BỘ Y TẾ
——- Số: 1484/QĐ-BYT
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc ————— Hà Nội, ngày 26 tháng 04 năm 2014
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT “KẾ HOẠCH TIÊM BỔ SUNG VẮC XIN SỞI MIỄN PHÍ CHO TRẺ TỪ 2 TUỔI ĐẾN DƯỚI 10 TUỔI TẠI MỘT SỐ TỈNH NGUY CƠ CAO”
————
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ
Căn cứ Nghị định số 63/2012/NĐ-CP ngày 31/8/2012 của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;
Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Y tế dự phòng,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt “Kế hoạch tiêm bổ sung vắc xin sởi miễn phí cho trẻ từ 2 tuổi đến dưới 10 tuổi tại một số tỉnh nguy cơ cao”.
Điều 2. Kế hoạch này là căn cứ để các đơn vị xây dựng “Kế hoạch tiêm bổ sung vắc xin sởi miễn phí cho trẻ từ 2 tuổi đến dưới 10 tuổi tại một số tỉnh nguy cơ cao” tại các địa phương.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.
Điều 4. Các Ông, Bà: Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Cục trưởng các Cục: Cục Y tế dự phòng, Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Cục Quản lý Dược Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính, Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua, khen thưởng, Trưởng ban quản lý Dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia, khu vực và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyếtđịnh này./.
Nơi nhận:
– Như Điều 4; – BT. Nguyễn Thị Kim Tiến (để báo cáo); – UBND các tỉnh, thành phố (để thực hiện); – Sở Y tế các tỉnh, thành phố (để thực hiện); – Các Cục: QLD, KCB (để thực hiện); – Các Vụ: KH-TC, TT-KT (để thực hiện); – Các Viện VSDT, Viện Pasteur (để thực hiện); – TTYTDP các tỉnh, thành phố (để thực hiện); – Lưu: VT, DP. |
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG Nguyễn Thanh Long |
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI TIÊM BỔ SUNG VẮC XIN SỞI MIỄN PHÍ CHO TRẺ TỪ 2 TUỔI ĐẾN
DƯỚI 10 TUỔI TẠI CÁC TỈNH, THÀNH PHỐ NGUY CƠ CAO
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1484/QĐ-BYT ngày 26/4/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế)
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1484/QĐ-BYT ngày 26/4/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế)
I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG KẾ HOẠCH
Thực hiện Quyết định số 601/QĐ-BYT ngày 20/2/2014 về việc thực hiện Kế hoạch triển khai tiêm vắc xin phòng chống dịch sởi và tiêm vét vắc xin sởi cho trẻ từ 9 tháng tuổi đến 2 tuổi, đến ngày 25/4/2014 đã có 63/63 tỉnh, thành phố triển khai tiêm chủng cho các đối tượng có nguy cơ cao trong ổ dịch sởi theo chỉ định và cho trẻ em từ 9 tháng đến 2 tuổi, đạt tỷ lệ 74%. Mặc dù hầu hết các tỉnh, thành phố có tình trạng mắc rải rác nhưng tại một số địa phương vẫn ghi nhận số trường hợp mắc mới cao, chủ yếu tập trung ở lứa tuổi dưới 10 tuổi.
Ngày 16/4/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 477/CĐ-TTg về việc phòng chống dịch sởi. Ngày 24/4/2014, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-BYT về việc đẩy mạnh công tác phòng chống dịch sởi và triển khai kế hoạch tiêm vắc xin phòng chống dịch sởi và tiêm vét vắc xin sởi.
Để nhanh chóng dập dịch sởi trong thời gian sớm nhất theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế triển khai kế hoạch tiêm bổ sung vắc xin sởi miễn phí cho trẻ từ 2 tuổi đến dưới 10 tuổi tại các tỉnh, thành phố nguy cơ cao.
II. MỤC ĐÍCH VÀ YÊU CẦU CỦA KẾ HOẠCH
1. Triển khai tiêm vắc xin sởi cho các đối tượng sau:
– Tất cả trẻ em từ 2 tuổi đến dưới 10 tuổi tại các khu vực trọng điểm (xã, phường) thuộc tỉnh, thành phố nguy cơ cao: Tổ chức tiêm chiến dịch, đạt tỷ lệ trên 95%.
– Trẻ em từ 2 tuổi đến dưới 10 tuổi chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi vắc xin sởi theo lịch tiêm chủng hoặc không rõ tiền sử tiêm chủng tại các tỉnh, thành phố nguy cơ cao: Tổ chức tiêm bổ sung miễn phí.
2. Đảm bảo chất lượng và an toàn tiêm chủng theo quy định của Bộ Y tế.
3. Kế hoạch tiêm chiến dịch vắc xin sởi – rubella (MR) cho trẻ từ 1 đến 14 tuổi trên phạm vi toàn quốc sẽ được phê duyệt kế hoạch riêng.
III. THỜI GIAN VÀ PHẠM VI TRIỂN KHAI
1. Thời gian: Tháng 5 đến tháng 7/2014.
2. Phạm vi: Các tỉnh, thành phố đáp ứng một trong các tiêu chí sau:
+ Có số trường hợp mắc mới cao trong tháng 4/2014.
+ Có mật độ giao lưu trong nước và quốc tế cao, tốc độ di biến động dân cư lớn, tập trung nhiều khu công nghiệp lớn…
Tính đến cuối tháng 4/2014, các tỉnh, thành phố nguy cơ cao cần triển khai kế hoạch này gồm: Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Nghệ An, Thanh Hóa, Bình Dương.
Các tỉnh, thành phố khác căn cứ theo diễn biến tình hình dịch sởi tại địa phương đề xuất với Bộ Y tế xây dựng kế hoạch triển khai tiêm bổ sung vắc xin sởi cho trẻ từ 2 tuổi đến dưới 10 tuổi trên địa bàn.
IV. NỘI DUNG KẾ HOẠCH
1. Lập danh sách đối tượng
Căn cứ tình hình dịch, bệnh sởi tại địa phương, Sở Y tế báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố quyết định lựa chọn khu vực trọng điểm cần triển khai chiến dịch tiêm chủng và/hoặc các khu vực cần tiêm chủng bổ sung vắc xin sởi miễn phí trên địa bàn:
– Tại các xã, phường tập trung đông dân cư, tình hình dịch diễn biến phức tạp: tiêm 01 mũi vắc xin trong chiến dịch cho toàn bộ trẻ từ 2 tuổi đến dưới 10 tuổi.
– Tại các khu vực có biến động dân cư, các khu công nghiệp, vùng giáp ranh, vùng có tỷ lệ tiêm chủng thường xuyên thấp: tiêm 01 mũi vắc xin bổ sung cho trẻ từ 2 tuổi đến dưới 10 tuổi chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi vắc xin sởi theo lịch tiêm chủng hoặc không rõ tiền sử tiêm chủng.
– Trạm Y tế xã, phường với sự hỗ trợ của Y tế thôn bản, cộng tác viên dân số, trưởng thôn rà soát danh sách đối tượng cần được tiêm chủng trên địa bàn kể cả đối tượng vãng lai. Trạm Y tế xã, phường tổng hợp báo cáo Trung tâm Y tế huyện. Trung tâm Y tế huyện báo cáo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh và Sở Y tế. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh tổng hợp báo cáo Dự án Tiêm chủng mở rộng khu vực và quốc gia.
2. Cung ứng vắc xin và vật tư tiêm chủng
– Dựa trên số đối tượng cần được tiêm chủng, các tỉnh, thành phố lập dự trù nhu cầu vắc xin và vật tư tiêm chủng cần thiết.
– Dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia và khu vực thực hiện phân bổ vắc xin, vật tư tiêm chủng cho các tỉnh, thành phố để triển khai Kế hoạch.
– Vắc xin sởi sẽ được vận chuyển tới các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur khu vực. Các Viện khu vực sẽ vận chuyển vắc xin tới kho Trung tâm YTDP các tỉnh, thành phố.
– Trung tâm YTDP tỉnh, thành phố tiếp nhận và bảo quản vắc xin sởi tại kho tỉnh, cấp phát vắc xin cho Trung tâm Y tế quận, huyện ít nhất 3 ngày trước khi tổ chức tiêm.
– Trung tâm Y tế quận, huyện tiếp nhận vắc xin từ kho tỉnh, thành phố về kho quận, huyện để bảo quản và cấp phát cho các xã, phường 1 ngày trước khi tiêm chủng hoặc ngay trước buổi tiêm.
– Tuyến xã, phường nhận vắc xin từ tuyến quận, huyện, bảo quản vắc xin và vận chuyển cho các điểm tiêm ngay trước buổi tiêm.
2. Tổ chức tiêm chủng
– Tổ chức tiêm vắc xin hàng ngày tại các điểm tiêm chủng cố định và lưu động ngay từ tháng 5/2014 để hoàn thành trong tháng 7/2014.
– Bố trí nhân lực: Tại mỗi điểm tiêm chủng cần ít nhất 2 cán bộ y tế được tập huấn (khám sàng lọc, tiêm vắc xin). Đối với điểm tiêm chủng tại trường học, cần phối hợp với nhà trường.
– Cuối mỗi buổi tiêm chủng, tiến hành thu gom và xử lý bơm kim tiêm, rác thải y tế tại điểm tiêm theo quy định của Bộ Y tế.
– Thực hiện an toàn tiêm chủng theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
3. Truyền thông
Tuyến tỉnh, huyện: Thực hiện truyền thông trên các phương tiện truyền thông đại chúng: đài phát thanh, truyền hình, đài truyền thanh, báo chí… để người dân biết và chủ động đưa con em đi tiêm chủng.
Tuyến xã, phường thông báo hàng ngày trên loa, đài về đối tượng, thời gian, địa điểm tổ chức tiêm chủng. Thông báo cho gia đình nếu trẻ có triệu chứng sốt, ho, khó thở, phát ban không nên đưa trẻ đến điểm tiêm chủng mà đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.
4. Theo dõi giám sát và báo cáo
– Các tuyến quốc gia, khu vực, tỉnh, huyện chủ động cử các đoàn kiểm tra, giám sát hoạt động trước, trong và sau khi triển khai Kế hoạch. Cán bộ giám sát có trách nhiệm theo dõi giám sát và hỗ trợ cơ sở tiêm chủng thực hiện đúng các quy định của Bộ Y tế, đảm bảo chất lượng và an toàn tiêm chủng.
– Thực hiện báo cáo kết quả tiêm vắc xin hàng ngày cho tuyến trên. Ngay sau khi kết thúc hoạt động, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, thành phố tổng hợp và gửi báo cáo kết quả tiêm cho Dự án Tiêm chủng mở rộng khu vực, Tiêm chủng mở rộng quốc gia và Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế.
5. Kinh phí thực hiện Kế hoạch:
– Vắc xin và vật tư tiêm chủng: do Dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia cung cấp từ nguồn của Dự án.
– Kinh phí triển khai tiêm chủng tại địa phương và các chi phí khác: do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm cung cấp trên cơ sở đề xuất của Sở Y tế.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố tại các địa phương có nguy cơ cao có trách nhiệm phê duyệt Kế hoạch và chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện Kế hoạch triển khai tiêm bổ sung vắc xin sởi miễn phí cho trẻ từ 2 tuổi đến dưới 10 tuổi tại địa phương, hoàn thành trong tháng 7/2014. Đảm bảo nguồn lực cho việc triển khai kế hoạch này. Huy động sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể và người dân thực hiện có hiệu quả các hoạt động của Kế hoạch. Chỉ đạo việc tuyên truyền về tiêm chủng và phòng chống dịch bệnh.
2. Sở Y tế có nhiệm vụ xây dựng, trình UBND tỉnh, thành phố phê duyệt Kế hoạch và tổ chức triển khai Kế hoạch tại địa phương, bố trí đầy đủ nhân lực, trang thiết bị cho điểm tiêm chủng bao gồm cả các đội cấp cứu lưu động, tổ chức buổi tiêm chủng và theo dõi, xử trí các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng. Chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình, diễn biến của bệnh sởi, phát hiện sớm các ổ dịch tập trung, tổ chức điều tra và xử lý kịp thời, triệt để.
3. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, thành phố; Trung tâm Y tế quận, huyện; Trạm Y tế xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Kế hoạch, kiểm tra, giám sát, tổng hợp tình hình thực hiện và báo cáo theo quy định.
4. Các bệnh viện đa khoa tỉnh, thành phố, bệnh viện huyện chịu trách nhiệm bố trí cán bộ phối hợp với cơ sở tiêm chủng thực hiện việc khám sàng lọc trước tiêm chủng, cấp cứu và xử trí các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng.
5. Các Vụ, Cục thuộc Bộ Y tế có nhiệm vụ:
– Cục Y tế dự phòng chỉ đạo triển khai Kế hoạch, chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai thực hiện việc giám sát, theo dõi và báo cáo thường xuyên kết quả thực hiện.
– Cục quản lý Dược làm đầu mối phối hợp với Viện Kiểm định quốc gia vắc xin, sinh phẩm y tế chịu trách nhiệm bảo đảm chất lượng vắc xin sởi.
– Cục Quản lý khám, chữa bệnh có trách nhiệm chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh phối hợp tổ chức thực hiện việc khám sàng lọc trước tiêm chủng, cấp cứu và xử trí kịp thời các phản ứng sau tiêm chủng.
– Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng có nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền, phổ biến Kế hoạch trên các phương tiện thông tin đại chúng.
– Vụ Kế hoạch Tài chính có nhiệm vụ phối hợp với Dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia và các đơn vị liên quan bố trí đủ kinh phí thực hiện Kế hoạch.
6. Viện Kiểm định quốc gia vắc xin và sinh phẩm Y tế có trách nhiệm kiểm định, cấp giấy phép xuất xưởng từng lô vắc xin đảm bảo đúng tiến độ và giám sát chất lượng vắc xin tại các tuyến.
7. Các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur có nhiệm vụ giám sát hỗ trợ kỹ thuật cho các địa phương thuộc khu vực phụ trách trong quá trình triển khai Kế hoạch, đặc biệt trong việc điều tra, xử trí các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng.
8. Dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia và khu vực có trách nhiệm phối hợp với địa phương lập kế hoạch và hỗ trợ tổ chức triển khai Kế hoạch. Đảm bảo cung ứng đủ vắc xin sởi và vật tư tiêm chủng cho các tỉnh, thành phố, tiếp nhận, bảo quản, cấp phát vắc xin, vật tư tiêm chủng dựa vào hệ thống Tiêm chủng mở rộng từ Trung ương đến địa phương. Kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện các hoạt động theo Kế hoạch, tổng hợp tình hình thực hiện và báo cáo theo quy định.
9. Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe Trung ương, tỉnh, thành phố tập trung tuyên truyền về việc triển khai Kế hoạch để người dân đưa con em đi tiêm chủng.
Reviews
There are no reviews yet.