QUYẾT ĐỊNH
CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 162/2002/QĐ-TTG
NGÀY 15 THÁNG11 NĂM 2002 VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH
PHÁT TRIỂN NGÀNH GIAO THÔNG VẬN TẢI ĐƯỜNG BỘ VIỆT NAM
ĐẾN NĂM 2010 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Xét đề nghị của Bộ Giao thông vận tải (tờ trình số 4470/GTVT ngày 28 tháng 12 năm 2000, công văn số 2246/GTVT-KHĐT ngày 26 tháng 6 năm 2002 và công văn số 3775/GTVT-KHĐT ngày 10 tháng 10 năm 2002); ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (công văn số 5973/BKH/CSHT ngày 04 tháng 9năm 2001 và số 5187 BKH/CSHT ngày 14tháng 8 năm 2002) về Quy hoạch phát triển ngành giao thông vận tải đường bộ Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020,
QUYẾT ĐỊNH :
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành giao thông vận tải đường bộ Việt Nam đến năm 2010 và định hướng phát triển đến năm 2020 với những nội dung chủ yếu sau:
1. Quan điểm:
a) Giao thông vận tải đường bộ là một bộ phận quan trọng trong kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội nói chung và kết cấu hạ tầng giao thông nói riêng, cần đầu tư phát triển trước một bước để tạo tiền đề, làm động lực phát triển kinh tế – xã hội, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa, đáp ứng tiến trình hội nhập khu vực và quốc tế, góp phần tăng cường an ninh, quốc phòng của đất nước.
b) Coi trọng việc duy trì, củng cố, nâng cấp để tận dụng tối đa năng lực kết cấu hạ tầng giao thông hiện có, đồng thời với việc đầu tư xây dựng công trình mới thực sự có nhu cầu; chú trọng nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông tại các khu kinh tế trọng điểm, các khu đô thị, các trục giao thông đối ngoại, tăng năng lực đảm bảo giao thông đường bộ thông suốt trên tuyến Bắc – Nam.
c) Phát triển giao thông vận tải đường bộ hợp lý, đồng bộ trong một quy hoạch thống nhất có phân công, phân cấp và hợp tác liên kết giữa các phương thức vận tải, phù hợp với điều kiện địa lý, tạo thành một mạng lưới giao thông thông suốt và có hiệu quả trên phạm vi toàn quốc.
d) Phát huy tối đa lợi thế địa lý của đất nước, phát triển hệ thống giao thông đường bộ phục vụ phát triển kinh tế đối ngoại, hội nhập khu vực và quốc tế.
đ) Ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, phương tiện vận tải khách công cộng và tổ chức giao thông ở các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
e) Phát triển giao thông nông thôn, đặc biệt là giao thông ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng, vùng biên giới, hỗ trợ đắc lực cho Chương trình xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế – xã hội tại các vùng này.
g) Đẩy mạnh việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, vật liệu mới, công nghệ mới vào các lĩnh vực thiết kế, xây dựng, khai thác giao thông vận tải đường bộ. Coi trọng việc phát triển nguồn lực cho nhu cầu phát triển ngành.
h) Phát huy nội lực, thực hiện các giải pháp để tạo nguồn vốn đầu tư trong nước phù hợp với điều kiện thực tế. Đồng thời, tranh thủ tối đa nguồn vốn đầu tư của nước ngoài dưới các hình thức viện trợ phát triển chính thức (ODA), đầu tư trực tiếp (FDI) và hợp đồng Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao (BOT)… Các tổ chức, cá nhân sử dụng trực tiếp hay gián tiếp kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ có trách nhiệm trả phí và lệ phí để bồi hoàn vốn đầu tư xây dựng và bảo trì công trình.
i) Bảo vệ công trình giao thông đường bộ là trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương, các ngành và của mỗi người dân.
2. Mục tiêu của quy hoạch phát triển:
Giai đoạn từ nay tới năm 2010.
a) Vận tải đường bộ.
– Đáp ứng được nhu cầu của xã hội về vận tải hàng hoá và hành khách với chất lượng cao, giá cả hợp lý, đảm bảo an toàn, tiện lợi.
– Phân công vận tải: phát huy lợi thế của vận tải đường bộ là khá đa dạng và có tính cơ động cao, rất hiệu quả trong phạm vi hoạt động đường ngắn, gom hàng tạo chân hàng cho các phương thức vận tải khác, vận chuyển trên các tuyến mà các phương thức vận tải khác như đường sắt, đường sông không đáp ứng được.
– Tổ chức và quản lý vận tải đường bộ: tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong vận tải đường bộ để nâng cao năng lực, chất lượng phục vụ với giá cả hợp lý. Áp dụng các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển vận tải công cộng đô thị, vận tải ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa, đảm bảo nhu cầu vận tải ở những vùng có khó khăn.
b) Kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Tiếp tục củng cố, khôi phục, nâng cấp các công trình giao thông đường bộ hiện có, đầu tư chiều sâu một số công trình quan trọng để nâng cao lưu lượng xe, hoàn chỉnh mạng lưới đường bộ, đồng thời xây dựng mới một số công trình có yêu cầu cấp thiết. Thực hiện thiết kế và xây dựng theo tiêu chuẩn Việt Nam đối với các công trình xây dựng mới, có xét đến yêu cầu hội nhập khu vực và quốc tế.
Mục tiêu cụ thể:
– Tăng cường năng lực cho công tác bảo trì, tăng cường nghiên cứu và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến trong quản lý và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
– Hoàn thành việc khôi phục, nâng cấp hệ thống đường bộ hiện có, đặc biệt là các dự án đang thực hiện hoặc đã cam kết bằng nguồn vay ODA để từng bước đưa hệ thống đường bộ vào đúng cấp kỹ thuật thống nhất trong cả nước.
– Đến năm 2005 hầu hết các tuyến quốc lộ (riêng hệ thống đường tỉnh đến năm 2010) phải có lớp mặt nhựa hoặc bê tông xi măng, hoàn thành xây dựng các cầu lớn trên các tuyến huyết mạch, mở rộng các quốc lộ có nhu cầu vận tải lớn.
– Nghiên cứu và triển khai xây dựng hệ thống đường cao tốc, trước hết là ở các vùng kinh tế phát triển, khu vực kinh tế trọng điểm, các trục giao thông quan trọng có lưu lượng giao thông lớn.
Giai đoạn 2011 – 2020: Tiếp tục hoàn thiện, từng bước hiện đại hóa mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
3. Quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ:
a) Hệ thống quốc lộ.
– Trục dọc Bắc Nam.
Trục dọc Bắc – Nam gồm hai tuyến: Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh. Đây là các trục đường bộ quan trọng nhất trong hệ thống đường bộ nước ta. Việc xây dựng, khôi phục nâng cấp các tuyến này là nhân tố quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, giữ vững an ninh chính trị, quốc phòng.
+ Quốc lộ 1A từ Hữu Nghị Quan đến Năm Căn, dài 2.298 km sẽ được hoàn thành nâng cấp, khôi phục vào năm 2005, toàn tuyến đạt tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, 2 làn xe. Một số đoạn, đặc biệt tại các đoạn gần đô thị lớn sẽ được mở rộng, nâng cấp thành đường từ 4 – 6 làn xe. Xây dựng một số đoạn tuyến tránh thành phố, thị xã và một số tuyến cao tốc nối các khu công nghiệp và khu kinh tế phát triển.
Một số đoạn trong khu vực miền Trung sẽ được xây dựng kiên cố hóa để hạn chế thiệt hại do bão lụt gây ra, đảm bảo khả năng thông xe trong mùa bão, lũ.
+ Đường Hồ Chí Minh giai đoạn 1 quy hoạch từ Hòa Lạc đến ngã tư Bình Phước, dài trên 1.700 km, được hình thành trên cơ sở nối liền các tuyến quốc lộ 21,15, 14B, 14, và 13. Giai đoạn này chủ yếu nối thông tuyến, một số đoạn nâng cấp hoặc xây dựng mới cơ bản đạt tiêu chuẩn đường cấp III với 2 làn xe. Giai đoạn sau thực hiện theo quy hoạch toàn tuyến đường Hồ Chí Minh sẽ được phê duyệt riêng.
– Khu vực phía Bắc
+ Các tuyến trong khu vực kinh tế trọng điểm.
Các tuyến quốc lộ trong khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc gồm các quốc lộ 5, 10, 18, 38, 39. Các quốc lộ này sẽ được hoàn thành việc khôi phục, nâng cấp vào năm 2005, đạt tiêu chuẩn đường từ cấp I đến cấp III, trong đó:
. Quốc lộ 5 từ Hà Nội đến Hải Phòng (cảng Chùa Vẽ): hoàn thành nâng cấp đạt tiêu chuẩn đường cấp I với 4 – 6 làn xe năm 2001 và một số tiểu dự án nâng cao hiệu quả khai thác vào năm 2002.
. Quốc lộ 18: Năm 2005 hoàn thành nâng cấp đoạn Bắc Ninh – Bãi Cháy đạt tiêu chuẩn đường cấp III với 2 làn xe, đoạn Bãi Cháy – Cẩm Phả 4 làn xe. Trải lại mặt đường đoạn Mông Dương – Móng Cái tạo việc đi lại thuận tiện; từ năm 2006 – 2010 tiếp tục nâng cấp, mở rộng.
. Quốc lộ 10: Năm 2003 hoàn thành nâng cấp đoạn Bí Chợ – Ninh Bình dài 150 km đạt tiêu chuẩn đường cấp III với 2 làn xe, kể cả hệ thống cầu lớn trên tuyến.
. Hoàn thành các tuyến phục vụ công tác phân lũ như quốc lộ 12B, quốc lộ 21, quốc lộ 21B.
. Hoàn thành các cầu lớn như Bính, Bãi Cháy, Yên Lệnh, Kiền, Thanh Trì, Tạ Khoa, Nhật Tân…
+ Các tuyến nan quạt.
Các tuyến nan quạt từ thành phố Hà Nội đi các tỉnh phía Bắc bao gồm các quốc lộ 2, 3, 6, 32, 32C, 70. Từ nay đến năm 2010, khôi phục, nâng cấp các tuyến nan quạt này đạt tiêu chuẩn cấp III ở đoạn đầu tuyến và cấp IV ở đoạn cuối tuyến (khu vực miền núi); riêng các đoạn từ Hà Nội đi trong bán kính khoảng 50 – 70 km, sẽ được mở rộng thành đường 4-6 làn xe hoặc xây dựng đường cao tốc.
+ Các tuyến vành đai, gồm 3 vành đai chủ yếu:
. Vành đai 1, gồm hệ quốc lộ 4 (4A, 4B, 4C, 4D, 4E) từ Tiên Yên (Quảng Ninh) tới Pa So (Lai Châu), qua các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai. Hiện còn 2 đoạn chưa được nối thông: Hà Giang – Mường Khương, Bảo Lạc – Mèo Vạc. Dự kiến đến năm 2005, nối thông toàn tuyến, trong đó có một số đoạn làm mới, để hình thành tuyến vành đai thông suốt. Giai đoạn saunăm 2010, nâng cấp toàn tuyến đạt tiêu chuẩn đường cấp IV với 2 làn xe, đoạn khó khăn đạt tiêu chuẩn đường cấp V.
. Vành đai 2 là quốc lộ 279 từ Đồng Đăng (Quảng Ninh) đến Tuần Giáo, và đến Tây Trang (Lai Châu), hiện còn đoạn Sông Đà – Tuần Giáo (60 km) chưa được nối thông. Dự kiến tới năm 2005, nối thông toàn tuyến. Giai đoạn sau sẽ nâng cấp toàn tuyến đạt tiêu chuẩn đường cấp IV với 2 làn xe, đoạn khó khăn đạt tiêu chuẩn đường cấp V, làm mới các đoạn tránh ngập phục vụ công trình thủy điện Sơn La.
. Vành đai 3 là quốc lộ 37, từ Sao Đỏ (Hải Dương) đến Xồm Lồm (Sơn La), qua các tỉnh Hải Dương, Bắc Giang, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Sơn La. Dự kiến tới năm 2010 nâng cấp toàn tuyến đạt tiêu chuẩn đường cấp IV.
– Khu vực miền Trung
Ngoài 2 trục dọc Bắc – Nam là quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh, khu vực miền Trung còn có hệ thống các đường ngang nối liền vùng đồng bằng ven biển miền Trung với các tỉnh Tây Nguyên (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Đồng), nối các cảng biển Việt Nam tới cửa khẩu quốc tế qua Lào, Campuchia, trong đó một số tuyến là các hành lang Đông – Tây quan trọng của khu vực. Các tuyến đường ngang khu vực miền Trung bao gồm các quốc lộ: 48, 7, 8, 12, 9, 49, 14D, 14E, 24, 19, 25, 26, 27, 27B, 28, 40 và tuyến dọc theo biên giới Việt Nam, Lào, Campuchia là quốc lộ 14C.
Các tuyến đường ngang miền Trung sẽ được khôi phục nâng cấp, một số tuyến sẽ được xây dựng mới đạt tiêu chuẩn đường từ cấp III đến cấp IV với 2 làn xe. Cụ thể như sau:
. Đến năm 2003 hoàn thành việc nâng cấp quốc lộ 9 đạt tiêu chuẩn đường cấp III.
. Đến năm 2005, hoàn thành việc xây dựng mới quốc lộ 12 từ cảng Vũng Áng đến cửa khẩu Mụ Giạ, nối với quốc lộ 12 của Lào đạt tiêu chuẩn đường cấp IV với 2 làn xe. Nâng cấp các quốc lộ 7, 49, 24, 28 đạt tiêu chuẩn đường cấp IV, đoạn khó khăn đạt tiêu chuẩn đường cấp V với 2 làn xe.
. Đến năm 2010, nâng cấp các quốc lộ 8, 19, 25, 26, 27 đạt tiêu chuẩnđường cấp III và cấp IV.
. Các quốc lộ khác như quốc lộ 45, 46, 217, 14C, 14D, 14E… chỉ nâng cấp mặt đường là chính kết hợp mở rộng các đoạn qua thị xã, thị trấn và các đoạn quá xấu. Sau năm 2010 sẽ nâng cấp đạt tiêu chuẩnđường cấp IV với 2 làn xe, đoạn khó khăn đạt tiêu chuẩn đường cấp V.
. Thực hiện chương trình kiên cố hóa các đoạn thường xuyên bị ngập lụt, đảm bảo khai thác trong mùa bão, lũ.
– Khu vực phía Nam.
+ Khu vực Đông Nam Bộ.
. Giai đoạn từ năm 2001 – 2010, phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ của khu vực Đông Nam Bộ tập trung vào các tuyến quốc lộ quan trọng, nối các trung tâm kinh tế thuộc khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam: thành phố Hồ Chí Minh – Đồng Nai – Bà Rịa Vũng Tàu – Bình Dương, bao gồm các quốc lộ 51, 55, 56, 22, 22B, 13, 20. Cụ thể như sau:
. Quốc lộ 51:hoàn thành việc nâng cấp toàn tuyến với quy mô 4 làn xe.
. Quốc lộ 55: hoàn thành việc nâng cấp toàn tuyến đạt tiêu chuẩn đường cấp III.
. Quốc lộ 22: đến năm 2003, hoàn thành việc nâng cấp tuyến từ thành phố Hồ Chí Minh đến Mộc Bài, đạt tiêu chuẩn đường cấp I với 4-6 làn xe.
. Quốc lộ 13: Dự kiến tới năm 2005, xây dựng mới đường cao tốc 4 làn xe đoạn từ ngã tư Bình Phước tới Thủ Dầu Một, dài 30 km.
. Quốc lộ 20: đầu tư nâng cấp mặt đường và giữ nguyên tiêu chuẩn đường cấp III.
. Nghiên cứu xây dựng đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành – Vũng Tàu, trước mắt giai đoạn đến năm 2005 xây dựng đoạn thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây với quy mô 4 làn xe; giai đoạn từ năm 2006 – 2010 xây dựng tiếp đoạn Long Thành – Vũng Tàu.
. Nghiên cứu xây dựng cầu Nhơn Trạch qua sông Đồng Nai, cầu Phú Mỹ qua sông Sài Gòn và một số cầu lớn khác.
+ Khu vực Tây Nam Bộ.
Khu vực miền Tây Nam Bộ bao gồm các quốc lộ 50, 62, 30, 54, 57, 60, 61, 63, 80, 91 và một số tuyến quốc lộ khác. Trọng tâm phát triển đường bộ khu vực này là hoàn thiện việc nâng cấp các tuyến để đạt được quy mô tiêu chuẩn đường cấp III với 2 làn xe; các đoạn qua thị xã, thị trấn sẽ được mở rộng. Tiếp tục mở rộng quốc lộ 1A ở những đoạn có nhu cầu vận tải lớn, trước hết là đoạn thành phố Hồ Chí Minh – Trung Lương. Xây dựng mới hai tuyến N1 và N2 để nối liền với quốc lộ 14C và đường Hồ Chí Minh.
. Tuyến N1 chạy dọc theo biên giới Việt Nam – Campuchia, từ cầu Đức Huệ (Long An) qua 4 tỉnh Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, có 2 điểm vượt sông lớn tại Tân Châu và Châu Đốc. Đến năm 2005 nối thông toàn tuyến. Đến năm 2010 nâng cấp toàn tuyến đạt tiêu chuẩn đường cấp IV.
. Tuyến N2 từ Chơn Thành (Bình Dương) đến Vàm Rầy (Kiên Giang) là tuyến vành đai trong của miền Tây Nam Bộ. Đến năm 2005 thông xe toàn tuyến. Đến năm 2010 nâng cấp toàn tuyến đạt tiêu chuẩn đường cấp III.
. Hình thành trục dọc ven biển nối liền và nâng cấp quốc lộ 60, quốc lộ 80 và các đoạn trục khác như tuyến Quản Lộ – Phụng Hiệp và tuyến nam sông Hậu.
. Hoàn thành xây dựng các cầu lớn như Cần Thơ, Đức Huệ, Vàm Cống, Rạch Miễu, Hàm Luông…
. Xây dựng đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh – Cần Thơ.
– Mạng đường cấp cao và cao tốc
Để phục vụ phát triển kinh tế – xã hội đất nước và hội nhập khu vực và quốc tế, trong thập kỷ tới phải từng bước hình thành mạng đường bộ cấp cao và cao tốc. Từ nay đến 2010, triển khai xây dựng các đoạn, tuyến sau:
– Đường Nội Bài – Hạ Long: dài 145 km, quy mô 4 – 6 làn xe.
– Tuyến Hà Nội – Hải Phòng: dài 100 km, quy mô 4 – 6 làn xe.
– Đoạn Hà Nội – Việt Trì: dài 78 km, quy mô 4 – 6 làn xe.
– Đoạn Hà Nội – Thái Nguyên: dài 70 km, quy mô 4 – 6 làn xe.
– Tuyến Lạng Sơn – Hà Nội – Vinh: dài 463 km, quy mô 4 – 6 làn xe.
– Đường vành đai 3 Hà Nội: dài 78 km, quy mô 4 – 6 làn xe.
– Đường Láng – Hoà Lạc: dài 30 km, quy mô 4 – 6 làn xe.
– Đoạn Đà Nẵng – Quảng Ngãi: dài 124 km, quy mô 4 – 6 làn xe.
– Đoạn Đà Nẵng – Huế: dài 105 km, quy mô 4 – 6 làn xe.
– Đoạn thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây: dài 50 km, quy mô4 – 6 làn xe.
– Tuyến thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành – Vũng Tàu: dài 85 km, quy mô 4 – 6 làn xe.
– Đoạn thành phố Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một: dài 40 km, quy mô 4 – 6 làn xe.
– Đoạn thành phố Hồ Chí Minh – Cần Thơ: dài 155 km, quy mô 4 – 6 làn xe.
Sau năm 2010:
– Đoạn Hạ Long – Mông Dương – Móng Cái: dài 175 km, quy mô 4- 6 làn xe.
– Đoạn Hoà Lạc – Trung Hà: dài 40 km, quy mô 4 – 6 làn xe.
– Đường vành đai 4 Hà Nội: dài 125 km, quy mô 6 – 8 làn xe.
– Đoạn Huế – Quảng Trị: dài 90 km, quy mô 4 – 6 làn xe.
– Đoạn Dầu Giây – Phan Thiết: dài 128 km, quy mô 4 – 6 làn xe.
– Đoạn Thủ Dầu Một – Chơn Thành: dài 50 km, quy mô 4 – 6 làn xe.
– Đường vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh: dài 110 km, quy mô 6 – 8 làn xe.
– Nghiên cứu xây dựng một số tuyến song song với quốc lộ 1A ở các đoạn còn lại: Quảng Ngãi – Nha Trang, Nha Trang – Phan Thiết, Cần Thơ – Bạc Liêu: khoảng 800 km.
– Hệ thống đường bộ đối ngoại
Để chủ động hội nhập khu vực và thế giới, ngoài các dịch vụ vận tải, thương mại, quá cảnh… phải có một hệ thống giao thông đồng bộ nhằm cung cấp mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông vận tải ở trình độ tiên tiến, hiệu quả và an toàn có tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp với tiêu chuẩn khu vực và thế giới, bao gồm:
Quốc lộ 22 (thành phố Hồ Chí Minh – Mộc Bài), quốc lộ 1 (thành phốHồ Chí Minh – Hà Nội), quốc lộ 5 (Hà Nội – Hải Phòng), quốc lộ 51 (thành phố Hồ Chí Minh – Vũng Tàu), quốc lộ 6 và quốc lộ 279 (Hà Nội – Tây Trang), quốc lộ 2, quốc lộ 70 (Hà Nội – Lào Cai), quốc lộ 7 (Diễn Châu – Nậm Cắn), quốc lộ 8 (Bãi Vọt – Keo Nưa), quốc lộ 12 mới (Cảng Vũng Áng – Mụ Giạ), quốc lộ 9 (Đông Hà – Lao Bảo), quốc lộ 19 (Hàm Rồng – biên giới), quốc lộ 24 (Thạch Trụ – Kon Tum), quốc lộ 14, quốc lộ 14B (Đà Nẵng – Chơn Thành).
b) Quy hoạch phát triển hệ thống tỉnh lộ
Hệ thống tỉnh lộ được phát triển với các định hướng:
+ Nâng cấp một số tỉnh lộ quan trọng lên quốc lộ, đồng thời đưa một số huyện lộ quan trọng lên tỉnh lộ, cải tuyến hoặc mở một số tuyến mới ở những khu vực cần thiết.
+ Phục hồi, nâng cấp hoặc đưa vào cấp với mục tiêu ở vùng đồng bằng đạt tiêu chuẩn đường cấp IV; miền núi đạt tiêu chuẩn đường cấp IV, cấp V; đoạn qua các thị trấn đạt tiêu chuẩn đường cấp III.
+ Tỷ lệ nhựa hóa đạt 60% vào năm 2005; 100% vào năm 2010; đến năm 2020 cải tạo nâng cấp cơ bản hệ thống đường huyện.
c) Giao thông đường bộ đô thị
– Thành phố Hà Nội
+ Giai đoạn năm 2001 – 2005
. Tập trung cải tạo nâng cấp các trục hướng tâm đi vào thành phố gồm các quốc lộ 5, 18, 1, 2, 3, 32, 6, đường Láng – Hoà Lạc.
. Hoàn chỉnh vành đai 1 và cải tạo vành đai 2 phần phía Nam sông Hồng. Hoàn thiện phần phía Đông và phía Nam của vành đai 3. Cải tạo các nút giao thông và các trục đường hay ách tắc giao thông. Xây dựng thêm đường tại các quận, huyện và tại khu vực mới phát triển.
. Quy hoạch và xây dựng hệ thống vận tải khách công cộng.
+ Giai đoạn năm 2006 – 2010
Từng bước hoàn thiện và hiện đại hoá kết cấu hạ tầng giao thông.
Hoàn chỉnh vành đai 2 và 3. Tiếp tục xây dựng và phát triển mạng lưới giao thông đường bộ tại các quận mới phát triển, các khu đô thị ở các vùng phụ cận; từng bước xây dựng mạng lưới đường trên cao; xây dựng thêm các cầu vượt sông để tạo điều kiện phân bố lại dân cư và điều tiết lại mật độ giao thông quá cao ởkhu vực đô thị cũ như các cầu Thanh Trì, Long Biên (mới), Nhật Tân, Vĩnh Tuy qua sông Hồng và cầu Đông Trù vượt sông Đuống.
+ Giai đoạn năm 2010 – 2020
Hoàn chỉnh, đa dạng hoá và hiện đại hoá kết cấu hạ tầng giao thông.
– Thành phố Hồ Chí Minh
+ Giai đoạn năm 2001 – 2005
. Cải tạo hoàn chỉnh các trục hướng tâm đi vào thành phố gồm các quốc lộ 1 phía Bắc, quốc lộ 13, quốc lộ22, quốc lộ 1 phía Nam, quốc lộ 50, liên tỉnh lộ 15. Triển khai xây dựng 2 tuyến cao tốc thành phố Hồ Chí Minh – Trung Lương và thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây. Hoàn chỉnh vành đai 1 phần phía Bắc và phía Tây và cải tạo từng phần vành đai 2. Hoàn chỉnh các hành lang giao thông về phía Nam của thành phố; xây dựng đại lộ Đông Tây và cầu Nhơn Trạch qua sông Đồng Nai và cầu Phú Mỹ qua sông Sài Gòn. Cải tạo các nút giao thông và các trục đường hay gây ách tắc giao thông.
. Quy hoạch và xây dựng hệ thống vận tải khách công cộng.
+ Giai đoạn năm 2006 – 2010
Hoàn chỉnh vành đai 1 và 2. Bổ sung các đường tại các quận, huyện mới phát triển. Xây dựng hoàn chỉnh và hiện đại hoá hệ thống giao thông tại khu đô thị phía Nam Sài Gòn, khu đô thị Thủ Thiêm, quy hoạch và đầu tư các đầu mối giao thông, từng bước xây dựng mạng lưới đường trên cao, xây dựng thêm các cầu qua sông Sài Gòn.
+ Giai đoạn năm 2010 – 2020
Hoàn chỉnh, đa dạng hoá và hiện đại hoá kết cấu hạ tầng giao thông.
– Các đô thị lớn khác
Đối với các thành phố lớn như Hải Phòng, Vinh, Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ và một số thành phố khác:
+ Xây dựng các tuyến cửa ngõ ra vào thành phố, các nút giao cắt lập thể tại các giao lộ lớn.
+ Xây dựng các tuyến tránh đô thị, hình thành đường vành đai tại một số thành phố có các trục lộ quan trọng đi qua.
+ Xây dựng các bến xe khách phục vụ đi lại và du lịch.
d) Giao thông nông thôn
– Giai đoạn năm 2001 – 2005
+ Xây dựng đường ôtô đến tất cả các trung tâm xã, cụm xã, các xã còn lại; những xã đặc biệt khó khăn (chủ yếu do địa hình, địa lý) có đường cho xe ngựa thồ và xe máy đi lại được.
+ Tỷ lệ mặt đường bằng các vật liệu cứng đạt 80%, trong đó mặt đường bê tông đạt 30%;
+ Tỷ lệ đường giao thông nông thôn đi lại thông suốt cả hai mùa đạt 70%.
+ Xoá bỏ 80% cầu khỉ khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
+ Từng bước phát triển giao thông ra nội đồng.
– Giai đoạn năm 2006 – 2010
+ Tỷ lệ mặt đường bằng các vật liệu cứng đạt 95%.
+ Tỷ lệ đường giao thông nông thôn đi lại cả hai mùa đạt 90%.
+ Cầu cống kết hợp với các công trình vĩnh cửu và tạm thời đạt 50%.
+ Tất cả đường huyện đều đạt tiêu chuẩn đường cấp V – VI, đường xã, liên xã đạt tiêu chuẩn đường giao thông nông thôn loại A và B.
+ Xoá bỏ hầu hết cầu khỉ.
+ Phát triển giao thông nội đồng để đáp ứng được nhu cầu công nghiệp hoá sản xuất và thu hoạch sản phẩm nông nghiệp.
4. Quy hoạch phát triển vận tải đường bộ
Vận tải đường bộ từng bước được đầu tư phát triển để đạt được các chỉ tiêu vận tải sau: khối lượng vận tải hàng hoá năm 2010 là 186 triệu tấn, tương đương 9.206 triệu Tkm, năm 2020 là 343 triệu tấn, tương đương 17.842 triệu Tkm; vận tải khách năm 2010 là 1.787 triệu lượt hành khách, tương đương 48.579 triệu HKkm, năm 2020 là 4.634 triệu lượt hành khách, tương đương 126.003 triệu HKkm.
Vận tải đường bộ từng bước đạt chỉ tiêu bảo vệ môi trường theo tiêu chuẩn Việt Nam và khu vực; giảm chi phí vận tải; nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải và đảm bảo an toàn giao thông.
Duy trì ở mức độ cần thiết số doanh nghiệp nhà nước làm công tác vận tải đường bộ, doanh nghiệp vận chuyển khách công cộng ở các đô thị lớn; từng bước cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước vận tải ôtô còn lại.
5. Quy hoạch phát triển phương tiện vận tải
a) Xe ôtô
Để đảm nhận khối lượng vận chuyển đã nêu trong giai đoạn 2010 – 2020, dự báo nhu cầu phương tiện như sau: đến năm 2010 số lượng xe con là 310.000 chiếc, xe khách là 360.000 chiếc tương ứng 10.256.000 ghế xe, xe tải là 620.000 chiếc tương ứng 3.400.000 tấn phương tiện (TPT); vào năm 2020 xe con là 680.000 chiếc, xe khách là 770.000 chiếc tương ứng 22.950.000 ghế xe, xe tải là 1.350.000 chiếc tương ứng 7.300.000 TPT.
b) Xe máy và vận tải khách công cộng
Hạn chế mức tăng số lượng xe máy bình quân không quá 10%/năm bằng các biện pháp kinh tế, kỹ thuật để khống chế số lượng xe máy trên cả nướcnăm 2005 dưới 13 triệu xe và từ 2006 đến năm 2010 tiến tới giảm số lượng xe máy lưu hành ở các đô thị, trước hết là ở thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và một số thành phố lớn. Xe máy sử dụng chủ yếu ở các khu vực nông thôn và khu vực không có vận tải khách công cộng.
Song song với giải pháp hạn chế phát triển xe máy, đẩy mạnh phát triển phương tiện vận tải công cộng, trước hết là xe buýt, đặc biệt là ở các đô thị lớn nhưthủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh …
Giao cho Bộ Giao thông vận tải chủ trì cùng các Bộ Tài chính, Công nghiệp, Thương mại, Kế hoạch và Đầu tư và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc biệt là Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh nghiên cứu xây dựng, triển khai sớm các cơ chế, chính sách phát triển vận tải khách công cộng và biện pháp hạn chế sự gia tăng xe máy.
6. Về nhu cầu vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ giai đoạn 2001 – 2010.
Ước tính tổng mức đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ giai đoạn 2001 – 2010 như sau:
a) Đường quốc lộ là 139.420 tỷ đồng, bình quân 13.942 tỷ đồng/năm.
b) Đường tỉnh là 50.000 tỷ đồng, bình quân 5.000 tỷ đồng/năm.
c) Giao thông đô thị (riêng cho các công trình giao thông đường bộ của thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2001 – 2005) là 53.653 tỷ đồng, bình quân 10.610 tỷ đồng/năm.
d) Giao thông nông thôn 86.500 tỷ đồng, bình quân 8.650 tỷ đồng/năm.
e) Hỗ trợ vận tải khách công cộng đô thị, đóng mới phương tiện, sản xuất phụ tùng; phát triển nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học,… ước tính 10.000 tỷ đồng, bình quân 1.000 tỷ/năm.
Vốn đầu tư trên sẽ được điều chỉnh và chuẩn xác lại trong quá trình thực hiện.
7. Cơ chế chính sách phát triển giao thông vận tải đường bộ
a) Giải pháp, chính sách tạo vốn phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
ư- Nguồn vốn trong nước.
Nguồn vốn đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông chủ yếu từ ngân sách nhà nước. Để tăng nguồn vốn đầu tư cần có các giải pháp tạo vốn đầu tư như sau:
+ Thu phí các đối tượng sử dụng trực tiếp kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên cơ sở quy hoạch hợp lý mạng lưới các trạm thu phí.
+ Phụ thu qua giá bán xăng dầu.
+ Huy động các nguồn vốn từ các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, cá nhân…, các hình thức phát hành cổ phiếu, trái phiếu công trình, trái phiếu Chính phủ.
+ Nghiên cứu thành lập Quỹ bảo trì đường bộ.
– Nguồn vốn nước ngoài
Tranh thủ các nguồn vốn ODA để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Cần có các giải pháp để thực hiện các dự án ODA: bố trí vốn đối ứng trong nước kịp thời, giải phóng mặt bằng nhanh, đơn giản các thủ tục xây dựng cơ bản, đồng thời với việc tăng cường các biện pháp giám sát, kiểm tra thực hiện, nâng cao hiệu quả sử dụng ODA.
Có các giải pháp, chính sách để thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài.
Có chính sách nhất quán, hấp dẫn lâu dài để khuyến khích và đảm bảo quyền lợi cho người đầu tư. Mở rộng các dạng đầu tư khác như BT, BOT…
b) Các biện pháp tăng cường hiệu quả quản lý và sử dụng các nguồn vốn.
– Các quyết định đầu tư cho các công trình đường bộ phải căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông.
– Chỉ đạo tập trung về công tác quy hoạch, kế hoạch bảo trì và đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông từ Trung ương tới địa phương.
– Xây dựng hệ thống tổ chức quản lý mạng lưới giao thông đường bộ hợp lý.
– Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn định mức kinh tế – kỹ thuật, đơn giá hợp lý về xây dựng và sửa chữa công trình giao thông đường bộ.
– Tăng cường công tác kiểm tra, quản lý chất lượng công trình…
c) Chính sách phát triển nguồn nhân lực.
d) Tổ chức tốt, có chính sách hợp lý để các thành phần kinh tế tham gia phát triển giao thông đường bộ trong môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh, phục vụ tốt nhất các nhu cầu đi lại, vận tải của xã hội.
đ) Chính sách và giải pháp bảo vệ môi trường trong phát triển giao thông vận tải đường bộ.
e) Chính sách và giải pháp về an toàn giao thông đường bộ.
g) Chính sách áp dụng khoa học – công nghệ mới.
h) Chính sách và giải pháp hội nhập khu vực và quốc tế.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộ Việt Nam đến 2020.
2. Trên cơ sở Quy hoạch phát triển này, Bộ Giao thông vận tải cụ thể hoá và tổ chức thực hiện Quy hoạch phát triển giao thông đường bộ Việt Nam đến 2020, và các kế hoạch chi tiết theo định kỳ 5 năm, hàng năm phù hợp với phát triển kinh tế – xã hội của đất nước; hướng dẫn kiểm tra quá trình thực hiện quy hoạch; đề xuất những giải pháp cần thiết để thực hiện quy hoạch phát triển này, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định. Định kỳ tổ chức sơ kết, đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch 5 năm.
3. Các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Giao thông vận tải thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu của quy hoạch phát triển giao thông đường bộ, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế– xã hội của ngành và địa phương.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày ký.
Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Reviews
There are no reviews yet.