QUYẾT ĐỊNH
CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 104/2007/QĐ-TTg NGÀY 13 THÁNG 7 NĂM 2007
PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH THĂM DÒ, KHAI THÁC, CHẾ BIẾN VÀ SỬ DỤNG
QUẶNG TITAN GIAI ĐOẠN 2007 – 2015, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2025
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Khoáng sản, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản và Nghị định số 160/2005/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp,
QUYẾT ĐỊNH :
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng titan giai đoạn 2007 – 2015, định hướng đến năm 2025 với các nội dung chủ yếu sau:
1. Quan điểm
a) Phát triển công nghiệp khai thác và chế biến quặng titan phải phù hợp với quy hoạch phát triển công nghiệp Việt Nam, quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương. Đảm bảo thăm dò, khai thác và chế biến tài nguyên titan tiết kiệm, có hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường sinh thái, kết hợp việc phát triển kinh tế – xã hội với việc bảo vệ an ninh, quốc phòng tại các địa bàn có khoáng sản titan.
b) Khai thác và chế biến quặng titan một cách đồng bộ đến chế biến sâu thành các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu trong nước, thay thế nhập khẩu; giảm dần và dừng xuất khẩu quặng tinh vào thời gian thích hợp gần nhất.
c) Xây dựng và phát triển công nghiệp khai thác, chế biến quặng titan với công nghệ hiện đại, kết hợp nội lực và hợp tác đầu tư trong việc đào tạo, chuyển giao công nghệ sản xuất pigment, rutil nhân tạo và xỉ titan.
2. Mục tiêu
a) Đáp ứng nhu cầu nguyên liệu quặng tinh titan cho các cơ sở chế biến sâu trong nước. Có một phần quặng tinh xuất khẩu hợp lý để góp phần phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn trong giai đoạn trước mắt (đến năm 2010) khi chưa kịp đầu tư các cơ sở chế biến sâu.
b) Đáp ứng nhu cầu của đất nước về sản phẩm bột màu dioxit titan, ilmenit hoàn nguyên và zircon mịn cho giai đoạn sau năm 2010 và có một phần xuất khẩu.
c) Chuẩn bị đầy đủ cơ sở tài liệu về trữ lượng, chất lượng, điều kiện khai thác của các mỏ sẽ đưa vào khai thác trước năm 2020.
d) Xác định các mỏ thăm dò, khai thác quy mô công nghiệp, các vùng cấm và hạn chế hoạt động khoáng sản để bảo đảm cho các hoạt động khoáng sản thực hiện đúng quy định của pháp luật.
3. Nội dung Quy hoạch
a) Trữ lượng và tài nguyên
Trữ lượng quặng titan Việt Nam bao gồm quặng ilmenit đã xác định và dự báo khoảng 34,5 triệu tấn, trong đó trữ lượng đã xác định từ cấp C2 trở lên khoảng 14 triệu tấn (chiếm 41%), tài nguyên dự báo khoảng 20,5 triệu tấn (chiếm 59%).
Quặng titan gồm 2 loại quặng gốc và sa khoáng: quặng titan gốc phân bố ở Thái Nguyên có trữ lượng và tài nguyên dự báo đến 7,8 triệu tấn; quặng sa khoáng titan chủ yếu phân bố vùng ven biển từ Thanh Hoá đến Bình Thuận, trữ lượng đã xác định 9,2 triệu tấn và tài nguyên dự báo khoảng 7,5 triệu tấn.
Đi kèm quặng sa khoáng titan còn có quặng zircon với trữ lượng khoảng 1 triệu tấn và tài nguyên dự báo khoảng 2 triệu tấn.
Chi tiết về trữ lượng và tài nguyên dự báo quặng titan Việt Nam thể hiện ở Phụ lục I kèm theo.
b) Phân vùng quy hoạch
– Khu vực hoạt động khoáng sản titan
Khu vực hoạt động khoáng sản titan bao gồm các vùng sau:vùng Thái Nguyên; vùng Thanh Hoá – Hà Tĩnh; vùng Quảng Trị – Thừa Thiên Huế, vùng Bình Định – Phú Yên; vùngBình Thuận – Bà Rịa – Vũng Tàu.
– Vùng cấm hoạt động khoáng sản titan, hạn chế hoạt động khoáng sản titan
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan khoanh định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt khu vực cấm hoạt động, hạn chế hoạt động khoáng sản titan.
– Khu vực đấu thầu hoạt động khoáng sản titan
Triển khai việc thí điểm đấu thầu hoạt động khoáng sản đối với một sốmỏ, điểm mỏ titan tại các vùng nguyên liệu hoặc địa phương có một số doanh nghiệp cùng muốn khai thác và chế biến quặng titan.
– Khu vực tài nguyên dự trữquốc gia
Hiện tại, các mỏ titan đã thăm dò đều thuộc Quy hoạch khai thác và chế biến. Gần 60% tài nguyên còn ở mức độ dự báo nên chưa có mỏ titan nào thuộc khu vực tài nguyên dự trữ quốc gia.
c) Quy hoạch thăm dò
Đẩy mạnh công tác thăm dò các mỏ hoặc phần mỏ cấp trữ lượng C2, P1 đáp ứng yêu cầu khai thác và chế biến cho giai đoạn quy hoạch.
Tiến độ thăm dò phải thực hiện phù hợp với tiến độ duy trì và đưa các mỏ mới vào khai thác.
Danh mục và dự kiến tiến độ thăm dò các mỏ và điểm mỏ titan xem Phụ lục II kèm theo.
d) Nhu cầucác sản phẩm chế biến sâu
Dự báo nhu cầu các sản phẩm chế biến sâu quặng titan, zircon trong nước đến năm 2025 (nghìn tấn)
TT |
Nhu cầu sản phẩm |
2007 |
2010 |
2015 |
2020 |
2025 |
1 |
Pigment |
12 |
16 |
26 |
42 |
74 |
2 |
Rutil nhân tạo hoặc xỉ titan |
0 |
30 |
30 |
45 |
80 |
3 |
Ilmenit hoàn nguyên |
28 |
37 |
70 |
110 |
170 |
4 |
Bột zircon mịn |
10 |
12 |
15 |
25 |
40 |
đ) Quy hoạch khai thác, chế biến
– Quy hoạch khai thác
Giai đoạn 2007 – 2015, quy hoạch khai thác, chế biến được thực hiện cho các mỏ quy mô công nghiệp đã được thăm dò, đánh giá. Các giai đoạn tiếp theo sẽ huy động bổ sung cho khai thác và chế biến những mỏ quặngđãđược thăm dò để duy trì sản lượng và đảm bảo nhu cầu về tinh quặng cho chế biến sâu.
– Quy hoạch chế biến
Theo quy mô trữ lượng, tính chất quặng của 5 vùng nguyên liệu và khả năng biến động của thị trường, dự kiến đầu tư các cơ sở chế biến sâu với các sản phẩm bột màu dioxit titan, xỉ titan, rutil nhân tạo và ilmenit hoàn nguyên như sau:
+ Đầu tư nhà máy hoàn nguyên ilmenit ở các khu vực Thái Nguyên, Bình Định và Quảng Trịvà mở rộng theo nhu cầu từng giai đoạn.
+ Đầu tư 01 nhà máy pigment công suất giai đoạn 1 là 5.000 tấn/năm và mở rộng lên 10.000 tấn/năm vào năm 2015 tại khu vực Bình Thuận, 01 nhà máy pigment công suất giai đoạn 1 là 30.000 tấn/năm và mở rộng lên 50.000 tấn/năm ở giai đoạn 2 (sau năm 2015) tại khu vực Hà Tĩnh.
+ Đầu tư 01 nhà máy xỉ titan hoặc rutil nhân tạo với công suất 20.000 tấn/năm tại khu vực Thái Nguyên giai đoạn 2007 – 2015 và mở rộng lên 40.000 – 60.000 tấn/năm vào giai đoạn 2016 – 2025.
+ Đầu tư 01 nhà máy rutil nhân tạo hoặc xỉ titan với công suất 30.000 tấn/năm tại vùng Thừa Thiên Huế giai đoạn 2007 – 2015 và mở rộng lên 50.000 tấn/năm vào giai đoạn sau năm 2015 nếu có nhu cầu thị trường.
Dự kiến sản lượngquă?ng tinh ilmenit (nghìn tấn) theo thời kỳ quy hoạch như sau:
Tên sản phẩm |
2007 |
2010 |
2015 |
2020 |
2025 |
Sản xuất quặng tinh |
460 |
250 |
350 |
400 |
600 |
Quặng tinh cho chế biến sâu |
40 |
250 |
350 |
400 |
600 |
Quặng tinh xuất khẩu |
420 |
0 |
0 |
0 |
0 |
Sản lượng trên có thể điều chỉnh tuỳ theo thực tế phát triển ngành khai thác – chế biến quặng titan và nhu cầu của thị trường.
4. Vốn đầu tư
Tổng vốn đầu tư ước tính của giai đoạn quy hoạch 2007 – 2025 cho công tác thăm dò, khai thác và chế biến quặng titan khoảng 4.282 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2007 – 2015 khoảng 2.139 tỷ đồng, giai đoạn 2016 – 2025 khoảng 2.143 đồng. Cụ thể như sau:
Giai đoạn 2007 – 2015:
– Vốn đầu tư cho công tác thăm dò khoảng 94 tỷ đồng, dự kiến thực hiện chủ yếu từ nguồn vốn tự thu xếp của các doanh nghiệp.
– Vốn đầu tư cho khai thác và tuyển quặng titan khoảng 40 tỷ đồng do các chủ đầu tư thu xếp từ các nguồn vốn tự có, vốn vay và các hình thức huy động vốn khác.
– Vốn đầu tư cho các nhà máy (chế biến sâu) pigment, ilmenit hoàn nguyên, xỉ titan và rutil nhân tạo khoảng 2045 tỷ đồng từ nguồn vốn tự thu xếp của doanh nghiệp.
Giai đoạn 2016 – 2025: dự kiến vốn đầu tư cho thăm dò, khai thác và chế biến khoảng 2.143 tỷ đồng.
Chi tiết vốn đầu tư thể hiện tại Phụ lục V kèm theo.
5. Các giải pháp và chính sách thực hiện
– Các giải pháp
+ Giải pháp cụ thể về huy động vốn
Thăm dò địa chất, các công trình khai thác và chế biến: sử dụng nguồn vốn vay thương mại, nguồn vốn tự thu xếp của doanh nghiệp.
+ Quản lý và phát triển tiềm năng quặng titan
. Xây dựng hoàn chỉnh hệ thống quản lý dữ liệu bằng công nghệ số hoá nguồn quặng titan trên phạm vi cả nước để lưu trữ quốc gia;
. Đẩy mạnh công tác thăm dò để chuẩn bị tài nguyên cho các dự án đưa vào khai thác giai đoạn 2007 – 2015 và có đủ cơ sở chắc chắn cho triển khai, điều chỉnh Quy hoạch giai đoạn trên.
+ Về khai thác và sử dụng quặng titan
.Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo Tổng công ty khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh đẩy nhanh tiến độ đầu tư dự án xây dựng nhà máy pigment tại Hà Tĩnh;
.Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ đạo Công ty Khoáng sản Huế triển khai công tác chuẩn bị đầu tư các dự án chế biến sâu quặng titan theo Quy hoạch;
. Đẩy mạnh việc hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khoa học, công nghệchế biến sâu quặng titan và các nguyên tố công sinh.
+ Giải pháp về cơ sở hạ tầng
Đầu tư xây dựng mạng hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào tại các vùng khai thác và chế biến sâu quặng titan.
– Các chính sách
+ Về cơ chế quản lý thực hiện quy hoạch
Xây dựng chính sách sử dụng, kinh doanh xuất nhập khẩu quặng titan với phương châm sử dụng tiết kiệm và hợp lý tài nguyên, nâng cao hiệu quả kinh tế của việc khai thác, chế biến quặng titan, đảm bảo hài hoà sự phát triển kinh tế – xã hội địa phương và nâng cao giá trị kinh tế của khoáng sản quặng titan.
+ Về tài chính
Tạo cơ chế và chính sách khuyến khích đầu tư phù hợp với lộ trình hội nhập đối với dự án đầu tư chế biến sâu. Tạo nguồn vốn ngân sách đầu tư mạng hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào tại các vùng khai thác và chế biến sâu quặng titan.
+ Về nguồn nhân lực
Có chính sách đào tạo, thu hút đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ khoa học chuyên ngành địa chất, tuyển khoáng và khai thác thực hiện các dự án thăm dò, khai thác quặng titan và chế biến sâu trong nước.
+ Về hợp tác quốc tế
Đổi mới chính sách và môi trường đầu tư nhằm kêu gọi đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực chế biến sâu quặng titan với mục tiêu thu hút vốn, tiếp thu và chuyển giao công nghệ mới.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Bộ Công nghiệp có trách nhiệm công bố và tổ chức thực hiện quy hoạch này sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Định kỳ cập nhật, thời sự hoá tình hình thực hiện và điều chỉnh quy hoạch, đảm bảo đồng bộ và phù hợp với tình hình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và lộ trình hội nhập quốc tế. Đề xuất cơ chế, chính sách để phát triển ổn định và bền vững ngành công nghiệpkhai thác và chế biến quặng titan.
2. Bộ Tài nguyên và Môi trường lập và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản quặng titan và chỉ đạo tổ chức thực hiện.
3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cân đối vốn ngân sách để thực hiện chương trình điều tra cơ bản tài nguyên quặng titan trên cả nước, đầu tư xây dựng mạng hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào tại các khu mỏ và chế biến titan lớn ở Hà Tĩnh, Bình Thuận.
4. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức quản lý và bảo vệ tài nguyên quặng titan trên địa bàn khi mỏ chưa có chủ, ngăn ngừa tình trạng khai thác và xuất khẩu trái phép quặng titan. Tổ chức lập và trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng titan đối với các mỏ thuộc thẩm quyền cấp giấy phép.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Tấn Dũng
Reviews
There are no reviews yet.