QUYẾT ĐỊNH
CỦA HỘI ĐỒNG QUẢN LÝ QUỸ HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN
SỐ 15/2000/QĐ-HĐQL NGÀY 06 THÁNG 3 NĂM 2000 VỀ VIỆC
BAN HÀNH TẠM THỜI QUY CHẾ CHO VAY VỐN
TẠM THỜI NHÀN RỖI CỦA QUỸ HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN
HỘI ĐỒNG QUẢN LÝ QUỸ HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN
Căn cứ Nghị định số 50/1999/NĐ-CP ngày 08 tháng 7 năm 1999 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển;
Căn cứ Quyết định số 231/1999/QĐ-TTg ngày 17/12/1999 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển;
Căn cứ Quyết định số 232/1999/QĐ-TTg ngày 17/12/1999 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế quản lý tài chính của Quỹ hỗ trợ phát triển.
Theo đề nghị của Tổng Giám đốc Quỹ hỗ trợ phát triển.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế tạm thời cho vay vốn tạm thời nhàn rỗi của Quỹ hỗ trợ phát triển.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký.
Điều 3. Tổng giám đốc Quỹ hỗ trợ phát triển, Trưởng Ban kiểm soát, Giám đốc các Chi nhánh Quỹ hỗ trợ phát triển, Trưởng ban các Ban thuộc Quỹ hỗ trợ phát triển và đơn vị vay vốn của Quỹ hỗ trợ phát triển chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
QUY CHẾ
TẠM THỜI CHO VAY VỐN TẠM THỜI NHÀN RỖI
CỦA QUỸ HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 15/2000/QĐ-HĐQL
ngày 6 tháng 3 năm 2000 của Hội đồng quản lý Quỹ hỗ trợ phát triển)
CHƯƠNG I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh:
Quy chế này quy định việc cho vay hỗ trợ từ nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi bằng Đồng Việt Nam của Quỹ hỗ trợ phát triển (sau đây viết tắt là Quỹ) đối với các dự án đầu tư bằng vốn cấp phát của ngân sách Nhà nước tạm thời thiếu vốn hoặc các dự án đầu tư đã vay vốn đầu tư của Quỹ thiếu vốn sản xuất ban đầu.
Điều 2. Đối tượng áp dụng:
1. Quỹ hỗ trợ phát triển Trung ương.
2. Chi nhánh Quỹ hỗ trợ phát triển các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
3. Các đơn vị vay vốn tại Chi nhánh Quỹ hỗ trợ phát triển.
Điều 3. Giải thích từ ngữ:
Trong Quy chế này các từ ngữ sau đây được hiểu như sau:
1. Thời hạn cho vay là khoảng thời gian được tính từ khi đơn vị vay vốn bắt đầu nhận khoản vay đầu tiên cho đến thời điểm trả hết nợ gốc và lãi tiền vay đã được thoả thuận trong hợp đồng tín dụng giữa Quỹ hỗ trợ phát triển với đơn vị vay vốn.
2. Điều chỉnh kỳ hạn trả nợ là việc Quỹ hỗ trợ phát triển và đơn vị vay vốn thoả thuận về việc thay đổi các kỳ hạn trả nợ đã thoả thuận trong hợp đồng tín dụng đã ký.
3. Đơn vị vay vốn là chủ đầu tư các dự án vay vốn quy định tại Điều 1 Quy chế này hoặc đơn vị được Bộ quản lý ngành hoặc Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương Uỷ quyền đứng ra vay vốn và có văn bản cam kết trả nợ cho Quỹ hỗ trợ phát triển từ nguồn vốn ngân sách để đầu tư các dự án quy định tại Điều 4 Khoản 1 Quy chế này.
CHƯƠNG II
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 4. Đối tượng vay vốn:
1. Dự án kinh tế – xã hội trên địa bàn được đầu tư bằng vốn của Ngân sách nhà nước nhưng tạm thời thiếu vốn.
2. Vốn sản xuất ban đầu các dự án vay vốn đầu tư của Quỹ đã hoàn thành đưa vào sản xuất, nhưng thiếu vốn sản xuất.
3. Ngân sách địa phương vay để đầu tư các dự án tạm thời thiếu vốn.
Điều 5. Nguyên tắc vay vốn
Đơn vị vay vốn phải đảm bảo nguyên tắc:
1. Sử dụng vốn vay đúng mục đích đã được ghi trong hợp đồng tín dụng.
2. Phải hoàn trả nợ gốc và lãi tiền vay đúng hạn đã thoả thuận được ghi trong hợp đồng tín dụng.
3. Không được dùng vốn vay để đảo nợ vay ngắn hạn, trung hạn và dài hạn của các tổ chức tín dụng khác.
4. Thực hiện đầy đủ quy định về bảo đảm tiền vay và những quy định cụ thể tại Quy chế này.
Điều 6. Điều kiện vay vốn:
1. Đối với đơn vị vay vốn có dự án đầu tư thuộc nguồn vốn cấp phát của ngân sách Nhà nước tạm thời thiếu vốn:
a) Dự án đầu tư đã có đủ thủ tục đầu tư và xây dựng theo Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng hiện hành của Nhà nước.
b) Dự án đầu tư được ghi kế hoạch vốn cấp phát của ngân sách Nhà nước trong năm kế hoạch và đã được cơ quan tài chính thông báo kế hoạch vốn.
c) Mục đích sử dụng vốn vay hợp pháp, phù hợp với khối lượng xây dựng cơ bản hoàn thành theo kế hoạch năm được cơ quan cấp trên của chủ đầu tư giao.
d) Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố (đối với dự án được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách địa phương), Bộ, ngành hoặc Tổng công ty Nhà nước (đối với dự án được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Trung ương) có văn bản đề nghị và cam kết trả nợ cho Quỹ hỗ trợ phát triển trong thời hạn quy định từ nguồn vốn cấp phát của ngân sách Nhà nước.
2. Đối với đơn vị vay vốn sản xuất ban đầu:
a) Có dự án đầu tư đã được vay vốn đầu tư của Quỹ hỗ trợ phát triển, đã hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng.
b) Có khả năng tài chính đảm bảo trả nợ trong thời hạn cam kết.
c) Mục đích sử dụng vốn vay hợp pháp.
d) Có phương án sản xuất kinh doanh khả thi, có hiệu quả.
e) Thực hiện các quy định về bảo đảm tiền vay theo quy định của Chính phủ đối với tổ chức tín dụng.
3. Đối với đơn vị vay vốn là một Sở hoặc đơn vị được Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương uỷ quyền đứng ra vay vốn:
a) Văn bản uỷ quyền của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cho Sở hoặc đơn vị đứng ra vay vốn Quỹ hỗ trợ phát triển.
b) Văn bản cam kết trả nợ cho Quỹ hỗ trợ phát triển từ nguồn vốn ngân sách địa phương của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
c) Danh mục và mức vốn các dự án sử dụng vốn vay.
Điều 7. Mức vốn cho vay:
1. Mức vốn cho vay tối đa đối với đơn vị vay vốn có dự án đầu tư thuộc nguồn vốn cấp phát của ngân sách Nhà nước bằng 25% mức vốn được ghi kế hoạch năm của dự án.
2. Mức vốn cho vay tối đa đối với đơn vị vay vốn sản xuất ban đầu bằng 50% mức vốn lưu động ban đầu cho sản xuất được ghi trong tổng mức vốn đầu tư của dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
3. Tổng dư nợ cho vay của từng Chi nhánh Quỹ không được vượt hạn mức tín dụng do Quỹ hỗ trợ phát triển Trung ương giao.
4. Tổng dư nợ cho vay trong toàn hệ thống Quỹ hỗ trợ phát triển không vượt quá 20% tổng số vốn tạm thời nhàn rỗi của Quỹ. Tổng số vốn tạm thời nhàn rỗi của Quỹ được xác định hàng quý trên cơ sở tổng số các nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi bình quân trong quý.
Điều 8. Thời hạn cho vay:
1. Đối với đơn vị vay vốn có dự án thuộc nguồn vốn cấp phát của ngân sách Nhà nước:
Thời hạn cho vay phù hợp với tiến độ cấp phát vốn của Ngân sách nhà nước nhưng ngày trả nợ vay cuối cùng không quá 15 tháng 12 của năm kế hoạch.
2. Đối với đơn vị vay vốn sản xuất ban đầu thời hạn cho vay được xác định phù hợp với chu kỳ sản xuất, kinh doanh và khả năng trả nợ của chủ đầu tư nhưng tối đa không quá 12 tháng.
Điều 9. Lãi suất cho vay:
1. Lãi suất cho vay do Tổng giám đốc quỹ quy định trong phạm vi không thấp hơn lãi suất cho vay tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước và không cao hơn lãi suất do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm ký kết hợp đồng tín dụng. Mức lãi suất cho vay được giữ nguyên trong suốt thời hạn cho vay.
2. Lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay trong hạn.
Điều 10. Hồ sơ vay vốn:
Khi có nhu cầu vay vốn, đơn vị gửi đến Chi nhánh Quỹ các giấy tờ sau:
1. Giấy đề nghị vay vốn: Giấy đề nghị vay vốn phải có các nội dung cơ bản như: tên, địa chỉ của đơn vị, số tiền cần vay, mục đích vay vốn, các cam kết về sử dụng tiền vay, trả nợ, trả lãi và các cam kết khác.
2. Các tài liệu cần thiết chứng minh đủ điều kiện vay vốn như quy định tại Điều 6 Quy chế này.
Đơn vị vay vốn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác và hợp pháp của các tài liệu gửi Chi nhánh Quỹ.
Điều 11. Thẩm định và quyyết địnhcho vay:
1. Quỹ hỗ trợ phát triển kiểm tra các tài liệu đơn vị vay vốn gửi đến đồng thời tiến hành kiểm tra thực tế tính khả thi của từng dự án đầu tư và hiệu quả của phương án sản xuất kinh doanh và khả năng trả nợ của đơn vị vay vốn.
2. Trong thời hạn 5 ngày làm việc đối với cho vay các dự án thuộc nguồn vốn cấp phát của ngân sách Nhà nước và 10 ngày làm việc đối với các dự án vay vốn sản xuất ban đầu kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ vay vốn hợp lệ (kể cả những bổ sung, giải trình theo yêu cầu củaChi nhánh Quỹ), Chi nhánh Quỹ phải quyết định và thông báo việc cho vay hay không cho vay đối với đơn vị vay vốn. Trường hợp quyết định không cho vay, Chi nhánh Quỹ phải thông báo cho đơn vị vay vốn bằng văn bản trong đó nêu rõ lý do không cho vay.
Điều 12. Ký hợp đồng tín dụng vay vốn:
Sau khi quyết định cho vay, Chi nhánh Quỹ và đơn vị vay vốn ký hợp đồng tín dụng. Hợp đồng tín dụng phải có các nội dung về điều kiện vay, mục đích sử dụng tiền vay, số tiền vay, lãi suất, thời hạn vay, hình thức bảo đảm tiền vay, giá trị tài sản bảo đảm, biện pháp xử lý tài sản làm bảo đảm và các cam kết khác được các bên thoả thuận.
Hợp đồng tín dụng được lập thành 05 bản có giá trị như nhau, mỗi bên giữ 1 bản, 01 bản gửi cho Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, 01 bản gửi toà án kinh tế tỉnh, thành phố, 01 bản gửi cho Quỹ hỗ trợ phát triển Trung ương để quản lý và theo dõi.
Điều 13.Cấp tiền vay
Việc cấp tiền vay được thực hiện theo thoả thuận trong hợp đồng tín dụng đã ký theo đề nghị của đơn vị vay vốn, phù hợp với tiến độ và nhu cầu sử dụng vốn vay, mỗi lần cấp tiền vay Chi nhánh Quỹ yêu cầu đơn vị vay vốn ký nhận nợ vào khế ước vay vốn.
Điều 14.Kiểm tra giám sát vốn vay
1. Chi nhánh Quỹ có trách nhiệm kiểm tra, giám sát quá trình vay vốn, sử dụng vốn vay và trả nợ vay của đơn vị vay vốn.
2. Chi nhánh Quỹ tiến hành kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi cho vay phù hợp với dự án đầu tư và đặc điểm sản xuất kinh doanh của đơn vị vay vốn.
Điều 15.Trả nợ gốc và lãi.
1. Đối với các dự án đầu tư bằng vốn cấp phát của ngân sách Nhà nước:
Thời hạn trả nợ (gốc và lãi) được xác định phù hợp với cam kết trả nợ của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố (đối với dự án được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách địa phương), Bộ, ngành hoặc Tổng công ty Nhà nước (đối với dự án được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Trung ương). Lãi tiền vay được trả cùng với thời hạn trả nợ gốc.
2. Đối với đơn vị vay vốn sản xuất ban đầu:
a) Kỳ hạn trả nợ gốc
Căn cứ vào đặc điểm sản xuất, kinh doanh, khả năng tài chính, thu nhập và nguồn trả nợ của chủ đầu tư, Chi nhánh Quỹ và đơn vị vay vốn thoả thuận các kỳ hạn trả nợ gốc nhưng tối đa không quá một chu kỳ sản xuất.
b) Kỳ hạn trả lãi tiền vay:
– Các dự án đầu tư để thành lập doanh nghiệp mới, kỳ hạn trả lãi tiền vay cùng kỳ hạn trả nợ gốc.
– Các dự án đầu tư mở rộng sản xuất, đổi mới thiết bị công nghệ, trả lãi tiền vay theo kỳ hạn hàng tháng.
3. Khi đến kỳ hạn trả nợ hoặc kết thúc thời hạn cho vay, nếu đơn vị vay vốn không trả nợ đúng hạn và không được điều chỉnh kỳ hạn nợ hoặc không được gia hạn nợ thì số nợ đến hạn phải chuyển sang nợ quá hạn và phải chịu lãi suất nợ quá hạn đối với số tiền chậm trả.
Điều 16. Quyền và nghĩa vụ của đơn vị vay vốn
1. Đơn vị vay vốn có quyền:
a) Từ chối các yêu cầu của Quỹ hỗ trợ phát triển không đúng với các thoả thuận trong hợp đồng tín dụng.
b) Khiếu nại, khởi kiện về việc vi phạm hợp đồng tín dụng theo quy định của pháp luật.
2. Đơn vị vay vốn có nghĩa vụ:
a) Cung cấp đầy đủ, trung thực các thông tin, tài liệu liên quan đến việc vay vốn và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của các thông tin, tài liệu đã cung cấp.
b) Sử dụng tiền vay đúng mục đích và thực hiện đúng các nội dung khác đã thoả thuận trong hợp đồng tín dụng.
c) Trả nợ gốc và lãi tiền vay đúng hạn theo thoả thuận ghi trong hợp đồng tín dụng.
Điều 17. Quyền và nghĩa vụ của Chi nhánh Quỹ
1. Chi nhánh Quỹ có quyền:
a) Yêu cầu đơn vị vay vốn cung cấp tài liệu về dự án đầu tư và tài liệu chứng minh phương án sản xuất kinh doanh khả thi, khả năng tài chính của chủ đầu tư.
b) Từ chối yêu cầu của đơn vị vay vốn nếu thấy dự án, phương án sản xuất kinh doanh không đủ điều kiện vay vốn hoặc Quỹ hỗ trợ phát triển không có đủ nguồn vốn để cho vay.
c) Kiểm tra giám sát quá trình vay vốn, sử dụng vốn vay và trả nợ vay của đơn vị vay vốn.
d) Chấm dứt việc cho vay, thu hồi nợ trước hạn khi phát hiện đơn vị vay vốn cung cấp thông tin sai sự thật, vi phạm các quy định trong hợp đồng tín dụng.
đ) Khởi kiện đơn vị vay vốn vi phạm hợp đồng tín dụng.
2. Chi nhánh Quỹ có nghĩa vụ:
a) Giám đốc Chi nhánh Quỹ chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Tổng giám đốc Quỹ về việc quyết định cho vay, thu hồi nợ vay (cả gốc và lãi)
b) Thực hiện đúng thoả thuận trong hợp đồng tín dụng.
c) Cấp vốn vay, kiểm tra, giám sát quá trình sử dụng vốn vay của đơn vị vay vốn theo đúng quy định của pháp luật và theo quy định tại Quy chế này.
d) Lập kế hoạch hạn mức tín dụng Quý gửi Quỹ hỗ trợ phát triển Trung ương ngày 15 tháng cuối quý trước (mẫu số 1).
đ) Lập báo cáo tình hình thực hiện cho vay, thu nợ các dự án vay vốn tạm thời nhàn rỗi gửi Quỹ hỗ trợ phát triển Trung ương ngày 10 tháng đầu quý sau (mẫu số 2).
e) Chấp hành nghiêm chỉnh quy định về hạn mức tín dụng do Quỹ hỗ trợ phát triển Trung ương giao, đảm bảo khả năng thanh toán của Quỹ hỗ trợ phát triển trên địa bàn.
g) Lưu giữ hồ sơ tín dụng phù hợp với quy định của pháp luật.
Điều 18. Quyền và nghĩa vụ của Quỹ hỗ trợ phát triển Trung ương
1. Quỹ hỗ trợ phát triển Trung ương có quyền:
a) Yêu cầu Chi nhánh Quỹ hỗ trợ phát triển báo cáo tình hình thực hiện cho vay, thu hồi nợ vay theo các hợp đồng tín dụng.
b) Kiểm tra, giám sát quá trình sử dụng vốn, hạn mức tín dụng của các Chi nhánh Quỹ.
c) Phối hợp với Chi nhánh Quỹ kiểm tra đột xuất việc sử dụng vốn vay và trả nợ vay của các đơn vị vay vốn.
d) Thu hồi hạn mức tín dụng nếu phát hiện Chi nhánh Quỹ sử dụng vốn sai với quy định tại Quy chế này hoặc sử dụng vốn kém hiệu quả.
2. Quỹ hỗ trợ phát triển Trung ương có nghĩa vụ:
a) Tổng hợp cân đối nguồn vốn trong toàn hệ thống, giao hạn mức tín dụng quý cho từng Chi nhánh Quỹ vào ngày 10 tháng đầu quý.
b) Đảm bảo vốn cho các Chi nhánh Quỹ theo hạn mức tín dụng đã giao.
CHƯƠNG III
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 19. Quy chế này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký. Việc sửa đổi, bổ sung Quy chế này do Hội đồng quản lý Quỹ hỗ trợ phát triển quyết định.
Điều 20. Tổng giám đốc Quỹ hỗ trợ phát triển, Trưởng ban kiểm soát, Giám đốc các Chi nhánh Quỹ và các đơn vị vay vốn của Quỹ hỗ trợ phát triển có trách nhiệm thi hành Quy chế này.
Reviews
There are no reviews yet.