PHÁP LỆNH
THUẾ THU NHẬP ĐỐI VỚI NGƯỜI CÓ THU NHẬP CAO
Để góp phần thực hiện công bằng xã hội, động viên một phần thu nhập của cá nhân có thu nhập cao cho ngân sách Nhà nước;
Căn cứ vào Nghị quyết của quốc hội khoá VIII, kỳ họp thứ 6 ngày 28 tháng 12 năm 1989 về việc uỷ quyền cho Hội đồng Nhà nước quy định một số thuế mới;
Căn cứ vào Điều 80 và Điều 100 của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Pháp lệnh này quy định thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao.
CHƯƠNG I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1
Công dân Việt Nam và người nước ngoài có thu nhập tại Việt Nam theo quy định tại Điều 2 của Pháp lệnh này đều phải nộp thuế thu nhập.
Điều 2
Các khoản thu nhập thuộc diện chịu thuế thu nhập bao gồm:
1- Thu nhập thường xuyên dưới hình thức: tiền lương, tiền công, các khoản phụ cấp và tiền thưởng có tính chất tiền lương, tiền công từ trên 500.000 đồng/tháng/người đối với người Việt Nam hoặc từ trên 2.400.000 đồng/tháng/người đối với người nước ngoài.
2- Thu nhập không thường xuyên dưới hình thức: tiền hoặc hiện vật của người định cư ở nước ngoài gửi về, thu nhập về chuyển giao công nghệ, thu nhập không thường xuyên khác về thiết kế kỹ thuật xây dựng, về thiết kế công nghiệp và về dịch vụ khác từ trên 1.500.000 đồng /lần; riêng thu nhập trúng thưởng xổ số từ trên 10.000.000 đồng/lần.
Điều 3
Những khoản thu nhập không thuộc diện chịu thuế thu nhập được quy định như sau:
1- Tiền công tác phí, bồi dưỡng làm ca, nóng, độc hại, nguy hiểm, tiền phụ cấp khu vực ở vùng núi và hải đảo theo chế độ Nhà nước quy định; tiền thưởng về cải tiến kỹ thuật, sáng chế phát minh;
2- Tiền trợ cấp xã hội, trợ cấp hưu trí, trợ cấp thôi việc, trợ cấp điều động về cơ sở sản xuất;
3- Lợi tức của chủ hộ kinh doanh cá thể thuộc diện chịu thuế lợi tức theo quy định của Luật thuế lợi tức;
4- Thu nhập của công dân Việt Nam được cử đi công tác, hợp tác lao động, học tập ở nước ngoài đã làm tròn nghĩa vụ đóng góp với Tổ quốc theo chế độ Nhà nước quy định.
Điều 4
Trong trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác với Pháp luật này về việc nộp thuế thu nhập, thì áp dụng theo điều ước quốc tế đó.
Điều 5
Cá nhân thuộc diện nộp thuế thu nhập có nghĩa vụ nộp thuế đầy đủ theo quy định của Pháp lệnh này.
Điều 6
Nghiêm cấm mọi hành vi trốn thuế, dây dưa tiền thuế và các hành vi khác vi phạm những quy định của Pháp luật này.
Điều 7
Các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân và mọi công dân có trách nhiệm giám sát và giúp đỡ cơ quan thuế, cán bộ thuế trong việc thi hành nhiệm vụ thu thuế thu nhập.
CHƯƠNG II. CĂN CỨ TÍNH THUẾ VÀ BIỂU THUẾ THUẾ THU NHẬP
Điều 8
Căn cứ tính thuế là thu nhập và thuế suất.
Điều 9
Thu nhập thường xuyên chịu thuế là tổng số tiền của từng cá nhân thu được bình quân hàng tháng trong năm từ các khoản thu nhập quy định tại điểm 1, Điều 2 của Pháp lệnh này.
Điều 10
Biểu thuế luỹ tiến từng phần đối với thu nhập thường xuyên được quy định như sau:
1- Đối với công dân Việt Nam và cá nhân khác định cư tại Việt Nam:
Bậc |
Thu nhập bình quân tháng/người |
Thuế suất(%) |
1 |
đến 500.000 đ |
0 |
trên 500.000 đ đến 1.000.000 đ |
10 |
|
3 |
trên 1.000.000 đ đến 1.500.000 đ |
20 |
4 |
trên 1.500.000 đ đến 2.500.000 đ |
30 |
5 |
trên 2.500.000 đ đến 3.500.000 đ |
40 |
6 |
trên 3.500.000 đ |
50 |
Đối với cá nhân có thu nhập bình quân trên 5.000.000 đ/tháng, thì ngoài việc chịu thuế suất tối đa ghi trong Biểu thuế này, còn phải chịu thuế suất bổ sung 30% cho phần thu nhập trên 5.000.000 đ.
2- Đối với người nước ngoài có thu nhập tại Việt Nam:
Bậc |
Thu nhập bình quân tháng/người |
Thuế suất (%) |
1 |
đến 2.400.000 đ |
0 |
2 |
trên 2.400.000 đ đến 7.200.000 đ |
10 |
3 |
trên 7.200.000 đ đến 16.800.000 đ |
20 |
4 |
trên 16.800.000 đ đến 33.600.000 đ |
30 |
5 |
trên 33.600.000 đ đến 48.000 000 đ |
40 |
6 |
trên 48.000.000 đ |
50 |
Điều 11
Thu nhập không thường xuyên chịu thuế là số thu nhập của từng cá nhân trong từng lần, từng đợt, từ thu nhập theo quy định tại điểm 2, Điều 2 của Pháp lệnh này.
Điều 12
Biểu thuế luỹ tiến từng phần đối với thu nhập không thường xuyên được quy định như sau:
Bậc |
Thu nhập mỗi lần phát sinh |
Thuế suất (%) |
1 |
đến 1.500.000 đ |
0 |
2 |
trên 1.500.000 đ đến 3.000.000 đ |
5 |
3 |
trên 3.000.000 đ đến 7.500.000 đ |
10 |
4 |
trên 7.500.000 đ đến 15.000.000 đ |
15 |
5 |
trên 15.000.000 đ đến 22.500.000 đ |
20 |
6 |
trên 22.500.000 đ |
30 |
Riêng đối với thu nhập về chuyển giao công nghệ trên 1.500.000 đ/lần được tính theo tỷ lệ thống nhất 5%; thu nhập trúng thưởng xổ số trên 10.000.000 đồng/lần được tính theo tỷ lệ thống nhất 10%.
Điều 13
Thu nhập bằng hiện vật hoặc bằng ngoại tệ thì phải quy đổi ra tiền Việt Nam để làm căn cứ tính thuế.
Hiện vật được tính theo giá thị trường lúc phát sinh thu nhập bằng hiện vật.
Ngoại tệ được tính theo tỷ giá mua vào của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm có thu nhập bằng ngoại tệ.
Đối với ngoại tệ chưa được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tỷ giá thì được tính theo tỷ giá do Bộ trưởng Bộ Tàichính quy định.
CHƯƠNG III. KÊ KHAI, NỘP THUẾ THU NHẬP
Điều 14
Thuế thu nhập đối với thu nhập thường xuyên tính theo năm, kê khai và tạm nộp hàng tháng. Cuối năm hoặc hết hạn hợp đồng trong năm, phải tính toán lại và thanh toán với cơ quan thuế chậm nhất không quá ngày 28 tháng 2 năm sau hoặc sau ba mươi ngày, kể từ ngày hết hạn hợp đồng.
Điều 15
Thuế thu nhập đối với khoản thu nhập không thường xuyên nộp theo từng lần, từng đợt.
Điều 16
Người nộp thuế thu nhập phải thực hiện kê khai, nộp thuế đầy đủ, đúng thời hạn theo chế độ do Bộ Tàichính quy định.
Điều 17
Bộ Tàichính tổ chức việc thu thuế thu nhập và có quyền uỷ nhiệm cho cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, gọi chung là tổ chức, thực hiện việc khấu trừ thuế thu nhập trước khi chi trả thu nhập.
Tổ chức được uỷ nhiệm khấu trừ thuế thu nhập được hưởng từ 0,5% đến 1% số tiền thuế đã nộp vào ngân sách Nhà nước theo quy định của Bộ Tàichính.
Điều 18
Tổ chức được uỷ nhiệm khấu trừ thuế thu nhập có trách nhiệm:
1- Kê khai đầy đủ với cơ quan thuế số người trong đơn vị thuộc đối tượng nộp thuế, các khoản thu nhập thường xuyên và không thường xuyên phải chịu thuế;
2- Giữ sổ sách, chứng từ kế toán có liên quan đến thu nhập tính thuế của những người có thu nhập do đơn vị chi trả và xuất trình khi cơ quan thuế yêu cầu;
3- Nhận tờ khai của người nộp thuế và nộp cho cơ quan thuế;
4- Khấu trừ, thông báo số thuế thu nhập phải nộp của từng người và nộp vào ngân sách Nhà nước theo quy định.
Điều 19
Cơ quan thuế có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
1- Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc kê khai tính thuế, nộp thuế thu nhập;
2- Lập sổ thuế, thu thuế thu nhập và cấp biên lai thu thuế;
3- Lập biên bản và xử phạt hành chính theo thẩm quyền hoặc đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các vi phạm Pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao;
4- Xem xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo về thuế thu nhập.
CHƯƠNG IV. GIẢM THUẾ MIỄN THUẾ THU NHẬP
Điều 20
Trong trường hợp bị thiên tai, dịch hoạ, tai nạn ảnh hưởng đến đời sống của người nộp thuế, thì người nộp thuế được xét giảm thuế hoặc miễn thuế thu nhập.
Hội đồng bộ trưởng quy định thể thức xét giảm thuế, miễn thuế thu nhập.
CHƯƠNG V. XỬ LÝ VI PHẠM VÀ KHEN THƯỞNG
Điều 21
1- Việc xử lý các vi phạm Pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao được quy định như sau:
a) Cá nhân, tổ chức không làm đúng những quy định về thủ tục kê khai, lập sổ sách, chứng từ kế toán về thuế thu nhập, không khấu trừ số thu thuế thu nhập theo đúng quy đinh, thì tuỳ theo mức độ nhẹ hoặc nặng mà bị cảnh cáo hoặc phạt tiền đến năm trăm nghìn đồng;
b) Cá nhân, tổ chức có hành vi khai man, trốn thuế thì ngoài việc phải nộp đủ số thuế thu nhập theo quy định của Pháp lệnh này còn bị phạt tiền từ một đến ba lần số thuế gian lậu:
– Vi phạm lần thứ nhất: phạt một lần;
– Vi phạm lần thứ hai: phạt hai lần;
– Vi phạm lần thứ ba trở lên: phạt ba lần;
Trong trường hợp vi phạm có tình tiết nặng thì lần vi phạm thứ nhất cũng có thể bị phạt từ hai đến ba lần số thuế gian lậu;
c) Cá nhân, tổ chức nộp chậm tiền thuế hoặc tiền phạt ghi trong lệnh thu thuế hoặc quyết định xử phạt thì ngoài việc phải nộp đủ số thuế hoặc tiền phạt theo quy định của Pháp lệnh này, mỗi ngày nộp chậm còn bị phạt 0,5% (năm phần nghìn) số tiền nộp chậm;
d) Cá nhân, tổ chức dây dưa nộp thuế, nộp phạt thì bị xử lý như sau:
– Trích tiền của tổ chức, cá nhân có tại Ngân hàng để nộp thuế, nộp phạt. Ngân hàng có trách nhiệm thực hiện chế độ ưu tiên trích tiền của tổ chức, cá nhân gửi tại ngân hàng để nộp thuế, nộp phạt vào ngân sách Nhà nước theo lệnh thu và quyết định xử lý của cơ quan thuế;
– Kê biên Tàisản theo quy định của pháp luật để bảo đảm tiền thuế, tiền phạt còn thiếu.
2- Cá nhân trốn thuế với số lượng lớn hoặc đã bị xử lý hành chính theo các điểm a, b, c, d khoản 1, Điều này mà còn vi phạm hoặc trốn thuế với số lượng rất lớn hoặc phạm tội trong các trường hợp nghiêm trọng khác thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 169 của Bộ luật hình sự.
Điều 22
Thẩm quyền xử lý vi phạm quy định tại khoản 1, Điều 21 của Pháp lệnh này được quy định như sau:
1- Đối với vi phạm quy định tại điểm a:
a) Trưởng trạm thuế được phạt tiền đến năm mươi nghìn đồng;
b) Trưởng chi cục thuế huyện hoặc cấp tương đương được phạt tiền đến hai trăm nghìn đồng;
c) Trưởng cục thuế tỉnh hoặc cấp tương đương được phạt tiền đến năm trăm nghìn đồng.
2- Đối với vi phạm quy định tại điểm b:
a) Trưởng chi cục thuế huyện hoặc cấp tương đương được phạt một lần số thuế gian lậu;
b) Trưởng cục thuế tỉnh hoặc cấp tương đương được phạt đến ba lần số thuế gian lậu.
3- Trưởng chi cục thuế trực tiếp quản lý đối tượng nộp thuế thu nhập được phạt về nộp thuế chậm theo quy định tại điểm c, điểm d, khoản 1, Điều 21 của Pháp lệnh này.
Điều 23
Cá nhân cản trở hoặc xúi giục người khác cản trở việc thi hành Pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao hoặc cản trở việc điều tra và xử lý các vụ vi phạm Pháp lệnh này, thì tuỳ theo mức độ nhẹ hoặc nặng mà bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Điều 24
Cán bộ thuế, cá nhân khác lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm dụng, tham ô tiền thuế thu nhập, thì phải bồi thường cho Nhà nước toàn bộ số thuế đã chiếm dụng, tham ô và tuỳ theo mức độ vi phạm nhẹ hoặc nặng mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Cán bộ thuế, cá nhân khác lợi dụng chức vụ, quyền hạn bao che cho người vi phạm Pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao, cố ý làm trái hoặc thiếu trách nhiệm trong việc thi hành Pháp lệnh này thì tuỳ theo mức độ vi phạm nhẹ hoặc nặng mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Cán bộ thuế, do thiếu tinh thần trách nhiệm hoặc cố tình xử lý sai, gây thiệt hại cho người nộp thuế hoặc người bị xử lý, thì phải bồi thường cho người bị thiệt hại.
Điều 25
Hội đồng bộ trưởng quy định chế độ khen thưởng đối với:
1- Cơ quan thuế, cán bộ thuế hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao;
2- Người có công phát hiện các vụ vi phạm Pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao.
CHƯƠNG VI. KHIẾU NẠI, THỜI HIỆU
Điều 26
Tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại việc thi hành Pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao không đúng đối với tổ chức, cá nhân mình.
Đơn khiếu nại phải được gửi đến cơ quan thuế trực tiếp quản lý hoặc quyết định xử lý trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được thông báo khấu trừ, lệnh thu hoặc quyết định xử lý.
Trong khi đợi giải quyết, người khiếu nại phải nộp đủ và đúng thời hạn số tiền thuế, tiền phạt đã được thông báo.
Cơ quan nhận đơn khiếu nại phải xem xét, giải quyết trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận đơn. Đối với những vụ phức tạp, có thể kéo dài thời hạn nhưng không quá ba mươi ngày, kể từ ngày nhận đơn.
Điều 27
Nếu người khiếu nại không đồng ý với quyết định của cơ quan nhận đơn hoặc để quá thời hạn trên mà chưa giải quyết, thì người khiếu nại có quyền khiếu nại lên cơ quan cấp trên trực tiếp của cơ quan nhận đơn.
Điều 28
Cơ quan thuế phải thoái trả tiền thuế hay tiền phạt thu không đúng và trả tiền bồi thường nếu có, trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận quyết định xử lý của cấp trên.
Điều 29
Nếu phát hiện và kết luận có sự khai man, trốn thuế, lậu thuế hoặc nhầm lẫn về thuế thì cơ quan thuế có quyền ra lệnh truy thu hoặc truy hoàn thuế trong thời hạn ba năm, kể từ ngày khai man, trốn thuế, lậu thuế hoặc nhầm lẫn về thuế.
CHƯƠNG VII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 30
Hội đồng bộ trưởng lãnh đạo việc tổ chức thực hiện công tác thuế thu nhập trong cả nước.
Điều 31
Bộ trưởng Bộ Tàichính có trách nhiệm tổ chức thực hiện, kiểm tra công tác thuế thu nhập trong cả nước; giải quyết các khiếu nại, kiến nghị về thuế thu nhập thuộc thẩm quyền của mình.
Điều 32
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp chỉ đạo việc thực hiện và kiểm tra việc thi hành Pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao trong địa phương mình.
CHƯƠNG VIII. ĐIỀU KHOẢN CUỐI CÙNG
Điều 33
Những quy định trước đây trái với Pháp lệnh này đều bãi bỏ.
Điều 34
Pháp lệnh này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 04 năm 1991.
Điều 35
Trong trường hợp giá cả thị trường biến động từ 20% trở lên thì Hội đồng Bộ trưởng trình Hội đồng Nhà nước điều chỉnh các mức bằng tiền trong Biểu thuế thuế thu nhập cho phù hợp.
Reviews
There are no reviews yet.