ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH ———— Số: 13/2013/QĐ-UBND
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc ————— Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 20 tháng 3 năm 2013
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ KHUYẾN KHÍCH CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU NÔNG NGHIỆP
ĐÔ THỊ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ GIAI ĐOẠN 2013 – 2015
—————–
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020;
Căn cứ Quyết định số 10/2009/QĐ-UBND ngày 22 tháng 01 năm 2009 của Ủy ban nhân dân thành phố về ban hành Kế hoạch của Ủy ban nhân dân thành phố thực hiện Chương trình hành động của Thành ủy về nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05 tháng 8 năm 2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X;
Căn cứ Quyết định số 13/2011/QĐ-UBND ngày 09 tháng 3 năm 2011 của Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt Chương trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011 – 2015;
Căn cứ Quyết định số 15/2011/QĐ-UBND ngày 18 tháng 3 năm 2011 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc ban hành Chương trình mục tiêu về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2010 – 2020;
Xét Tờ trình số 287/TTr-SNN.PTNT ngày 27 tháng 02 năm 2013 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về ban hành “Quy định khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2013 – 2015”,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Nay ban hành Quy định về khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2013 – 2015 và các phụ lục đính kèm.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký. Quyết định này thay thế Quyết định số 36/2011/QĐ-UBND ngày 10 tháng 6 năm 2011 của Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quy định về chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011 – 2015.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Thủ trưởng các Sở, ngành liên quan, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, quận có sản xuất nông nghiệp chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH PHÓ CHỦ TỊCH Lê Minh Trí |
QUY ĐỊNH
VỀ KHUYẾN KHÍCH CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU NÔNG NGHIỆP ĐÔ THỊ
TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ GIAI ĐOẠN 2013 – 2015
(Ban hành kèm theo Quyết định số 13 /2013/QĐ-UBND ngày 20 tháng 3 năm 2013
(Ban hành kèm theo Quyết định số 13 /2013/QĐ-UBND ngày 20 tháng 3 năm 2013
của Ủy ban nhân dân thành phố)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Mục đích khuyến khích
Việc ban hành Quy định này nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị thành phố theo hướng hiện đại, phát triển hiệu quả và bền vững; góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh có kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội hiện đại.
Điều 2. Phạm vi điều chỉnh
1. Quy định này áp dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, bao gồm: trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, lâm nghiệp, diêm nghiệp, phát triển ngành nghề nông thôn sử dụng nguyên vật liệu từ nông nghiệp, sơ chế, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
2. Thời gian hưởng quy định được áp dụng từ ngày phương án đầu tư được tổ chức cho vay giải ngân vốn vay (sau khi được cấp thẩm quyền phê duyệt phương án đầu tư) đến hết ngày thực hiện phương án. Trong thời gian 3 tháng, nếu chủ đầu tư của các phương án đầu tư đã được cấp thẩm quyền phê duyệt nhưng không thực hiện đầu tư thì không được hỗ trợ lãi vay theo Quy định này.
3. Quy định này hỗ trợ lãi vay cho các tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp theo các đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều 2 của Quy định này khi được tổ chức cho vay đồng ý cấp tín dụng đối với các phương án sản xuất khả thi.
Điều 3. Đối tượng áp dụng
1. Các doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã, các hộ gia đình, chủ trang trại, cá nhân (sau đây gọi là chủ đầu tư) trực tiếp sử dụng đất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp trên địa bàn thành phố và có phương án, dự án (sau đây gọi tắt là phương án) để đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, ngành nghề nông thôn không gây ô nhiễm môi trường và phù hợp với mục tiêu phát triển nông nghiệp đô thị của thành phố.
2. Các chủ đầu tư ký kết hợp đồng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn thành phố và có phương án đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu hoặc có phương án khả thi tổ chức sơ chế, chế biến sản phẩm nông nghiệp phù hợp với mục tiêu và danh mục khuyến khích của chương trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị của thành phố.
3. Các chủ đầu tư sản xuất giống phù hợp với mục tiêu của chương trình giống cây, con chất lượng cao của thành phố.
4. Các chủ đầu tư đã được hưởng các cơ chế hỗ trợ lãi vay khác không thuộc đối tượng áp dụng của Quy định này, trừ các trường hợp được quy định cụ thể trong Quy định này.
Chương II
NHỮNG QUY ĐỊNH VỀ KHUYẾN KHÍCH CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU NÔNG NGHIỆP ĐÔ THỊ
TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ GIAI ĐOẠN 2013 – 2015
TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ GIAI ĐOẠN 2013 – 2015
Điều 4. Mức vay và lãi suất để tính hỗ trợ lãi vay
1. Mức vay được hỗ trợ lãi vay: theo quy mô đầu tư của phương án và quy định của tổ chức cho vay.
2. Lãi suất để tính hỗ trợ lãi vay: là lãi suất huy động tiết kiệm bằng tiền đồng kỳ hạn 12 tháng bình quân của 4 ngân hàng thương mại trên địa bàn thành phố, gồm: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh và Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh công bố hàng tháng (loại trả lãi sau) cộng thêm 2%/năm. Lãi suất này do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh thông báo hàng tháng theo quy định.
3. Mức lãi suất hỗ trợ lãi vay được quy định cụ thể cho từng đối tượng theo Quy định này. Trong trường hợp lãi suất cho vay nhỏ hơn lãi suất hỗ trợ theo quy định thì mức lãi suất hỗ trợ được tính tối đa bằng lãi suất cho vay.
Điều 5. Đầu tư xây dựng cơ bản, mua máy móc thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp, ngành nghề nông thôn, sơ chế, chế biến sản phẩm nông nghiệp; sản xuất giống; sản xuất nông nghiệp tốt và sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được cấp chứng nhận
1. Mức hỗ trợ lãi vay:
a) Ngân sách thành phố hỗ trợ 100% lãi suất theo Khoản 2 Điều 4 Quy định này.
b) Hộ nghèo nếu vay từ Quỹ xóa đói giảm nghèo của thành phố được Ngân sách thành phố hỗ trợ lãi suất 4%/năm.
2. Thời hạn hỗ trợ lãi vay: theo chu kỳ sản xuất của phương án được duyệt, nhưng không vượt quá 05 năm trên một phương án.
Điều 6. Đầu tư mua giống, vật tư, thức ăn, nhiên liệu và trả công lao động sản xuất nông nghiệp, ngành nghề nông thôn hoặc ký kết hợp đồng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, ngành nghề nông thôn
1. Mức hỗ trợ lãi vay:
a) Đầu tư sản xuất hoa lan, cây kiểng, cá cảnh hoặc nuôi trồng thủy sản khai thác hiệu quả nguồn nước kênh Đông: ngân sách thành phố hỗ trợ 80% lãi suất theo Khoản 2 Điều 4 Quy định này.
b) Đầu tư sản xuất các loại cây trồng vật nuôi khác theo quy hoạch; ký kết hợp đồng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; mua nguyên nhiên vật liệu phát triển ngành nghề nông thôn: ngân sách thành phố hỗ trợ 60% lãi suất theo Khoản 2 Điều 4 Quy định này.
c) Hộ nghèo được ngân sách hỗ trợ 100% lãi suất theo Khoản 2 Điều 4 Quy định này. Nếu hộ nghèo vay từ Quỹ xóa đói giảm nghèo của thành phố, ngân sách thành phố hỗ trợ lãi suất 4%/năm.
2. Thời hạn hỗ trợ lãi vay:
a) Đối với các loại cây trồng, vật nuôi có chu kỳ sản xuất dưới 12 tháng: thời hạn hỗ trợ lãi vay không quá 12 tháng trên một phương án.
b) Đối với các loại cây trồng, vật nuôi có chu kỳ sản xuất từ 12 tháng trở lên: thời hạn hỗ trợ lãi vay theo chu kỳ sản xuất nhưng không vượt quá 36 tháng trên một phương án.
c) Đối với các đơn vị ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp thời gian hỗ trợ từ 12 tháng trở lên, nhưng tối đa không quá 36 tháng trên một phương án.
d) Đối với sản xuất phát triển ngành nghề nông thôn: thời gian hỗ trợ không quá 12 tháng trên một phương án.
Chương III
QUY TRÌNH VÀ THẨM QUYỀN XÉT DUYỆT
Điều 7. Tổ chức và thẩm quyền xét duyệt
1. Ủy ban nhân dân thành phố quyết định thành lập Hội đồng thẩm định hỗ trợ lãi vay về khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị cấp thành phố; Ủy ban nhân dân huyện, quận có sản xuất nông nghiệp quyết định thành lập Hội đồng thẩm định hỗ trợ lãi vay về khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị cấp quận, huyện.
a) Thành phần Hội đồng thẩm định cấp thành phố, gồm đại diện: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Tài chính; Sở Kế hoạch và Đầu tư; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh; Kho bạc Nhà nước thành phố và các đơn vị có liên quan được mời họp thẩm định tùy vào tính chất của từng phương án cụ thể do Chủ tịch Hội đồng quyết định.
b) Thành phần Hội đồng thẩm định quận, huyện, gồm đại diện: Ủy ban nhân dân quận, huyện; Phòng Kinh tế; Phòng Tài chính – Kế hoạch; Trạm Khuyến nông tại các quận, huyện và các đơn vị có liên quan được mời họp thẩm định tùy vào tính chất của từng phương án cụ thể do Chủ tịch Hội đồng quyết định.
c) Nhiệm vụ của Hội đồng thẩm định các cấp: tổ chức họp Hội đồng thẩm định các phương án thuộc đối tượng hỗ trợ lãi vay đã được các tổ chức cho vay đồng ý cấp tín dụng; trình các cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt; tổ chức kiểm tra thực hiện quy định.
2. Thẩm quyền xét duyệt:
Hội đồng thẩm định thành phố thẩm định đối với các phương án có vốn vay đề nghị hỗ trợ lãi vay từ 5 tỷ đồng trở lên hoặc đầu tư sản xuất giống, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được cấp giấy chứng nhận.
Hội đồng thẩm định quận, huyện thẩm định đối với các phương án có vốn vay đề nghị hỗ trợ lãi vay dưới 5 tỷ đồng.
Điều 8. Quy trình và thời gian phê duyệt phương án được hỗ trợ lãi vay
1. Đối với các phương án do Ủy ban nhân dân quận, huyện phê duyệt:
Bước 1: Tại các tổ chức cho vay, thực hiện theo quy định của tổ chức cho vay.
Bước 2: Tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn:
Thành phần hồ sơ:
– 01 bản photo phương án hoặc giấy đề nghị vay vốn kèm phương án sản xuất có xác nhận đồng ý cấp tín dụng của tổ chức cho vay (kèm bản chính để đối chiếu).
– Đơn đăng ký hỗ trợ lãi vay (theo mẫu Phụ lục 2 đính kèm).
b) Thời gian giải quyết hồ sơ: trong thời gian 3 ngày làm việc (huyện Cần Giờ 5 ngày làm việc) kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn phải hoàn thành việc xác nhận địa điểm đầu tư và chuyển toàn bộ hồ sơ lên cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định quận, huyện.
Bước 3: Tại Hội đồng thẩm định quận, huyện: trong thời gian 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ từ Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn phải tổ chức thẩm định, tham mưu trình Ủy ban nhân dân quận, huyện xem xét phê duyệt.
Bước 4: Tại Ủy ban nhân dân quận, huyện: trong thời gian 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ đề nghị xem xét phê duyệt của Hội đồng thẩm định quận, huyện, Ủy ban nhân dân quận, huyện phải xem xét phê duyệt.
2. Đối với các phương án do Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt:
Bước 1: Tại các tổ chức cho vay, thực hiện theo quy định của tổ chức cho vay.
Bước 2: Tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn:
Thành phần hồ sơ:
– 01 bản photo phương án hoặc giấy đề nghị vay vốn kèm phương án sản xuất có xác nhận đồng ý cấp tín dụng của tổ chức cho vay (kèm bản chính để đối chiếu).
– Đơn đăng ký hỗ trợ lãi vay (theo mẫu Phụ lục 2 đính kèm).
b) Thời gian giải quyết hồ sơ: trong thời gian 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn phải hoàn thành việc xác nhận địa điểm đầu tư và chuyển toàn bộ hồ sơ lên Phòng Kinh tế quận, huyện.
Bước 3: Tại Phòng Kinh tế quận, huyện: trong thời gian 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ từ Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn phải kiểm tra về địa điểm đầu tư, đối tượng sản xuất của phương án có phù hợp với quy hoạch của quận, huyện, để tham mưu đề xuất Ủy ban nhân dân quận, huyện trình Hội đồng thẩm định thành phố xem xét thẩm định.
Bước 4: Tại Ủy ban nhân dân quận, huyện: trong thời gian 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ từ Phòng Kinh tế quận, huyện, Ủy ban nhân dân quận, huyện phải xem xét trình Hội đồng thẩm định thành phố.
Bước 5: Tại Hội đồng thẩm định thành phố: trong thời gian 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ đề nghị xem xét phê duyệt phương án của Ủy ban nhân dân quận, huyện; Hội đồng thẩm định thành phố phải tổ chức thẩm định, tham mưu trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét phê duyệt.
Bước 6: Tại Ủy ban nhân dân thành phố: trong thời gian 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị xem xét, phê duyệt phương án được hỗ trợ lãi vay của Hội đồng thẩm định thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố xem xét phê duyệt.
3. Hộ nghèo nếu vay từ Quỹ xóa đói giảm nghèo:
Thực hiện theo quy trình cho vay của nguồn Quỹ này. Đồng thời lập danh sách gửi về Ban Chỉ đạo giảm nghèo, tăng hộ khá của quận, huyện, giúp xây dựng phương án chung trình Hội đồng thẩm định quận, huyện thẩm định và Ủy ban nhân dân quận, huyện ra quyết định phê duyệt đối với các phương án đủ điều kiện vay.
Điều 9. Thanh toán kinh phí hỗ trợ lãi vay
1. Đối với các phương án do Ủy ban nhân dân quận, huyện phê duyệt:
a) Ngân sách quận, huyện chuyển phần kinh phí hỗ trợ lãi vay cho tổ chức cho vay định kỳ theo thỏa thuận giữa Ủy ban nhân dân quận, huyện và tổ chức cho vay.
b) Căn cứ theo phương thức hỗ trợ lãi vay được phê duyệt và thỏa thuận với tổ chức cho vay, Phòng Kinh tế của Ủy ban nhân dân quận, huyện lập danh sách các tổ chức, cá nhân được hỗ trợ lãi vay theo quyết định phê duyệt của Ủy ban nhân dân quận, huyện gửi tổ chức cho vay để lấy ý kiến xác nhận và phiếu tính lãi vay theo khế ước nhận nợ do các tổ chức cho vay tại thời điểm hỗ trợ lãi vay phát hành (bảng photocopy) và căn cứ trên tài khoản vay.
c) Trong thời gian ba ngày làm việc, kể từ khi nhận được danh sách có ý kiến xác nhận và phiếu tính lãi vay nêu trên, Phòng Kinh tế tiến hành thẩm định,
tổng hợp gửi hồ sơ thanh toán kinh phí hỗ trợ lãi vay của các phương án cho Phòng Tài chính – Kế hoạch.
tổng hợp gửi hồ sơ thanh toán kinh phí hỗ trợ lãi vay của các phương án cho Phòng Tài chính – Kế hoạch.
d) Căn cứ vào Quyết định phân khai chi tiết danh mục các dự án cấp bù lãi vay kích cầu từ nguồn ngân sách tập trung hàng năm của Sở Kế hoạch và Đầu tư, Phòng Tài chính – Kế hoạch rút kinh phí về ngân sách quận, huyện để hỗ trợ lãi vay theo quy định. Thực hiện hạch toán kinh phí hỗ trợ này vào Tiểu mục 8101 và quyết toán nội dung chi đầu tư.
2. Đối với các phương án do Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt:
a) Định kỳ, căn cứ vào phương án hỗ trợ lãi vay được phê duyệt, chủ đầu tư gửi hồ sơ thanh toán kinh phí hỗ trợ lãi vay đến Kho bạc Nhà nước thành phố, gồm có:
– Bản sao có chứng thực hoặc bản photocopy kèm theo bản chính để đối chiếu hợp đồng cho vay đã ký với các tổ chức cho vay (trường hợp thanh toán kinh phí hỗ trợ lãi vay trong kỳ đầu tiên hoặc hợp đồng vay có điều chỉnh);
– Bảng kê chi phí và phiếu tính lãi vay kèm khế ước nhận nợ do các tổ chức cho vay tại thời điểm hỗ trợ lãi vay phát hành (bản photocopy) với các khoản vay thuộc hang mục chi phí đã được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt hỗ trợ lãi vay;
– Văn bản (hoặc giấy đề nghị thanh toán vốn đầu tư) có xác nhận của tổ chức cho vay: về thời gian hỗ trợ lãi vay, số dư nợ thực tế và tổng số tiền hỗ trợ lãi vay.
– Giấy rút vốn đầu tư theo mẫu số C3-01/N5 của Quyết định số 103/2008/QĐ-BTC ngày 22 tháng 02 năm 2008 của Bộ Tài chính về ban hành chế độ kế toán ngân sách Nhà nước và nghiệp vụ hoạt động Kho bạc Nhà nước.
b) Căn cứ trên hồ sơ của chủ đầu tư và quyết định phân khai nguồn vốn
hỗ trợ lãi vay của Sở Kế hoạch và Đầu tư. Trong thời gian 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Kho bạc Nhà nước thành phố thực hiện thanh toán kinh phí hỗ trợ lãi vay cho chủ đầu tư theo quy định.
hỗ trợ lãi vay của Sở Kế hoạch và Đầu tư. Trong thời gian 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Kho bạc Nhà nước thành phố thực hiện thanh toán kinh phí hỗ trợ lãi vay cho chủ đầu tư theo quy định.
Chương IV
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC SỞ, NGÀNH, QUẬN, HUYỆN
Điều 10. Ủy ban nhân dân huyện, quận có sản xuất nông nghiệp
1. Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn xác nhận đối tượng được vay vốn theo Quy định này.
2. Chỉ đạo các phòng, ban chức năng phối hợp với các đoàn thể tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân đăng ký, tập huấn để thực hiện chủ trương của thành phố.
3. Hàng năm xây dựng dự toán kinh phí hỗ trợ lãi vay theo quy định về khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị (kể cả các hạng mục đầu tư do Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt), gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp trình Ủy ban nhân dân thành phố giao chỉ tiêu hàng năm.
4. Căn cứ kế hoạch phân khai kinh phí hỗ trợ lãi vay hàng năm được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, Ủy ban nhân dân quận, huyện có kế hoạch dự toán rút kinh phí tại Kho bạc Nhà nước quận, huyện theo định kỳ để chuyển kinh phí hỗ trợ lãi vay cho tổ chức cho vay.
5. Gửi các quyết định phê duyệt các phương án được hỗ trợ lãi vay về bộ phận thường trực Chi cục Phát triển nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh để tổng hợp, báo cáo. Hàng quý, 6 tháng, năm các quận, huyện phải tổng hợp, báo cáo tình hình thực hiện triển khai quy định khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2013 – 2015.
6. Theo dõi tình hình sản xuất của các chủ đầu tư đã phê duyệt phương án; phối hợp với các tổ chức cho vay kiểm tra tình hình sử dụng vốn vay của các chủ đầu tư đúng mục đích. Chỉ đạo các phòng nghiệp vụ và Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn kiểm tra các đối tượng sản xuất nông nghiệp phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp lâu dài trên địa bàn, gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi danh mục được hưởng hỗ trợ lãi vay.
7. Việc chi phụ cấp bồi dưỡng kiêm nhiệm của Hội đồng thẩm định và Tổ giúp việc quận, huyện áp dụng theo Công văn số 373/UBND-TM ngày 22 tháng 01 năm 2013 của Ủy ban nhân dân thành phố về mức bồi dưỡng kiêm nhiệm, thù lao hội họp cho các thành viên, Ban chỉ đạo, Hội đồng và Tổ tư vấn giúp việc.
Điều 11. Nhiệm vụ của các Sở, ban, ngành thành phố
1. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
a) Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân quận, huyện, Sở, ban, ngành, đoàn thể phổ biến, tuyên truyền nội dung về chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị cho các tổ chức và cá nhân. Báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố định kỳ hàng quý, 6 tháng, năm về tình hình thực hiện quy định về khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị.
b) Hàng năm có trách nhiệm xem xét, rà soát và đề xuất trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt điều chỉnh bổ sung quy định về danh mục lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và địa bàn ưu tiên được hưởng hỗ trợ lãi vay.
c) Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, đoàn thể, Ủy ban nhân dân quận, huyện, xã, phường, thị trấn kiểm tra tình hình sử dụng nguồn vốn vay, tham mưu xử lý đối với các trường hợp sử dụng vốn vay không đúng mục đích đối với các phương án do Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt.
d) Chuyển tiếp thông báo về lãi suất huy động theo Khoản 2 Điều 4 Quy định này đến Kho bạc Nhà nước thành phố, các quận, huyện hoặc đăng trên website của Chi cục Phát triển nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh: www.ccptnt.com để các đơn vị có liên quan tiện việc tra cứu.
đ) Xây dựng dự toán và sử dụng kinh phí hoạt động của Hội đồng thẩm định và Tổ giúp việc thành phố và trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt trong nguồn kinh phí sự nghiệp hàng năm. Mức bồi dưỡng kiêm nhiệm, thù lao hội họp cho các thành viên các Sở, ngành và tổ giúp việc của thành phố áp dụng theo Công văn số 373/UBND-TM ngày 22 tháng 01 năm 2013 của Ủy ban nhân dân thành phố về mức bồi dưỡng kiêm nhiệm, thù lao hội họp cho các thành viên, Ban chỉ đạo, Hội đồng và Tổ tư vấn giúp việc. Giao Chi cục Phát triển nông thôn – Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm thực hiện.
2. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư.
a) Căn cứ vào kế hoạch và tổng hợp kinh phí hỗ trợ lãi vay hàng năm cho chương trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị của Ủy ban nhân dân quận, huyện, các chủ đầu tư (đối với các phương án do Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt) gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân thành phố quyết định giao kế hoạch chỉ tiêu cấp bù lãi vay hàng năm cho chương trình.
b) Cân đối và ra quyết định phân khai kinh phí hỗ trợ lãi vay cho các quận, huyện, các chủ đầu tư theo chỉ tiêu đã được Ủy ban nhân dân thành phố giao hàng năm để thực hiện chương trình.
c) Phối hợp với các Sở, ngành và các cơ quan liên quan kiểm tra việc thực hiện quy định tại các quận, huyện.
3. Giao Sở Tài chính.
a) Hướng dẫn các phòng, ban quận, huyện về thực hiện thanh toán kinh phí hỗ trợ lãi vay theo quy định.
b) Thực hiện cấp mã số quan hệ ngân sách và mã số phương án cho các phương án do Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt.
c) Phối hợp với các Sở, ngành và các cơ quan liên quan kiểm tra việc thực hiện quy định tại các quận, huyện.
4. Giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh.
a) Phối hợp triển khai quy định này đến với các tổ chức cho vay trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
b) Hàng tháng, có trách nhiệm gửi thông báo cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về mức lãi suất huy động tiền gửi bằng tiền đồng Việt Nam theo quy định tại Khoản 2 Điều 4 Quy định này.
5. Giao Kho bạc Nhà nước thành phố.
a) Hướng dẫn và thực hiện việc chuyển trả phần kinh phí hỗ trợ lãi vay cho các phương án do Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt theo quy định.
b) Báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố định kỳ hàng quý, 6 tháng, năm về tình hình chuyển hỗ trợ lãi vay thực hiện theo quy định về khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2013 – 2015.
Điều 12. Các tổ chức cho vay
1. Chịu trách nhiệm về việc xét duyệt, quyết định cho vay và lập thủ tục cho vay trực tiếp đối với các chủ đầu tư vay vốn được hỗ trợ lãi vay theo Quy định này.
2. Thực hiện giải ngân vốn vay cho các chủ đầu tư vay vốn theo tiến độ thực hiện của phương án được duyệt hỗ trợ lãi vay.
Điều 13. Các chủ đầu tư
1. Hoàn trả vốn gốc và lãi vay theo phân kỳ đã quy định của hợp đồng cho vay. Ngân sách thành phố không thanh toán phần kinh phí lãi vay phát sinh do chủ đầu tư không hoàn trả vốn gốc và lãi vay đúng thời hạn quy định trong phương án được duyệt; không thực hiện hỗ trợ lãi vay đối với các phương án vay vốn trung và dài hạn trả vốn gốc và lãi vay dồn lại một lần khi đáo hạn.
2. Cung cấp đầy đủ, trung thực các thông tin, tài liệu để chứng minh mục đích vay vốn được hỗ trợ lãi suất và chịu trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin, tài liệu đã cung cấp. Sử dụng vốn vay đúng mục đích thuộc đối tượng hỗ trợ lãi suất đã ghi trong hợp đồng cho vay. Nếu sử dụng vốn vay không đúng mục đích theo đối tượng hỗ trợ lãi suất, thì không được hỗ trợ lãi suất và phải hoàn trả số tiền lãi vay được hỗ trợ trước đó cho ngân sách.
3. Đối với các phương án do Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt: sau khi có quyết định phê duyệt của Ủy ban nhân dân thành phố, chủ đầu tư liên hệ Sở Tài chính để được cấp mã số quan hệ ngân sách và mã số phương án, định kỳ hàng tháng, báo cáo tình hình, tiến độ thực hiện dự án, tiến độ giải ngân và sử dụng vốn vay, các đề xuất, kiến nghị (nếu có), gửi Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước thành phố, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước ngày 25 hàng tháng, riêng tháng cuối quý gửi trước ngày 15.
Điều 14. Kiểm tra và xử lý vi phạm
1. Giao trách nhiệm cho Ủy ban nhân dân quận, huyện kiểm tra việc sử dụng vốn vay của các chủ đầu tư theo quy định khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2013 – 2015.
2. Định kỳ hàng quý hoặc 6 tháng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư,Sở Tài chính và các cơ quan liên quan kiểm tra việc thực hiện tại các quận, huyện và các chủ đầu tư được hỗ trợ lãi vay.
3. Xử lý các chủ đầu tư sử dụng vốn vay không đúng mục đích như sau: giao Ủy ban nhân dân quận, huyện có trách nhiệm ra quyết định thu hồi kinh phí hỗ trợ lãi vay đối với trường hợp do Ủy ban nhân dân quận, huyện phê duyệt phương án. Đề xuất Hội đồng thẩm định cấp thành phố xem xét xử lý theo quy định đối với các phương án do Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt.
4. Trường hợp thực hiện phương án sản xuất kéo dài, không phải do thiên tai, dịch bệnh, ngân sách thành phố sẽ không xem xét để tiếp tục hỗ trợ lãi vay, chủ phương án vay vốn tự chịu trách nhiệm thanh toán phần lãi do nợ quá hạn.
5. Trường hợp phát sinh rủi ro trên diện rộng do các nguyên nhân khách quan (thiên tai, dịch bệnh), việc thực hiện xử lý rủi ro áp dụng theo các quy định tại Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ về quy định cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Điều 15. Điều khoản chuyển tiếp
Đối với các phương án phê duyệt trước ngày Quyết định này có hiệu lực, mức hỗ trợ lãi vay được tính theo Quyết định số 36/2011/QĐ-UBND ngày 10 tháng 6 năm 2011 của Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quy định về chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011 – 2015.
Chương V
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 16. Điều khoản thi hành
1. Thời gian thực hiện: từ ngày có hiệu lực thi hành đến ngày 31 tháng 12 năm 2015.
2. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh và các Sở, ngành, đoàn thể liên quan, Ủy ban nhân dân quận, huyện tổ chức hướng dẫn triển khai, kiểm tra thực hiện Quy định này.
3. Trong quá trình thực hiện Quy định này, nếu có sự không phù hợp với thực tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp thông qua Hội đồng thẩm định thành phố tham mưu trình Ủy ban nhân dân thành phố để xem xét bổ sung, sửa đổi cho phù hợp./.
PHỤ LỤC 1
DANH MỤC ĐỐI TƯỢNG, ĐỊA BÀN, THỜI GIAN HỖ TRỢ LÃI VAY
CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU NÔNG NGHIỆP ĐÔ THỊ GIAI ĐOẠN 2013 – 2015
(Ban hành kèm theo Quyết định số 13/2013/QĐ-UBND ngày 20 tháng 3 năm 2013
(Ban hành kèm theo Quyết định số 13/2013/QĐ-UBND ngày 20 tháng 3 năm 2013
của Ủy ban nhân dân thành phố)
I. ĐỐI TƯỢNG CÂY CON VÀ ĐỊA BÀN
1. Lĩnh vực trồng trọt:
a) Trồng rau màu: tại các vùng được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn và các vùng được các huyện, quận chuyển đổi trồng rau.
b) Nhóm hoa cây kiểng tại các huyện, quận vùng ven có sản xuất nông nghiệp.
c) Trồng cây ăn trái chuyên canh:
– Các xã dọc theo sông Sài Gòn thuộc huyện Củ Chi, Hóc Môn, Thủ Đức; dọc sông Đồng Nai thuộc quận 9, quận 12.
– Các xã huyện Bình Chánh.
– Các xã huyện Cần Giờ.
d) Trồng cỏ phục vụ chăn nuôi: huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh.
2. Lĩnh vực chăn nuôi:
a) Chăn nuôi bò sữa: huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh.
b) Chăn nuôi bò thịt: huyện Củ Chi, Bình Chánh, Cần Giờ.
c) Chăn nuôi heo: huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ, quận 9, quận 12.
d) Chăn nuôi gia cầm theo quy hoạch (Cần Giờ, Bình Chánh, Củ Chi).
đ) Chăn nuôi các loại: thỏ, trùng quế, dế, dê tại các huyện, quận vùng ven có sản xuất nông nghiệp.
3. Lĩnh vực thủy sản:
a) Nuôi thủy sản nước lợ, mặn: huyện Cần Giờ, Nhà Bè, Bình Chánh.
b) Nuôi cá nước ngọt: các huyện, quận có sản xuất nông nghiệp.
c) Nuôi nhuyễn thể (nghêu, sò, hàu, vọp, ốc hương) tại huyện Cần Giờ.
d) Nuôi thủy đặc sản (cua, lươn, ếch, ba ba, cá chình, cá dứa) tại các huyện, quận có sản xuất nông nghiệp.
đ) Cá cảnh: các huyện, quận ven có sản xuất nông nghiệp.
4. Lĩnh vực lâm nghiệp:
a) Ươm giống cây lâm nghiệp Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn, Cần Giờ.
b) Cá sấu, trăn, rắn, nhím, kỳ nhông ở vùng có điều kiện.
II. CÁC HẠNG MỤC ĐẦU TƯ
1. Đầu tư xây dựng cơ bản:
a) Trồng trọt: cải tạo đồng ruộng, nhà lưới, nhà kính
b) Chăn nuôi: xây mới, cải tạo chuồng trại; xây dựng hầm biogas
c) Thủy sản: đào ao, cải tạo ao.
d) Bảo quản và sơ chế biến sản phẩm nông nghiệp: nhà sơ chế, kho bảo quản.
đ) Xe tải, xe chuyên dùng.
e) Thủy lợi, điện phục vụ sản xuất trồng trọt, thủy sản, diêm nghiệp.
2. Mua máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp:
Các loại máy móc thiết bị phục vụ sản xuất, thu hoạch, sơ chế, chế biến, bảo quản sản phẩm nông lâm ngư diêm nghiệp và ngành nghề nông thôn:
a) Trồng trọt: máy làm đất, hệ thống tưới, máy bón phân, máy phun thuốc, máy thu hoạch, máy gieo cấy.
b) Chăn nuôi: hệ thống cho ăn, vắt sữa, bảo quản sữa, xử lý chất thải, làm mát, máy xay, máy ép, máy nghiền, máy trộn thức ăn, máy bơm điện.
c) Thủy sản: hệ thống cho ăn tự động, máy sục khí, hệ thống xử lý nước, hệ thống cung cấp oxy.
d) Bảo quản, sơ chế, chế biến sản phẩm nông nghiệp: dây chuyền sơ chế, hệ thống làm lạnh, làm mát, bao đóng gói.
đ) Các loại máy móc thiết bị cơ khí phục vụ cho ngành nghề nông thôn.
3. Ký kết hợp đồng sản xuất và bao tiêu sản phẩm nông nghiệp:
Các chủ đầu tư ký kết hợp đồng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn thành phố và có phương án đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu hoặc có phương án tổ chức sơ chế sản phẩm nông nghiệp phù hợp với mục tiêu và danh mục khuyến khích.
III. SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP TỐT ĐƯỢC CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN
Trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.
IV. SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ CAO ĐƯỢC CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN (hoặc thẩm định bởi các cơ quan có chức năng theo quy định):
1. Ứng dụng sinh học phân tử trong giám định bệnh hại cây trồng, công nghệ sản xuất và ứng dụng các bộ KIT chẩn đoán nhanh bệnh hại cây trồng và vật nuôi.
2. Ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất phân hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật, sản xuất nấm, sản xuất chế phẩm xử lý môi trường.
3. Ứng dụng công nghệ trong sản xuất giống: công nghệ nhân giống duy truyền có cải tiến, nuôi cấy mô tế bào thực vật, đột biến gen, các kỹ thuật sinh học phân tử.
4. Ứng dụng công nghệ trong canh tác cây trồng: kỹ thuật canh tác không dùng đất, hệ thống tưới phun, tưới nhỏ giọt có hệ thống điều khiển tự động hoặc bán tự động; nhà lưới, nhà màng có hệ thống điều khiển tự động hoặc bán tự động.
5. Ứng dụng công nghệ mới trong bảo quản (điều chỉnh thành phần không khí: O2, N2, CO2,… sử dụng enzim, màng thông minh,….) và chế biến nông sản.
6. Ứng dụng công nghệ thông tin, tự động hóa trong canh tác chăm sóc cây trồng như điều tiết nhiệt độ, ẩm độ, cường độ và thời gian chiếu sáng, tưới tiêu nước, sử dụng phân bón, phòng trừ sinh vật hại, thu hoạch nông sản,..
7. Ứng dụng công nghệ sản xuất vật liệu mới và ứng dụng sản xuất giá thể, khay ươm cây giống, màng phủ nông nghiệp, màng bao trái, chất bảo quản nông sản, sản xuất các vật liệu cho hệ thống nhà màng, hệ thống tưới,…
V. SẢN XUẤT GIỐNG THEO CHƯƠNG TRÌNH GIỐNG CÂY CON CHẤT LƯỢNG CAO CỦA THÀNH PHỐ
1. Các chương trình, dự án nghiên cứu và chuyển giao, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất giống.
2. Công nghệ sản xuất giống cây, con đảm bảo chất lượng và yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng đô thị.
3. Xây dựng, nhân rộng các mô hình khuyến nông trình diễn, chuyển giao kỹ thuật về công nghệ sản xuất và chế biến giống, tiếp cận công nghệ sản xuất giống, thay đổi tập quán sử dụng giống từ OP sang giống F1.
4. Tư vấn thiết kế, xây dựng thương hiệu, quảng bá thương hiệu, chứng nhận thương hiệu giống cây, con.
5. Mua giống ông bà, bố mẹ để phục vụ công tác sản xuất giống
VI. NGÀNH NGHỀ NÔNG THÔN TẠI ĐỊA BÀN CÁC HUYỆN CỦ CHI, HÓC MÔN, BÌNH CHÁNH, NHÀ BÈ VÀ CẦN GIỜ
Phát triển các ngành nghề sử dụng các sản phẩm, phụ phẩm từ nông nghiệp, nông thôn: làm muối, đan lát, nuôi và chế biến da cá sấu, làm bánh tráng, trồng nấm, sinh vật cảnh, làm chậu phục vụ sản xuất hoa cây kiểng, sơn mài, ngà sừng, mành trúc, hoa giả.
VII. THỜI GIAN HỖ TRỢ LÃI VAY (đầu tư mua giống, vật tư, thức ăn, nhiên liệu và trả công lao động):
1. Trồng rau màu (gia vị, ăn lá, quả, củ, rau mầm; bắp và cây rau màu khác theo quy hoạch) không quá 12 tháng.
2. Cây hoa kiểng:
– Hoa lan: không quá 36 tháng
– Hoa nền, kiểng lá: không quá 12 tháng
– Hoa mai, bonsai: không quá 36 tháng.
3. Cây ăn trái: không quá 36 tháng.
4. Trồng cỏ: không quá 12 tháng.
5. Chăn nuôi heo:
– Heo thịt: không quá 12 tháng
– Heo nái (để lại heo con nuôi thịt): không quá 36 tháng.
6. Chăn nuôi bò:
– Bò sữa, bò thịt: không quá 36 tháng
– Bò đực (bê con của bò sữa): không quá 24 tháng.
7. Nuôi trồng thủy sản: không quá 12 tháng.
8. Ươm giống cây lâm nghiệp: không quá 12 tháng.
9. Chăn nuôi cá sấu, trăn, rắn, nhím, kỳ nhông: không quá 36 tháng.
10. Ngành nghề nông thôn: không quá 12 tháng.
11. Ký kết hợp đồng sản xuất và bao tiêu sản phẩm nông nghiệp: không quá 36 tháng.
Căn cứ vào những quy định cụ thể về thời gian hỗ trợ lãi vay như trên và tình hình sản xuất thực tế của các chủ đầu tư, đối tượng cây trồng vật nuôi, ngành nghề nông thôn; Hội đồng thẩm định của từng cấp sẽ xem xét đề xuất thời gian hỗ trợ lãi vay cho phù hợp./.
PHỤ LỤC 2
MẪU ĐƠN ĐĂNG KÝ HỖ TRỢ LÃI VAY
(Ban hành kèm theo Quyết định số 20/2013/QĐ-UBND ngày 20 tháng 3 năm 2013
(Ban hành kèm theo Quyết định số 20/2013/QĐ-UBND ngày 20 tháng 3 năm 2013
của Ủy ban nhân dân thành phố)
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
————————–
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
————————–
………, ngày … tháng … năm 201…
ĐƠN ĐĂNG KÝ HỖ TRỢ LÃI VAY
(Đầu tư nuôi/trồng,. ………………………………………………………..…….)
Kính gửi:
– Ủy ban nhân dân quận/huyện:……………………………………..
– Ủy ban nhân dân xã/phường/thị trấn:…….……………………….
Họ tên (cá nhân hoặc đại diện tổ chức): ………………………………sinh năm………
Tên tổ chức: …………………………………………………………………………….
Nghề nghiệp/Chức vụ: …………………………………………………………………
Địa chỉ thường trú: ………………………………………………………………………
Địa chỉ đầu tư: ………………………………………………………………………….
Số CMND số:……………..do: CA ……..cấp
Đối tượng: □ Hộ nghèo □ Tổ hợp tác □ Hợp tác xã
□ Doanh nghiệp (công ty) □ Khác (ghi rõ): ………………
Sau khi xem xét Quyết định số ………/QĐ-UBND ngày ….tháng ….năm 201.. của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về ban hành quy định khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố.
Nay tôi làm đơn này (kèm phương án sản xuất đã được tổ chức cho vay đồng ý cho vay vốn) kính trình Ủy ban nhân dân các cấp xem xét giải quyết cho tôi được hỗ trợ lãi vay khi vay vốn để đầu tư chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
Tôi cam kết sử dụng số tiền vay đúng mục đích, hoàn trả vốn và lãi vay đúng thời hạn quy định. Tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu làm sai quy định.
Xác nhận địa điểm đầu tư trên địa bàn xã, phường, thị trấn
|
Người vay vốn
(Ký tên, ghi rõ họ tên)
|
Reviews
There are no reviews yet.