban hành và triển khai kế hoạch đăng ký nuôi con nuôi thực tế đến các Ủy ban nhân dân cấp huyện và cấp xã, chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện trên địa bàn tỉnh;
b) Tổng hợp tình hình đăng ký nuôi con nuôi thực tế trên địa bàn tỉnh để gửi cho Bộ Tư pháp, bảo đảm đúng tiến độ đã đề ra;
c) Tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra tình hình đăng ký nuôi con nuôi thực tế của Ủy ban nhân dân cấp dưới và định kỳ từng giai đoạn báo cáo cho Bộ Tư pháp theo quy định.
2.3. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện
a) Căn cứ kế hoạch của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, tùy tình hình cụ thể của địa phương, có thể ban hành kế hoạch chi tiết triển khai thực hiện việc đăng ký nuôi con nuôi thực tế đối với từng Ủy ban nhân dân cấp xã và chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện của Ủy ban nhân dân cấp xã;
b) Tổng hợp báo cáo về tình hình đăng ký nuôi con nuôi thực tế do Ủy ban nhân dân cấp xã gửi lên, chủ động xây dựng báo cáo đánh giá tình hình nuôi con nuôi thực tế trên địa bàn cấp huyện để báo cáo Sở Tư pháp tổng hợp;
c) Kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc phát sinh để báo cáo Sở Tư pháp có hướng chỉ đạo, hướng dẫn giải quyết.
2.4. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã
a) Tiến hành tuyên truyền, phổ biến pháp luật về nuôi con nuôi; tổ chức rà soát, thống kê, đánh giá và đăng ký đối với các trường hợp nuôi con nuôi thực tế theo các nội dung quy định tại Kế hoạch này;
b) Duy trì việc lập và gửi báo cáo rà soát, thống kê, đánh giá về tình hình nuôi con nuôi thực tế theo đúng tiến độ đã đề ra;
c) Kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai Kế hoạch để có hướng xử lý;
d) Phân công trách nhiệm và huy động sự tham gia của các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức đoàn thể địa phương để bảo đảm thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả nội dung bản Kế hoạch này.
3. Kinh phí thực hiện
3.1. Kinh phí thực hiện Kế hoạch này bao gồm kinh phí từ nguồn ngân sách Nhà nước.
3.2. Các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, các cơ quan, ban, ngành ở Trung ương và địa phương được giao nhiệm vụ thực hiện nội dung tương ứng của bản Kế hoạch này, căn cứ nội dung công việc, tiến độ và chế độ chi tiêu hiện hành, xây dựng dự toán kinh phí hàng năm gửi cơ quan có thẩm quyền xem xét, bố trí theo quy định của pháp luật.
Các hoạt động của cơ quan ở Trung ương thực hiện do ngân sách Trung ương bảo đảm; các hoạt động của Sở, ban, ngành, cơ quan, tổ chức ở địa phương thực hiện do ngân sách địa phương bảo đảm.
3.3. Kinh phí tổ chức Hội nghị tổng kết toàn quốc công tác đăng ký nuôi con nuôi thực tế theo Kế hoạch này được lấy từ nguồn kinh phí hàng năm của Bộ Tư pháp.
4. Giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch
Trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch này, nếu có bất kỳ khó khăn, vướng mắc nào nảy sinh ở bất cứ giai đoạn nào, Ủy ban nhân dân các cấp kịp thời báo cáo về Bộ Tư pháp để được hướng dẫn cụ thể./.
Reviews
There are no reviews yet.