QUYẾT ĐỊNH
CỦA BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO SỐ 01/2008/QĐ-BGDĐT
NGÀY 09 THÁNG 01 NĂM 2008
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ BỒI DƯỠNG NÂNG CAO TRÌNH ĐỘ
CHOGIÁO VIÊN TRƯỜNG TRUNG CẤP CHUYÊN NGHIỆP
BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
Căn cứ Nghị định số 178/2007/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, các cơ quan ngang bộ;
Căn cứ Nghị định số 85/2003/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ Nghị định số 166/2004/NĐ-CP ngày 16 tháng 9 năm 2004 của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục;
Căn cứ Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục;
Căn cứ Quyết định số 09/2005/QĐ-TTg ngày 11 tháng 01 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án “Xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục giai đoạn 2005-2010”;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về bồi dưỡng nâng cao trình độ chogiáo viên trường trung cấp chuyên nghiệp.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Điều 3. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp, thủ trưởng các đơn vị liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, giám đốc các sở giáo dục và đào tạo, thủ trưởng các bộ, ngành Trung ương và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hiệu trưởng các trường trung cấp chuyên nghiệp, thủ trưởng các cơ sở giáo dục có đào tạo trung cấp chuyên nghiệp chịu trách nhiệm thi
hành Quyết định này./.
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG THƯỜNG TRỰC
Bành Tiến Long
QUY ĐỊNH
Về bồi dưỡng nâng cao trình độ cho giáo viên
trường trung cấp chuyên nghiệp
(Ban hành kèm theo Quyết định số01/2008/QĐ-BGDĐT
Ngày 09tháng 01 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1.Văn bản này quy định về bồi dưỡng nâng cao trình độ cho giáo viên trường trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) bao gồm: nội dung, chương trình, hình thức bồi dưỡng; điều kiện tổ chức bồi dưỡng, đánh giá, công nhận kết quả bồi dưỡng.
2. Văn bản này áp dụng đối với giáo viên đang giảng dạy ở các trường TCCN và các cơ sở giáo dục có đào tạo trình độ TCCN (sau đây gọi chung là các trường).
Điều 2. Mục đích
1. Nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực sư phạm cho đội ngũ giáo viên, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo trình độ TCCN.
2. Là cơ sở pháp lý để các trường, cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo, thực hiện công tác bồi dưỡng nâng cao trình độ cho giáo viên TCCN.
Chương II
NỘI DUNG, CHƯƠNG TRÌNH, HÌNH THỨC BỒI DƯỠNG
Điều 3. Nội dung bồi dưỡng
1. Kiến thức về lý luận chính trị, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chiến lược phát triển kinh tế, xã hội, chiến lược phát triển giáo dục và những quan điểm của Đảng về đổi mới giáo dục nói chung, giáo dục nghề nghiệp nói riêng.
2. Kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, các kiến thức liên quan về các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực chuyên ngành.
3. Kiến thức nâng cao về năng lực sư phạm, trong đó chú trọng các phương pháp dạy học tiên tiến, ứng dụng công nghệ và sử dụng phương tiện đồ dùng dạy học, phương pháp đánh giá và kỹ năng thực hành giảng dạy.
Điều 4. Chương trình bồi dưỡng
1. Chương trình bồi dưỡng nâng cao trình độ giáo viên TCCN phải thể hiện được mục tiêu, nội dung, hình thức, phương pháp, thời gian bồi dưỡng, cách thức tổ chức và điều kiện thực hiện chương trình.
2. Chương trình bồi dưỡng nâng cao trình độ giáo viên TCCN bao gồm: bồi dưỡng nâng cao về trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, bồi dưỡng nâng cao năng lực sư phạm và các chương trình bồi dưỡng khác. Các chương trình bồi dưỡng này do hiệu trưởng các trường được giao nhiệm vụ bồi dưỡng ban hành.
Điều 5. Hình thức bồi dưỡng
1.Bồi dưỡng giáo viên TCCN được tiến hành theo các hình thức tập trung hoặc không tập trung. Các hình thức này có thể được thực hiện thông qua các hoạt động: tập huấn về chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp; bồi dưỡng chuyên đề; hội thảo khoa học; tham quan, nghiên cứu, khảo sát thực tế (trong nước hoặc ở nước ngoài).
2. Các hoạt động quy định ở khoản 1 Điều này có thể tổ chức bồi dưỡng thường xuyên hoặc định kỳ (ít nhất 2 năm một lần) tùy theo kế hoạch và tình hình thực tế của các Bộ, ngành, địa phương. Ngoài ra, giáo viên giảng dạy TCCN phải thường xuyên tự bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp của mình.
Điều6. Thời gian thực hiện chương trình bồi dưỡng
Thời gian bồi dưỡng nâng cao trình độ giáo viên TCCN được thực hiện tuỳ thuộc vào mục tiêu, nội dung, hình thức, phương pháp và điều kiện thực hiện đối với từng chương trình bồi dưỡng.
Chương III
ĐIỀU KIỆN TỔ CHỨC BỒI DƯỠNG;
ĐÁNH GIÁ, CÔNG NHẬN KẾT QUẢ BỒI DƯỠNG
Điều 7. Điều kiện để các trường được tổ chức bồi dưỡng
1. Đảm bảo về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện và đồ dùng dạy học về số lượng phòng học, kích thước phòng học đúng quy định; phòng thí nghiệm, thực hành, xưởng trường (tùy theo ngành nghề bồi dưỡng); có trang thiết bị, đồ dùng dạy học phù hợp với những ngành và chuyên ngành tổ chức bồi dưỡng.
2. Đảm bảo về số lượng và chất lượng đội ngũ giảng viên.
3. Chương trình bồi dưỡng, kế hoạch bồi dưỡng và các điều kiện liên quan (kinh phí tổ chức bồi dưỡng, nhu cầu bồi dưỡng) phải đáp ứng được mục tiêu và yêu cầu bồi dưỡng.
4. Giảng dạy đúng chương trình; đảm bảo thời gian, chất lượng bồi dưỡng và thường xuyên rà soát, điều chỉnh, cập nhật các nội dung tài liệu bồi dưỡng mới cho phù hợp với tình hình thực tế.
Điều 8. Đánh giá, công nhận kết quả bồi dưỡng
1. Cuối mỗi đợt bồi dưỡng (khoá học), các trường được giao nhiệm vụ bồi dưỡng có trách nhiệm tổ chức đánh giá kết quả bồi dưỡng.
2. Hình thức đánh giá phụ thuộc vào mục tiêu, nội dung chương trình, đối tượng người học. Đánh giá kết quả bồi dưỡng có thể được thực hiện bằng một trong các hình thức: thi, kiểm tra, làm tiểu luận, viết thu hoạch cá nhân.
3. Giáo viên sau khi hoàn thành chương trình bồi dưỡng được hiệu trưởng trường giao nhiệm vụ bồi dưỡng công nhận kết quả bồi dưỡng.
Điều 9. Chế độ chính sách đối với cán bộ, giảng viên các trường đượcgiao nhiệm vụ bồi dưỡng và giáo viên TCCN tham dự bồi dưỡng
Cán bộ, giảng viên các trường được giao nhiệm vụ làm công tác bồi dưỡnggiáo viên TCCN, khi tham gia công tác bồi dưỡng được hưởng quyền lợi theo chế độ quy định hiện hành của Nhà nước.
Thời gian tham dự bồi dưỡng của giáo viên TCCN được tính vào thời gian công tác trong năm theo quy định.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 10.Các cơ quan quản lý công tác bồi dưỡng
1. Các Bộ, ngành, uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, căn cứ vào nguồn ngân sách cụ thể, giao kinh phí bồi dưỡng giáo viên TCCN tới các sở hoặc trường thuộc phạm vi quản lý và thực hiện trách nhiệm quản lý, chỉ đạo việc thực hiện kế hoạch bồi dưỡng nâng cao trình độ cho giáo viên TCCN.
2. Các Sở Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc việc thực hiện Quy định này đối với các trường TCCN Trung ương và địa phương trên địa bàn; tham mưu với cấp ủy đảng và chính quyền địa phương để có chính sách về kinh phí cho công tác bồi dưỡng giáo viên. Hàng năm hoặc định kỳ, sở giáo dục và đào tạo có trách nhiệm tổ chức kiểm tra, đánh giá; tổ chức hội nghị sơ kết, tổng kết công tác bồi dưỡng giáo viên TCCN và báo cáo về Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Điều 11. Các trường đào tạo trình độ TCCN
1. Căn cứ vào nhu cầu bồi dưỡng giáo viên, chủ động xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, phát triển đội ngũ giáo viên TCCN của đơn vị mình theo từng giai đoạn, từng năm học.
2. Lập dự toán kinh phí cho công tác bồi dưỡng giáo viên TCCN, đề nghị cơ quan chủ quản cấp kinh phí bồi dưỡng hàng năm hoặc định kỳ và chuẩn bị các điều kiện đảm bảo khác để triển khai công tác bồi dưỡng giáo viên TCCN theo quy định.
3. Chủ động đề ra mục tiêu, yêu cầu bồi dưỡng, liên hệ, hợp đồng với các trường được giao nhiệm vụ bồi dưỡng giáo viên TCCN (nội dung, thời gian, địa điểm tổ chức lớp bồi dưỡng) để tổ chức các lớp bồi dưỡng.
4. Hiệu trưởng chịu trách nhiệm quản lý về công tác bồi dưỡng giáo viên; bố trí giáo viên tham dự chương trình bồi dưỡng sao cho phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị mình. Đảm bảo thực hiện giáo viên được bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm hàng năm và định kỳ, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để giáo viên được tham gia bồi dưỡng theo Quy định này.
5. Hàng năm tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm và gửi kế hoạch bồi dưỡng, báo cáo tổng kết về sở giáo dục và đào tạo, bộ, ngành quản lý trường và Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Điều 12. Khen thưởng và xử lý vi phạm
1. Tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác bồi dưỡng giáo viên được khen thưởng theo quy định hiện hành.
2. Tổ chức, cá nhân vi phạm Quy định này hoặc không chấp hành sự phân công của tổ chức về việc thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng giáo viên thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật./.
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG THƯỜNG TRỰC
Bành Tiến Long
Reviews
There are no reviews yet.