QUYẾT ĐỊNH
CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
SỐ 09/2002/QĐ-BNN, NGÀY 17 THÁNG 01 NĂM 2001 VỀ VIỆC
BAN HÀNH QUY CHẾ TỔ CHỨC THỰC HIỆN DỰ ÁN TRỒNG RỪNG
TRÊN ĐẤT CÁT VEN BIỂN NAM TRUNG BỘ VIỆT NAM (PACSA)
BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Căn cứ Nghị định số 73/CP ngày 01 tháng 11 năm 1995 của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Quyết định số 562 QĐ/BNN/HTQT ngày 20/02/2001 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt dự án Trồng rừng trên đất cát ven biển Nam Trung bộ Việt Nam;
Xét đề nghị của Trưởng ban Ban quản lý các dự án Lâm nghiệp tại Tờ trình số 1130 DALN/PACSA ngày 22/11/2001 về việc xin phê duyệt quy chế tổ chức thực hiện dự án Trồng rừng trên đất cát ven biển Nam Trung bộ Việt Nam;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức – Cán bộ.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.- Ban hành“Quy chế tổ chức thực hiện dự án Trồng rừng trên đất cát ven biển Nam Trung bộ Việt Nam”(viết tắt là PACSA).
Điều 2.- Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày ký.
Điều 3.- Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Tổ chức – Cán bộ, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ, Ban điều hành dự án Trung ương và Tỉnh, Trưởng ban Ban quản lý các dự án Lâm nghiệp, Giám đốc dự án Trung ương và Giám đốc dự án các tỉnh chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Quy chế tổ chức thực hiện dự án trồng rừng
trên đất cát ven biển nam trung bộ việt nam (pacsa)
(Ban hành theo Quyết định số 09/2002/QĐ/BNN-TCCB,
ngày 17 tháng 01 năm 2002 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)
Chương I
Những quy định chung
Điều 1.- Dự án Trồng rừng trên đất cát ven biển Nam Trung bộ Việt Nam (Viết tắt là PACSA) – là dự án đầu tư trong lĩnh vực trồng rừng do Chính phủ Nhật Bản viện trợ không hoàn lại cho Chính phủ Việt Nam. Việc thực hiện PACSA phải tuân thủ theo các quy định của Chính phủ Nhật Bản và Chính phủ Việt Nam trong việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng nguồn viện trợ không hoàn lại.
Điều 2.-Trongquy chế này, các từ viết tắt được hiểu như sau:
PACSA: Dự án trồng rừng trên đất cát ven biển Nam Trung bộ Việt Nam (chữ đầu của các từ tiếng Anh)
JICA:Tổ chức Hợp tác Phát triển Nhật Bản
JFEC: Công ty Tư vấn kỹ thuật lâm nghiệp Nhật Bản
BĐHDATU : Ban điều hành dự án Trung ương
BĐHDAT: Ban điều hành dự án Tỉnh
BQLDATU: Ban quản lý dự án Trung ương
BQLDAT: Ban quản lý dự án Tỉnh
UBND: Uỷ ban nhân dân
BQLCDALN: Ban quản lý các dự án Lâm nghiệp
Bộ Nông nghiệp &PTNT: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Sở Nông nghiệp &PTNT: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
KH và ĐT: Kế hoạch và Đầu tư
TC: Tài chính
HTQT: Hợp tác Quốc tế
PTLN: Phát triển Lâm nghiệp
TCKT: Tài chính Kế toán
KHQH: Kế hoạch Quy hoạch
KH-KT: Kế hoạch, kỹ thuật
Điều 3.- Toàn bộ kinh phí của PACSA gồm nguồn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản và nguồn vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam, là nguồn thu của ngân sách Nhà nước để đầu tư cho mục tiêu “Trồng rừng trên vùng đất cát ven biển Nam Trung Bộ ” tại 4 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên và Khánh Hoà. Không được dùng nguồn kinh phí này để đầu tư cho các mục đíchkhác .
Điều 4.- Dự án PACSA được tổ chức, điều hành và quản lý thống nhất từ Trung ương đến địa phương (Bộ Nông nghiệp & PTNT đến các tỉnh tham gia dự án) theo hướng phân cấp quản lý và tổ chức thực hiện dự án cho cấp tỉnh.
Điều 5.-Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn được Thủ tướng Chính phủ uỷ quyền về việc quyết định đầu tư và chịu trách nhiệm toàn diện về PACSA theo các quy định của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 4305/VPCP-QHQT, ngày 06/10/2000 của Văn phòng Chính phủ.
Điều 6.- Chủ tịch UBND các tỉnh có dự án quyết định thành lập: Ban điều hành và Ban quản lý dự án cấp tỉnh, Ban quản lý dự án cấp huyện để tổ chức triển khai những công việc cụ thể của dự án tại hiện trường theo thỏa thuận của hai Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản, và Quyết định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về việc phê duyệt dự án PACSA.
Chương II
chức năng và nhiệm vụ quản lý dự án của các cấp
MỤC 1: TỔ CHỨC QUẢN LÝ CẤP TRUNG ƯƠNG.
Điều 7.- Ban điều hành dự án Trung ương.
1- Ban điều hành dự án Trung ương do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định thành lập, gồm các thành viên đại diện các Bộ: KH và ĐT, TC; các Cục, Vụ liên quan của Bộ Nông nghiệp & PTNT; Ban quản lý các dự án Lâm nghiệp; đại diện lãnh đạo UBND các tỉnh và các Sở Nông nghiệp và PTNT có dự án.
2- Ban Điều hành dự án Trung ương là tổ chức chịu trách nhiệm trước Bộ Nông nghiệp và PTNT về mọi hoạt động của PACSA, có nhiệm vụ:
a) Điều hành và chỉ đạo việc thực hiện, quản lý dự án theo đúng mục tiêu, nội dung đã được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt.
b) Thông qua kế hoạch hàng năm của dự án để trình Bộ phê duyệt và giao kế hoạch cho BĐHDAT thực hiện.
c) Hướng dẫn các nguyên tắc, chính sách và quy định của Nhà nước, của Ngành về thực hiện dự án.
d) Kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách của Nhà nước cũng như mối quan hệ với đối tác là Chính phủ và các tổ chức đại diện cho Chính phủ Nhật Bản.
đ) Báo cáo định kỳ với Bộ Nông nghiệp & PTNT và các Bộ, Ngành có liên quan theo quy định.
Điều 8.- Ban quản lý dự án Trung ương.
1- Ban quản lý dự án Trung ương là cơ quan thường trực của BĐHDATU. Văn phòng Ban quản lý PACSA Trung ương là thành viên Ban QLCDALN do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định thành lập.
Văn phòng Ban quản lý dự án có Giám đốc Dự án, Điều phối viên, KH-KT, Kế toán và các cán bộ dự án. Giám đốc và Điều phối viên dự án do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định. Các cán bộ khác do Giám đốc PACSA đề nghị, Trưởng ban Ban quản lý các dự án Lâm nghiệp quyết định. Văn phòng Ban quản lý dự án đặt tại số 1 A Nguyễn Công Trứ – Hà Nội, địa chỉ liên lạc hiện tại: Phòng 308, Điện thoại:(84 4) 8210176 ; Fax (84 4) 9710972.
2- Ban quản lý dự án Trung ương có nhiệm vụ:
a) Phối hợp với các Công ty Tư vấn và Nhà thầu Nhật Bản tiếp nhận nguồn viện trợ của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam để thực hiện dự án.
b) Quản lý và điều hành việc thực hiện dự án theo sự chỉ đạo của BĐHDATU.
c) Lập kế hoạch hoạt động và trình duyệt kế hoạch hàng năm của dự án.
d) Phối hợp thường xuyên với các Công ty Tư vấn và Nhà thầu Nhật Bản trong việc thiết kế dự án, chuẩn bị các tài liệu hợp đồng và tài liệu thầu cho dự án.
đ) Theo dõi tiến độ và chất lượng các công trình của dự án.
e) Chứng nhận thanh toán cho công ty Tư vấn và Nhà thầu Nhật Bản theo tiến độ đã thoả thuận giữa Bộ Nông nghiệp và PTNT với các Công ty nêu trên.
g) Tổ chức việc triển khai thực thi dự án và thiết lập mối quan hệ giữa các Công ty Tư vấn, Nhà thầu Nhật Bản với các đơn vị liên quan phía đối tác Việt Nam.
h) Tiếp nhận và phân phối các thiết bị của dự án tới các địa chỉ theo quy định của văn kiện dự án đã được ký kết.
i) Hướng dẫn Ban quản lý dự án các tỉnh chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai dự án, giúp Ban quản lý dự án các tỉnh phối hợp với các Công ty Tư vấn và Nhà thầu tổ chức thực hiện tốt dự án theo Công hàm trao đổi giữa hai Chính phủ Nhật Bản và Việt Nam.
k) Thay mặt Ban điều hành dự án Trung ương trong việc quản lý, giám sát mọi hoạt động của các Công ty Tư vấn, Nhà thầu Nhật Bản, Ban quản lý dự án các tỉnh và các Nhà thầu phụ Việt Nam.
MỤC 2: TỔ CHỨC QUẢN LÝ CẤP ĐỊA PHƯƠNG.
Điều 9.-Ban điều hành dự án Tỉnh.
1- Ban điều hành dự án Tỉnh do Chủ tịch UBND tỉnh quyết định thành lập, do phó chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban. Thành phần BĐHDAT gồm đại diện của các Sở, Ban, Ngành có liên quan của tỉnh (Địa chính, KH&ĐT, TC và NN&PTNT); lãnh đạo Sở Nông nghiệp & PTNT làm thường trực.
2- Ban Điều hành dự án Tỉnh là tổ chức thay mặt UBND tỉnh quản lý và điều hành mọi hoạt động của dự án trên địa bàn tỉnh và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh và BĐHDATU theo đúng mục tiêu, nội dung của dự án đã được hai Chính phủ Nhật Bản và Việt Nam ký Công hàm trao đổi và nội dung PACSA đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT thay mặt Chính phủ phê duyệt.
Điều 10.-Ban quản lý dự án Tỉnh.
1- Ban quản lý dự án Tỉnh (thuộc Sở Nông nghiệp & PTNT) là cơ quan thường trực giúp việc cho BĐHDAT.
Ban quản lý dự án Tỉnh do Chủ tịch UBND tỉnh quyết định thành lập, lãnh đạo Sở Nông nghiệp &PTNT làm Giám đốc dự án. Các cán bộ KHKT, kế toán và cán bộ khác do Giám đốc dự án đề nghị, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT quyết định.
2- Ban quản lý dự án Tỉnh có nhiệm vụ:
a) Tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả nguồn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam để thực thi dự án.
b) Lập kế hoạch hàng năm ở địa phương, báo cáo BQLDATU
c) Phối hợp với các Công ty Tư vấn, Nhà thầu Nhật Bản trong việc giám sát, kiểm tra tiến độ việc thực hiện các nội dung của PACSA, chất lượng các công trình của các Nhà thầu phụ Việt Nam tại hiện trường.
d) Tiếp nhận, phân phối, quản lý, sử dụng có hiệu quả các thiết bị của PACSA được giao.
Điều 11.-Ban Quản lý dự án Huyện
1- Ban Quản lý dự án huyện có dự án do Chủ tịch UBND tỉnh quyết định thành lập, gồm phó Chủ tịch UBND huyện làm Giám đốc, lãnh đạo phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm thường trực. Thành viên khác do Giám đốc dự án Huyện đề nghị, Chủ tịch UBND huyện quyết định.
2- Ban quản lý dự án Huyện có nhiệm vụ:
a) Phối hợp với các Nhà thầu tổ chức triển khai thực hiện các công việc của dự án đúng tiến độ và chất lượng tại hiện trường.
b) Chỉ đạo các xã có dự án huy động tối đa lực lượng quần chúng tham gia vào việc triển khai các công việc cụ thể tại hiện trường của từng xã có dự án.
c) Tiếp nhận những công trình hoàn thành đã được nghiệm thu và tổ chức bảo quản, bảo vệ và khai thác theo quy định hiện hành.
CHƯƠNG III
MỐI QUAN HỆ GIỮA CÁC CẤP QUẢN LÝ DỰ ÁN,
CÁC NHÀ TƯ VẤN, NHÀ THẦU VÀ CHẾ ĐỘ HỘI HỌP, BÁO CÁO
Điều11- Chế độ làm việc và trách nhiệm của các cấp quản lý dự án.
1/. Ban điều hành dự án Trung ương:
a) Là tổ chức cao nhất thay mặt Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn điều hành, chỉ đạo việc tổ chức thực hiện PACSA như nội dung các Công hàm đã ký giữa hai Chính phủ Nhật Bản và Việt Nam.
b) Ban điều hành dự án Trung ương làm việc theo chế độ tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Các thành viên của Ban có trách nhiệm giải quyết các công việc thuộc lĩnh vực phụ trách do Trưởng ban phân công.
c) BĐHDATU họp thường kỳ mỗi năm 02 lần và có thể họp đột xuất do Trưởng ban triệu tập.
2./Ban quản lý dự án Trung ương:
a) Là đơn vị thường trực của BĐHDATU, chịu trách nhiệm toàn diện trước Ban điều hành dự án Trung ương và Ban quản lý các dự án Lâm nghiệp trong việc quản lý, tổ chức thực hiện dự án.
b) Ban quản lý dự án Trung ương thường xuyên liên hệ với các Ban quản lý dự án Tỉnh, các Công ty Tư vấn và Nhà thầu Nhật Bản để tổ chức thực hiện và giải quyết những vướng mắc nảy sinh trong quá trình thực hiện các công việc của PACSA;
c) Chỉ đạo BQLDA Tỉnh trong việc theo dõi, giám sát tiến độ và chất lượng các công trình của PACSA.
d) Báo cáo định kỳ 6 tháng và hàng năm lên Trưởng Ban điều hành dự án Trung ương và Ban quản lý các dự án Lâm nghiệp tình hình, tiến độ và kết quả thực hiện dự án theo quy định hiện hành.
đ) Tổ chức họp thường kỳ hàng tháng, quý, 6 tháng, năm và đột xuất theo yêu cầu của Giám đốc dự án.
3/. Ban điều hành dự án Tỉnh:
a) Là tổ chức thay mặt UBND tỉnh điều hành và chỉ đạo việc tiếp nhận nguồn viện trợ của Chính phủ Nhật Bản và nguồn vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam để tổ chức thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh.
b) Phối hợp với BĐHDATU và BQLDATU để nắm chủ trương chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc tổ chức thực hiện PACSA từng thời kỳ theo nội dung của các Công hàm được ký giữa hai Chính phủ.
c) Hàng năm họp thường kỳ 02 lần và có thể họp đột xuất do Trưởng ban BĐHDAT triệu tập.
4/. Ban quản lý dự án Tỉnh:
a) Chịu trách nhiệm toàn diện trước BĐHDAT và BQLDATU trong việc phối hợp với các Công ty Tư vấn và Nhà thầu Nhật Bản; trong việc chỉ đạo các Nhà thầu phụ Việt Nam tổ chức triển khai tất cả các hoạt động của PACSA tại hiện trường.
b) Báo cáo kịp thời lên Trưởng ban BĐHDAT và BQLDATU khi có những vướng mắc trong việc thực hiện PACSA tại địa phương hoặc giữa các đơn vị thực hiện dự án để giải quyết sớm, tránh kéo dài gây thiệt hại chung cho PACSA.
c) Báo cáo định kỳ hàng tháng, hàng quý, 6 tháng và hàng năm về tình hình, tiến độ và kết quả thực hiện PACSA tại địa phương cho BQLDATU và Trưởng Ban BĐHDAT tỉnh theo quy định.
d) Tổ chức họp thường kỳ hàng tháng, quý, 6 tháng, năm và đột xuất theo yêu cầu của Trưởng Ban BQLDAT.
Điều13.– Đối với Công ty Tư vấn và các Nhà thầu.
1/. Công ty Tư vấn Nhật Bản:
Được Tổ chức JICA Nhật Bản lựa chọn, được ký hợp đồng với Bộ Nông nghiệp và PTNT để tư vấn dịch vụ liên quan tới thiết kế, đấu thầu và giám sát việc mua sắm cho dự án; tư vấn cho Ban quản lý dự án Trung ương và Tỉnh phía Việt Nam triển khai dự án; phối hợp với Ban quản lý dự án Trung ương để kiểm tra, giám sát các Nhà thầu trong việc thực hiện kế hoạch, các biện pháp kỹ thuật cũng như tiến độ thực hiện và kết quả hoạt động của dự án tại hiện trường.
2/. Nhà thầu chính Nhật Bản:
a) Tổ chức thực hiện các hoạt động của PACSA theo hợp đồng đã ký với Bộ Nông nghiệp và PTNT; chịu trách nhiệm trước JICA, Công ty Tư vấn Nhật Bản và các Ban quản lý dự án phía Việt Nam về tổ chức thực hiện các hoạt động nêu trên.
b) Phải báo cáo cho Công ty Tư vấn Nhật Bản và BQLDATU tiến độ và kết quả thực hiện các hạng mục công trình theo quy định của các hợp đồng đã ký giữa các bên.
3./ Nhà thầu phụ Việt Nam:
Chịu sự chỉ đạo, giám sát của Nhà thầu chính Nhật Bản và các Ban quản lý dự án Việt Nam trong việc thực hiện các hợp đồng đã ký với Nhà thầu.
CHƯƠNG IV
NỘI DUNG QUẢN LÝ DỰ ÁN PACSA
Điều 14.- Quản lý kế hoạch và kỹ thuật.
Nội dung quản lý kế hoạch và kỹ thuật gồm các chỉ tiêu kế hoạch và biện pháp kỹ thuật được xác định trong tài liệu thiết kế cơ bản và được xác định lại bằng các thiết kế chi tiết của tư vấn Nhật Bản và Bộ Nông nghiệp và PTNT theo từng giai đoạn cụ thể. Theo nội dung các Công hàm trao đổi giữa hai Chính phủ Nhật bản và Việt Nam, việc tổ chức thực thi dự án cụ thể do các Nhà thầu Nhật Bản đã trúng thầu thực hiện, có sựphối hợp chặt chẽ và đồng bộ giữa các bên để quản lý các kế hoạch và chỉ tiêu kỹ thuật đã đề ra.
Nguyên tắc chung về quản lý kế hoạch và kỹ thuật của dự án:
1- Căn cứ vào chỉ tiêu đã ghi trong tài liệu thiết kế cơ bản của PACSA, các địa phương có dự án phải chuẩn bị đủ diện tích đất đai và hoàntất các thủ tục pháp lý về quyền sử dụng đất để đảm bảo tiến độ thực hiện PACSA tại địa phương (không tăng, giảm diện tích ra ngoài các Huyện mà dự án đã thiết kế). Việc đo đạc xác định chi tiết diện tích, ranh giới vùng PACSA do Công ty Tư vấn Nhật Bản đảm nhiệm. Ban QLDA các tỉnh giúp Công ty Tư vấn Nhật Bản chọn lựa các Nhà thầu Việt Nam đủ khả năng để thực hiện tốt công việc nêu trên.
2- Công ty Tư vấn Nhật Bản đảm nhiệm việc thiết kế chi tiết PACSA. Căn cứ Công hàm trao đổi giữa hai Chính phủ Nhật Bản và Việt Nam, dựa vào kết quả của thiết kế cơ bản, Bộ Nông nghiệp và PTNT ký các thoả thuận với Công ty Tư vấn Nhật Bản để tổ chức thiết kế chi tiết cho từng hạng mục công việc. BQLDATU phối hợp với BQLDAT giám sát việc thực hiện những thoả thuận trên. Trường hợp có vướng mắc về thủ tục hành chính, phía Việt Nam có nhiệm vụ giải quyết với địa phương để tạo điều kiện thuận lợi cho Công ty Tư vấn Nhật Bản hoàn thành công việc.
3- Công ty Tư vấn Nhật Bản giúp Bộ Nông nghiệp và PTNT chuẩn bị các tài liệu đấu thầu cho từng giai đoạn của PACSA; phối hợp với Bộ Nông nghiệp &PTNT(đại diện là Ban điều hành dự án Trung ương) tổ chức đấu thầu có sự chứng kiến của JICA để chọn Nhà thầu chính Nhật Bản cho việc thực thi PACSA để báo cáo Chính phủ hai nước. Sau khi chọn được Nhà thầu chính Nhật Bản (được Chính phủ hai nước phê duyệt), Bộ Nông nghiệp và PTNT Việt Nam ký kết hợp đồng thực hiện theo từng giai đoạn của PACSA.
4- Nhà thầu chính Nhật Bản tham khảo ý kiến của các Ban quản lý dự án phía Việt Nam trước khi chọn các Nhà thầu phụ Việt Nam để tổ chức thi công thực hiện các phần việc cụ thể.
Các Nhà thầu phụ Việt Nam được chọn phải là những đơn vị có đủ năng lực thực hiện các hạng mục công trình do phía Nhà thầu chính Nhật Bản yêu cầu.
5- Ban quản lý dự án PACSA các cấp có trách nhiệm giám sát, kiểm tra việc thực hiện tiến độ, chất lượng công trình, tổ chức nghiệm thu và bàn giao công trình hoàn thành.
Kết thúc mỗi hạng mục công trình, BQLDAT báo cáo BQLDATU để cùng tiến hành (hoặc được uỷ quyền) nghiệm thu, làm cơ sở cho việc thanh quyết toán cho các đơn vị thi công (Tư vấn, Nhà thầu chính, Nhà thầu phụ…)
Điều 15.-Quản lý tài chính và tổ chức kế toán dự án.
Nguồn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản và nguồn vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam cho PACSA là nguồn thu của Ngân sách Nhà nước đầu tư cho công việc trồng rừng trên vùng đất cát ven biển Nam Trung Bộ với mục đích phòng hộ ven biển, bảo vệ các công trình và mùa màng trong vùng. Nguồn vốn này phải được quản lý chặt chẽ và sử dụng theo kế hoạch, định mức, đúng mục tiêu của PACSA.
Ngoài việc tổ chức theo dõi và báo cáo tài chính phải thực hiện nghiêm túc theo yêu cầu của Nhà tài trợ; công tác quản lý tài chính và tổ chức kế toán phải chấp hành đúng các quy định hiện hành của Nhà nước Việt Nam. Nguyên tắc chung là:
1) Việc quản lý tài chính của PACSA thực hiện theo Thông tư số 70/2001/TT-BTC ngày 24/8/2001 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý tài chính Nhà nước đối với nguồn viện trợ không hoàn lại.
2) Kế toán dự án thực hiện theo Quyết định số 999/TC-QĐ/BTC ngày 02/11/ 1996 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc ban hành hệ thống chế độ kế toán Hành chính sự nghiệp.
3) Kinh phí hoạt động của các Ban quản lý dự án các cấp được sử dụng nguồn kinh phí đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Việc quản lý nguồn vốn này được quy định cụ thể như sau:
A-ĐỐI VỚI BAN QUẢN LÝ DỰ ÁN TRUNG ƯƠNG.
1. Nội dung chi, bao gồm:
a) Phí chuyển tiền trả cho Ngân hàng: Được thực hiện theo văn bản số 1551 TC/TCĐN ngày 19/12/2000 và văn bản số 01/VCB-TC/TCĐN ngày 18/7/2001 của Bộ Tài chính.
b) Chi thường xuyên cho hoạt động văn phòng của PACSA, gồm :
1- Chi lương và phụ cấp lương.
2- Chi cho hoạt động xe cộ
3- Chi văn phòng phẩm, biên dịch, phiên dịch, phúc lợi tập thể, dịch vụ công cộng, thông tin liên lạc, sửa chữa bảo dưỡng v.v…
4- Chi phí bảo hiểm ô tô, thuế, phí nhận xe
5- Chi phí tiếp khách
6- Chi hội nghị, hội thảo
7- Chi công tác phí, phụ cấp hiện trường
8- Chi khác
2. Định mức chi: Chi theo quy định hiện hành của Nhà nước.
B- ĐỐI VỚI BAN QUẢN LÝ DỰ ÁN TỈNH:
Kinh phí hoạt động hàng năm của BQLDAT được cấp từ ngân sách của địa phương.
1. Nội dung chi tiêu:
Căn cứ nội dung chi tiêu của BQLDATU trên đây, Ban điều hành dự án Tỉnh quyết định các nội dung chi tiêu phù hợp, bao gồm:
a) Chi phí cho hoạt động thường xuyên của Ban quản lý dự án Tỉnh.
b) Chi phí cho các công việc khác do phía Việt Nam phải đảm nhận theo văn bản đã thoả thuận với Chính phủ Nhật Bản, như xác định ranh giới, đóng cột mốc tạm cho vùngdự án, làm đường vào vùng dự án…
Đối với chi phí này, hàng năm Ban quản lý dự án Tỉnh lập dự toán trình UBND tỉnh phê duyệt để chi vào nguồn vốn đối ứng do Chính phủ Việt Nam đóng góp. Mọi đóng góp của phía Việt Nam phải được thực hiện đầy đủ và kịp thời.
2. Định mức chi: Chi theo chế độ hiện hành của Nhà nước và các quy định riêng của địa phương.
Toàn bộ kinh phí đối ứng hoạt động hàng năm theo kế hoạch được duyệt, cuối năm BQLDA Tỉnh tổng hợp quyết toán với Sở Tài chính Vật giá và báo cáo về Ban quản lý dự án Trung ương để tập hợp chung theo quy định của Nhà nước.
Điều 16.–Quản lý thiết bị, vật tư, tài sản rừng trồng của PACSA.
1/. Đối với thiết bị gồm ôtô, xe máy, do BQLDATU tiếp nhận và phân phối theo kế hoạch của PACSA.Các BQLDAT có trách nhiệm tiếp nhận, quản lý và sử dụng theo quy định hiện hành của Nhà nước, tuyệt đối không được dùng những thiết bị này để bán, trao đổi, chuyển nhượng hoặc cho thuê trong thời gian thực hiện dự án.
2/. Các công trình xây dựng (Vườn ươm, Nhà kho, Văn phòng làm việc, đường sá…) được đầu tư trong thời gian thực hiện PACSA do Nhà thầu Nhật Bản chịu trách nhiệm xây dựng và được bàn giao ngay cho Ban quản lý dự án Tỉnh (giao tay ba) để phục vụ duy nhất cho các công việc thực hiện PACSA. Trường hợp sử dụng vào việc khác phải được sự đồng ý bằng văn bản của Nhà thầu chính Nhật Bản và Ban quản lý dự án Trung ương. Khi các công việc của PACSA kết thúc, các công trình nêu trên sẽ được bàn giao cho UBND tỉnh để tiếp tục quản lý và sử dụng cho các mục đích chăm sóc và bảo vệ diện tích rừng đã được trồng trong thời gian thực hiện PACSA.
3/. Đối với các loại tài sản khác:
Tài sản của văn phòng BQLDA các cấp được tiếp nhận từ nguồn PACSAhoặc được mua sắm từ nguồn vốn đối ứng là tài sản của Nhà nước, thuộc quyền quản lý của các Ban quản lý dự án. Việc kiểm kê đánh giá tài sản hàng năm phải tuân thủ theo chế độ quản lý tài sản hiện hành do Bộ Tài chính ban hành.
4/. Tài sản dự án là Rừng trồng được quản lý theo quy định hiện hành của Nhà nước và hướng dẫn cụ thể của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
5/. Khi kết thúc dự án, Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ phê duyệt tổng quyết toán dự án hoàn thành, xác định kinh phí kết dư và quyết định việc bàn giao tài sản, thành quả dự án PACSA cho UBND các tỉnh vùng dự án theo quy định hiện hành.
CHƯƠNG V
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 17.-Trong quá trình thực hiện quy chế này, nếu có khó khăn vướng mắc và phát sinh những vấn đề mới, yêu cầu các cơ quan, đơn vị phản ánh kịp thời về BQLDATU để báo cáo Bộ Nông nghiệp và PTNT nghiên cứu, sửa đổi và bổ sung cho phù hợp.
Reviews
There are no reviews yet.