QUYẾT ĐỊNH
CỦA BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO SỐ 12/2007/QĐ-BGDĐT NGÀY 27 THÁNG 4 NĂM 2007 VỀ VIỆC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU
CỦA QUY CHẾ THI TỐT NGHIỆP BỔ TÚC TRUNG HỌC CƠ SỞ
VÀ BỔ TÚC TRUNG HỌC PHỔ THÔNG BAN HÀNH THEO QUYẾT ĐỊNH
SỐ 18/2002/QĐ-BGD&ĐT NGÀY 08 THÁNG 4 NĂM 2002 VÀ ĐƯỢC SỬA ĐỔI,
BỔ SUNG TẠI CÁC QUYẾT ĐỊNH SỐ 46/2002/QĐ-BGD&ĐT
NGÀY 12 THÁNG 11 NĂM 2002, QUYẾT ĐỊNH SỐ 12/2004/QĐ-BGD&ĐT
NGÀY 28 THÁNG 4 NĂM 2004, QUYẾT ĐỊNH SỐ 20/2006/QĐ-BGDĐT
NGÀY 11 THÁNG 5 NĂM 2006 CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
Căn cứ Nghị định số 86/2002/NĐ-CP ngày 05 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ;
Căn cứ Nghị định số 85/2003/NĐ-CP ngày 18 tháng 07 năm 2003 của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi tốt nghiệp bổ túc trung học cơ sở và bổ túc trung học phổ thông ban hành theo Quyết định số 18/2002/QĐ-BGD&ĐT ngày 08 tháng 4 năm 2002 và được sửa đổi, bổ sung tại các Quyết định số 46/2002/QĐ-BGD&ĐT ngày 12 tháng 11 năm 2002, Quyết định số 12/2004/QĐ-BGD&ĐT ngày 28 tháng 4 năm 2004, Quyết định số 20/2006/QĐ-BGDĐT ngày 11 tháng 5 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, như sau:
1. Bổ sung khoản 3 vào Điều 3, như sau:
“3. Trong trường hợp đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định tổ chức kỳ thi tốt nghiệp bổ túc trung học phổ thông lần hai.”
2. Sửa đổi Điều 8, như sau:
1. Thí sinh dự thi đủ các môn thi quy định trong kỳ thi, nếu không tốt nghiệp và không bị kỷ luật hủy kết quả của cả kỳ thi thì những môn thi đạt từ điểm 5 trở lên được bảo lưu (gọi là điểm bảo lưu) cho các kỳ thi tổ chức trong năm tiếp ngay sau đó nếu có quy định thi môn đó.
2. Các thí sinh có điểm bảo lưu, được dự thi một trong hai cách:
a) Thi tất cả các môn thi quy định trong kỳ thi;
b) Chỉ thi các môn thi không có điểm bảo lưu ở các kỳ thi của năm ngay trước đó và môn thi mà kỳ thi năm trước không phải thi nhưng Bộ quy định trong kỳ thi này.
3. Sửa đổi điểm g khoản 1 Điều 14, như sau:
“g) Nếu đề thi tự luận gồm nhiều câu hỏi thì phải ghi rõ số điểm của mỗi câu hỏi vào đề thi. Điểm của bài thi tự luận và bài thi trắc nghiệm đều được quy về thang điểm 10.”
4. Sửa đổi khoản 3 Điều 20, như sau:
“3. Ủy viên là chuyên viên của sở giáo dục và đào tạo hoặc là cán bộ, giáo viên của các trường trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên. Số lượng ủy viên do Giám đốc sở giáo dục và đào tạo quy định”.
5. Bổ sung khoản 4 vào Điều 24, như sau:
“4. Giám thị và những người làm công tác phục vụ Hội đồng coi thi đều phải được học tập, nắm vững về quy chế thi; không được mang theo phương tiện thu, phát thông tin cá nhân khi làm nhiệm vụ trong khu vực thí sinh đang thi.”
6. Bổ sung điểm e vào khoản 5 Điều 30, như sau:
“e) Giám khảo và những người làm công tác phục vụ Hội đồng chấm thi đều phải được học tập, nắm vững về quy chế thi; không được mang theo phương tiện thu, phát thông tin cá nhân khi làm nhiệm vụ trong khu vực đang chấm thi.”
7. Bổ sung khoản 10 vào Điều 34, như sau:
“10. Việc chấm bài của các môn thi theo phương pháp trắc nghiệm được thực hiện theo hướng dẫn thi hằng năm của Bộ Giáo dục và Đào tạo.”
8. Bổ sung điểm đ vào khoản 2 Điều 36, như sau:
“đ) Giám khảo và những người làm công tác phục vụ Hội đồng phúc khảo đều phải được học tập, nắm vững về quy chế thi; không được mang theo phương tiện thu, phát thông tin cá nhân khi làm nhiệm vụ trong khu vực đang chấm phúc khảo.”
9. Sửa đổi Điều 39, như sau:
“Giám đốc sở giáo dục và đào tạo chịu trách nhiệm toàn bộ trong việc xét duyệt, công nhận kết quả thi tốt nghiệp bổ túc trung học phổ thông.”
10. Sửa đổi khoản 1 Điều 55, như sau:
1. Đối với những người tham gia tổ chức kỳ thi
a) Cán bộ, công chức, viên chức tham gia công tác thi có hành vi vi phạm Quy chế thi (bị phát hiện trong khi làm nhiệm vụ hoặc sau kỳ thi), nếu có đủ chứng cứ, tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị cơ quan quản lý cán bộ áp dụng quy định tại Pháp lệnh cán bộ, công chức và Nghị định số 35/2005/NĐ-CP, ngày 17/3/2005 của Chính phủ về việc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức để xử lý kỷ luật theo các hình thức sau đây:
– Khiển trách đối với người phạm lỗi nhẹ trong khi thi hành nhiệm vụ.
– Đình chỉ công tác thi ngay sau khi phát hiện và xử lý cảnh cáo đối với người vi phạm một trong các lỗi sau đây:
+ Ra đề sai hoặc ra đề ngoài chương trình;
+ Mang những tài liệu, vật dụng trái phép vào khu vực làm đề, phòng thi, phòng chấm thi;
+ Thiếu trách nhiệm trong việc chuẩn bị cho kỳ thi, làm ảnh hưởng tới kết quả kỳ thi;
+ Thiếu trách nhiệm khi coi thi, để cho thí sinh quay cóp, mang và sử dụng tài liệu, vật dụng trái phép trong phòng thi;
+ Chấm thi không đúng hướng dẫn chấm hoặc cộng điểm có nhiều sai sót.
– Đình chỉ công tác thi ngay sau khi phát hiện và tùy theo mức độ vi phạm có thể hạ bậc lương, hạ ngạch, cách chức, buộc thôi việc đối với người có một trong các hành vi sai phạm sau đây:
+ Trực tiếp giải bài cho thí sinh trong lúc đang thi;
+ Làm lộ số phách bài thi;
+ Đánh tráo bài thi, số phách hoặc điểm thi của thí sinh;
+ Sửa chữa, thêm bớt vào bài làm của thí sinh;
+ Chữa điểm trên bài thi, trên biên bản chấm thi;
+ Làm mất bài thi của thí sinh khi thu bài, vận chuyển, bảo quản, chấm thi;
+ Gian lận, làm sai lệch sự thật về hồ sơ của thí sinh (sửa học bạ, sổ điểm và các giấy tờ liên quan khác).
– Đình chỉ công tác thi ngay sau khi phát hiện, đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có một trong các hành vi sai phạm sau đây:
+ Làm lộ đề thi; mua, bán đề thi;
+ Đưa đề thi ra ngoài khu vực thi hoặc đưa bài giải từ ngoài vào khu vực thi trong lúc đang thi;
+ Gian lận thi có tổ chức.
b) Những người không phải là cán bộ, công chức, viên chức tham gia kỳ thi có hành vi vi phạm quy chế thi (bị phát hiện trong khi làm nhiệm vụ hoặc sau kỳ thi), nếu có đủ chứng cứ, tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật lao động, pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính và quy định của pháp luật có liên quan.
c) Trong quá trình tổ chức kỳ thi, khi phát hiện sai phạm, cấp ra quyết định thành lập Hội đồng có thẩm quyền đình chỉ công tác thi đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng coi thi, chấm thi, phúc khảo. Chủ tịch Hội đồng coi thi, chấm thi, phúc khảo có thẩm quyền đình chỉ công tác thi đối với những người tham gia tổ chức kỳ thi tại Hội đồng của mình.
d) Các hình thức xử lý vi phạm quy định tại điểm a khoản 1 Điều này do Thủ trưởng cơ quan quản lý cán bộ ra quyết định theo đề nghị của Hội đồng coi thi, chấm thi, phúc khảo.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Các quy định trước đây trái với Quyết định này đều bãi bỏ.
Điều 3. Chánh Văn phòng, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc các sở giáo dục và đào tạo, Cục trưởng Cục Nhà trường – Bộ Tổng tham mưu thuộc Bộ Quốc phòng, Giám đốc các đại học, học viện; Hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng; Hiệu trưởng các trường phổ thông dân tộc nội trú trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
BT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Reviews
There are no reviews yet.