QUYẾT ĐỊNH
CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 191/2005/QĐ-TTG
NGÀY 29 THÁNG 7 NĂM 2005 PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN "HỖ TRỢ
DOANH NGHIỆP ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN PHỤC VỤ
HỘI NHẬP VÀ PHÁT TRIỂN GIAI ĐOẠN 2005 – 2010"
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Chỉ thị số 58/CT-TW ngày 17 tháng 10 năm 2000 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa giai đoạn 2001 – 2005”;
Căn cứ Quyết định số 123/2003/QĐ-TTg ngày 12 tháng 6 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Điều lệ hoạt động của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam”;
Xét đề nghị của Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án “Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hội nhập và phát triển giai đoạn 2005 – 2010” với các nội dung chủ yếu sau đây:
I. MỤC TIÊU:
1. Mục tiêu chung:
Hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ xây dựng cơ sở dữ liệu về thông tin kinh tế, ứng dụng công nghệ thông tin để tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế; góp phần đào tạo nguồn nhân lực và phát triển thị trường công nghiệp công nghệ thông tin; phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
2. Mục tiêu cụ thể:
1. Nâng cao nhận thức và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
2. Tư vấn cho các doanh nghiệp triển khai và lựa chọn giải pháp công nghệ thông tin phù hợp với đặc thù và quy mô của các doanh nghiệp.
3. Đào tạo nhân lực để ứng dụng công nghệ thông tin trong doanh nghiệp.
4. Góp phần tạo môi trường pháp lý và điều kiện phát triển ứng dụng công nghệ thông tin trong doanh nghiệp.
5. Cung cấp thông tin kinh tế cho các doanh nghiệp và xúc tiến, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia thương mại điện tử.
II. CÁC NHIỆM VỤ:
1. Điều tra, khảo sát, nghiên cứu thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin trong doanh nghiệp; nâng cao nhận thức về ứng dụng công nghệ thông tin; khuyến khích, thúc đẩy các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin.
– Điều tra thực trạng và nhu cầu ứng dụng công nghệ thông tin của các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, từ sản xuất, kinh doanh, phân phối đến tổ chức điều hành và quản lý doanh nghiệp, để kiến nghị với Chính phủ về các cơ chế, chính sách, biện pháp thích hợp nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong doanh nghiệp.
– Nghiên cứu tình hình và các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong doanh nghiệp của nước ngoài đó vận dụng vào điều kiện thực tế của Việt Nam.
– Tổ chức các hội thảo, hội nghị, đào tạo về ứng dụng công nghệ thông tin trong doanh nghiệp theo loại hình, quy mô doanh nghiệp, lĩnh vực kinh doanh, theo vùng, khu vực hoặc từng địa phương; tuyên truyền nhằm tăng cường nhận thức về vai trò, tác dụng, kinh nghiệm triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong doanh nghiệp.
– Biên soạn các tài liệu, cẩm nang về tin học hóa doanh nghiệp.
– Tạo cầu nối, liên kết, tăng cường hợp tác giữa đơn vị sử dụng và đơn vị cung ứng sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin.
– Tổ chức các giải thưởng về ứng dụng công nghệ thông tin cho các doanh nghiệp và các cá nhân có đóng góp vào phát triển ứng dụng công nghệ thông tin trong doanh nghiệp.
2. Tư vấn cho doanh nghiệp lựa chọn giải pháp, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
– Cung cấp thông tin, tài liệu, giới thiệu các giải pháp công nghệ thông tin mới giúp các doanh nghiệp lựa chọn công nghệ phù hợp.
– Tổ chức trưng bày, triển lãm nhằm trao đổi kinh nghiệm và các tọa đàm giữa các doanh nghiệp để giới thiệu các ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với lĩnh vực hoạt động, đặc thù và quy mô doanh nghiệp.
– Giúp doanh nghiệp Việt Nam tuyên truyền và giới thiệu về doanh nghiệp và sản phẩm của doanh nghiệp trên mạng Internet; triển lãm “ảo” về hàng hóa, sản phẩm dịch vụ của Việt Nam trên mạng Internet.
– Tư vấn phát triển các dịch vụ giá trị gia tăng hỗ trợ doanh nghiệp.
3. Triển khai các chương trình đào tạo kỹ năng cần thiết về ứng dụng công nghệ thông tin cho đội ngũ cán bộ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
– Tổ chức các chương trình đào tạo vềứng dụng công nghệ thông tin cho cán bộ quản lý và lãnh đạo doanh nghiệp.
– Tổ chức các chương trình đào tạo về ứng dụng công nghệ thông tin theo chuyên ngành cho các cán bộ trực tiếp sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
– Tổ chức các chương trình đào tạo nâng cao về xây dựng, triển khai, quản lý giám sát các dự án ứng dụng công nghệ thông tin dành cho các lãnh đạo thông tin trong doanh nghiệp (CIO).
4. Phối hợp với các cơ quan chức năng nghiên cứu, để kiến nghị Chính phủ về các chính sách, chế độ tạo môi trường pháp lý thuận lợi phát triển ứng dụng công nghệ thông tin trong doanh nghiệp.
– Tuyên truyền, phổ biến chính sách và các văn bản quy phạm pháp luật của Đảng và Nhà nước về phát triển công nghệ thông tin.
– Gắn kết chặt chẽ các hoạt động của Đề án với các chương trình tin học hoá quản lý nhà nước, tin học hóa của các Bộ, ngành, địa phương để hỗ trợ các doanh nghiệp.
5. Xây dựng Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp từ xa.
– Xây dựng và phát triển một cổng thương mại điện tử, kết nối các doanh nghiệp Việt Nam với thị trường quốc tế.
– Đào tạo, hỗ trợ cho các doanh nghiệp tham gia thương mại toàn cầu thông qua mạng Internet, góp phần thúc đẩy phát triển thương mại điện tử của Việt Nam.
– Xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin kinh tế phong phú, đa dạng, có độ chính xác cao, kịp thời và tin cậy đó cung cấp cho doanh nghiệp.
– Diễn đàn trên mạng do các doanh nghiệp trao đổi kiến thức, kinh nghiệm về sản xuất, kinh doanh, quản lý, thâm nhập thị trường.
– Cung cấp các công cụ giao dịch trực tuyến nhằm giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức triển khai thực hiện Đề án, định kỳ hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ:
– Từ nay đến cuối năm 2006:
a) Chỉ đạo xây dựng các dự án chi tiết theo các nhiệm vụ cụ thể của Đề án này, thẩm định và phê duyệt theo quy định hiện hành. Trong quá trình xây dựng các dự án cần phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan để tránh trùng lắp, chồng chéo nhiệm vụ, gây lãng phí.
b) Xây dựng cơ chế phối hợp và kế hoạch triển khai Đề án với các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan.
c) Phối hợp triển khai hoạt động điều tra khảo sát, tư vấn đào tạo với các Bộ, ngành và một số thành phố lớn.
d) Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về ứng dụng công nghệ thông tin trong các doanh nghiệp.
đ) Xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, cơ sở dữ liệu thông tin và đào tạo cán bộ cho Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp từ xa.
– Từ năm 2007 đến cuối năm 2008:
a) Mở rộng quy mô hoạt động của Đề án, đảm bảo đến hết năm 2008 có trên 70% số địa phương phối hợp triển khai Đề án này.
b) Mở rộng và nâng cao chất lượng các hoạt động tư vấn đào tạo về ứng dụng công nghệ thông tin cho doanh nghiệp.
c) Đưa Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp từ xa đi vào hoạt động.
– Từ năm 2009 đến hết năm 2010:
Triển khai thực hiện Đề án ở tất cả các địa phương trên cả nước; phát triển, nâng cao chất lượng của Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp từ xa; phấn đấu đạt chỉ tiêu 50% doanh nghiệp có ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, kinh doanh; đến cuối năm 2010 tổng kết việc thực hiện Đề án.
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo các cơ quan chức năng của Bộ phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam xây dựng chương trình hoạt động cụ thể của Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp từ xa trên nguyên tắc tiết kiệm, hiệu quả, tránh trùng lắp vàtạo điều kiện để doanh nghiệp tham gia vào hoạt động này.
3. Bộ Thương mại chỉ đạo các cơ quan chức năng của Bộ phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam triển khai Đề án đảm bảo phù hợp với kế hoạch phát triển thương mại điện tử của Việt Nam đến năm 2010 trên nguyên tắc tiết kiệm, hiệu quả, tránh trùng lắp và hỗ trợ cao nhất cho các doanh nghiệp.
4. Kinh phí để thực hiện Đề án được huy động từ các nguồn: doanh nghiệp đóng góp, hỗ trợ của ngân sách nhà nước và hỗ trợ của các tổ chức đối tác.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cân đối mức hỗ trợ 30% – 50% kinh phí từ ngân sách nhà nước tuỳ theo nhiệm vụ của từng dự án.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Reviews
There are no reviews yet.