THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Số: 1076/QĐ-TTg |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 20 tháng 8 năm 2007 |
QUYẾT ĐỊNH
Về việc phê duyệt Quy hoạch chung
xây dựng Khu kinh tế Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2025
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Xây dựng tại văn bản số 41/TTr-BXD ngày 27 tháng 7 năm 2007, của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh tại văn bản số 106/TT-UBND 19 tháng 6 năm 2007,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2025 với những nội dung chủ yếu sau:
1. Tính chất
Khu kinh tế Vũng Áng thuộc tỉnh Hà Tĩnh có không gian kinh tế độc lập, là khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực bao gồm: công nghiệp – thương mại – dịch vụ – du lịch – đô thị và nông lâm ngư nghiệp; trong đó trọng tâm là phát triển công nghiệp luyện kim, các ngành công nghiệp gắn với khai thác cảng biển, các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động và các ngành công nghiệp xuất khẩu.
2. Phạm vi, ranh giới và quy mô
a) Phạm vi quy hoạch và quy mô đất đai
Phạm vi quy hoạch gồm 9 xã: Kỳ Nam, Kỳ Phương, Kỳ Lợi, Kỳ Long, Kỳ Liên, Kỳ Thịnh, Kỳ Trinh, Kỳ Hà và Kỳ Ninh thuộc huyện Kỳ Anh tỉnh Hà Tĩnh, diện tích tự nhiên 22.781 ha, được giới hạn như sau:
– Phía Bắc giáp biển Đông;
– Phía Nam giáp tỉnh Quảng Bình;
– Phía Tây giáp các xã: Kỳ Khang, Kỳ Thọ, Kỳ Hải, Kỳ Hưng và thị trấn Kỳ Anh, huyện Kỳ Anh;
– Phía Đông giáp biển Đông.
b) Quy mô dân số
– Đến năm 2015 khoảng99.000 người.
– Đến năm 2025 khoảng 180.000 người.
c) Quy mô đất đai
Tổng diện tích đất xây dựng khu kinh tế: 10.151 ha, trong đó:
– Khu bảo thuế (khu phi thuế quan): khoảng 730 ha, bao gồm cảng Sơn Dương (410 ha) và khu thương mại – dịch vụ – công nghiệp hậu cảng (320 ha).
– Khu thuế quan khoảng 9.421 ha, bao gồm:
+ Đất xây dựng cảng, công nghiệp và kho tàng khoảng 2.960 ha; trong đó đất công nghiệp và kho tàng 2.145 ha, đất xây dựng nhà máy nhiệt điện I và nhiệt điên II 190 ha, đất xây dựng cảng và dịch vụ hậu cảng Vũng Áng 250 ha, kho xăng dầu 15 ha và đất công nghiệp sạch 90 ha.
+ Đất các khu du lịch khoảng 375 ha.
+ Đất xây dựng các khu dân cư đô thị khoảng 2.060 ha.
+ Đất các trung tâm khoảng 1.113 ha, bao gồm các trung tâm chuyên ngành cấp đô thị 128 ha; trung tâm thương mại, tài chính và dịch vụ tổng hợp425 ha, các trung tâm giáo dục và khu công nghệ cao 560 ha.
+ Đất giao thông khoảng 1.250 ha, trong đó đất giao thông chính đô thị 913 ha và đất giao thông đối ngoại 337 ha.
+ Đất hành lang truyền tải điện và bãi xỉ than khoảng 874 ha.
+ Đất khác trong khu thuế quan khoảng 789 ha.
– Đất khác trong khu kinh tế (12.630 ha) bao gồm đất dân cư nông thôn, đất quân sự, tôn giáo, nông nghiệp và mặt nước, cây xanh sinh thái.
3. Phân khu chức năng và tổ chức không gian
a) Khu phi thuế quan: gồm cảng Sơn Dương và khu thương mại – dịch vụ – công nghiệp hậu cảng.
b) Khu thuế quan
– Khu cảng – công nghiệp bao gồm:
+ Khu cảng Vũng Áng;
+ Tổ hợp công nghiệp luyện cán thép – chế biến và công nghiệp sau cán thép (khoảng 1.300 ha) được bố trí tiếp giáp với nhà máy đóng tàu, cảng biển và quốc lộ 1A; công nghiệp đóng tàu (khoảng 320 ha) được bố trí tiếp giáp với cảng nước sâu Sơn Dương.
+ Nhà máy nhiệt điện I (khoảng 50 ha) công suất 1.200MW bố trí tại thôn Hải Phong xã Kỳ Lợi; Nhà máy nhiệt điện II (khoảng 140 ha) công suất 1.200MW bố trí tại xã Kỳ Phương.
+ Khu công nghiệp đa ngành bố trí hai bên quốc lộ 1A cũ và đường ra cảng hiện hữu (khoảng 320 ha); khu công nghiệp sạch (khoảng 90 ha), bố trí phía Tây khu công nghiệp thép thuộc xã Kỳ Liên.
– Khu dân dụng
+ Các khu tái định cư: các hộ dân không gắn với nghề biển được bố trí đan xen trong các khu đô thị mới; các hộ dân gắn với nghề biển được bố trí ở ven sông Quyền thuộc xã Kỳ Hà và khu vực phía Tây núi Bàn Độ; các hộ dân làm nông nghiệp được bố trí ở chân núi Hoành Sơn phía Nam quốc lộ 1A đã nắn tuyến.
+ Các khu dân cư nông thôn: được giữ nguyên vị trí hiện trạng; đầu tư cải tạo nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật, xã hội và tạo việc làm cho các cư dân trong độ tuổi lao động.
+ Các khu đô thị mới: gồm 7 khu đô thị được bố trí tại các khu vực thuận lợi xây dựng và điều kiện sống tốt.
+ Các trung tâm đào tạo nguồn nhân lực được xác định đáp ứng nhu cầu phát triển của Khu kinh tế Vũng Áng và khu vực Nam Hà Tĩnh – Bắc Quảng Bình; các trung tâm thương mại tài chính và dịch vụ tổng hợp gắn với cảng Sơn Dương và các khu công nghiệp; các trung tâm hành chính, y tế, văn hoá và thể dục thể thao cấp đô thị được bố trí trong các đô thị mới phát triển.
+ Các khu du lịch được tổ chức khai thác hợp lý, đảm bảo yêu cầu phát triển bền vững và giữ gìn môi trường cảnh quan thiên nhiên.
+ Các khu công viên cây xanh và rừng phòng hộ ven biển được bố trí nhằm đảm bảo chất lượng sống và phòng chống thiên tai cho cư dân đô thị và các khu chức năng.
4. Định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật
Hệ thống hạ tầng kỹ thuật được thiết kế và xây dựng hiện đại đáp ứng mục tiêu phát triển Khu kinh tế, đáp ứng nhu cầu sử dụng; đảm bảo mỹ quan, an toàn và vệ sinh môi trường.
a) Về giao thông:
– Giao thông đối ngoại:
+ Nắn tuyến quốc lộ 1A từ phía Tây thị trấn Kỳ Anh, với chiều dài tuyến 17,6 km lộ giới 32,5 m; tuyến đường ven biển theo hướng Bắc – Nam, các đoạn đi qua đô thị phải có đường gom và tổ chức nút lập thể tại các điểm giao cắt, bảo đảm an toàn giao thông tốc độ cao.
+ Xây dựng tuyến đường sắt chuyên dụng nối từ tuyến đường sắt quốc gia với cảng Vũng Áng, Sơn Dương và cửa khẩu Cha Lo; xây dựng ga vận chuyển hàng hoá tại cụm cảng Sơn Dương quy mô 200 m x 2.000 m, cụm cảng Vũng Áng quy mô 100 m x 1.000 m.
+ Đầu tư nâng cao năng lực cụm cảng tổng hợp Vũng Áng đảm bảo nhận tàu 50.000 DWT; cảng Sơn Dương với chức năng phục vụ công nghiệp thép, sửa chữa tàu biển.
– Giao thông đối nội
+ Các tuyến dọc theo hướng Tây Bắc – Đông Nam có khoảng cách so với quốc lộ 1A từ 1.000 – 1.500m là tuyến chính gắn kết các trung tâm đô thị mới với khu công nghiệp, lộ giới 60m; nâng cấp tuyến 1A hiện nay thành đường chính đô thị, lộ giới 50m; xây dựng các tuyến kết nối các khu du lịch ven biển Kỳ Ninh với cảng Vũng Áng, lộ giới 30m.
+ Các tuyến đường ngang: tuyến từ đường tránh quốc lộ 1A với tuyến ven biển, chiều dài 4,84 km, lộ giới 84m; tuyến từ đường ven biển nối với cảng Vũng Áng, chiều dài 6,4 km, lộ giới 50m và các tuyến kết nối giữa các khu chức năng trong Khu kinh tế.
+ Các công trình phục vụ giao thông: xây mới và nâng cấp các cầu bắc qua sông Quyền; tổ chức các nút giao thông khác mức, các bến bãi đỗ xe ô tô.
+ Tổ chức giao thông công cộng: tổ chức 7 tuyến giao thông công cộng kết nối các khu chức năng và các khu đô thị trong Khu kinh tế.
+ Tổng diện tích đất giao thông khoảng 1.250 ha, trong đó đất giao thông trong nội bộ 913 ha, đất giao thông đối ngoại 337 ha; tỷ lệ đất giao thông chiếm 12,3% đất xây dựng.
b) Về chuẩn bị kỹ thuật đất xây dựng:
– Tận dụng địa hình tự nhiên, san đắp nền với mức ít nhất. Đối với khu vực công nghiệp cao độ xây dựng khống chế từ + 3m trở lên; đối với khu dân dụng cao độ xây dựng khống chế từ + 2,5m trở lên.
– Thoát nước mưa: sử dụng hệ thống thoát nước mưa riêng, hướng thoát chính ra sông Quyền, sông Trí, sông Vinh sau đó đổ ra cửa Khẩu và thoát ra biển Đông.
– Giải pháp kỹ thuật khác: xây dựng hệ thống phai đóng mở để xả nước mùa mưa và tích nước mùa cạn nhằm cải tạo vi khí hậu; nạo vét định kỳ và kè bờ các đoạn sông, hồ trong khu vực, xác định khoảng cách an toàn đối với các công trình dọc bờ biển.
c) Về cấp nước:
– Đến năm 2015: nước cấp cho đô thị, du lịch và công nghiệp sử dụng nguồn nước từ hồ Kim Sơn, hồ thượng sông Trí. Nhà máy nhiệt điện và công nghiệp thép xây dựng sử dụng hệ thống cấp nước riêng với dây chuyền công nghệ sử dụng nước tuần hoàn.
– Đến năm 2025: bổ sung thêm nguồn nước từ hồ Rào Trổ và hồ sông Rác khi cần thiết.
– Tổng nhu cầu cấp nước:
+ Đến năm 2015: 49.000 m3/ngày đêm.
+ Đến năm 2025: 109.000 m3/ngày đêm.
d) Về cấp điện:
– Nguồn cung cấp điện chính cho Khu kinh tế là hệ thống điện quốc gia khu vực miền Trung thông qua lưới 500kV và 220 kV với các tuyến mạch đơn từ Hà Tĩnh đi Đồng Hới; đến năm 2015 nâng cấp thành đường dây mạch kép.
– Nhà máy nhiệt điện: xây dựng theo quy hoạch ngành điện đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, giai đoạn 1 (công suất 1.200 MW) xây dựng tại xã Hải Phong, xã Kỳ Lợi; giai đoạn 2 (công suất 1.200 MW) bố trí tại phía Đông Nam khu kinh tế.
– Tổng nhu cầu sử dụng điện: đến năm 2015 khoảng 319 MW; đến năm 2025 khoảng 592MW.
đ) Về thoát nước và vệ sinh môi trường đô thị:
– Sử dụng hệ thống thoát nước thải riêng; trong các khu đô thị xây dựng 4 trạm xử lý nước thải tương ứng với 4 lưu vực thoát nước thải với tổng công suất 18.630 m3/ngày đêm. Trong các khu công nghiệp xây dựng 8 trạm xử lý nước thải với tổng công suất 53.800 m3/ngày đêm.
– Thu gom xử lý chất thải rắn: trong khu dân cư được phân loại tại nguồn, chất thải rắn vô cơ được chuyển đến khu xử lý chất thải rắn có diện tích khoảng 30 ha; bãi thải của nhà máy nhiệt điện có diện tích khoảng 100 ha, bãi thải của công nghiệp luyện cán thép có diện tích khoảng 100 ha.
– Nghĩa trang nhân dân có diện tích khoảng 20 ha, bố trí tại Rú Đất, xã Kỳ Tân.
e) Về hệ thống hạ tầng viễn thông:
Đảm bảo đồng bộ, hiện đại và đáp ứng với tiêu chuẩn quốc tế.
g) Đánh giá tác động môi trường:
Trên cơ sở đánh giá tác động đến môi trường của việc đầu tư phát triển các chức năng trong khu kinh tế, đề xuất các giải pháp hạn chế và giảm thiểu ô nhiễm đối với môi trường không khí, tiếng ồn, môi trường nước và chất thải rắn; xác định giải pháp bảo vệ môi trường đất và nguồn nước; thiết lập hệ thống quan trắc giám sát môi trường và xây dựng kế hoạch quản lý quan trắc, giám sát tác động đến môi trường của các dự án đầu tư.
h) Quy hoạch xây dựng đợt đầu:
– Quy mô dân số đợt đầu khoảng 90.000 người, quy mô đất xây dựng khoảng 5.100 ha.
– Các dự án ưu tiên đầu tư: tổ hợp công nghiệp thép, khu công nghiệp đóng tàu, dịch vụ cảng Vũng Áng, trung tâm đào tạo chuyên nghiệp; các khu du lịch tại Kỳ Ninh và Kỳ Nam.
– Xây dựng các khu tái định cư tại phía Đông đô thị Kỳ Trinh, các khu dân cư phục vụ du lịch, cải tạo nâng cấp một số khu dân cư hiện hữu tại xã Kỳ Long và Kỳ Liên.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế Vũng Áng:
– Tổ chức công bố và quản lý xây dựng theo Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vũng Áng đến năm 2025 theo quy định của pháp luật.
– Triển khai lập quy hoạch chi tiết xây dựng và các dự án đầu tư phát triển Khu kinh tế Vũng Áng theo đúng quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt và các văn bản pháp luật hiện hành có liên quan.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Bộ trưởng các Bộ: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Tài chính, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thủ trưởng các cơ quan liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh và Giám đốc Ban Quản lý Khu kinh tế Vũng Áng chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: – Ban Bí thư Trung ương Đảng; – Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ; – Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; – Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; – HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; – Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng; – Văn phòng Chủ tịch nước; – Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; – Văn phòng Quốc hội; – Toà án nhân dân tối cao; – Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; – Kiểm toán Nhà nước; – Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; – Cơ quan Trung ương của các đoàn thể; – VPCP: BTCN, các Phó Chủ nhiệm, Website Chính phủ, Ban Điều hành 112, Người phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo; – Lưu: Văn thư, CN (6b). Hoà 310 bản. |
KT. THỦ TƯỚNG PHÓ THỦ TƯỚNG
(Đã ký)
Nguyễn Sinh Hùng |
Reviews
There are no reviews yet.