Quyết định
CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ SỐ 1347/2004/QĐ-BKH NGÀY 24 THÁNG 11 NĂM 2004 VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ VỀ
QUẢN LÝ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH TRỢ GIÚP ĐÀO TẠO
NGUỒN NHÂN LỰC CHO CÁC DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA
GIAI ĐOẠN 2004 – 2008
BỘ TRƯỞNG BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
Căn cứ Nghị định số 86/2002/NĐ-CP ngày 05/11/2002 của Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 61/2003/NĐ-CP ngày 06/6/2003 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
Căn cứ Nghị định số 90/2001/NĐ-CP ngày 23/11/2001 của Chính phủ về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa;
Căn cứ Quyết định 143/2004/QĐ-TTg ngày 10/8/2004 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình trợ giúp đào tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2004 – 2008;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế quản lý thực hiện Chương trình trợ giúp đào tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2004 – 2008.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc có liên quan, Thủ trưởng các đơn vị trực tiếp tổ chức các khóa đào tạo bồi dưỡng, Thủ trưởng các cơ sở cung cấp dịch vụ đào tào bồi dưỡng và các học viên của Chương trình chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
QUY CHẾ
QUẢN LÝ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH TRỢ GIÚP ĐÀO TẠO
NGUỒN NHÂN LỰC CHO CÁC DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA
GIAI ĐOẠN 2004 – 2008
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1347/2004/QĐ-BKH
ngày 24 tháng 11 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư)
CHƯƠNG I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Chương trình trợ giúp đào tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2004 – 2008 (sau đây được gọi tắt là Chương trình) là chương trình mục tiêu của Nhà nước dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, được tổ chức, thực hiện và quản lý theo các quy định hiện hành của Nhà nước.
Điều 2. Mục tiêu của chương trình:
1. Mục tiêu tổng thể:
Thúc đẩy và tạo điều kiện để các doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng khả năng cạnh tranh, phát triển cả về số lượng và chất lượng, đóng góp ngày càng nhiều cho sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của đất nước; đồng thời phát triển hệ thống các nhà cung cấp dịch vụ hỗ trợ và phát triển kinh doanh, đặc biệt là dịch vụ tư vấn đào tạo bồi dưỡng cán bộ quản lý để trợ giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng trưởng và phát triển bền vững.
2. Mục tiêu cụ thể:
Cung cấp những kiến thức cần thiết cho doanh nhân những người có ý định thành lập doanh nghiệp, cán bộ quản lý các doanh nghiệp nhỏ và vừa;
Khắc phục những thiếu hụt về kiến thức quản lý, kỹ năng kinh doanh; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp từng bước nâng cao năng lực quản lý, phát triển kỹ thuật, công nghệ và nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế và mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Điều 3. Đối tượng đào tạo bồi dưỡng của Chương trình là các học viên: các doanh nhân; chủ và cán bộ quản lý doanh nghiệp nhỏ và vừa; cá nhân có nguyện vọng khởi sự doanh nghiệp và những người có tiềm năng trở thành giảng viên cho Chương trình.
Điều 4. Cục Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm làm đầu mối tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm về hiệu quả của Chương trình với các nhiệm vụ chủ yếu như sau:
– Tổng hợp xây dựng kế hoạch đào tạo bồi dưỡng hàng năm và thông báo kế hoạch đào tạo bồi dưỡng cho các đơn vị trực tiếp tổ chức các khóa đào tạo bồi dưỡng;
– Tổng hợp lập dự toán chi ngân sách Nhà nước (bao gồm ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương) và quyết toán phần kinh phí thuộc ngân sách Trung ương cho Chương trình;
– Làm đầu mối phối hợp với các cơ quan liên quan biên soạn, in ấn tài liệu cơ bản cần thiết phục vụ cho Chương trình theo nguyên tắc kế thừa tất cả các tài liệu hiện có đang được sử dụng trong công tác đào tạo bồi dưỡng doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam.
– Điều phối, hướng dẫn và kiểm tra giám sát việc thực hiện Chương trình theo quy định hiện hành;
– Thường xuyên tổng kết rút kinh nghiệm để Chương trình đạt hiệu quả cao và sơ kết, đánh giá qua hai (02) năm thực hiện Chương trình báo cáo Bộ để báo cáo Thủ tướng Chính phủ;
– Hỗ trợ các đơn vị trực tiếp tổ chức các khóa đào tạo bồi dưỡng thực hiện Chương trình trong trường hợp cần thiết.
Điều 5. Các đơn vị trực tiếp tổ chức các khóa đào tạo bồi dưỡng và thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với Chương trình trên địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là các Sở Kế hoạch và đầu tư, có các nhiệm vụ chủ yếu sau:
– Tổng hợp nhu cầu đào tạo bồi dưỡng của các học viên theo quy định tại Điều 3 của Quy chế này và lập dự toán kinh phí cho Chương trình bao gồm cả phần kinh phí đề nghị ngân sách Trung ương hỗ trợ và phần kinh phí từ ngân sách địa phương.
– Chủ trì tổ chức thực hiện các khóa đào tạo bồi dưỡng theo kế hoạch được giao thông qua việc ký hợp đồng với các cơ sở cung cấp dịch vụ đào tạo bồi dưỡng theo quy trình quy định tại Chương III của Quy chế này.
– Chịu trách nhiệm về chất lượng và hiệu quả của các khóa đào tạo bồi dưỡng.
– Lấy ý kiến đánh giá của các học viên, thường xuyên rút kinh nghiệm để các khóa đào tạo bồi dưỡng tiếp theo đáp ứng được yêu cầu doanh nghiệp và đạt hiệu quả cao.
– Chịu trách nhiệm ký hợp đồng và thanh toán kinh phí các khóa đào tạo bồi dưỡng cho các cơ sở cung cấp dịch vụ đào tạo bồi dưỡng theo quy định quản lý tài chính và Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính về sử dụng kinh phí đối với Chương trình và quyết toán kinh phí theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
– Thực hiện chế độ báo cáo theo quy định.
Điều 6. Trường hợp các Bộ, ngành và các Hiệp hội doanh nghiệp có nhu cầu tổ chức các khóa (lớp) đào tạo bồi dưỡng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, liên hệ và thỏa thuận với Cục Phát triển Doanh nghiệp nhỏ và vừa hoặc các Sở Kế hoạch và đầu tư về việc tổ chức các khóa (lớp) đào tạo bồi dưỡng và có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Điều 5 của Quy chế này.
Điều 7. Các cơ sở cung cấp dịch vụ đào tạo bồi dưỡng bao gồm các trường đại học, Trung học, Cao đẳng, các cơ sở đào tạo đang hoạt động theo quy định của pháp luật đáp ứng nội dung yêu cầu của các khóa đào tạo bồi dưỡng, trực tiếp ký hợp đồng đào tạo bồi dưỡng với các đơn vị trực tiếp tổ chức các khóa đào tạo bồi dưỡng.
Một số yêu cầu chính đối với các cơ sở cung cấp dịch vụ đào tạo bồi dưỡng:
– Có năng lực và kinh nghiệm chuyên môn trong lĩnh vực đào tạo bồi dưỡng đối với các học viên theo các chuyên đề của Chương trình.
– Có phương án hiệu quả đề xuất về đào tạo bồi dưỡng phù hợp với yêu cầu của chuyên đề đào tạo đồng thời đáp ứng các yêu cầu do đơn vị trực tiếp tổ chức các khóa đào tạo bồi dưỡng đề ra.
– Giảng viên phải có trình độ đại học trở lên hoặc có chứng chỉ hành nghề tư vấn đào tạo bồi dưỡng theo quy định của pháp luật hoặc có chứng chỉ đã qua các lớp đào tạo giảng viên.
– Giảng viên không ở trong tình trạng đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đang bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính trong lĩnh vực hành nghề tư vấn, cung cấp dịch vụ đào tạo bồi dưỡng.
Nhiệm vụ chủ yếu của các cơ sở cung cấp dịch vụ đạo tạo bồi dưỡng:
– Tham gia Chương trình theo các quy định tại điểm 2 Điều 14 của Quy chế này.
– Xây dựng các giáo án, giảng dạy và giải đáp các yêu cầu của học viên thuộc phạm vi chuyên đề đào tạo bồi dưỡng.
– Thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình theo các nội dung của hợp đồng đã được ký kết với đơn vị trực tiếp tổ chức các khóa đào tạo bồi dưỡng.
Điều 8. Các học viên của Chương trình tham gia Chương trình và tham gia các khóa đào tạo bồi dưỡng cụ thể phải gửi đơn đăng ký nội dung đào tạo bồi dưỡng với đơn vị trực tiếp tổ chức các khóa đào tạo bồi dưỡng và có trách nhiệm thực hiện Quy chế này và nội quy của khóa đào tạo bồi dưỡng. Các học viên được lựa chọn tham gia các khóa (lớp) đào tạo bồi dưỡng phải đáp ứng các yêu cầu và điều kiện cụ thể sau:
1. Đối với các học viên là các doanh nhân, chủ và cán bộ quản lý doanh nghiệp nhỏ và vừa và các cá nhân có nguyện vọng khởi sự doanh nghiệp:
Để tham gia Chương trình, các học viên phải có đơn đăng ký tham gia các lớp hoặc khóa học cụ thể theo từng chuyên đề (nội dung của đơn vị Đăng ký theo Phụ lục I kèm theo Quy chế này).
Các học viên được ưu tiên tham gia Chương trình là một trong các trường hợp sau:
– Ở các doanh nghiệp nhỏ và vừa có sử dụng nhiều lao động hoặc có tiềm năng sử dụng nhiều lao động.
– Ở các doanh nghiệp nhỏ và vừa sản xuất kinh doanh thuộc các ngành nghề, địa bàn mà Nhà nước đang tập trung khuyến khích phát triển.
– Ở các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang hoặc có tiềm năng tham gia xuất khẩu.
– Ở các doanh nghiệp nhỏ và vừa có khả năng tạo việc làm cho người tàn tật.
– Ở các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở nông thôn, vùng sâu vùng xa, địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn.
– Học viên là nữ.
2. Đối với các học viên là các cán bộ có tiềm năng có nhu cầu đạo tạo bồi dưỡng để làm giảng viên các khóa (lớp) đào tạo bồi dưỡng cho Chương trình phải có đơn đăng ký tham gia các khóa (lớp) đào tạo bồi dưỡng theo Phụ lục I kèm theo Quy chế này. Ngoài ra cần có một số các yêu cầu và điều kiện cụ thể sau:
– Có trình độ đại học trở lên hoặc có chứng chỉ hành nghề tư vấn đào tạo, tư vấn kinh doanh trong trường hợp phát luật có quy định.
– Cam kết sau khi được đào tạo bồi dưỡng nâng cao năng lực thì có trách nhiệm thực hiện ít nhất 03 khóa (lớp) đào tạo bồi dưỡng của Chương trình.
– Không ở trong tình trạng đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đang bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính trong lĩnh vực hành nghề tư vấn, cung cấp dịch vụ đào tạo bồi dưỡng.
Ưu tiên các cán bộ có tiềm năng tham gia khóa đào tạo bồi dưỡng nâng cao năng lực đáp ứng yêu cầu giảng viên của Chương trình:
– Ở các cơ sở cung cấp dịch vụ đào tạo bồi dưỡng.
– Ở các ngành nghề kinh doanh mà Nhà nước đang tập trung khuyến khích phát triển, hoặc trên các địa bàn cần khuyến khích phát triển.
– Học viên là nữ.
– Các học viên là các giảng viên cung cấp dịch vụ đào tạo bồi dưỡng đã tham gia Chương trình nhưng qua phiếu đánh giá của học viên cho thấy cần phải đào tạo nâng cao chất lượng mới đáp ứng được yêu cầu.
Điều 9. Việc đào tạo bồi dưỡng được tổ chức theo các khóa (lớp) đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn. Số lượng học viên trong một khóa (lớp) đào tạo bồi dưỡng phải đảm bảo không dưới 25 người. Kết thúc khóa đào tạo bồi dưỡng, các học viên được cấp chứng chỉ tham gia khóa đào tạo bồi dưỡng.
CHƯƠNG II
NỘI DUNG ĐÀO TẠO BỒI DƯỠNG
Điều 10. Nội dung chuyên đề đào tạo bồi dưỡng và thời gian của các khóa (lớp) đào tạo bồi dưỡng
1. Đào tạo bồi dưỡng khởi sự thành lập doanh nghiệp mỗi khóa được tổ chức với thời gian là 05 ngày (trong đó khoảng 1/3 thời gian để giải đáp thắc mắc và thảo luận), bao gồm các nội dung chủ yếu sau: cung cấp những thông tin cần thiết về lập pháp, chính sách đối với doanh nghiệp, những quy định về thành lập và hoạt động của doanh nghiệp; những kiến thức và kỹ năng lập chiến lược và kế hoạch sản xuất kinh doanh.
2. Đào tạo quản trị doanh nghiệp mỗi khóa được tổ chức với thời gian là 07 ngày (trong đó khoảng 1/3 thời gian để giải đáp thắc mắc và thảo luận), bao gồm các chuyên đề chủ yếu sau:
– Đào tạo về quản lý kinh doanh tổng hợp;
– Đào tạo quản trị nhân sự;
– Đào tạo về quản trị Marketing; kỹ năng xúc tiến mở rộng thị trường;
– Đào tạo nghiệp vụ về lập kế hoạch sản xuất kinh doanh, kỹ năng tiếp thị;
– Đào tạo về quản trị tài chính – kế toán;
– Đào tạo quản lý kỹ thuật – công nghệ và quản lý chất lượng sản phẩm.
3. Đào tạo và nâng cao chất lượng các giảng viên cung cấp dịch vụ đào tạo bồi dưỡng thực hiện Chương trình, mỗi khóa được tổ chức với thời gian là 14 ngày, bao gồm các chuyên đề chủ yếu sau:
– Đào tạo bồi dưỡng kỹ năng giảng dạy và tư vấn
– Đào tạo về tư vấn tổng hợp, kỹ năng đào tạo và kỹ năng Marketing dịch vụ
– Đào tạo chuyên biệt về các thành phần khác nhau của Chương trình đào tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
4. Tùy theo nhu cầu của học viên, các nội dung khóa (lớp) đào tạo bồi dưỡng có thể thực hiện chuyên sâu một chuyên đề hoặc một số chuyên đề đáp ứng yêu cầu của học viên.
Điều 11. Căn cứ vào tình hình cụ thể trên địa bàn và lĩnh vực và trong trường hợp nhu cầu đào tạo bồi dưỡng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa khác với các nội dungchuyên đề đào tạo bồi dưỡng được quy định tại Điều 10 của Quy chế này thì các đơn vị trực tiếp tổ chức các khóa đào tạo bồi dưỡng tổng hợp đề xuất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Cục Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa) xem xét quyết định việc tổ chức khóa (lớp) đào tạo bồi dưỡng để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thời gian các khóa đào tạo bồi dưỡng này không quá 5 ngày.
CHƯƠNG III
QUY TRÌNH THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO BỒI DƯỠNG
Điều 12. Tổng hợp nhu cầu đào tạo bồi dưỡng
Hàng năm, các đơn vị trực tiếp tổ chức các khóa đào tạo bồi dưỡng tổng hợp nhu cầu đào tạo bồi dưỡng của các học viên và số khóa (lớp) đào tạo bồi dưỡng trên địa bàn, dự toán kinh phí cho Chương trình, gửi về Bộ Kế hoạch và đầu tư (Cục phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa) và Bộ Tài chính trước ngày 30 tháng 6 để tổng hợp kế hoạch đào tạo bồi dưỡng cho năm sau.
Riêng đối với năm 2005, các đơn vị trực tiếp tổ chức các khóa đào tạo bồi dưỡng tổng họp nhu cầu đào tạo bồi dưỡng cho năm 2005 và gửi về Cục Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trước ngày 31/12/2004 để tổng hợp trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông qua.
Điều 13. Kế hoạch đào tạo bồi dưỡng và kinh phí, ngân sách hỗ trợ.
Căn cứ vào nhu cầu đào tạo bồi dưỡng của các đơn vị trực tiếp tổ chức các khóa đào tạo bồi dưỡng và tiến độ thực hiện Chương trình, Cục Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa tổng hợp và trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư kế hoạch năm của Chương trình. Sau khi được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông qua kế hoạch và Bộ Tài chính cân đối kếhoạch chi ngân sách năm cho Chương trình, Cục Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa thông báo kế hoạch đào tạo bồi dưỡng tới các đơn vị trực tiếp tổ chức các khóa đào tạo bồi dưỡng bao gồm số khóa (lớp) đào tạo bồi dưỡng và nguồn kinh phí.
Điều 14. Tổ chức thực hiện các khóa đào tạo bồi dưỡng
Căn cứ kế hoạch đào tạo bồi dưỡng trong năm đã được thông báo, các đơn vị trực tiếp tổ chức các khóa đào tạo bồi dưỡng xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện các khóa đào tạo bồi dưỡng trong năm, chủ trì phối hợp với các ngành, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề kinh doanh và các cơ sở cung cấp dịch vụ đào tạo triển khai thực hiện kế hoạch đào tạo bồi dưỡng với các nội dung công việc chủ yếu như sau:
1. Các đơn vị trực tiếp tổ chức các khóa đào tạo bồi dưỡng cần xác định học viên cho các khóa (lớp) đào tạo bồi dưỡng theo các nội dung chuyên đề cụ thể và kế hoạch các lớp đào tạo trong năm. Các học viên được lựa chọn tham gia các khóa đào tạo bồi dưỡng phải đáp ứng các yêu cầu và điều kiện cụ thể được quy định tại Điều 8 của Quy chế này.
2. Lựa chọn các cơ sở cung cấp dịch vụ đào tạo bồi dưỡng:
Các đơn vị trực tiếp tổ chức các khóa đào tạo bồi dưỡng cần lựa chọn các cơ sở cung cấp dịch vụ đào tạo bồi dưỡng phải căn cứ vào yêu cầu nội dung của khóa đào tạo bồi dưỡng mà cơ sở cung cấp dịch vụ đào tạo bồi dưỡng có đủ năng lực thực hiện.
Việc lựa chọn cơ sở cung cấp dịch vụ đào tạo bồi dưỡng cho các khóa (lớp) đào tạo bồi dưỡng cần đáp ứng các yêu cầu đối với các cơ sở cung cấp dịch vụ đào tạo bồi dưỡng được quy định tại Điều 7 của Quy chế này. Song theo nhu cầu đào tạo bồi dưỡng chuyên đề trên địa bàn, có chuyên đề các đơn vị trực tiếp tổ chức các khóa đào tạo bồi dưỡng phải tổ chức đấu thầu lựa chọn cơ sở cung cấp dịch vụ đào tạo bồi dưỡng theo quy định đầu thầu hiện hành của Nhà nước.
3. Các đơn vị trực tiếp tổ chức các khóa đào tạo bồi dưỡng ký hợp đồng đào tạo bồi dưỡng với các cơ sở cung cấp dịch vụ đào tạo bồi dưỡng hoặc với các giảng viên. Trong Hợp đồng phải có một số nội dung chủ yếu sau:
– Nội dung chuyên đề đào tạo bồi dưỡng, tiến độ thực hiện, kinh phí thực hiện (trong đó: kinh phí thực hiện được tính theo quy định hiện hành và Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính đối với Chương trình).
– Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi Bên.
– Xử lý vi phạm Hợp đồng và điều khoản thi hành.
4. Kết thúc khóa (lớp) đào tạo bồi dưỡng:
– Các đơn vị trực tiếp tổ chức các khóa đào tạo bồi dưỡng giám sát thực hiện các khóa đào tạo bồi dưỡng của các cơ sở cung cấp dịch vụ đào tạo bồi dưỡng theo hợp đồng đã ký và lấy ý kiến học viên tham gia các khóa đào tạo bồi dưỡng (theo mẫu tại Phụ lục II của Quy chế này), đồng thời tổng hợp rút kinh nghiệm về việc tổ chức thực hiện khóa (lớp) đào tạo bồi dưỡng.
– Các đơn vị trực tiếp tổ chức các khóa đào tạo bồi dưỡng thanh toán hợp đồng đào tạo bồi dưỡng với các cơ sở cung cấp dịch vụ đào tạo bồi dưỡng theo Hợp đồng đã được ký đối với các đơn vị cung cấp dịch vụ đào tạo bồi dưỡng. Đồng thời, chịu trách nhiệm quyết toán kinh phí của Chương trình theo kế hoạch được giao đã được thực hiện trong năm cụ thể:
+ Đối với số khóa (lớp) đào tạo bồi dưỡng dùng ngân sách Trung ương, các đơn vị trực tiếp tổ chức các khóa đào tạo bồi dưỡng có trách nhiệm thanh quyết toán với Cục Phát triển Doanh nghiệp nhỏ và vừa (Bộ Kế hoạch và Đầu tư).
+ Đối với số khóa (lớp) đào tạo bồi dưỡng dùng ngân sách địa phương, các đơn vị trực tiếp tổ chức các khóa đào tạo bồi dưỡng chịu trách nhiệm thanh quyết toán tại địa phương theo quy định hiện hành.
Điều 15. Định kỳ sáu tháng một lần, các đơn vị trực tiếp tổ chức các khóa đào tạo bồi dưỡng gửi báo cáo kết quả thực hiện Chương trình và các kiến nghị cần giải quyết đến Cục Phát triển Doanh nghiệp nhỏ và vừa (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và Bộ Tài chính để tổng hợp báo cáo.
Điều 16. Tùy theo điều kiện khả năng cân đối của Nhà nước, các tài liệu cơ bản cần thiết của các chuyên đề đào tạo bồi dưỡng sẽ được Cục Phát triển Doanh nghiệp nhỏ và vừa cung cấp cho các học viên thông qua các đơn vị trực tiếp tổ chức các khóa đào tạo bồi dưỡng và được quản lý cấp phát chặt chẽ.
CHƯƠNG IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 17. Sau khi thực hiện Quy chế này trong 02 năm và sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét việc điều chỉnh, bổ sung và hoàn chỉnh Quy chế quản lý thực hiện Chương trình cho giai đoạn tiếp theo.
Điều 18. Cục trưởng Cục phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa có trách nhiệm hướng dẫn việc thực hiện Quy chế này. Trong quá trình thực hiện nếu thấy có điều gì cần sửa đổi, bổ sung thì báo cáo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, quyết định.
Điều 19. Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, Chánh Văn phòng Bộ, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc có liên quan, Thủ trưởng các đơn vị trực tiếp tổ chức các khóa đào tạo bồi dưỡng, Thủ trưởng các cơ sở cung cấp dịch vụ đào tạo bồi dưỡng và các học viên của Chương trình chịu trách nhiệm thi hành Quy chế này.
PHỤ LỤC II
MẪU CÂU HỎI ĐÁNH GIÁ HIỆU QUẢ SAU KHÓA ĐÀO TẠO
1. Tên học viên:
2. Doanh nghiệp/đơn vị cử tham gia:
3. Khóa đào tạo mà doanh nghiệp/đơn vị đã tham gia:
– Tên khóa đào tạo:…………………………………………………………………………
– Thời gian tham gia:………………………………………………………………………
– Địa điểm tổ chức:…………………………………………………………………………
4. Xin Anh/ Chị cho biết chất lượng khóa đào tạo theo các nội dung sau:
Tốt Được Kém
– Phong phú, hấp dẫn
– Phù hợp với nhu cầu
b. Mức độ tiếp thu của anh/chị
đối với toàn khóa đào tạo
c. Phương pháp giảng dạy
d. Công tác tổ chức lớp học
đ. Thời gian khóa đào tạo bồi dưỡng: Quá dàiVừaNgắn
c. Kiến nghị của học viên
……………………………………………………………………………………………………..
……………………………………………………………………………………………………..
……………………………………………………………………………………………………..
……………………………………………………………………………………………………..
……………………………………………………………………………………………………..
Reviews
There are no reviews yet.